Thursday, April 30, 2015

THÁNG BA GÃY SÚNG HỒI KÝ CỦA CAO XUÂN HUY - PHẦN 2


Cao Xuân Huy - 1     2    3
Phần 3
Huế đang là một thành phố chết và đang là một thành phố bị bỏ ngỏ. Cả thành phố chỉ còn lại vài ba ngọn đèn đường, cái sáng cái tối, đạn pháo Việt Cộng nã đều vào cầu Trường Tiền và khách sạn Hương Giang, đó đây người ta đang đạp xe ba bánh, xe xích lô đi hôi của.
Ði lối cầu mới thì được an toàn, nhưng tôi sẽ đi lối cầu Trường Tiền mặc dù cầu này đang bị pháo. Một chút lãng mạn trong người tôi nổi dậy, chẳng gì cũng chỉ còn là lần chót. Ngay đầu cầu, một chiếc M-48 nằm chình ình, máy vẫn còn nổ mà không có người. Lên đến giữa cầu, tôi nói với mấy thằng lính đệ tử.
"Quay lại nhìn Huế lần chót bay, chắc chắn là mình sẽ không đánh ra tới đây để lấy lại đâu."
Một nỗi buồn dâng lên trong tôi, không khóc nhưng mắt tôi đoanh tròng. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu xác người, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn bè, của anh em đồng đội tôi đã đổ xuống cho cái vùng địa đầu nghiệt ngã này. Bản thân tôi cũng đã hai lần đổ máu ở nơi này, bây giờ bỗng chốc bỏ đi, hỏi ai là người không tức tưởi. Ðù má những thằng chịu trách nhiệm trong vụ bỏ Huế này, lịch sử sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng! Những ai đã từng tuyên bố, từng hô hào tử thủ Huế giờ này ở đâu? Khốn nỗi, những thằng đánh trận mà luôn luôn đi đàng sau và luôn luôn bỏ chạy trước lại là những thằng có quyền, có quyền mà hèn nhát, đốn mạt nên bây giờ bao nhiêu người khốn đốn, rút chạy như một lũ thua trận. Nhưng thực sự chúng tôi đã đánh nhau đâu để bị gọi là thua! Ðồ tiếp liệu trong thành Mang Cá dư sức cung cấp cho lữ đoàn tôi ít nhất là ba tháng, tại sao không cho chúng tôi vào thành Nội? Ờ mà tử thủ làm chó gì, bao nhiêu thằng xếp cút mẹ nó hết rồi, vợ đẹp con khôn và tiền bạc bao năm ăn bẩn không lẽ lại vứt bỏ. Vậy thì tội chó gì mình lại nghĩ đến chuyện ở lại đánh nhau để chết oan mạng, cùng lắm được vài giọt nước mắt cá sấu, một cái huy chương không giá trị, những lời ca tụng giả dối, ngoài cửa mồm thôi chứ có mẹ gì nữa đâu. Ðồ chó má!

Qua hết cầu, tôi gặp đại úy Chiêu, Ðại đội trưởng đại đội 3, tay cầm chai rượu chát khổng lồ, túi đút chai rượu mạnh. Thấy tôi ông kêu lớn:
"Ê Huy, nhậu mày."

Bao nhiêu tủi hờn, căm hận, buồn bực biến mất nhanh như viên đạn ra khỏi nòng súng. Bọn tôi ngồi quây tròn giữa ngã tư đầu nam cầu Trường Tiền nhậu không có mồi, không có nước đá "chữa lửa" thì chúng tôi nhậu chay. Câu chuyện lại vui như pháo Tết. Mấy tên lính không biết lấy xe xích lô của ai chở đầy xe thuốc lá Ruby và bia Quân tiếp vụ đến tiếp tế và nhập cuộc. Tôi đập vỡ cổ chai bia rót từ đầu xuống, người ướt đẫm bia thích thú, từ bé đến lớn chưa bao giờ được tắm bằng bia mà. Nhưng chẳng có cái dại nào giống cái dại nào: bị ướt bia, người tôi dính nhem nhép khó chịu.
Ðang ngồi nhậu, Ðại đội trưởng tôi không biết từ đâu tới cho biết điểm hẹn đã thay đổi vì những kho đạn, kho xăng ở Thuận An đã bị cháy, không biết vì pháo kích hay vì đặc công. Ðiểm tập trung mới là bến phà Tân Mỹ.

Mấy ông lính của tôi không biết vác ở đâu ra một lô súng mới tinh, nào là M-16, nào là M-79, nào là đại liên M-60, còn có cả máy truyền tin ANPRC-25 nhưng không có pin. Tôi bảo lính đi lấy thêm, đại đội trưởng tôi không chịu:
"Vác nặng thêm chứ được cái gì!"
"Nặng khỉ gì, mình đi tàu đâu có vác."
"Tôi nói không, giờ này không lo mà đi đi, còn ở đó mà lo súng với lo nhậu. Ði!"
Tôi uể oải đứng dậy. Lệnh đi thì đi chứ thực sự tôi còn muốn ngồi nhậu, mấy khi còn có dịp ngồi xếp chân bằng tròn giữa ngã tư mà nhậu thế này. Ung dung ngồi nhậu nhìn thiên hạ hớt ha hớt hãi thú lắm chứ. Tôi đi qua khách sạn Hương Giang lúc này đã hết bị pháo kích, qua Ðập Ðá, đến ngã ba con đường đất đỏ. Ngã ba này là điểm tụ hội của dòng người đi từ Huế ra và dòng người quá nhanh chân nên phải đi ngược từ Thuận An vào. Tất cả đổ vào con đường đất đỏ để đến bến phà Tân Mỹ.
Ðại đội trưởng ra lệnh tôi đợi ở ngã ba để chỉ đường cho lính ở cả hai phía tới, còn ông ta nhập vào dòng người đi trước.
Tôi gặp So, trung úy đại đội trưởng đại đội 2. So, Hồ, Sáng và tôi là bốn thằng cùng về tiểu đoàn một ngày. So cũng đứng lại đợi những con nhạn là đà, đứng với nhau cùng ngậm ngùi về chuyện thằng Sáng. Chừng nửa tiếng So cũng lại đi trước.
Khoảng gần 3 giờ sáng, khi dòng người thưa dần tôi mới đi. Ði chừng chưa đầy 20 phút, chúng tôi mất bóng những người đi trước vì bị đứt đoạn. Ðến một ngã ba tẽ ra như hình chữ Y, hai ngã đường đều lớn như nhau, tôi rất phân vân trong sự lựa chọn. Trong số người có mặt, tôi là thằng có cấp bậc cao nhất, tôi lại có máy truyền tin nên mọi người đều trông vào tôi. Tôi gọi máy cho đại đội trưởng:
"Tôi gặp ngã ba hình chữ Y, 369 cho biết đi đường nào?"
"Ði thẳng."
Mẹ kiếp, vậy thì hỏi làm chó gì cho mất công, đường nào cũng là đường thẳng và đường nào cũng là đường rẽ.
"Ông cho tôi biết phải đi về hướng nào?"
"Hướng nam, bộ ông không đang đi về hướng nam sao?"
Tôi không muốn hỏi nữa. Ðường bên trái về hướng đông nam, đường bên phải về hướng tây nam. Tôi chọn đường bên trái vì chắc chắn đường này sẽ ra đến phá Tam Giang. Ði được chừng hai cây số, có một xe Jeep từ sau chạy tới. Tôi hỏi:
"Phải đi đường này không mấy anh?"
"Ừ, gần tới phá rồi."
Chắc ăn là mình đã đúng đường, cứ thế chúng tôi đi. Nhưng khoảng chừng 15 phút sau, chiếc xe Jeep lúc nãy đi ngược trở lại, không đợi hỏi, mấy người trên xe đã nói:
"Tụi tôi ra tới phá rồi, không gặp ai hết, quay lại đi."
Chúng tôi nhìn nhau thở dài. Tôi liên lạc với Ðại đội trưởng:
"369 - 520."
"Nói."
"Tôi đi lạc rồi, bây giờ vòng lại thì xa quá, ông bắn cho tôi ba phát súng để tôi định hướng."
Im lặng. Tôi gọi lại:
"369 - 520."
"Nói."
"Sao ông chưa bắn?"
"Bắn rồi."
"Tôi không nghe gì hết, ông bắn lại đi."
Lại im lặng. Tôi lại gọi:
"369 - 520."
"Nói đi."
"Ông bắn chưa?"
"Rồi, cha nội."
"Vậy thì tôi đi lạc xa quá rồi!"
"Ông rán đi làm sao cho kịp thì đi."
Giận quá tôi mỉa:
"Cám ơn 369."
Chúng tôi kéo nhau đi ngược trở lại, đi theo tôi có đến bốn, năm chục người nhưng thầy trò tôi chỉ có ba. Thế là mất toi cả hơn tiếng đồng hồ, bù lại được cái là tăng thêm mệt nhọc và sự bực mình.
Về đến ngã ba chữ Y lúc nãy, đương nhiên lần này tôi không còn phân vân hay phải hỏi đường.
Càng đi đoàn người phía sau càng đông dần và dần dần qua mặt chúng tôi. Có rất nhiều xe đi qua, tôi chận được một xe Jeep không đến nỗi chật lắm, cả ba thầy trò tôi cùng lên được trên xe. Tôi nghĩ bụng, mệt quá rồi, thôi thì phó mặc cho tài xế. Ngủ.
Tôi ngủ ngon lành cho đến khi xe đến bến phà Tân Mỹ khoảng 6 giờ sáng. Người đã tập trung ở đây rất đông nhưng phương tiện qua sông lại không có một cái. Bao nhiêu ghe, gọ nằm hết ở bờ phá bên kia. Tôi chẳng rỗi hơi mà lo chuyện làm sao để qua phía bên kia phá, không phải là việc của tôi.
Trong thời gian nghỉ ngơi để chờ đợi, thiếu tá Thành cho tập họp các sĩ quan của tiểu đoàn lại để tự giới thiệu.
"Tôi là thiếu tá Thành, Ðinh Long Thành, tiểu đoàn trưởng mới của các anh. Tàu đã đợi sẵn chúng ta ở bờ biển, các anh kiểm điểm lại quân số. Những mất mát về vũ khí, trang bị không thành vấn đề. Chúng ta sẽ được tái trang bị khi vào đến Ðà Nẵng."
