Kính Hòa (RFA) - Sau một nhóm blogger phản đối điều luật 258, lại xuất hiện một nhóm khác hình thành trên Internet chống lại những blogger này. Truyền thông nhà nước có nên mở cửa cho cuộc tranh luận này công khai với dân chúng Việt Nam?
Ngày 18/7/2013 một nhóm Bloggers Việt Nam kiến nghị yêu cầu nhà nước Việt Nam xóa bỏ điều luật 258 trong bộ luật hình sự Việt Nam. Theo những người kiến nghị thì điều luật này tạo điều kiện cho sự bắt bớ đàn áp tự do ngôn luận. Nhóm công dân này đã trao kiến nghị cho các đại sứ quán Hoa Kỳ, Úc, Đức, Thụy Điển, cũng như các Đại diện Cộng đồng châu Âu và Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp quốc.
Hai tháng đã trôi qua, và như thường lệ sự kiện này không thấy xuất hiện trên truyền thông nhà nước Việt Nam như một sự mặc định là những sự kiện như vậy sẽ được truyền thông internet chăm lo, tin tức và bàn luận tràn ngập các trang blog, diễn đàn, mạng xã hội.
Và cũng như thường lệ, truyền thông gọi là chính thống của nhà nước, nhất là những tờ báo được cho là có quan điểm cứng rắn như Nhân dân, Quân đội nhân dân, sau đó đưa ra những phê bình chỉ trích, thường rất là nặng nề cho những sự kiện như vậy.
Như vậy đại đa số công chúng Việt Nam, những người chỉ được tiếp cận với những tờ báo giấy, truyền hình và truyền thanh của đảng cộng sản xem như chỉ biết có phần ngọn của vấn đề, tức là phần chỉ trích phê bình của các phương tiện truyền thông ấy. Và các giới chức truyền thông của nhà nước Cộng sản Việt Nam hay nói rằng đó là định hướng dư luận, chứ không nên... đưa tin không có lợi.
Nhóm không chống Điều 258
Nay có vẻ như Internet đang dần bước thay đổi một số khía cạnh của môi trường truyền thông ấy. Xuất hiện nhiều cây bút, mà Đông La là điển hình, bênh vực cho đảng cộng sản ngay từ khi sự kiện mới vừa bùng phát như một cái tin. Điều lạ là truyền thông nhà nước lúc nào cũng im lặng ngay lúc sự kiện xảy ra, rồi sao đó giật mình nhè nhẹ đưa những bài có thể gọi là phản tuyên truyền này lên báo.
Vào sáng ngày 28 tháng 8, năm thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam
được Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tiếp đón rất chu đáo
Một diễn biến mới trên dòng truyền thông internet trong mấy ngày qua, là một nhóm công dân đưa ra một cuộc vận động thu thập chữ ký chống lại những người chống luật 258. Và thế là nở rộ trên không gian ảo những tranh cãi, bênh vực, chống đối, giữa hai phe.
Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận nhóm người này.
Cô Hoàng Thị Nhật Lệ, một trong những người tiến hành thu thập chữ ký để phản đối kiến nghị 258 nói như sau với đài RFA:
Đầu tiên tôi nói là đó là một sự trơ trẽn vì chỉ có 1 số người mà xưng là đại diện cho giới bloggers Việt Nam.
Điều luật hình sự nước CHXHCN VN năm 1999, sửa đổi năm 2009 qui định rõ áp dụng với những kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ, tôi nhấn mạnh lợi dụng, để xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích của cá nhân và tổ chức.
Đối với những người không lợi dụng thì đâu có lý do gì mà sợ (?)
Ngoại giao giữa các quốc gia là công việc của bộ Ngoại giao chứ không phải của tổ chức hay cá nhân nào cả. Một nhóm người tự xưng là mạng lưới các bloggers Việt nam lại đến các đại sứ quán trao bản tuyên bố không được sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam, đó là một sự sỉ nhục đối với quốc gia.
