Nguyên Thạch (Danlambao) - Hơn 60 năm cho miền Bắc, 37 năm cho cả nước, một chuỗi thời gian khá dài nếu đem so với tuổi đời của con người. Dòng thời gian này đã chứng minh cũng như cống hiến cho phần lớn trong chúng ta những nét nhìn, những cảm nhận thực tiễn về một Việt Nam trong bức tranh toàn diện của nó.
Bức tranh này hàm chứa nhiều chi tiết và nội dung rộng lớn như: Kinh tế, quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ, chính trị, xã hội, dân sinh, y tế, môi trường… mà phạm vi bài viết không thể đề cập một cách chi li. Người viết mong cùng quí vị độc giả, bất luận là nông dân, công nhân, học sinh sinh viên, đảng viên, doanh nhân hay trí thức… Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận hầu đi đến kết luận về nền văn hóa độc đạo, mụ mị, gian dối, bóp méo sự thật hầu phục vụ cho những ý đồ… cùng nhiều bi hệ lụy của vấn đề đã đang và sẽ biến chúng ta là những nạn nhân thê thảm dưới một thể chế độc tài.
Ông Hồ, người của mọi nguyên nhân đã chỉ thị và sự đáp ứng là nhiều băng rôn trưng khắp "Vì lợi ích mười năm trồng cây, trăm năm trồng người". Ý tưởng này, đối với hàng dân dã thì cho rằng cây thì trồng là đúng nhưng người mà cũng trồng ư?. Còn đối với lớp trí thức thì đã thấy được cái ghê gớm của một thứ chủ nghĩa tuy hoang tưởng nhưng có đầy tham vọng với chủ đích biến đỏ toàn thể xã hội. Yếu tố con người, với họ thì cũng như cây, cây tốt (theo tiêu chí của cs) thì chăm bón cho sinh sôi nảy nở đơm bông XHCN, kết trái CNXH, cây xấu èo uột thì phải bứng nhổ vứt đi.
Một thứ giáo dục mà ngay cả những trẻ thơ lớp mẫu giáo, lớp một, lớp hai cũng bị ép phải noi gương và yêu thương Bác Hồ!. Một thứ giáo dục thay vì phải "Tiên học lễ, hậu học văn", dạy về công dân giáo dục thì "2 viên đạn bắn chết 2 kẻ thù, 5 viên đạn thì giết được bao nhiêu kẻ thù?!"
Một thứ văn hóa con tố cha, vợ tố chồng, hàng xóm nghi kỵ tố giác lẫn nhau qua "Cải cách ruộng đất" đã là một trái bom với sức tàn phá khốc liệt, đã hủy hoại nền đạo lý tốt đẹp có từ ngàn đời mà hệ lụy của nó như là một di sản tồi tệ kéo mãi cho tới ngày hôm nay. Ngay như Trường Chinh khi đương chức là những thủ lãnh số một số hai của chế độ cũng phải buột miệng chửi bới thóa mạ và xưng hô mày tao với chính cha mẹ ruột của mình.
Một thứ văn hóa mà cũng trong "Cải cách ruộng đất" đã đào tận gốc bốc tận rễ, không ngần ngại khởi phát súng đầu tiên vào đầu một phụ nữ, bà Nguyễn Thị Năm, người đã từng là ân nhân che chở nuôi dưỡng Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ…
Một thứ văn hóa đã triệt tiêu con người vói tình yêu, với nhân bản như "Nhân Văn Giai Phẩm" đã hãm hại biết bao người thiện như Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan…
Một nền văn hóa đã gây chia rẽ và kích động hận thù giữa giai cấp công nông với các thành phần khác trong xã hội. Tạo bất ổn lo âu cho mọi người khiến ai cũng nơm nớp lo sợ với đầy mặc cảm không biết rằng mình, gia đình con cháu mình có phải là những tội phạm của chế độ mỗi khi ta thán hoặc nói lên nếp suy tư chân thật của chính mình.
Trải qua dòng thời gian ngột ngạt khó thở, người dân bình thường đã là thế nhưng với tuổi trẻ học sinh sinh viên cũng không thể tránh khỏi sự nhồi nhét, cưỡng bức tư tưởng qua các chính sách giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa để rồi phải kéo dài những chuỗi ngày đau đớn căm hận khi biết mình đã bị lừa. Nhưng tiếc thay, sự nhận thức và những phản ứng ấy hãy còn bị giới hạn trong một con số khiêm nhường!. Còn lại, đại đa số vẫn nằm trong trạng thái phân vân hoặc mê muội bởi đã bị nhồi sọ quá lâu, không dễ gì mà trong một sớm một chiều có thể tẩy sạch.
