CHƯƠNG X
Con người có số mệnh hay không có số mệnh? Câu hỏi này luẩn quẩn suốt trong óc tôi vào những ngày tù đầu tiên. Tôi ghi lại ở đây câu chuyện về một hiện tượng thoạt nhìn có vẻ chẳng ăn nhập gì với cuốn sách nhưng là cái làm lung lay tận gốc thế giới quan tưởng chừng đã vững chắc trong tôi, ảnh hưởng tới tâm trạng tôi trong những năm sau này. Trước hết, cần phải nói ngay rằng hồi ấy tôi duy vật từ đầu đến chân. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật trong tôi có nguồn gốc tầm thường. Cha mẹ tôi duy vật thì tôi duy vật, như lẽ đương nhiên phải thế. Nghe chuyện mẹ tôi kể thì vào thời con gái của bà chủ nghĩa duy vật đặt chân lên nước ta không phải với tư cách một triết thuyết mà như một cái mốt.
Nó như ánh sáng điện bỗng bừng sáng trong ngôi nhà xưa nay leo lét đèn dầu. Phàm người thuộc thế hệ bà mà có chút ít tây học đều trở thành duy vật. Chí ít thì họ cũng khoe mình là như thế. Người có chân trong tổ chức cách mạng lại càng duy vật hơn ai. Duy vật đồng nghĩa với cách mạng. Bạn bè cha mẹ tôi đều duy vật cả, trừ ông Tiến cố. Ông có số phận long đong. Vốn là một nhà duy vật cuồng nhiệt, đảng viên Ðảng cộng sản, không hiểu sao ông nhảy sang Thiên Chúa giáo. Rồi trong một mưu toan đầy thiện chí nhằm làm mai cho hai thứ mà ông yêu, Thiên chúa giáo bác ái và chủ nghĩa cộng sản bạo hành, ông bị các đồng chí tống ra khỏi hàng ngũ(1). Tôi chưa bao giờ tin cả thần thánh lẫn ma quỷ. Bà ngoại tôi sùng Phật, thích đi lễ chùa và ăn chay, làm việc bố thí. Bên nội hãnh diện về mấy đời theo Thiên Chúa giáo, xưng mình đạo gốc, chăm đọc kinh, chăm xưng tội chịu lễ. Bên ngoại lặng lẽ nhập đạo Phật với đạo thờ cúng tổ tiên, coi hai thứ là một. Cha tôi bỏ đạo khi thành cộng sản. Việc cha tôi bỗng dưng không đi nhà thờ, không xưng tội chịu lễ không những chỉ làm cho ông bà tôi rụng rời chân tay. Nó làm cho cả họ nhớn nhác. Người làng xì xào cha tôi vào hội kín, vì thế ông bỏ đạo. Cha tôi nói ông bỏ đạo vì cho rằng thực dân Pháp đã dùng Thiên Chúa giáo để thôn tính nước ta. Mẹ tôi giải thích việc cha tôi bỏ đạo bằng sự tiếp xúc của cha tôi với ông Ðinh Chương Dương(2) và phong trào cách mạng. Ông cho rằng người cách mạng phải dứt khoát với mọi cái gắn liền với những mưu mô của thực dân. Cái còn lại của đạo Chúa trong cha tôi là lời dạy của Ðức chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô ": Hãy thương yêu người ta như mình vậy". Ông thường căn dặn chúng tôi rằng nhân vô thập toàn, con người ta ai cũng có khuyết điểm, mình cũng vậy, cho nên phải độ lượng với nhau, phải sống khoan dung, nhân ái. Gặp hồi chỉnh huấn, cán bộ luôn miệng nói phải vì nhân dân quên mình, thì cha tôi cười. Ông nói rằng chẳng bao giờ ông tin những người khoe họ yêu nhân dân hơn yêu bản thân. "Yêu người bằng yêu mình là tốt lắm rồi ! - ông dạy tôi - Chúa cũng chỉ dám mong người ta yêu người bằng yêu mình mà còn không xong. Hai ngàn năm rồi nhân loại vẫn chưa thực hiện được lời Chúa dạy, mà nay muốn thực hiện điều hơn thế là nói khoác". Mẹ tôi thờ ơ với cả hai thứ đạo. Bà không từ chối đi nhà thờ, không chăm chỉ đi chùa, nhưng cũng không phản đối các bà chị chồng đưa các con bà đi rửa tội, chịu Mình Thánh Chúa. Cả bên nội lẫn bên ngoại đều không trách được mẹ tôi, bà chỉ không siêng năng chứ không báng bổ đạo như cha tôi, nhưng cả hai bên đều ngấm ngầm không hài lòng về bà. Bà ngoại tôi không chịu được những lời sàm báng của con gái đối với giới sư sãi, nhưng nhất quyết bắt mẹ tôi phải trung thành với đạo thờ cúng tổ tiên thuần Việt, là thứ đạo mẹ tôi bao giờ cũng tôn trọng. Vào thời gian xảy ra vụ xét lại chống Ðảng, tôi đang viết tiểu thuyết Pháo Ðài Xanh, cuốn sách được ấp ủ từ nhiều năm. Ðó là cuốn biên niên sử của một làng. Nó sẽ là hình ảnh của sự thay đổi diễn ra trên đất nước. Ngôi làng trong cuốn sách chính là quê nội của tôi. Tôi sống lâu hơn, nhiều hơn với cái quê nhà gạch và đường nhựa, nhưng trong tình cảm tôi gắn bó với cái quê nghèo bùn lầy nước đọng hơn. Quê nội để lại dấu ấn đậm nét trong tuổi thơ của tôi. Nó là miền đất ruột rà của tôi. Nó chiếm hết tình yêu bé bỏng của tôi. Tôi được mẹ tôi đưa về quê nội năm tôi lên sáu. Cha tôi vừa bị Pháp bắt. Mẹ tôi không thể cùng lúc vừa nuôi mấy anh em tôi, vừa đi làm thuê, vừa hoạt động cách mạng. Bà đưa tôi về quê cho bà chị chồng nuôi đỡ. Ðó là một bà già cô độc, cao lớn, mặt mũi dữ tợn, đuồn đuỗn như một cái phất trần, tên là bà Gái. Cô tôi sống trọn đời đồng trinh trong ngôi nhà ông bà tôi để lại khi đàn em của bà đã tứ tán phương xa. Trong thời gian mấy năm ở với cô Gái, tôi quyến luyến bà, và qua những lời dẫn tích của bà, nhà ái quốc chân chính của làng mình, tôi quyến luyến mảnh đất của cha ông. Chúng tôi ở trong một ngôi nhà gỗ năm gian, với mấy gian nhà ngang bằng tre nứa mọc ra ở một đầu hồi, kết thúc bằng một gian bếp thấp tè và một chuồng lợn lụp xụp. Nơi đây các bác tôi, các cô tôi (tức là các bà chị của cha tôi) ra đời và lớn lên trong sự ấp ủ của cha mẹ, một ông nhà nho không gặp thời làm nghề bốc thuốc với một bà vợ không biết chữ, nhưng tần tảo và đảm đang, như bất cứ người vợ nào trong những năm xa xưa ấy. Trong ngôi nhà trước kia hẳn rất ồn ào, nay vắng lặng, chỉ còn hai cô cháu tôi, tôi tìm thấy những quyển vở bằng giấy bản với những chữ nho ngòng ngoèo - vở học của cha tôi khi ông bắt đầu ê a Tam tự kinh của một nền học đã chìm nghỉm trong quá khứ. Tình yêu đối với đất nước ở mỗi con người cũng khó giải thích như tình yêu trai gái. Trong sáu anh chị em của cha tôi chỉ có mình ông đi làm cách mạng. Với đất nước ông có một tình cảm ruột thịt lạ lùng, khó hiểu đối với chính tôi, đứa con ông. Dường như ông không thể sống không có tình yêu dâng hiến đó, như tình yêu Chúa trong lòng tín đồ tử vì đạo. Tôi nhớ ông đã bực bội như thế nào khi đọc trong một cuốn sách giáo khoa của đứa cháu gái lời dạy của một nhà lãnh đạo cho học sinh rằng các cháu phải yêu nước vì "nước ta giàu và đẹp". Ðó là tình yêu vụ lợi, chứ đâu còn là yêu nước, ông kêu lên, nếu nước ta nghèo và xấu thì sao ? không cần yêu nữa à ? Mặc dầu rời bỏ quê hương từ khi còn nhỏ, cha tôi lúc nào cũng quyến luyến nó, và ông truyền tình yêu đối với mảnh đất tuột rà lại cho những đứa con mình. Trong cuốn sách dự định, khởi đầu bởi tình yêu đó, tôi muốn ghi lại những số phận người trong làng tôi, một làng quê của đồng bằng Bắc bộ, như là hình ảnh thu nhỏ của cách mạng giải phóng dân tộc qua những thời kỳ tiền khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất... Tôi hi vọng qua những sự kiện xảy ra qua những số phận người trong