Thursday, September 5, 2013

ĐƯỢC VÀ MẤT TRONG PHÂN CHIA BIÊN GIỚI TRUNG - VIỆT: CHỦ YẾU GIẢI MẬT ĐƯỢC VÀ MẤT LẦN NÀY!

Trang mạng Trung Quốc Baidu.com [i] (20.11.2009) * Người dịch: Quốc Thanh (Anhbasam) - Trải qua cuộc Chiến tranh Trung-Việt năm 1979-1989, Trung Quốc đã chiếm phần lớn các điểm vòng cua trên đường biên giới, như Đình Hào Sơn, Pháp Ca Sơn ở ranh giới giữa Quảng Tây và Việt Nam; Khấu Lâm Sơn, La Gia Bình Đại Sơn, Lão Sơn, Lão Âm Sơn ở ranh giới giữa Vân Nam và Việt Nam, tất cả những điểm cao này đều bị quân ta khống chế, các vùng tranh chấp trên đường biên giới như Nam Mộc Bình nằm ở ranh giới với Hoàng Su Phì, Việt Nam... có tổng diện tích các khu vực tranh chấp mới tăng hơn 200 km2, những phần lãnh thổ này đã phải đánh đổi bằng sự hi sinh xương máu của các quân nhân Trung Quốc, tất cả đều đã bị ta khống chế. 

Bản “Hiệp ước biên giới đất liền Trung-Việt” năm 1999 đã giải quyết được triệt để những vấn đề biên giới trên đất liền Trung-Việt...

*

Việt Nam từ ngày độc lập khỏi triều Tống Trung Quốc đến nay, đường biên giới đã từng trải qua mấy lần biến động.

Thời Tống, tù trưởng Nùng Trí Cao ở đất Quảng Nguyên Châu (nay là tỉnh Cao Bằng, Việt Nam) làm loạn, bị triều Tống dẹp.

Cuối Nguyên đầu Minh, Việt Nam thừa cơ Trung Quốc đang có nội loạn đã vượt qua biên giới hơn 200 dặm, chiếm Lộc Châu của Trung Quốc.

Vào giữa đời Minh, Việt Nam thừa cơ Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam còn chiếm cả Ninh Viễn Châu (nay là Lai Châu và vùng đất phía bắc Lai Châu của Việt Nam) thuộc Vân Nam, Trung Quốc.

Đầu đời Thanh, nội phủ Ngoại Lục Mãnh, huyện Kiến Thủy, Vân Nam (nay là huyện Kim Bình của Trung Quốc, huyện Phong Thổ của Việt Nam chạy suốt tới vùng đất phía bắc Lai Châu của Việt Nam), cũng chính là Châu Ninh Viễn ở Vân Nam đời Minh, đã trở về lại Trung Quốc.

Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, nhà Thanh xuất binh chống lại quân Pháp, với sự giúp sức của quân Cờ Đen, đã chiếm cả vùng phía bắc Việt Nam. Nhưng Pháp cũng đã chiếm cả vùng Bành Hồ, Đài Loan thuộc Trung Quốc, cắt đứt đường liên hệ giữa đại lục với Đài Loan, đồng thời đã tiêu diệt cả Thủy sư Nam Dương[ii] của Trung Quốc. Cho nên, Lý Hồng Chương đã ký với Pháp bản “Trung-Pháp tân ước”, trong điều ước quy định tiến hành điều chỉnh biên giới Trung-Việt trên cơ sở đường biên giới hiện có. 

Về hướng Quảng Đông (nay đã cắt toàn bộ về tỉnh Quảng Tây), các vùng đất lọt giữa[iii] như Giang Bình, Hoàng Trúc, Thạch Giác, Cú Đông ở Việt Nam (nay là Giang Bình, Hoàng Trúc ở Khâm Châu, Quảng Tây) cắt về Trung Quốc. Sử triều Thanh nói: Vùng Giang Bình, Hoàng Trúc ở tây nam Quảng Đông, từ Tư Lặc mở rộng biên giới ra biển, có chiều nam bắc 40 dặm, chiều đông tây tất cả 60 dặm. 

