Đào Tuấn - Nói gì thì nói. Thành thích gì thì thành tích. Nhưng sự thật rõ như ban ngày và không thể chối bỏ: Xuất thô khoáng sản là bán rẻ tài nguyên. Xuất thô nông sản là bán rẻ mồ hôi nông dân. Cái giá đó là quá đắt, hay quá rẻ cho một dòng được coi như “thành tích” cho những người chưa bao giờ là nông dân!?
10 ngày trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được đề cử làm “chiến sĩ thi đua toàn quốc” - một danh hiệu, về nguyên tắc, dành cho những người có thành tích trong lao động sản xuất. Bỏ qua chuyện Thống đốc Bình, người ngay khi vừa ngồi ghế điều hành đã được một tờ báo chọn là“Nhân vật của năm” - có xứng đáng hay không, với tư cách là người trực tiếp gây ra, và giờ đang múa tay trong bị với “cục máu đông” nợ xấu khổng lồ, điều làm cho dư luận kinh ngạc nhất là trong danh sách 60 cái tên được đề cử thì có tới 59 quan chức, người còn lại là một nhà giáo, và không một ai là nông dân.
Không vô cớ khi có người đã nhìn thấy xu hướng “quan chức hóa” những danh hiệu thi đua. Không vô cớ khi có người gọi bản danh sách này là “quan thi đua”.
Trong phiên khai mạc Quốc hội, con số 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, mức cao nhất so với các năm trước, đã được dành một vị trí trang trọng trong báo cáo Chính phủ, như một thành tích vượt bậc, giữa bối cảnh cả nền kinh tế chìm trong suy thoái, đang “suy yếu, bệnh tật”- chữ dùng của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa .
Điều đó có phải là một thành tích không? Đúng ra phải gọi là một kỳ tích. 7 triệu tấn gạo, và khi mà sản lượng lúa cả năm ước đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011. Và người làm nên những kỳ tích đó, không ai khác, chính là những người nông dân chưa bao giờ thôi chân lấm tay bùn.
Sáng nay, kỳ tích “gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Cafe xuất khẩu vượt mặt vương quốc cafe Brasil” lại một lần nữa được ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhắc lại trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH. Nhắc để vui mừng. Nhưng nhắc cũng là để đưa ra một lời cảnh báo, rằng từ 15 năm nay, căn bệnh “xuất khẩu thô” cố hữu vẫn không hề thay đổi, không thể khắc phục. “Gạo Thái cao giá hơn gạo Việt Nam. Gạo Thái Lan chiếm lĩnh thị trường, chi phối được thị trường thế giới”, và trong khi người Thái lùi để điều chỉnh, “chúng ta nhân cơ hội ào lên để xuất khẩu với giá rẻ mà không nghĩ tới việc làm gia tăng giá trị hạt gạo”. Ông Nghĩa khẳng định, điều đó là “Đáng lo, chứ không phải đáng mừng”, bởi đó là “khuyết điểm chứ không phải ưu điểm”. Bởi đó là thứ thành tích cơ hội. Bởi đó là thứ thành tích nhận vơ. Bởi đó là thành tích chỉ để có thành tích. Bởi thành tích là quan trọng, nhưng cái cách nhìn nhận thế nào là thành tích, và đó là thành tích của ai còn quan trọng hơn rất nhiều lần.
Nông dân không cần một danh hiệu chiến sĩ thi đua. Như từ bao năm nay, mơ ước giản dị của những người làm ra hạt gạo vẫn chỉ là chuyện áo cơm, chuyện đừng có “được mùa rớt giá”, có khi chỉ vì thiếu một cái kho đựng gạo hoặc thậm chí chỉ là chuyện Chính phủ thu mua với giá không thấp hơn giá thành. Như từ bao năm nay, xuyên suốt qua mấy cuộc chiến tranh- họ vẫn luôn là những chiến sĩ xung kích trên mọi mặt trận.
Nói gì thì nói. Thành thích gì thì thành tích. Nhưng sự thật rõ như ban ngày và không thể chối bỏ: Xuất thô khoáng sản là bán rẻ tài nguyên. Xuất thô nông sản là bán rẻ mồ hôi nông dân. Cái giá đó là quá đắt, hay quá rẻ cho một dòng được coi như “thành tích” cho những người chưa bao giờ là nông dân!?
No comments:
Post a Comment