CHƯƠNG III
Cai ngục của tôi, chính là anh công an mang cho tôi bộ quần áo, dẫn tôi tới trước một cánh cửa lim sơn đen, nằm giữa loạt cánh cửa giống hệt nó trong một hành lang hoang vắng và mốc thếch. Tất cả hiện lên mờ mờ trong ánh sáng bủng beo đầu đông. Tôi đứng lặng, ngắm giang sơn mới của mình. Dội vào óc tôi tiếng mở khóa. tiếng then kim loại trượt trong hõng. Ngoài những tiếng động chát chúa, khu giam người này vắng lặng và ảm đạm như một hầm mộ. "Những nấm mồ chôn người sống", tôi nghĩ. - Anh vào trong này ! Tôi ngạc nhiên. Tôi không chờ được nghe một giọng nói hiền lành như thế. Tôi hình dung mọi cái ở đây phải tồi tệ hơn nhiều, phi nhân hơn nhiều, kể cả cách cai ngục nói với tù.
Bước ngoặt cuộc đời diễn ra quá lẹ. Sau một Huỳnh Ngự hách dịch, giọng nói bình thường mà người ta nói với nhau hàng ngày đã đủ làm tôi sửng sốt. Tôi lẳng lặng quan sát viên cai ngục. Trên gương mặt nông dân thuần phác, nước da thô đầy những sẹo trứng cá, cái mũi to quá khổ, không có lấy một nét gian giảo hoặc ác độc mà ta đinh ninh phải có. Một gương mặt như thế có thể gặp ở bất cứ đâu trong vùng châu thổ sông Hồng. Ðã bước một chân vào xà lim, tôi dừng lại : - Tôi có việc muốn phiền đồng chí. Anh ta nhướng mắt : - Việc gì vậy ? - Nhờ đồng chí báo giùm cho cơ quan tôi ở số 76 Lý Thường Kiệt biết tôi hiện ở đây. - tôi nói, giọng không tự tin cho lắm - Ðồng chí gọi điện thoại số 3508, cơ quan tôi lúc nào cũng có người trực. Hình như anh ta mỉm cười. Tôi sực nhớ : trong nhà tù không được phép gọi công an bằng "đồng chí". - Ðược. - Nhân thể xin anh nhắn giùm người phụ trách căng-tin bảo chuyển cho tôi thuốc lá tiêu chuẩn. Và một cái bật lửa. - Ðược. Kiên nhẫn nghe hết lời nhắn của tôi, anh ta quay ra. Cuộc đối thoại hôm ấy giữa tôi với cai ngục hẳn đã cho những người tù ở các xà lim bên cạnh một trận cười, như sau này tôi hiểu. Nó giống chuyện tiếu lâm. Cánh cửa lim đóng xầm. Sau cái tiếng động không lịch sự là tiếng then rít lên trong hõng, tiếng bấm khóa, tiếng chân xa dần. Căn phòng tối hẳn lại. Quay vào, tôi thấy một cái đầu bù xù ngẩng lên trong tranh tối tranh sáng. Thì ra ở đây đã có sẵn một cư dân. Người này cất giọng khàn khàn hỏi tôi : - Anh mới vào ? Tôi hiểu đó là một câu chào. Tôi chào lại. - Vâng. Mắt tôi quen dần với bóng tối. Trước mặt tôi là một người đàn ông đứng tuổi, mái tóc dài rũ rượi bao quanh gương mặt xương xẩu, đen xạm, râu ria tua tủa. Anh ta khoác tấm chăn sợi Nam Ðịnh đã rách và chắc là rất bẩn, ngồi bó gối trên phản, giống hệt một con cú mèo. - Anh vừa bị bắt ? Người tù trừng trừng quan sát tôi. Hình hài tiều tụy cộng với cái nhìn thất thần dính chặt vào mặt tôi làm tôi cảm thấy khó chịu. Tôi lạnh nhạt : - Vâng, cách đây mấy giờ tôi còn ở ngoài kia. - Thế à ? Xà lim của chúng tôi là một căn phòng hẹp, chiều ngang khoảng hai mét, chiều dài hai mét rưỡi, với hai tấm phản xi măng cách nhau bởi một lối đi vừa cho một người. Cuối mỗi phản, sát cửa, là một cái cùm sắt. Tôi ngồi xuống tấm phản đối diện với người tù. Cái lạnh lẽo của