Kể cũng tức cười, sau khi chạy vắt giò lên cổ, chạy ướt nhẹp cả quần, tiểu đoàn trưởng mới được giới thiệu với các sĩ quan trong tiểu đoàn. Quân số đại đội tôi thiếu gần chục mạng, tuy nhiên người vẫn tiếp tục đến. Trung đội 2 của Huy mập cũng đã có mặt, kể cả những người bị thương nhẹ; còn những người bị thương nặng tôi không biết họ ở đâu nhưng chắc là được yên ổn, an toàn.
Khoảng 11 giờ đại đội tôi vượt xong phá Tam Giang.
Nơi mới đến tôi chỉ biết duy nhất có một điều là bốn bề là nước, phía bắc là cửa Thuận An, phía nam là cửa Tư Hiền, phía tây là phá Tam Giang và phía đông là biển Ðông. Một cái túi được bọc kín chung quanh bằng nước, bề ngang đông tây rất hẹp.
Chúng tôi được chia vào nằm ở những căn nhà dọc hai bên con đường đất chính của làng ở ven phá để ăn uống, nghỉ ngơi.
Rải rác có thêm những người lính của đại đội tiếp tục đến, cho biết đã có những đụng độ giữa Việt Cộng với những người đi phía sau.
Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi được lệnh di chuyển ra bờ biển. Vừa lên hết đụn cát cạnh làng tôi đã thấy ngay một chiếc tàu thật lớn mang số HQ-801 thừa sức chứa cả lữ đoàn đã đợi sẵn ở gần bờ không biết từ bao giờ. Tôi nghĩ bụng chỉ còn lên tàu nữa là chấm dứt sự rút chạy, bọn Việt Cộng có tới nơi cũng sẽ chỉ được một phen chưng hửng. Nhưng lên tàu cũng còn có nghĩa là chấm dứt một cách nhục nhã và vô lý cuộc chiến đấu khủng khiếp mấy năm trời nay để giữ vùng Quảng Trị và Huế, và sẽ chẳng bao giờ còn trở lại cái nơi đã in đậm vào tôi những kỷ niệm vui buồn xấu tốt.

Sóng có vẻ cao ở sát bờ nên tàu phải đậu cách bờ có đến khoảng năm mươi mét. Những người dân chạy loạn và lính tráng của các đơn vị khác tan hàng đã đứng đầy ở bờ biển. Họ đã chạy theo chúng tôi từ Quảng Trị, Huế và các vùng phụ cận về đến đây.
Theo lệnh lữ đoàn, mỗi tiểu đoàn tập họp thành một khối đứng quay lưng ra biển. Ðại đội tôi mỗi trung đội đứng một hàng dọc cộng với một hàng dọc ngắn của ban chỉ huy đại đội.
Trong khi kiểm điểm quân số, tiểu đoàn bắt được một tên Việt Cộng trà trộn. Tên này cũng mặc quần áo Thủy Quân Lục Chiến, cũng đeo bảng tên màu đỏ của tiểu đoàn, bị phát giác vì một sự ngờ nghệch nhỏ. Mỗi bảng tên đều có con số của từng đại đội, tên Việt Cộng này mang bảng tên không có số tức là thuộc đại đội chỉ huy lại đứng vào khu vực của đại đội 2. Bắt được tên Việt Cộng trong hoàn cảnh này dù có nhân đạo đến đâu cũng không thể giữ làm tù binh, mà chỉ có một cách duy nhất là tặng chàng cái vé đi tàu suốt.
Buổi sáng kiểm điểm quân số ở bên kia phá, tôi chỉ nghe báo cáo của các trung đội, bây giờ đâm hoảng, tôi phải đích thân đi nhìn mặt từng người lính trong đại đội. Oái ăm thay ngay trong trung đội tôi - tôi làm trung đội trưởng trung đội 4 thay cho thiếu úy Sáng từ ngày Sáng qua đơn vị mới, vì tôi là đại đội phó nên mọi sinh hoạt của trung đội đều do trung sĩ nhất Ba trung đội phó điều động. Tôi hoảng hồn vì trong trung đội tôi có mấy tên mang đúng bảng tên của đại đội nhưng mặt mũi lạ hoắc, có một tên còn dắt theo một cô gái đang lúng ta lúng túng, mặt mũi tái xanh tái mét. Tôi hỏi:
"Mày đại đội nào?"
"Em đại đội 4."
"Mày trung đội nào?"
"Em trung đội 4."
"Trung đội trưởng mày là ai?"
"Là trung úy", - vừa nói người lính vừa chỉ tôi.
Trung sĩ nhất Ba đỡ lời:
"Nó là lính mình đó trung úy" - anh ta chỉ thêm mấy người lính nữa - "mấy đứa này cũng lính mình luôn trung úy. Tụi nó về đại đội hồi ông đang đi phép, ra tới đại đội ông đi Mỹ Chánh liền nên không biết tụi nó."
Tôi hỏi tiếp:
"Cô gái này là gì của mày?"
Cô gái hốt hoảng nói:
"Em là vợ anh ấy."
"Phải không mày?"
Tay lính ngập ngừng, tiếng dạ lí nhí trong miệng.
"Mày mới Sài Gòn ra mấy ngày, tại sao đã có vợ Huế?"
Cô gái òa lên khóc, thú nhận:
"Em không phải là vợ anh này, em là người Huế, em học năm thứ hai Văn Khoa" - vừa nói cô gái vừa móc căn cước và thẻ sinh viên đưa cho tôi - "em không phải là Việt Cộng."
Bất thần cô gái sụp xuống lạy tôi như tế sao:
"Trung úy cho em đi theo với, em không còn cách nào để đi được."
"Mấy cô hoạt động chống chính phủ dữ lắm mà, sao không ở lại đón Việt Cộng, chạy theo tụi tôi làm gì. Hay cô được gài đi theo mấy thằng lính "mồ côi" này."
Cô gái khóc rống lên một cách thảm thiết, tay vái tôi lia lịa:
"Gia đình em đi trước hết rồi, còn mình em ở lại để thu xếp nhà cửa rồi đi sau, đâu ngờ đã không kịp thu xếp gì hết lại còn bị kẹt như vầy."
Tôi bảo trung sĩ nhất Ba:
"Anh coi kỹ giấy tờ rồi khám người cô ta xem có gì khả nghi không?"
Tôi không phải là người dễ xúc động vì những giọt nước mắt đàn bà, tôi cũng không phải là một người cả tin nhưng xét cho cùng, người con gái trong hoàn cảnh loạn lạc này, một thân một mình nếu không bám vào chúng tôi thì còn biết bám vào ai, kể cả trường hợp nếu cô ta là người của Việt Cộng gài cũng chẳng có gì đáng ngại vì tôi đâu để cho cô ta đi lại thoải mái, còn nếu cô ta đích thực chỉ là một người dân cần chạy theo chúng tôi mà mình không giúp chẳng hóa ra mình tiếp tay cho Việt Cộng hay sao.
Năm 72, tôi đã chứng kiến cảnh những người dân Quảng Trị bị kẹt lại trong vùng của Việt Cộng, khi chúng tôi đánh chiếm lại vùng thôn Bích La, Triệu Phong, có những đoàn người đã vượt bao nhiêu nguy hiểm để tìm về với "bộ đội miềng", có đoàn lúc khởi đầu khoảng ba trăm người, sau ba bốn ngày đêm đi ngày trốn, đến khi gặp được chúng tôi chỉ còn chừng một trăm. Có đoàn khi đi khoảng một trăm, sau nhiều ngày trốn tránh đã không bị chết dọc đường, nửa đêm cuối cùng của đoạn đường vướng phải mìn tự động của một trung đội tiền đồn chết một số, tiếng rên của những người bị thương, tiếng la của những người hốt hoảng với âm điệu miền Trung đã lọt vào tai chúng tôi thành những tiếng "xung phong", thế là đạn chúng tôi bắn ra, lựu đạn chúng tôi ném ra lại giết thêm một số dân không tí kinh nghiệm gì về chiến trường, sáng ra nhận diện được nhau rồi, gom góp lại còn khoảng chưa tới năm mươi người, kể cả những người bị thương.
Có toán về gặp chúng tôi giữa ban ngày, có một người đàn ông mừng quá ôm chầm lấy một người lính vừa nhắc bổng lên vừa kêu "gặp lính miềng rồi, gặp lính miềng rồi, chết cũng sướng, chết cũng sướng", kêu xong ông ta nhảy ùm luôn xuống dòng sông Vĩnh Ðịnh, khi chúng tôi vớt lên được chỉ còn một cách là đắp cho ông ta một nấm mồ. Hương hồn ông chắc chắn là đã ở nơi miền cực lạc.
Những hình ảnh đó của quá khứ đã bắt buộc tôi phải cho cô gái Huế học Văn Khoa đi theo trong đại đội, nhưng dưới sự kiểm soát của hai người lính trong ban chỉ huy của đại đội. Khả năng và quyền hạn của tôi không thể giúp được cho tất cả những người dân đang chờ đợi, mong ngóng được lên tàu đứng đông nghẹt ngoài kia, nhưng giúp chỉ một cô gái thôi thì tôi có thể làm được.
Cả lữ đoàn tập họp đứng khơi khơi quay lưng ra biển từ hơn 12 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều trong khi chiếc HQ-801 vẫn dập dềnh chờ đợi. Không hiểu để làm gì và không hiểu tại sao. Ðiều này chỉ có Ó Lương tức Ðại bàng Lâm Thao biết, hoặc thêm một ít sĩ quan trong ban tham mưu của lữ đoàn biết, còn ngoài ra, chúng tôi, những thằng lính đang đứng tập họp trong hàng không thể nào biết. Có một số lính vô kỷ luật đã trốn khỏi hàng, lấy mấy chiếc ghe nằm trên bãi biển chèo ra tàu cùng với những người lính Bộ Binh và một ít dân chúng. Trong số này tôi thấy có cả trung sĩ Châu, hạ sĩ Nam lùn và mấy người lính của đại đội. Tôi nhìn những thuộc cấp đó hoàn toàn dửng dưng, chẳng còn buồn nghĩ là họ đúng hay họ sai nữa.
Người lính cuối cùng của đại đội vắng mặt khi tập họp đã tìm đến, binh nhất Tuấn. Tuấn bị bắn nát cánh tay trái, máu nhuộm đỏ cả tay áo, quần áo người ngợm ướt nhẹp, bê bết bùn, nhưng vẫn vác khẩu đại liên M-60 với còn chừng nửa dây đạn trên vai phải. Tuấn nói:
"Tụi nó đã kéo tới đầy hết bên kia phá rồi. Em bị tụi nó bắn theo khi mới ra khỏi bờ được một khúc. Lính mình bị kẹt bên kia vẫn còn nhiều, đang đụng."
