Wednesday, December 19, 2012

Chừng nào thì người Việt Nam mới là một dân tộc văn minh!?


Nguyễn Dư (Danlambao) - Ông Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải chỉ nhìn mặt nổi của trang blog "phản động" chứ không biết, không cần phải biết, không cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao người ta chửi mình. Các ông không có kiến thức, thiếu sự hiểu biết, tầm nhìn, sách lược về một quốc gia: Cướp, tội phạm thì có cảnh sát trấn áp; giáo dục thì phải học tập, làm theo; cái gì không thích thì cấm; rồi tuyên truyền, vận động; sai thì kiểm điểm, hứa khắc phục... là huề tiền. Không ai chịu đặt ra cái nguyên nhân của mọi sự việc bắt nguồn từ đâu và ai phải chịu trách nhiệm...

Đặt ra câu hỏi này để thức tỉnh cho chúng ta thấy rằng dân mình còn quá nhiều lạc hậu so với các nước. Không thể cứ mãi ngủ mê rồi tự hào, tự sướng, tuyên truyền, ca tụng lẫn nhau bằng những ngôn từ sáo rỗng. Không cần dẫn chứng ra nhưng với phương tiện truyền thông hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng, so sánh nước ta với những quốc gia Tây phương hay các nước lân cận. Nếu mọi người chịu khó tìm hiểu chắc ai cũng cảm nhận được điều đó.

Không những lạc hậu về tính cách cư xử giữa con người với nhau (nhìn thái độ, hành động của bọn côn an thì biết), mà vấn đề làm việc, lao động để tạo ra của cải vật chất, xây dựng những hạ tầng cơ sở (nói chung, trong đó có nhà cửa) phục vụ cho đời sống cũng chẳng ra gì. Có phải chăng đó tất cả là do được thiên nhiên ưu đãi nhiều đời nay nên không cần phải đấu tranh sống còn để tồn tại; nó đã ăn sâu vào máu, đã trở thành dân tộc tính; và cộng thêm hoàn cảnh lịch sử nữa mà tạo nên?

Đến hôm nay, khi chúng ta giật mình nhìn lại thì các nước đã tiến hơn ta quá xa rồi. Bây giờ ta mới "giật gấu vá vai". Cộng thêm cái lòng tham, công cán, địa vị, vật chất nên con người cộng sản Việt Nam càng u mê trong sự "chiến thắng (!)" đến đần độn, không nhận ra hiện tình đất nước.

Hoàn cảnh lịch sử thì hiển nhiên rồi; còn dân tộc tính thì phải nói rằng dân mình rất xề xòa, dễ dãi, sao cũng được, không thắc mắc, không lo xa, chuyện ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, "trời kêu ai nấy dạ", tất cả đều phó mặc cho số mạng, ảnh hưởng quá nhiều về khổng giáo. Nhưng đối với cộng đồng xã hội, không đấu tranh sống còn cho cái thói vô trách nhiệm là một thuộc tính xấu cho quốc gia. Dân mình khác với dân Nhật hay các quốc gia Tây phương (các nước không được thiên nhiên ưu đãi) là ở chỗ đó.

Phải khẳng định một điều: cả một tập đoàn cộng sản Việt Nam hiện nay đều dốt, thiếu kiến thức, không có sách lược về quốc gia. Tôi không nói ngoa. Rõ ràng, không ít bạn đọc Danlambao chửi rủa các cấp lãnh đạo cộng sản VN rất thậm tệ, không chừa ông nào; chửi đủ kiểu, đủ cách, đủ các ngôn từ bẩn thỉu. Điều đó hiển nhiên, khó tránh, không thể trách được. Còn ngoài đời, người dân có những câu châm biếm, câu vè để chửi. Ở những quán cóc vỉa hè thì thành phần lao động nghèo khổ nói móc nói ngoéo, xuyên tạc, nói xấu chế độ đến thậm tệ. Thử hỏi những hiện trạng như thế, ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông gì gì đó có thể cấm đoán, định hướng, tuyên truyền để lèo lái lòng tin người dân đi theo một hướng tốt cho chính quyền, đảng của họ có được không!? Chuyện đã rõ nhé! Ông Dũng và ông Hải là hai nhân vật thuộc quyền cao chức trọng điển hình thiểu năng đến thậm tệ trong cả một tập đoàn đảng cộng sản VN; không có kiến thức nên không đủ tư cách để lãnh đạo quốc gia. Người ta chửi thì đã quá chính xác, nhưng cũng vẫn còn chưa đủ.

