Mặc Hàn Vi - Gần bốn chục năm rồi, khi hồi tưởng lại cảnh đau thương của một gia đình do chế độ tàn các để lại mà tôi vẫn còn rùng minh. Cuộc chiến tương tàn đã để lại bao nhiêu di chứng của con người. Sau năm 1975, trong khi hoàn toàn thống nhất đất nước, có kẻ được, nhưng cũng có biết bao nhiêu gia đình ly tán, mẹ xa con, vợ xa chồng anh em lưu lạc khắp nơi.
Trong khi có những người đang nghèo bỗng giàu lên tột đỉnh, kẻ ít học thành những người tiến sĩ kỹ sư hoặc ông này bà nọ... Trong bối cảnh đó có những gia đình ra đi chẳng có ngày về, chia tay chẳng bao giờ gặp lại.
Không di tản ra Chu Lai được ông S về nằm trong căn hầm bằng bao cát mà lúc ấy dường như nhà ai cũng có để trốn canh nông đạn lạc. Biết thế nào về quê cũng bị du kích thịt bởi ngày xưa ông là cảnh sát đặc biệt của VNCH cũng có nợ nần với nhau. Vợ thì chạy lạc vào Sài Gòn mang theo trong bầu đứa con sáu tháng, hai bên đường kẻ chạy ra, người lại chạy vào, lính chế độ cũ tháo chạy ra Chu Lai để xuống tàu. Nhưng ra khỏi Sơn Tịnh và Bình Sơn bị phục kích chết vô số kể, đồ đạc mất, xác phơi đầy đường, ba bốn ngày sau vẫn còn sình thối. Vì thế có nhiều gia đình tản cư đi lạc nhau là thường. Ông S không lọt được ra Chu Lai nên về nhà tử thủ. Ngày ấy tôi cũng trong đoàn người xuống tàu nhưng không đi được vì chết chóc và mang theo cả gia đình nên có ý định quay về tới đâu hay tới đó, nên mới chứng kiến được cảnh hãi hùng này...
Khoảng vài ba hôm sau khi nghe tin ông S về, chừng độ 8 giờ 30 sáng, một số du kích từ Tịnh Long lên chi khu Tịnh Ấn Sơn Tịnh vào tìm ông S cốt bắt ông về quê để xử. Các con ông S chạy tứ tán khắp nơi. Du kích họ vào vừa chĩa súng vào hầm tôi nghe thấy tiếng nổ đoành, tiếng lưu đạn và tiếng súng lẫn lộn chẳng biết họ bắn ông hay ông tự tử nên lựu đạn trong người ông nổ? Nhưng mấy ông du kích la lên nó tự tử rồi, nên mấy ổng vừa bắn vừa bỏ chạy. Năm phút sau họ trở vào ông S đã chết nằm sãi sòng trong hầm. Mấy ông du kích tức giận la lối rồi vào bảo người thân ông S khiên xác về để tại nhà hộ sinh gần nhà mẹ ông S. Trong khi gia đình chuẩn bị mai táng thì mấy ông du kích trở lại bắn nát cả người ông S thật là rùng rợn. Chứng kiến cảnh này tôi thật ngỡ ngàng, không biết ngô khoai gì mà họ hận người chết đến thế thật rùng rợn khi một chủ thuyết giáo dục con người chỉ biết hận thù nhau. Nhà ông S có hai vợ chồng và sáu đứa con, đứa con gái đầu lòng của ông lúc ấy khoảng hai mươi tuổi tên M sau khi cha chết độ hơn tháng thì bác ruột tập kết về. Ngày bác về cũng là ngày M tự tử bằng thuốc trừ sâu. Các cháu còn nheo nhóc, em dâu lưu lạc vào Sài Gòn, em ruột chết cháu ruột tự tử, là người có quả tim chì cũng phải nao lòng. Ông Đ bình tĩnh lo chôn cất cháu xong chẳng bao lâu em dâu bồng đứa cháu trai mới sinh về, rồi các cháu cũng lần lượt tìm về với mẹ, về đến nơi nhờ chút vườn nhà thờ còn rộng bà S làm nhà và lo chạy bữa nuôi con.
