Tuesday, April 8, 2014

TANG LỄ NGƯỜI TRÍ THỨC YÊU NƯỚC, CHIẾN SỸ CHỐNG CỘNG KIÊN CƯỜNG ĐINH ĐĂNG ĐỊNH

Vào lúc 9 giờ 35 phút tối 03 tháng 04 năm 2014 thầy giáo Đinh Đăng Định một người bất đồng chính kiến nổi tiếng đã từ trần vì chứng bệnh ung thư. Sự ra đi của ông đã để lại thương tiếc cho nhiều người biết ông trực tiếp hay gián tiếp qua các cơ quan truyền thông quốc tế hay trên trang mạng xã hội.
Một trí thức yêu nước
Thầy giáo Đinh Đăng Định điển hình cho một trí thức yêu nước đúng nghĩa. Ông bỏ thời giờ, công sức và cả sinh mạng để đòi hỏi nhà cầm quyền bãi bỏ dự án bauxite vốn đang làm cho nơi ông cư trú có những biểu hiện ô nhiễm cũng như cả đất nước đang bị ô nhiễm vì sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không những lên tiếng ông còn viết thư thỉnh nguyện tìm 3.000 chữ ký do chính ông cầm đi xin từng người lẫn tung ra trên mạng. Những tận lực không mệt mỏi ấy đã đẩy ông vô tù với bản án 6 năm tù giam về tội "Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”, hoạt động và tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Qua những phát biểu của thầy Định trong những ngày cuối đời thể hiện tinh thần luôn luôn giữ vững cái con đường mình chọn. 
-Đinh Hữu Thoại

Bị gửi đi An Phước thụ án, nhà giáo Đinh Đăng Định phải chống chọi lại với một bản án khác đó là căn bệnh ung thư ở giai đoạn 3, tiếc thay tuy được thông báo nhưng trại giam đã rất nhiều lần làm ngơ không cho ông đi bệnh viện để cứu chữa.
Ngày 15 tháng 2 năm 2014 sau khi thấy không thể im lặng được nữa, ông được hoãn thi hành án vì bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Tính đến lúc ấy thì ông đã thụ án hơn 27 tháng tù giam.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 2014 Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá cho người tù nhân lương tâm này sau khi căn bệnh của ông đã hết phương cứu chữa.
14 ngày sau khi nhận được đặc xá thầy giáo Đinh Đăng Định đã từ trần tại căn nhà ọp ẹp nghèo khó của ông tại Đak Nông sau khi được làm phép thanh tẩy để trở thành con chiên của Thiên chúa giáo.
Linh mục Đinh Hữu Thoại nói về phép rửa đặc biệt cho người thầy giáo cũng đặc biệt này:

