Wednesday, October 31, 2012

Trừ tham nhũng đi giật lùi


Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Khi trao cả ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào Bộ Chính Trị, đặt chức tổng bí thư lên đứng đầu ủy ban đó, đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt cái ủy ban này, và người đứng đầu nó, ra ngoài tầm tay kiểm soát của Quốc Hội! Họ xóa bỏ quyền của Quốc Hội, mà các đại biểu Quốc Hội cứ thế nhắm mắt biểu quyết thông qua, thế mới là trò hề! Nhưng đồng thời, họ cũng xóa bỏ luôn nguyên tắc là người dân có quyền kiểm tra cái ủy ban đi kiểm tra người khác!...*

Ðảng Cộng sản Việt Nam đã hô hào chống tham nhũng, ngăn ngừa tham những từ mấy chục năm nay; nhưng nạn tham nhũng ngày càng gia tăng thêm. Thời Nguyễn Văn Linh không nhiều tham nhũng như thời Ðỗ Mười. 

Thời Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải không có những vụ ăn cắp trắng trợn như thời Nguyễn Tấn Dũng. Họ đã lập ra những ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nhưng không bao giờ tấn công vào tận gốc rễ của tham nhũng, là chính sách tập trung quyền hành; mà quyền hành thì không có cơ chế độc lập nào để kiểm tra. 

Một căn nguyên của nạn tham nhũng, lạm quyền, ở Việt Nam cũng như bên Trung Quốc, là chính sách tập trung quyền hành trong tay một người hay nhóm người. Quyền hành tập trung tất nhiên tạo cơ hội cho tham nhũng, lạm quyền; rồi tiếp tục nuôi dưỡng tai họa đó. Muốn sửa đổi, muốn chấm dứt nạn tham nhũng, phải bắt đầu từ căn nguyên, là xóa bỏ cả hệ thống đặt trên chính sách tập trung quyền hành. 

Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam không theo cách đó. Bây giờ, để cắt bớt tay chân của Nguyễn Tấn Dũng, họ đang sai Quốc Hội chuẩn bị sửa lại luật. Luật mới sẽ không cho chức thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nữa, chức vụ này sẽ được trao cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Có thể coi đây là một đợt “sửa sai” mới và khá lớn của đảng Cộng sản Việt Nam, sau vụ sửa sai năm 1955 khiến Trường Chinh mất chức tổng bí thư vì cuộc cải cách ruộng đất giết chết oan hàng trăm ngàn người, lòng dân oán hận. Khi nói “sửa sai” tức là công nhận có lỗi lầm. Có lỗi lầm tức là có người chịu trách nhiệm. Cho nên nói sửa sai thì cũng phải sửa ngay cái nhân vật trách nhiệm làm sai. 

Nhưng trong vụ sửa sai Nguyễn Tấn Dũng này, không hề chỉ mặt ai là người chịu trách nhiệm; không ai bị mất chức như Trường Chinh hồi trước. Nguyễn Tấn Dũng vẫn làm thủ tướng, nhơn nhơn ra trước Quốc Hội tuyên bố mình có lỗi lầm, nhưng không nhận một trách nhiệm cụ thể nào cả. Dũng mất quyền chỉ huy trực tiếp vài chục doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, nhưng vẫn nắm quyền gián tiếp. Vì các doanh nghiệp đó sẽ được trả về cho các bộ, các cơ quan, vân vân; mà những bộ và cơ quan này lại nằm dưới chức thủ tướng; những người đứng đầu cơ quan cũng do thủ tướng cử ra. 

Nguyễn Phú Trọng nắm thêm được thêm quyền hành, sẽ lên làm chủ tịch ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng; theo dự luật thì cái ban phòng chống từ nay sẽ thuộc Bộ Chính Trị chứ không thuộc chính phủ nữa. 

