Nguyễn Hùng - Hạnh Ly-Hai cuộc biểu tình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phản đối các động thái gần đây của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông đã nhanh chóng bị dập tắt
trong ngày 9/12.
Hàng trăm người đã xuống đường hô to các khẩu hiệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đảo hiện do Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ.
Biểu tình diễn ra bất chấp chuyện công an đã đóng chốt tại nhà của nhiều người ở cả hai thành phố nhằm ngăn họ tham gia.
Một số người ra được khỏi nhà cũng bị quấy rối hoặc bắt về công an phường.
Ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại thành phố Hồ Chí Minh nói có tới "hàng chục" công an bao quanh nhà ông khiến ông không thể tham gia biểu tình.
Nhưng ông nói chính quyền "đã thất bại" vì hai cuộc biểu tình vẫn diễn ra bất chấp chuyện họ đã dùng mọi biện pháp để ngăn cản.
Một ngày trước khi biểu tình diễn ra, ông Nhuận đã có tuyên bố kêu gọi chính quyền đứng về phía người dân.
'Lửa nhỏ, cháy to'
""Họ biết rõ lòng tin của nhân dân gần như không còn nữa nhưng mà họ còn những guồng máy cai trị, guồng máy đàn áp thì họ sử dụng những guồng máy đó."
» Hồ Ngọc Nhuận, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tp Hồ Chí Minh
Giải thích vì sao chính quyền không để cho người dân xuống đường phản đối hành động "cắt cáp" tàu thăm dò dầu khí hay in bản đồ hình "lưỡi bò" lên hộ chiếu của Bắc Kinh, ông Nhuận nói: "Tại vì họ sợ dân thôi, bởi vì họ quá là bậy về tất cả mọi phương diện.
"Một cái chế độ mà nó hư nát về mọi phương diện từ nhiều năm qua rồi thì một mặt họ vì quyền lợi riêng tư của họ, phe nhóm của họ.
"Thứ hai là họ chạy theo đuôi nước ngoài, đặt biệt là Trung Quốc, cũng vì quyền lợi của họ.
"Họ biết rõ lòng tin của nhân dân gần như không còn nữa nhưng mà họ còn những guồng máy cai trị, guồng máy đàn áp thì họ sử dụng những guồng máy đó.
"Và những guồng máy đó họ cũng vì quyền lợi của họ mà họ phải bám theo..
"Cái vấn đề chính là họ không tin dân, họ sợ dân thế thôi.
"Họ biết rằng chỉ cần một nhúm lửa nhỏ nó có thể bùng thành một đám cháy to và đám cháy to thì họ không còn quyền hành nữa, họ sẽ bị lật đổ."
'Âm mưu xảo quyệt'
Ông Nhuận nói chính quyền đã có những hành động mà ông gọi là "hèn nhát" khi trấn áp người biểu tình và cáo buộc các lãnh đạo Việt Nam "tiếp tay" cho Trung Quốc:
"Nhà cầm quyền Bắc Kinh nó muốn thao túng, nó muốn thôn tính đất nước này.
"Mà nhà cầm quyền này đương phụ họa, chống chúng tôi... tức là tiếp tay cho những âm mưu xảo quyệt của Bắc Kinh.
"Cái điều mà chúng tôi không thể chấp nhận được là chính quyền này có thể đàn áp nhân dân trong khi nhân dân chỉ chống Trung Quốc thôi."
Ông Nhuận nói nhiều trong số những người phản đối chính quyền đã từng tham gia cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc hồi năm 1979 và cả cuộc chiến chống Mỹ kết thúc năm 1975.
Vị Phó chủ tịch Mặt trân Tổ quốc bác bỏ cách giải thích của chính quyền rằng các cuộc biểu tình có thể bị những "kẻ xấu" lợi dụng:
"Kẻ xấu đó chính là những kẻ đang bụm miệng chúng tôi chứ còn kẻ xấu nào nữa.
"Dân càng ngày càng bất mãn và càng muốn có sự thay đổi và càng muốn họ [chính quyền] quay đầu lại với lẽ phải...
"Họ [nhân dân] muốn cho chình quyền trong sạch, tốt và hòa đồng với nhân dân chứ ai muốn lật đổ họ..."
'Ngoài sức tưởng tượng'
Một trong những người thoát lưới của công an và tới Nhà hát Lớn ở thành phố Hồ Chí Minh là ông Huỳnh Tấn Mẫm, người 40 năm trước từng xuống đường đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.
Ông Mẫm kể: "Hồi năm 1969 khi tôi được bầu là Chủ tịch Tổng hội sinh viên thì phát động phong trào đòi dân sinh dân chủ, đòi hòa bình.
"Trong phong trào đó nổi lên một số phong trào lớn và rất nhiều phong trào khác, nhưng phải nói là trong các cuộc đấu tranh như vậy, sinh viên học sinh có tổn thất dữ lắm.
"Nói chung là tra tấn đánh đập đủ hết, mọi cực hình nói chung là ngoài sức tưởng tượng của anh chị em sinh viên thời đó.
So sánh hành động của chính quyền Sài Gòn trước đây và giới chức hiện nay, ông Mẫm nói:
"Hồi đó ác liệt hơn, ác liệt hơn nhiều, bởi vì là giữa một bên đòi dân sinh dân chủ, đòi Mỹ rút quân, thì đó là cái mục tiêu rất lớn, nên chính quyền Sài Gòn chắc chắn là phải đàn áp.
"Với cả cũng khác là vì nó nằm ở thủ đô, trung tâm Sài Gòn, lúc đó thì Sài Gòn là một thủ đô, không phải là một tỉnh, một thành, cho nên là nằm giữa Sài Gòn thì chính quyền Sài Gòn nó phải dùng những biện pháp để mà giữ vững ổn định an ninh ở trong Sài Gòn."
'Trắng trợn, ngang tàng'
Ông Huỳnh Tấn Mẫm cũng giải thích ông tham gia kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc do rất bức xúc trước âm mưu "thâm độc và lâu dài" muốn chiếm biển Đông, và việc nhà nước Trung Quốc làm người dân "hiểu lầm" rằng, Hoàng Sa Trường Sa là của người Trung Quốc.
Ông nói: "Trung Quốc trước đây từng là bạn của Việt Nam, từng cứu trợ Việt Nam, thế mà bây giờ quay lưng lại, muốn đi chiếm Biển Đông.
"Chúng tôi cho đây là hành động trắng trợn, ngang tàng, bất chấp dư luận trong nước và thế giới.
"Vậy thì tại sao nhà cầm quyền Việt Nam không cho biểu tình mà lại coi chuyện đó là của Đảng và Nhà nước, mà không phải là chuyện của dân?
"Theo ý kiến một số người nói biểu tình là vô bổ, không có ích lợi gì cả, nhưng nói thế là không đúng, vì nếu như mà Đảng và Nhà nước tuyên bố chống thì đó cũng chỉ là Đảng và Nhà nước thôi, còn nhân dân phải được quyền nói lên tiếng nói của người ta chứ.
"Và tiếng nói đó là góp phần ủng hộ cho đấu tranh của dân tộc, thì không có lý do gì ngăn cản cả."
Xưa và nay
Ông Huỳnh Tấn Mẫm cho biết, phong trào đấu tranh ở Sài Gòn trước đây thì ngoài sự ủng hộ của khoảng 200.000 sinh viên còn được đông đảo các thành phần khác tham gia, nhất là thành phần lao động buôn bán.
Ông nói cuộc đấu tranh đã trở thành "mặt trận rất rộng lớn".
Bình luận về biểu tình ngày 9/12 mà ông tham gia, cựu lãnh đạo sinh viên nói:
"Cuộc biểu tình lần này một phần là do các chốt chặn, barrier của cảnh sát nên nhân dân người ta đến cũng giới hạn, không đông, nghe chừng khoảng 500 người.
"Còn những cuộc biểu tình lần trước thì đông lắm. Nhưng gần đây chính quyền cũng có những biện pháp khá mạnh hơn nên quần chúng cũng e dè trong chuyện tham gia đấu tranh.
"Tôi đi được là vì tôi thức sớm lắm, tôi đi từ sớm lắm, chứ còn những người khác thì từ 6, 7 giờ sáng đã có hàng chục công an đứng trước nhà thì làm sao người ta đi biểu tình được."
'Chưa được biểu tình'
Khi được hỏi về việc có thể người dân tham gia biểu tình ít hơn vì lo cho bản thân mình hơn, ông Mẫm trả lời:
"Cũng có cái đó, cũng đúng.
"Bởi vì bản thân người ta cũng có nhiều cái bức xúc nhưng người ta cũng chưa thấy là cái bức xúc trước mắt.
"Bởi vì chẳng hạn như Biển Đông, nó ngoài biển, người ta chưa thấy được cuộc chiến nó vào trong đất liền."
Ông Mẫm nói trong lần tiếp xúc với chính quyền mới đây, ông được nghe giải thích rằng "cuộc biểu tình nào cũng có xô xát, mà xô xát thì dễ có sự lợi dụng để mà chuyển hướng sang tình hình khác, đó là điều tệ hại [nên chính quyền] không đồng ý.
Ông Mẫm đã tới được nơi biểu tình hôm 9/12 vì đi rất sớm |
"Thứ hai [chính quyền nói] là biểu tình trong Hiến pháp thì có, nhưng luật biểu tình thì chưa có.
"Tất nhiên là chúng tôi hỏi lại là tại sao mấy chục năm rồi mà chưa có luật biểu tình? Và nếu sợ bị lợi dụng thì chúng tôi chịu trách nhiệm cho các cuộc biểu tình đó, các ông nghĩ sao?"
"Thì cuối cùng cũng chỉ được nghe một câu là bây giờ chưa được phép biểu tình.
"Cái đó vẫn chưa có thuyết phục được, nên cuộc biểu tình sáng nay do chúng tôi tổ chức là ngoài phép của Ủy ban Nhân dân thành phố.
"Thì cuộc biểu tình đó cũng bị ngăn chặn, nhưng ngăn chặn sáng nay cũng không căng thẳng như những lần trước," ông Mẫm nói.
Mặc dù vậy Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam và thành viên ban tư vấn cho hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã có tuyên bố mạnh mẽ phản đối điều mà ông gọi là "hành động trấn áp thô bạo của Công An và Chính quyền phường Tân Phong, Quận 7, TPHCM".
Công an đã buộc ông phải về trụ sở chính quyền và nhốt ông lại trong phòng trước khi áp giải ông về nhà.
Một số người biểu tình có vẻ cho rằng chính quyền đuối lý và lấy vũ lực để cân bằng lại khi ngăn cản người dân biểu tình.
No comments:
Post a Comment