khối xi măng đặc lọt qua lần vải chạm vào da thịt. Tôi rùng mình. Xà lim phảng phất một mùi hôi hám khó tả, hòa trộn mùi mồ hôi người chua chua nồng nồng, mùi nước tiểu lưu niên khăn khẳn với mùi tanh của đờm rãi thường gặp trong nhà thương làm phúc. Chà, xà lim Hỏa Lò, nó thế này đây ! Lần đầu tiên tôi được thấy nơi giam tù trong phòng riêng, còn gọi là xà lim cá nhân, là ở nhà tù Petropavlovsk, mùa hè năm 1955. Khi ấy tôi là một sinh viên chưa có ria mép, được nhà trường cho đi tham quan các di tích lịch sử của nước Nga. Nhà tù Petropavlovsk nằm bên kia sông Neva, mà bên này là thành phố Lêningrađ. Nghe cô hướng dẫn viên giải thích thì trước kia nó là một pháo đài, sau được xây lại thành xưởng đúc tiền, Nhà Tiền(1), thuộc ty Ngân khố quốc gia, sau nữa mới thành nhà tù. Trong xà lim dành cho những nhà cách mạng ở nước Nga quân chủ có một giường, một bàn, một bồn rửa mặt, một bàn cầu, tất cả đều bằng sắt, được gắn chết vào bê-tông. Ngoài ra còn có một tủ tường để đựng sách và đồ dùng. Xà lim Hỏa Lò hẹp hơn nhiều, diện tích chưa được bằng nửa, lại trống trơn. Ðem hai cái xà lim ra so sánh thì xà lim thời Nga hoàng giống một phòng trọ rẻ riền, còn xà lim Hỏa Lò giống một chuồng thú. - Anh ở đây bao lâu rồi ? - hai tay ôm ngực cho đỡ rét, tôi hỏi anh bạn tù. Anh ta không trả lời ngay : - Năm năm. Tôi ớn lạnh. Năm năm ? Trong cái chuồng này ? Người tù thở nặng nhọc. Anh ta quay mặt vào tường, chậm rãi hút thuốc lào. Tôi không nghe tiếng lọc xọc quen thuộc của điếu ống hay điếu bát. Khói thuốc cay nồng lan tỏa làm cho căn phòng ấm lên được một chút. - Hà Nội bây giờ có gì khác không anh ? - anh tù hỏi, húng hắng ho. - Năm năm, chà... - tôi đáp - Cũng chẳng khác trước mấy đâu. Xem nào, so với năm năm trước Hà Nội bây giờ khác cái gì ? Hai bên hè phố có nhiều hố cá nhân, cứ vài mét một cái. Nhiều tự vệ đeo súng. Trên những nhà cao đặt nhiều đại liên, trung liên. Phong cảnh mới của Hà Nội là thế. Thành phố, tất nhiên, vắng hơn trước. - Nhưng vẫn còn đông chứ ? - Vẫn đông. Hà Nội bao giờ cũng vẫn là Hà Nội. Vắng đi một anh một tôi chẳng nghĩa lý gì đối với nó. Anh tù thở dài. - Anh bị tội gì ? Người tù không trả lời. - Tôi tò mò hỏi vậy thôi, anh đừng nghĩ ngợi. Anh ta ngẩng lên lặng lẽ quan sát tôi. Rồi nói khẽ, như thì thầm : - Tôi bị tội giết người. Một tên sát nhân đấy ư ? Không có lẽ. Trong hình dung của tôi tên sát nhân phải dữ tợn hơn, với đôi mắt xếch đầy lòng trắng chẳng hạn. - Ngộ sát, chắc vậy ? Anh ta đáp, giọng miễn cưỡng: - Chuyện dài. Mà rắc rối lắm. - Anh bị xử mấy năm ? - Nào đã được xử đâu mà biết ! - Mà đã năm năm rồi ? Anh tù lúng túng. Chắc hẳn muốn chọe tên lính mới tò te anh ta đã thổi phồng số thời gian ở đây. Bây giờ anh ta ngượng. - Còn đang giam cứu. - anh ta thở dài đánh sượt - Chưa biết đến bao giờ. - Giam cứu nghĩa là thế nào ? - Là người ta cứ giam mình đấy đã để điều tra nghiên cứu. Bao giờ điều tra xong, nghiên cứu xong thì đem xử. - Giam cứu thường có lâu không ? - Biết thế nào được. Cũng tùy vụ, tùy người...Nhanh