Sunday, November 17, 2013

BÊN THẮNG CUỘC - QUYỂN II - QUYỀN BÍNH - CHƯƠNG 18

Phần IV: Tam Nhân
Chương 18: TAM NHÂN PHÂN QUYỀN
  ề mặt lý thuyết, chủ tịch Quốc hội nằm trong “tứ trụ” nhưng khi viết lời tựa cho cuốn Đại tướng Lê Đức Anh, ông Đỗ Mười chỉ nhắc đến Tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng. Ông Mười viết: “Ba chúng tôi về quan điểm đường lối, đối nội, đối ngoại trên các lĩnh vực nói chung đều nhất trí với nhau, có việc gì chưa thật thống nhất thì đưa ra tập thể Bộ Chính trị bàn để đi đến thống nhất”. Rất khó để tìm được bằng chứng về sự không nhất trí giữa ba ông thông qua các biên bản họp Bộ Chính trị. Khi xuất hiện trước công chúng, cả ba đều đứng cạnh nhau tươi cười, và sinh thời, họ chỉ dành cho nhau những lời tốt đẹp. Nhưng đằng sau sự yên tĩnh trên bề mặt ấy, quyền lực được ba ông chế ước lẫn nhau một cách chặt chẽ trong thế chân kiềng.

Bộ ba

Không gian chính trị trong thập niên 1990 đã rút ngắn khoảng cách giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam. Trong các thập niên trước, chỉ có các nhà báo thực sự cung đình như Thép Mới, Hoàng Tùng, Bùi Tín… mới mong có thể tiếp cận được những nhà lãnh đạo như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Giữa họ có một khoảng cách xa vời với không chỉ các thường dân mà còn với cả các uỷ viên trung ương, thậm chí cả với nhiều uỷ viên Bộ Chính trị.
Tuy được truyền thông nhà nước mô tả như là một nhà lãnh đạo giản dị, trên thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn là một người khó gần. Theo ông Nguyễn Đình Hương(413): “Ông Linh thường cấm những uỷ viên Trung ương có khuyết điểm như Hà Trọng Hoà, Phạm Song… vào họp Trung ương một cách vô nguyên tắc”. Thế hệ Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, tuy vẫn còn được coi như “cha, chú”, đã bắt đầu ý thức được họ đang ở trong thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn cầm quyền với vai trò lãnh tụ sang giai đoạn cầm quyền như các nhà chính trị.
Đầu thập niên 1990, Quốc hội bắt đầu họp dài ngày hơn, vườn hoa Nhà Kiếng và hành lang Hội trường Ba Đình bắt đầu trở thành nơi tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo trung ương với các đại biểu là quan chức địa phương và các nhà doanh nghiệp. Đây cũng là khu vực mà báo giới có thể tiếp xúc phỏng vấn trực tiếp các Bộ trưởng, các trưởng ban của Đảng, Tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng.
Chủ tịch Lê Đức Anh không có mặt thường xuyên bên ngoài vườn hoa. Tuy ông luôn tỏ ra thân thiện nhưng uy lực của “vị tướng một mắt” vẫn làm e ngại không ít người. Chỗ ông đứng không mấy khi có vòng trong vòng ngoài, và báo chí cũng không có cho ông nhiều câu hỏi. Ngược lại, Tổng bí thư Đỗ Mười xuất hiện ở đâu là kéo theo đó một đám đông. Tổng bí thư có thể “hùng biện” cho đến khi các nhà báo lần lượt lẻn đi vì ông bắt đầu lặp lại những điều đã nói trong các giờ giải lao trước đó. Ông Võ Văn Kiệt thì khác. Sau khi Trợ lý Vũ Quốc Tuấn “bật mí” vài điều muốn giải toả của Thủ tướng với các nhà báo quen biết, ông Kiệt sẽ tươi cười xuất hiện ở tam cấp của Hội trường Ba Đình, bắt đầu một cuộc họp báo không chính thức.
Với Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt, ông Đỗ Mười bao giờ cũng thể hiện sự tương kính. Khi có việc gì cần trao đổi, đích thân ông Mười đi thẳng vào “Thành” gặp ông Lê Đức Anh hoặc ra tận sân tennis gặp ông Võ Văn Kiệt. Nhưng với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thì ông lại thường thể hiện cách “lãnh đạo” rất khác thường. Khi Quốc hội không phê chuẩn ông Đào Đình Bình, một ứng cử viên trẻ vào chức Bộ trưởng Bộ Giao thông, từ hàng ghế đầu, ông Đỗ Mười đã nhấp nha nhấp nhổm. Đến giờ giải lao, ông bước ngay lên bục Chủ tịch Đoàn, đuổi theo ông Nông Đức Mạnh ra tận hậu phòng của Hội trường Ba Đình. Ông Đỗ Mười dí tay sát cổ áo Chủ tịch Quốc hội và nói: “Anh lãnh đạo Quốc hội thi hành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như thế à?”(414).
