Tuesday, December 11, 2012

NGÀY TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM 10 THÁNG 12



TNLT.,Trần Tư đã ở tù 20 năm
hiện còn đang thụ án tại 
Ba sao Nam Hà với bản án chung thân
Lê Minh - 2012
Đã từ lâu người ta vẫn quen thuộc với từ “Tù Nhân” (Prisoner) để ám chỉ chung cho tất cả những ai bị giam cầm trong tù, dù với tội trạng gì. Thế nhưng, gọi chung chung như thế thì lại đánh đồng phẩm giá với những người tù đặc biệt, đã ở tù vì lý tưởng tự do dân chủ, vì niềm tin vào ý chí, lý tưởng chính trị, tôn giáo... Từ đó, tên gọi “Tù Nhân Lương Tâm” (1) đã ra đời để ám chỉ những người đã ở tù vì những lý do vừa nêu, và những người tù oan khuất bị quên lãng.

Được biết, lần đầu tiên tên gọi “Tù Nhân Lương Tâm” (POC) được định nghĩa và nhắc đến trong một bài viết của Peter Benenson (2) vào năm 1961 có tựa “Những người tù bị quên lãng” (3). Theo đó, “Tù Nhân Lương Tâm” được định nghĩa là bất cứ ai bị ức chế (vì bị cầm tù hoặc bằng cách khác) chỉ vì bày tỏ lập trường một cách ôn hòa, bất bạo động (bằng lời nói hay biểu lộ) về quan điểm chính trị, hay niềm tin tôn giáo.
TNLT Việt Khang
Theo định nghĩa này, thì hiện nay có hàng ngàn Tù nhân Lương Tâm tại Việt Nam, trong hơn 80 nhà tù lớn nhỏ, rải rác từ Nam ra Bắc. Họ là những tù nhân chính trị, tôn giáo cho đến dân oan. Những người ở tù lâu nhất có ông Trương Văn Sương (vừa chết trong tù ngày 12-9-2011), ông Nguyễn Hữu Cầu án tù chung thân từ năm 1982. Người già nhất có cụ Đỗ Thanh Nhàn 84 tuổi (phải chịu án tù 20 năm) và trẻ nhất thì thậm chí khi bước chân vào tù ở tuổi thiếu niên nhưng nay đã hơn 40 tuổi. Những Tù Nhân Lương Tâm nổi tiếng được thế giới biết đến có Lm.Nguyễn Văn Lý, Ls.Cù Huy Hà Vũ, cô Đỗ Thị Minh Hạnh, Blogger Điếu Cày, Bs Nguyễn Đan Quế... Hầu hết những tù nhân này được thế giới lưu tâm, và nhận các giải thưởng văn chương, giải nhân quyền hoặc chí ít cũng được nhiều người hải ngoại biết đến mà hỗ trợ an ủi gia đình họ.
Thân phận của những Tù Nhân Lương Tâm có tên tuổi như trên phải chịu sự đọa đày, thống khổ như vậy, huống hồ gì những Tù nhân Lương tâm bị quên lãng. Họ đã phải kéo lê kiếp sống đọa đày trong âm thầm khổ nhục, không thân nhân, không một sự tiếp tế nào cả, dù là tinh thần hay vật chất.

Đã là thân phận người tù chính trị trong nhà tù cộng sản thì họ luôn luôn bị đối xử tàn bạo, khắc nghiệt có hệ thống của nhà nước CSVN. Trong khi đó thân nhân gia đình họ dù không phải là tù nhân nhưng cũng bị phân biệt đối xử của chính quyền địa phương, và trung ương. Họ bị gây khó dễ trong việc đi lại, việc học hành của con cái, vợ con bị đuổi việc, bị cắt thông tin liên lạc, bị nghe trộm v.v... Tùy theo trường hợp mà bạo quyền CSVN dùng những thủ đoạn khác nhau để trù dập hoặc bao vây kinh tế gia đình các Tù nhân Lương tâm (TNLT).

Theo sự hiểu biết thông thường trong xã hội văn minh, thì những ai đã là tù nhân đều là những người xấu, (ngoại trừ một thiểu số) vì họ đã được đem ra tòa xét xử, bên khởi tố, và bên bị cáo đều có luật sư biện hộ, có chánh án căn cứ vào bộ luật để kết tội nặng hay nhẹ theo mức nào hoặc là tha bổng vì không thể kết tội. Như thế ai đã vào tù đều là người xấu. Khái niệm về tội phạm căn cứ vào pháp luật trong xã hội văn minh đã khiến người dân đặt niềm tin vào pháp luật, nhờ đó mà chính quyền có thể ngăn chặn hay đề phòng tội phạm, để cho xã hội được trật tự, công lý được thực thi đến với mọi người.