Từ sự cầm nắm được tỉ lệ nhận thức đó trong giới trẻ, ta mới thấy quí hóa và trân trọng những tâm hồn tươi sáng can đảm như Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến, Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Tiến Trung… Họ là những mầm non cho tương lai của Tổ quốc, họ là những vườn hoa đẹp trên mọi nẻo đường, những gương anh thư kiên cường cho thế hệ, hoặc lớn tuổi hơn nữa: Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Bùi Thị Minh Hằng, Phương Bích, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần… và nhiều nữa. Họ rất xứng đáng là những người lãnh đạo đất nước trong tương lai khi quê hương không còn cộng sản.
Ai cũng biết rằng tuổi trẻ là rường cột của quốc gia bởi thế chúng ta sẽ rất đau lòng khi nhìn thấy thế hệ của đất nước đã hay còn đang sa lầy trong nhận thức lệch lạc, yếm thế, ích kỷ, cầu an, thờ ơ trước tiền đồ của dân tộc. Họ chưa thấy rằng đảng đã cố tình đào tạo ra những lớp người như vậy, không gì hả hê cho bằng khi thấy dưới tầm quyền lực của mình là một đám ngu dân hèn mạt cúi đầu chỉ biết vâng dạ… và chỉ có những người u tối thì họ mới dễ cai trị với mục đích là thực hiện những gì họ muốn mà không gặp sự phản đối nào. Không có sự sung sướng và an tâm nào bằng khi nhà cầm quyền không phải đối mặt với sự chống đối hoặc tố giác những việc làm sai trái của họ.
Sự đánh giá về tuổi trẻ trong hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam của người viết, có thể sẽ gây nhiều phản ứng, tác giả sẽ chấp nhận những phản ứng nông nổi nhất thời đó để là một mũi chích tê điếng khiến họ phải tỉnh thức mà vươn lên, để trở thành những tinh hoa cho Việt tộc còn hơn là trông thấy họ trong lớp ngủ vùi bởi sự đầu độc quá tinh vi và lâu dài của đảng.
Tuy trong một hoàn cảnh bi đát như thế, may mắn thay xã hội và đất nước vẫn còn những lớp người đi trước, những nhân tố đã dạn dày kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong nhận thức mà chỉ bảo, khuyên nhủ cùng dẫn dắt… Bằng không xã hội Việt Nam sẽ là một địa ngục trần gian đầy dẫy tàn ác và phi lý…
Có thể hôm qua, ngày nay tuổi trẻ chưa nhận thức và trân quí những tinh hoa cố bám đất mà góp ý của lớp người đi trước nhưng hy vọng rằng ngày mai khi trưởng thành cùng với tai nghe mắt thấy bao điều thực tế, họ sẽ thay đổi tư duy mà cảm thông cũng như tri ân những ân nhân đã luống tuổi và qua đời.
Cuộc đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do Dân Chủ Nhân Bản và phú cường rất cần sự đóng góp của mọi thành phần trong xã hội nhưng quan trọng hơn, vẫn là sự dìu dắt của những bậc trưởng thượng, những con người am hiểu sáng suốt, không cục bộ, không cực đoan, những con người đã chín chắn trong nhận thức cũng như trong hành động. Người xưa đã dạy "Không thầy, đố mày làm nên".
Một nền văn hóa mang tính chuyên chế và toàn diện bao trùm xã hội, hơn 700 báo đài, loa phát thanh bủa giăng khắp hang cùng ngõ tận tựa như thời "công xã tập trung" và kết quả của nó vô cùng thảm khốc, góp phần đưa đến một Việt Nam hôm nay khiến mọi người phải lắc đầu chán ngán.
Thực thể hình ảnh trên, như nhiều người đã biết, đạo lý suy đồi gần như toàn diện, tham nhũng bất trị, tội ác, nhũng nhiễu lan tràn tham lam nông nỗi, đánh mất cả lương tâm và trách nhiệm… Sự thể bi đát này, nếu không kịp thời chấn chỉnh bằng cách vùng dậy đấu tranh thì đất nước và xã hội sẽ chìm vào trong sự vô vọng trong một ngày không xa.
Tất cả hãy can đảm để nhìn vào sự thật rằng đất nước, đồng bào của chúng ta đã sống và chịu đựng biết bao bất công oan nghiệt cũng như đang sa lầy vào vòng tụt hậu và nô lệ để có những hành động thực tế cần thiết và thỏa đáng.
No comments:
Post a Comment