thì sáu tháng, một năm, chậm thì vài ba năm không chừng. - Xử rồi người ta có trừ đi thời gian đã ở tù không ? - Trừ chứ. - Thế nếu điều tra xong anh lại trắng án ? Hoặc án xử lại ít hơn thời gian anh đã ngồi tù, vì tội ngộ sát chẳng hạn ? - Thì người ta cho về. - Có thế thôi ? - Ðược về là phúc rồi, còn muốn cái gì nữa ? Bắt người ta ngồi tù đền à ? Chòm râu rung rung, anh ta cười không có tiếng. Bên ngoài có tiếng chân người. Miếng tôn ở cái khung hình vuông bằng bàn tay ở cửa dịch sang bên. Một con mắt ngó vào. Miếng tôn khép lại. - Cái gì thế ? - Các ông bộ đội kiểm tra. Kệ, không sao đâu. - Bộ đội sao lại gác ở đây ? - Công an quản lý trại, gác trại là Công an nhân dân vũ trang. - Lôi thôi nhỉ ? Ðã có công an rồi lại còn thêm công an nhân dân vũ trang. Anh ta cười khúc khích. - Mỹ ném bom Hà Nội có nhiều không anh ? Tôi ngạc nhiên : [M3] - Trong này anh không nghe thấy gì sao ? - Có chứ, có nghe thấy còi báo động. Nghe thấy tiếng nổ. Nhưng trong phòng kín như bưng thế này nghe chỉ ầm ầm, ầm ầm, không phân biệt đâu là tiếng tên lửa phòng không, đâu là tiếng bom... Anh ở đây rồi khắc biết. Bom đạn Mỹ rót xuống đất Thăng Long phi chiến địa, theo lời sấm Trạng Trình, không phải bây giờ là lần đầu. Mùa thu năm 1944, những pháo đài bay B26 đã bay đến đây ném bom khu Tám Mái, ném bom bên cạnh Quần Ngựa. Những mẩu tro của đám cháy lớn từ kho Tám Mái bay khắp Hà Nội, rơi xuống những hầm trú ẩn gần đền Hai Bà còn nguyên hình nống vải kaki. Mấy con ngựa đua của ông Ðỗ Kim Hải, bạn cha tôi, chết cứng trong tàu vì mảnh bom, bốn cẳng duỗi thẳng đơ, trông như ngựa gỗ, với những con mắt ngây dại bằng thủy tinh. Người tù nằm xuống, kéo chăn lên, lạnh lùng quay mặt vào tường. Tôi còn lại một mình. Cảm giác đầu tiên ập đến, làm tôi choáng váng, là thời gian đang chảy trôi bỗng ngừng lại đột ngột. Tưởng chừng thấy được, bằng thị giác, bằng xúc giác, cái thanh chắn, cái cột mốc ngăn đôi cuộc đời - bên kia là quá khứ, là phần đã mất, còn bên này, nơi tôi hiện diện, là sự ngưng đọng mở đầu cho cõi bất tri, thăm thẳm, khôn cùng. Tôi sẽ phải ở đây bao lâu ? Bao nhiêu tháng ? Hoặc, trời hỡi, bao nhiêu năm ? Tôi không được chuẩn bị để phải chịu đựng cảnh này. Tôi có thể hình dung mình trong nhà tù đế quốc, nhưng không bao giờ tôi hình dung mình trong nhà tù cộng sản. Nhớ lại những ngày Tháng Tám tưng bừng, khi tôi còn là đứa trẻ, mà tiếc. Trước mắt tôi cuộc đời mở ra toàn một sắc hồng. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập Hà Nội. Tiếng trống ếch thiếu nhi vang rền trên các phố. Những đám đông rầm rập như những dòng lũ người, ồn ào tiếng hát, tiếng thét vui mừng. Thế là cách mạng thành công rồi, mẹ tôi nói. Nhìn thành phố biến đổi như do một phép màu trong niềm vui chung của mọi người mọi nhà, mẹ tôi nước mắt rưng rưng, miệng cười mếu máo vì xúc động. Thế là nước ta độc lập rồi ! Chúng tôi reo mừng, chúng tôi nhảy cỡn lên vì sung sướng. Thế là từ nay chẳng bao giờ mẹ con chúng tôi còn phải thao thức đêm đêm, giật mình với mỗi tiếng phanh