Nhắc đến Trần Huỳnh Duy Thức bạn sẽ nghĩ gì về Con Người
này? Yêu hay ghét, ngưỡng mộ hay coi thường?! Phải chăng lúc này có người sẽ
nói anh là “nhà yêu nước”, là “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền” xuất chúng,
có người đã từng coi anh là “kẻ thù không đội trời chung”, tên “phản động cực
kỳ nguy hiểm” …! Mọi người đang nghĩ về anh nhiều chiều khác nhau, kể cả rất
trái ngược nhau. Hết sức cảm xúc! Suy nghĩ về anh đang không đồng nhất. Người
yêu tối đa, kẻ đã từng ghét hết mực, người khác thì vẫn còn nghi ngờ … thật
muôn màu muôn vẻ. Và có lẽ theo tôi họ đều có lý theo góc nhìn của mỗi người!
Vậy anh là ai hả Thức?!
Bạch hóa về Thức, theo chủ quan của tôi, chúng ta có thể tham
khảo một phần quan trọng trong cuốn sách e-book: Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường
nào cho Việt Nam?
Còn đối với tôi: Thức = Đột phá + Mạo hiểm ?!
Trở lại năm 1997, với sự dẫn dắt của Thức, công ty TNHH tin học
Duy Việt (EIS) đã đột phá vào lĩnh vực tích hợp hệ thống công nghệ thông tin
(CNTT) tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, anh đã không e sợ các người khổng lồ về
CNTT thế giới để đưa công ty mình vào đấu thầu cạnh tranh công bằng với họ
trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng mạng truy cập Internet đầu tiên của Việt
Nam tại VDC. Tiếp theo là các cuộc đua đẳng cấp để đấu thầu xây dựng các hạ
tầng CNTT-viễn thông cho các khu công nghệ phần mềm đầu tiên trên cả nước tại:
Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...và nhiều dự án CNTT đỉnh cao
khác. Và trí tuệ Việt đã thắng! Chiến thắng trước lối mòn tư duy của không ít
quan chức Việt Nam chỉ biết “sính ngoại”, “sợ ngoại” và xem các công ty Việt
Nam ở một tầm thấp như những đại lý bán hàng hay chỉ là “sân sau” cho các quan
chức. Không ít các quan chức, các đối thủ cạnh tranh lúc đó đã từng coi anh là
kẻ thù của họ. Nhưng cũng không ít người sau đó đã thay đổi cách nhìn về anh.
Đó chính là sự “đột phá” + “mạo hiểm” trên nền tảng tri thức và cái tâm đau đáu
vì đất nước.
Năm 2003, Công ty cổ phần Internet Một Kết Nối OCI là một công
ty thành viên của công ty cổ phần CNTT EIS do Thức làm Tổng giám đốc. Với sự tự
tin, Thức lại dẫn dắt OCI một lần nữa “đột phá” + “mạo hiểm” vào lĩnh vực viễn
thông và CNTT của Việt Nam. Tại thời điểm đó điện thoại Internet mới ra đời.
Thức đã tìm hiểu và dẫn dắt công ty mua lại công nghệ lõi của nước ngoài, từ đó
cùng các kỹ sư CNTT, viễn thông Việt Nam phát triển thành công nghệ và dịch vụ
điện thoại Internet đột phá mang thương hiệu toàn cầu One-Connection. Bất ngờ,
OCI đã khuyến mãi cho toàn dân Việt Nam có thể điện thoại Internet quốc tế miễn
phí đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới trong suốt một tháng.
Đây là sự kiện giật gân chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam trong lịch sử tới thời
điểm đó. Nó khiến tất cả các công ty viễn thông quốc doanh lúc đó phải “ngã
ngửa”, “giãy nảy”! Họ thực sự ngạc nhiên! Các quan chức bộ bưu chính viễn thông
và bộ thương mại lúc đó hoảng sợ. “Nồi cơm” có nguy cơ bị mất, “quyền lực” có
nguy cơ bị tuột khỏi tay! Và họ quay lại ngăn cấm OCI ngay lập tức bằng các văn
bản được cho là theo luật. Lúc đó, tôi đang là chủ tịch HĐQT OCI đã sắp bị bắt
vì dám xâm nhập vào “vùng cấm địa” và người bị bắt tiếp theo sẽ là Thức! Nhiều
lý do được đưa ra, trong đó “an ninh quốc gia” là lý do nghe ghê sợ và có vẻ
hợp lý nhất để bảo vệ cho đặc quyền, đặc lợi và những kẻ chây lười, bảo thủ
nhưng muốn ăn trên, ngồi trốc. Nhưng OCI đã lùi một bước và tiếp tục tiến lên
nhiều bước, đã vượt qua cơn hiểm nguy và chiến thắng. Kể từ đó, lĩnh vực viễn
thông và các dịch vụ gia tăng CNTT, internet đã phát triển rực rỡ tại Việt Nam.
