Thursday, December 27, 2012

Nguyên nhà báo Hoàng Khương: "Mong HĐXX đánh giá lại bản chất vụ án"



Trong phiên tòa xử phúc thẩm nguyên nhà báo Hoàng Khương (tên thật Nguyễn Văn Khương) báo Tuổi trẻ, trong sáng nay (27/12) mới chỉ dừng lại ở phần thẩm vấn.

Phiên tòa phúc thẩm do TAND tối cao tại TP.HCM xét xử và mở vào 8 giờ sáng 27/12, nhằm xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ đưa, nhận hối lộ để giải cứu xe vi phạm giao thông xảy ra trong tháng 4/2011, trong đó có sự tham gia của nguyên nhà báo Hoàng Khương, báo Tuổi trẻ.


Chủ tọa phiên tòa là ông Quảng Đức Tuyên, Thẩm phán TAND tối cao. Nếu như trong phiên sơ thẩm Ban biên tập báo Tuổi trẻ không được tham gia phiên tòa, thì tại phiên phúc thẩm lần này đã được chấp nhận với đại diện là ông Lê Xuân Trung, Tổng thư ký tòa soạn.

Hoàng Khương tới tòa trong phiên xử sáng nay
Trong phiên tòa phúc thẩm lần này, chỉ có 5 bị cáo tham gia kháng cáo, đều cùng chung mục đích là mong tòa giảm nhẹ tội danh cho mình gồm: Nguyễn Văn Khương, Trần Anh Tuấn, Huỳnh Minh Đức, Trần Minh Hòa, Nguyễn Đức Đông Anh, riêng bị cáo Tôn Thất Hòa không kháng cáo nhưng vẫn được triệu tập tại tòa với tư cách là nhân chứng có tham gia vụ án.

Tham gia phiên tòa phúc thẩm lần này, Hoàng Khương vẫn tiếp tục được luật sư Phan Trung Hoài bào chữa, đồng thời còn xuất hiện luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng, tham gia bào chữa cho bị cáo Huỳnh Minh Đức.

Sau khi hoàn tất các thủ tục ban đầu, chủ tọa Quảng Đức Tuyên đã bắt đầu tiến hành thẩm vấn lần lượt các bị cáo. Các bị cáo Trần Anh Tuấn, Bùi Minh Đức, Trần Minh Hòa, đều thừa nhận bản án sơ thẩm hoàn toàn đúng người và đúng tội, chỉ mong tòa xem xét giảm nhẹ tội.

Trong đó bị cáo Trần Anh Tuấn xin tòa cho hưởng án treo vì trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án, bị cáo đã thành khẩn khai báo, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra và quá trình tại ngoại vẫn thực hiện tốt các yêu cầu của tòa.

Bị cáo Huỳnh Minh Đức xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ xuống khoản 1 điều 279 bộ luật hình sự, do bị cáo cho rằng số tiền mình nhận hối lộ chưa đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên trong phần thẩm vấn chủ tọa phiên tòa đã chứng minh rõ bị cáo đã nhận 3 triệu từ Tuấn (ở vụ giải cứu xe rơ móc trước đó) và 10 triệu đồng từ Tôn Thất Hòa, như vậy số tiền là 18 triệu đồng, về sau bị cáo đã thừa nhận điều đó là đúng.

Nguyên CSGT Huỳnh Minh Đức bị dẫn giải tới tòa

Trong khi đó bị cáo Trần Minh Hòa xin tòa xem xét vì mức án 5 năm là quá nặng (ngày 19/12, bị cáo này còn bị phạt 3 năm tù về tội cướp giật). Về việc này, chủ tọa cũng phân tích kỹ cho bị cáo Trần Minh Hòa hiểu rõ, bị cáo bên cạnh đưa hối lộ, còn đua xe chuyên nghiệp từ năm 2009 đến nay gây nguy hiểm cho xã hội, cho nên việc xét xử là đúng tội.