Chúng tôi được lệnh di chuyển khi y tá đang băng cánh tay cho Tuấn đại liên.
Ðừng tưởng bở, không phải chúng tôi di chuyển ra bờ biển để xuống tàu, và cũng không phải chúng tôi di chuyển ra bờ phá để lập tuyến phòng thủ, mà là di chuyển một hàng dọc dọc theo bờ biển đi về hướng nam. Nhưng cũng không phải là tiếp tục cuộc rút lui đến một điểm hẹn khác, mà lần lượt các tiểu đoàn, các đại đội nối đuôi nhau tà tà mà đi. Tôi xin nhấn mạnh là chúng tôi đi rất tà tà dọc theo bờ biển.
Trong khi đang tà tà dạo mát như vậy, một chiếc trực thăng từ phía biển bay vào, quần trên đầu chúng tôi rồi ném chừng một chục bao cát đựng gạo sấy và thịt hộp. Một sự hỗn loạn đã xảy ra để tranh giành mấy bao cát đựng lương thực ném xuống được gọi là tiếp tế đó. Có một bao rơi trúng đầu làm bất tỉnh một người lính. Khốn khổ cho những thằng lính chúng tôi, đói thì thực sự chưa đói, bao nhiêu thứ bỏ lại hết và sắp sửa đây còn bỏ lại ngay cả mạng sống của mình, vậy mà đi tranh nhau một ít lương thực "tiếp tế" kỳ cục đó.
Có tin đồn là chính tướng Lân ngồi trên chiếc trực thăng tiếp tế này với mục đích là để thị sát, nhân tiện ném xuống cho một ít lương thực. Tôi không tin điều này vì hai lý do, thứ nhất theo tôi nghĩ là tướng Lân không thể ra đây trong tình trạng này, và thứ nhì là nếu tướng Lân có trên trực thăng, chắc chắn người anh cả đã ra lệnh cho chúng tôi xuống tàu bằng mọi giá chứ không phải để chúng tôi cứ tà tà rước đèn như thế này.
Chỉ cần một tay binh nhất có nghĩa là chỉ cần có chừng một năm kinh nghiệm chiến trường, thằng dốt đặc về quân sự, thằng chưa được học một khóa tiểu đội trưởng nào, chứ đừng nói đến hạ sĩ Nam lùn, trung sĩ Châu, cũng đã hiểu là chúng tôi phải xuống tàu càng nhanh càng sớm càng tốt, vì càng dây dưa bao nhiêu là càng rút ngắn khoảng cách giữa chúng tôi với Việt Cộng bấy nhiêu. Ðại bàng Lâm Thao tức đại tá lữ đoàn trưởng chắc chắn là biết điều này, vậy thì vì lý do gì chúng tôi đã không được xuống tàu.
Với đội hình một hàng dọc ngoằn ngoèo như con rắn ở dọc bờ biển, chúng tôi nhận lệnh ngồi xuống. Chiếc tàu đã ra xa bờ và "đợi" chúng tôi tận ngoài khơi. Dĩ nhiên nó không thể đậu mãi ở gần bờ để xem chúng tôi đi dạo mát, để xem chúng tôi nấn ná không có một hành động nào chứng tỏ chúng tôi muốn xuống tàu cả. Hai ông xếp lớn của chúng tôi, đại tá Lương lữ đoàn trưởng và trung tá Tống lữ đoàn phó đứng thản nhiên nói chuyện, cười đùa thân mật với một ông xếp lớn nữa là trung tá Tòng (trong những bản in trước, vì trông gà hóa cuốc, tôi đã viết là đại tá Thiệt, biệt danh "Tử Thần", xin thành thật tạ lỗi với "Tử Thần") liên đoàn trưởng liên đoàn 14 Biệt Ðộng Quân. Không hiểu cả ba ông xếp lớn đang nghĩ gì trong những cái đầu của họ, đang thú vị gì trong những câu pha trò của họ, đang bàn bạc gì bằng những cái mồm của họ. Chỉ biết là cả ba đứng nói chuyện rất thoải mái và thỉnh thoảng cười ồ lên hình như vì một câu pha trò đầy ý nhị.
Trung tá Tòng là người của đơn vị khác và hơn nữa, ông ta là đơn vị trưởng của một đơn vị không còn quân, dĩ nhiên ông ta không có quyền hành gì cũng như trách nhiệm gì đối với chúng tôi. Ðối với tôi, ông ta không khác gì cô gái Huế học Văn Khoa đang bám víu vào chúng tôi. Trung tá Tống là lữ đoàn phó trong khi đang có mặt lữ đoàn trưởng, ông cũng không thể có quyền hành hay trách nhiệm gì đối với chúng tôi. Nhưng còn đại tá Lương, người có cấp bậc cao nhất và quyền hạn lớn nhất ở đây, người có trách nhiệm về cuộc lui quân của chúng tôi, người mà chúng tôi phải gọi là đại bàng, ông đã có sẵn một diệu kế trong đầu chăng, ông đang muốn noi theo danh tướng thời xưa đang lập một trận Bối Thủy tân thời chăng.
Tôi rất hoang mang với cái trò dị hợm này, tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Chúng tôi đã bỏ Quảng Trị, bỏ Huế, chúng tôi đã bỏ bớt lương thực, đạn dược cùng tất cả mọi thứ trang bị cá nhân, đơn vị lủng củng khác để tẩu về đến đây, nhưng chúng tôi đã không được lệnh lên tàu khi hoàn cảnh còn có thể, để tẩu cho xong đoạn đường tẩu. Bây giờ chúng tôi tẩu đi đâu trong cái túi "lửa" bốn bề là nước này. Phương tiện độc nhất là chiếc tàu thì nó đã "ra khơi thấy lòng phơi phới" rồi, vì trong lòng nó đã trống rỗng, không có chúng tôi.
Ngập ngừng là chết, đã không thoái được thì phải tiến, nhưng lấy cái gì để mà tiến, và tiến đến đâu? Ðạn dược chúng tôi đã hết, lương thực chúng tôi cũng không còn, chúng tôi lại chỉ ở một bên mép của cù lao này, mà còn ngồi khơi khơi hóng mát chứ không chịu phòng thủ. Thoái đã không thoái mà tiến lại không chịu tiến, công đã không công mà thủ lại cũng không thủ. Có phải đây là một chiến thuật mới nhất đang được ghi vào quân sử?
Lính của những đơn vị Bộ Binh đã tan hàng và người dân Huế chậm chân đang chạy theo chúng tôi chắc chắc chắn là hoang mang hơn chúng tôi nhiều. Họ tụ tập ở nhiều chỗ nhìn chúng tôi, nơi bám víu sau cùng của họ đang ngồi nhìn trời ngắm biển, chúng tôi đang làm gì chúng tôi còn không biết thì người ngoài làm sao biết được.
Cứ ngồi như vậy cho đến gần 6 giờ chiều chúng tôi mới nhận lệnh tổ chức phòng thủ đêm. Ðại đội trưởng tôi ra lệnh:
"Ông dắt con cái vô trong kia kiếm chỗ đóng quân tạm. Ðợi tôi đi họp về rồi tính sau."
Sẵn đại đội đang ngồi một hàng dọc dọc theo bờ biển, tôi cho quay phải thành một hàng ngang, cứ vậy mà đi vào phía trong.
Ðang di chuyển, mấy viên đạn xé gió bay ngang đầu chúng tôi, bắt nhịp cho dàn đại hòa tấu nhiều loại súng bắn xối xả vào chúng tôi từ phía những lùm dương trên đồi cát.
Cả lữ đoàn nhốn nháo, người ta dồn cục ùn ùn chạy lên phía bắc, rồi lại dồn cục ùn ùn chạy xuống phía nam, mấy chiếc M-113 chạy lẫn trong đám quân này bắn tứ tung loạn xà ngầu, không nhắm vào đâu hết.
Ðại đội tôi đã ở cách đám đông hỗn loạn đó cả trăm thước nên không bị cuốn theo phản ứng loạn xạ của họ.
Sẵn đội hình hàng ngang, tôi dẫn đại đội xung phong ngay tức khắc vào mấy lùm dương phát ra tiếng súng trên các đụn cát, vừa xung phong vừa reo hò tở mở. Kết quả rất hài lòng, khoảng chừng một trung đội Việt Cộng bị đẩy bật ra khỏi vị trí trước sức tấn công vũ bão "bằng mồm" của chúng tôi. Tấn công "bằng mồm" đừng nghĩ là chúng tôi nấp kín một chỗ bắn loạn lên trời rồi mồm la xung phong, cũng đừng hiểu tấn công "bằng mồm" có nghĩa là tấn công bằng đạn mã tử vừa tiến vừa la dưới sự kiểm soát của huấn luyện viên chiến thuật trong quân trường. Tấn công "bằng mồm" ở đây có nghĩa là chúng tôi xung phong tiến chiếm mục tiêu hẳn hoi, Việt Cộng bị đẩy bật ra khỏi vị trí nhưng không một tên nào chết hoặc bị thương, vì khi xung phong chúng tôi đã không bắn một viên đạn, mà chỉ có cái mồm ngoác ra mà la, mà reo hò.
Bố trí quân xong, tôi đi một vòng đại đội kiểm soát và được biết chính xác số đạn của từng người lính chỉ còn trên dưới mười viên. Chắc chắn là không thể nào giữ nổi một phòng tuyến tuy khá nhỏ so với quân số một đại đội nhưng lại quá lớn so với số đạn dược chúng tôi đang còn, tôi cho thu nhỏ phòng tuyến lại. Một người lính đã chết khi đại đội thu tuyến. Lần đầu tiên trong đơn vị, xác một đồng đội nằm rất gần mà chúng tôi chịu bó tay, không dám mạo hiểm lấy xác, lý do rất giản dị là chúng tôi không có đạn để bắn yểm trợ. Trí thư ký sống khôn chết thiêng thông cảm cho anh em.
Vì là đồi cát nên chúng tôi đào hầm hố, giao thông hào không mấy khó, mọi chuyện được hoàn tất thật nhanh chóng. Việt Cộng lại bám sát chúng tôi.