Ông Đỗ Mười sùng bái nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và chấp hành nghị quyết một cách chân thành. Năm 1958, khi làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, ông chỉ huy đánh tư sản ở Hà Nội. Hai mươi năm sau, cũng chính ông dẫn “đại quân” vào Sài Gòn đánh tư sản ở miền Nam. Nhưng đến Tết năm 1989, khi đã trở thành người đứng đầu của một chính phủ thi hành nghị quyết “đổi mới”, ông lại lên tivi “chúc mọi người làm ăn phát tài”. Theo ông Trần Xuân Giá: “Khi về làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từ tư duy cho đến cách điều hành của ông Đỗ Mười thay đổi một cách không ngờ. Ông lắng nghe và thấy được những cân đối lớn của nền kinh tế, có khả năng tổng hợp và đưa ra được những quyết định sắc sảo”. Ông Đỗ Mười cũng chọn mang theo sang Văn phòng Tổng bí thư những người gần gũi trong đội ngũ chuyên gia đã giúp ông chống lạm phát thành công như Lê Đức Thuý, Nguyễn Văn Nam… Đặc biệt, không ít người bất ngờ khi ông chọn ông Hà Nghiệp làm người giúp việc. Ông Hà Nghiệp được coi là một trong những người có đóng góp trong tiến trình thay đổi tư duy của ông Trường Chinh. Sau khi ông Nguyễn Văn Linh lên Tổng bí thư, ông Trường Chinh có ý giới thiệu Hà Nghiệp với hy vọng ông Linh tiếp tục phát triển tư duy đổi mới, nhưng ông Linh gạt đi. Ông Hà Nghiệp phải sang làm trợ lý cho Tổng bí thư của Lào rồi về nước “ngồi chơi xơi nước”.
Tháng 8-1991, khi được đưa lên làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt đã nhờ ông Hà Nghiệp viết cho mình bài diễn văn nhậm chức và theo ông Kiệt, ông dự định sẽ mời Hà Nghiệp sang làm việc cho mình. Khi Hà Nghiệp ở không thì không thấy ai hỏi han, khi ông Kiệt định mời thì ông Đỗ Mười đã đi trước một bước ra quyết định đưa Hà Nghiệp về làm trợ lý.
Tiểu sử chính thức của ông Đỗ Mười ghi: “Xuất thân từ một gia đình nông dân, bản thân là thợ sơn”. Nhưng, khi trở thành Tổng bí thư, theo thư ký của ông, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, ông lại có tham vọng trở thành một nhà lý luận. Bên cạnh hai nhà Marxist cứng rắn là Đào Duy Tùng và Nguyễn Đức Bình, ông trọng dụng Lê Xuân Tùng và tới đại hội giữa nhiệm kỳ, đưa thêm một nhà lý luận khác, ông Nguyễn Phú Trọng, vào Trung ương. Sự say sưa của ông đã tập hợp thêm được Nguyễn Hà Phan, Lê Khả Phiêu, hai nhân vật được ông bổ sung vào Bộ Chính trị trong hội nghị giữa nhiệm kỳ tháng 1-1994.
Nhưng, theo ông Nguyễn Văn Nam: “Ông Đỗ Mười vẫn là một con người hành động chứ không phải là một con người lý luận. Cho nên khi điều hành bên chính phủ, ông có thể nhận biết thực tế để có những quyết định phù hợp; khi làm công tác Đảng, đụng đến các vấn đề lý luận thì ông phải trông cậy vào Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, về sau có thêm Nguyễn Phú Trọng và chịu ảnh hưởng không ít từ những người này”.
Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chú ruột ông là Nguyễn Thọ Chân, Bộ trưởng Lao động trong Chính phủ Phạm Văn Đồng. Thuở hàn vi, ông có hai người bạn thân là Hoàng Hữu Nhân và Phạm Viết Đào. Cả hai đều sắc sảo, ông Nhân từng có những ý định đổi mới táo bạo từ khi còn là bí thư Thành uỷ Hải Phòng, sau Đại hội VI làm trưởng Ban Công nghiệp Trung ương nhưng phẫn uất, có lúc phải nhảy lầu, vì bị Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh o ép. Ông Đào thì ngang ngạnh, vui vẻ hưu trí với chức thứ trưởng Bộ Ngoại thương, thậm chí còn “đàn đúm” với Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiên Giang, những người từng ủng hộ Trần Xuân Bách. Ông Đào thường gọi những người được Đỗ Mười trọng dụng như Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình… là lũ “chim ri, chim sẻ”.
Ông Đỗ Mười sống gần như độc thân trong ngôi nhà Tây phía sau Phủ Chủ tịch, vốn là nơi ở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Người gần gũi ông nhất suốt gần ba thập niên tại ngôi nhà này là bà Thuận, người nấu cơm của ông. Năm 1997, ông Đỗ Mười chuyển về sống trong biệt thự số 11 Phạm Đình Hổ. Bà Thuận, lúc này đã có một người con, không về ở cùng. Trong phòng riêng của mình, ông Đỗ Mười cho treo bức ảnh chụp ông và Fidel Castro, cho đặt một chậu địa lan bằng nhựa… Bàn làm việc của ông đầy những tài liệu, bài báo chi chít những nét gạch đỏ. Một chiếc phản cá nhân trải nệm bông gòn, bọc vải hoa màu đỏ sẫm, được kê gần đó. Ông thường đặt lưng trên chiếc giường này sau những giờ xem tài liệu.
So với Lê Đức Anh, lý lịch tham gia cách mạng của ông Đỗ Mười rõ ràng hơn, và so với ông Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười là bậc tiền bối cả về tuổi đời và tuổi Đảng(415). Ông Đỗ Mười trở thành uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng từ năm 1955. Ông Võ Văn Kiệt là uỷ viên dự khuyết năm 1960. Trong khi tới năm 1976, ông Lê Đức Anh mới vào Trung ương. Đỗ Mười giữ chức phó phủ tướng từ năm 1969, nhưng, năm 1982, ở Đại hội V, ông bị đặt thứ ba trong hàng kế cận do Tổng bí thư Lê Duẩn và nhà tổ chức quyền biến Lê Đức Thọ sắp xếp: Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười.