ô tô rít lên ngoài đường. Chẳng bao giờ hai mẹ con tôi còn phải chầu chực bên ngoài bức tường đá Hỏa Lò chờ đến lượt mình được gọi tên vào thăm cha tôi trong đó. Cùng với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp Hà Nội, tâm hồn chúng tôi mọc cánh trong niềm vui tự do. Tuổi thơ của tôi chấm dứt từ đó. Tôi lăn vào các công tác cách mạng đáng lẽ của người lớn, bắt đầu bằng một đội viên tuyên truyền xung phong. Chúng tôi diễn kịch, ca hát, chúng tôi lang thang làng này qua làng khác, trong không khí hội hè bất tận. Rồi lớn lên, tôi thành người lính, thành cán bộ. Những năm xen kẽ giữa các công tác, thỉnh thoảng lại bị bố mẹ bắt về đi học, là những năm tôi bứt rứt lắm, ngứa ngáy chân tay lắm; sểnh ra tôi lại lên đường. Chiến tranh, tất nhiên, gắn liền với bom đạn, với hy sinh. Nhưng chúng tôi không sợ. Lớp trẻ chúng tôi đi vào chiến tranh với những khúc quân hành hùng tráng và những bản tình ca lãng mạn. Chúng tôi không sợ hy sinh, chúng tôi không sợ chết. Thế hệ chúng tôi là thế hệ quyết tử quân của cách mạng. "Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh(2)...", Chúng tôi nghe thấy giọng nói sang sảng của Bác Hồ giục giã. Chúng tôi hăng hái ra đi theo lời Bác gọi. Không khó khăn gian khổ nào có thể làm chúng tôi chùn bước. Ðó là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Nếu, nói ví thử điều không thể có, tôi sống thêm một lần và lịch sử lại lặp lại những ngày Tháng Tám, chắc chắn tôi sẽ lại sống như tôi đã sống. Trước mặt chúng tôi là quân xâm lược, sau lưng chúng tôi là nền độc lập vừa giành được, là Tổ quốc. Không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc thì cuộc cách mạng của chúng tôi bỗng dưng trở thành không phải của chúng tôi nữa. Một phép lạ, hoặc một ma thuật, đã xảy ra. Nó vẫn đấy, nhưng không còn là nó. Trước mắt chúng tôi là một cái gì lạ lẫm, hoàn toàn không giống cái mà chúng tôi hình dung khi lên đường chiến đấu. Người ta nói với chúng tôi : có gì đâu, chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, chúng ta đang xây dựng một xã hội mới, một thể chế mới, nền nếp mới. Phải học tập để quen với nó, để hội nhập với nó. Mọi quá trình tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ đều là gian nan, đều không dễ dàng, đều phải trả giá bằng sự từ bỏ quan niệm cũ, lề thói cũ. Cái xã hội mới ấy hình thành dần, mỗi ngày một rõ nét. Càng ngày nó càng trở nên xa lạ. Càng ngày nó càng giống cái mà chúng tôi vừa chiến đấu để xóa bỏ. Chỉ có bề ngoài là khác, với ngôn từ khác. Tôn ti trật tự của xã hội mới được thiết lập ngay từ những ngày đầu chúng tôi từ chiến khu về Hà Nội. Một thí dụ nhỏ : theo quy định trong quân đội, từ binh nhì tới chỉ huy trung đội phải mặc áo đại quân có hai túi trên, vai áo có đệm dày (để mang vác) với nhiều đường chỉ máy cho bền, tôi không đếm có bao nhiêu đường, lính tráng gọi là "ba mươi hai đường gian khổ". Cán bộ từ cấp bậc đại đội trở lên được mặc áo không có "ba mươi hai đường gian khổ", thêm hai túi dưới, gọi là đại cán. Cán bộ dân chính, cũng