Ðại đội trưởng từ tiểu đoàn về cho biết phát súng đầu tiên Việt Cộng đã bắn chết đại úy Chiêu - Tô Thanh Chiêu - đại đội trưởng đại đội 3 và phát súng tiếp ngay sau đó đã bắn trúng giữa trán thiếu tá Nam -Nguyễn Tri Nam- tiểu đoàn phó, trong lúc thiếu tá Nam đang chia tuyến phòng thủ cho các đại đội trưởng.
Chiếc tàu đã ra xa, thật xa ngoài khơi, bờ biển đã vắng tanh vắng ngắt, Lữ đoàn đã bố trí thành một đường vòng cung bảo vệ một đoạn bờ biển, những người dân và những người lính mất hàng ngũ đã trốn nấp đâu đó. Mặt trời đã khuất, tất cả đều đã biến mất trong ánh sáng cuối ngày, chỉ còn lại là những tiếng súng, những lằn lửa đan ngang đan dọc trên đầu chúng tôi. Chúng tôi di chuyển thật hạn chế dưới giao thông hào được đào vội vã để chuyền cho nhau những viên đạn đi nhặt, đi mót được. Bóng tối xuống rất từ từ.
Một chàng trung úy Biệt Ðộng Quân còn đeo cả khẩu Colt 45 bên hông và cái xẻng sau lưng không biết từ đâu xuất hiện, bò đến chỗ tôi, giọng trầm:
"Trung úy cho tôi đi theo trong đại đội" - vừa nói anh chàng vừa vỗ vỗ vào túi quần - "tôi có hơn trăm ngàn, khi về đến Ðà Nẵng mình sẽ đi nhậu."
"Một trò hối lộ bỉ ổi, tôi sẽ đồng ý cho anh đi theo trong đại đội nếu anh có súng và đạn chứ tôi không cần anh phải có tiền. Tôi nhấn mạnh là súng để đánh nhau chứ không phải là súng để làm cảnh như khẩu Colt này."
"Trung úy để tôi đi kiếm."
Anh ta bò ngược trở lại phía biển, khuất dần sau những mô cát phía sau lưng tôi.
Ðạn cối 61 ly của Việt Cộng nổ rất gần chúng tôi nhưng vì rơi trên cát nên chẳng hiệu quả gì bao nhiêu, và sự điều chỉnh không được chính xác vì Việt Cộng không nắm được vị trí chính xác của chúng tôi. Tuy nhiên những nháng lửa và những tiếng nổ cũng đủ làm cho thần kinh chúng tôi căng thẳng. Một vài quả lựu đạn được ném ra từ giao thông hào chỉ có giá trị níu kéo một chút tinh thần còn sót lại.
Tiếng khóc ư ử của cô gái Huế học Văn Khoa vang lên, thỉnh thoảng còn được cầm chịch bằng những lời kêu than, van vái. Ðàn bà quả thật là vô duyên trong lúc này, vậy mà còn phải nghe lời than khóc của cái món vô duyên ấy nữa. Trong trường hợp này và trong hoàn cảnh này, cô nàng quả chỉ đáng đem ra xử bắn. Tôi bảo tên cao bồi:
"Bưởi, mày tới hỏi con nhỏ bộ muốn chỉ điểm mục tiêu cho Việt Cộng hay sao mà khóc rùm trời vậy?"
Bưởi bò đi một lúc rồi bò về vừa cười vừa nói:
"Con nhỏ vừa khóc vừa kêu cha mạ ơi, trời phật ơi, tay vái lia lịa mà đâu có thấy nó vái trời, chỉ thấy cái mông nó chổng lên trời thôi, còn tay nó vái đất. Còn nữa ông thầy, có thêm một cặp nằm ôm nhau trong tuyến mình."
"Ngon há, sao mày không tống cổ tụi nó ra?"
"Ðâu được ông, lính mình mà."
"Lính mình hả, thằng nào vậy?"
"Không phải đại đội mình, đại đội chỉ huy. Tụi nó đi theo trung úy Xuân."
"Ủa, ông Xuân cũng nằm đây à? Ðể tao đi coi."
Trung úy Xuân là đại đội trưởng đại đội chỉ huy, nhưng chắc chắn một điều là đại đội chỉ huy không có mặt ở vị trí của đại đội tôi. Tại sao ông Xuân lại nằm đây?
Tôi bò dọc theo giao thông hào, nhiều đoạn chạy quanh phía sau ụ cát nên không phải bò. Ði một vòng để kiểm soát và khích lệ tinh thần lính tráng, tôi đến gặp trung úy Xuân:
"Tại sao ông lên nằm đây?"
"Nằm với tụi mày chắc ăn hơn nằm dưới kia."
Tôi không hiểu được ý của câu trả lời.
"Còn cặp nào nằm đây?"
"Cao bồi tao, con vợ nó ở Sài Gòn ra bị kẹt lại."
Tôi bò đi. Cô gái Huế học Văn Khoa đã cố nén tiếng khóc không cho bật ra ngoài, thỉnh thoảng chỉ còn nấc lên một tiếng. Tình cảnh này thật thương tâm, nhưng không ai giúp được gì cho cô ta trong lúc này, và cũng chẳng có ai rảnh để mà an ủi cô ta. Có mỗi một cô gái nằm gần bên thì cô này cũng quá sợ, ôm cứng lấy chồng.
Việt Cộng vẫn bắn đều, chúng tôi vẫn đáp lễ cầm chừng.
Ðại đội trưởng chuyển xuống cho một mũ sắt đạn M-79 và lựu đạn. Chính tôi đi kiểm soát để bổ sung cho lính.
Việt Cộng mở đợt tấn công đầu tiên. Với lối đánh quen thuộc, chúng tôi đã đẩy lui đợt tấn công mở màn, thăm dò của địch nhanh chóng và nhẹ nhàng, chúng tôi không có một tổn thất nào. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là chúng tôi sẽ phải chống đỡ bao nhiêu đợt tấn công trong đêm, và đến đợt tấn công thứ mấy thì chúng tôi hết nhẵn đạn.
Có lệnh mở đường máu đi về phía cửa Tư Hiền. Vô ích phải không đại tá lữ đoàn trưởng? Phải mở bao nhiêu lâu và con đường máu phải kéo dài bao xa, và phải cần đến bao nhiêu máu mới mở được con đường đến cửa Tư Hiền, và còn nữa, phải tốn bao nhiêu xác người mới đủ để tạo thành cái cầu bắc qua cửa biển. Và chắc chắn một điều là chúng tôi sẽ không đủ đạn để mở nổi con đường máu đó. Tại sao không mở rộng khu vực phòng thủ để bảo đảm an toàn cho tàu vào tiếp tế đạn dược, lương thực tạo điều kiện thuận tiện và an toàn hơn cho một bãi bốc để di chuyển từng đơn vị nhỏ ra biển. Nếu chơi trò này tối thiểu chúng tôi cũng phải rút được hai tiểu đoàn. Lệnh mở đường máu về cửa Tư Hiền là một cái lệnh vô lý, thậm vô lý, vô ích, thậm vô ích, chỉ là sự dẫy dụa của một con cá đang nằm trong lưới.
Trời ơi chúng tôi có còn phải là Thủy Quân Lục Chiến nữa hay không, chúng tôi có còn phải là những thằng lính thiện chiến "quân thù phải khiếp oai danh" nữa không, hay chúng tôi đã trở thành những cái xác vô tri vô giác được chỉ huy một cách vô lý. Chúng tôi là những thằng lính không bao giờ sợ chết, chúng tôi là những thằng luôn luôn tuân lệnh một cách tuyệt đối, nhưng bây giờ có nên tuân theo cái lệnh này hay không. Ðã không cho chúng tôi xuống tàu trong khi còn có thể yên ổn mà xuống chỉ vì vài ba ngọn sóng nhỏ vỗ bờ, đã không cho chúng tôi lập tuyến phòng thủ khi còn có quyền chọn lựa địa thế. Chúng tôi bị đặt vào một thế chiến đấu cực kỳ bất lợi, với một địa thế thật tênh hênh mà lại nằm gọn trong một cái túi bít kín, chúng tôi không còn lương thực, chúng tôi không còn đạn dược, và cũng không còn sức lực, tinh thần chúng tôi đã xuống đến mức thấp nhất, bây giờ bắt chúng tôi mở đường máu chỉ có nghĩa là bắt chúng tôi chọn lấy cái chết nhọc nhằn và vất vả hơn là để chúng tôi nằm yên ở đây đánh nhau để mà chết.
Còn nỗi bi thảm nào hơn tình thế chúng tôi trong lúc này. Có những người tìm cái sống trong cái chết, ít ra họ, họ còn cái hy vọng tìm thấy cái sống mặc dù rất nhỏ nhoi, hy vọng nhỏ đến đâu cũng vẫn là hy vọng, một mảnh ván mục giữa biển cũng là hy vọng. Còn chúng tôi, miếng ván mục cũng không trông thấy, chúng tôi không thất vọng, chúng tôi không tuyệt vọng mà chúng tôi vô vọng. Chúng tôi, những thằng thanh niên khỏe mạnh, yêu đời, rất ham sống đang ngồi mơ được dậm chân tại chỗ này, đánh nhau để rồi chết tại đây cho đỡ mệt, chứ không muốn mở đường máu để chết dần chết mòn dọc đường, cuối cùng đến được một chỗ cũng để chết. Cái chết kiểu này quả tình không hứng thú tí nào hết.
Nghĩ đến chuyện phải mở đường máu, phải di chuyển cho mệt rồi cuối cùng cũng chết, nhưng đã có lệnh chuẩn bị tức là sẽ đến lúc thi hành, quả là ngao ngán. Tôi không muốn thi hành cái lệnh này, nhưng tôi lại không thể không thi hành lệnh. Vậy thì cách giải quyết tốt nhất để không phải thi hành lệnh là chết trước, chết ngay tại đây trong lúc này. Tôi không muốn mệt nhọc hơn nữa để kéo dài cái sống thêm được vài tiếng đồng hồ. Tôi đi một vòng dọc theo tuyến của đại đội để kiểm soát lính tráng, lần này tôi đi theo đúng nghĩa của tiếng đi, thẳng lưng mà đi. Cứ thẳng lưng như vậy tôi đi trong ánh sáng chập chờn của những trái hỏa châu chiếu đến, kéo dài những bóng đen rung rinh của những lùm dương, mờ dần rồi đen thui, trời lại sáng lên, bóng đen của những lùm dương lại rõ nét, ngắn hơn, lại kéo dài ra mờ dần. Ðột nhiên tôi bị hất ngã và không biết gì nữa.