Ngày 12-8-1991, ba ngày sau khi trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt nhận xét: “Đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười vừa là người kế thừa những kinh nghiệm rất lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, vừa có những kinh nghiệm lớn về quản lý nhà nước. Một khi đồng chí lãnh đạo cao nhất hiểu và thông cảm sâu sắc những khó khăn của công tác quản lý nhà nước thì đó là một thuận lợi lớn cho chúng tôi”(416). Theo ông Vũ Quốc Tuấn: “Sáu tháng sau, ông Kiệt mới nhận ra là mình nhầm. Ông Kiệt nói với tôi: Tôi tưởng anh Mười đã từng làm việc nhiều năm ở chính phủ, hiểu biết công việc chính phủ thì sẽ là một thuận lợi cho tụi mình. Không ngờ, ông biết nhiều việc của chính phủ quá thì ông lại can thiệp nhiều hơn, làm khó mình hơn”.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Từ đầu đến cuối, ông Đỗ Mười không ủng hộ ông Kiệt, cả về lối sống lẫn quan điểm. Cuối năm 1981, một buổi chiều sau những giờ họp căng thẳng, tôi cùng ông tản bộ trên đoạn đường trước Lăng, ông cho tôi biết tin Võ Văn Kiệt được điều ra Hà Nội. Khi đó, ông Đỗ Mười đã dùng những câu, những từ rất nặng nề mà tôi không tiện nhắc lại để nói về ông Kiệt. Ông Mười cho rằng: Thằng đó sẽ chết vì quan điểm kinh tế thị trường của nó”. Ông Phan Văn Khải cho rằng: “Ông Đỗ Mười đổi mới là do áp lực chứ không phải do chuyển biến về nhận thức như ông Trường Chinh. Ông cũng không được học hành căn bản để hiểu các vấn đề một cách có hệ thống”.
Theo ông Đoàn Mạnh Giao: “Thời kỳ Đỗ Mười - Võ Văn Kiệt xuất hiện thuật ngữ Nhà Đỏ - Nhà Trắng hay Hùng Vương Đông - Hùng Vương Tây để chỉ mối quan hệ giữa bên Đảng và bên Chính phủ”. Nhưng, theo ông Phan Văn Khải: “Khi còn cầm quyền, ông Kiệt không thèm nghe Đỗ Mười, ông Mười nói gì thì nói, ông cứ làm theo kiểu của ông”. Ông Khải thừa nhận đây là lý do mà khi trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngay khi vừa nhận chức, ông nói: “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”(417). Khi ông Kiệt làm “phó”, theo ông Vũ Quốc Tuấn: “Những việc ông Đỗ Mười chủ trì thì ông Kiệt cũng ít tham gia. Có nhiều cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, ông Kiệt không dự. Ông Kiệt tập trung cho những công trình của mình ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là chương trình khẩn hoang Đồng Tháp Mười. Ông Mười thấy ông Kiệt chủ động quá nên lại kéo ông Kiệt về, hai ông tỏ ra tâm đầu ý hợp”.
Khi trở thành thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt có các thành viên chính phủ như Phan Văn Khải, Đỗ Quốc Sam, Lê Xuân Trinh và cả những người từng được cất nhắc bởi ông Đỗ Mười như Trần Xuân Giá, Nguyễn Đình Lộc… Họ là những nhà kỹ trị, giúp ông thiết kế các thiết chế pháp lý cho nền kinh tế thị trường vận hành. Ông Kiệt tập trung thời gian của mình cho những công trình quốc gia và tích cực hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại. Trong thập niên 1990, “nụ cười Võ Văn Kiệt” trở thành một gương mặt nổi bật không chỉ ở trong nước. Nhưng, uy tín trong dân không phải bao giờ cũng trở thành sức mạnh trong một nền chính trị mà quyền lực được giải quyết trong nội bộ(418).
Tướng Lê Đức Anh dường như không tham gia tranh luận về ý thức hệ, về kinh tế thị trường. Chủ tịch nước, theo Hiến pháp, là một chức danh không mấy thực quyền, nhưng trong thời gian giữ cương vị này, ông Lê Đức Anh đã tạo ra được một ngoại lệ.
Năm 1986, khi từ Campuchia trở về thay thế tướng Lê Trọng Tấn làm Tổng tham mưu trưởng, tướng Lê Đức Anh không ở những căn biệt thự dân sự bên ngoài mà chọn một căn nhà thuộc cụm nhà khách Bộ Quốc phòng. Đó là một căn nhà hai tầng được xây từ thời Pháp nằm trong khuôn viên Thành Hà Nội cũ. Tướng Anh thường vào ra Thành bằng cổng chính, 51B Phan Đình Phùng nhưng có thể đón khách từ cổng phụ, số 5 Hoàng Diệu. Bà Võ Thị Lê, người vợ thứ hai mà ông cưới năm 1956, sau khi tập kết ra Bắc, sống như hình với bóng với ông trên tầng hai, trong khi những người giúp việc thì ở tầng dưới hoặc các ngôi nhà nằm trong khuôn viên.