Ông Dũng trả lời ông Dương Trung Quốc trong kỳ họp quốc hội vừa qua thì chúng ta biết tư cách của con người ông, thua một đứa trẻ con!

Ông nói rằng ông theo đảng đã 51 năm, ông có công, đảng giao cho ông làm thủ tướng thì ông nhận, ông không đòi. Tức là ông không từ chức mặc dầu đã làm thất thoát nhiều tỉ Mỹ kim kéo theo tình trạng nghèo đói, đời sống khó khăn, trộm cắp gia tăng như hiện nay.

Thế thì người ta cũng có thể đặt ra vấn đề và những câu hỏi thắc mắc: Thí dụ như tổ chức, trường và lớp mà ông Dũng đã theo, giao và cấp bằng cho ông làm nhiệm vụ y tá, rồi ông chích chết người là chuyện khách quan sao? Không phải lỗi của ông à? Chắc ông nghĩ: tại vì người ta giao công việc đó cho ông - vì ông có công - thì ông phải chấp hành (kiểu như bị ép trong thời chiến: "chấp hành trước, khiếu nại sau") mà thôi. Ông không đòi. Lỗi của người khác. Ông tự kiểm điểm, phê và tự phê bình, hứa khắc phục là đủ nên không phải từ chức. Ông vẫn làm y tá, nó đồng nghĩa với việc ông được quyền tiếp tục chích cho bệnh nhân. Trả lời như thế có ổn không?

Ông Dũng chỉ có thể làm thủ tướng được ở Việt Nam, đối với con người Việt Nam và ở quốc hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà thôi, nên ông được quyền ăn nói như thế. Tại người Việt mình xề xòa, dễ dãi, mọi chuyện đều bỏ qua và cứ tưởng rằng nó không có gì quan trọng, có phải không?

Tôi có đọc một bài viết, nói về bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, phó ban văn hóa-xã hội thành phố Sài Gòn. Bà ta bảo rằng tình trạng trộm cướp gia tăng như hiện nay là do dân đổ xô tập trung về thành phố quá đông; đời sống vật chất cám dỗ; sự giáo dục của gia đình chưa đúng mức; do quản lý địa phương; "sức đề kháng" cá nhân thấp... Nói chung là do lỗi của các người không hà! Chứ không phải là do cái tồi tệ của cả một hệ thống đảng của bà lãnh đạo. Rồi ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư kim chủ tịch thành phố Đà Nẵng thì đòi đưa thành phần tội phạm ra hoang đảo, tách rời với đời sống đất liền. Ông còn bảo tội phạm nhiều là do bên cảnh sát an ninh chưa làm quyết liệt; họ phải chịu trách nhiệm, phải cách chức người đứng đầu. Thế sao ông không đòi trách nhiệm - cũng tương tự - của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhỉ!?

Hầu như mọi người chỉ biết nhìn về mặt nổi của xã hội, rồi "trị liệu bằng phương pháp cây nhà lá vườn", và bằng... cái miệng. Ông Dũng và ông Hải chỉ nhìn mặt nổi của mấy trang blog "phản động" chứ không biết, không cần phải biết, không cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao người ta chửi mình. Các ông không có kiến thức, thiếu sự hiểu biết, tầm nhìn, sách lược về một quốc gia: Cướp, tội phạm thì có cảnh sát trấn áp; giáo dục thì phải học tập, làm theo; cái gì không thích thì cấm; rồi tuyên truyền, vận động; sai thì kiểm điểm, hứa khắc phục... là huề tiền. Không ai chịu đặt ra cái nguyên nhân của mọi sự việc bắt nguồn từ đâu và ai phải chịu trách nhiệm.

Người Việt mình cứ dễ dãi, xề xòa rồi mọi việc đều bỏ qua, càng ngày, lâu dần nên quốc gia bây giờ không còn coi kỷ cương, luật pháp ra gì. Người dân thì không được nói. Cấm nói! Và hiện nay cũng không có được bao nhiêu người đòi cái quyền được nói, chắc người ta nghĩ rằng nó không có gì quan trọng. Xã hội đã loạn rồi là phải lắm chứ!


No comments:

Post a Comment