 Phần 4
Phản ứng đầu tiên của tôi khi tỉnh dậy là đưa tay sờ lên đầu, chỗ để đội mũ còn nguyên nhưng cái mũ sắt đã văng đâu mất. Biết chắc là mình còn sống, tôi cố gắng trấn tĩnh nhưng trong người vẫn thảng thốt làm sao ấy. Kết quả của viên đạn làm bay mũ sắt trên đầu tôi đã làm tôi không còn suy nghĩ gì nữa, ý nghĩ muốn chết ngay lập tức đã không còn, mở đường máu hay không mở đường máu không còn là vấn đề. Ðầu óc tôi hoàn toàn đờ đẫn, trống rỗng. Giờ này có lẽ cũng một, hai giờ khuya gì rồi. Vấn đề của tôi lúc này là ngủ. Ngồi dựa lưng vào vách giao thông hào, tôi ngủ một giấc. Giấc ngủ dĩ nhiên rất mệt mỏi và chập chờn trong tiếng súng.
Không rõ tôi ngủ như vậy trong thời gian bao lâu. Bưởi đánh thức tôi dậy:
"Ông thầy, tiểu đoàn 7 lên trám bớt tuyến cho mình. 369 nói ông thầy rút ngắn tuyến lại."
Tiểu đoàn 7 là đơn vị được vận chuyển bằng xe từ Quảng Trị vào nên đạn dược còn đầy đủ và sức khỏe chưa bết bát như chúng tôi. Sau khi bắt tay nhau và sắp xếp xong khu vực phòng thủ, tôi bèn làm một bài ca con cá kiếm chút đạn, và đồng thời tôi vững tin hơn rất nhiều vì phòng tuyến không còn quá rộng so với khả năng phòng thủ của chúng tôi trong lúc này. Tuy nhiên tôi lại bị ám ảnh trở lại bởi cái lệnh mở đường máu.
Gần sáng 26. Biển yên gió lặng, trời sáng nhờ nhờ vì sương mù. Tôi nhận lệnh cho tải thương binh ra sát bờ biển để đợi tàu vào bốc. Trung úy Xuân đã biến mất cùng tên lính mang máy. Tôi nói với cô gái Huế học Văn Khoa và vợ chồng người lính cao bồi của trung úy Xuân còn nằm lại:
"Có tàu vào tải thương, mấy người ra bờ biển đi theo đám thương binh lên tàu, trời còn tối, đi từ đây xuống mé nước không nguy hiểm bao nhiêu đâu."
Họ dắt nhau chạy băng từ mô cát này đến mô cát khác và biến mất trong màn sương.

Ðã thấy bóng dáng đen xì của chiếc tàu vào sát bờ, tôi đinh ninh là thế nào cũng được tiếp tế thêm đạn, nhưng chờ đợi vô ích, vì đợi cho đến khi tàu ra tận ngoài khơi đã khá lâu mà vẫn chẳng thấy ai gọi tôi đi nhận đạn. Hóa ra chúng tôi không được tiếp tế.
Tiếng súng thưa đã lâu, bây giờ lại bắt đầu dồn dập. Bóng đêm bao che cho những người rút chạy, nhưng chúng tôi đã không lợi dụng bóng đêm nên bây giờ lại phải đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm càng lúc càng tăng. Sương đã tan, mặt trời chưa lên nhưng đường chân trời phương đông đã sáng, đủ để chúng tôi thấy những chiếc tàu nhỏ đang từ từ di chuyển qua lại ở mãi ngoài xa.
Ðại đội trưởng cho người gọi tôi:
"Ông bàn giao nốt tuyến của mình cho tiểu đoàn 7."
"Vậy là không mở đường máu nữa à?"
"Mở cái con mẹ gì, bộ ông ham lắm hả?"
"Nản thấy mẹ chứ ham gì ông."
"Hủy bỏ rồi."
"Tại sao tàu không vào bốc mình hồi đêm, và tại sao tàu vào tải thương mà không tiếp tế gì cho mình?"
"Bộ ông tưởng tôi biết nhiều hơn ông sao?"
"Bàn giao tuyến cho Tiểu đoàn 7 rồi mình đi đâu?"
"Về đàng sau. Thằng Xuân bỏ đơn vị xuống tàu rồi, thằng So dẫn nguyên đại đội xuống tàu luôn rồi. Tiểu đoàn kêu ông qua coi đại đội 3 thay đại úy Chiêu, sau đó ông mang đại đội 3 trám vào tuyến của thằng So."
"Bao giờ tôi qua đại đội 3?"
"Tiểu đoàn kêu ông từ hồi khuya, nhưng tôi chưa muốn để ông đi."
"Sao vậy?"
"Ðại đội 3 banh hết rồi, ông qua đó lúc này đâu có làm được cái mẹ gì. Lỡ bị gì có phải kẹt không!"
Có thật là lỡ bị gì "có phải kẹt không" hả trung úy Gắt, chắc là không rồi. Ðại đội 3 mới thành lập, đại đội phó chết, đại đội trưởng chết, mấy trung đội trưởng còn lại chỉ là chuẩn úy, các tay kia là thiếu úy lại tinh là những tay ba bứa, cứng đầu, đâu có ai nói ai nghe. Gần như là một thông lệ, một đơn vị mới được thành lập hầu như được tập hợp bằng những tay trật búa, những tay bị "đì" từ các đơn vị khác được đơn vị trưởng "ưu ái" tống ra khỏi đơn vị. Ðại đội 3 là đại đội tập trung tất cả những thằng "hết xài" của các đại đội khác trong tiểu đoàn, hiện giờ lại đang là một con rắn mất đầu. Tôi qua làm đại đội trưởng chỉ là để ổn định lại đại đội chứ đâu phải để đánh đấm. Rõ rệt là tôi đã có lệnh mang đại đội 3 trám vào tuyến đại đội 2 của trung úy So, tức là nằm ôm mặt sau của tiểu đoàn. Trung úy Gắt không cho tôi đi chắc chỉ vì đại đội 4 tôi chưa có ai được chuẩn bị để làm đại đội phó. Mà thằng đại đội phó Thủy Quân Lục Chiến mới là thằng chỉ huy đại đội đánh đấm, ủi bãi.
Ông sợ cho tôi hay ông sợ cho ông. Ông đã làm mất một dịp làm đại đội trưởng của tôi. Xin thành thật cám ơn ông, ông trung úy Gắt.
Bàn giao tuyến xong, Ðại đội trưởng lại gọi tôi đến. Bằng một giọng giận dữ, trung úy Gắt nói:
"Ðụ mẹ, mình bị bỏ rơi rồi!"
"Ông nhận lịnh gì vậy?"
"Lịnh cái con cặc! Ó Lương lên tàu tải thương rồi, đụ mẹ, dắt theo lữ đoàn phó và thằng cha trung tá Tòng."
"Ủa, vậy rồi ai ra lịnh cho tiểu đoàn 7 thế chỗ mình?"
"Thiếu tá Cang" - thiếu tá Cang là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7.
Tôi buồn chứ không tức giận như trung úy Gắt. Ðã đến tình trạng này thì ai mà chẳng muốn chạy thoát lấy thân. Trung úy So ngon lành nhất, So không chạy một mình mà dẫn theo cả đại đội xuống tàu. Trung úy Xuân khá hèn, bỏ cả đại đội chạy một mình, nhưng Xuân chỉ là một đại đội trưởng, cùng lắm thì tai tiếng chỉ loanh quanh trong phạm vi nội bộ của sư đoàn. Ðằng này, cả lữ đoàn trưởng lẫn lữ đoàn phó bỏ lữ đoàn lại mà chạy, trời đất ơi, đại tá lữ đoàn trưởng, trung tá lữ đoàn phó Thủy Quân Lục Chiến đào ngũ khi đối diện với địch quân. Tôi không phải là chánh án tòa án quân sự mặt trận, tôi cũng không phải là một sĩ quan thượng cấp để ra lệnh thi hành bản án tử hình theo quân luật hai ông xếp lớn này, nhưng tôi là một thằng Thủy Quân Lục Chiến, tôi sẽ nhục nhã như thế nào khi những người của các binh chủng khác nói đến chuyện này. Sĩ quan cao cấp của Thủy Quân Lục Chiến mà lại hèn đến thế sao? Buồn thật!
Tôi không muốn nghĩ thêm nữa về vết nhơ này của binh chủng. Tôi hỏi trung úy Gắt:
"Mình bàn giao, rồi làm cái giống gì ở đàng sau?"
"Một chút nữa sẽ lại có tàu vô đón. Tiểu đoàn mình được lên tàu trước tiên, kế đến là tiểu đoàn 3 rồi đến tiểu đoàn 5. Tiểu đoàn 7 nằm lại lên sau cùng."
"Ai sắp xếp thứ tự này vậy 369?"
"Thiếu tá Cang."
"Khi nào mình dzọt?"
"Khi nào có tàu vô tiểu đoàn 7 sẽ yểm trợ cho mình chạy xuống mé biển."
Tôi trở về vị trí. Từ đây xuống đến mé nước, đoạn đường độ khoảng trên dưới một trăm thước, cát khô. Tuy gần nhưng đâu phải là dễ chạy. Tôi ra lệnh cho cả đại đội cởi giày để chạy trên cát cho dễ.
Tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Trời sáng hẳn. Chúng tôi ngồi quay mặt ra biển chờ đợi. Không còn tí vướng bận gì về chuyện phòng thủ phía sau lưng. Những người lính ở tuyến sát biển đang thập thò quanh những ụ cát thấp. Những con tàu vẫn từ từ qua lại ở ngoài xa. Sự yên lặng này có làm nặng nề thêm không khí chiến trường? Có nặng nề, ngột ngạt chăng là với những người lính của tiểu đoàn 7. Họ có biết không những tính toán của Việt Cộng và họ đã biết chưa cái thứ tự ưu tiên sau cùng của họ? Những người lính của một người tiểu đoàn trưởng anh hùng.
Với chúng tôi đoạn đường trăm thước này được kể như là vũ môn của những con cá chép. Sống chết dĩ nhiên cũng tùy thuộc vào sức mạnh của đôi chân, càng chạy nhanh thì càng rút ngắn được thời gian điểm danh của thần chết, nhưng sức mạnh của đôi chân vẫn chỉ là thứ yếu, mà sống chết phần lớn là tùy thuộc vào số mạng của từng người. Hãy tập trung tất cả khả năng của mình để chạy chết trên đoạn đường này, nhưng cũng hãy bình thản để chấp nhận số mệnh. Tôi cố gắng làm cho trọn điều tâm niệm đọc được của Nguyễn Mạnh Côn, "làm cho hết sức mình rồi bình tâm".