Ông Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 tại Truồi, một làng quê nghèo đói bên phá Tam Giang, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Cha ông vừa làm ruộng vừa có thêm nghề thuốc nên cuộc sống gia đình, theo ông, đỡ cực hơn mọi người. Ông học vỡ lòng ở trong làng rồi ra Huế học tiểu học. Năm mười một tuổi, ông được gửi ra nhà chị gái, có chồng đang dạy học ở thành Vinh học tiếp nhưng cũng chỉ được thêm một, vài năm. Học vấn của ông Lê Đức Anh ở mức đọc thông viết thạo.
Ông Lê Đức Anh bắt đầu được “giác ngộ” thông qua những câu chuyện về “một người có tên là Nguyễn Ái Quốc” do hai người cậu ruột của ông, Lê Bá Giản và Lê Bá Dị, kể. Theo lý lịch tự khai: Lê Đức Anh chính thức tham gia cách mạng từ năm 1937 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 1-5-1938. Năm 1939, khi bị đàn áp, một số đồng chí bị bắt, ông lánh vào Đà Nẵng, lên Đà Lạt, rồi đến năm 1942 thì xuống đồn điền cao su Lộc Ninh. Cuộc hôn nhân với bà Lê cùng với một số điểm không rõ ràng về thời điểm vào Đảng là hai vấn đề khiến ông Lê Đức Anh luôn bị những người từng hoạt động với ông xới lên mỗi khi quyền lực của ông được nới rộng(419).
Ông Lê Đức Anh gặp người vợ đầu tiên, bà Phạm Thị Anh, vào tháng 8-1945, khi ông đang là “uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách tổ chức và quân sự”(420) và bà Bảy Anh đang là phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Tây, huyện Bến Cát.
Bà Phạm Thị Anh sinh năm 1925, con một gia đình địa chủ nhỏ ở Bình Dương. Cả mấy anh chị em đều đi theo Việt Minh, có người đang làm chủ tịch huyện, có người đang làm bí thư xã. Thời gian ấy, bà Bảy Anh chỉ mới vừa đôi mươi lại được coi là hoa khôi trong khi ông Lê Đức Anh thì bị rỗ và một bên mắt bị bệnh vảy cá. Ông Lê Đức Anh “tìm hiểu” bà bằng cách cho mượn sách và mỗi lần như thế lại kẹp vào một mảnh giấy ghi mấy chữ. Làm hậu thuẫn cho ông còn có hai tỉnh uỷ viên: Tư Đang và Nguyễn Oanh(421); Tư Đang khi ấy là con nuôi của gia đình bà Bảy. Nhưng, bà Bảy Anh cho rằng, việc bà chọn ông Lê Đức Anh chủ yếu vì nếu lấy ông thì bà không phải làm dâu; ông Lê Đức Anh cũng ngỏ lời đúng khi bà muốn yên bề gia thất.
Cuộc hôn nhân ngay ngày đầu đã gặp sự cố: Đám cưới vừa bắt đầu thì có Tây càn, ông Lê Đức Anh đạp xe chở vợ về bên Hội Phụ nữ rồi quay lại chỉ huy chống càn. Đứa con đầu lòng của họ ra đời khi bà Bảy Anh chỉ mới có bầu bảy tháng, bà ngoại cháu đặt tên là Lê Thiếu. Vừa sinh xong lại gặp càn, y tế xã đưa lên võng gánh chạy vào rừng, đứa bé nhiễm lạnh, chết. Sau đó, Lê Đức Anh được điều về Khu 8. Năm 1950, khi xuống miền Tây thăm chồng, bà Bảy có thai đứa con thứ hai. Năm 1951, bà sinh hạ một người con gái đặt tên là Lê Xuân Hồng.
Sau Hiệp định Geneva, Lê Đức Anh nằm trong số những cán bộ được đưa ra miền Bắc. Từ Bình Dương, hai mẹ con bà Bảy Anh xuống thăm chồng. Nhưng bà quyết định không tập kết ra Bắc như những người phụ nữ khác. Khi ấy, mấy anh em bà Bảy theo kháng chiến để lại một đám trẻ con lít nhít, bà không nỡ để cho cha, một người đàn ông goá vợ phải một mình chăm nom bọn trẻ. Chỉ không lâu trước đó, gia đình bà Bảy Anh đã phải mất ba anh em trai trong một vụ án oan lớn ở Bến Cát(422).
Lê Đức Anh ra Bắc, thoạt đầu được giao làm sư trưởng Sư đoàn 330, đóng ở Thanh Hoá; sau được điều về Bộ Tổng tham mưu làm cục phó Cục Tác chiến. Thời gian này, quân đội đang chịu cuộc “chỉnh huấn, chỉnh quân” khốc liệt do cố vấn Trung Quốc chỉ đạo. Trong chi bộ của ông có hai người bị kiểm điểm nặng, ông và ông Bội Dong, vì lấy vợ thuộc thành phần tư sản, địa chủ. Cả hai sau đó đều tuyên bố “ly khai với gia đình vợ”(423).