một làng dựng nên một mảng lịch sử với những bước thăng trầm không phải chỉ của một thế hệ nông dân mang trong mình khát vọng truyền nối về một cuộc sống no đủ, thanh bình. Mấy cuốn sổ tay của tôi kín đặc tên người tên đất, phong tục, tập quán, thổ ngữ, gia phả, thần phả, những phác họa nhân vật, tính cách, tiểu sử của những nhân vật ấy, cả những tư liệu về chức vụ, quân hàm của quân đội lê-dương, quân đội viễn chinh Pháp vv... Kể chuyện này ra thì buồn cười, nhưng đúng thế : cái mà tôi còn thiếu cho cuốn tiểu thuyết là một ông thầy bói. Ông này, theo tư liệu thu được, phụ trách một cơ sở kháng chiến trong thành phố. Nhà chiêm tinh phương Ðông được viên đại tá tư lệnh xếch-tơ(3), một cựu sinh viên toán-lý ham nghiên cứu phương Ðông thần bí, coi như thầy học. Ông thầy bói cũng yêu mến đệ tử của mình.Trong ông tình yêu cuộc kháng chiến và tình yêu anh học trò đánh nhau chí tử. Tôi không biết gì về bói toán, nhất là khoa tử vi. Từ ngữ của cái nghề cổ xưa nhất thế giới, tên gọi các vì sao không có thật trên bầu trời thế tục xa lạ đối với tôi. Ðể có được những nhân vật sinh động tôi không ỷ vào trí tưởng tượng vốn không được giàu có, mà thường tìm kiếm trong đời thực những nguyên mẫu cho tới khi có thể, như các nhà văn thường nói, sờ thấy được nhân vật tương lai. Hemingway chia xẻ kinh nghiệm viết văn cho người đi sau "Cái bịa lớn bao giờ cũng giống thật". Tôi bịa kém. Tôi nghĩ khác : cái thật phong phú hơn cái bịa. Nói cách khác, cuộc đời mới là người bịa chuyện giỏi nhất. Ðúng vào lúc tôi đang viết mấy chương đầu cho cuốn sách thì cha tôi bị bắt, nhà tôi bị khám, bản thảo bị tịch thu. Vào thời điểm rối ren như thế mà tiếp tục viết thì thật gàn dở, nhưng tôi không muốn công việc bị gián đoạn. Tôi chán nản, tôi hụt hẫng, tôi có cảm giác mình chẳng còn lúc nào để viết nữa. Tôi chạy tới với sáng tác như thể nó là cứu cánh. Mà cũng có thể tôi cần được ngụp lặn trong bận rộn để tách mình khỏi những ý nghĩ đen tối về tai họa đang đến. Tôi đã gặp kẻ hủy diệt thế giới quan của tôi trong bối cảnh như vậy. Ðồn rằng gần đền Hàng Trống có một ông thầy bói giỏi. Ông có thể nói ra vanh vách chuyện quá khứ của mình, còn những gì ông nói về tương lai thì sau nghiệm ra thấy đúng cả. Người khuyên tôi đến xem bói là cô em dâu tôi, rất tin ở bói toán, và vợ tôi, vốn chẳng bao giờ mê tín dị đoan. Ðược chứng kiến cảnh công an nửa đêm hùng hổ tới nhà bắt cha tôi, vợ tôi lo cho số phận của tôi. Mà số phận tôi cũng tức là số phận cái gia đình bé nhỏ mới được xây dựng gồm vợ chồng tôi và hai đứa con lít nhít, một trai một gái. Nếu tôi cũng bị bắt thì gia đình tôi tan nát. Lương vợ tôi không đủ nuôi thân, nói gì nuôi hai đứa con. Trong hoàn cảnh chúng tôi bất cứ ông thầy bói nào cũng đáng tin nghìn lần hơn một chính quyền dối trá. Ông thầy bói mù cảm thấy sự có mặt của chúng tôi qua những tiếng dép bước rón rén vào nhà. Ông nói, giọng sẽ sàng : - Xin các vị chờ cho một lát. Chúng tôi đến đã sớm nhưng có người còn sớm hơn. Ông thầy bói đang xem cho một bà đứng tuổi mặt mày thiểu não, luôn miệng vâng dạ, thỉnh thoảng lại suỵt soạt khấn khứa. Nhà chật, ông hành nghề trên cái phản. Người trong nhà đi lại loẹt xoẹt, ra đụng vào chạm ầm ĩ, coi như không có ông. Chúng tôi ngồi ghé vào mép cái phản không mấy sạch