30 THÁNG TƯ VIỆT CỘNG HÒA HỢP NHÂN QUYỀN VỚI AI?
PHẠM TRẦN
Sau 37 năm cai trị cả nước, đảng và nhà nước Cộng sản vẫn chưa biết phải hòa hợp dân tộc và tôn trọng nhân quyền với ai. Chuyện này không mới nhưng vì đảng muốn mọi người phải hiểu và làm theo ý đảng nên dân và đảng chưa “hòa hợp” được với nhau. Trước tiên hãy nói về vấn đề “hòa hợp dân tộc”.
Từ lâu người CSVN cứ nghĩ rằng họ chỉ cần “hòa hợp” với những người Việt bỏ nước ra đi sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 là giải quyết được vấn đề “đoàn kết dân tộc”.
Họ quên rằng, nếu đảng và nhà nước chưa “hòa hợp và đoàn kết” được với người trong nước thì làm sao mà “hòa hợp” được với người Việt đã phải chạy Cộng sản ra nước ngoài?
Hãy kể ra một số vấn đề nổi cộm đang gây tranh cãi về trách nhiệm của đảng CSVN từ sau ngày 30-04-1975:
Thứ nhất, là chuyện kẻ thắng cuộc chiến là người Cộng sản vẫn còn coi “kẻ bại trận” dưới Vỹ tuyến 17, hay người miền Nam cũ, không có quyền được hưởng các quyền lợi như những “người của phe mình”. Đến con, cháu của người miền Nam, sanh sau năm 1975, cũng chịu vạ lây kỳ thị trong giáo dục và tìm công ăn việc làm.
Thứ hai, không những chỉ có người còn sống mà ngay đến những người đã nằm xuống, dù có công bảo vệ lãnh thổ như 74 chiến sĩ Việt nam Cộng hòa trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược ngày 19 tháng 01 năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa vẫn bị coi là “kẻ thù”, không được tưởng nhớ, ghi ơn dù đảng và nhà nước CSVN vẫn ra rả ngày đêm xác nhận Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ngay cả trên 40,000 quân-dân miền Bắc đã bị quân Tầu sát hại trong cuộc chiến biên giới năm 1979 cũng không được tưởng nhớ hàng năm vì nhà nước “sợ mất lòng Tầu”!
Đối với 64 binh sĩ quân CSVN tử nạn trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược quần đảo Trường Sa năm 1988, mà các Báo nhà nước được lệnh phải viết bị “tầu lạ” tấn công, hàng năm cũng chỉ được “tưởng nhớ” âm thầm và nhà nước đã cấm không cho tổ chức linh đình, cũng vì sợ “đụng vào chân lồng Tầu Bắc Kinh”!
Thứ ba, những thành phần công dân theo đạo Công giáo và Tin Lành luôn luôn bị kỳ thị, theo dõi trong toàn cõi Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.
Thứ tư, bất cứ tổ chức Tôn giáo nào không chịu tham gia Mặt trận Tổ quốc và chịu thi hành những điều kiện “đăng ký” theo ý muốn của nhà nước thì sẽ không được hoạt động như trường hợp Giáo hội Phát giáo Việt Nam Thống nhất, một bộ phận Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo.
Thứ năm, nhà nước tiếp tục chiếm cứ nhiều cơ sở và tài sản của các Tôn giáo ở cả trong Nam sau năm 1975 và ngoài Bắc sau năm 1954. Ngay cả những tài sản mượn của Tôn giáo, như trường hợp một Trụ sở của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội cũng bị chiếm luôn mà miệng nhà nước vẫn khoe đang thực hiện “xã hội công bằng”!
THU HỒI HAY ĂN CƯỚP?
Thứ sáu, chuyện “đền bù mất công bằng” cũng đã bị những người dân “bần cố nông nền tảng của đảng” ở khắp vùng đất nước nổi lên chống đảng vì nhà nước “nói một đàng làm một nẻo”.
