Ðây là một cuốn sách thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng,
cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.” Hai cuốn trước đó là “Hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập”
và “Khi đồng minh tháo chạy.” Tất cả những tác phẩm của ông đều rất đồ sộ với
phần tổng hợp những chứng liệu đã được giải mật của Hoa Kỳ và bộ sưu tập của
riêng ông.
Từng là Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu, cho nên những điều mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết ra trong
tác phẩm của ông phải là những điều cần đọc và nên đọc. Ðiểm cần nhấn mạnh ở đây
rằng lần này, có phần tâm tư của Tổng Thống Thiệu, một cựu lãnh đạo VNCH mà cho
đến lúc qua đời, không có cuốn hồi ký nào hay để lại những bút tích về một giai
đoạn chiến tranh nghiêm trọng liên hệ đến sự mất còn của miền Nam Việt Nam.
Tất cả sự nghiệp của ông đều trông chờ vào kho dữ kiện bí
mật trong chiến tranh Việt Nam của văn khố quốc gia Hoa Kỳ được giải mật nhiều
năm trước đây và công trình đọc, chọn lựa, sưu tầm, phân tích và tổng hợp của
tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Vì thế ít nhiều cũng không thể tránh được cách nhìn
chủ quan. Ông đã từng nhấn mạnh đến khía cạnh đặc biệt về con người ông Thiệu
mà trong tác phẩm tác giả mô tả là một người rất khép kín và tác giả đã cho rằng
vì tình cờ của lịch sử, có may mắn làm việc gần Tổng Thống Thiệu trong gần 3
năm và sau này còn gặp ông rất nhiều lần tại London và Boston nên được biết một
phần nào con người ông.
Cái được biết mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho tới nay mới
đưa ra để mọi người cùng biết, đó là câu tuyên bố với phóng viên của báo “Now,”
theo đó, tờ báo này cho rằng Tổng Thống Thiệu đã tuyên bố : “I have nothing to
do with them” (dịch ra: Tôi không còn mắc mớ gì với họ nữa) vào lúc phong trào
thuyền nhân lên cao nhất. Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, khi trả lời câu
hỏi của nhà báo Anh, thực ra Tổng Thống Thiệu chỉ muốn nói: “Hiện nay tôi chẳng
còn chính quyền, chẳng còn phương tiện và làm được gì đối với vấn đề thuyền
nhân” (Theo tiến sĩ Hưng, đáng lẽ ông Thiệu phải nói: “I have nothing to do for
them” và ông Hưng cho biết, Tổng Thống Thiệu nói rằng phóng viên của tờ báo Anh
đã phịa ra, ông nói [for] mà “nó” phịa ra [with] nên sai hẳn nghĩa).
Tôi tin rằng tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ở gần ông Thiệu nên
có thể ông đã nói đúng lời ông Thiệu kể lại. Thế nhưng, mặt khác chúng ta cũng
nên hiểu rằng, tại London, dù một tờ báo lớn như tờ “Now,” tôi không biết người
ký giả có thu thanh để làm bằng chứng không, và liệu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
có viết thư chính thức yêu cầu tờ báo này đính chính không? Lúc đó, dù đang nằm
tù ở trong nước, nhưng tôi cũng hiểu được rằng một người như Tổng Thống Thiệu sẽ
được báo chí quốc tế săn đón lắm, ông có nhiều cơ hội để nói lại cho đúng khi
trả lời phỏng vấn các tờ báo khác. Vả lại, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng vào lúc đó
cũng không thiếu gì cơ hội có thể nói với báo chí để giúp “clear up” theo yêu cầu
của Tổng Thống Thiệu, nhưng không hiểu sao mà để tới nay ông mới viết ra trong
khi nhân chứng đã qua đời. Ngay trong lúc sinh thời của Tổng Thống Thiệu, tiến
sĩ Nguyễn Tiến Hưng nói ra được điều này thì quý hóa biết mấy.
