Sunday, December 9, 2012

Gieo gì thì gặt đấy


Nguyễn Bắc Truyển (Danlambao) - Tháng 6 năm 2007, tôi bị chuyển từ nơi tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu đến trại giam Chí Hòa, sau đó chuyển tiếp đến trại giam Bố Lá (Bình Dương). Tháng 8/2007, tôi đến phân trại số 1 - trại giam Xuân Lộc để bắt đầu thi hành án tù 3 năm 6 tháng với tội danh bị gán "tuyên truyền chống nhà nước". Thời gian 1 năm 5 tháng, tôi bị giam chung với tù thường phạm (hình sự, kinh tế) trước khi bị chuyển vào K2 - trại giam Xuân Lộc giam riêng hay còn gọi là biệt giam trong khu tù nhân chính trị.


Tại số 4 Phan Đăng Lưu, tôi chung phòng giam với Phong tự Út đẹt. Em khoảng 20 tuổi nhưng vóc dáng thì chỉ bằng đứa trẻ 15-16 tuổi, bị bắt vì tội "trộm dây điện", có nghĩa là em trèo lên cây cột điện rồi cắt dây điện (đang có điện) lấy lỏi đồng đem bán ve chai, một công việc liều mạng giống như cưa bom lấy thuốc nổ. Phong bị cáo buộc là đầu vụ (người cầm đầu), nếu bị kết án cũng từ 5 đến 10 năm tù giam. Phong không có người thăm nuôi, mẹ sống trong nhà dưỡng lão, cha qua đời, người chị ruột bán vé số. Trước khi bị bắt, Phong cũng không có nơi ở cố định, sống lang thang bằng đủ thứ nghề lương thiện và không lương thiện ở khu vực An Sương (quận 12, Sài Gòn). Phong là người tù hình sự duy nhất muốn trở thành người lương thiện sau khi hết án tù mà tôi gặp. Em nói với tôi là hãy giúp em được học nghề sửa xe gắn máy để có một công việc ổn định không đi ăn trộm, ăn cắp và tôi đã hứa sẽ giúp em thực hiện ước mơ đó sau khi gặp nhau bên ngoài. Sau này ra tù, tôi có dò hỏi tin về Phong thì được biết em đã mất tại trại giam Chí Hòa vì căn bệnh kiết lỵ. 

Tôi bị chuyển đến Chí Hòa vào tháng 6/2007, khu F gác 3. Trong phòng trên 40 người hầu hết là tù hình sự vài người là tù kinh tế. Có dịp nói chuyện với các em còn rất trẻ tôi ngạc nhiên với thành tích vào tù ra khám dù rằng có em còn chưa đủ tuổi thành niên. Khóa tù đầu tiên là trộm cắp, khóa tiếp theo là cướp giật, khóa tiếp là cướp xỉ (chĩa dao cướp), cướp bằng hàng nóng (súng)... Như vậy sau mỗi lần vào tù, kinh nghiệm và tay nghề của các em được nâng lên một bậc, số má trong giang hồ cũng tăng lên. Trước đây là đàn em của đại ca thì bây giờ đã là đại ca của nhiều người. Có em hỏi tôi: chú là giám đốc, vậy chú trả lương cho nhân viên chú bao nhiêu? Tôi trả lời là từ hai triệu đến vài triệu tùy theo công việc và năng lực. Em nói, như vậy không bằng con vào vũ trường một đêm thì làm sao con làm việc cho chú được. Tôi hỏi, vậy sau khi ra tù con dự tính làm gì? Em nói không một chút do dự là sẽ tiếp tục đi cướp, đời con kiếp này đã tàn rồi, không có cơ hội quay đầu. Các trại giam tôi đi qua không còn một ai mà tôi gặp tỏ ra hối hận về những tội ác mình gây ra, họ cho rằng sở dĩ phải phạm tội là do hoàn cảnh bắt buộc, có người còn nói họ là nạn nhân của xã hội và chế độ này, nghe ra cũng có lý lắm chứ. 

Sự ngạc nhiên chưa dừng lại, khi lên đến Bố Lá, Xuân Lộc, tôi còn bị bất ngờ hơn khi đa số là án tù "khủng" với nhiều người ra vô từ hai khóa trở lên, có người thời gian trong tù còn nhiều hơn bên ngoài. Vừa ra tù chưa về đến nhà là nghe tin đã bị bắt lại vì trộm cắp. Tôi tự hỏi nhà tù đã làm gì để cho con người hướng thiện sau khi rà tù? hay chỉ là nơi đào tạo con người ranh mãnh hơn, ma lanh hơn và ra tay tàn độc hơn? Tôi đã từng đề xuất với trại giam nên có tủ sách về pháp luật cho người tù đọc, nên cho các tổ chức tôn giáo vào ủy lạo và thuyết giảng, nhưng không biết Ban giám thị sợ chuyện gì mà không dám thực hiện. 