theo quy định, phải mang đại cán nhưng khác màu bộ đội. Ðó là thứ áo cổ đứng cài đủ cúc, được những ông phó may gọi là kiểu Tôn Trung-sơn(3). Khi lệnh này ban ra đoàn quay phim chúng tôi đang ở thành phố Nam Ðịnh vừa giải phóng. Trên không kịp cấp phát quần áo, người trong đoàn được lĩnh tiền tự đi may. Tôi không thích cái kiểu Tôn Trung-sơn, bèn dùng tiền may quần áo thường : áo sơ-mi, quần ximili. Thế là sóng gió nổi lên, tôi bị phê bình gay gắt về tội vô kỷ luật. Ðành phải thành khẩn nhận khuyết điểm trước tập thể, hứa sẽ may một bộ đại cán đúng quy định, tôi mới được buông tha. Kỳ cục nhất, buồn cười nhất là chuyện quy định về sử dụng xe cộ. Cấp cục, vụ được đi chung xe Mốt-cô-vích (Moskovich). Cấp thứ, bộ trưởng được đi xe Pobeđa (Pobeda), đi riêng, với rèm che hai kính hông. Cấp ủy viên Trung ương đi xe có che thêm rèm ở kính hậu. Còn các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư đi xe Von-ga (Voga), thêm rèm ở hai kính cửa trước. Lãnh tụ tối cao, tổng bí thư sang hơn nữa, có Chai-ka (Tsaika). Khi tiếp khách hoặc trong những dịp khánh tiết thì dùng xe Din (Zil)(4) bọc thép có kính chống đạn. Vừa về tới Hà Nội mỗi vị lãnh tụ đã chiếm một dinh thự khang trang, của Tây hoặc của các nhà giàu bỏ chạy vào Nam, mỗi nhà là một hành dinh với đầy đủ các bộ phận phục vụ, thư ký, lái xe, bảo vệ, cần vụ, cấp dưỡng. Các vị làm việc tại nhà, các thư ký, giao thông viên chạy như đèn cù giữa các hành dinh để các vị liên lạc với nhau. Khó chịu nhất là cái sự phải gò mình vào trong cái gọi là dân chủ tập trung. Bất cứ quyết định nào của Trung ương cũng là chân lý, là duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt, cấp dưới chỉ có việc học tập cho thông để thực hiện. Không còn đâu bóng dáng của sự bình đẳng giữa những người cùng chung một chiến hào. Tôi nhớ một ca khúc của Tô Hải hồi ấy bị cấm hát. Nó bị cấm vì lời ca ủy mị, theo quan điểm của Ðảng, nhưng lính tráng lại thích. Chỉ với một từ bị đổi, một từ thôi, biến chữ triệu thành chữ vài, tâm trạng người lính sau ngày chiến thắng được bộc lộ : Ngày về tươi vui. Nhưng giữa thủ đô ai chẳng ngậm ngùi. Bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng, Bao má nhăn nheo lệ cuốn tơi bời. Chờ chồng mong con ngày về chiến thắng, Trông toán quân về đếm thiếu những ai. Ðây căm hờn dựng lên ngàn phố Máu xương xây vài chiếc lâu đài Hồn quân đi còn vương đây đó Với đô thành kiếp kiếp khôn nguôi ! Người ta nói rằng những người cách mạng bị biến chất sau thắng lợi. Tôi loại trừ khả năng đó. Chất của con người thế nào thì nó thế ấy. Có điều mắt chúng ta kém, tầm nhìn của chúng ta hẹp, chúng ta không thấy mà thôi. Anh tù lục cục bò dậy. Hình như anh ta khó ngủ. - Này, Mỹ đã bỏ bom những phố nào hả anh ? - Mỹ chưa bỏ bom Hà Nội. Nam Ðịnh thì có, bị khá nhiều. Tôi vừa ở Nam Ðịnh về cách đây vài ngày. - Sao người ta nói Hà Nội cũng bị ? - Người ta lầm. Có hai lần máy bay Mỹ phóng tên lửa vào nội thành : một lần ở chợ Hôm, một lần sát đại sứ quán Pháp ở góc Hàm Long - Bà Triệu. - Chết nhiều