ĐẢNG NLD TUYÊN BỐ BÀ AUNG SAN SUU KYI THẮNG CỬ
VOA - Những người ủng hộ cho bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng của dân chủ Miến Điện, từng bị quản thúc nhiều lần trong suốt 20 năm qua, nói là bà đã đắc cử vào Hạ viện Miến Điện.
Đảng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của khôi nguyên giải Nobel hòa bình loan báo tin này chỉ chốc lát sau khi các phòng phiếu đóng cửa chiều Chủ nhật sau cuộc bầu cử bổ sung. Họ nói bà đã thắng tại Kawhmu, một khu vực nông thôn ở phía nam Rangoon, với một số phiếu áp đảo so với 2 đối thủ khác. Những người chứng kiến tận mắt cho biết hàng trăm người ủng hộ đã reo mừng khi tin thắng cử được loan báo ở Rangoon.
Nếu được xác nhận, thắng lợi này sẽ là một dấu mốc quan trọng tại quốc gia đông nam Á từng bị trì chậm dưới quyền cai trị của phe quân nhân trong gần nửa thế kỷ cho đến khi chính phủ dân sự trên danh nghĩa lên cầm quyền năm ngoái.
Lên tiếng tại Istanbul bà Hillary Clinton đưa ra lời tuyên bố lạc quan một cách dè dặt: "Chúng tôi muốn nói đôi lời về Miến Điện. Tôi vẫn hết sức chú tâm theo dõi cuộc bầu cử ở Miến Điện ngày hôm nay. Trong lúc kết quả chưa được tuyên bố, Hoa Kỳ chúc mừng những người đã tham gia, nhiều người lần đầu tiên tham gia vào cuộc vận động và tiến trình bầu cử. Chúng tôi cam kết ủng hộ những nỗ lực cải tổ này."
Ứng cử viên đảng NLD ra tranh cử ở 45 đơn vị, và cho đến chiều tối, chưa có kết quả ở những nơi khác. Hiện vẫn chưa rõ bao giờ thì chính phủ mới loan báo kết quả kiểm phiếu.
Cuộc bầu cử đã được một số quan sát viên thuộc Liên hiệp châu Âu và Hiệp hội ASEAN theo dõi.
Tuy nhiên, các quan sát viên này chỉ nhận được giấy phép trong vòng mấy ngày trước đây, do đó, có nhiều người nói rằng họ chỉ đứng nhìn, thay vì theo dõi.
Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu tỏ ý cho thấy họ có thể xét đến chuyện tháo bỏ cấm vận kinh tế cho Miến Điện nếu cuộc bầu cử hôm Chủ nhật chứng tỏ là tự do và công bằng.
*
Bà Aung San Suu Kyi 'thắng lớn'
Bà San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ,
vừa thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung tại Miến Điện.
BBC - Chính trị gia từng đoạt giải Nobel về hòa bình của Miến Điện, Aung San Suu Kyi, đã “thắng lớn” trong cuộc bầu cử bổ sung giành 45 ghế ở Quốc hội vào hôm Chủ Nhật, theo đảng của bà cho biết.
Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) cho biết lãnh tụ của họ, bà Suu Kyi, đã thắng dễ dàng ở Kawhmu, mặc dù kiểm phiếu chính thức chưa hoàn tất.
Đây là lần đầu tiên đảng đối lập NLD tham gia bầu cử kể từ năm 1990.
Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật là một thử nghiệm quan trọng về hứa hẹn cải cách chính trị của Chính phủ Miến Điện, mặc dù đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn vẫn còn chiếm ưu thế.
Trong quá trình vận động bầu cử, báo chí nước ngoài và quan sát viên quốc tế được phép tác nghiệp tại Miến Điện với một số lượng khá lớn trong nhiều năm qua.
Liên minh châu Âu gợi ý rằng khối này có thể giảm bớt một số biện pháp trừng phạt nếu cuộc bầu cử diễn ra trôi chảy.