sẽ. Tôi thất vọng. Tôi tưởng sẽ gặp một cụ đồ nho thất thế với cặp mắt sáng anh minh, giọng nói sang sảng, chứ không phải ông già mù với đôi tay xương xẩu sờ soạng trên chiếc chiếu bẩn để tìm cái đĩa ông vừa đặt xuống. Giọng ề à ông nói với bà khách những chuyện tương lai tầm phào : tháng này bà có lộc, nhỏ thôi, nhưng cũng là lộc, còn tháng sau thì phải cẩn thận kẻo mất cắp, tháng sau nữa sẽ có người nhà ở xa về mang đến tin vui... Ông không có chỗ trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Ông sẽ lạc lõng trong đó như một nhân vật quặt quẹo. Ðã định đứng lên ra hiệu cho vợ tôi lẻn về thì quẻ bói của bà khách đến trước cũng vừa xong. - Mời ông bà ngồi. Vẫn yên vị, xếp bằng tròn, ông thầy bói quay mặt về phía chúng tôi, hướng rất đúng, như thể đàng sau cặp kính đen là đôi mắt sáng. Ðành lê chân ngồi vào chỗ bà khách vừa bỏ đi. - Sáng nay tôi độn, biết ông sẽ đến. - cặp kính đen nhìn tôi - Thánh dạy : có quý nhân đến nhà ! Trời đất quỷ thần ơi, tôi mà là quý nhân của ông ư, ông thầy bói ? Quý nhân theo cái nghĩa nào vậy ? Ông nhầm rồi. Tôi chẳng có thể là quý nhân trong bất cứ nghĩa nào, cho bất cứ ai.. Một ngàn lần không, ông thầy bói của tôi ạ, tôi không phải quý nhân trong bất cứ nghĩa nào, càng không thể là quý nhân của ông. Thậm chí tôi cũng chẳng còn tiền để đặt quẻ cho hậu hĩ. - Không dám. - tôi lúng túng nói - Chúng tôi đến phiền xin cụ xem cho một quẻ. - Vâng. Ông muốn xem hung cát ? Hay công danh, tài lộc ? - Cụ cứ nói những gì cụ thấy, xin lỗi, những gì Thánh dạy... Một nụ cười độ lượng thoảng qua mặt ông thầy. - Xin ông cho biết ngày sinh tháng đẻ. Tôi nói. Nhìn xéo qua cặp kính đen, tôi thấy một đôi mắt trắng đục - ông già bị lòa thật. Ông già ngẩng đầu lên, trán hơi nhăn lại, lẩm bẩm một hồi rồi sờ soạng tìm cái đĩa. Bằng hai bàn tay thành kính, ông nâng cái đĩa lên ngang trán, suỵt soạt khấn. Rồi hạ cái đĩa xuống, ông trầm ngâm gieo tiền. Ba đồng trinh rơi xuống mặt đĩa kêu rổn rảng. Sau khi rờ rẫm sờ từng đồng một để biết sấp ngửa, và hẳn cũng để kéo dài thời gian suy nghĩ, ông xoa xoa chúng trên mặt đĩa một lát rồi chậm rãi nói với tôi : - Tôi sẽ nói ba điều. Nếu ông thấy tôi nói đúng thì ta xem tiếp. Nếu sai, tức là Thánh không cho, xin ông lại đây vào bữa khác. Tôi sẽ không trở lại đây nữa, bất kể Thánh cho hay không cho. - Xin cụ cứ nói. - Thứ nhất, ông đã từng xuất ngoại. Một câu chẳng quan trọng, không có ý nghĩa. Nhưng kể cũng lạ, căn cứ vào đâu mà ông già mù kia đoán được tôi đã ở nước ngoài ? Tôi không ở nước ngoài lâu tới mức giọng nói bị thay đổi. Một mùi lạ, xà phòng thơm hoặc nước hoa ? Cũng không có chuyện đó. Tôi vừa mới từ những hố bom trở về. Tôi tắm nước ngòi, nước ao tù, không xà phòng, chỉ cốt gột sạch bùn đất. Người mù có khứu giác tinh tường, nhưng ông không thể thấy ở tôi mùi nước ngoài nào. - Có đúng vậy không ? - Dạ, thưa cụ cứ nói tiếp. - Thứ hai, mùa thu năm nay nhà ông có hỉ, hỉ qua tiếp đến hạn. - Dạ ? - Hỉ đây ứng vào anh em ông, hoặc em trai lấy vợ, hoặc em gái lấy chồng. Còn hạn, nó ứng vào cụ thân sinh ra ông. Ông thầy bói nhẩn nha nói trúng vào những sự kiện vừa xảy ra trong gia đình tôi - mùa thu em trai kế tôi lấy vợ, sau đó đến cha tôi bị bắt. Tôi sững sờ. - Sao mà lại có người số lận đận thế ! - ông già ngẩn