Năm 1956, ông kết hôn với bà Võ Thị Lê, có chồng là một đại uý quân đội đã hy sinh và đang có một người con riêng. Năm 1957, họ có với nhau một con trai, đặt tên là Lê Mạnh Hà; năm 1959, họ sinh thêm một người con gái, cũng đặt tên là Lê Xuân Hồng. Giữa thập niên 1960, Lê Xuân Hồng lớn, người con của ông Lê Đức Anh và bà Bảy Anh, cũng được tướng Trần Văn Trà tổ chức đưa ra miền Bắc(424). Ở Hà Nội, bà Lê làm y sỹ ở bệnh viện Hữu Nghị. Những năm ông làm Bộ trưởng Quốc phòng rồi chủ tịch nước bà luôn ở bên cạnh chăm sóc ông. Đây là thời gian mà cuộc sống của ông bà được mô tả là cẩn trọng tới từng chén cơm, viên thuốc.

Gỡ cấm vận

Bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt bắt đầu nhiệm kỳ khi “cánh cửa Trung Quốc” đã được khai thông. Chuyến đi Bắc Kinh, từ ngày 5 đến 10-11-1991, của Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt là chặng cuối trong tiến trình bình thường hoá mà Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu và tướng Lê Đức Anh đóng một vai trò trung gian quan trọng. Sứ mệnh của họ là gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và bình thường hoá quan hệ với Mỹ.
Việc ông Võ Văn Kiệt chọn Thái Lan và các nước ASEAN trước khi tới Bắc Kinh, mở đầu chuyến công du ngay sau khi nhận chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là có cân nhắc. Theo ông Vũ Khoan: “Tại một cuộc họp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn về cơ hội thoát khỏi tình thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, trong lúc nghỉ giải lao anh Sáu gọi tôi - đại diện cho Bộ ngoại giao được triệu tập sang dự họp - ra trao đổi ý kiến. Anh đặt vấn đề: đã có sự nhất trí cao về đánh giá tình hình và chủ trương phá vây, song ta cần tính kỹ bước đi sao cho có hiệu quả nhất. Anh gợi ý nên áp dụng chiến thuật ‘hoa sen nở’, đi từ trong ra, theo đó trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn trong quan hệ với ta đi đối với việc bình thường hoá quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc; từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, rồi vươn sang vòng cung xa hơn là EU; thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận nước ta”.
Giữa ba ông gần như không có bất đồng trong các nỗ lực nhằm thoát ra khỏi lệnh cấm vận thương mại của Mỹ. Tướng Lê Đức Anh thừa nhận: “Chúng ta bị dồn tới chân tường”. Lệnh cấm vận mà người Mỹ áp dụng với Việt Nam đã khoá chặt cửa gần hai thập niên: Việt Nam không thể nhập khẩu công nghệ mới từ các nước phương Tây, không thể làm ăn trực tiếp với các công ty đa quốc gia, tài khoản bị phong toả, không thể hưởng các trợ giúp đầy đủ từ ngay cả các định chế quốc tế như World Bank, IMF…
Bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ gần như bế tắc kể từ khi những nỗ lực dưới thời Tổng thống Jimmy Carter thất bại. Hai trở ngại chính cho tiến trình này là việc Việt Nam đóng quân ở Campuchia và việc tìm kiếm tù nhân và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW /MIA). Cho tới lúc đó, Việt Nam thường chỉ được người Mỹ nhớ tới như là tên của một cuộc chiến tranh, cuộc chiến được biết theo cách mô tả của Hollywood.
Ngay sau Hiệp định Paris, 27-1-1973, 590 tù binh Mỹ bị bắt ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã được trao trả. Tuy nhiên, vẫn còn 2.646 người Mỹ bị xếp vào danh sách mất tích. Không ai biết bao nhiêu trong đó bị chết mà không tìm được hài cốt. Việc tìm kiếm MIA gần như phải đình lại sau ngày 30-4-1975. Trong khoảng từ tháng 2-1973 đến tháng 3-1975, người Mỹ chỉ xác nhận được sáu mươi ba bộ hài cốt trong đó có hai mươi ba chết trong thời gian bị giam giữ và năm trường hợp chết tại Lào. Trong thập niên 1980, một số người Việt vượt biên đến Mỹ đã đổ thêm dầu vào lửa khi nói là họ vẫn nhìn thấy tù binh Mỹ ở Việt Nam. Nhiều người Mỹ tin rằng Hà Nội đã nói dối về số lượng tù nhân chiến tranh.
Những cố gắng tìm kiếm của Chính phủ Mỹ ở Lào và Campuchia sau năm 1975 không làm hài lòng người dân. Một số cựu binh Mỹ trong vai người hùng đã quay lại Đông Dương trong các nỗ lực được gọi là “chiến dịch giải cứu” tù binh. Hollywood làm trầm trọng thêm vấn đề POW /MIA khi để trí tưởng tượng của mình tô vẽ những cuộc phiêu lưu của những cựu binh này. Trong thập niên 1980, có lẽ không mấy người Mỹ không biết đến Chuck Norris và Sylvester Stallone. Đặc biệt là Sylvester Stallone trong vai Rambo. Trong khi tù binh Mỹ được mô tả là đã bị chính phủ của mình bỏ quên thì hình ảnh Stallone và Chuck Norris vạm vỡ, quả cảm trên những bích chương quảng cáo - “Chiến tranh chưa kết thúc cho đến khi chàng trai cuối cùng trở về” - đã tác động rất lớn đến tinh thần người Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Reagan (1980-1988) phản đối việc bình thường hoá cho đến khi có sự xác nhận Việt Nam đã rút hết quân ở Campuchia và có sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam nhằm đạt được mức độ cao nhất có thể về việc tìm kiếm những người mất tích có tên trong danh sách.