Chức chủ tịch ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vốn là một chức béo bở. Nó có thể tạo cơ hội cho người đứng đầu tham nhũng mạnh hơn, vì có quyền hạch sách những tay tham nhũng khác trong khi vẫn che chở được những đàn em theo mình. Nguyễn Phú Trọng sẽ chiếm lấy chức vụ đó của Nguyễn Tấn Dũng. Làm như vậy có giúp cho việc phòng ngừa và bài trừ tham nhũng có hiệu quả hơn không? 

Khó tin là hiệu quả hơn. Bởi vì việc chuyển quyền hành từ một chức vụ này sang một chức khác không hề thay đổi bản chất của hệ thống, là quyền hành vẫn được tập trung; vẫn không có cơ chế độc lập nào làm công việc kiểm soát và giám sát chính cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đó. Mấy năm trước Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nên tha hồ nuôi đàn em tham nhũng; với những công ty quốc doanh biến mất hàng tỷ Mỹ kim, với những chiếc tàu thủy mới mua về đã chìm nghỉm. Nay Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cái ủy ban đó; nhưng ai sẽ giám sát, kiểm tra công việc bài trừ tham nhũng của các đàn em của Nguyễn Phú Trọng? Một câu hỏi của mọi hệ thống chính quyền là: “Ai thanh tra, giám sát những người thanh tra và giám sát viên?” Trong hệ thống cai trị của đảng cộng sản không có cơ chế độc lập nào để giám sát những người giám sát cả. 

Nhìn dưới mắt hệ thống, thì việc chuyển cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ chính quyền sang Bộ Chính Trị, việc trao chức đứng đầu ủy ban cho tổng bí thư thay vì chức thủ tướng, là một bước đi giật lùi. 

Bởi vì chức vụ thủ tướng, trên nguyên tắc là do Quốc Hội tín nhiệm trao cho. Nghĩa là các đại biểu Quốc Hội có quyền giám sát, điều tra và đàn hặc (họ gọi là kỷ luật) người nắm chức thủ tướng. Cũng trên nguyên tắc, các đại biểu Quốc Hội là do dân chúng bầu lên. Do đó, có thể coi là (trên nguyên tắc) người làm thủ tướng chịu trách nhiệm trước dân chúng. Ðó là những nguyên tắc dân chủ. 

Trong thực tế, người ta đang làm khác hẳn so với nguyên tắc. Cho nên cái ông thủ tướng cầm đầu ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng mới có thể nuôi tay chân bằng tiền tham nhũng. Nhưng muốn sửa đổi thực tế sai lầm này thì phải làm sao cho từ nay áp dụng cho thực tế theo đúng nguyên tắc. Tức là phải cố gắng thi hành đúng các nguyên tắc được rõ ràng ghi trong Hiến Pháp. Thi hành đúng tức là các đại biểu Quốc Hội phải thực sự đại diện cho dân; mọi người phải có quyền ứng cử và bỏ phiếu chọn lựa tự do. Thi hành đúng Hiến Pháp tức là các đại biểu phải làm công việc kiểm soát chính phủ một cách tích cực. Ðó là cách sửa chữa để làm công việc bài trừ tham nhũng một cách hữu hiệu. Nhưng đảng cộng sản không làm theo cách đó. Ngược lại, họ sửa chữa những sai lầm bằng cách xóa bỏ cả những nguyên tắc căn bản trong Hiến Pháp đi. Trong việc phòng chống tham nhũng, hay trong bất cứ sai lầm nào, họ đều làm như vậy. 

Khi trao cả ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào Bộ Chính Trị, đặt chức tổng bí thư lên đứng đầu ủy ban đó, đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt cái ủy ban này, và người đứng đầu nó, ra ngoài tầm tay kiểm soát của Quốc Hội! Họ xóa bỏ quyền của Quốc Hội, mà các đại biểu Quốc Hội cứ thế nhắm mắt biểu quyết thông qua, thế mới là trò hề! Nhưng đồng thời, họ cũng xóa bỏ luôn nguyên tắc là người dân có quyền kiểm tra cái ủy ban đi kiểm tra người khác! 