người, tư lự - Lạ thật, lạ thật ! - Là sao, thưa cụ ? - Cứ như Thánh dạy thì hiện nay cụ thân sinh ra ông đang mắc hạn tụng đình, tức là có chuyện lôi thôi nơi cửa quan... Tôi vờ phản bác : - Sao có chuyện thế được, thưa cụ ? Cụ thân sinh tôi đã về hưu, hiện sơ tán ở Tam Ðảo. Cụ đã có tuổi, chẳng làm gì để có thể mắc vào chuyện lôi thôi. Ông thầy bói nghiêng đầu kiên nhẫn nghe. - Vậy mà cứ như quẻ này thì cụ nhà bị bắt rồi. Ông nói sau một lát im lặng, như thể khi tôi nói ông bận lắng nghe ai đó đang nói với ông, chứ ông không nghe tôi. Tôi lặng đi. Có thể có sự thật như thế không : một ông già xa lạ, và ông ta biết được những việc xảy ra trong nhà người khác ? - Nhưng... - Lận đận quá ! - ông già lắc đầu ái ngại - Tính ra thì thời Tây Tây bắt, thời Nhật Nhật bắt, đến thời ta cũng không yên. Con người sao mà khốn khổ thế ! Cương cường quá, thẳng tính quá, nên mới bị tai vạ. Cự môn đắc địa lại gặp Hỏa tinh, Thất sát... Lại còn thêm mấy hung tinh nữa, mới nguy... Cứ như tôi suy thì cụ nhà không vướng vào chuyện kinh tế đâu, mà đây là chuyện chính trị... Tôi không còn muốn chối nữa. Nhưng tôi chỉ nói : - Tôi sẽ đi Tam Ðảo thăm cụ tôi ngay. - Ông đi đi ! Tuy chẳng giúp gì được cụ nhà đâu, nhưng đạo làm con ông phải đi. Mà lạ, cụ nhà gặp nạn ít ra cũng gần cả tháng rồi mà sao không ai báo cho ông biết ? - Thưa cụ, tôi vừa đi công tác khu 4 về. Vợ tôi đưa mắt cho tôi. - Bây giờ phiền cụ xem cho tôi. Ông thầy bói cúi đầu xuống. Ngón cái đi những bước chậm chạp trên những ngón tay xương xẩu. - Tôi nói thẳng ra nhá ? - Vâng, cụ cứ nói thẳng. - Thế này : chính ông cũng sẽ gặp hạn, ông ấy, nhưng không phải ngay bây giờ. Qua tháng này đã, trong tháng sau... Tôi liếc vợ tôi. Mặt nàng nhợt đi khi nghe câu nói đó. Tội nghiệp, vợ tôi thương tôi biết bao nhiêu. - Hạn sẽ xảy ra bất ngờ...- ông ta nói tiếp - Tôi biết, ông không tin đâu, nhưng nó sẽ đến đấy. Hạn này là hạn có kẻ gắp lửa bỏ tay người, việc không có nó bảo là có, việc xong rồi nó bảo là chưa... Tôi suy nghĩ. Thế là thêm một người khẳng định tôi sẽ bị bắt. Khác ở chỗ người này không nhìn vào tình hình chính trị mà căn cứ ở những vì sao không có thật. - Hạn liệu có dài không, thưa cụ ? - tôi hỏi. Ông thầy bói lắc đầu : - Tôi không nói trước được. Nếu ông cúi mình xuống, không cãi lại, người ta nói gì cũng gật, buộc cho mình cái gì cũng ừ, cứ nhận hết thì xong. Bằng không hạn sẽ kéo dài : hai thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười sáu... cứ thế mà nhân lên mãi... Vợ tôi nước mắt đã lưng tròng. Xong quẻ, tôi đưa cho ông thầy bói nhiều hơn số tiền tôi định đưa. Tôi hỏi ông về chữ quý nhân mà ông dùng cho tôi thì ông nói : - Quý nhân là người đáng quý, không có nghĩa nào khác. Không phải ông cho tôi tiền hay cho tôi quà mới là quý nhân. Mong còn có dịp gặp lại nhau. Trước khi ra về tôi đặt câu hỏi cuối cùng : - Thưa cụ, cụ đã xem cho nhiều người, biết nhiều số phận, tôi muốn hỏi cụ : có phải thời nay người xấu nhiều hơn người tốt không ? Ông già cười khà khà : - Cuộc đời phải có âm có dương, có đực có cái, có xấu có tốt, mới là cuộc đời chứ. Dĩ nhiên, có hồi âm thắng dương, có hồi dương thắng âm, tựu trung chông chênh là thường tình, cân bằng là hãn hữu. Ông có số nhìn xa trông rộng, ông thừa hiểu sự đời, còn hỏi tôi làm