Friday, April 27, 2012

Quốc Hận

THÁNG TƯ NHỚ MẸ

Nguyệt Anh (Danlambao) - Mỗi năm vào dịp tháng tư, những hình ảnh mà tôi đã mắt thấy tai nghe, luôn luôn hiện vào trí nhớ của tôi. Hôm nay là giỗ của ba tôi. Tôi muốn ghi lại những gì mà tôi nhớ về ông, vì không có dịp để ra mộ thắp cho ông một nén nhang.
Mỗi năm vào tháng tư, tôi lại nhớ đến ba mẹ. Vì có những điều thắc mắc vào những ngày sau miền Nam hoàn toàn mất trắng bởi người miền Bắc. Mẹ tôi, nói rất đơn sơ, tưởng đã quên, nhưng vào dịp tháng Tư, ký ức tôi lại trở về… Rất mong ai có cùng cảnh ngộ xin cho một lời giải thích. Tôi không thể nào quên được câu nói của mẹ tôi, sau hơn một tháng chạy giặc vào ngày 02-4-1975 tại cảng Đá Bạc Cam Ranh. Khi trở về lại mái nhà xưa mẹ tôi nói: "Tại sao cha con mày không đi Mỹ mà về đây làm gì?”

Chúng tôi được di tản bằng hạm đội của Mỹ đậu sẵn ngoài khơi cảng Đá Bạc. Những hình ảnh cuối cùng tôi chứng kiến và nghe được trên chiếc xe lam, từ cái loa của các ông thầy Chùa hô hào: "bà con đừng chạy ra tàu Mỹ nữa vì cách mạng đã đến rồi" nhưng một rừng người vẫn còn một chút hy vọng mỏng manh là chạy ra đến cảng ra là nơi duy nhất có thể tìm một bến bờ nào đó không có bóng người Việt cộng.

Hình ảnh cuối cùng, tôi lại thấy có một người bơi theo chiếc hạm đội của Mỹ, không biết ông ta có nghe theo lời hô hào của các ông thầy chùa hay không? Và ba tôi là người liệng cái chai xuống cạnh ông ta, "với dòng chữ xin bình tỉnh, sẽ có người cứu", quả nhiên vài phút sau ông ta được kéo lên tàu bởi có cái thang dây. Chiếc hạm đội này đã đưa chúng tôi đến Phú Quốc và lưu tại đây gần hai tuần lễ, rồi sau đó nó lại đưa chúng tôi về Vũng Tàu. Giống như một cuộc phiêu lưu trên biển cả nhưng đầy bi kịch. Trong thời gian chúng tôi ở Vũng Tàu hơn 1 tuần, ba tôi luôn theo dõi tin tức và biết chuyện gì sắp đến và sẽ đến trong nay mai. Vì thế ông quyết định đưa chị em chúng tôi rời Việt Nam, vì ông đã xác định nơi nào có Việt Cộng là không có ông. Nhưng trớ trêu thay, khi ngày quyết định ra đi, thì lại biết tin chị gái tôi đang bị thương và thang lang trên đường phố ở Cư xá Cam Ranh. Thế là mọi chuyện quay ngược lại giống cái đồng hồ.

Đến ngày 30-4 vào lúc chiều, ông quyết định đưa chị em chúng tôi lên Sài Gòn, lúc đó, một biển người từ Sài Gòn dồn dập xuống Vũng Tàu, như những dòng thác từ những ngày trước. Có nhìn cảnh, đoàn người, lớp lớp chạy xuống Vũng Tàu, mới cảm nhận được dân miền Nam họ sợ Việt Cộng còn hơn sợ ma.

Có nhiều người nghĩ ba tôi khùng. Nhưng ai nghĩ gì, đó quyền của họ, còn ba tôi chỉ làm theo trái tim ông mách bảo, cũng như cách đây một tháng, ông quyết định ra đi để lánh nạn cộng sản, bỏ lại mẹ và chị em tôi. Bây giờ lại quyết định về sống chung với cộng sản. Cuộc đời có những chuyện đầy tréo cẳng ngỗng. Lúc ra đi hăng hái bao nhiêu và khi quay trở về cũng giống y chang.