Thời gian chẳng để cho người được yên ổn. Bà S được xã ấp "sắp xếp" cho đi kinh tế mới ở Sa Thầy thuộc tỉnh Gia Lai Kon Tum. Là người đàn bà chân yếu tay mềm phải nuôi cả đàn con chưa thành niên giờ lại phải lên rừng phát rẫy phá rừng trông bà thật là xót ruột.
Hôm ấy vào đầu mùa mưa xe lăn bánh trong mưa, đoàn người chia tay nhau kẻ khóc người mừng. Chuyến xe định mệnh đã lao vào con đường ngoằn nghèo, hai bên đường là núi rừng cao nguyên hùng vĩ, ngày ra đi biết có ngày gặp lại?... Nơi quê hương mới, ngày phát rừng, đêm hội họp để nghe cán bộ tuyên truyền chính sách ưu việt của Đảng!!! Đêm về nơi miền cao thăm thẳm Sa Thầy tiếng kêu của thú rừng nghe sao mà não nuộc.
Trời cũng thương người hoạn nạn lần lần bà S cũng có đất có rẫy con lớn dần bà con đồng hương giúp đỡ làm nhà, bà cũng có người em chồng đi kinh tế làm trong tổ sản xuất nên cuộc sống cũng ổn định dần. Cán bộ trong thôn xã cử bà vào cán bộ phụ nữ nên công việc đâu cũng vào đó.
Năm ấy tỉnh cử về Ban kinh tế mới hai cán bộ để quản lý người đi kinh tế mới là ông Hà và ông Tiến. Vốn sống trong một xã hội thiếu thốn mua vải hoặc lương thực phải xếp hàng nên khi vào chỗ kinh tế quyền mình nắm trong tay nên hai ông này mặc sức ăn trên đầu trên cổ tiêu chuẩn của người dân bần cùng nhất. Sau này ông Tiến bị kiện đổi đi, nên ông Á về thay làm ban kinh tế mới. Bà S tuy có nhiều con nhưng còn mặn mà, ông Á đã phải lòng và hay lui tới nhà giúp đỡ bà. Các con trai gái đều lớn và lao động được, duy chỉ còn hai đứa con trai út là G và T. Trong thời gian còn ở trên ấy người chú luôn lo cho các cháu của mình và dạy thêm cho học để bắt kịp bạn bè, nên sau này các cháu đã thành tài.
Mười lăm năm sau G đậu vào đại học và học ở Huế nhờ ông Á lo thủ tục. Thế nhưng chỉ hai năm G đã trở thành hư hỏng không lo học hành và theo bạn xấu ăn chơi, ảnh hưởng sự giáo dục vật chất sinh ý thức nên cuộc đời sa vào cảnh lọc lừa xảo trá, lừa lọc cả người thân. T thì khá hơn cũng đậu đại học và vào Sài Gòn nên gặp vợ gia đình giàu có nay nghe đâu đã là thạc sĩ tiến sĩ gì đó. Không vượt qua cơn bạo bệnh bà S đã qua đời và các con đứa ở quê Quảng Ngãi, đứa ở Lâm Đồng đứa Sài Gòn, nhưng cũng còn hai đứa đang ở Sa Thầy.
Người con trai kế tên B ở quê, sau khi bà S chết anh chị em dường như chẳng hợp nhau nên phần ai nấy sống. Riêng B từ ngày cha mất mẹ lưu lạc B ở với chú thím vừa làm vừa học nên giờ cũng có nghề ổn định.