Trong xã hội VN, ngành tư pháp, tòa án, nhà nước và đảng CSVN trên danh nghĩa là những bộ ngành độc lập, nhưng một khi cần thì họ lại đứng lên trên pháp luật. Họ có quyền tạo nên những bản án tiền chế để cho thẩm phán và quan tòa đứng đọc, trơ trẽn đến độ có rất nhiều phiên tòa chưa được xét xử người ta đã biết kết quả. Tất cả các luật sư hay quan tòa đều tránh né khi đụng chạm đến quyền lợi của đảng, trái lại tha hồ trù dập nhừng ai dũng cảm dám đứng lên phản đối đảng CSVN, vì họ có quyền tối cao trên cả pháp luật, nếu không xét xử theo ý đảng thì sẽ bị bị thất sủng. Cho nên đảng CSVN đã giáo dục ngành công an qua những bích chương và khẩu hiệu rằng: “còn đảng còn mình”. Nói một cách khác như ông Nguyễn Minh Triết “bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát”. Điều 4 hiến pháp xác định đảng CSVN là đảng lãnh đạo duy nhất, nếu đảng chết thì các ngành công an cũng chết theo, nghĩa là tự sát. Chúng ta không cần phải cười ông Triết, vì ông ấy nói sự thật.

Khi nói đến pháp luật và tòa án CSVN, cả thế giới đều phải lắc đầu vì sự bất công, thiên vị. Nguyên nhân sâu xa là do đảng CSVN đã đưa những người kém học và đảng viên CS vào chức vị quan trọng trong tòa án, để đảng CSVN có cơ hội thao túng xã hội VN. Viết đến đây thiết nghĩ cũng phải đem ra vài ví dụ cụ thể như vụ PMU18, vụ hối lộ RBA in tiền Polymer, và gần nhất là Vinashin v.v... đã được đảng CSVN cho vào quên lãng. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: ”bộ chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân trong chính phủ có liên quan đến những sai phạm của Vinashin”. Tại sao có liên quan đến sai phạm 4.4 tỷ đô la ngân quỹ quốc gia lại không xét xử trong khi kẻ phạm tội không đội mũ bảo hiểm lại bị đánh cho đến chết? Điều này chứng tỏ nhiều thành viên trong bộ chính trị đã chấm mút vào vụ  4.4 tỷ đô la của Vinashin. Nếu đem ra ánh sáng thì chính Nguyễn Tấn Dũng là người phải đi tù.
TNLT Nguyễn Bắc Truyển
Nói về những nghịch lý của tòa án Việt Nam dành cho thành viên đảng CSVN, thì cũng phải nói đến sự bất công của tòa án dành cho người dân VN. Những trường hợp nổi cộm dành cho các TNLT, tấm hình LM Lý bị bịt miệng trước vành móng ngựa đã làm chính quyền CSVN phải muối mặt với thế giới khi nói VN không có tù nhân lương tâm. Đảng CSVN không chỉ làm trò hề cho thế giới cười bằng lời nói dối trơ trẽn trên, họ còn cố tình lừa dối người dân trong nước bằng cách giam chung tất cả các TNLT với những tù nhân hình sự khác. Họ luôn luôn kết án các TNLT vi phạm điều 69 Bộ luật Hình sự, sỉ nhục họ bằng cách cho giam chung với những tù hình sự. Mục đích chính là đảng CSVN cố tình xóa mờ tư cách những TNLT, đánh đồng phẩm giá, tư cách, khả năng của TNLT với tù thường phạm, để bịt mắt người dân và cả thế giới bởi vì “Việt Nam không có tù chính trị, mà chỉ có tù hình sự”.

Những khuôn mặt TNLT nổi tiếng như LM Nguyễn Văn Lý, Blogger Điếu Cày, LS Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa v.v... là những người có khả năng viết, biết lý luận, hoặc có cơ hội lên tiếng với thế giới cho nên được nhiều người bênh vực, còn những người không có phương tiện hay khả năng viết thi họ bị lãng quên trong tù. Chính vì vậy khi Ls. Nguyễn Bắc Truyển ra tù, anh cũng đã giúp tiếng nói của một sĩ quan tâm lý chiến VNCH Nguyễn Hữu Cầu “vượt ngục” đến với chúng ta qua bài hát “OanKhúc Người Tù Kiên Giang” (4) và từ đấy thế giới đã biết đến TNLT Nguyễn Hữu Cầu, người từng tranh đấu bất bạo động với chính quyền Kiên Giang vào thời sắt máu năm 1982. Ông Nguyễn Hữu Cầu tranh đấu cho công lý bằng lời ca tiếng hát, sáng tác những bài ca có đoạn mang âm hưởng giọng ngũ cung của dân ca Nam bộ như sau:
Ngày rằm tháng Bảy Vu Lan
Ủy ban Quân quản Tiền Giang giết người
Ma vương hô Hố tiếng cười
Sau khi chúng giết hai người thành ba....