Đối với người dân thì chuyện “thu hồi có đền bù ép giá” , hay “cưỡng chế” sau hòa giải bất thành đã thành chuyện nhà nước tiếp tay cho con buôn “có liên hệ máu thịt” với Lãnh đạo “cướp đất” trắng tay giữa ban ngày, bắt đầu từ phát súng “đường cùng” của gia đình Đoàn Văn Vươn ngày 05/01 (2012) ở Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trong khi vụ án Đoàn Văn Vươn chưa được giải quyết như lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chân tay Dũng ở Hưng Yên đã sử dụng lựu đạn cay và dùi cui tấn công nông dân Xã Xuân Quan, Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày 24/04 (2012) để thu hồi 5,8 mẫu đất còn lại của 166 hộ dân trong tổng số 72 mẫu đất để xây khu độ thị - du lịch có tên là Ecopark do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) trách nhiệm.
Theo tin trong nước thì Tổng Giám đốc của Việt Hưng (Vihajico) là Đào Ngọc Thanh và Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Dự án Ecopark được Dũng chấp thuận tháng 3-2003 và chính thức ban hành Quyết định thu hồi và giao đất tháng 6-2004.
Vậy ra vụ công an cưỡng chế ở Huyện Văn Giang có dính với Nguyễn Tấn Dũng nên báo chí đã phải đối xử khác với vụ “cưỡng chế” đất của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Huyện Tiên Lãng?
Hồi ở Tiên Lãng, làng báo đảng của Việt Nam đã được cả nước vỗ tay hoan nghênh vì họ đã dám “dấn thân” bênh vực gia đình bị đán áp Đoàn Văn Vươn.
Ngược lại trong vụ Văn Giang, báo chí đã bị “nhà nước” Hưng Yên cấm lai vãng khi ra quân cưỡng chế nên tin tức cũng èo ọt, tản mác đó đây.
Duy nhất có Báo Người Cao Tuổi dám viết 1 lần ngày 24/04 (2012) rằng: “Huyện Văn Giang thực hiện quyết định cưỡng chế trái luật.”
Một đoạn của bài báo viết: “Trên báo Người cao tuổi số 47, ra ngày 20-4-2012 chúng tôi đã có bài “Ra quyết định cưỡng chế trái luật”, trong đó chỉ rõ quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là hoàn toàn trái pháp luật hiện hành. Theo Luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh… nhà nước mới thu hồi đất, trình tự thu hồi được quy định rõ trong luật. Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thỏa thuận với dân. Lẽ tất nhiên, thỏa thuận đền bù dân giá cao thì nhà đầu tư lãi ít, thỏa thuận đền bù giá thấp thì nhà đầu tư lãi nhiều. Ở đây UBND huyện lại đứng ra cưỡng chế, lấy đất giao cho chủ đầu tư, hoàn toàn không xem quy định của Luật đất đai có tí giá trị nào.
Nếu hỏi người dân có đồng tình với việc cưỡng chế trái luật này hay không thì tôi tin chắc không ai đồng tình. Cũng có nghĩa là UBND huyện Văn Giang không đạt được “sự đồng thuận của nhân dân” theo chỉ đạo trong Thông báo 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ.”
Nhưng sau đó, bài này cũng như một số bản tin “viết nhẹ nhàng” lác đác trên các báo Việt Nam Express, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), Tầm Nhìn, Zing v.v… đã được lệnh gỡ xuống để bịt miệng!
Mặc dù Chính quyền Hưng Yên nói “không có xô xát” hay “chỉ bắn lưu đạn cay lên trời”, nhưng người dân tố cáo công an đánh đập nhiều người, có người bị thương và bị “bắn đan cay trực diện” vào người.
Ngày 26-04 (2012), Báo Đại Đoàn Kết đưa tin: “Ngày 24-4-2012, các cơ quan chức năng huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 5, 8ha đất của 166 hộ dân xã Xuân Quan, thuộc dự án khu đô thị thương mại- du lịch Văn Giang (dự án Ecopark). Trong quá trình cưỡng chế có xảy ra xô xát, cơ quan công an đã khởi tố vụ án "Chống người thi hành công vụ” và tạm giữ 20 người có hành vi chống đối.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 25-4-2012, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, việc tạm giữ những người này để nhằm điều tra những kẻ đứng sau xúi giục người dân chống đối.”
ĐÓI NGHÈO-TỆ NẠN XÃ HỘI
Thứ bẩy, chuyện đói nghèo ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu và hải đảo đã đến mức báo động vì phần đông dân cư chỉ đủ lương thực từ 4 đến 6 tháng mỗi năm, mặc dù Việt Nam đã xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo năm 2011.