Tuy nhiên, nếu mọi người đều chấp nhận rằng Tổng Thống
Thiệu nói: “Hiện nay tôi chẳng còn chính quyền, chẳng còn phương tiện và làm được
gì cho vấn đề thuyền nhân” thì cũng phải trả lời một câu hỏi khác, bởi vì riêng
vấn đề thuyền nhân thì ở đây biết bao nhiêu cá nhân, bao nhiêu tổ chức, nhưng họ
có chính quyền nào đâu, sao họ vẫn có cách làm một điều gì đó cho thuyền nhân,
dù lớn, dù nhỏ. Lịch sử giúp đỡ thuyền nhân ở đây thì nhiều lắm, không sao mà kể
cho hết, và đặc biệt có những người chỉ đóng góp tiếng nói của họ. Ông Thiệu,
dù là cựu lãnh đạo, là cựu tổng tư lệnh quân đội của một miền đất chống trả
mãnh liệt với Cộng quân, cho nên dù ông phải bỏ đi giữa lúc mệnh nước nghiêng
ngả vì những áp lực, một tiếng nói của ông, một hành động nhỏ nhặt của ông đối
với thuyền nhân sẽ nhân rộng những ảnh hưởng và tôi tin rằng niềm tin của thuyền
nhân cũng như của anh em chúng tôi trong cảnh tù đầy trong các trại tù ở Việt
Nam sẽ mạnh mẽ hơn. Nhưng rất tiếc là Tổng Thống Thiệu đã không hành động như
thế.
Còn việc ai ra lệnh bỏ cao nguyên và Quân Ðoàn II–một thảm
kịch kinh hoàng mà những ai ở trong đoàn di tản từ Pleiku về Nha Trang đều rõ–dẫn
đến ngày 30 tháng 4, 1975 thì quả thật cho đến nay chúng tôi mới được nghe nói
là Tổng Thống Thiệu ra hai lệnh: Rút Pleiku để hy vọng đánh bọc tái chiếm Ban
Mê Thuột vì “đứng về phương diện quân sự Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku nhiều.”
Ông Thiệu còn bảo nếu rút được hai sư đoàn khỏi Quân Ðoàn II mà thấy khó khăn
quá không lấy lại Ban Mê Thuột được thì đem 2 đơn vị này ra yểm trợ cho tướng
Ngô Quang Trưởng (Quân Ðoàn I).
Nhưng ngay cả tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng thừa nhận là
chưa nghe ai nói đến lệnh thứ hai ngoài Tổng Thống Thiệu. Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn
Tiến Hưng, ông Thiệu đã ra lệnh cho bộ Tổng Tham Mưu theo dõi và giám sát. Ðáng
lẽ tướng Cao Văn Viên phải gọi cho tướng Phạm Văn Phú để bàn bạc chương trình
rút, thế mà “không hiểu vì sao tối hôm ấy tướng Phạm Văn Phú đã rút chạy.” Tác
giả “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” cho biết ông có hỏi Tổng Thống Thiệu rằng tại sao
tổng thống không tuyên bố hay giải thích gì về điều này, thì Tổng Thống Thiệu
nói: “Tôi nói ra thì người ta bảo mình chạy tội, tôi hy vọng một ngày nào đó một
trong những quý vị họp với tôi ngày hôm đó có đủ can đảm đứng lên nói hết sự thật.”
Tại sao Tổng Thống Thiệu lại sợ dư luận bảo ông chạy tội?