Giá cả ngày càng giảm, doanh thu, lợi nhuận của ngành này ngày càng tăng, kể cả
trong thời điểm suy thoái kinh tế của đất nước những năm qua. Các công ty quốc
doanh VNPT, Vietel không chết như lo sợ mà ngày càng phát triển. Để ngày nay ai
cũng có thể dùng Internet, điện thoại di động một cách thoải mái với các dịch
vụ đa dạng, giá rẻ chưa từng có… phải chăng chúng ta hãy thầm cảm ơn những kẻ
dám tiên phong “cầm đèn đi trước ô tô”, có tư duy “hoang tưởng” mở lối ra cho
đất nước như Thức. Có lẽ kể cả những kẻ đã từng coi Thức và chúng tôi như kẻ
thù không đội trời chung, nay đang hưởng lợi ở những lĩnh vực hết sức cạnh
tranh, không còn rào cản ngăn cấm, đang âm thầm cảm ơn là đã có những người tiên
phong như Thức.
Năm 2009, tháng 5,6,7, chúng tôi - Thức, Long, Định, Trung - lần
lượt bị bắt vì dám “đột phá” + “mạo hiểm” chạm đến lãnh địa khác có tầm vóc
“khủng” hơn nhiều: chính trị, kinh tế, xã hội. Lần này thì bị bắt thật, chứ
không phải “xém” bị bắt nữa. Và điều họ kết tội chúng tôi là dùng “thủ đoạn”
“diễn biến hòa bình” để “âm mưu”,“hoạt động (chính trị) nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân”. Trong bài trả lời phỏng vấn đài Việt ngữ quốc tế BBC mới đây hôm
22/11/2013, tôi đã nói tôi bị ép cung từ lúc điều tra đến khi xét xử và khẳng
định cả 4 người chúng tôi vô tội. Đó chỉ là một phần sự thật mà tôi có thể nói
lên lúc này. Thực sự, tôi không có bất cứ cáo buộc cá nhân nào với những an
ninh, cảnh sát đã điều tra, bắt, giam giữ chúng tôi hay những kiểm sát viên,
thẩm phán, hội thẩm đã làm sai đối với chúng tôi vô tình hay cố ý. Trong cơ
chế, thể chế như thời gian qua, họ không có cách nào khác. Lỗi chính không
thuộc về họ. Chúng ta sẽ có dịp trở lại chủ đề này vào một lúc khác.
Vậy thực chất “âm mưu” đó là gì? “Âm mưu” đó đã được bạch hóa
trong cuốn sách “Trần Huỳnh Duy Thức và con đường
nào cho Việt Nam”. Xin mời quý vị vào tải cuốn sách e-book đó về để
tìm hiểu chi tiết. Tôi chỉ xin “bật mí” những thông tin thêm như sau:
Đó là những trao đổi về văn hóa Việt Nam, trong đó có những nhận
định Việt Nam là trung tâm giao lưu văn hóa Đông Tây. Chúng ta có chữ viết theo
kiểu phương Tây nhưng cách phát âm và văn hóa theo kiểu phương Đông. Nên Việt
Nam sẽ là nơi hội tụ và là trung tâm tri thức, văn hóa Đông – Tây, là cái chợ
quốc tế, nơi trung lập, trung chuyển tri thức của toàn thế giới về kinh tế, văn
hóa, chính trị.
Đó là những trao đổi về giáo dục, mà có lẽ nhiều người hết sức
bất ngờ là nên phát triển, đào tạo cả hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Hoa từ
bậc phổ thông cấp tiểu học càng sớm càng tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đó. Đó cũng chính là không phân biệt hay định
kiến về Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng khen ngợi và đề nghị học cái hay
của Trung Quốc khi phát triển việc giáo dục lịch sử dân tộc bằng điện ảnh hết
sức sâu sắc và hoành tráng.
Đó là không phân biệt đối với người “bên thắng cuộc” hay “bên
thua cuộc”. Cần tôn trọng nhau thực sự, khép lại quá khứ, hướng tới một tương
lai tươi sáng cho dân tộc. Đó cũng chính là không phân biệt về chính trị, về
bất cứ một chủ thuyết nào, cần chắt lọc tinh hoa của nhân loại và loại bỏ những
sai lầm của bất cứ chủ thuyết nào, bất cứ ai, bất cứ đảng phái chính trị nào để
tìm ra con đường sáng cho dân tộc.