Vào ngày 19-03 (2012), ông Trần Hữu Trung, Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã hội cho Báo Nông Nghiệp Việt Nam biết rằng thực trạng đói nghèo đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Ông nói: “Nếu như cả năm 2011 chỉ có 22 tỉnh xin Chính phủ hỗ trợ cho các hộ đói nghèo thì đến năm 2012, tính đến ngày 2-3, đã có 17 tỉnh đề nghị Chính phủ cứu trợ rồi. Họ đã được phê duyệt gần 29.000 tấn lương thực để cứu đói cho 493.304 hộ với hơn 1,9 triệu người (trung bình 15kg/người/tháng).
Dẫn đầu là tỉnh Nghệ An xin cấp 9.000 tấn gạo cho gần 144.000 hộ với hơn 600.000 người thiếu đói; Điện Biên xin cấp 2.382 tấn gạo cho hơn 30.000 hộ với gần 134.000 người thiếu đói; Bình Định xin cấp 2.000 tấn gạo cho gần 123.000 người thiếu đói; Hà Tĩnh xin cấp 2.000 tấn gạo cho gần 153.000 người thiếu đói; Cao Bằng xin hỗ trợ 500 tấn gạo cho gần 5.000 hộ và xấp xỉ 26.000 người thiếu đói… Thấp nhất là tỉnh Kon Tum xin 390 tấn gạo cho 2.900 hộ với gần 13.000 người thiếu đói. Dự báo từ nay đến cuối năm còn có thêm nhiều tỉnh xin hỗ trợ cứu đói như thế này nữa.”
Như vậy, tại sao Nhà nước Việt Nam lại khoe số gia đình nghèo đã giảm khá nhiều so với thập niên trước? Tiêu chuẩn đói nghèo của Việt Nam bao giờ cũng thấp hơn tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Tỷ dụ như Việt Nam nói chỉ có khoảng 12% thì Thế giới nói phải là 19%.
Chẳng hạn như báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam nói chỉ có 8,6% hộ nghèo ở khu vực thành thị thì khu vực nông thôn tỷ lệ nghèo vẫn còn 21,2% tức là cứ 5 hộ vẫn còn trên 1 hộ nghèo.
Nhiều vùng ở Thanh Hóa đói đến 60%. Các tỉnh Tây bắc trung bình đói thường xuyên từ 40 đến 50%.
Thứ tám, khi nói đến tiền đồ của đất nước thì ai cũng nghĩ đến thế hệ trẻ. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam thì “thế hệ trẻ” này được hiểu là thành phần con ông cháu cha, con cán bộ, đảng viên có chức, có quyền và biết lối làm tiền của sau hay dưới gầm bàn.
Theo Tổng cục thống kê dân số năm 2009, Việt Nam có 1.2 triệu trẻ em phải bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Theo Tiến sĩ Lê Thúc Dục, trưởng nhóm nghiên cứu định lượng chương trình Những cuộc đời trẻ thơ (Viện Khoa học xã hội VN) thì từ năm 2008, công bố toàn cầu của UNESCO đã đưa ra con số VN có 1 triệu học sinh bỏ học. Hai năm 2009-2010, số học sinh bỏ học tiếp tục tăng chứ không giảm.
TS Dục cho rằng: “Không có gì chính xác đến 100%. Nhưng chúng tôi khẳng định đã định lượng, kiểm tra rất kỹ, phương pháp nghiên cứu tôi nghĩ là hiện đại, không sai sót về phương pháp, bài test để thực hiện nghiên cứu là bài test quốc tế. Đây là tỉ lệ cao nhất ở Đông Nam Á và là điểm yếu của VN khi cạnh tranh nhân lực. Ở châu Á, Bangladesh, Indonesia cũng có học sinh bỏ học nhiều nhưng không bằng VN”.
Theo Tiến Sĩ Lê Thúc Dục thì số trẻ em bỏ học thuộc lớp tuổi từ 7 đến 16. (Theo Giaoduc.Net.VN)
Trong khi đó, theo Báo cáo của Tỉnh Lâm Đồng, ở 10 Tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, niên học 2011-2012 báo cáo có 9.863 học sinh bỏ học đa số ở cấp trung học cơ sở và trung học.
Báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc cũng viết ngày 07/02 (2012): “Tính từ 3 năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh theo học đến cấp THPT (Trung học Phổ thông) trên cả nước ngày càng giảm. Điều đó đồng nghĩa việc tỉ lệ học sinh bỏ học sau bậc tiểu học, sau bậc THCS (Trung học Cơ sở), bỏ học giữa chừng tăng cao. Hiện tượng này đang tái diễn, quả là điều gây nhức nhối cho ngành giáo dục….”
“ …Đơn cử, năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa học kỳ trên cả nước là 0,43%, đứng đầu là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có gần 21 nghìn học sinh bỏ học, thứ nhì là Tây Nguyên, thấp nhất là Đồng bằng Sông Hồng. Chỉ riêng tại Cà Mau, ước tính mỗi ngày có tới hơn 35 ngàn học sinh phổ thông phải đi đò đến lớp.
Đã có thời điểm hàng chục nghìn học sinh tại tỉnh này đồng loạt bỏ học vì không đủ tiền đi đò. Năm học 2011-2012, tỉ lệ học sinh bỏ học trên cả nước có giảm, nhưng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn ở mức cao. Kết thúc học kỳ I năm học này, tại Đồng Tháp có 3.600 học sinh bỏ học, Vĩnh Long là gần 1000 em.”
Như vậy thì cái nhà nước được gọi là “làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của Việt Nam sẽ trả lời với dân như thế nào về tin “nhức nhối” này ?
Vẫn theo Báo Đại Đoàn Kết: “Bộ GD&ĐT (Giáo dục-Đào tạo) đưa ra các nguyên nhân chính của tình trạng bỏ học gồm học sinh do học lực yếu kém; nhà trường chưa thực sự hấp dẫn đối với học sinh; hoàn cảnh gia đình học sinh có khó khăn về kinh tế; trình độ dân trí một số vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người miền núi còn lạc hậu; nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến con em đúng mức. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng học sinh bỏ học do lấy chồng, lấy vợ sớm vẫn phổ biến, hoặc sớm đi nương, trở thành lao động chính của gia đình.
Những nguyên nhân, quả thực năm nào cũng được ngành giáo dục đưa ra mổ xẻ, phân tích. Nhiều giải pháp được đề ra, nhiều đề án tiền tỉ được đầu tư về cơ sở vật chất, thay đổi giáo trình, nâng cao chất lượng giáo viên, hỗ trợ học sinh. Nhưng tính hiệu quả vì sao chưa cao? Và sao Bộ GD&ĐT chưa thực sự coi việc học sinh bỏ học là vấn đề nóng, nan giải, đôi khi phải xem là "vấn nạn” nhức nhối trong ngành.”
Lối giải thích kiểu “chữa đau đẻ lang băm” của Bộ Giáo dục-Đào tạo không mới với nhiều người Việt Nam. Có khác chăng là sự khác biệt giữa con nhà nghèo không có điều kiện được họ hành đã kéo dài hết năm này qua năm nọ trong khi “các con quan” thì lại có hàng ngàn, vạn cách học, kể cả ra nước ngoài tốn phí 20 ngàn dollars mỗi năm, để có bằng (hoặc mua bằng) để ra làm quan, nối nghiệp bố mẹ cai trị dân đen.
Nhưng nếu có ai lên tiếng phê bình, chỉ trích thì ngay lập tức bị khép vào tội có tư tưởng chống đảng hoặc là tay sai của các “thế lực thù địch” , của “diễn biến hòa bình” âm mưu chống lại tổ quốc!
Thứ chín, khi các em bỏ học thì phải lao động phụ giúp gia đình kiếm cơm bỏ bụng.
Báo điện tử “Nguoiduatin.VN” (của Báo Đời sống và Pháp luật) viết về tình trạng này hôm 12-06 (2011): “Mặc dù Luật pháp Việt Nam cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi nhưng trên thực tế trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình cả ở nông thôn lẫn thành thị….”
“…Vấn đề lao động trẻ em nghiêm trọng hơn ở những tỉnh có số lượng trẻ em bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học để tham gia vào các hoạt động kinh tế như ở Lào Cai và Gia Rai; hoặc ở những nơi có nhiều trẻ em tham gia vào nhiều loại hình công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại như ở Quảng Nam và Hà Tĩnh; và ở các làng nghề thủ công nơi trẻ em làm việc không công trong các hộ kinh doanh như ở Hà Nội, Ninh Bình. Thêm vào đó, còn có nhiều hình thức trẻ em di cư làm việc trên đường phố, trong các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng hoặc các khu công nghiệp như ở Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh….”