Thật sự mà nói hơn 1 tháng trời chạy giặc, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu thảm cảnh trên nhiều miền của đất nước. Những cảnh tưởng này khó xóa nhòa trong tâm trí của tôi. Mười bảy tuổi, ít khi lo lắng về cái ăn cái mặc, mọi chuyện điều có ba mẹ lo từ A đến Z. Nhất là chưa bao giờ mắt thấy tai nghe, những cảnh hãi hùng trong thời gian di tản này. Tôi vốn ốm yếu, bạn bè thường nói là đại diện cho hãng tăm. Nhưng tôi đã vượt qua được hành trình trên biển cả và đã trở về bình yên. Vì thế,  khi ba tôi quyết định trở về, tôi rất hài lòng, muốn biết mẹ và các chị em tôi sống chết như thế nào. Cuối cùng chúng tôi cũng về được nhà, nhưng trên đường trở về thì ba tôi bị thất lạc, và tôi trở thành người chỉ huy bất đắc dĩ. Trên đường đi chạy giặc thì đầy hoài bão, và ước mơ, nhưng mà trên con đường trở về sao mà thê lương quá, như là một bãi chiến trường đầy xác chết chưa được chôn cất. Thành phố không đèn đóm, giống như thành phố ma. Khi gặp mẹ tôi thì bà phán một câu: "Tại sao cha con mày không đi Mỹ, và về đây làm gì?" Tôi rất ngỡ ngàng và bàng hoàng, nhưng tôi cũng không hỏi tại sao? Tôi chỉ muốn tắm một cái cho xóa đi những gì mà tôi đã chứng kiến, tôi đã trải qua hơn 1 tháng, nhất là muốn nằm trên cái giường của mình để ngủ một giấc cho thỏa thích, nhưng mắt đã nhắm và giấc ngủ thì không chịu trở về, đầu óc lại suy nghĩ miên man, ba tôi đi lạc hay có chuyện gì xảy ra dọc đường? Khoảng 3, 4 giờ sáng thì tôi nghe tiếng gọi của người lạc đường, tôi vội vã, ba chân bốn cẳng chạy xuống gác mở cửa và nói: "Việt Cộng đang ở trong hiên nhà". Ba tôi đang bước chân lên bậc cấp, ông vội vàng rút chân xuống như là đạp trên đống lửa. Sau một giây suy nghĩ ông lại bước chân vào nhà mình, giống như người lính đã sẵn sàng chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Thật là trớ trêu, ông trời thích làm cho thiên hạ phải điêu đứng. Nhưng cuối cùng phải đấm ngực lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Đó là một trong những hình ảnh không bao giờ phai nhòa vào tháng Tư về ba mẹ.

Mẹ tôi một người đàn bà chất phác, không học hành nhiều. Nhưng chỉ hơn 1 tháng sống với chế độ cộng sản, bà đã khám phá ra gia đình chúng tôi không thể sống dưới chế độ này. Vì thế sau này bà luôn ủng hộ ba tôi tìm cách đi vượt biên, và có lẽ gia đình tôi là gia đình đầu tiên đi vượt biên bị bắt vào đầu năm 1977, ở Cư xá Cam Ranh. Có lẽ, bà hối hận không nghe theo lời của ba tôi đi chạy giặc trước khi cộng sản chiếm miền Nam. Để bây giờ phải nuôi con nuôi chồng. Khi thấy bà tần tảo hết buôn gánh bán bưng, thì tôi lại nhớ về những ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh, tên Công Sơn "Khi đất nước tôi thanh bình, mẹ già lên núi tìm xương con mình, khi đất nước tôi thanh bình trẻ em đi hát ca dao ngoài đồng". Riêng tôi chứng kiến "Khi đất nước tôi thanh bình, mẹ già tần tảo nuôi con, nuôi chồng, khi đất nước tôi thanh bình, em tôi đi mót khoai lang ngoai đồng."

Phải nói là rất khôi hài khi nhớ lại chuyện ngày xưa, cách đây 37 năm. Ngày chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, không còn cảnh huynh đệ tương tàn, nhưng lại có cảnh: "cha thì đi học cải tạo, dù tóc có muối tiêu hay muối ớt, và con thì xếp bút nguyên theo diện cha con".

Nguyệt Anh

No comments:

Post a Comment