Thursday, September 26, 2013

GÓP Ý VỀ "BỘ BẢN ĐỒ CÁC MỐC GIỚI VIỆT - TRUNG"

Mai Thái Lĩnh- Bộ bản đồ mốc giới do hai ông Dương Danh Huy và Phan Văn Song thực hiện vừa được giới thiệu trên hai trang Bauxite Vietnam và Dân Luận cách đây khoảng một tuần đã gây ra một cuộc tranh luận khá gay gắt giữa nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn với các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.

Trong bài viết này, tôi không góp ý về khía cạnh kỹ thuật - một vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, xin để dành riêng cho các chuyên gia trong lĩnh vực bản đồ học và trắc địa học góp ý và thảo luận. Tôi chỉ xin mạn phép đóng góp một số ý kiến xung quanh một phương diện khác có liên quan đến bộ bản đồ này, đó là: mục đích và ý nghĩa của việc thiết lập bộ bản đồ mốc giới trong hoàn cảnh hiện nay.

1) Tại sao phải xây dựng bộ bản đồ mốc giới?

Theo tôi, việc xây dựng bộ bản đồ mốc giới có lẽ sẽ không cần thiết nếu Chính phủ Việt Nam công bố toàn bộ các bản đồ chi tiết của vùng biên giới Việt-Trung liên quan đến hiệp định biên giới 1999 – hoặc ít nhất là bản đồ của các khu vực tranh chấp đã gây ra nhiều hoài nghi, thắc mắc trong dư luận.

Trong bài “VN có nhượng bộ TQ về biên giới không?” đăng tải trên BBC tiếng Việt ngày 16-9-2013, nhà nghiên cứu Dương Danh Huy (thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông) đã phát biểu:“Nhưng cho tới nay, mặc dù tọa độ của các cột mốc đã được công bố, vẫn chưa có thông tin đầy đủ và minh bạch về cuộc đàm phán dẫn đến chúng.” 

Thật ra, không chỉ công bố tọa độ của các cột mốc, Chính phủ cũng đã công bố bộ bản đồ của đường biên giới Việt-Trung trên Công báo số 642-649 ngày 16-11-2010 (1):


Điều đáng nói là bộ bản đồ này có kích cỡ hết sức “khiêm tốn”: chỉ có 46,5 MB cho 35 tờ bản đồ (nghĩa là trung bình mỗi tờ bản đồ chỉ có kích thước trung bình 1,3 MB), trong khi các bản đồ 1:50.000 của Quân đội Hoa Kỳ hoặc của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tôi và bạn bè tìm thấy được trên trang mạng của một số trường đại học tại Hoa Kỳ có kích cỡ trung bình từ 6 đến 15 MB cho mỗi tờ bản đồ. Hậu quả là các nhà nghiên cứu dù có trong tay các bản đồ biên giới Việt-Trung cũng không thể đối chiếu, so sánh với các bản đồ cũ sưu tập được để có thể khẳng định chắc chắn Việt Nam mất bao nhiêu đất. Lý do đơn giản là khi phóng to lên thì các chi tiết hết sức mờ mịt. Vd: đường biên giới xung quanh khu vực Hữu Nghị Quan với chi chít những cột mốc mới, khi phóng to lên thì ngay cả con số của cột mốc cũng không thể nhìn rõ chứ chưa nói đến vị trí của từng cột mốc.

Có lẽ vì lý do đó mà hai ông Dương Danh Huy và Phan Văn Song phải bỏ công sức để thiết lập bộ bản đồ các mốc giới biên giới Việt-Trung - dựa trên các dữ liệu đã được công bố trong các số Công báo của Chính phủ.

Tuy nhiên, giả định rằng bộ bản đồ cột mốc biên giới đó đạt được tiêu chuẩn về kỹ thuật mà các bộ môn bản đồ học (cartography), trắc địa học (geodesy) đòi hỏi, thì vấn đề đặt ra là: làm thế nào để bộ bản đồ đó giúp cho người dân Việt (dù ở trong nước hay đang mang quốc tịch nước ngoài nhưng tấm lòng vẫn nặng tình quê hương) giải đáp được câu hỏi: “Việt Nam được hay mất khi ký hiệp định biên giới trên bộ 1999 với nhà cầm quyền Trung Quốc”?

Ở đây, tôi xin lưu ý một điều quan trọng - mà tôi thường nhấn mạnh trong các bài viết của tôi về Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc: khi nói đến khái niệm được-mất, chúng ta không nên quá chú ý đến các con số (diện tích, chiều dài, v.v...) mà quên đi ý nghĩa thật sự của từng mảnh đất biên cương. Vd: nếu ta được thêm một số đất đai ở trên cao nhưng lại không có đường thông thương đến đó, cũng không thể đóng quân trên đó để giám sát đường biên giới thì cái phần “được” coi như không có lợi ích gì; ngược lại nếu ta chỉ mất một chút ít ở một vùng xung yếu nào đó mà khi xảy ra chiến tranh, “nước bạn” có thể dùng cao điểm đó để khống chế ta, thì phần “mất” ấy là cực kỳ to lớn. Đó là chưa kể đến tài nguyên nằm dưới lòng đất hoặc ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc của các địa điểm bị mất về tay ngoại bang.