“…Đặc biệt theo nghiên cứu gần đây vào năm 2009 của Bộ LĐ-TBXH tại 8 tỉnh thành (bao gồm Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Rai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh), có khoảng 50% các em được khảo sát phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Những yếu tố này bao gồm độ ẩm, ánh sáng, bụi bẩn, các chất độc hại, tiếng ồn, không gian làm việc chật hẹp. Và các em cũng phải chịu nhiều sức ép tâm lý như tiền công thấp, chậm thanh toán hoặc bị chủ nhục mạ, buộc phải sống xa gia đình, chứng kiến hành vi không lành mạnh của người lớn….”
Thứ mười, các báo của nhà nước đã viết như thế về thực trạng tuổi trẻ Việt Nam, nhưng đáng lo hơn đối với xã hội là nguy cơ lan rộng ma túy trong lớp tuổi trẻ.
Một bản tin trên Báo Tiếng Chuông, trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Việt Nam ngày 22-04-012 báo động: “Ở Việt Nam, tệ nạn ma túy đã và đang làm đau đầu các bậc phụ huynh trong các gia đình. Mạng lưới phân phối ma túy đã đi vào từng ngõ hẻm, đường phố, trường học, công viên, các nơi vui chơi giải trí… ở thành thị và đang lan dần tới cả những vùng nông thôn. Gần đây, thuốc lắc (ma túy tổng hợp) đã được bán và dùng rộng rãi trong giới trẻ, nhất là đối với con em các gia đình khá giả tại các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các quán bar, nhà hàng, vũ trường. Ma túy đã và đang trở thành nỗi ám ảnh cho cả dân tộc.”
Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Văn Minh, tính đến cuối tháng 6/2011, cả nước có 149.900 người nghiện ma túy (tăng khoảng 2,7 lần với mức tăng xấp xỉ 6.000 người nghiện/năm so với cuối năm 1994).
Trích lời Minh, báo Pháp Luật Việt Nam cho biết: “Đặc biệt độ tuổi của người nghiện ma túy cũng có xu hướng trẻ hóa. Cuối năm 2010, gần 70% người nghiện ma túy ở độ tuổi dưới 30 trong khi tỷ lệ này vào năm 1995 chỉ khoảng 42%. Hơn 95% người nghiện ma túy ở Việt Nam là nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người nghiện là nữ giới cũng đang có xu hướng tăng trong những năm qua.”
Theo một Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày 08-09-2011 thì: “Người nghiện ma túy đã có 63/63 tỉnh, thành phố, khoảng 90% quận, huyện, thị xã và gần 60% xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Cơ cấu người nghiện ma túy theo vùng miền cũng đã có những thay đổi đáng kể. Nếu như giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nghiện ma túy chủ yếu phổ biến ở người dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì từ giữa những năm 2000 đã tăng mạnh xuống vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Đông Nam bộ. Năm 1994 có tới hơn 61% người nghiện ma túy ở Việt Nam thuộc khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc thì tới năm 2009 tỷ lệ này là gần 30%. Ngược lại, tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng trong tổng số người nghiện ma túy của cả nước đã tăng từ 18,2% lên 31% trong cùng kỳ. Tương tự, tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tăng từ 10,2% lên 23%.”
Báo cáo viết tiếp: “Loại ma túy được sử dụng và hình thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi phức tạp. Thay cho vai trò của thuốc phiện trong hơn 10 năm trước đây, heroin hiện là loại ma túy được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam, có tới 96,5% người nghiện thường xuyên sử dụng heroin trước khi tham gia cai nghiện.
Mặc dù tỷ lệ người nghiện thuốc phiện và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS hay ma túy tổng hợp) tương đương nhau, khoảng 1,2% - 1,4% nhưng theo đánh giá của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), việc lạm dụng ATS, đặc biệt là Methamphetamine, đang có xu hướng gia tăng trong người nghiện ma túy tại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực chiếm ½ số người lạm dụng loại ma túy này trên toàn thế giới. Việc gia tăng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn.”
Thứ mười một, từ ma túy, theo một tin trên Thống Tấn xã Việt Nam ngày 03/11/2011 trích lời Ông Chu Quốc Ân - Phó Cục trưởng phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 30/9, cả nước có 193.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 47.030 bệnh nhân AIDS và đã có hơn 51.000 người tử vong.
