Saturday, September 21, 2013

TỰ DO LẬP HỘI: ĐIỀU KIỆN KHÓ NUỐT CỦA TPP

Nam Nguyên (RFA) - “TPP thì một trong các điều kiện hết sức quan trọng là quyền tự do lập nghiệp đoàn. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam thì chủ yếu công đoàn là chịu sự lãnh đạo của Nhà nước hay nói cách khác là Đảng, hay lập hiệp hội gì đấy thì tùy theo qui chế. Nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia TPP thì phải thực thi đúng theo cam kết. Nếu không thực hiện được thì không thể gia nhập TPP, cách giải quyết như thế nào thì hiện nay thuộc về vấn đề phạm trù thể chế, đòi hỏi Việt nam phải có cải cách, cải tổ thể chế thực sự mạnh mẽ và đúng nghĩa. Hiện nay nói thẳng ra vấn đề này còn phải bàn luận và phải cải tổ thì mới có thể tham gia TPP theo đúng nghĩa.”  -  Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long.

*

Cải cách nửa vời

Việt Nam kỳ vọng tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng ở sân chơi này những cải cách nửa chừng như kiểu của Việt Nam sẽ có được chấp nhận hay không. 

TPP về nguyên tắc là một thị trường mở trải dài từ Châu Đại dương qua một phần Châu Á tới Châu Mỹ. TPP bao gồm các nền kinh tế chi phối hơn 40% GDP toàn cầu và các nước thành viên sẽ thực hiện tự do mậu dịch với thuế quan 0%. Nhà nước bày tỏ quyết tâm tham gia TPP và Việt Nam là 1 trong 13 quốc gia đối tác đã trải qua 19 vòng đàm phán nhưng vẫn chưa vượt qua nhiều sự khác biệt.

Sơ đồ các nước thành viên TPP và các nước đang đàm phán. 

Trên Vietnam Net ngày 18/9, ông Nguyễn Đình Lương nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) nhận định rằng, ngoài những rào cản kỹ thuật khó vượt qua, ba vấn đề cơ bản nhất đầy chông gai với Việt Nam khi tham gia TPP bao gồm, thứ nhất là quyền lập hội của người lao động, thứ hai cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp Nhà nước với các thành phần kinh tế khác cũng như sự bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn và thị trường; sau hết là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

Trả lời Nam Nguyên, Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia nghiên cứu kinh tế từ Hà Nội nhận định:

“TPP thì một trong các điều kiện hết sức quan trọng là quyền tự do lập nghiệp đoàn. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam thì chủ yếu công đoàn là chịu sự lãnh đạo của Nhà nước hay nói cách khác là Đảng, hay lập hiệp hội gì đấy thì tùy theo qui chế. Nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia TPP thì phải thực thi đúng theo cam kết. Nếu không thực hiện được thì không thể gia nhập TPP, cách giải quyết như thế nào thì hiện nay thuộc về vấn đề phạm trù thể chế, đòi hỏi Việt Nam phải có cải cách, cải tổ thể chế thực sự mạnh mẽ và đúng nghĩa. Hiện nay nói thẳng ra vấn đề này còn phải bàn luận và phải cải tổ thì mới có thể tham gia TPP theo đúng nghĩa.”

Tự do nghiệp đoàn là một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam bắt nguồn từ thực tế lịch sử ở Ba Lan, chế độ cộng sản cầm quyền đã sụp đổ vì hoạt động của Công đoàn Đoàn kết. Chưa hiểu Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ cải tổ như thế nào đối với điều kiện khắt khe của TPP.

Theo TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách IDS, một tổ chức độc lập tự giải thể khi không còn có thể nghiên cứu độc lập, thì chính những người lao động phải đột phá đòi hỏi những quyền chính đáng của mình. Qua việc 8 lãnh đạo Doanh nghiệp Công ích của TP.HCM bóc lột người lao động, TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Tổ chức Công đoàn, mà thực sự là một bộ phận nối dài của Đảng Cộng sản, hoàn toàn không bảo vệ lợi ích của người lao động. Về điều kiện của TPP buộc Nhà nước Việt Nam phải cho phép có những nghiệp đoàn lao động độc lập, theo tôi là một bước một áp lực từ bên ngoài rất là quan trọng. Nhưng tôi nghĩ là những áp lực từ bên trong mới là chính.” 

Trưởng đoàn đàm phán BTA Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương (trái) và Ông Joe Damond Trưởng đoàn đàm phán phía Hoa Kỳ tại hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện BTA tại Hà Nội hôm 9/12/2011. Photo courtesy of VNnet. 