Ronald Reagan cũng như người kế nhiệm ông, George H. W. Bush (1988-1992), đã giao công cuộc tìm kiếm POW /MIA cho Bộ Quốc phòng, nhằm tránh áp lực của các nhóm vận động hành lang. Năm 1987, Reagan phái tướng về hưu John Vessey đến Hà Nội. Năm 1988, Hà Nội cho phép các nhóm tìm kiếm POW /MIA đến hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng vấn đề người Mỹ mất tích vẫn không nhờ thế mà dịu xuống.
Chính quyền Mỹ liên tục bị chỉ trích là đã che giấu thông tin, những sản phẩm bịa đặt thường lại được tin cậy hơn là những thông tin chính thức. Tháng 7-1991, một thăm dò trên tờ Wall Street Journal cho thấy: 3/4 số người được hỏi tin chính quyền Mỹ đã không làm đủ những điều cần thiết để tù binh được trao trả. Tổng thống Nga Boris Yeltsin, tháng 6-1992, đã đổ thêm dầu vào lửa khi nói với NBC News rằng, một số tù binh Mỹ có thể đã được chuyển từ Hà Nội đến Liên Xô.
Năm 1991, theo đề nghị của Thượng nghị sỹ Bob Smith, Thượng viện lập Uỷ ban Đặc biệt về POW /MIA. Uỷ ban do Thượng nghị sỹ John Kerry, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam làm chủ tịch. Một cựu binh khác, Thượng nghị sỹ John McCain(425), tham gia với tư cách uỷ viên. Tiếng nói của hai ông trở nên có trọng lượng nhất trong vấn đề này(426).
Từ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt cũng đã “đánh vào” tâm lý của dân chúng Mỹ khi ông trả lời phỏng vấn báo Time, tuần lễ từ ngày 7 đến 13-1-1992, nói rằng: “Sự nghi ngờ chúng tôi còn giam giữ một số người Mỹ còn sống… là một điều ngớ ngẩn. Động cơ nào có thể thúc đẩy chúng tôi làm điều đó?”. Báo Time hỏi: “Làm sao để dân chúng Mỹ có thể tin vào sự đảm bảo của các ông?”. Ông Kiệt: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân bị mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Gia đình tôi có bốn người, vợ và ba con của tôi, bị mất tích trong chiến tranh. Trực thăng Mỹ đã giết 300 người trong một trận càn dọc sông Sài Gòn, vợ và con trai, một con gái của tôi đã mất trong trận càn đó. Tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau của tất cả các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh… Tôi mong muốn dân chúng Mỹ hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu”.
Cuối năm 1992, khi tới Hà Nội lần thứ hai, ông John Kerry đã đề nghị Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho phép một cộng sự của ông, Thượng nghị sỹ Bob Smith xuống đường hầm ở khu vực lăng Hồ Chí Minh để tận mắt thấy không có lính Mỹ bị giam dưới lăng như Hollywood nói.
Vào cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống George H. W Bush đã đi được một quãng dài trong “lộ trình” do phía Mỹ đơn phương đưa ra để bình thường hoá. Đáp lại việc Việt Nam chấp nhận một văn phòng của Mỹ tại Hà Nội để xử lý vấn đề POW /MIA, Mỹ bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại trong bán kính hai mươi lăm dặm đối với các nhà ngoại giao Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc, đồng thời cho phép người Mỹ được đi đến Việt Nam một cách có tổ chức, thay vì chỉ được đi theo từng cá nhân. Tháng 12-1991, các công ty Mỹ được phép có một số hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tháng 11-1992, lệnh hạn chế liên lạc điện thoại được bãi bỏ, dịch vụ gọi điện trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam được thiết lập.
Lệnh cấm vận có thể đã được bãi bỏ nhanh hơn nếu G.H.W. Bush tái đắc cử. Nhưng ông đã thua cuộc trước Bill Clinton, một thống đốc chỉ bằng tuổi con trai ông. Bình thường hoá quan hệ với Việt Nam sẽ rất khó khăn với Bill Clinton, người đã tránh nhập ngũ thời chiến tranh Việt Nam, nếu không có tiếng nói của hai cựu binh, Thượng nghị sỹ Dân chủ John Kerry và Thượng nghị sỹ Cộng hoà John McCain.
Đầu tháng 4-1993, chính quyền Clinton lặng lẽ, thận trọng tìm kiếm những bước đi tiến tới bình thường hoá với Việt Nam. Ngày 12-4-1993, tờ Wall Street Journal tuyên bố “Bill Clinton dường như đã ở bên bờ của sự kết thúc hoàn toàn chiến tranh Việt Nam”. Nhưng ngay trong ngày hôm đó, tờ New York Times giật tít lên đầu trang nhất: “Nhiều tài liệu cho thấy năm 1972 Hà Nội đã dối trá về số lượng tù binh”. Bài báo được viết bởi Celestine Bohlen, trưởng văn phòng tại Moscow của tờ New York Times. Ngay trong ngày 12-4-1993, Hà Nội tuyên bố tài liệu này là bịa đặt. Nhưng, cả báo chí và chính trường Mỹ lúc đó dường như không ai còn đủ sự điềm tĩnh để đánh giá “bản báo cáo” về sau được chứng minh là nguỵ tạo này(427). Báo chí Mỹ tuyên bố: “Chúng ta không thể thiết lập quan hệ với những kẻ đã giết tù binh chiến tranh”. Một thăm dò do Wall Street Journal/NBC thực hiện vào các ngày 17 và 20-4-1993 cho thấy 2/3 người Mỹ tin rằng tù binh Mỹ vẫn còn bị giữ tại Đông Nam Á.