Trên dãy Thập Vạn Đại Sơn có một mảnh đất tam bất quản (tức Quảng Đông không cần, Quảng Tây không cần, Việt Nam không cần), điều ước quy định mảnh đất này cắt về Trung Quốc, các vùng Phân Mao Lĩnh, Động Trung ở Thập Vạn Đại Sơn (nay là Động Trung thuộc Quảng Tây) đều cắt về Trung Quốc.

Các vùng có dân Việt như Bát Trang bên sông Ca Long[iv]… do sợ người Pháp, mà người Hoa lại cùng văn hóa cùng dân tộc, nên đã đua nhau đề xuất với quan viên Trung Quốc không muốn để cho người Pháp cai trị, đua nhau đổi sang trang phục triều Thanh, khi các quan viên Trung Quốc và Pháp cắm mốc phân giới khảo sát đường biên giới tại hiện trường, dân Việt đều chỉ đường biên giới ở phía nam, còn làng mình thì cắt về Trung Quốc.

Tình huống này xuất hiện nhiều lần ở dọc đường biên giới, khiến cho Trung Quốc thu về được rất nhiều lãnh thổ. Sử triều Thanh nói: Vùng Phân Mao Lĩnh, Gia Long, Bát Trang ở phía tây Khâm Châu Quảng Tây mở rộng biên giới tới sông Ca Long, chiều nam bắc 40 dặm, chiều đông tây tất cả 300 dặm. 

Ở Trấn Nam Quan về hướng Quảng Tây đều là núi cao hiểm yếu, là trọng địa biên phòng. Với nỗ lực của các quan viên đàm phán triều Thanh, trong vòng hàng chục cây số quanh Trấn Nam Quan, biên giới Trung Quốc đã tiến được thêm từ 20 đến 50 dặm, khiến cho rất nhiều khoảnh đất hiểm yếu được cắt về Trung Quốc.

Kim Long Động ở mé tây Long Châu, Quảng Tây là yếu địa biên phòng, trong lịch sử do Trung Quốc quản lý, nhưng thổ quan đất này đã thế chấp Hạ Lang Châu cho Cao Bằng, Việt Nam, đất này nằm ở dãy Đan Quế Sơn, dài hơn 60 dặm, là một vùng đèo hết sức hiểm yếu, gồm 90 ngôi làng. Với nỗ lực của các quan viên đàm phán, toàn bộ vùng đất này và 3 làng ở Lý Bản đã được thu về Trung Quốc.

Về hướng Vân Nam, Trung Quốc thu về 2 sơn trại Mạn Xung, Đổng Nữu ở đoạn thứ hai (2 sơn trại này đã bị An Nam xâm chiếm dọc ngang 30 dặm từ hơn 40 năm nay); đoạn thứ ba định ranh giới ở phía đông sông Lộc Sơn, mở rộng biên giới thêm hơn 40 dặm; đoạn thứ tư, cắt về Trung Quốc 6 ngôi làng Điền Bồng, Sa Nhân Trại…, mở rộng biên giới thêm hơn 30 dặm. Tổng cộng các đoạn trên mở rộng biên giới được thêm hơn 100 dặm, Trung Quốc không bị mất đất.

Trung Quốc thu về Đô Long, Mãnh Động, Nam Ôn Hà ở huyện Ma Lật Pha, vùng đất từ phía bắc, phía tây Nam Đan Sơn đến Cẩu Đầu Trại, Việt Nam (nằm ở Tiểu Đố Chú Hà), từ phía đông đến sông Thanh Thủy, Việt Nam (nay là Lão Sơn Hạ), đều quy về Trung Quốc quản lý. Đoạn biên giới này nằm ở giữa Đại Đố Chú Hà và Tiểu Đố Chú Hà, nguyên là đất Nam Lang, Mạnh Khang… của Trung Quốc còn chưa thu hồi, diện tích thu hồi được là khoảng 600 km2, vùng chưa thu hồi được là 400 km2. (1000 km2 nằm giữa Đại Đố Chú Hà và Tiểu Đố Chú Hà nguyên thuộc về Trung Quốc, Hoàng đế Ung Chính đầu đời Thanh đã cấp cho Việt Nam).