Khi đề cập tới khía cạnh quyền tự do lập hội của người lao động, một điều kiện của TPP. Ông Nguyễn Đình Lương bóc trần một sự thật ít người để ý, ông đưa ra một định nghĩa rất khó được chính quyền Việt Nam chấp nhận, đó là: “Quyền lập hội là một trong những quyền "tạo hóa ban" cho những người có sức lao động, đi lao động để tự vệ. Đó là một trong những chuẩn mực quy định của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Đó cũng là một quy phạm phổ quát trong đời sống xã hội văn minh.”

Ông Nguyễn Đình Lương tiết lộ một chi tiết rất đáng chú ý, từ khi BTA được ký kết năm 2001, đến nay sau 12 năm Việt Nam vẫn chưa có được điều mơ ước, chưa được Hoa Kỳ dành cho Qui chế ưu đãi phổ cập thuế quan (GSP) áp dụng thuế suất 0% đối với hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thời gian đàm phán BTA bị bế tắc vì Luật GSP của Hoa Kỳ đòi hỏi một số yêu cầu cao trong đó có quyền lập hội. Ông Lương đã đề nghị Đoàn Hoa Kỳ ghi vào Hiệp định là: “Phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam”. Điều này hàm ý là khi nào Việt Nam chưa có quyền tự do lập hội, thì chưa được hưởng Qui chế ưu đãi phổ cập thuế quan của Hoa Kỳ.

Cần thay đổi thể chế 

Muốn vào TPP, Việt Nam một lần nữa không thể tránh khỏi khúc xương khó nuốt là “Quyền tự do lập hội”. Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Lương, phía Hoa Kỳ và các nước khác có nhân nhượng thì cũng chỉ ở mức cho một thời hạn bảo lưu vài ba năm để Việt Nam xử lý những vấn đề thuộc cơ chế trong nước.

Ông Nguyễn Đình Lương nhận định rằng, chấp nhận "Quyền lập hội" cho người lao động thì công đoàn Việt Nam sẽ phải đổi mới cả về chức năng nhiệm vụ, cả về phương thức hoạt động, và sau đó có thể là các đoàn thể quần chúng khác cũng sẽ noi gương.

Vẫn theo lời nhân vật này, Việt Nam sẽ là nước khó khăn trong cuộc đàm phán TPP hiện nay vì Việt Nam là nước có nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật ‘khập khiễng nhất trong số các nước đang đàm phán. Không thể có chuyện như có người nói rằng TPP sẽ là một bữa đại tiệc của Việt Nam.’

Đối với lợi ích khi tham gia TPP, nhân vật từng lèo lái đoàn Việt Nam đạt được thỏa thuận Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) năm 2001 đặc biệt nhấn mạnh, biết khai thác cơ hội sẽ được nhiều, có khi được rất nhiều. Nguyên văn lời ông Nguyễn Đình Lương nói: “Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thế giới đang đua tranh, nếu anh lập cập không biết làm ăn, anh chỉ được ‘ăn xái’ vạch lưng ra cho người ta giẫm lên.”

Rút kinh nghiệm sau hơn 5 năm Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Nguyễn Đình Lương nói một cách không rào đón, kinh tế WTO là kinh tế thị trường tự do. Vì vậy nó chỉ có thể vận hành và phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nói đúng hơn ở Việt Nam cạnh tranh lành mạnh không được cổ vũ, khuyến khích và tạo dựng. Cộng thêm vào đó, văn hóa tham nhũng được phổ cập, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích hoành hành, làm méo mó cả những quốc sách đúng đắn.

Trong bài trên VietnamNet, đối với các vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh bình đẳng, vấn đề mua sắm công, ông Nguyễn Đình Lương nhắc lại giai đoạn đàm phán BTA cuối những năm 1990, Hoa Kỳ đòi hỏi khối doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động công khai minh bạch, trên thị trường phải theo tiêu chí thị trường bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Lúc đó Việt Nam chưa chấp nhận vì không thể xử lý được mọi vấn đề. Ông Lương nói nguyên văn: “Ở thời điểm đàm phán BTA cái chủ trương "quốc doanh chiếm vai trò chủ đạo" thông qua các tập đoàn hoạt động đa ngành chưa trở thành quốc sách, chỉ mới là ý tưởng ban đầu chứ chưa hình thành và kích hoạt thành những "bọc ung thư" như Vinashin, Vinalines..., chưa khê mùi "bức xúc" như hiện nay.”

