Wednesday, July 18, 2012

CÔNG LÝ VỊT


Dân Làm Báo - Báo lề đảng đã đưa tin: Y án bốn năm tù trung tá công an làm chết người. Không thấy báo lề đảng ta đăng luôn hình ảnh mọi người mặc áo đen với 2 hàng chữ trước và sau - "Stop police killing civilians" và "Justice for all" cho nó đẹp và thông tin sát sườn với thực tế. Phóng viên ta cũng chỉ viết được:


"Trong lúc hai bên giằng co, một dân phòng chạy đến bẻ quặt tay của ông Tùng ra sau lưng, còn Ninh túm tóc, ấn ghì đầu nạn nhân xuống mặt đất, nằm trên vỉa hè. Sau đó, ông Tùng bị khóa tay đưa về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt. Tại trụ sở công an, ông Tùnghai lần nôn mửa. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, Công an phường Thịnh Liệt mới đưa ông Tùng đi cấp cứu tại BV Bạch Mai. Đến ngày 8-3, ông Tùng tử vong sau nhiều ngày mê man bất tỉnh trên giường bệnh. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho ông Tùng là do tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ do lực tác động mạnh, kèm theo liệt tủy..."

Thế thì bàn tay giết người "rất bình tĩnh để xử lý tình huống" của Trung tá công an đảng ta chắc là nguyên nhân... gián tiếp?

Còn đồng chí dân (đề) phòng nào đó bẻ quặt tay ông Tùng, chắc quan toà cho là... gián gián tiếp nên chỉ cần xử lý nội bộ là yên bình đảng ta.

Riêng các đồng chí công an trong cái đồn vào-Thịnh-ra-Liệt đó không cho nạn nhân đang nguy kịch vào bệnh viện, mặc dù thân nhân đã yêu cầu, năn nỉ (dữ kiện này phóng viên phatluattp "bị" quên) chắc hẳn thuộc thành phần gián gián gián tiếp nên được xem như... vô tư như người Hà Nội?

Vì thế cho nên chỉ 4 năm tù dành cho đồng chí trung tá còn đảng còn mình - nhẹ hều so với tổng cộng 13 năm tù dành cho ba nông dân ở Lâm Đồng về tội cướp 2 con vịt hàng xóm đem về nhà nhậu chơi.

Ba nông dân xứ Lâm Đồng - Trương Ngọc Quyền năm năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người bốn năm tù, không biết ai là người trực tiếp nắm đầu con vịt, ai là người trực tiếp bẻ quặt đôi cánh chú vịt, và ai là người trực tiếp cắt tiết con vịt?

Chỉ đoán... đại rằng 2 con vịt xấu số này đã được giám định pháp y tuyên bố Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho 2 con vịt không phải do tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ (cánh) do lực tác động mạnh, kèm theo liệt tủy...

2 con vịt ở Lâm Đồng và ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội. Công lý thuộc về "ai"?

Ở đất nước CHXHCN độc lập, tự do, hạnh phúc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, công lý đứng về phía vịt.

Công lý của đảng ta nên được gọi là công lý... vịt.

Dân Làm Báo
danlambaovn.blogspot.com


Y ÁN BỐN NĂM TÙ CHO CÔNG AN ĐÁNH CHẾT NGƯỜI

Thanh Lưu (phapluattp) - Ngày 17-7, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên y án bốn năm tù đối với Nguyễn Văn Ninh (nguyên trung tá Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.

Theo hồ sơ, ngày 28-2-2011, Ninh cùng tổ dân phòng tự quản được phân công làm nhiệm vụ xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông đường bộ tại đường vành đai đối diện cổng phụ Bến xe phía Nam. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, Ninh phát hiện ông Trịnh Xuân Tùng không đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy do người khác điều khiển. Ninh đã cho dừng xe, thông báo lỗi, đồng thời lập biên bản xử phạt hành chính lái xe với mức tiền 150.000 đồng. Người lái xe máy không ký biên bản. Đến 15 giờ, người này chở ông Tùng quay lại gặp Ninh xin nộp phạt với mức 100.000 đồng và đề nghị được hủy biên bản vi phạm, lấy lại giấy đăng ký xe thì xảy ra tranh cãi.