không anh ? - Lần ở chợ Hôm chết cũng khá. Lần sau thì không. Hình như có mấy người bị thương. Anh ta lẩm bẩm câu gì không rõ. - Khi có báo động người ta có cho tù ra hầm trú ẩn không ? - tôi hỏi. Anh ta bật cười khe khẽ. - Ra hầm trú ẩn ? Còn lâu. Mà sao từ sáng không có còi báo động nhỉ ? Tôi ngạc nhiên thật sự. - Hôm nay ngừng bắn mà. Anh không biết ? - Ngừng bắn ? Mà sao lại ngừng bắn cơ chứ ? - Ủa, anh không biết thật ? - Thì ngồi đây làm sao mà biết được ?! - Hôm nay là 24 tháng Chạp dương lịch. Nửa đêm sẽ có lễ mừng Thiên Chúa giáng sinh. Anh tù ngẩn người. Như kiểu thất vọng. Nghe ngóng một lát, anh móc từ trong hốc phản ra một cái đinh năm phân, không vội vã khắc lên tường xà lim một cái dấu. Tường xà lim rất cứng. Chật vật lắm anh mới khắc được một nét. - Tôi lầm ngày mất rồi. - anh buồn bã - Thế quái nào mà lầm được mới lạ chứ ? Tôi cứ ngỡ mai mới No-en. Còn anh, làm sao anh bị bắt ? Tôi không trả lời ngay. - Biết giải thích thế nào cho anh hiểu. - tôi nhún vai - Chính tôi cũng không biết vì sao người ta bắt tôi. Tôi muốn nói không hiểu người ta định buộc tôi vào tội gì... Chẳng lẽ anh ta hỏi mà mình không trả lời, tôi nghĩ, chuyện của mình thường phạm hiểu sao được. - Tại sao lại không biết ? - anh ta ngạc nhiên - Khi bắt phải có đọc lệnh bắt chứ, mà trong lệnh bắt bao giờ người ta cũng nói tội gì. - Người ta bắt tôi ở giữa đường rồi đưa thẳng vào đây. Cái đầu bù xù trầm ngâm gật gật : - Vậy thì hiểu rồi, hiểu rồi - bị bắt mà không rõ vì tội gì thì chỉ có món số lẻ thôi. Lạ, sao lại bắt giữa đường ? Chính trị, nó như con đĩ ấy, kinh lắm... Tôi bật cười. - Tại sao anh lại gọi chính trị là cái món số lẻ ? - Anh không biết à ? Mà làm sao anh biết được, anh chưa vào tù bao giờ... Gọi chính trị là số lẻ do thế này : tù chính trị mang số tù lẻ, gọi là số lẻ, tù hình sự mang số chẵn. - Ra thế ! Tôi không biết. Không thấy họ nói tôi mang số nào. - Chắc anh bị ghép vào tội tuyên truyền phản động. - Tôi cũng chẳng rõ. - Tội này rộng. Mà lại không rõ ràng. - anh ta thở dài - Ăn nói không giữ gìn, lỡ mồm lỡ miệng đụng đến chính quyền hay lãnh tụ là đi tong. Cứ có đứa báo cáo là người ta tom ngay, không oong đơ gì hết... Trong này ối trường hợp như anh. May thì được đưa ra tòa xử. Không may, bị một suất tập trung cải tạo(5) coi như rồi đời. - Tập trung cải tạo nghĩa là thế nào ? - Nghĩa là cứ tù mút mùa. Bao giờ người ta thích tha thì người ta tha. - Tại sao lại có thể như thế được ? Người tù im lặng sửa lại cái chăn trên vai vừa tụt xuống, lại quay mặt vào tường, hút tiếp một điếu thuốc lào. Trong phòng mỗi lúc một lạnh thêm. Nghe rõ tiếng gió hú bên ngoài. - Anh là cán bộ kháng chiến chống Pháp phải không ? - Phải. - Thế thì không bị tập trung cải tạo đâu, đừng lo. - Tôi chẳng lo. Họ có quyền bắt thì họ cứ việc bắt. - Anh không nên nói thế. Người ta đã bắt, nghĩa là mình phải có tội. Tôi nhún vai. - Mình không nghĩ là tội người ta cứ nghĩ là tội thì vẫn thành tội như thường... Có nên trò chuyện với anh chàng giết người này không nhỉ ? Nói cũng chẳng sao, đàng nào thì cũng thế. - Nói của đáng tội, giữa tôi và Ðảng cũng có vài chuyện lủng củng. - Chết chửa, thế thì căng lắm ! - anh tù lắc đầu - Mà tại sao các ông ấy lại cho anh vào xà lim này nhỉ ? Tôi không hiểu ngay ý nghĩa câu nói. - Anh nói thế nghĩa là thế nào ? - Thường người ta không giam lẫn lộn số chẵn với số lẻ. Mà anh thì rành rành là số lẻ rồi... Ra thế. - Nghĩa là tôi là đối tượng(6) của cách mạng còn anh thì không chứ gì ? Chính tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại giam kẻ thù của nhân dân lẫn với bạn của nhân dân ? Trong những cuộc giáo dục chính trị các giảng viên thường xuyên dạy chúng tôi phải phân định rõ bạn thù. Hiển nhiên cách phân định này vẫn giữ nguyên ý nghĩa trong cả Hỏa Lò - những tên lưu manh trộm cướp, những tên sát nhân là bạn của nhân dân, còn người bị buộc tội chống chế độ là kẻ thù của nhân dân. - Anh có thể phản đối nếu người ta lầm. - tôi nói thêm - Họ đưa tôi vào đây thì tôi vào đây. Họ có hỏi ý kiến tôi đâu. Tôi cũng không đề nghị... Tôi không kịp nói hết câu. Không khí lạnh trong phòng làm tôi hắt hơi chan chát. - Anh không có quần áo ấm à ? Anh bạn tù ngẩng nhìn tôi. Giọng nói của anh có chiều ái ngại. - Chúng nó thu hết quần áo của tôi - tôi vẫn tiếp tục ho - rồi đưa tôi bộ này. Người tù nhớn nhác. Cái nhìn của anh hướng về ô cửa kiểm tra. Tai tôi cũng bắt được một tiếng động lạ. - Dào, rồi các ông ấy sẽ cho anh nhận lại thôi, việc quái gì mà sốt ruột. - anh ta cất cao giọng, cố ý nhấn mạnh hai chữ các ông kính cẩn để xóa đi hai chữ chúng nó xách mé của tôi, cốt để người bên ngoài nghe thấy. Tôi chợt nhớ ra tên gọi tiếng Pháp của cái lỗ cửa nọ : le judas. Tên của tông đồ thứ 13 của Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô, kẻ bán thầy cho quan Phi-la-tô lấy ba mươi đồng đi-na. Có tiếng chân đi xa dần. - Nếu anh rét quá thì cứ lấy tạm đồ của tôi mà dùng. Thái độ ân cần của anh làm tôi ngượng. Nhưng dùng đồ của anh ta ? Tôi rùng mình. Không khi nào ! - Cảm ơn anh. Chúng nó phải trả lại cho tôi quần áo chứ, ít nhất cũng phải trả cái áo bông. Chúng nó không có quyền... - Anh vừa vào không biết luật lệ trong này thế nào đâu. - anh ta hấp tấp cắt ngang - Ðã vào đến trong này là mình không còn cái quyền nào hết. Trả hay không trả, trả cái gì, không trả cái gì, trả lúc nào là tùy các ông ấy. Người ta đã tính toán cả. Cả cái sự tôi bị đưa vào xà lim ở chung với người tù có bộ dạng gớm ghiếc này cũng đã được tính toán, chắc thế. Một phương án, theo ngôn từ nghề nghiệp của công an. Có tiếng dép nhựa loẹt quẹt trên nền xi-măng ở bên ngoài. Tiếng mở khóa lạch xạch. Rồi cửa xà lim mở toang. - Cơm ! Viên cai ngục nông dân đặt xuống trước mặt tôi một cái tô tráng men. Trong ánh sáng mờ mờ lọt qua cửa thông gió ở tít trên cao tôi nhìn thấy trong cái bát men lổn nhổn một thứ gì đó giống như rau muống nhưng đen xì. Những cọng rau bập bềnh trong nước lõng bõng, ở trên cùng có hai miếng mì luộc trông giống như cặp bánh dầy con ở các gánh dầy giò thường bán ở bến