Điều luật 258 đã được quốc hội Việt Nam, cơ quan lập pháp cao nhất của nước Việt Nam, khi muốn chỉnh sửa điều này thì phải cần sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam. Trong khi họ chỉ là một nhóm nhỏ không được sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam, đến các đại sứ quán để trao bản tuyên bố nhân danh các blogger, các facebooker, chúng tôi không đồng ý.”
Trên báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam, số ra ngày 10/9 có một bài mang tựa đề: Từ tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp. Bài này của một tác giả ký tên là Vũ Hợp Lân cũng có nội dung tương tự lời phát biểu của cô Hoàng Thị Nhật Lệ, chỉ trích rất nặng nề những người đưa ra tuyên bố 258.
Một điều khá thú vị là cô Nhật Lệ có đề cập đến một qui định mà cô ấy gọi là của Bộ văn hóa truyền thông (chắc có lẽ nhầm với Bộ Thông tin truyền thông) rằng để phỏng vấn công dân Việt Nam thì người từ bên ngoài phải có công hàm của Bộ ngoại giao Việt Nam.
“Có quy định rằng phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam phải gởi công hàm đến bộ ngoại giao Việt Nam và bộ Văn hóa Truyền thông thì mới có quyền phỏng vấn công dân Việt Nam.”
Thật sự chúng tôi không rõ là có tồn tại một qui định hơi lạ giữa thời đại thông tin Internet như vậy. Nếu nó có tồn tại thì hẳn nó liên quan đến việc mà các giới thức truyền thông Việt nam hay nói về sự đưa tin không có lợi, hay là định hướng dư luận.
Nhóm chống Điều 258
Chúng tôi hỏi chuyện cô Phương Dung, một trong những người thuộc nhóm kiến nghị 258 và cũng thuộc nhóm các bloggers đến cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc để trao kiến nghị. Cô Phương Dung nói về nhóm đang phản đối nhóm 258,
“Cũng như những người bạn của chúng tôi trong nhóm 258, chúng tôi hoan nghênh những người khác quan điểm của mình, đó là quyền được nói của mọi người, nó cần cho một xã hội tự do dân chủ. Nhưng chúng tôi nghĩ là họ nên tranh luận trên tin thần tôn trọng lẫn nhau chứ không nên dung những từ thóa mạ chúng tôi như là phản động hay phản quốc.
Họ nói chúng tôi là mạo danh làm ô uế tinh thần dân tộc của họ, trong khi chúng tôi là những người công khai có tên tuổi đàng hoàng.
Họ nói rằng đấy là công việc của Bộ Ngoại giao trong khi Nhà nước có quyền lực trong tay đàn áp người dân thì làm sao người dân có thể lên tiếng được.
Họ nói chúng tôi là cầu viện ngoại bang như Trần Ích Tắc, thế thì ngày xưa bác Hồ cũng yêu cầu Mỹ can thiệp để trả độc lập cho Việt Nam, hay là nhận viện trợ từ Trung Quốc thì sao? Họ nói chúng tôi cũng giống ông Hồ Chí Minh à?
Việc làm của chúng tôi rất là bình thường, chúng tôi chỉ muốn góp phần nhỏ làm cho xã hội Việt Nam thay đổi.”
Như thế là có một sự kiện quan trọng đang diễn ra vì nó có liên quan đến một điều luật quan trọng của quốc gia, điều luật 258. Có hai nhóm công dân đang tranh luận nhau về vấn đề đó, và đại đa số công chúng Việt Nam không hay biết. Hay nếu có biết thì chỉ biết phần ngọn được trình bày trong bài báo Nhân dân ngày 10/9 chúng tôi vừa đề cập.
Theo cô Nhật Lệ thì ngày 1/10 tới đây nhóm của cô sẽ trao bản tuyên bố phản bác nhóm 258 với những chữ ký thu thập được cho cơ quan truyền thông Việt Nam.
Vậy thì đây có phải là cơ hội để truyền thông nhà nước Việt Nam công khai cuộc tranh luận lý thú này một cách có ngọn nguồn, xứng đáng với những lời tuyên bố của giới chức truyền thông là Việt Nam luôn có tự do ngôn luận.
No comments:
Post a Comment