gì ? Trong khi đối thoại với Huỳnh Ngự ở sân Hỏa Lò tôi lại nhớ đến lời tiên tri của ông thầy bói mù : hạn này là hạn có kẻ gắp lửa bỏ tay người, việc không có nó bảo là có, việc xong rồi nó bảo là chưa... Vậy cái kẻ gắp lửa bỏ tay người kia là ai ? Rõ ràng không phải cái anh chàng thư lại đang đứng trước mặt tôi rồi. Y bất quá là một tên công sai nhiệt tình. Kẻ gắp lửa bỏ tay người là chủ của y kia. Tôi nghĩ tới Lê Ðức Thọ. Nhưng cả khi đó, cả bây giờ tôi vẫn không hiểu : Thọ muốn gì ở tôi ? Tôi không hoạt động chính trị. Tôi làm việc, như bất cứ ai trong bất cứ xã hội nào. Tôi thích chủ nghĩa xã hội bởi nó hứa hẹn một tương lai đẹp - tự do, công bằng xã hội, kinh tế phồn vinh. Nhưng những thứ bán kèm với nó như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, ý thức tổ chức, dân chủ tập trung không được lòng tôi. Cuộc đấu tranh gọi là chống chủ nghĩa xét lại hiện đại mà nhà cầm quyền dấy lên không phải của dân tộc Việt Nam. Càng không phải cuộc đấu tranh của tôi, vì tôi, cho tôi. Tôi chẳng thích chủ nghĩa xét lại nào hết, hiện đại cũng như không hiện đại. "Hạn này là hạn có kẻ gắp lửa bỏ tay người, việc không có nó bảo là có, việc xong rồi nó bảo là chưa...". Tôi không thích chính trị mà nhà cầm quyền cứ lôi tôi vào là đúng với câu việc không có nó bảo là có. Tôi đã xa lánh chính trị mà nhà cầm quyền cứ giữ rịt tôi trong nó là ứng với câu việc xong rồi nó bảo là chưa... Rất có thể người ta không ưng được tôi vì tôi đã vi phạm không phải một lần những điều cấm kỵ. Lần đầu với truyện ngắn Ðêm Mất Ngủ (báo Văn Nghệ, 1961), tôi bị Tố Hữu lên án "Vũ Thư Hiên lộ rõ tâm trạng bất mãn với chế độ hiện hành", trong bài viết :"Giương cao ngọn cờ tính Ðảng, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ". Cùng bị vạch mặt chỉ tên như những tên xét lại hiện đại trong văn học còn có Nguyên Ngọc và Ngô Ngọc Bội. Tố Hữu coi Nguyên Ngọc nói móc họng Ðảng, ví lòng dân như mạch nước ngầm, không dễ thấy nhưng quật đổ được những công trình lớn. Ngô Ngọc Bội (với truyện ngắn Chị Cả Phây) bị Tố Hữu gọi là freudiste(4). ê Việt Nam mà bị coi như freudiste là nặng lắm. Lần thứ hai tôi bị đánh là vì kịch bản Ðêm Cuối Cùng Ngày Ðầu Tiên, tôi đã kể trong chương trước. Lần thứ ba nhẹ hơn cả, do truyện ngắn Ðêm Mùa Xuân. Nó không bị đánh trên mặt báo, nhưng tập truyện ngắn cùng tên (Nhà xuất bản Lao động, 1963) bị thu hồi một cách lẳng lặng. Ðòn nặng nhất là bài báo của Tố Hữu. Nó xuất hiện trên báo Nhân dân, sau đó được tất cả các báo nhất tề đăng lại, không trừ cả báo Văn Nghệ đã đăng truyện ngắn này. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị còn gán thêm cho tôi một tội mà nhà lãnh đạo văn nghệ bỏ sót : "Vũ Thư Hiên đã phất cao ngọn cờ ấn tượng chủ nghĩa nhằm chống lại đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa của Ðảng". Trong trận đòn hội chợ, nhà phê bình văn học Phong Lê bồi thêm cho tôi một quả đấm muộn trên tập san Nghiên cứu Văn học, cũng với ý ấy. Tôi giận Phong Lê hơn giận vị giáo sư khả kính. Phong Lê thuộc lớp trẻ chúng tôi, lẽ ra không bảo thủ mới phải. Anh em nói Phong Lê chậm hiểu, nhưng không cơ hội. Hai chục năm sau quả nhiên anh cũng bị đánh vì những ý nghĩ vượt ra ngoài khuôn phép. Từ sau những sự kiện đó tôi không được in nữa. Nói chung, nhà