Khi LS Nguyễn Văn Đài ra tù, anh cũng nhớ lại và lập nên danh sách hơn 80 tù nhân lương tâm người thiểu số Ê Đê ở Ban Mê Thuột, những người đã đứng lên vào những năm 2004 và 2006 tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng, đòi lại đất đai bị cưỡng chiếm và đã nhận những bản án nặng nề. Tháng 8 vừa qua LS Đài cũng đã lên tiếng với bộ ngoại giao Úc bênh vực các tù nhân người thiểu số này. Hầu hết họ không đủ khả năng lý luận và viết, cho nên LS Đài đã tìm cách giúp gia đình họ qua sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Tù Nhân Lương Tâm (www.tnlt.net).

Trường hợp những TNLT người dân tộc và gia đình họ còn khổ đau hơn nhiều bởi vì họ bị cô lập với xã hội người Kinh chung quanh. Hơn nữa trước đây an ninh CS từng giả dạng những Việt kiều từ hải ngoại, đem gạo và tiền cho họ để lừa và vu oan bắt họ vào tù. Được biết mới đây, thông qua Quỹ TNLT, cùng với nỗ lực của những người trong nước, một số nhỏ gia đình tù nhân Ê Đê chỉ dám nhận quà như là món quà cứu đói, món quà từ thiện, nhưng trong thâm tâm họ luôn biết rằng món quà ấy không phải là món quà từ thiện bình thường, mà là món quà từ thiện đầy mồ hôi và nước mắt của chồng con họ đang trong tù khiến người Việt hải ngoại nhớ đến họ mà đem lòng thương xót, quý trọng. Khi nhận quà dù là nhỏ mọn nhưng lòng họ vừa mừng vừa lo sợ khi nhận những món quà này.
Nếu không có những cựu tù được thả để đem tin trong tù ra ngoài thì có lẽ chúng ta không hề biết đến những con người âm thầm tranh đấu cho công lý, cho tự do tôn giáo mà phải bị tù rất dài hạn, thậm chí nhiều người đã chết, như trường hợp các ông Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương là những trường hợp điển hình mới xảy ra gần đây.

Thông thường trong gia đình VN, người chồng/cha là nguồn lao động chính trong gia đình, khi bị bắt vào tù thì vợ con bị ảnh hưởng. Lợi dụng điều này, CSVN triệt tiêu nguồn sống của gia đình, răn đe và ngăn ngừa những người dũng cảm đứng lên tranh đấu cho nhân quyền, cho công lý. Một khi CSVN tìm cách bao vây kinh tế gia đình TNLT, bất cứ ai, tổ chức nào hỗ trợ gia đình TNLT thì cá nhân hay tổ chức ấy được công an CSVN chú ý theo dõi. Nếu là người trong nước thì công an thường quy chụp cho họ là “liên hệ với những thế lực phản động nước ngoài”. Vì thế ngay cả những hội từ thiện thuần túy cũng không dám hỗ trợ những gia đình TNLT gặp khó khăn trong cuộc sống. Như thế, những cá nhân hay tổ chức nào hỗ trợ gia đình các TNLTcó phải là những tổ chức chống cộng thuần túy, hay là những tổ chức hoạt động từ thiện nhưng không được xem như một hội từ thiện dưới con mắt của CSVN? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nghe lại câu nói xác đáng của Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ: “chúng tôi không làm chính trị nhưng có thái độ chính trị”, để biết được cái biên giới rất mờ nhạt của lòng từ thiện và chí khí hiên ngang đương đầu với bạo quyền CSVN


TNLT Bùi Hằng
Lại một mùa Xuân nữa về, nhưng trong lòng những TNLT không hề có mùa Xuân nào cả, bởi vì họ không chỉ bị giam cầm trong 4 bức tường của nhà tù mà tất cả những thông tin cơ bản nhất về họ cũng bị bưng bít. Đơn giản bởi lẽ CSVN muốn họ chết dần mòn và thầm lặng trong ngục tù, vĩnh viễn không được nhắc đến.

Để ngày Xuân có ý nghĩa đối với chúng ta, thiết nghĩ hãy dành cho họ một ngày thật đặc biệt để chúng ta có thể tri ân, cảm thông và hỗ trợ tinh thần. Xin gọi đó là “Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam!


Xuân Nhâm Thìn năm 2012
Lê Minh


Ghi chú:
1/. “Tù Nhân Lương Tâm” (Prisoner of Conscience - POC): http://en.wikipedia.org/wiki/Prisoner_of_Conscience
3/. “Những người tù bị quên lãng” (The Forgotten Prisoners): http://en.wikipedia.org/wiki/The_Forgotten_Prisoners
4/. Bài hát “Oan Khúc Người Tù Kiên Giang”: http://www.pocfonline.net/2011/02/oan-khuc-nguoi-tu-kien-giang.html
5/. Quỹ Tù Nhân Lương Tâm: www.tnlt.net

No comments:

Post a Comment