Ngày 18-4-1993, tướng John Vessey từ Hà Nội trở về khẳng định với Tổng thống Bill Clinton, không có cơ sở để tin là vẫn còn người Mỹ bị giam giữ ở Việt Nam. Tuyên bố này của tướng Vessay tiếp tục bị các tổ chức hoạt động chống Việt Nam trong vấn đề POW /MIA phản đối. Khi đó, cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Hảo đang ở Washington, D.C.. Hơn hai năm trước, ông đã nhận giúp Hà Nội vận động hành lang. Khi ông Hảo xuất cảnh năm 1981, ông Võ Văn Kiệt vẫn giữ liên lạc với ông thông qua bà Bùi Thị Mè(428).
Tháng 2-1990, vừa tới Thuỵ Sỹ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Kiệt gọi điện thoại ngay cho ông Hảo, khi ấy đang là một chuyên gia tư vấn của World Bank. Ông Nguyễn Văn Hảo kể: “Đang ở Haiti, tôi nhận được điện thoại, người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi tôi có nhận ra ai không. Tôi đề nghị ông nói lại một lần nữa, rồi kêu lên: Sáu Dân. Tôi hỏi ông đang ở đâu? Ông bảo: Geneva. Tôi nói: Mai tôi qua”.
Tháng 12-1991, sau khi trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt mời ông Nguyễn Văn Hảo trở lại Việt Nam. Ông Kiệt bàn với ông Hảo việc quay trở lại Washington, vận động Mỹ bỏ cấm vận và thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hoá. Ông Kiệt không làm việc này “đơn tuyến”. Ông bố trí để ông Hảo gặp Chủ tịch Lê Đức Anh và Tổng bí thư Đỗ Mười. Theo ông Hảo: Ông Đỗ Mười coi ông như một “người của mình”. Ông Mười hỏi: “Anh về đã vào viếng lăng Cụ chưa?”. Ông Hảo trả lời: chưa. Ông bảo: “Anh nên đi”. Ông Hảo nói: “Vậy anh đưa tôi đi đi”. Thế là ông Đỗ Mười đích thân đưa ông Hảo viếng lăng Hồ Chủ tịch.
Sứ vụ của ông Nguyễn Văn Hảo bắt đầu cuối năm 1992, khi ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Bill Clinton dần dần thắng thế. Thông qua một nhà cung cấp thực phẩm cao cấp, Marc Ashton, ông Hảo đã ba lần tiếp cận được ông Ron Brown. Lần đầu, khi Ron Brown đang là chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ, tổ chức thành công đại hội của Đảng đưa Bill Clinton chính thức ra tranh cử tổng thống Mỹ. Cuộc gặp gần như tình cờ khi ông Hảo đang ở nhà Ashton và Brown từ cuộc gặp với các thành viên Đảng Dân chủ ở Virginia trở về ghé ngang. Họ kéo nhau ra một nhà hàng gần đó. Bữa tối diễn ra khá thân thiện, Brown còn nói đến việc hợp tác làm ăn với Việt Nam khi giao thương được tái lập.
Tháng 12-1992, khi cuộc bầu cử đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về Bill Clinton, Ashton đến thăm cô em vợ, Madsen, đang là “bạn rất thân” của Brown, đang ở trong nhà của chính Brown, rồi rủ Brown cùng ghé lai rai chút đỉnh. Khi Brown đến thì ông Hảo đã ở đó. Cuộc gặp được viết lại trên báo Time ngày 11-10-1993 rằng, ông Hảo mang theo một lá thư được viết sẵn của Chính phủ Việt Nam chúc mừng ông Brown và hy vọng quan hệ hai nước sẽ tốt đẹp hơn. Brown để lại lá thư trên bàn sau khi nói rằng ông không muốn nhận một lá thư như thế. Mấy ngày sau, theo đề nghị của Ashton, Brown gửi ông Hảo một mảnh giấy ghi: “Nice to have met you. Happy holidays”. Lần gặp thứ ba diễn ra vào trưa 13-2-1993, Ashton lại mời Brown ăn trưa cùng cô bạn Madsen, cùng đi có thêm ông Hảo. Rồi chính ông Ashton đề nghị Brown đưa mọi người ghé thăm Bộ Thương mại nơi Brown vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng. Brown đồng ý.
Thượng nghị sỹ John Kerry đưa tên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên đầu danh sách những người Việt Nam mà ông cho là có đóng góp đặc biệt cho chương trình POW /MIA và tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. Thượng nghị sỹ John Kerry gặp ông Kiệt nhiều lần, và năm 1993 khi ông Kiệt tiếp ông ở Thành phố Hồ Chí Minh, John Kerry đã đề nghị ông Kiệt nên viết thư gửi Tổng thống Bill Clinton yêu cầu Mỹ xoá lệnh cấm vận thương mại, tiến tới bình thường hoá. Ông Kiệt hỏi: “Theo ngài thì tôi nên viết cho tổng thống như thế nào?”. Thay vì chỉ góp ý, ông John Kerry đã lấy giấy bút ra tự tay thảo giúp ông Kiệt lá thư gửi Bill Clinton. Theo ông Võ Văn Kiệt: “Tôi gần như chỉ phải sửa lại rất ít bản thảo mà ông John Kerry chuẩn bị giúp. Tôi cho chuyển bức thư ra Hà Nội đóng dấu rồi gửi vào ngay để kịp nhờ Thượng nghị sỹ John Kerry mang về Mỹ”. Ngày 2-7-1993, Clinton tuyên bố: “Mỹ không còn phản đối những dàn xếp được ủng hộ bởi Pháp, Nhật, và các nước khác nhằm nối lại sự giúp đỡ của các định chế tài chánh quốc tế cho Việt Nam”.