Ông từng lãnh đạo một đất nước, từng được cử tri trao cho quyền lực để điều
hành cho nên có việc ông làm được, có việc ông không làm được, có việc ông gặp
những khó khăn, áp lực từ mọi phía. Một tổng thống như ông cần phải nói ra cho
cử tri rõ, cho quốc hội, quân đội và chính phủ rõ, bất kể ông bị cáo buộc như
thế nào. Sự thực được công khai hóa là phương thức tốt nhất giúp mọi người gượng
lại được để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh còn nước còn tát. Tôi nghĩ là Tổng
Thống Thiệu không hiểu rằng vào giai đoạn sau cuộc họp quyết định tại Cam Ranh,
biết bao nhiêu người lính, bao nhiêu công chức, bao nhiêu người dân… chỉ trông
chờ vào tiếng nói của ông, nhưng Tổng Thống Thiệu đã im lặng suốt cho đến ngày
21 tháng 4, 1975 ông mới đổ dồn vào việc công kích người Mỹ đã trói tay ông và
quay lưng với đồng minh VNCH trong bài diễn văn từ chức với lời cam kết ở lại
chiến đấu cùng quân đội. Và rồi ngày 25 tháng 4, ông âm thầm cùng Thủ Tướng
Khiêm rời khỏi nước. Lúc này thì đã quá muộn và không ai có phép thần thông nào
để lật ngược tình thế nữa.
Vì thế, bản thân tôi và tôi cũng tin rằng nhiều người
khác đã không ngạc nhiên khi nghe thấy tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng tiết lộ lý do
khiến ông Thiệu không viết hồi ký. Ông bảo: “Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng
có vạch áo cho người xem lưng , đừng có bêu xấu nhau nữa cho người ta cười thêm
cho.” Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật lịch sử, ông không thể nói
như thế được. Liên hệ giữa ông và người Mỹ không phải là liên lạc cá nhân. Những
người dân miền Nam Việt Nam, những người đã từng bỏ lá phiếu vào thùng để bầu
ông lên ngôi vị lãnh đạo họ, phải biết áp lực của người Mỹ với ông như thế nào,
họ bỏ Việt Nam Cộng Hòa như thế nào, họ phản bội như thế nào bởi vì từ đó họ có
thể rút ra một bài học. Không ai có quyền cười ông cả và ngay như nếu phải trả
một cái giá nào đó của sự cười chê, ông cũng phải có can đảm đứng ra nhận lãnh.
Những người Việt Nam tị nạn cộng sản ở Mỹ, ở Úc, ở Canada
thực tình cũng đã quên ông và cũng ít người còn nghĩ tới sự cần thiết phải có
hình ảnh của ông trong đời sống của họ, cho đến những năm gần đây đã có những
người có ý muốn phục hồi điều mà họ gọi là danh dự cho ông. Nghĩ cho cùng, ông
không phải là nhà lãnh đạo vô tích sự. Trong giai đoạn cầm quyền, ông đã thực
hiện được nhiều dự án có giá trị trong đó phải kể đến luật “Người cày có ruộng.”
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã bảo toàn được danh dự của một người
lính, điều đó không có nghĩa là vào lúc vận nước đang nổi trôi ông dám nhận
trách nhiệm và chết cho tổ quốc của mình, nếu cần.
Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã qua đời rồi. Ông cũng
cần được yên nghỉ ở một thế giới không còn hận thù. Nhưng trong chốn dương
gian, cuộc chiến về ông vẫn còn trên sách vở, trên báo chí cho nên bất cứ khi
nào còn người, còn những tác giả làm công việc nói thay cho ông, chừng đó vẫn
còn những cuộc tranh luận, vẫn còn thắc mắc như người ta vẫn thường thắc mắc mỗi
lần có những tài liệu mật về cuộc chiến Việt Nam được giải mật.
Như tên gọi, cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” chuyên chở đầy
những tâm tư của một cố tổng thống VNCH, nhưng không phải là do đích thân ông
Thiệu nói ra mà do một người làm việc thân cận với ông, tiến sĩ Nguyễn Tiến
Hưng nói thay. Nhưng điều đáng tiếc là trong đó, Tổng Thống Thiệu đề cập đến 2
vị tướng liên hệ nhiều nhất đến lệnh bỏ Pleiku hay bỏ cao nguyên trung phần Việt
Nam thì cả hai vị–đại tướng Cao Văn Viên và thiếu tướng Phạm Văn Phú–đã ra người
thiên cổ, trong đó tướng Phú đã chọn cái chết trong danh dự vào ngày 30 tháng
4, 1975: Tuẫn tiết vì không chịu để lọt vào tay địch quân. (V.A.)
No comments:
Post a Comment