Thursday, December 13, 2012

BUỔI HỌP BÁO NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN


Họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ nhân dịp lễ kỷ niệm năm thứ 64 ngày ban hành bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 10-12-2012

(Bản tin TCQTYTCTNB 10-12- 2012)

Nhân dịp lễ kỷ niệm năm thứ 64 ngày Liên Hiệp Quốc ban hành bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, bảy tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Bắc Mỹ đã phối hợp tổ chức một cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn với chủ đề: "Hòan vũ nhân quyền, phẩm giá và tình thương cho tất cả".

Bảy tổ chức này gồm: Responsible for Equality and Liberty (R.E.A.L.), Global Service Center for Quitting the Chinese Communist Party, Darfur Women Action Group (DWAG),Pakistan Christian Congress/Post, United for Equality (U4E), Ahmar Mustikhan, Senior Balochistan Journalist and Human Rights Defender và Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản.

Buổi họp báo có sự tham gia của giới truyền thông quốc tế và địa phương như VOA Anh Ngữ và Việt Ngữ, Epoch Time, SBTN...

Mở đầu chương trình, ông Jeffrey Imm, đại diện tổ chức “Responsible for Equality and Liberty” và cũng là Điều Hợp Viên của cuộc họp báo nói về ý nghĩa Ngày Quốc Tế Nhân Quyền và ông kêu gọi mọi người hãy có trách nhiệm cho sự bình đẳng, công bằng và tự do trên thế giới. 


Tiếp theo, các diễn giả lần lượt trình bầy những vi phạm về nhân quyền đang diễn ra tại một số các quốc gia trên thế giới rất cần được lưu ý:

Ông Ahmar Mustikhan, ký giả kỳ cựu từ Balochistan, một xứ ở Nam Á bị Pakistan thôn tính. Ông cho biết về những vụ người dân Baloch bị dẫn đi mất tích, hoặc bị tra tấn dã man, bị sát hại, … và ông kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ lưu tâm đến tình trạng đó.

Tiến sĩ Charles Lee, đại diện “Global Service Center for Quitting the Chinese Communist Party” tạm dịch là “Trung tâm toàn cầu kêu gọi từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc” nói về tình trạng Pháp Luân Công bị nhà cầm quyền Cộng sản diệt trừ. Ông là một trong hàng trăm ngàn thành viên giáo phái này, từng bị bắt, tra tấn, và tù khổ sai. Kế tiếp, ông nói tới nạn mổ lấy những bộ phận con người, ngay cả của người sống, của các thành viên Pháp Luân Công, các tù nhân bị hành quyết, để đem bán. Trong cố gắng chặn đứng sự việc kinh hoàng đó, Tiến sĩ Charles Lee kêu gọi mọi người ký tên vào thỉnh nguyện thư cần 25,000 chữ ký trong 30 ngày để đệ trình lên Toà Bạch Ốc.

Tiếp theo, cô Nathalie Ngân Hà Nguyễn, đại diện Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, thuyết trình về đề tài: "Đề cao cảnh giác trước những vi phạm trầm trọng về nhân quyền tạiViệt Nam và chính sách bành trướng (đất liền và hải đảo) của Trung Cộng ". 

Sau khi trình bầy những vi phạm trầm trọng về nhân quyền vẫn đang tiếp diễn ở Việt nam, bà nói: Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, đã duyệt xét, công nhận bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Việt Nam có bổn phận phải tôn trọng, thi hành và bảo vệ các nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam. Cô đòi hỏi:

1/ Nhà cầm quyền Việt Nam phải ngừng xách nhiễu, bắt bớ, giam giữ những công dân bầy tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa. Phải thả hết những người bất đồng chính kiến và các lãnh đạo tôn giáo đã bị cầm tù trái phép bởi nhà cầm quyền Việt Nam - nhiều người đã bị tù tới trên 20 năm.

2/ Nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải ngưng đe dọa và xách nhiễu các cựu tù nhân chính trị.

3/ Việt Nam phải tôn trọng tất cả các quyền căn bản của người dân, phải trả lại cho họ quyền được tự mình chọn thể chế chính quyền phù hợp với nguyện vọng của họ qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Cô cũng lên tiếng báo động và đòi hỏi chế độ Cộng Sản Trung Quốc ngừng chính sách bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của họ, và ngừng can thiệp vào chủ quyền của các nước láng giềng như TâyTạng, Turkistan, Mông Cổ, Miến Điện và Việt Nam, để cho người dân các nước này được sống tự do và nhân phẩm được tôn trọng. Cô kết thúc bài thuyết trình bằng phát biểu:

“Chúng ta vô cùng may mắn được sống trong một xã hội tự do nơi chúng ta có thể phát biểu quan điểm riêng của mình mà không bị sách nhiễu, đe dọa, hoặc bị cầm tù. Chúng ta có bổn phận phải lên tiếng thay cho các anh chị em nơi quê nhà. Im lặng là đồng lõa với tội ác. Hôm nay, trong dịp kỷ niệm lần thứ 64 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền, chúng ta hãy lập lại cam kết của chúng ta là cùng nhau cất lên tiếng nói duy nhất vớithông điệp: Tất cả mọi người bất kể là ai hay sống ở đâu đều có quyền được hưởng những nhân quyền căn bản. Hãy hành động và làm cho mọi người tăng thêm ý thức, và mang dân chủ cùng nhân quyền tới những xứ sở đang vi phạm bản Tuyên Ngôn này.

Kế tiếp, là diễn giả Niemat Ahmadi, cố vấn của “Darfur Women Action Group” cho biết về những vi phạm nhân quyền tại Darfur và Sudan, nghiêm trọng tới nỗi phải gọi là nạn diệt chủng, và bà kêu gọi sự lưu tâm của quốc tế.

Cuối cùng là diễn giả Carolyn Cook, sáng lập viên tổ chức United for Equality, yêu cầu chú trọng hơn nữa về nữ quyền tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới. Bà nói về sự bình đẳng cho phái nữ, và đòi hỏi sự công bằng cho nền tảng xã hội. Bài phát biểu cảm động, kêu gọi có bước hành động.

Kết thúc buổi họp báo là phần chiếu cuốn phim tài liệu “Free China: the courage to believe” (Can đảm để tin vào ngày Tự Do cho Trung Quốc) đề cập tới những vi phạm nhân quyền rộng khắp tại Trung Cộng, nhất là đối với Pháp Luân Công.

Cuộc họp báo chấm dứt lúc 3 giờ chiều cùng ngày. 

No comments:

Post a Comment