văn, nhà thơ nào một lần lỡ bút hoặc lỡ lời đều bị như vậy. Vũ Bão(5), tác giả cuốn Sắp Cưới, một cuốn sách hay về Cải cách ruộng đất vì giọng văn dân dã hiếm có, để cho nhân vật nói Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư bằng câu "mất bay cái chức Ðảng trưởng", mà nhiều năm bị treo bút, còn hơn cả Lev Tolstoi bị Nhà Thờ Chính giáo Nga phạt vạ anaphema(6) vì tội báng bổ. Cái khác là Nhà Thờ có thông báo hẳn hoi, có cha đạo cao rao trên tòa giảng cho đàn chiên được biết, còn chúng tôi bị rút phép thông công ngầm, bằng chỉ thị ngầm. Năm 1964, Nghị quyết 9 được phổ biến rộng rãi, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại được phát động người ta liền rầm rộ tổ chức những cuộc rà soát các ấn phẩm để tìm ra những cái có tư tưởng xét lại hoặc bị ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại. Ai nấy sợ xanh mắt. Bói ra ma quét nhà ra rác, đầu chẳng phải cũng phải tai. Ðến nhà văn Ðỗ Quang Tiến ở báo Văn Nghệ, người chọn đăng truyện ngắn Ðêm Mất Ngủ(7) của tôi, vốn hiền lành, chẳng ai có thể buộc tội ông xét lại, cũng chối phăng tội của ông, đổ ụp nó cho tập thể. Tất nhiên, truyện ngắn được in phải qua mấy người duyệt, Ðỗ Quang Tiến đã ranh mãnh cho nó qua được những con mắt cảnh giác lúc chúng mệt mỏi. Ðỗ Quang Tiến cười hì hì bảo tôi : "Không làm thế truyện ngắn của cậu không thể ra được, ra rồi mình chối phăng, làm gì nhau tốt ?". Tôi quý Ðỗ Quang Tiến không phải chỉ vì ông đã tìm cách "lăng xê"(8) tôi. Ðối với người mới vào nghề đó là cái ơn lớn. Năm 1956 tôi mới có vài truyện ngắn in trên các tờ Văn Học, Tổ Quốc và Ðộc Lập. Ðỗ Quang Tiến, với tư cách biên tập viên báo Văn Học, đã chọn in Ðường Số 4 và sau đó Ðêm Mất Ngủ, vào năm 1961. Ông nhà văn xuất thân công chức, trước Cách mạng Tháng Tám ở Nha Thương chính hay Ty Kiều lộ tôi không nhớ rõ, đã có sự hy sinh thầm lặng cho việc vun xới các mầm non văn nghệ. Tôi và các bạn văn trẻ thường tới nhà ông. Chúng tôi chen chúc nhau trên chiếc chiếu hẹp, uống trà đặc, nói chuyện văn chương. Ðỗ Quang Tiến có nhiều ý hay, nhiều câu chuyện dí dỏm và những dự định viết không thành. Có người chê Ðỗ Quang Tiến hèn. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi tiếc những tác phẩm không ra đời. Tôi không coi sự hèn chút ít, tức là hèn nhưng không hại ai, được lịch sự gọi bằng không có gan, là thói xấu. Hầu như các nhà văn vào thời kỳ đó đều hèn một chút, nếu không nhiều. Ðó là bản năng tự vệ, có sẵn trong bất cứ sinh vật nào. Không hèn, chính anh sẽ rơi vào sổ đen, nhẹ thì không được lên lương, hoặc mất đứt cơ may ra nước ngoài một chuyến. Nặng, anh có thể bị đẩy đi lao động, chuyển công tác, hoặc bị tống ra ngoài biên chế. Không kể vụ Nhân văn - Giai phẩm xảy ra đã hơn chục năm, với Nguyễn Hữu Ðang, Thụy An, Phan Tại, Hoàng Công Khanh, Phùng Cung(9) bị đi tù, hình thức bắt giam chưa được dùng cho văn nghệ sĩ. Trừ trường hợp Tuân Nguyễn(10), nhà thơ, cán bộ Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, bị bắt mùa hè năm 1965. Một sáng chủ nhật tôi đến rủ Tuân Nguyễn đi ăn sáng thì thấy cửa nhà anh khóa trái. Tôi ngạc nhiên. Bình thường vào ngày nghỉ nhà thơ lười của chúng tôi chẳng bao giờ dậy sớm. Chủ nhật, mười hai giờ trưa anh vẫn còn trên giường. Tuân Nguyễn có thói quen đọc sách khuya. Uống