Cách sống của con người dường như phụ thuộc rất nhiều trong giáo dục, văn hóa đối xử cũng ảnh hưởng rất nhiều trong triết học, cũng vì thế mà cùng là con mà G và T chẳng bao giờ sống cho người mà chỉ biết có mình. Còn B anh cả lại hiền lành thật thà và đạo đức, phải chăng người xưa nói “Gần mực thì đen, gần đèn lại sáng”.
Từ ngày bà S mất chôn ở Sa Thầy quê hương cũng lắm đổi thay. Bác Hai ra đi về tiên cảnh, gia đình họ Nguyễn mấy đời có tiếng gia đình nho giáo ấy đã theo thời gian mà tàn lụn. Ruộng vào họp tác, những mảnh ruộng bờ xôi ruộng mật thì cán bộ thôn xã trong họp tác chia cho gia đình mình, nhà thờ bỏ phế không người ở. A. con trai ông Đ, trưởng nam cũng gây gỗ với gia đình vào Nam lập nghiệp. Ngày bà Đ người cuối cùng bám trụ nhà thờ chết, đứa con trai duy nhất về đến thì đã sắp đưa linh cữu bà ra nghĩa địa.
Gia đình ông Đ ngày xưa là trưởng tộc ho Nguyễn, ông lại là một giáo sư bác sĩ đảng viên, nên mỗi lần giỗ chạp thường rất đông vui.
Hôm về quê cùng người thân trong gia đình họ, mà tôi cũng thấy se lòng. Căn nhà ba gian hai mươi mấy cột nay đã gỗ mục rêu phong không người tôn tạo. Văn hóa của ta giờ đây mỗi ngày càng hội nhập càng tôn tạo mở rộng và trùng tu các di tích, tại sao một nhà thờ tộc Nguyễn lại đành hoang phế không có người chịu trách nhiệm tu bổ phụng thờ để lo cho ngày giỗ chạp ông bà?!
Con cháu nhà họ Nguyễn biết bao kẻ thành tài nhưng sao chẳng thấy ai là người đoái hoài về cảnh ngộ này?
Con đường về làng B giờ đây đang đổi mới, trước phải lội bùn thì nay đã lót bê tông. Đồn thầy Lịnh nay là khu nghĩa địa, tuy vậy vẫn thấy có một ngôi nhà thờ xây dựng rất uy nghiêm gần lối về thôn.
Bên dòng sông Trà đang mọc lên con đường đẩy lùi bờ tre mà ngày xưa tôi và B thường ra bờ sông tắm mát.
Đêm chia tay để trở lại Sài Gòn tôi thấy tình quê đang dâng trào lên trong lòng mình bao kỷ niệm lúc còn ngày hai buổi đến trường. Con đò bến Trâu nay thưa thớt người qua lại. Sơn Mỹ bây giờ cũng đã đổi thay, nhưng những cụ già trên lớp bảy mươi vẫn nghèo nàn khô đét.
Giếng nước sân đình giờ cũng lắm đổi thay. Ngôi đình xưa ngày hai buổi đi qua nay trở thành hoang phế vì có thời là nơi làm họp tác xã mua bán cho những nhà đỉnh cao trí tuệ làm kinh tế xã hội chủ nghĩa..
Nhìn cánh đồng Bến Sứ mà nghĩ về một thuở xa xăm khi tuổi còn thơ dại.
Cái được và cái mất đan xen nhau trong cuộc sống, nhưng cái được thì ít và cái mất quá nhiều. Ở đây tôi muốn nói lên một sự mất mát không thể nào tìm lại được đó là cái mất nhà, mất đất, mất tình người, cái mất mấy đời tổ tiên ta để lại đạo đức khổng giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo mà các tôn giáo ấy đã ăn sâu bám rễ vào nền đạo đức của dân mình.
Khi chia tay bạn bè tôi ra về mà lòng nặng trĩu hướng nhìn những đàn chim đang kết bè bay về phương trời xa thắm đang phủ đầy những áng mây đen mà chạnh xót xa lòng...
Mặc Hàn Vi
No comments:
Post a Comment