Nhưng, rất cố gắng mà tôi vẫn không thể bình tâm được. Mới có được tí ti hy vọng là sẽ được tàu bốc, tôi đã đâm ra sợ chết. Nếu tôi cầm súng chiến đấu, cầm súng xung phong mà chết thì cái chết nó sẽ nhẹ nhàng hơn vì tôi không đang nghĩ đến nó, vì tôi còn đang hăng, vì máu tôi còn đang nóng. Còn bây giờ, chúng tôi buông súng, quay lưng, ùa chạy như một đàn vịt và chờ đợi một viên đạn ghim vào lưng, cái chết này quả là nặng nề, quả là lạnh căm.
Sống chết không còn tùy thuộc vào khả năng của mình, mà sống chết tùy thuộc vào may rủi, vào số mạng. Trời kêu ai nấy dạ. Trong lúc chờ đợi để thử thách với trời này, tôi chỉ còn có thể bám víu vào một đấng nào đó không thuộc về con người, khốn nỗi tôi lại là một thằng vô thần, không Chúa không Phật, đi nhà thờ chỉ để tán con chiên, đi chùa chỉ để theo tín nữ, vậy thì Chúa nào Phật nào chịu giơ tay cho tôi bám. Tôi bỗng nghĩ đến ông ngoại tôi, lần đầu tiên nghĩ đến ông sau khi ông chết đã hơn mười năm. Tôi lẩm nhẩm trong miệng "ông ơi cứu con! ông ơi cứu con!" Bà ngoại đã chẳng từng dặn rằng "có gì con cứ gọi đến ông, tối nào bà cũng thắp hương cầu ông phù hộ cho con" đó sao.
Mắt tôi bỗng sáng lên khi thấy một chiếc tàu quay mũi vào bờ. Trống ngực tôi đập thật mạnh, người tôi như lên cơn sốt trong khi miệng tôi chợt đắng nghét, bụng tôi thắt quặn lại, cố gắng một cách liên tục, dù hai hàm răng vẫn đập vào nhau, tôi vẫn lẩm bẩm "ông ơi cứu con! ông ơi cứu con!"
Tiếng súng Việt Cộng bắt đầu nổ, tiểu đoàn 7 cũng bắt đầu bắn.
Tôi nhìn ngược nhìn xuôi kiểm soát và nhắc nhở con cái lần chót. Miệng tôi bật ra tiếng hô:
"Dzọt!"
Tất cả đại đội ùa chạy.
Súng nổ nhiều hơn, nhiều loại súng nổ hơn, rền hơn, gắt hơn, nhắm vào những mục tiêu di động là chúng tôi bắn tới tấp hơn. Tôi cố gắng chạy thật nhanh, miệng không ngớt "ông ơi, ông ơi", nhưng hình như người tôi nặng hơn, cát dưới chân hình như lún sâu hơn, thân hình tôi hình như to lớn, dềnh dàng hơn. Mồ hôi tôi vã ra, tai tôi ù đi, mắt tôi hoa lên. Hình như đâu đó quanh tôi có những tiếng thét thất thanh, hình như đâu đó quanh tôi có những bóng người ngã xuống. Không gian thì ngắn mà sao thời gian lại quá dài. Hình như thằng Bưởi vẫn chạy sau lưng để đỡ tôi, hình như thằng Khải mang máy đang kè kè bên cạnh tôi, và hình như tôi nghe loáng thoáng đâu đó tiếng của những người lính la lớn "tới rồi, tới rồi, nhào xuống giao thông hào".
Không biết những bàn tay nào đã hất tôi xuống giao thông hào, không biết những bàn tay nào đã đỡ tôi khỏi ngã. Tôi ngồi phệt xuống, dựa lưng vào bờ cát, miệng há ra mà thở nhưng vẫn không mất âm thanh của hai tiếng "ông ơi!".
Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn.
Sau khi hoàn hồn, tôi đứng dậy nhìn lại đoạn đường vừa chạy, xác những người lính của đại đội nằm rải rác đây đó trên bãi cát. Tôi không dám nhìn kỹ để nhận ra những ai, tôi không dám đếm để biết là bao nhiêu người. Nước mắt tôi trào ra, không hiểu là mừng vì mình còn sống hay vì thương những thằng em vắn số. Một cái giá quá đắt trên một đoạn đường quá ngắn, một món nợ quá nặng chúng tôi phải trả vì mấy ông xếp lớn của chúng tôi vay. Tại sao chúng tôi chỉ được chạy như thế này vào ban ngày hả trời. Tôi đứng đấy, mắt nhòa lệ, thẫn thờ.
Bưởi vỗ lưng làm tôi giật mình:
"Ông thầy, 369 kêu."
"Ông ấy ở đâu?"
"Ðằng kia" - vừa nói Bưởi vừa lôi tôi đi - "đại đội mình tập họp đằng sau ụ cát kia."
Gọi là đại đội nhưng quân số chỉ còn chừng một trung đội. Những người lính của tôi còn lại đâu rồi? Họ đã nằm hết ở ngoài kia hay còn đang lẩn quẩn đâu đó mà tinh thần và thể xác chưa được phục hồi.
Ðại đội trưởng tôi, trung úy Gắt tuyên bố:
"Tôi không biết tàu có vào nổi để bốc chúng ta hay không, tôi tuyên bố kể từ giờ phút này, đại đội hết chỉ huy, mạnh ai nấy lo."
Tôi sững sờ. Trời đất ơi, đụ mẹ, con cặc, tại sao lại tuyên bố một điều vô lý như vậy được. Lúc này là lúc cần sự chỉ huy nhất, lính tráng cần sự hướng dẫn nhất thì ông lại tuyên bố đại đội mất chỉ huy. Ðại đội đã tan hàng, đại đội đã tanh banh nhưng đại đội vẫn còn tập họp lại được. Dù ít dù nhiều vẫn còn là một đại đội. Tại sao thế này hả trung úy Gắt? Tại sao ông lại đào ngũ một cách hèn nhát và công khai như vậy? Tại sao ông tuyên bố đại đội mất chỉ huy mà ông còn gom những thằng lính thân tín của ông lại? Âm mưu xé lẻ lúc này có đáng mặt chỉ huy hay không? Ðã vậy mà còn tuyên bố. Tuyên bố cái con cặc! Tại sao ông không dẫn mấy thằng đệ tử ruột của ông trốn cha nó đi từ trước khi tập họp có phải hay hơn không, có phải đỡ nhục hơn không?
Tuy nhiên không sao, kể từ giờ phút này, theo đúng lời ông, ông không còn là cái thằng con cặc gì ở trong đại đội này nữa. Ðụ mẹ, nghe rõ không, trung úy Gắt. Cút cha ông đi!
Tôi nói lớn:
"Ðại đội trưởng tuyên bố đại đội mất chỉ huy. Ðứa nào muốn đi đâu thì đi. Ðứa nào muốn theo tao thì theo."
Tất cả kéo dồn về tôi, không hiểu vì ngượng hay vì thỏa mãn, trung úy Gắt dẫn mấy tên đệ tử ruột đi ra một nơi khác.
Huy mập tức quá khóc rống lên:
"Ðụ mẹ, tôi bị thương, tôi không thèm theo tàu tải thương, tôi ở lại với lính, sống chết với tụi nó. Tại sao ông đốn mạt đến vậy hả ông xếp ơi!"
Tàu đã vào gần nhưng chưa tìm ra được một chỗ an toàn để cặp bờ nên vẫn cứ đi lên đi xuống. Những người dân, những người lính của các đơn vị khác đã xuất hiện đông kín một khúc bờ cũng chạy lên chạy xuống theo hướng chiếc tàu di chuyển.
Thiếu tá Thành tiểu đoàn trưởng xuất hiện. Tôi có cảm tình và kính trọng rất nhiều với người chỉ huy này. Ông mới về tiểu đoàn, mặt mũi các sĩ quan thuộc cấp trong tiểu đoàn ông còn chưa biết mặt hết, gặp hết nói gì đến chuyện ông biết tánh tình và khả năng của họ. Làm tiểu đoàn trưởng được mấy ngày thì chạy, chết mất tiểu đoàn phó, chết mất một đại đội trưởng, banh luôn một đại đội, đào ngũ một đại đội trưởng, và một đại đội cũng đang lênh đênh trên biển, nằm ngoài sự kiểm soát của ông. Không hiểu đại đội của đại úy Tài ra sao, đại đội tôi kể như rã đám. Vậy mà ông vẫn chạy ngược chạy xuôi cố gắng tập trung, gom góp những thằng đeo bảng tên màu đỏ tiểu đoàn 4 để hướng dẫn, để cho biết tin tức, để khích lệ tinh thần. Ông đã không lợi dụng tình trạng tan rã của tiểu đoàn để bỏ trốn một mình. Phải chi quân đội chỉ có tinh những cấp chỉ huy như thiếu tá Cang, thiếu tá Thành.
Ông gọi tôi:
"Anh dẫn đám con cái của anh lên trên kia đợi sẵn, đừng chạy theo đám người này cho mệt."
Hóa ra chúng tôi đã được chuẩn bị sẵn một bãi bốc.
Tôi chào ông rồi chúng tôi kéo nhau đi.
Tin tức về chỗ tàu sẽ vào bốc tưởng rằng rất kín đáo, rất bí mật, chỉ riêng Thủy Quân Lục Chiến biết, hóa ra đã có quá nhiều người biết. Chuyến tàu dành riêng cho tiểu đoàn 4, nhưng khi chúng tôi đến nơi, số người đã đứng đợi sẵn cũng có đến cả vài ngàn, xấp xỉ với số người đang chạy ngược chạy xuôi theo chiếc tàu.
Con tàu khá nhỏ, sức chứa tối đa theo tôi ước lượng chỉ có thể chứa được hơn ngàn người, đó là đã kể đến trường hợp nêm người như nêm cối. Vậy mà số người muốn được lên tàu, cũng theo ước lượng của tôi, có đến trên chục ngàn. Chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc thi tuyển bằng bắp thịt và giá phải trả bằng máu, bằng sinh mạng của từng thí sinh để kiếm được một chỗ trên tàu. Một cuộc thi không có trọng tài, không có giám thị, không có hội đồng giám khảo, mà cuộc thi chỉ có những thí sinh là những người đang chạy cho xa Việt Cộng, đang liều mạng sống để khỏi rơi vào tay Việt Cộng.
Tôi rùng mình, tưởng rằng bàn giao tuyến cho tiểu đoàn 7, buông tay súng trở về phía sau là đã an toàn, yên ổn để lên tàu. Bây giờ mới thấy rằng còn quá nhiều cam go, còn quá nhiều nguy hiểm. Chỉ khác lúc trước là thay vì cầm súng chiến đấu với địch, bây giờ chúng tôi không cầm súng và chiến đấu với dân, chiến đấu với lính, với đồng đội, bạn bè mình, và cái giá phải trả cũng không rẻ gì hơn. Chấp nhận húc đầu vào tranh giành với người nhà để lọt được vào con số một phần mười nếu được thì có một vé trên tàu, nếu thua thì thân xác sẽ trôi nổi bập bềnh theo sóng nước. Không có một lựa chọn nào khác nếu không muốn bị sa vào tay Việt Cộng.
Sẵn súng ống trong tay, chúng tôi chiếm được vị trí hàng đầu trong đám đông đứng đợi tàu rất dễ dàng, chẳng ai phản đối, chẳng ai la ó, họ sợ vì chúng tôi có súng hay họ khinh vì không ai muốn dây với hủi. Chuyện cùi hủi gì đó nào còn nghĩa lý gì trong lúc này. Vấn đề chính của lúc này là lên tàu, phải lên tàu bằng mọi giá. Những chuyện khác tính sau.
Chiếc tàu từ từ vào điểm hẹn.
Chúng tôi bị đám đông phía sau đẩy lấn tới đàng trước. Cả khối người xô đẩy, chen lấn ùn ùn dồn nhau ra biển. Tôi bị đẩy ra xa bờ dần. Nước lên đến đầu gối tôi, nước lên đến bụng tôi, nước lên đến ngực tôi. Nước lên nữa, lên cao nữa.
Sóng nâng đám người lên cao, sóng đánh bật đám người rã ra, nhận chìm đám người xuống đáy, sóng đánh văng nhiều người lên bờ, sóng kéo nhiều người ra ngoài xa, sóng lại nâng đám người lên cao, sóng lại đánh bật đám người rã ra, sóng lại nhận chìm đám người xuống đáy, sóng lại kéo nhiều người ra ngoài xa. Cứ thế sóng nhồi, cứ thế liên tục sóng nhồi.
Tôi đã ra xa bờ nhưng cũng phải còn xa tôi mới tới được chiếc tàu. Nước và sóng đã không để yên cho tôi bơi ra tàu theo một đường thẳng. Bụng tôi đã chứa khá nhiều nước biển, vậy mà miệng tôi vẫn cứ tiếp tục dồn nước biển vào bụng sau mỗi lần bị sóng nhồi, và cứ sau mỗi lần bị sóng nhồi, tôi lại ra xa bờ và xa chiếc tàu hơn một chút. Tha hồ mà ngụp lặn, tha hồ mà vẫy vùng. Tiểu đoàn 4 Kình Ngư nào có sợ gì biển cả. Tôi là một con cá kình đang "nhởn nhơ" với biển to, đang "tung tăng vui đùa" cùng sóng dữ trong khi chân tay tôi mỏi nhừ dần, rã rời dần, trong khi bụng tôi phình to dần vì nước biển. Cái chết đến mỗi lúc một gần tôi hơn. Con "cá dữ" đang chờ lúc chết đuối.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi vớ được chiếc ba lô căng phồng không biết của ai. Tuy cái ba lô đã thấm khá nhiều nước nhưng vẫn có giá trị của một cái phao cứu mạng tôi lúc này. Tôi ôm chắc mà không đeo vào lưng vì cái dây đeo đã tụt ra khỏi móc sắt. Tay ôm cứng ba lô, tôi thả nổi cái mạng sống bấp bênh của mình. Tuy đang chờ chết nhưng lần chờ chết này tôi lại rất bình tĩnh, không hốt hoảng, không run sợ như lần chờ viên đạn ghim sau lưng lúc nãy. Một chút thèm thuồng nhìn những người đã leo được lên tàu, và một chút hối tiếc nhìn những người còn đang đứng trên bờ mỗi khi sóng đưa tôi lên cao. Tăng thêm một vài ngụm nước biển vào bụng, mất dần thêm một chút sức lực mỗi khi sóng nhận chìm tôi xuống. Tôi không còn ý niệm về thời gian, nên không thể nhớ nổi tình trạng bập bềnh này kéo dài trong bao nhiêu lâu.
Có một người không biết từ đâu đến, xuất hiện cạnh tôi, ối giào, cũng chỉ bình thường như những người bình thường đang ngụp lặn giống tôi và quanh tôi. Nhưng không, anh chàng này không giống ai hết, nét mặt của anh chàng có một cái vẻ gì đó có thể gây nguy hiểm đến cho tôi. Linh cảm được điều này, nhưng tôi không làm sao có thể tránh xa anh ta. Anh chàng nhìn tôi một cách van lơn, nhìn cái ba lô tôi đang ôm một cách thèm thuồng, anh chàng cố gắng nói thật lớn với tôi, nhưng giọng bị đứt quãng vì hụt hơi, vì mệt, vì gió và vì tiếng sóng:
"Anh đưa em ra tàu với. Em bơi hết nổi rồi."
Hình như có một dòng điện cao thế vừa chạm vào người tôi, tôi hốt hoảng, tôi run lên vì sợ. Anh chàng này đúng là thần chết đến bắt tôi đi. Trời ơi, có phải thần chết cũng có khuôn mặt của người, hay thần chết đang vờn tôi như mèo vờn chuột. Tôi hấp tấp nói, chỉ sợ anh ta không kịp nghe tôi nói:
"Tôi không ra tàu đâu, tôi đang quay vào bờ."
Mặc cho tôi không ra tàu, mặc cho tôi đang quay vào bờ, mặc cho tôi hấp tấp nói, anh ta ôm cứng lấy tôi, biến tôi thành cái phao giống như tôi đang ôm cứng cái ba lô. Mặc cho tôi giẫy giụa, mặc cho tôi đạp, mặc cho tôi lên gối, sức nặng nghìn cân ôm cứng lấy tôi. Người tôi từ từ chìm xuống, cái ba lô không chịu nổi hai người cũng từ từ chìm xuống. Anh chàng vẫn ôm cứng lấy tôi và càng lúc càng cứng hơn mặc dầu cả ba -anh chàng, tôi và cái ba lô- đã chìm sâu xuống dưới mặt nước, mặc dầu sóng vẫn nhồi cả ba lên xuống, "tung tăng" trong nước.
Một con sóng mạnh nâng bổng chúng tôi lên cao, thật cao rồi ném mạnh chúng tôi xuống. Anh chàng biến mất, cái ba lô cũng biến mất, chỉ còn lại mình tôi ngơ ngẩn, nước chỉ còn ngang ngực, tôi chỉ còn cách bờ hơn chục thước. Con sóng lớn đã ném tôi vào bờ, con sóng lớn đã cứu tôi. Không hiểu anh chàng thần chết có được ném vào bờ như tôi không.
Tôi nương theo những con sóng nhỏ đi lần vào bờ.
Cũng đã có rất nhiều người quay trở lại bờ như tôi, chán nản, tuyệt vọng.
Cũng vẫn còn rất nhiều người hăm hở lội ra tàu.
Tôi đi thất thểu trên bờ cát, không còn biết mình phải làm gì, và cũng không quyết định được gì.
Tôi gặp thiếu úy Sĩ - Lâm Chí Sĩ - tiểu đoàn 2 Pháo Binh, quần áo còn khô, mái tóc mềm dài phủ ót bay bay theo gió, nụ cười bẽn lẽn như con gái cố hữu vẫn nở trên môi, mặt Sĩ đang phừng phừng vì rượu. Thấy tôi, Sĩ đưa tay vẫy:
"Ê Râu, làm vài nắp cho ấm, mày."
Tôi sà ngay vào, uống liền tù tì năm, sáu nắp bi đông rượu. Rượu khá nặng nhưng chỉ đủ làm nóng bụng chứ không đủ làm ấm người.
"Rượu đâu ra mà có giờ này vậy?"
Sĩ chỉ một người cũng mặc quần áo của tiểu đoàn 2 Pháo Binh ngồi bên cạnh.
"Của thằng này, thằng Lộc. Nó làm phân chi khu trưởng ở Gia Hội mang theo cả bốn năm lít."
"Sao tụi mày không xuống tàu?"
Sĩ cười lớn tiếng kiểu hát bội:
"Ha... ha... ha... còn mày sao không xuống tàu?"
Tôi cũng cười, lắc đầu:
"Tao suýt chết đuối."
"Tội nghiệp thằng con trai, mày suýt chết đuối rồi cũng lại lên bờ, bố mày ngồi đây nhậu để coi những thằng suýt chết đuối như mày, bố mày cũng ở trên bờ."
Tôi gật gù:
"Mẹ kiếp, cũng có lý."
Tôi ngồi nhậu và trở thành kẻ bàng quan, ngồi ngắm nhìn thiên hạ.
Rất nhiều người từ biển trở lại bờ, người ngợm quần áo ướt sũng, kẻ khóc vì đã không ra được đến tàu, người cười vì vừa thoát chết, người đi lang thang thất thểu, kẻ ngồi hoặc nằm vật ra bất cần mọi chuyện sẽ ra sao.
Những người quần áo còn khô vẫn nhấp nha nhấp nhổm, nửa như muốn thử thời vận, nửa như rụt rè sợ hãi. Chỉ có những người lính Quân Y Thủy Quân Lục Chiến là những người đặc biệt trong số những người quần áo khô. Họ không nhấp nha nhấp nhổm mà họ hoạt động thực sự. Họ tập họp thành những toán cấp cứu đặc biệt, lăng xăng hết tiêm thuốc cho người này, lại hô hấp nhân tạo cho người khác mới từ biển vào, hết băng bó cho người này, lại đem băng ca khiêng người khác. Xin cám ơn và xin nghiêng mình kính phục những người lính Quân Y này.