Trong chín tháng đầu năm, số trường hợp HIV được phát hiện là hơn 9.100 người, trong đó có 3.700 bệnh nhân AIDS và gần 1.400 trường hợp tử vong.
Các trường hợp được phát hiện trong thời gian qua tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên.
Đối tượng mắc mới HIV vẫn tập trung trong nhóm từ 20-39 tuổi, trong đó nhóm 20-29 tuổi chiếm tỷ lệ gần 40%, nhóm 30-39 tuổi chiếm 43%, còn lại các nhóm tuổi khác chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng 16%.
Theo đánh giá của Cục phòng chống HIV/AIDS, mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm và tử vong, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ bùng phát nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Hiện nay, khó khăn lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS là kiến thức của nhóm thanh thiếu niên về lĩnh vực này còn thấp, hơn 50% thanh thiếu niên chưa hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS. Nhận thức của người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi còn hạn chế.
Một khó khăn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh này hiện nay là sự chuyển đổi hình thái nhiễm HIV theo xu hướng lây qua quan hệ tình dục gia tăng (chiếm gần 40%) khiến việc triển khai các biện pháp phòng chống gian nan hơn.”
Số các vụ lây nhiễm HIV/AIDS do tệ nạn mại dâm gây ra chưa có con số chính thức, dù các cơ quan nhà nước báo cáo ước tính có trên 200 ngàn gái mại dâm đang hành nghề tại Việt Nam. Nhưng không ai biết được các hoạt động mại dâm trá hình đang lan tràn từ nông thôn ra thành phố ra sao vì các viên chức an ninh nhìn nhận không kiểm soát được.
Các báo cáo cũng phỏng định có trên 20 ngàn vụ buôn gán thiếu nữ vị thành niên qua biên giới sang Tầu và Cao Miên hàng năm mà Cảnh sát biên phòng hay hải quan cũng không sao ngăn chặn được!
Thứ mười hai, tất cả những tệ nạn nêu trên trong thời Cộng sản “đổi mới” đi theo kinh tế thị trường theo điều được gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” còn đẻ ra nhiều loại tội ác trong xã hội tới mức vi phạm báo động về số vụ giết người, hiếp dâm, cướp giật, đâm thuê chém mướn gây ra bởi các thanh thiếu niên.
Nhiều vụ học sinh bạo loạn, hành hung bạn học, lập băng đảng đánh người trước mắt mọi người mà người xung quanh vẫn đứng nhìn, đôi khi còn cổ vũ cho các hành động pháp pháp đã đảo ngược luân thường đạo lý mà xã hội vẫn dửng dưng !
Bà Lotta Sylwander, trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tại Việt Nam nói: “Tôi muốn nói rằng nhiều thanh niên Việt Nam đang đánh mất mình khi xã hội chuyển từ truyền thống sang hiện đại. Đánh bạn rồi tung lên mạng có thể khiến chúng thấy vui sướng, vì sự khác thường của mình…” (Trích từ một Cuộc phỏng vấn đăng trong Báo của Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam, 27-04-2012)
Người CSVN gọi những tệ nạn này là “mặt trái của kinh tế thị trường”, nhưng lại quên đó cũng là “mặt trái của con tim và khối óc” của người Cộng sản.
Trong khi ấy thì chính quyền lại tăng cường kiểm soát thông tin nên đã vô tình hạn chế các nguồn tin hữu ích do người dân cung cấp và cắt đứt luôn sự hợp tác của dân để ngăn chận tội ác và các tệ nạn xã hội khác.
Nhà nước cũng tự mình lấy đi của dân các quyền đã quy định trong Hiến pháp về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, lập hội, hội họp, bầu cử, ứng cử và tự do tôn giáo v .v… nên quyền con người, hay nhân quyền nói theo cách của người phương Tây, không có ở Việt Nam.
Vì vậy mà điều được gọi là “liên hệ máu thịt” giữa dân và đảng không còn nữa. Một khoảng cách giữa cán bộ và dân đang ngày một dãn ra khiến cho cho sự xa cách giữa dân và nhà nước, trong nhiều trường hợp, thành kẻ thù của nhau.