cà phê một mình thì buồn, tôi dong xe đi tiếp, đến Vũ Huy Cương(11). Cương rầu rầu báo cho tôi tin dữ : Tuân Nguyễn bị bắt rồi. Chuyện thế này : Tuân Nguyễn cả tin hớ hênh đưa cho một ông bạn nào đó cuốn sổ tay trong có mấy bài thơ anh mới làm. Cuốn sổ rơi vào tay công an. Ông bạn của Tuân Nguyễn, hoặc là một nhà mác-xít chân chính, hoặc là một tên chỉ điểm, trong trường hợp này rất có thể chỉ là một. Ðáng tiếc, chẳng bao giờ chúng tôi được biết kẻ làm việc nhơ bẩn đó là ai. Chúng tôi đoán, và đoán không sai : Tuân Nguyễn bị bắt vì bài thơ Trái Tim Hồng Ngọc. Nó được làm nhân đám tang ông Dương Bạch Mai. Anh rất quý ông, gọi ông bằng thầy, ví trái tim ông như viên hồng ngọc vĩnh viễn ngời sáng : "Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất. Ðau đớn này đau đớn nào hơn. Chân lý không muốn nằm dưới đất..." Tôi tiếc không tìm được bài thơ của anh để giới thiệu ở đây. Nó vĩnh viễn biến mất. Bài thơ gây xúc động sâu sắc trong chúng tôi hồi ấy. Vì bài Trái Tim Hồng Ngọc, và vì một số bài thơ chưa từng đăng báo, anh bị tù tám hoặc chín năm, tôi không nhớ rõ. Khi bị bắt Tuân Nguyễn ốm yếu lắm. Anh em đồn anh bị lao phổi. Các đồng chí quẳng anh vào tù, ở trong tù anh lại được các bạn tù, phần đông là lưu manh, chăm sóc. Ðêm đầu tiên từ trại tù trở về Hà Nội anh ngủ gục ở ga Trần Quý Cáp. Một cô điếm đi ăn sương gặp anh, thương tình đưa anh về túp lều của cô trong khu ổ chuột sau Khâm Thiên. Cô an ủi anh, cưu mang anh trong những tháng đầu tiên trở về với cuộc sống, khi anh quá chán nản, không muốn gặp mặt bè bạn, thậm chí muốn tự sát. Tuân Nguyễn đứng lên được là nhờ cô. Cảm động trước lòng nhân ái bao la của người con gái không quen biết, anh ngỏ ý muốn gá nghĩa cùng cô, nhưng cô từ chối :"Anh ơi, chúng mình khác nhau nhiều quá, anh làm sao có hạnh phúc với em được. Anh sống sao nổi trong xã hội này nếu vợ anh là em, một con điếm ?!". Thời kỳ này là thời kỳ phần lớn những cây bút trẻ im tiếng. Họ không chịu gò mình vào nền văn nghệ quan phương khô xác và kênh kiệu. Trong bầu không khí ngột ngạt đầy những điều cấm kỵ khó có hứng để mà viết. Nguyễn Tuân phân trần về những cái ông viết để trả nợ cho những chuyến đi :'' Khi ngồi vào bàn nhà văn phải thấy thoải mái trong lòng thì may ra, may ra thôi, hắn mới viết được một cái gì đó ra hồn. Ngòi bút khi viết mà ngập ngừng, mà run rẩy thì chỉ cho ra những văn phẩm nước ốc, có khi lại còn bốc mùi thum thủm. Khốn nỗi, thời nay im lặng không xong. Im lặng người ta bảo mình không bằng lòng họ, mình có ý chống họ. Cho nên anh đừng lấy làm lạ thấy tôi viết mấy cái ba lăng nhăng. Chẳng qua thỉnh thoảng tôi phải nhảy ra mà hô présent(12) một cái cho phải phép, để cho người ta khỏi bẻ hành bẻ tỏi..." Ông thầy bói đúng. Có kẻ gắp lửa bỏ tay người... Sau khi bị bắt tôi tin có thật một Nostradamus(13), cũng như có thật một Trạng Trình. Nhưng nếu mọi hành động của con người đều nằm trong tiền định thì con người còn là cái gì ? Nó chẳng quyết định được gì hết sao, loại sinh vật có trí khôn là chúng ta ? Nó chỉ là con rối trong tay định mệnh sao ? Nguyễn Du của chúng ta đúng hay sai khi ông nói "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" ?
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 CHƯƠNG KẾT
No comments:
Post a Comment