Nhưng nếu muốn đạt được mục đích nêu trên thì bản đồ mốc giới phải được so sánh với các bản đồ mà chúng ta nắm chắc được dữ liệu, chứ không nên so sánh với bản đồ của CIA - mà chính các tác giả cũng không biết được xây dựng dựa trên cơ sở nào. Xin trích lại nguyên văn lời của ông Dương Danh Huy: “Xin lưu ý rằng chúng ta không biết CIA World DataBank II đã dùng cơ sở nào để vẽ biên giới Việt-Trung (trước hiệp định 1999), và mức độ đáng tin cậy của nó là bao nhiêu.” 

Tôi thật tình không hiểu: nếu đã không biết CIA dựa trên cơ sở nào để vẽ biên giới Việt-Trung thì so sánh làm gì để gây ra ngộ nhận? Tôi xin ghi lại ý kiến của một độc giả đã phản hồi trên tờ Dân Luận:

Công Nhân-Khách (khách viếng thăm) gửi lúc 06:29, 17/09/2013 - mã số 97659

Cảm ơn Dương Danh Huy và Phan Văn Song vì những thông tin khách quan và bổ ích. Tuy nhiên có vẻ như là các cột mốc biên giới mới của Việt Nam lấn sang đất Trung Quốc nhiều hơn so với bản đồ của CIA. Nhưng đây chỉ là cảm nhận bằng mắt thường nên sợ không chính xác lắm. Nếu các tác giả sử dụng các phần mềm mà chỉ ra được cụ thể hơn số diện tích mà Việt Nam được/mất so với bản đồ của CIA thì tốt quá. Ngoài ra, không biết liệu hai tác giả có thể làm cách nào so sánh cả biên giới từ Hiệp Ước Pháp-Thanh với biên giới của CIA và biên giới từ Hiệp Đinh Biên Giới Việt-Trung được không? Một lần nữa cảm ơn Dương Danh Huy và Phan Văn Song vì những thông tin khách quan và bổ ích.

Ý kiến phản hồi vừa trích cho thấy công trình của hai nhà nghiên cứu Dương Danh Huy và Phan Văn Song dễ gieo cho người xem cái “cảm nhận” rằng Việt Nam “lấn sang đất của Trung Quốc” (!). Đưa ra cách so sánh dễ gây ra ngộ nhận, để rồi sau đó lại phải đính chính; theo tôi đó chính là sơ suất của ông Dương Danh Huy. Đó cũng chính là nguồn gốc của sự phản ứng tự nhiên (tuy hơi thái quá) của ông Trương Nhân Tuấn.

Về phần ông Trương Nhân Tuấn, nếu ông phản biện với giọng văn từ tốn, ôn hòa hơn và tránh đừng gộp chung hai trang Bauxite Vietnam và Dân Luận vào danh sách của “đàn cừu” hoặc các “dư luận viên” thì có lẽ chúng ta đã tránh được một cuộc tranh cãi gay gắt giữa lúc tất cả những người yêu nước thuộc mọi xu hướng chính trị đang cần phải tập trung vào cùng một mục tiêu: bảo vệ chủ quyền quốc gia dựa trên lợi ích chung của toàn dân tộc. 

Cho dù sự đánh giá lúc đầu của BBT tờ Bauxite Vietnam là không chính xác thì việc ám chỉ Ban biên tập của hai trang mạng nói trên bằng các khái niệm “đàn cừu” hay “dư luận viên” hoặc việc gộp chung nhóm Bauxite Vietnam với nhóm Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (mà tác giả Trương Nhân Tuấn gọi một cách mỉa mai là “các học giả Bô Xít” và “các học giả Quĩ nghiên cứu Biển Đông”) chẳng những xúc phạm đến các trí thức trong nước đang đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước mà còn có nguy cơ tạo điều kiện cho hệ thống các “dư luận viên” lợi dụng. Những người thường xuyên theo dõi mạng Internet không thể không biết hiện nay các thế lực “đen” đang lập một loạt các trang mạng nặc danh mà một trong những mục tiêu công kích hàng đầu của họ là GS Nguyễn Huệ Chi và những người sáng lập trang mạng Bauxite Vietnam. Hơn thế nữa, hai trang mạng nói trên là hai trang đang thường xuyên đăng bài viết của tôi và một số nhà nghiên cứu khác về vấn đề biên giới Việt-Trung, không lẽ hai trang đó lại tiếp tay để “định hướng dư luận” theo hướng có lợi cho những người thực hiện chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc?