Ngoài xa, chiếc tàu đã đông người nhưng vẫn còn đậu nguyên một chỗ, hình như cố tình kéo dài thời gian để bốc thêm được càng nhiều người càng tốt. Sức tải không thành vấn đề chỉ có sức chứa của chiếc tàu và tinh thần của thủy thủ đoàn mới là điều quan trọng. Những người đã lên được trên tàu đang cố gắng kéo những người vừa bám vào được thành tàu. Nhiều người không ai kéo đang cố gắng leo lên tàu từ mọi chỗ có thể bám mà leo. Có người leo lên được nhưng cũng có người rơi trở lại xuống biển. Lại còn có cả người trên tàu ngã xuống biển theo người mình đang cố kéo lên.
Từ bờ ra đến tàu khoảng cách hơn trăm thước, tôi không còn trông thấy mầu xanh của nước biển mà chỉ thuần một mầu đen của đầu người. Ðầu của những người đang cố gắng bơi ra chiếc tàu.
Trên tàu đã chật người, tỷ lệ một phần mười hình như đã đủ số, trên bờ đã có khá nhiều người trở lại, dưới nước đã có nhiều người trôi dạt ra xa, nhưng cuộc thi đã chấm dứt hay chưa khi mà số người bơi ra vẫn còn nhiều và số người bám quanh tàu mỗi lúc một đông thêm.
Chiếc tàu bắt đầu kéo bửng, những người bám vào bửng tàu được nâng lên cao khỏi mặt nước, một số người may mắn rơi ngay vào trong lòng tàu, số còn lại lần lượt rơi xuống biển.
Bửng tàu đã được kéo lên hoàn toàn nhưng không khép kín nổi vì giữa bửng và thành tàu đã kẹp cứng một thân người. Người bị kẹp nửa thân trên nằm trong lòng tàu, nửa thân dưới thò ra ngoài, hai chân giãy giụa, đạp đạp trong không khí được chừng nửa phút rồi ngay đơ. Hai cái chân của người xấu số trở thành có ích cho nhiều người còn ở dưới nước, họ bám vào đó để tiếp tục leo lên tàu. Lúc đầu hai cái chân còn đủ hai ống quần, dần dần chẳng còn gì cả và cuối cùng, cả hai chân đều bị gãy. Nhưng gãy thì gãy, người ta vẫn bám vào đó để leo lên tàu. Ít ra cũng có đến cả chục người leo được lên tàu nhờ cặp chân đó. Và chắc chắn sẽ còn được thêm nhiều người nữa nếu...
Chiếc tàu phụt khói từ từ quay mũi ra biển. Chân vịt đạp nước đẩy không biết bao nhiêu người ra xa tàu, và không biết là đã chém đứt bao nhiêu người.
Thân tàu quay ngang đập vỡ không biết bao nhiêu đầu người, và không biết đã nhận chìm bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.
Biết bao nhiêu người đã chết vì chiếc tàu quay mũi.
Nhưng...
Chiếc tàu đã không ngừng quay khi cái mũi đã hướng ra biển. Mà, chiếc tàu vẫn tiếp tục quay, mũi tàu lại từ từ hướng vào bờ.
Chân vịt lại chém thêm không biết là bao nhiêu người.
Thân tàu lại đập vỡ thêm không biết là bao nhiêu cái đầu, và lại nhận chìm thêm không biết là bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.
Tại sao chiếc tàu bỗng dưng quay đúng một vòng tròn để làm chết biết bao nhiêu là người như vậy?
Ðã có những xác chết trôi nổi dập dềnh xen lẫn với những xác sống đang cố bơi ra tàu hoặc đang cố giữ cho mình không trở thành xác chết. Chiếc tàu lại nằm im như đang mời gọi.
Chúng tôi ở cách xa vùng mặt trận có đến nửa cây số, tiếng súng chỉ nghe văng vẳng, nhưng chết chóc lại nhiều hơn có đến cả trăm lần.
Ủa, tại sao lại có người từ trên tàu nhảy xuống biển, không lẽ mắt tôi đã hoa lên vì rượu. Không phải một người, hai người mà là rất nhiều. Rõ ràng là mắt tôi trông thấy người ta leo qua lan can tàu, có người còn ngần ngừ, có người không ngần ngừ nhảy xuống biển. Lại có người lao mình qua lan can tàu để nhảy xuống biển.
Không tin nổi ở mắt mình mặc dầu tôi đã dụi mắt thật nhiều lần. Tôi hỏi Sĩ:
"Mày có thấy người ta nhảy từ trên tàu xuống biển không?"
Sĩ cũng ngạc nhiên không kém tôi.
"Ðụ mẹ, kỳ quá mày!"
Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, nhưng chúng tôi không có thời giờ để ngạc nhiên. Hai chiếc M-113 chở đầy người chạy từ hướng mặt trận đã cán bừa lên những người vừa từ biển lên còn đang nằm vật ra mà thở, và cán luôn cả những người không kịp chạy tránh đường.
Vừa thấy bóng thiếu úy Ngô Du - một trung đội trưởng của đại đội tôi - từ dưới biển trở lên, đang lảo đảo như muốn ngã gần mé nước, tôi và Sĩ chạy vọt tới đỡ và kéo Du chạy thật nhanh vừa kịp chiếc M-113 chạy lướt qua sát người chúng tôi.
Hai chiếc M-113 lội xuống nước để ra chiếc tàu.
Những cái bánh xích đua nhau cán lên đầu của không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu.
Ra đến nơi, chuyển hết người lên tàu xong, hai chiếc xe lội nước quay đầu lội vào bờ. Lại không biết bao nhiêu là đầu người bị nghiền nát bởi những cái bánh xích.
Vào đến bờ, hai chiếc M-113 ngừng lại. Từ vị trí tài xế, một cái đầu thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.
"Ai muốn lên tàu thì leo lên tôi chở ra."
Lúc đầu nhiều người ngần ngại, nghi ngờ, nhưng rồi lác đác cũng có người leo lên. Có đến cả 15 phút mà hai chiếc M-113 vẫn chưa đầy người.
Cái đầu lại thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.
"Leo lên gấp đi mấy cha, tôi ra chuyến này không trở vô nữa đâu."
Lại có thêm vài người leo lên.
Tôi phân vân trong sự chọn lựa. Nên hay không nên leo lên. Tôi hỏi Sĩ:
"Lên không mày?"
Sĩ lắc đầu:
"Tao không muốn chạy thoát bằng cái chết của những người đang lóp ngóp dưới kia."
Câu nói của Sĩ đã cho tôi một quyết định:
"Mẹ kiếp, có mày có tao hay không có mày không có tao thì những người đang lóp ngóp dưới kia cũng sẽ bị những cái xích sắt này cán. Ðừng có triết lý ba xu thằng con trai."
Sĩ cười bướng:
"Tao có nói khác gì mày đâu, nhưng tao không."
"Ðược rồi, phụ tao đưa thằng Du lên."
Sĩ và tôi đưa thiếu úy Du lên thiết vận xa. Trước khi leo lên, tôi nắm chặt vai Sĩ:
"Hy vọng sẽ gặp mày ở Ðà Nẵng."
Sĩ nhìn tôi cười:
"Ðụ mẹ, đồ cải lương, cút mẹ mày đi thằng con trai."
Hai chiếc M-113 lại lội nước ra tàu.
Lần này tôi mục kích tận mắt những cái xích sắt nghiến nát những đầu người. Tiếng máy nổ và tiếng nước vỗ đã át đi những tiếng thét tiếng la và có thể, cả tiếng vỡ của những cái đầu, nhưng không có gì có thể che lấp được những mảnh quần áo và mầu đỏ của máu cuộn theo chiều quay của xích sắt. Màu đỏ của máu và những mảnh vải cuộn theo chúng tôi suốt cả lộ trình khoảng một trăm thước. Màu đỏ của máu và những mảnh quần áo chắc chắn còn dính cả thịt còn trồi lên, trồi lên xen lẫn với bọt nước phía sau chúng tôi. Không hiểu tôi có dã man không, không hiểu tôi có chai đá không, không hiểu tôi đã trở thành súc vật chưa, hay vì tôi đã nhìn thấy quá nhiều cái chết từ sáng đến giờ, hay vì tôi đã yên tâm trên đường ra tàu an toàn mà tôi rất thản nhiên, lòng tôi rất bình thản khi nhìn những cái chết, quá nhiều cái chết ngay dưới chỗ mình ngồi, bị chết bằng ngay cái phương tiện mình đang sử dụng. Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan, vô thưởng vô phạt. Không hiểu thằng Sĩ hèn nhát không dám nhìn cảnh này hay thằng Sĩ quá can đảm chọn lựa ở lại, chấp nhận bất cứ một điều gì sẽ xảy ra cho nó khi sa vào tay Việt Cộng. Dù sao thì tao cũng mong là lần chia tay vừa rồi chỉ là tạm biệt thôi Sĩ ạ.
Chiếc M-113 cặp sát vào thành tàu.
Người trên tàu phần lớn là Thủy Quân Lục Chiến. Lính của tiểu đoàn 4 tôi cũng khá đông. Tuy khoảng cách từ mui xe thiết giáp đến boong tàu khá xa nhưng được khá nhiều đàn em giúp nên tôi và Du lên tàu không khó khăn gì mấy. Có điều làm tôi xúc động là trong số người giúp tôi lên tàu có binh nhất Vạn - Nguyễn Văn Vạn. Vạn là dân Vũng Tàu, khi nhỏ phải đi bán báo chứ không được đi học, lớn một chút làm nghề đánh xe ngựa cho du khách, và nguồn lợi tức chính là hành nghề mặt rô ở các quán bia ôm, các xóm chị em ta. Vạn là một tay du đãng nổi tiếng ở Vũng Tàu. Cách đây ít lâu, vì vi phạm kỷ luật, tôi đã cho đóng bốn cái cọc trói căng hai chân hai tay Vạn ra, đánh theo hệ thống quân giai, bắt đầu từ tiểu đội phó là mười roi, đến tiểu đội trưởng số roi được nhân gấp đôi, và cứ theo cấp số nhân như vậy mà đánh. Mỗi lần Vạn xỉu là y tá chích thuốc và tạt nước vào người cho tỉnh dậy để đánh tiếp. Chưa đến lượt tôi đánh, Vạn đã xỉu ba lần. Sau trận đòn, chúng tôi phải đưa Vạn lên bệnh xá của Lữ đoàn, nằm lại mười ngày vì bị đái ra máu. Tôi không sợ chuyện thù oán của lính tráng, nhưng không thể ngờ được là Vạn lại là người hăng hái, sốt sắng nhất khi kéo tôi lên tàu.
1     2    3

No comments:

Post a Comment