Bị cáo Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ của Nguyễn Văn Khương, cho rằng mức sơ thẩm xử mình 4 năm là quá nặng, xin giảm nhẹ, do không biết lấy xe cho Hòa là sai trái. Bị cáo cho rằng mình chỉ giúp cho anh Hoàng Khương tác nghiệp khi nghe anh ấy bảo đang viết loạt bài về vấn đề tiêu cực trong CSGT. Tuy nhiên, chủ tọa phân tích cho bị cáo, việc bị cáo đưa biên bản và tiền cho anh Khương nhận từ Hòa là phục vụ cho việc làm phi pháp (lấy xe đua vi phạm ra), đồng thời bị cáo cũng đua xe, nên bản án hoàn toàn đúng chứ không nhẹ.

Mọi chú tâm của những người tham gia phiên tòa khi bắt đầu đến phiên tòa thẩm vấn Nguyễn Văn Khương. Trước khi thẩm vấn, chủ tọa đã mời ông Lê Xuân Trung, Tổng thư ký của báo Tuổi trẻ, đại diện cho ban biên tập hỏi về quá trình tác nghiệp và việc xử lý kỷ luật của báo với nguyên nhà báo Hoàng Khương.

Luật sư Phan Trung Hoài cùng Hoàng Khương sau phiên xử buổi sáng

Ông Lê Xuân Trung cho biết, vào khoảng tháng 4/2011, báo Tuổi trẻ có làm tuyến bài để tìm nguyên nhân, giải pháp, hạn chế tai nạn giao thông, có giao cho Ban Chính trị - xã hội thực hiện và Hoàng Khương có tham gia một số bài, trong đó có 2 bài tiêu cực đã dẫn đến phiên tòa hôm nay.

Ông Trung khẳng định trong quá trình tác nghiệp Hoàng Khương có báo cáo với Trưởng ban Chính trị - xã hội của báo và có nộp bản thảo bài viết. Tuy nhiên, việc Hoàng Khương chi tiền như trong vụ án ban biên tập hoàn toàn không biết, chỉ biết ở báo cáo cuối cùng sau này của phóng viên. Chính vì thế khi sự việc xảy ra, phía báo Tuổi trẻ cũng đã kỷ luật Hoàng Khương và xác định Hoàng Khương sai sót về nghiệp vụ khi tác nghiệp.

Chủ tọa tiếp tục phần thẩm vấn với bị cáo Nguyễn Văn Khương, bị cáo xin kháng cáo vì muốn Hội đồng xét xử đánh giá lại bản chất vụ án; Nguyện vọng được tòa xem xét lại vì 15 triệu đồng phần lớn dùng để đóng phạt chứ không phải hối lộ; Vận động đường lối xử lí hợp lí hơn, vì hành vi của bị cáo là trong sáng, đúng tôn chỉ mục đích bài viết mặc dù có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan; Mong tòa xem xét áp dụng khoản B điều 289 để xét xử.

Tại buổi thẩm vấn, Nguyễn Văn Khương cũng giải thích việc không báo cáo với ban biên tập về việc nhận tiền và biên bản từ Trần Minh Hòa để đưa cho Tôn Thất Hòa, là do quá trình tác nghiệp kết quả là cuối cùng nên không báo cáo. Việc không báo cáo này là sai sót về nghiệp vụ.

Hoàng Khương lên xe ra về cùng vợ, chị Nguyễn Hoàng Anh sau phiên xử sáng nay


Tuy nhiên, khi tòa hỏi về việc bài đã đăng ngày 5/7 và đến ngày 10/7 là bài 2, tại sao bị cáo vẫn chưa báo cáo việc mình dùng tiền để lấy xe ra cho ban biên tập và đến ngày 16/7 khi viết tường trình về sự việc cho ban biên tập tại sao vẫn không báo cáo việc dùng số tiền này, Nguyễn Văn Khương cho biết, do không biết tường trình với tư cách gì nên không đưa vào.

Trả lời việc chủ tọa hỏi tại sao hai đoạn ghi âm mà cơ quan điều tra thu được tại nhà, tại sao bị cáo không đưa cho ban biên tập, Hoàng Khương trả lời do nội dung không liên quan nên không báo cáo.

Vào 13h30 chiều nay, phiên xử sẽ được tiếp tục.


No comments:

Post a Comment