tàu bến xe, nhưng mỏng hơn. Liếc nhanh quan sát tôi, viên quản giáo quay ra, khóa cửa lại. Tiếng cài then lạch xạch xuyên vào óc. - Còn suất của anh đâu ? - tôi hỏi. - Tôi ăn lâu rồi. - anh tù quay mặt đi - Cơm trưa ở đây người ta cho ăn từ 11 giờ đến 12 giờ. Lúc ấy tôi còn đang bị khám. Tôi ngán ngẩm nhìn bữa ăn đầu tiên trong tù. Tôi chưa ăn ngay. Trên đồng bánh mì luộc xác những con mọt tí xíu nổi lên lấm tấm như rắc vừng. Rau muống đen là phải : nấu trong chảo gang rau muống bao giờ cũng có màu như thế. Tôi khều mấy cọng rau lên ngắm. Rau muống không được nhặt và rửa kỹ, hoặc không nhặt cũng không rửa, còn nguyên rễ tua tủa và lá vàng. Tôi ngồi bất động một lát trước tô cơm. - Chịu khó mà ăn. - anh tù ái ngại nhìn tôi - Hỏa Lò chỉ có thế thôi. Tôi xếp chân bằng tròn trên phản, từ từ đưa vào miệng, từng miếng một, cái khẩu phần quái gở. Chưa bao giờ tôi phải ăn một thứ gì tệ hại hơn, kể cả trong năm 1949, năm gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi ấy bộ đội chúng tôi thường xuyên ăn cơm gạo mốc với thức ăn là canh bí đỏ nhạt thếch vì thiếu muối. Tôi chiến thắng bản thân. Một lát sau, viên cai ngục quay trở lại lấy bát rếch. Anh ta ngẩn người trước cái bát sạch trơn, lẳng lặng cầm lấy nó, đi ra. - Anh giỏi ! - người bạn tù buông một lời khen.
(1) Hình như kiến trúc của mọi xưởng đúc tiền đều giống nhau ở chỗ có nhiều khu riêng rẽ, ở tính chất kiên cố trong xây dựng, cho nên chẳng riêng ở nước ta, ở nhiều nước khác khi cần thiết người ta cũng biến chúng thành nhà tù. Nhà tù Petropavlovsk trước kia là một Nhà Tiền thuộc Nha Ngân khố của nước Nga quân chủ. Nhà tiền Hà Nội bị chính quyền chiếm đóng sửa lại thành trại giam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954. Trên nền nhà tù này Nhà máy in Tiến bộ được xây dựng. (2) Lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh trong Ngày toàn quốc kháng chiến. (3) Kiểu áo cổ đứng phổ biến ở Trung Quốc. Tôn Trung-sơn, hay Tôn Dật-tiên (1866-1925), nhà cách mạng chủ trương chủ nghĩa tam dân. Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc. (4) Các nhãn hiệu xe du lịch do Liên Xô sản xuất. (5) Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội mang số 49NQ/TVQH do chủ tịch Trường Chinh ký ngày 20.6.1961. Theo Nghị quyết này chính quyền có thể bắt giam các công dân không cần đến thủ tục tố tụng, mỗi hạn tập trung cải tạo được ấn định là ba năm. Khi hết một hạn, người bị tập trung cải tạo có thể và thường bị ở thêm hạn tiếp theo, và cứ thế kéo dài mãi. Ở Trung Quốc, tập trung cải tạo đã có từ sau khi Ðảng cộng sản chiếm được chính quyền ở Hoa lục với hình thức "trường 7.5". Mãi tới tháng 2.1980 nó mới được thể chế hóa bằng một chỉ thị của Quốc vụ viện, theo đó thì bất cứ công dân Trung Quốc nào cũng có thể bị đưa vào trại cải tạo đặc biệt trong một thời hạn nhất định. Trong chuyện này Chu Ân Lai rõ ràng đã đi sau Trường Chinh. (6) Xin hiểu : kẻ thù của Cách mạng .
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 CHƯƠNG KẾT
No comments:
Post a Comment