"Chúng tôi hy vọng ngày bầu cử diễn ra một cách hòa bình và chúng tôi sẽ có đánh giá dựa trên tất cả các cuộc bỏ phiếu mà chúng tôi chứng kiến," quan sát viên EU Ivo Belet nói.
Phóng viên BBC Rachel Harvey từ trong Miến Điện nói rằng đảng NLD đã cáo buộc một số hiện tượng “bất thường” trong bầu cử tại thủ đô, Naypyidaw.
Một phát ngôn viên của NLD nói với hãng tin AFP rằng ông đã gửi một thư khiếu nại đến Ủy ban bầu cử cáo buộc về một số hiện tượng gian lận trong cuộc bỏ phiếu.
'Vẫn còn chi phối'
Bà Aung San Suu Kyi được sự ủng hộ của nhiều cử tri
khi xuất hiện tại một khu vực bỏ phiếu hôm Chủ Nhật
Chính phủ hiện nay của Miến Điện vẫn còn chịu sự chi phối của giới quân sự và nhiều thành viên từ chế quân sự cũ vốn cai trị nước này trong nhiều thập niên và đồng thời đang chịu nhiều cáo buộc về lạm dụng quyền lực tràn lan.
Từ năm 2010, khi xuất hiện cuộc chuyển đổi thế hệ các nhà lãnh đạo mới, chính phủ Miến Điện đã gây ấn tượng với giới quan sát về tốc độ thay đổi trong cải cách nhiều mặt.
Hầu hết các tù nhân chính trị đã được trả tự do, các hạn chế với báo chí, truyền thông đã được nới lỏng và, đặc biệt bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã được thuyết phục để tái tham gia tiến trình chính trị.
Họ đã không được thừa nhận vai trò trong tiến trình chính trị Miến Điện từ năm 1990, khi đảng đối lập NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử nhưng lại bị quân đội từ chối không chấp nhận kết quả.
Bà Aung San Suu Kyi trong phần lớn giai đoạn 20 năm sau đó đã bị quản thúc và bà đã từ chối tham gia cuộc bầu cử năm 2010, một động thái mở ra những cải cách hiện nay.
NLD là một trong 17 đảng đối lập tham gia cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hôm Chủ nhật.
Chỉ một phần nhỏ số ghế tại Quốc hội sẽ được chia sẻ qua cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật và đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn sẽ vẫn áp đảo đa số.
Bà Aung San Suu Kyi, 66 tuổi, đã tranh cử ở một hạt cử tri cấp thấp hơn tại Kawhmu, bên ngoài Rangoon.
Vào ngày Chủ Nhật, bà đã đến thăm khu vực bỏ phiếu tại Kawhmu trước khi trở lại Rangoon.
'Quyết tâm đi tới'
Đảng của bà Suu Kyi là một trong 17 đảng phái đối lập
tham gia tranh 45 ghế tại cuộc bầu cử bổ sung Quốc hội kỳ này
Trước đó, bà Suu Kyi mô tả chiến dịch tranh cử năm nay là không "thật sự tự do và công bằng" và cảnh báo rằng những cải cách là "không thể đảo ngược".
Nhưng bà cũng nói rằng bà và đảng NLD “không hối tiếc” khi tham gia cuộc bầu cử.
"Chúng tôi quyết tâm đi tới bởi vì đây là những gì mà mọi người mong muốn," bà nói.
Phóng viên BBC, Rachel Harvey, nói bất luận kết quả của cuộc bầu cử ra sao, cán cân quyền lực của Miến Điện sẽ không thay đổi qua đêm và dân chủ đầy đủ vẫn còn là một chặng đường dài với quốc gia Nam Á này.
Phóng viên của chúng tôi nói tất cả các nhóm dân tộc thiểu số của Miến Điện phải được thể hiện để cảm thấy họ có tiếng nói trong hệ thống chính trị.
Một số ít đại diện từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với EU và Hoa Kỳ, đã được mời đến quan sát cuộc bỏ phiếu.
Hơn 100 nhà báo nước ngoài cũng được cho là đã nhận được giấy phép đưa tin bài tại chỗ về cuộc bầu cử.
No comments:
Post a Comment