Theo ông Lương, sân chơi TPP là sân chơi kinh tế thị trường. Những tiêu chí trên sân chơi: mở, thong thoáng, công khia, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử; là những tiêu chí bắt buộc nó sẽ giữ cho các nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững. Duy trì tình trạng đóng đóng mở mở, kín kín, hở hở rồi để các nhóm lợi ích khai thác không phải là của TPP. Vào TPP chắc chắn Việt Nam phải chấp nhận xóa hết sự phân biệt đối xử, áp dụng luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trên thị trường cũng như trong đấu thầu các khoản mua sắm công (trừ mua sắm cho an ninh quốc phòng). Mọi doanh nghiệp được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường.

Người đọc báo hiểu rằng, Nhà nước Việt Nam đứng trước nan đề thay đổi thể chế, cải tổ pháp luật và cải cách phương thức điều hành kinh tế.

Đối với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo điều kiện TPP. Mặc dù Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới về vi phạm bản quyền, nhưng ông Nguyễn Đình Lương nhận định rằng, thế giới và chính Việt Nam đang cần những chế tài mạnh, thật mạnh để chặn đứng nạn ăn cắp sản phẩm trí tuệ, để cứu cả nền kinh tế và cả nền khoa học.

Từ trái sang: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý và 2 vị trưởng đoàn đàm phán BTA Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương và Joe Damond trong cuộc tọa đàm hồi tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội. Photo courtesy of VNnet. 

Chấp nhận những yêu cầu cao chế tài mạnh là bảo vệ mình hôm nay, ngày mai, là xây dựng môi trường cho trí tuệ phát triển và tạo cho Việt Nam một chỗ đứng đàng hoàng trong thế giới hiện đại. Theo ông Lương Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn nhất định trong quá trình thực thi, ta sẽ nhờ quốc tế hỗ trợ.

Với tất cả những câu hỏi hớn để Việt Nam hưởng lợi ích khi TPP trở thành hiện thực, trong đó xấu nhất có cả khả năng Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ hàng nhập khẩu. Phó Giáo sư Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:

“Nếu gia nhập TPP mà không có quyết tâm mà vẫn còn rào cản, tư duy vẫn còn trì trệ thì chắc chắn phải nói thẳng là Việt Nam sẽ bị thua cuộc ngay trên sân nhà. Đây là điều cảnh báo trước đối với giới lãnh đạo Việt Nam nếu quyết tâm thực sự tham gia vào TPP, những bài học từ kinh nghiệm qua tổ chức quốc tế như WTO, thì Việt Nam cần phải có sự cải tổ quyết tâm mạnh mẽ thực sự, còn nếu không sẽ bị loại ra cuộc chơi hay nói cách khác sẽ bị thua và đo ván ngay trên sân nhà và xảy ra những hậu quả rất mới, có nhiều khi trở thành thị trường hoàn toàn tiêu thụ chứ không phải là một đất nước phát triển.”

Hội nhập với thế giới là một tiến trình dài mà Việt Nam đã và đang thực hiện. Trên các diễn đàn nhiều ý kiến cho rằng, điều cốt lõi không phải Việt Nam mất gì, được gì hoặc có được các đối tác khác, đặc biệt là Hoa Kỳ chấp nhận hay không. Sở dĩ Hoa Kỳ thẳng thừng áp đặt luật chơi vì là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Võ Trí Thành, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:

“Hội nhập cũng là một sức ép để đổi mới, trong nước phải cải cách. Ở đây có nhiều hàm ý chứ không đơn thuần là tồn tại, phát triển hay là bị cạnh tranh và bị loại trừ.” 

Trên VietnamNet, ông Nguyễn Đình Lương sau khi tiết lộ nhiều khúc mắc qua kinh nghiệm đàm phán BTA hồi cuối những năm 1.990 đầu 2.000 đã kết luận về triển vọng TPP. Theo ông, với BTA ViệtNam đã chấp nhận mở cửa cả những ngành dịch vụ như viễn thông, tài chính mà trước đó đã khoanh vùng là "đất của chúa" và đã rào thật kín "vì an ninh quốc gia". Đó là những điều tưởng như không thể, nhưng rồi đã chấp nhận để mở đường cho đất nước phát triển.

Ông Nguyễn Đình Lương qui lỗi cho sự cải tổ thể chế quá chậm, cải tổ pháp luật nửa vời, nên trong quá trình thực thi cộng với sự níu kéo của cơ quan công quyền đã làm biến tướng môi trường kinh doanh, và dẫn đến những hệ lụy mà báo chí từng đề cập.

Mặc dù cho là TPP khó có thể sớm thông qua vào cuối năm nay như Hoa Kỳ hy vọng, tuy vậy nhân vật được dư luận mô tả là nói thẳng nói thật nhất về những vấn đề nhạy cảm kinh tế chính trị, vẫn tỏ ra tin tưởng việc tham gia TPP sẽ cho Việt Nam thêm một cơ hội để đổi mới.


No comments:

Post a Comment