THỰC TẾ NGÀY NAY
Như vậy ngày nay, sau 37 năm cai trị cả nước, Lãnh đạo đảng CSVN phải nhìn nhận một số không nhỏ cán bộ, đảng viên của họ đã mất bản chất, đạo đức bản thân đã bị tiền tài, danh vọng sói mòn và suy thoái tư tưởng, không còn tin vào chủ nghĩa Cộng sản và đảng nữa.
Tình trạng này đã phản ảnh trong một Bài viết của Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng từ năm 2005 được đăng lại trong Tạp chí Năng Lượng Mới điện tử tháng 10/2011.
Trọng viết: “Trong những năm gần đây, Đảng ta có bước tiến mới về thực hiện dân chủ trong Đảng, rõ nhất là trong việc chuẩn bị các nghị quyết của Đảng, trong việc bầu cử cấp ủy, đánh giá, đề bạt, bố trí cán bộ, trong quan hệ và lề lối làm việc giữa cấp trên và cấp dưới… Nhưng phải thừa nhận rằng, sự tiến bộ đó còn hạn chế. Những hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, cùng những tư tưởng ngôi thứ, gia trưởng, độc đoán, thành kiến… còn khá nặng nề trong Đảng.
Một số cán bộ rất hách dịch, lộng quyền, không muốn nghe ý kiến người khác, nhất là các ý kiến không hợp với mình, sẵn sàng trù dập, đàn áp những người không ăn cánh hoặc không làm theo ý mình. Họ không biết rằng, dân chủ đang là một xu thế của thời đại, một yêu cầu phát triển của đất nước; dân chủ cũng là mong ước, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân….”
“…Những năm gần đây, bên cạnh mặt tốt là Đảng giữ vững và phát huy được truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng có những biểu hiện vô tổ chức, vô kỷ luật, bè phái, cục bộ, địa phương, có nơi khá nghiêm trọng. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng không được chấp hành nghiêm túc, nghị quyết không đi đôi với hành động, nói không đi đôi với làm, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Cấp dưới không phục tùng cấp trên, cá nhân không phục tùng tổ chức. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ phát triển, một số người phát ngôn tùy tiện, công khai truyền bá những ý kiến trái với đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng.
Có trường hợp đảng viên tuyên truyền, lôi kéo một số quần chúng đấu tranh chống lại chính quyền, gây rối trật tự xã hội. Nếu không kiên quyết chận đứng những hiện tượng này nó sẽ phá hoại kỷ cương trong Đảng, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất của Đảng.”
Như thế rõ ràng là nội bộ đảng đã mất đoàn kết, đã ruỗng như tổ ong thì làm sao mà có thể đoàn kết được với dân, nạn nhân bị cai trị bởi những phần tử bất hảo này?
Đảng cũng phải biết tại sao đã có những cán bộ, đảng viên một thời trung thành tuyệt đối và hy sinh vì đảng đã quay lưng lại với nhà nước để đứng về phía quần chúng bị áp bức chống đảng như đã xảy ra trong vụ cưỡng chiếm đất của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng ngày 05/01 (2012) và đồng bào ở Văn Giang, Hưng Yên hôm 24/04 (2012).
Những bất công xã hội do cán bộ đảng gây ra cho dân không mới. Tình trạng này cũng giống như tệ nạn tham nhũng tràn lan trong đảng đã hết thuốc chữa vì quyền của công dân ghi trong Hiến pháp đã bị nhà nước chà đạp lên từ lâu để cho những kẻ có chức có quyền được tự do giành lấy đặc quyền đặc lợi cho cá nhân, phe nhóm và dòng họ.
Trường hợp con cái của hai lãnh đạo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong guồng mày cai trị và các tổ chức kinh tế có thế lực là một bằng chứng không phải vô nghĩa đối với dân nghèo Việt Nam.
Các vụ khiếu kiện đông người kéo về Thủ đô Hà Nội, hay chống các chính quyền địa phương kể từ sau vụ Đoàn Văn Vươn tăng trên 50% còn là một bằng chứng khác nói lên tình trạng mất công bằng nghiêm trọng trong xã hội đã gắn liền với hoàn cảnh khốn cùng của những người dân chân lấm tay bùn.
Thế nên khi đảng nói: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” (Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, 26-03-2004) thì vào mỗi dịp 30-4 quay về, câu tuyên truyền này có còn ý nghĩa gì đối với những người đã bỏ nước ra đi không?
(04/012)
No comments:
Post a Comment