Nói thế không có nghĩa là tôi luôn bênh vực cho trang Bauxite Vietnam bằng bất cứ giá nào, bất chấp mọi nguyên tắc, bất chấp sự thật và phương pháp tư duy khoa học. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng trong khoa học, chúng ta có thể phê bình thẳng thắn, không kiêng dè, húy kỵ bất cứ một “thần tượng”, một “giáo điều” nào cả, nhưng rất cần phải tôn trọng lẫn nhau và phải bảo vệ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống lại một trong những bộ máy chuyên chính (dictatorial) khắc nghiệt và nhiều thủ đoạn nhất trên thế giới. 

2) Làm thế nào để bộ bản đồ các mốc giới trở nên có ích?

Để bộ bản đồ các mốc giới đạt được yêu cầu mà người dân mong đợi, trước hết nó phải đạt được yêu cầu về mặt kỹ thuật. Nói cách khác, những người có kiến thức chuyên môn thay vì cãi vã để khoe kiến thức hay để đả kích lẫn nhau, nên cùng nhau hợp tác để làm nên một bộ bản đồ mốc giới khả dĩ có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện nay.

Mặt khác, trong khi chờ đợi Đảng cộng sản Việt Nam công khai hóa các tài liệu về biên giới – một khả năng mà hầu hết những trí thức có tư duy độc lập đều ngầm hiểu rằng “rất khó xảy ra dưới một chế độ độc tài toàn trị”, chúng ta nên tìm cách so sánh nó với các bộ bản đồ cũ xuất bản trước năm 1975. Hiện nay, tại Vietnam Center and Archive trên trang mạng của Đại học Kỹ thuật Texas (Texas Tech University) có một bộ bản đồ 1:50.000 của toàn miền Bắc phát hành vào giữa thập niên 1960 tại địa chỉ:



Có lẽ các nhà nghiên cứu trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông nên tham khảo bộ bản đồ này để so sánh với bộ bản đồ mốc giới mới thì hợp lý hơn là tham khảo CIA World DataBank II, vì dữ liệu của CIA không biết dựa trên cơ sở nào. 

Tất nhiên, vì bộ bản đồ mà tôi giới thiệu sử dụng hệ thống tọa độ UTM (Universal Transverse Mercator coordinate system) chứ không phải hệ thống WGS84 (World Geodetic System 1984) cho nên phải chuyển đổi (convert) dữ liệu để có thể so sánh một cách phù hợp. 

Bộ bản đồ của Vietnam Center and Archive có lẽ do các cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Việt Nam sưu tập. Nó gồm cả các bản đồ do Cục bản đồ của Quân đội Hoa Kỳ (Army Map Service, AMS) phát hành giữa thập niên 1960 lẫn các bản đồ mà Quân đội Nhân dân Việt Nam in lại sau năm 1975. Tất cả đều có nguồn gốc từ các bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương (Service géographique de l’Indochine, SGI), nhưng đã được nâng cấp nhờ các phương tiện kỹ thuật hiện đại của Hoa Kỳ (vd: kỹ thuật chụp không ảnh). Trước đây, tất cả các bản đồ này đều được lưu trữ tại Nha Địa Dư Quốc gia tại Đà Lạt nhưng vào khoảng thập niên 1990 đã được chuyển hết ra miền Bắc, Nha Địa Dư tại Đà Lạt chỉ còn là một Xí nghiệp In Bản đồ của Quân đội.

Ngoài bộ bản đồ nói trên, còn có nhiều bộ bản đồ khác được lưu trữ tại các thư viện khác ở Hoa Kỳ. Vd: Thư viện Perry-Castañeda của Đại học Texas tại Austin (The University of Texas at Austin); tại đây, chúng ta có thể tìm thấy một số bản đồ của Quân đội Hoa Kỳ liên quan đến vùng biên giới Việt-Trung.

So sánh bản đồ mốc giới mới với các bản đồ cũ của Nha Địa dư Quốc gia tại Đà Lạt, chúng ta mới có hy vọng tìm hiểu những mất mát của đất nước ta khi ký hiệp định 1999. Và hiểu rõ được những mất mát đó, chúng ta mới có thể sửa chữa những lỗi lầm đã xảy ra trong quá khứ để hướng đến việc bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.

Bỏ quên những bài học của quá khứ, không rút kinh nghiệm từ sự thất bại của Hiệp định Biên giới 1999, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục thất bại tại Biển Đông. Đó là chính là bài học đau thương mà cả dân tộc chúng ta phải ghi nhớ nếu không muốn lặp lại những “hội nghị Thành-Đô” của thế kỷ 21 hay những mất mát, đau thương tương tự như việc mất quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, mất bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) tại Trường Sa vào năm 1988, v.v… 

Đà Lạt ngày 24-9-2013



___________________________________

Chú thích:

(1) Theo Facebook Tin Không Lề thì bộ bản đồ này mặc dù là Công báo đề ngày 16-11-2010, trong thực tế chỉ mới xuất hiện trên mạng vào lúc 23h26'52" GMT, ngày 10/08/2013, tức là cách nay đúng 1 tháng 2 tuần. 

(2) Để tải xuống, click vào Accessing the Map Collection - Map Search Page, chọn Navigate the Country - North Vietnam.

No comments:

Post a Comment