Một Lê Văn Luyện giết người, chặt tay em bé để cướp vàng, rồi bây giờ tới một lũ côn đồ chặt tay cô gái cướp xe, Nghe mà kinh khủng, thấy tàn ác và dã man như xã hội thời Trung cổ. Nhớ lại sau tháng 4/75, cái gì cũng đỗ cho "tàn dư chế độ cũ", ma túy xì ke, gái điếm, trộm cắp, cướp... còn bây giờ tội phạm ngày càng được trẻ hóa, có người còn được thừa hưởng nền giáo dục XHCN. Xã hội suy đồi đến mức nghe mà lắc đầu ngao ngán vì không biết phải bắt đầu từ đâu để ngăn ngừa tội ác, chỉ có những kẻ tâm thần mới nói không có vấn đề. 

Trước năm 75, miền Nam chỉ có vài nhà tù, án trên 5 năm là đã ra Côn Đảo, còn ngày nay, trại giam cấp bộ, trại giam cấp tỉnh, huyện/quận nào cũng có trại tạm giam; chưa nói đến trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục mà không khác gì nhà tù, án tù 5 năm được xem là án nhẹ trong khung hình phạt tù hình sự. Đâu rồi tính ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa? 

Ông bà ta nói: gieo gì thì gặt đấy. Chuyện trẻ em dưới vị thành niên phạm tội giờ đây không còn là chuyện lạ, đến nỗi các ông bà nghị sỹ quốc hội đã đề xuất giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống dưới 18 tuổi. Một thời gian quá dài và quá đủ để sản sinh ra một thế hệ hay vài thế hệ con người dửng dưng vô cảm với tội ác. Giáo dục không lấy nền tảng đạo đức làm trọng, chỉ lấy thành tích giả dối làm thước đo đánh giá hiệu quả thì làm sao mà có được những con người lương thiện tránh xa cái ác, cái xấu, may mà tôn giáo vẫn còn là cứu cánh cho con người đi vào con đường thiện. 

Hội đồng nhân dân TP HCM đang bàn thảo về nạn cướp giật trên đường phố, thật ra đó chỉ là một mảng của tội phạm, Giết người cướp của, giết người vì va chạm xe cộ, giết người chỉ vì lời qua tiếng lại, giết người vì tranh giành khu vực bảo kê, giết người vì say rượu, phê ma túy hay đơn giản là lấy tiền chơi game, cách đây không lâu một vụ giết người (quan chức) vì vợ của kẻ thủ ác bị sa thải... các tội ác này đang diễn ra trên khắp các thành thị náo nhiệt hay vùng quê hiền hòa của đất nước Việt Nam. Mạng con người trở nến rẻ rúng, lơ lửng như chỉ mành treo chuông, có người bị chết mà chẳng biết vì sao mình phải chết. 

Thưa các ông, các bà nghị viên, nếu như đất nước Việt Nam còn vẫn duy trì chế độ cai trị độc tài thì tội ác sẽ tiếp tục gia tăng, nhà tù sẽ nhiều hơn trường học, bệnh viện. Đó là vấn đề mà các ông bà nghị sỹ quốc hội, nghị viên hội đồng cần bàn bạc để kiến nghị với cái đảng mà ông bà đang tham gia nên sáng suốt mà thay đổi triệt để, đừng mị dân nữa, đừng cho dân ăn cái bánh vẽ thiên đường XHCN. Hãy trả lại cho người dân Việt Nam quyền tự quyết, đừng cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, đem đất nước dân tộc ra làm thí nghiệm. 

Thể chế cộng sản ngày nay đâu còn tồn tại bao nhiêu quốc gia, sự thịnh vượng bền vững của nhân dân của đất nước đâu có trong bất kỳ chế độ cộng sản nào. Trung cộng được xem là nền kinh tế thứ hai Thế giới cũng chỉ là anh chàng khổng lồ trên đôi chân bằng đất sét, quá nhiều mâu thuẫn bất công, chênh lệch trong xã hội. CNXH mang màu sắc Trung quốc (tương tự của cái gọi kinh tế thị trường định hướng XHCN) cũng chỉ là kinh tế tư bản cộng với cai trị độc tài, nó đang bộc lộ những khuyết tật mà trong tương lai gần sẽ làm cho Trung quốc vỡ ra thành nhiều quốc gia nhỏ hơn, điều mà Liên Xô đã từng mắc phải và Trung quốc cố tránh nhưng không thể. 


No comments:

Post a Comment