Friday, December 7, 2012

Một sự thật bị chối bỏ: 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chỉ đóng vai ‘gia công’


Thy Danh (Songmoi.vn) - Tại Hội thảo Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng thích ứng trước các rủi ro diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đã bóc trần một sự thật đã bị chối bỏ suốt 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn thấy thoát khỏi nền kinh tế “gia công”, các doanh nghiệp chỉ như những “con gà công nghiệp” cứ chờ người ta vứt cho thức ăn để chứ không chịu tự đi tìm đường cho mình.

Ông Thiên cho rằng Việt Nam đã “không chuẩn bị cho hội nhập một cách tích cực nên khi hội nhập đến chúng ta không trở tay được”, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI ngày càng tăng lên còn doanh nghiệp trong nước thì giảm sút. Cay đắng hơn, hiếm có nước nào thu hút đầu tư nước ngoài nhiều như Việt Nam, lớn thì cứ lớn mà vẫn không tăng nổi chất lượng và đẳng cấp. 

Cùng chung nhận định trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, những năm qua, Việt Nam vẫn thích “to” hơn “sâu”, khi mà ngành nào cũng muốn thử, muốn phát triển, muốn lớn mạnh để rồi chẳng mạnh được ngành nào. Ông Lộc nói: "Hy vọng cú sốc kinh tế lần này, với việc hàng loạt doanh nghiệp rút khỏi thị trường, hàng loạt dự án ngừng trệ đã thực sự chặn lại quán tính phát triển theo chiều rộng của nền kinh tế và sẽ mở một cơ hội, một sức ép buộc các doanh nghiệp phát triển với những lợi thế cạnh tranh mới". 

Dù hầu hết diễn giả cùng chung nhận định đã đến lúc Việt Nam cần “tỉnh ra” và nhìn nhận lại những lợi thế cạnh tranh sẵn có bị bỏ qua, tệ hơn là bị chèn ép, song Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Hòa Bình lại cho rằng doanh nghiệp mình đang rất cạnh tranh“có lúc tỷ giá mua bằng hoặc thậm chí cao hơn tỷ giá bán. Lãi suất thì có lúc cho vay thấp hơn huy động. Về dịch vụ, đôi khi phải tặng thẻ phát hành trước để khách dùng dịch vụ.” 

Cứ tạm công nhận ngân hàng ông Bình “cạnh tranh” đi, nhưng một Vietcombank thì có thể khỏa lấp được cái yếu kém của toàn hệ thống không khi mà chính Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Vũ Viết Ngoạn - cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank dưới thời cổ phần hóa - phải công nhận trong khi nhiều quốc gia đã đáp ứng được Basel III thì Việt Nam mới chỉ ngấp nghé Basel II với một số tiêu chí. Chưa hết, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 – 2013 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam ở vị trí thứ 75 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, thấp hơn 10 bậc so với năm ngoái, thậm chí còn chạy sau cả Philippines vượt qua, trở thành nước đứng áp chót về năng lực cạnh tranh trong số 8 quốc gia ASEAN được lựa chọn khảo sát. Đã là chấp nhận làm “hàng gia công” suốt hàng chục năm qua thì có gì để mà đi so với các nền kinh tế khác. 

Tung hứng với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT, công ty công nghệ được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM xếp vào nhóm “bán buôn máy móc và thiết bị phụ tùng” - còn lôi ví dụ Samsung chọn Việt Nam làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới mà theo ông đánh giá là “công nhân Việt Nam dám đề xuất với họ nên làm thế này, thế kia”. Có vẻ ông quên mất rằng, Việt Nam chỉ được chọn sau khi Trung Quốc đang để dần tuột danh hiệu “công xưởng gia công của thế giới” cùng một loạt các cuộc biểu tìnhxây dựng nhà máy gây ô nhiễm. Các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu tốt, song cũng không ít doanh nghiệp, dưới sự dễ dãi, vồn vã mời chào của Việt Nam, đã giở đủ cách làm giá khiến nguồn thu thuế teo tóp cũng như chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. 

Cũng đừng quên, trong 20 năm Việt Nam đổi mới mà vẫn dậm chân tại chỗ thì Samsung, vượt qua cơn khủng hoảng tài chính 1997-1998, vững vàng vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới! 


No comments:

Post a Comment