Thursday, March 28, 2013

MỘT BÀI VIẾT HAY TRÊN BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT: BÁ QUYỀN ĐI LIỀN VÔ NHÂN


Đại Đoàn KếtĐến Cửa khnẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang), ta sẽ thấy một cây gạo cao hơn 30 mét, thân cây bầm dập những vết đạn bị quân Trung Quốc bắn, khi nhà cầm quyền Bắc Kinh xua quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Cây gạo thương tích vẫn còn đó như một chứng tích khắc ghi những tháng ngày quân và dân ta ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian qua đi, vết thương trên thân cây đã thành sẹo, những tưởng quá khứ đã khép lại nhưng không, cho đến hôm nay Biển Đông vẫn dậy sóng trước những hành động bá quyền từ phía Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vẫn bị phía Trung Quốc bắt giữ, đuổi bắn. Đó là hành động không thể chấp nhận.



Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thực hiện nhiều trăm năm qua

Suốt mấy tháng qua, ngư dân Việt Nam đã gặp rất nhiều trở ngại khi đánh bắt hải sản trong vùng biển của Tổ quốc mình, nhất là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhiều tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải giám, ngư chính có vũ trang lẫn trực thăng phía Trung Quốc rượt đuổi. Hành động ấy không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn cho thấy phía Trung Quốc đang chuyển sang hành động vũ lực vô nhân đạo đối với người dân lao động Việt Nam không một tấc sắt trong tay. Vụ việc mới đây nhất đã khẳng định điều đó.

Ngày 24-3, tàu cá của ông Bùi Văn Phải- ngư dân xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở về Đất Mẹ trong tình trạng bị bắn cháy, hư hỏng nặng nề. Trong lúc đánh bắt thủy sản ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, ngày 20-3, tàu cá của ông Phải đã bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi và nổ súng thẳng vào cabin. Sự vây hãm, hăm dọa và tấn công bằng vũ lực kéo dài tới 30 phút. Một chiếc tàu cá với những người dân hiền lành không có vũ khí tự vệ đang đánh bắt hợp pháp trong vùng biển nước mình lại bị tấn công bằng súng. Đây là một bước đi nguy hiểm hung hãn của phía Trung Quốc nhằm đẩy bằng được người Việt Nam ra khỏi vùng biển của mình, để độc chiếm Biển Đông. Trước đó là xua đuổi, là bắt giữ, bây giờ là bắn thẳng vào người dân lao động. Sự leo thang này cho thấy tính chất vô nhân ngày càng lộ rõ. Từ đó một câu hỏi đặt ra: Nấc thang cuối cùng của hành động leo thang ấy sẽ là gì?

Trong khi lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp thương lượng; muốn có hòa bình trên Biển Đông- vậy họ giải thích ra sao về hành động bắn vào người dân nước khác như vừa rồi? Lời nói và việc làm không đi đôi; sự gây hấn ngày càng rõ rệt, mức độ leo thang tăng dần... phải chăng tư tưởng bá quyền của họ chưa bao giờ nguôi ngoai. Tư tưởng sô-vanh chỉ biết đến quyền lợi quốc gia mình từ đó sẵn sàng chà đạp lẽ phải, công lý, tước đoạt quyền lợi chính đáng của các dân tộc, quốc gia khác. Phục vụ cho mục đích ấy, họ đã bắn vào dân thường- một hành động triệt đường sống của con người. Đã thế, phía Trung Quốc lại còn lớn tiếng tuyên bố rằng bắn là chính đáng; đồng thời lên giọng "khuyên” Việt Nam cần "giáo dục ngư dân của mình” không đi vào vùng biển mà họ tự nhận là lãnh hải của họ. Làm sao vùng biển ấy lại có thể là của phía Trung Quốc? Lịch sử đã ghi nhận, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Người Việt Nam nhiều trăm năm trước đã xác định chủ quyền của mình tại đây, điều đó được thế giới thừa nhận với những tấm bản đồ, những ghi chép hải trình kể cả của các hải thuyền châu Âu.

Ngày nay, tới huyện đảo Lý Sơn, người ta vẫn chứng kiến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17 (chính xác là năm 1836), Chúa Nguyễn đã tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người ở đây dong thuyền ra quần đảo Hoàng Sa, vừa là để khai thác đánh bắt hải sản, vừa là để khẳng định chủ quyền. "Đại Nam thực lục” ghi rằng, năm 1754, Mùa Thu, tháng 7, ngư dân Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh (Trung Quốc). Nhà Thanh hậu cấp rồi cho đưa về. Chúa Nguyễn viết thư cảm ơn. Ngay từ ngày đó, phía Trung Quốc đã công nhận Hoàng Sa là của Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc thời ấy còn giúp người dân Việt Nam gặp nạn trên biển. Thế nhưng sau này khi "vừa là đồng chí vừa là anh em” họ lại hành động trái ngược. Điều đó càng làm người ta nhớ lại việc vì sao các chúa Nguyễn thiết lập Hải đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), luân phiên nhau đi ra đảo. Tháng Giêng mỗi năm, dân binh Lý Sơn lại nhận mỗi người 6 tháng lương, chèo 5 chiếc thuyền câu nhỏ 3 ngày 3 đêm ròng rã ra đảo Hoàng Sa. Tháng 8 họ mới trở về. Việc duy trì Hải đội Hoàng Sa diễn ra liên tục, bởi quần đảo này là của Việt Nam. Năm tháng trôi qua, Âm Linh tự trên đảo Lý Sơn thờ vong hồn dân binh giữ đảo vẫn còn đó, quanh năm hương khói. Thân xác hòa vào lòng biển khơi nhưng vong linh họ thì vẫn lồng lộng giữa muôn trùng sóng gió. Đình làng Lý Vĩnh vẫn tế sống những người con thân yêu ra Hoàng Sa, vì biết rằng nhiều người một đi không trở lại. 

... Gìn giữ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo, từng hải lý là tâm niệm của mỗi con dân đất Việt. Tháng 3-1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 Hải quân được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Chiều tối ngày 13-3 năm ấy, tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma, tàu HQ-505 đến Cô Lin và tàu HQ-605 đến Len Đao. Sáng hôm sau, ngày 14-3, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Gạc Ma, giật cờ Việt Nam. Các chiến sĩ trên đảo đã cùng nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Họ đã tạo thành một vòng tròn bất tử giữa đại dương nơi diệu vợi con nước. 64 chiến sĩ hy sinh lẫm liệt, họ đã hóa thân thành cột mốc biên cương chủ quyền quốc gia trong lòng biển.

Đường lưỡi bò thậm vô lý của phía Trung Quốc xuất phát từ tư tưởng bá quyền đi liền với sự vô nhân: nã súng vào người dân. Hành động ấy trời cùng người đều giận. Người ta đã vội quên rằng, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc thì người Việt Nam vẫn không tiếc máu xương để giành độc lập, để làm chủ nhân đất nước. Bạo cường không thể bẻ gẫy tình yêu đất nước. Người Việt Nam có chính nghĩa, người Việt Nam yêu đất nước mình, xả thân vì đất nước mình- ngàn xưa đã vậy và hôm nay vẫn thế. Bất chấp sự đe dọa, ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của mình. Cả nước sát cánh cùng ngư dân bám biển. Sức mạnh của ta là chính nghĩa, "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo” chứ không phải là súng đạn và sự vô nhân.

NAM VIỆT


No comments:

Post a Comment