Chính quyền nhà Thanh cho rằng, đất đai ở nam Ma Lật Pha khá màu mỡ, không chỉ thu hồi được lãnh thổ, mà còn thu được cả địa lợi. Còn đất đai ở Tam Mãnh thì toàn là sơn địa, không tiện cho quản lý, hơn nữa tù trưởng Tam Mãnh còn phụ bám với Việt Nam vào năm 1840, đã tiếp nhận các quan chức Việt Nam lại đồng thời tiếp nhận cả các quan chức Trung Quốc, thuộc về đất hai nước quản chung.

Nói một cách ngắn gọn, nếu mất Tam Mãnh sẽ khiến cho Trung Quốc bị mất tổng số diện tích đất đai là 1600 km2. Cho nên, tóm lại, về hướng Vân Nam bị mất tổng cộng 1000 km2 không kể đường biên giới Trung-Lào. Còn xét về hướng Quảng Đông, Quảng Tây, thì lần hoạch định biên giới này lại có lợi cho Trung Quốc.

Vì thế, lần hoạch định biên giới Việt Nam Pháp-Thanh đối với Trung Quốc, diện tích đất đai được mất về đại thể là tương đương, nhưng những phần đất Trung Quốc được lại là đất màu mỡ nằm gần bờ biển và vũng vịnh, còn những phần đất Việt Nam được lại là vùng sơn địa không dễ quản lý (người Thái ở đó vừa ghét người Hán lại vừa ghét cả người Việt).

Hơn nữa, khi hoạch định biên giới, do người Việt sống dọc theo biên giới sợ sự cai trị của người Pháp nên đã đua nhau thay đổi trang phục, yêu cầu tiếp nhận sự quản lý của Trung Quốc, vì thế mà rất nhiều ngôi làng của Việt Nam dọc theo đường biên giới cũ đều đã được cắt về Trung Quốc khi phân giới cắm mốc.

Từ các sách sử Trung Quốc có thể thấy, chính quyền nhà Thanh khá thỏa mãn với lần hoạch định biên giới ấy, cho rằng không kể những nhượng bộ của Pháp khi phân giới cắm mốc (khi phân giới cắm mốc ở thực địa, do quân Thanh đã chiếm những địa hình có lợi cộng thêm với dân Việt bản địa không muốn tiếp nhận sự cai trị của người Pháp, nên khi phân giới cắm mốc Trung Quốc đã kiếm được một ít đất), đất đai thu hồi được vào triều Thanh nhiều tới hàng trăm dặm.

Trong các sách sử của người Pháp nói: Khi hoạch định biên giới, chúng ta đã cho Trung Quốc sự ưu đãi lãnh thổ rộng rãi. Thực tế là, đất đai được mất về đại thể là tương đương, nhưng những phần đất được của Trung Quốc thì tốt hơn. 

Sau ngày lập nước, Việt Nam cho rằng lần hoạch định biên giới ấy là không công bằng với Việt Nam, Việt Nam đã bị thiệt. Đã đưa ra với Trung Quốc yêu cầu về lãnh thổ rộng lớn. Đến năm 1979, Trung Quốc cho rằng phần lãnh thổ tranh chấp chỉ có 5 km2.

Trải qua cuộc Chiến tranh Trung-Việt năm 1979-1989, Trung Quốc đã chiếm phần lớn các điểm vòng cua[v] trên đường biên giới, như Đình Hào Sơn, Pháp Ca Sơn[vi] ở ranh giới giữa Quảng Tây và Việt Nam; Khấu Lâm Sơn, La Gia Bình Đại Sơn, Lão Sơn, Lão Âm Sơn ở ranh giới giữa Vân Nam và Việt Nam, tất cả những điểm cao này đều bị quân ta khống chế, các vùng tranh chấp trên đường biên giới như Nam Mộc Bình nằm ở ranh giới với Hoàng Su Phì, Việt Nam…, có tổng diện tích các khu vực tranh chấp mới tăng hơn 200 km2, những phần lãnh thổ này đã phải đánh đổi bằng sự hi sinh xương máu của các quân nhân Trung Quốc, tất cả đều đã bị ta khống chế. 