Ðảng Cộng sản là một quyền lực vượt trên tất cả, trên Hiến Pháp cũng như trên cả hệ thống pháp luật. Ðặt cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào tay tổng bí thư tức là trao cho tổng bí thư một con dao với quyền lực vô địch. Không một đại biểu Quốc Hội nào, không người dân bỏ phiếu nào có quyền gì đối với ông tổng bí thư cả. Nó cũng không khác gì thời xưa đảng Cộng sản đã trao cho một ông tổng bí thư cái quyền truy tam đại người ta để tố khổ rồi giết chết những người bị gán danh hiệu địa chủ. Ngày trước thì người ta sử dụng uy quyền tuyệt đối đó để giết người. Ngày nay, với kinh tế đổi mới, giết người không phải là một hành động sinh lợi lộc cho nên chẳng ai thiết làm. Nhưng ai nắm trong tay cái quyền siêu việt gọi là bài trừ, phòng chống tham nhũng cũng có thể sử dụng quyền đó mà kiếm lời, lợi lộc lớn khó mà đo lường, không khác gì ngành kinh doanh “buôn vua” của Lã Bất Vi đời trước. Ðể cho việc kinh doanh thêm dễ dàng, người ta sẽ làm một cái luật chống tham nhũng đầy lỗ hổng, để cho người thi hành toàn quyền quyết định cho đứa nào chui qua cái lỗ nào! Trước khi dự luật được đưa ra bàn, bao nhiêu người đã chê nó là một thứ con hổ không có răng! Chê như vậy là không hiểu gì hết. Vì chủ ý của người ta có định cắn tham nhũng đâu mà con cọp cần phải có răng! 

Quốc Hội bù nhìn sẽ gật gù cho thông qua cái dự luật mới về phòng chống tham nhũng. Nhưng cái luật đó sẽ rất lẩm cẩm! Bất cứ người công dân Việt Nam nào cũng có thể đặt câu hỏi: Chức vụ tổng bí thư có chịu trách nhiệm trước Quốc Hội bao giờ hay không? Chức vụ tổng bí thư không thuộc ngành hành pháp, làm sao bắt nó phải thi hành một đạo luật của Quốc Hội? Ðiều nào trong Hiến Pháp cho phép Quốc Hội lập một cái ủy ban rồi bắt ông tổng bí thư phải đứng đầu? 

Tất nhiên, không người dân nào cũng như không đại biểu Quốc Hội nào dám đặt các câu hỏi đó; những câu hỏi làm cho tất cả các nghị gật đều lộ ra bộ mặt ngớ ngẩn. Thực chất là người ta cũng chẳng cần phòng chống cái gì cả. Mọi hành động, mọi biện pháp họ đang làm chỉ là những thủ đoạn để chống phá lẫn nhau mà thôi. Chuyển giao chức vụ trưởng ban phòng chống tham nhũng từ tay này sang tay khác để chia sẻ quyền hành giữa các phe nhóm. Còn chuyện việc chuyển giao đó có đúng Hiến Pháp hay không, họ không cần biết! Họ xưa nay vẫn ngồi trên Hiến Pháp, có sao đâu? Còn chuyện mai mốt có ai bài trừ được nạn tham nhũng hay không, họ cũng không cần biết. Gia đình Ôn Gia Bảo bên Tàu, sau 10 năm làm thủ tướng, đã thu góp được tài sản gần ba tỷ Mỹ kim, không lẽ các đồng chí ếch nhái bên ta không theo gót? Dù cái thủ lợn bên ta nhỏ hơn bên Tàu, nhưng vẫn phải phấn đấu tranh thủ lấy mấy miếng chứ? 

Vì chỉ nghĩ đến việc phá lẫn nhau để giành phần thủ lợn, họ phải dùng ngay cả cái ủy ban bài trừ tham nhũng làm con dao chém nhau, cho nên mới bày ra những trò hề vô duyên và ngớ ngẩn.



No comments:

Post a Comment