Trong lúc hai bên giằng co, một dân phòng chạy đến bẻ quặt tay của ông Tùng ra sau lưng, còn Ninh túm tóc, ấn ghì đầu nạn nhân xuống mặt đất, nằm trên vỉa hè. Sau đó, ông Tùng bị khóa tay đưa về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt.

Tại trụ sở công an, ông Tùng hai lần nôn mửa. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, Công an phường Thịnh Liệt mới đưa ông Tùng đi cấp cứu tại BV Bạch Mai. Đến ngày 8-3, ông Tùng tử vong sau nhiều ngày mê man bất tỉnh trên giường bệnh. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho ông Tùng là do tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ do lực tác động mạnh, kèm theo liệt tủy.

Sau phiên sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, gia đình nạn nhân đã kháng cáo yêu cầu tòa thay đổi tội danh đối với bị cáo thành giết người và truy cứu trách nhiệm hình sự các dân phòng có liên quan.

Thanh Lưu
http://phapluattp.vn/2012071711231277p1063c1016/y-an-bon-nam-tu-trung-ta-cong-an-lam-chet-nguoi.htm


Y án sơ thẩm nguyên trung tá công an làm chết người 

TTO - Sáng 17-7, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm (4 năm tù giam) đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh, nguyên trung tá công an, về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.


Phiên tòa phúc thẩm vụ án nguyên trung tá công an làm chết người trong khi thi hành công vụ

Dự phiên tòa, đại diện gia đình bị hại có mẹ, vợ và hai con gái của ông Trịnh Xuân Tùng (trú tại Q.Hai Bà Trưng).

Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tối cao đã bác toàn bộ kháng cáo của cả gia đình bị hại lẫn bị cáo, cho rằng cấp sơ thẩm đã làm việc nghiêm minh, dựa trên lời khai của các nhân chứng và các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Ninh (nguyên trung tá công an, công tác tại CA phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xin lỗi gia đình bị hại và xin được tha thứ.

Trước đó, khoảng 10g30 ngày 28-2-2011, trung tá Nguyễn Văn Ninh đang giữ gìn trật tự tại khu vực bến xe phía Nam thì phát hiện ông Trịnh Xuân Tùng không đội mũ bảo hiểm ngồi sau xe môtô do ông Phạm Quân Hùng (ở Q.Đống Đa) điều khiển. Trung tá Ninh lập biên bản xử phạt hành chính với mức tiền là 150.000 đồng nhưng ông Hùng không ký và bỏ đi.

Chiều cùng ngày, ông Hùng chở ông Tùng và ông Cường (hành nghề xe ôm) quay lại gặp Ninh xin nộp 100.000 đồng và đề nghị hủy biên bản vi phạm, lấy lại giấy tờ xe nhưng không được. Hai ông Tùng và Hùng đã lăng mạ trung tá Ninh rồi bỏ đi, sau đó một lúc ông Tùng quay lại tiếp tục có hành vi và lời nói lăng mạ đối với ông Ninh.

Trung tá Ninh đã bắt giữ bằng cách túm tóc gáy ông Tùng giật lại, ấn ghì đầu làm ông Tùng ngã nghiêng mặt xuống đất. Ông Tùng bị khóa tay đưa về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt.

Tại đây, ông Tùng kêu đau nhưng phải đến 21g mới được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó chuyển lên Bệnh viện Việt - Đức. Sau nhiều ngày nằm điều trị, ông Tùng đã tử vong vào ngày 8-3-2011.

Bản giám định pháp y của Viện Pháp y quân đội kết luận: nguyên nhân trực tiếp gây tử vong của ông Tùng là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ, gây trật đốt C4 kèm theo liệt tủy. Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Ninh, đồng thời gia đình bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại số tiền là 500 triệu đồng.

Tại phiên sơ thẩm, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Ninh 4 năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, gia đình bị hại đã có đơn kháng án đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu; xem xét trách nhiệm các dân phòng tham gia khống chế ông Tùng và trách nhiệm của trực ban phường Thịnh Liệt khi không đưa ông Tùng đi cứu chữa kịp thời.

Bị cáo Ninh cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

HOÀNG ĐIỆP

MỘT MẠNG NGƯỜI, 4 NĂM TÙ VÀ SỰ CỔ VŨ CHO VIỆC LẠM QUYỀN TRONG NGÀNH CÔNG AN

Mẹ Nấm

Bản thân mình làm đúng, không có gì sai trái... rất bình tĩnh để xử lý tình huống... - Thái độ của kẻ đánh chết người.

Bị cáo Nguyễn Văn Ninh đã làm đúng, rất đúng - Thái độ của VKS.

Và đây là kết quả: y án 4 năm tù cho một hành động giết người rất đúng, rất bình tĩnh.

Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh vẫn khẳng định trước tòa là mình bình tĩnh, không có dấu hiệu hối tiếc gì về cái chết của một con người dưới bàn tay sát thủ của ông ta. Những dân phòng và công an có trách nhiệm liên đới vẫn an toàn đứng ngoài vòng pháp luật nhờ cái vòng xử lý nội bộ che chắn.

Trước phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Ninh một mực khẳng định là mình làm đúng quy trình, hành vi của bị cáo không có gì vi phạm. Trả lời tiếp câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc xử lý tình huống vi phạm có đến mức cần thiết phải ghì nạn nhân xuống đến độ trật đốt sống cổ không?

Bị cáo Ninh đã trả lời: Thái độ của bị cáo lúc ấy rất bình tĩnh, bình thường. Hành vi bắt người là chính đáng do bị cáo đã được học, được trang bị kiến thức để làm sao bắt được đối tượng nhanh nhất nên theo bản án sơ thẩm với tội danh làm chết người trong khi thi hành công vụ là đúng, nhưng theo bị cáo, mức án 4 năm tù là quá nặng.

Thái độ hoàn toàn điềm tĩnh của Nguyễn Văn Ninh, khi nhìn nhận lại hành vi tước đoạt mạng sống người khác, khiến người ta hoàn toàn có thể khẳng định tính "sát thủ chính danh" được đào tạo bài bản của ngành công an.

Sử dụng hành vi bạo lực đối với người không có vũ khí tự vệ trong tay, và chỉ có một mình, dẫn đến hậu quả chết người, mà không khiến bị cáo thay đổi suy nghĩ về chức năng, nghĩa vụ và quyền hạn của ngành công an trong tình huống này, thì quả thật là một mối nguy hiểm cho xã hội, khi mặc nhiên thừa nhận sự uy quyền của những người sở hữu loại "giấy phép sát nhân" như thế này.

Nguy hiểm hơn là khi có sự đồng tình "đúng và rất đúng" của Viện kiểm sát.

Tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ" sẽ luôn là tình tiết giảm nhẹ đối với hành vi giết người của những người thừa hành pháp luật như lực lượng công an. Và điều này có lẽ lý giải được lý do vì sao tình trạng người dân bị đánh đập, bị tước đoạt mạng sống tại đồn công an ngày một gia tăng mà không có biện pháp xử lý triệt để.

Và hôm nay, thêm một lần nữa, điều này đã được bảo kê bởi các quan toà phúc thẩm.

Khi bác bỏ mọi kháng cáo đề nghị hủy bản án phúc thẩm, thay đổi tội danh với bị cáo Nguyễn Văn Ninh từ "làm chết người trong khi thi hành công vụ" sang tội "cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người" (khoản 3, điều 104 Bộ luật Hình sự), bác bỏ yêu cầu xử lý nghiêm minh những dân phòng và công an trực ban có liên đới trong đêm xảy ra sự việc đau lòng của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng là thêm một lần nữa những người đại diện pháp luật hôm nay, đã góp phần củng cố niềm tin bất khả xâm phạm cho lực lượng công an "là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ".

4 năm tù cho một mạng người, và còn rất nhiều mạng sống khác bị tước đoạt bởi bàn tay của lực lượng công an như bị cáo Ninh nữa.

Quyết định của toà phúc thẩm ngày hôm nay chính là hành động nuôi dưỡng và tiếp tay cho việc lạm quyền của ngành công an - trong đó có những sát thủ lạnh lùng như Trung tá Nguyễn Văn Ninh và các dân phòng, cùng công an trực ban có mặt tại đồn Thịnh Liệt vào ngày xảy ra vụ án.



Mẹ Nấm

No comments:

Post a Comment