Bản “Hiệp ước biên giới đất liền Trung-Việt” năm 1999 [vii] đã giải quyết được triệt để những vấn đề biên giới trên đất liền Trung-Việt.


Về việc phân chia đường phân giới quốc gia vùng biên giới Trung-Việt, trên mạng lan truyền rất nhiều tin đồn, nếu như không đích thân tới hiện trường để khảo sát, thì thường sẽ không dễ đi đến kết luận bừa bãi. Ngày 30.5 [năm 2009] (ngày 31 phát lại), chương trình 《走读大中华》(tạm dịch “Tìm hiểu Đại Trung Hoa”) trên kênh truyền hình trực tiếp Phượng Hoàng (v.ifeng.com/live/) đã phát sóng một chuyên mục mới: “Tìm lại chiến trường xưa – Biên giới Trung-Việt du kí”(《寻找远去的战场——中越边境纪行》, hiển thị lại hiện trạng vùng Lão Sơn thời chiến đấu ác liệt. Thời gian ghi hình chuyên mục này là vào Tiết Thanh minh năm nay [năm 2009], người dẫn chương trình Dương Cẩm Lân đã đích thân lên đỉnh chính Lão Sơn huyện Ma Lật Pha và tới viếng nghĩa trang liệt sĩ. Từ đây chúng ta biết được hiện trạng của một phần Lão Sơn: Cả quả núi bị chia làm hai, Trung Quốc Việt Nam mỗi nước một nửa, còn đỉnh chính thì nằm dưới sự kiểm soát của ta. (Cắt một vài hình ảnh quan trọng, ảnh có thể kích vào phóng to) Xét từ việc Lão Sơn mang ý nghĩa tượng trưng trong lòng người Trung Quốc, từ các công sự do quân ta xây đắp nên cùng địa hình nơi đây, thì chuyện Trung Quốc phải bỏ điểm cao khống chế đỉnh chính Lão Sơn là điều không thể xảy ra.

Trận địa đỉnh chính thuộc về Trung Quốc, khu vực tranh chấp chia mỗi bên một nửa.

Theo bản Hiệp ước biên giới đã kí kết sau Chiến tranh Pháp-Thanh, thì phần lớn vùng cao nguyên ở biên giới Trung-Việt thuộc phía Việt Nam hoặc điểm vòng cua là cùng hưởng chung. “Điểm vòng cua” chính là chỉ núi ranh giới trên đường biên giới, thường đường ranh giới quốc gia kéo dài dọc theo mỏm núi, điểm cao khống chế trên đường ranh giới quốc gia chính là “điểm vòng cua”. Điển hình ví dụ như các khu vực Lão Sơn, Pháp Ca Sơn, Giả Âm Sơn… 

Đường phân giới vào năm ấy không rõ ràng, phía Việt Nam chủ trương dùng đường mỏm núi nằm giữa hai cột mốc phân giới để vạch biên giới, còn Trung Quốc chủ trương dùng đường thẳng giữa hai cột mốc phân giới để vạch đường biên giới, nên đã tạo thành khu vực tranh chấp. Chúng ta thu hồi lại là mấy phần nhô ra theo đường biên giới do Việt Nam chủ trương, lấn sâu vào đường biên giới nằm về phía Trung Quốc.

Sau trận đánh trả phía Việt Nam, quân ta rút về trong nước, sau khi quân đội Việt Nam quay trở lại biên giới, điều quân chiếm lĩnh núi ranh giới của hai nước, do mấy khu vực này nằm sâu bên trong biên giới nước ta, nên khi người Việt Nam chiếm lần lượt các cao điểm xong, hỏa pháo liền có thể khống chế được cả một vùng rộng lớn nằm trong biên giới nước ta, vì thế mà mới có các trận tác chiến nhổ các cao điểm Lão Sơn, Pháp Ca Sơn, Giả Âm Sơn… 