Đó là việc cảnh báo những nguy cơ bị thôn tính về kinh tế, về
chủ quyền quốc gia, về “nội xâm”. Nguy cơ đó bất kể từ đâu, từ các bầy thú điện
tử sừng ngắn, sừng dài; từ quan chức tham nhũng; từ bán rẻ tài nguyên, tàn phá
môi trường; từ sự bảo thủ, lạc hậu …
Đó là việc tìm kiếm các giải pháp cho dân tộc trong thời đại
mới: tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nâng cao dân trí, chấn
hưng dân khí, phát triển dân sinh. Là nghiên cứu các mô hình phát triển hàng
đầu thế giới của các nước tiên tiến để áp dụng cho đất nước ta sớm trở thành
cường quốc. Là sử dụng sức mạnh của thời đại, của công nghệ mới, của kinh tế
tri thức, của văn hóa Lạc Hồng để chấn hưng đất nước và góp phần quan trọng vào
hòa bình và hạnh phúc nhân loại.
V.v... và v.v…
Thomas Friedman, tác giả các cuốn sách nổi tiếng về toàn cầu
hóa, trong tác phẩm “Thế giới phẳng” đã viết có đoạn đại ý như sau: Tương lai
của thế giới thuộc về những người dám mở lối, có những ý tưởng gần như hoang
tưởng! Thức là như vậy, dám dấn thân, mạo hiểm, không ngại điều tiếng, dèm pha
để dân tộc Việt Nam được bừng tỉnh, thoát khỏi kiếp đói nghèo, lạc hậu. Với
tình yêu quê hương như máu thịt, Thức có cái hào sảng, bộc trực của người miền
Nam, cái sâu lắng, tinh tế của người miền Bắc. Thức là thế, dám vì mọi người,
dám đương đầu với khó khăn nguy hiểm vì mục đích trong sáng và tối hậu cho dân
tộc Việt Nam bừng sáng. Nhiều người ngày càng hiểu ra và ủng hộ anh. Nhiều
người từ chỗ căm ghét anh đã hiểu ra anh và ủng hộ anh. Đồng đội anh ngày càng
nhiều, họ đang dấn thân trong âm thầm hay công khai trên mọi nẻo đường của đất
nước và trên khắp thế giới để gieo hạt mầm may mắn, yêu thương, thịnh vượng, hòa
bình, hạnh phúc cho mọi người, cho dân tộc Việt Nam.
Thức = Đột phá + Mạo hiểm !
Mọi người sẽ nhớ đến anh. Họ đã kết án anh trên 20 năm (16 năm
tù và 5 năm quản chế), bởi vì như trước đây họ đã từng vô cùng hoảng sợ trước
những gì quá mới. Anh đang đối mặt với những rủi ro và nguy hiểm hàng ngày
trong nhà tù. Nhưng đó cũng là sứ mệnh của anh: “đột phá” + “mạo hiểm” để khép
lại quá khứ. Những người tiên phong như anh không bao giờ chết trong lòng dân
tộc. Lịch sử sẽ ghi công anh. Và tôi tin rằng họ sẽ sớm “ngộ” ra để sớm đưa anh
về nguyên vẹn trong vòng tay gia đình và nhân dân.
Ngày mai 28/11/2013, quốc hội hiện tại sẽ biểu quyết để thông
qua hay không sửa đổi hiến pháp 1992 lần này. Không biết họ đã “ngộ” ra chưa?!
Ngày mốt 29/11 là ngày sinh nhật Thức. Viết về anh để mong nhiều
người trong chúng ta sớm “ngộ” ra một sứ mệnh của dân tộc Việt Nam, dân tộc Lạc
Hồng thân yêu: vì hòa bình và hạnh phúc nhân loại!
Kỷ niệm ngày sinh của anh, nhớ về anh và tri ân về tất cả những
Con Người Yêu Nước đã hy sinh hay đang âm thầm chịu đựng bao nhiêu gian khổ,
hiểm nguy vì một tương lai rực rỡ cho dân tộc Việt Nam.
Bỗng nhớ đến Long Quân, cậu con trai bé nhỏ của tôi mới hỏi: “Ba
ơi,“ngộ” là gì hả ba?”!
Còn bạn thì sao, bạn có chia sẻ góc nhìn của tôi về Trần Huỳnh
Duy Thức?!:
Thức = Đột phá + Mạo hiểm !
Thức ơi, thôi lâu rồi, về sớm đi nhé, tôi nhớ
ông lắm, Thức ạ!
Sài Gòn, Việt Nam, 27/11/2013 - Kỷ niệm ngày sinh Trần Huỳnh Duy
Thức 29/11.
Lê Thăng Long, đồng khởi xướng Phong
trào Con đường Việt Nam
No comments:
Post a Comment