Lễ tang thầy giáo Đinh Đăng Định tại DCCT Sài Gòn hôm 06/04/2014. Courtesy Blog Quê Choa.
“Ngày cuối cùng qua con gái của ông là Thảo cho biết ông có lòng ước ao muốn được làm con cái Chúa và có lẽ cái bài tác động cuối cùng đối với ông là bài ông Nguyễn Hữu Cầu với cha Nguyễn Công Đoan, bé Thảo có đọc cái bài đó và nói chuyện với bố và thầy Định ngỏ ý muốn được rửa tội để theo đạo.
Mới sáng hôm qua tôi nghe được cái ước nguyện đó thì tôi bàn với cha Thanh phải gấp rút cho ông rửa tội chứ ông yếu lắm rồi. Cha Thanh tới nhà và mới thanh tẩy cho ông vào 4 giờ chiều hôm qua. Trên đường cha Thanh trở về Sài gòn thì nghe tin ông mất.”
Vợ ông, bà Đặng Thị Dinh người theo ông suốt cuộc đời cho biết những ngày cuối cùng của người chồng đầy sức mạnh của bà:
“Từ hôm anh ấy từ bệnh viện về thì sức khỏe rất yếu. Từ hôm về đến nay anh ấy yếu lắm không nói được vì không ăn được gì cả mấy tháng nay anh không nói được nhiều.
Lúc mà anh biết mình bị ung thư thì anh nói sau này anh có mất thì mẹ con mang ảnh đi hỏa táng chứ không cần chôn làm gì tốn đất, cái thứ hai anh ấy muốn làm con Chúa bởi vì lúc nào anh ấy đau đớn trong người ảnh cũng cầu Chúa giúp cho ảnh được thanh thoát và bớt đau đi, lúc nào anh cũng muốn thế. Khi ảnh đau ảnh nói là nếu sau này ảnh có sao thì nhờ bên Dòng Chúa giúp anh để anh được làm con cái Chúa đề khi có mất đi ảnh cũng được làm con của Chúa.”
Nhiều người yêu mến ông
Trong những người bạn tù của ông người ta thấy rất nhiều người có mặt trong lễ tang. Khi được hỏi tại sao lại có nhiều người yêu mến ông ấy như thế ông Huỳnh Anh Tú cho biết:
“Nếu nói về phẩm chất thì trước tiên phải nói đối với bạn tù thì anh Định rất tốt. Thỉnh thoảng được gia đình thăm nuôi thì ảnh cũng chia sẻ. Chính tôi cũng đã được sự giúp đỡ của anh Định tôi rất cảm phục anh về việc này.
Còn đối với lập trường và ý chí anh định cũng rất mạnh mẽ. Đôi khi trong trại họ dùng hình thức này hay hình thức khác để o ép chúng tôi, có lần anh em chúng tôi tuyệt thực để đòi hỏi những nhu cầu chính đáng theo pháp luật thì chính anh Định cũng có mặt.
Có những buổi họp anh Định đề xuất trong văn bản cuộc họp anh ấy nói bây giờ tôi không muốn nói gì nhiều, chỉ muốn đề nghị cán bộ chuyển lên Bộ chính trị tôi yêu cầu là đất nước Việt Nam phải đa đảng rồi chừng đó mấy anh mới nói về tự do dân chủ tại Việt Nam. Qua buổi họp đó tôi rất ngưỡng mộ anh Định vì anh rất kiên cường.
Khi nghe tin anh bệnh tôi tới thăm thì có vẻ anh rất buồn tuy vậy trong đó nếu có sự ép buộc nào thì anh ấy cũng sẵn sàng đứng ra hết. Nhìn chung anh rất đáng ngưỡng mộ và chính tôi cũng rất mến ảnh.”
Còn đối với lập trường và ý chí anh định cũng rất mạnh mẽ. Đôi khi trong trại họ dùng hình thức này hay hình thức khác để o ép chúng tôi, có lần anh em chúng tôi tuyệt thực để đòi hỏi những nhu cầu chính đáng theo pháp luật thì chính anh Định cũng có mặt. 
-Huỳnh Anh Tú
Ý kiến Linh mục Đinh Hữu Thoại về việc nhiều người kính trọng người tù trí thức này:
“Tôi thấy họ ngưỡng mộ cái chí khí và tinh thần của thầy Định kiên cường cho tới giờ phút cuối cùng. Qua những phát biểu của thầy Định trong những ngày cuối đời thể hiện tinh thần luôn luôn giữ vững cái con đường mình chọn. Họ cũng quý con người dám lên tiếng cho những gì mình nghĩ nhất là vấn đề bảo vệ môi trường Tây nguyên, thầy chết vì chính nghĩa đó cho nên được ngưỡng mộ.”
Đinh Phương Thảo, con gái lớn nhất của người tù lương tâm này đã theo chăm sóc cha suốt những ngày trên giường bệnh, cô kể lại kinh nghiệm khó quên của người cha khi cô nhìn thấy ông quằn quại rên xiết trên giường bệnh:
“Dạ thưa cái hồi mà bố con nằm bệnh viện bố con ói liên miên vì những cơn đau hành hạ thì con nói với bố con như thế này: ‘con căm thù lắm bố ơi, họ đẩy bố đến nông nỗi này con căm thù lắm’ nhưng mà bố con bảo: ‘Con không được như thế. Khi người ta đối xử với mình bằng bạo tàn, bằng lòng căm thù, bằng bạo lực thì con không được dùng cái đó đối xử lại mà con phải dùng lòng từ bi để đối xử lại với văm thù’. Con nghe lời dạy của bố con nên từ đó trở đi thì con dùng lòng từ bi của bố đế đối xửa lại với họ chứ không có một chút gì căm hờn đâu, thưa chú.”
Một người theo dõi sát sao trường hợp của thầy giáo Đinh Đăng Định là LS Nguyễn Bắc Truyển nói về tang lễ:
“Hôm nay tại Dòng Chúa Cứu Thế số 38 Kỳ Đồng rất đông thân hữu, các tù nhân chính trị các nhà đấu tranh và giáo dân đã tới viếng thầy giáo Đinh Đăng Định. Cách dây ba ngày khi thầy Định vừa mất thì lãnh sự quán có liên hệ tôi để hỏi thăm về nơi quàn ở đâu để Tổng lãnh sự gửi vòng hoa tới viếng.”
Ngay sau khi được hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh thầy giáo Đinh Đăng Định đã trả lời Gia Minh của đài chúng tôi với những câu tâm huyết:
“Điều mà tôi muốn tâm sự cùng quí khán thính giả của Đài Á châu Tự do là những thế hệ bậc đàn anh của tôi, những nhà trí thức yêu nước đi trước, họ đã hy sinh, họ đã dấn thân, họ đã cống hiến thân mình và cả gia đình mình cho Quốc gia Dân tộc. Sự nghiệp vẫn còn dang dở.
Tôi chỉ là một cá nhân đơn thuần đóng góp vào con đường ấy. Đến bây giờ con đường ấy cũng chưa đi tới đích, song tôi tin chắc rằng, con đường ấy nhất định ngày càng trải thảm rộng rãi.
Hy vọng rằng các thế hệ người Việt Nam, nhất là tầng lớp trí thức trẻ tuổi cũng như tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam sẽ bước tiếp con đường ấy để có ngày nền dân chủ, tự do của Việt Nam sẽ thành hiện thực.”
Không ai ngờ rằng chỉ một thời gian rất ngắn sau khi phát biểu thì người con gái của ông lại lên tiếng trên đài Á Châu Tự Do nhưng là để cám ơn sau khi ông mất:
“Con xin gửi lời cám ơn của gia đình con tới quý đài cũng như tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới. Quý đài cũng như mọi người luôn luôn theo dõi từng bước gia đình con, theo dõi bố con từ những ngày đầu xửa án đến nay. Quý đài cũng luôn kịp thời cập nhật thông tin đến mọi người. Gia đình con không biết nói gì chỉ mong nhận lời cảm ơn của gia đình tới với mọi người.”
Thầy giáo Đinh Đăng Định từng là một sỹ quan quân đội Nhân dân Việt Nam trước khi trở thành giáo viên dạy hóa tại trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn ở Đăk Nông do đó trong lễ tang ông tổ chức tại DCCT Sài Gòn đã có rất nhiều giáo viên cùng trường tới viếng.
Không ai bất ngờ về cái chết sẽ xảy ra cho ông nhưng đối với nhiều người vẫn cho rằng người tốt như ông đáng ra không thể chết vì con đường dân chủ pháp trị mà ông đeo đuổi vẫn còn quá nhiều bừa bộn và gian nan cho những người còn lại.






No comments:

Post a Comment