Mấy khu vực tranh chấp Lão Sơn, Pháp Ca Sơn, Giả Âm Sơn… này vốn nằm trong tay Việt Nam, trải qua những trận chiến đẫm máu, quân ta đã kiểm soát được trận địa nằm ở đỉnh chính các “điểm vòng cua” Lão Sơn, Giả Âm Sơn… trên đường biên giới Trung-Việt, trận địa cảnh giới tiền duyên đã công chiếm được còn chêm chặt vào lãnh thổ Việt Nam, hình thành nên hai phần nhô nhỏ ở khu vực Lão Sơn và khu vực Giả Âm Sơn. Đó chính là khu vực tranh chấp chủ yếu trong phân chia biên giới lần này, khoảng hơn 200 km2.

Hai phía Trung Quốc và Việt Nam vào cuối năm 1999 đã chính thức kí kết “Hiệp ước biên giới đất liền Trung-Việt” tại Hà Nội. Trong số 164 khoảnh đường biên giới Trung-Việt, thuộc tổng diện tích cần giải quyết 227 km2 , còn chưa có sự nhất trí giữa hai phía, có khoảng 113 km2 thuộc về Việt Nam, khoảng 114 km2 thuộc về Trung Quốc.

1. Lấy Lão Sơn làm ví dụ, 7 mỏm núi, Trung Việt mỗi phía 3 mỏm. Trận địa đỉnh chính, đỉnh núi và mé phía bắc thuộc về Trung Quốc.

2. Pháp Ca Sơn là núi ranh giới của hai nước Trung Việt. Khi Việt Nam còn thuộc thực dân Pháp, “Hiệp ước Quế Việt Trung-Pháp”[viii] đã xác định vị trí núi ranh giới của Pháp Ca Sơn, đồng thời dựng cột mốc biên giới số 26 trên đỉnh chính.

Pháp Ca Sơn có 5 cao điểm, 5 mỏm núi của khu vực Pháp Ca Sơn. Cao điểm số 3 là đỉnh chính. Sau phân giới cắm mốc, các cao điểm số 1, 2, 3 do quân ta kiểm soát, còn các trận địa số 4, 5 nằm ở mé kéo dài về phía nam thì phân giới thuộc Việt Nam. 
Trong thỏa thuận phân giới cắm mốc, trong phạm vi 10 km đối diện với Pháp Ca Sơn chưa tiến hành rò mìn, phía Việt Nam không được đóng quân.

(Kích vào có thể xem được bản đồ trận địa một phần khu vực Lão Sơn):




Tài liệu tham khảo: Tư liệu từ các trang mạng www.tiexue.netwww.laoshanlan.com và do các cư dân mạng khác chuyển đến.


Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013


_____________________________

Chú thích của người dịch: 

[i] baidu.com là trang mạng tìm kiếm phổ dụng của Trung Quốc, trụ sở đặt tại Bắc Kinh. 

[ii] Năm 1874, Nhật Bản điều quân đổ bộ lên Đài Loan, chính quyền nhà Thanh quyết định chấn chỉnh lại lực lượng thủy sư. Phân chia thủy sư thành Tam Dương: Thủy sư Bắc Dương phụ trách vùng Sơn Đông và biển Hoàng Hải ở phía bắc, Thủy sư Nam Dương phụ trách vùng phía nam Sơn Đông và biển Đông Hải ở phía ngoài Trường Giang, Thủy sư Phúc Kiến và Lưỡng Quảng… phụ trách vùng Phúc Kiến và biển Nam Hải. 

[iii] Vùng đất lọt giữa: Tiếng Anh: enclave; tiếng Hán: phi địa (飞地). Vùng đất lọt vào giữa đất đai của nước khác. 

[iv] Nguyên văn: Gia Long Hà 嘉隆河. 

[v] Nguyên văn: kị tuyến điểm 骑线点 . 

[vi] Chưa rõ tên gọi tiếng Việt của Đình Hào Sơn và Pháp Ca Sơn. 

[vii] Tức Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1999. 

[viii] Nguyên văn: 《中法桂越界约》. Quế 桂 là tên gọi tắt của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment