BBC - Tại Việt Nam lại vừa xảy ra một vụ cưỡng chế diện nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án đô thị Kim Sơn ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hôm nay 21/12/2012.
Các hình ảnh truyền tải trên mạng Internet trong này cho thấy một đơn vị cảnh sát cơ động đã tràn vào giải phóng khu đất mà báo chí Việt Nam nói là còn 82 hộ dân chưa chịu nhận đền bù giải toả cho dự án kéo dài từ tám năm nay.
Một số trang ngoài luồng cũng chạy tựa "Cưỡng chế đất Đông Triều Quảng Ninh hôm nay 21/12/2012, có tiếng kẻng của dân, tiếng la hét, kêu khóc ...trong khói lửa mù mịt", và hình ảnh về vụ việc đã được truyền tải trên mạng Youtube.
Các hình ảnh này cũng cho thấy các nhân viên cảnh sát lôi đi một số người dân.
Một quan chức tỉnh Quảng Ninh khi được hỏi về vụ việc này đã ngưng trả lời BBC qua điện thoại.
Tuy nhiên, một cán bộ xã đã xác nhận hôm nay chính quyền "đã giải tỏa xong đám quan tài" để dọn lối vào khu đất.
Theo cán bộ này, hiện có "trên 60 hộ dân" còn chưa chịu giải phóng mặt bằng.
Cán bộ này cho hay kế hoạch giải tỏa phải tới 23/12 mới kết thúc và chừng ngày 6-7 tháng 1 tới, chính quyền sẽ cho nhà đầu tư vào thực hiện dự án.
Ông cũng phê phán "một số người dân quá khích" có chống đối và cho hay công an đã "bắt giữ bốn người".
Kéo dài nhiều năm
"Câu chuyện về sự 'cố ý hay vô ý' này nếu ra tới pháp luật chắc chắn sẽ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ" - Báo Quảng Ninh
Chuyện ở dự án Khu đô thị Kim Sơn (hay Kim Sen, Cổ Giản) đã được báo chí địa phương và các trang bất động sản nói đến từ lâu như một ví dụ Ủy ban Nhân dân huyện đã nhận được lệnh từ tỉnh mấy năm qua nhưng chưa ‘giải phóng mặt bằng’ xong xuôi.
Có vẻ như khúc mắc nằm ở chỗ giá đền bù bị phía người dân cho là quá thấp: 38.000 đồng/m2, theo chính trang web của tỉnh Quảng Ninh hồi giữa năm.
Nhưng trang web này, trong bài Chuyện ở dự án Khu đô thị Kim Sơn(25/06/2012) cũng phê phán các hộ dân “chưa hiểu thấu đáo được luật hay cố tình không hiểu luật đề đòi hỏi những quyền lợi không chính đáng”.
Được biết trong năm chính quyền Đông Triều đã thuê một công ty luật để giải thích cho dân về công tác giải tỏa đất đai nhưng không thành công.
Công ty luật Hưng Giang đã kết luận các quyết định từ năm 2004, 2008 và 2009 của tỉnh và huyện về dự án và chuyện giải phóng mặt bằng đều là “đúng luật”.
Trang báo của tỉnh đảng bộ và chính quyền Quảng Ninh đã cảnh báo các hộ dân:
"Câu chuyện về sự 'cố ý hay vô ý' này nếu ra tới pháp luật chắc chắn sẽ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ."
* Vụ việc tại Đông Triều đã kéo dài trong nhiều năm
Tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều muốn dùng công trình đô thị mới Kim Sơn để phát triển nâng cấp khu vực này nhằm nâng Đông Triều lên làm thị xã vào năm 2015.
Một số ý kiến đăng tải trên các diễn đàn mạng cho rằng tiền bồi thường quá thấp, chưa tới 40 nghìn đồng một mét vuông, "chỉ được một bát phở" nên người dân không chịu di dời.
Theo báo chính thống, tờ Lao Động hôm 29/7 năm nay, sau nửa ngày 'đối thoại' với dân chính quyền tỉnh xem xét chi hỗ trợ cộng cả đền bù ở con số cao hơn là là 133.000 đồng/m2 (tương đương 48 triệu đồng/sào).
Nhưng cuối cùng thì hai bên không còn đối thoại được và chính quyền đã cử đội cảnh sát cơ động vào cuộc để cưỡng chế đất như sự việc diễn ra hôm nay.
Tại Việt Nam, trong quá trình đô thị hóa thường diễn ra các vụ cưỡng chế đất của dân mà lớn nhất là vụ Văn Giang hồi tháng 4 năm nay.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121221_cuong_che_dat_dongtrieu.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121221_cuong_che_dat_dongtrieu.shtml
No comments:
Post a Comment