Đầu năm 1994, Việt Nam được Liên Hiệp Quốc mời đến Ohio dự một hội nghị của Tổ chức Thương mại và Phát triển, UNCTAD. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cử Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết đi với tư cách là trưởng đoàn. Ông Lê Văn Triết kể: Vừa tới Ohio thì Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Boutros Boutros Ghali, gặp nói: “Tôi muốn có một cuộc họp riêng giữa ông và ông Bộ trưởng Thương mại của nước chủ nhà”. Không kịp xin ý kiến Hà Nội, ông Triết trao đổi với phiên dịch Trần Đức Minh và một quan chức Bộ ngoại giao đi cùng rồi nhận lời. Hôm sau, ông B.B.Ghali giới thiệu ông Triết với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ron Brown rồi lấy cớ bận một việc khác, rút lui.
Sau vài câu xã giao, Ron Brown nói: “Tôi muốn có cuộc gặp này để thông báo với ông, tổng thống của chúng tôi sắp tuyên bố bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam”. Ông Triết cố gắng giấu sự xúc động, trả lời: “Tôi rất hoan nghênh; điều đó rất phù hợp với nguyện vọng của người Việt Nam cũng như người Mỹ”. Brown nói: “Tôi muốn nghe ông nói sâu hơn về suy nghĩ của người Việt Nam”. Ông Triết: “Lịch sử hai nước có sự bất hạnh là gặp nhau trong chiến tranh, tôi không nói lỗi của ai, nhưng chiến tranh ở Việt Nam cũng là bất hạnh của cả nhân dân Mỹ. Lệnh cấm vận gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi, chúng tôi có nhiều hàng hoá mà không thể bán sang đây, nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn với Việt Nam cũng không thể được”. Brown: “Tôi cám ơn ông. Tôi muốn hỏi thêm, sau dỡ bỏ cấm vận, cái gì sẽ đi theo?”. Ông Triết: “Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ, sau đó là thiết lập quan hệ ngoại giao”. Brown: “Ở tầm nào?”. Ông Triết: “Đại sứ”. Brown: “Đó cũng là ý kiến của Thủ tướng?”. Ông Triết: “Thủ tướng sẽ có ý kiến riêng, nhưng tôi biết ông là một người cởi mở, đường lối của Đảng chúng tôi hiện nay là làm bạn với tất cả, đây là một quyết định phù hợp với thời đại”. Ron Brown cám ơn rồi nói tiếp: “Tôi đề nghị chúng ta nên thường xuyên quan hệ với nhau. Sau ngoại giao, thương mại sẽ có rất nhiều việc để làm”.
Ở thời điểm Bộ trưởng Ron Brown gặp Bộ trưởng Lê Văn Triết, ông đang chuẩn bị để ra trước một bồi thẩm đoàn. Giữa năm 1993, một cộng sự của Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, ông Lý Thanh Bình - Việt kiều ở Miami - tố cáo: Chính phủ Việt Nam đã hối lộ ông Brown 700 nghìn USD nhằm đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và thiết lập bình thường hoá. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, Bình đã cùng ông về Việt Nam và trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam ông đã đưa Bình theo và ông ta biết được phần nào câu chuyện. Sau khi máy kiểm tra không phát hiện ra Bình nói dối, cảnh sát Miami đã khởi tố vụ án. Bình được trang bị các thiết bị ghi âm, mang mật danh “radar” và được hướng dẫn cách đưa ông Nguyễn Văn Hảo vào bẫy điều tra của cảnh sát. Nhưng những băng ghi âm của Bình sau đó đã không cung cấp được thêm bằng chứng nào cho thấy ông Hảo đang thực hiện một âm mưu hối lộ.
FBI thu được hai bản fax ông Hảo gửi cho các quan chức Việt Nam hồi tháng 12-1992 nói rằng phản ứng của Ron Brown là tích cực. Theo tờ New York Times thì FBI cũng tìm thấy dấu hiệu chính quyền Việt Nam dự định mở một tài khoản ở Singapore. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc mở các tài khoản này có liên quan tới những hoạt động vận động hành lang của ông Hảo. Các tổ chức phản đối tiến trình bình thường hoá Việt - Mỹ đã khai thác những lời tố cáo của Bình. Nhưng cả ông Hảo và Brown đều chỉ nhận là có gặp nhau ba lần và không làm gì sai trái. Sau bảy tháng điều tra công phu, ngày 1-2-1994, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ron Brown phải ra hầu toà. Trong ngày, bồi thẩm đoàn cho rằng Ron Brown vô tội. Hai hôm sau, 3-2-1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại Việt Nam.
Tuyên bố của Tổng thống Clinton được đưa ra vào 5 giờ sáng ngày 4-2-1994 theo giờ Việt Nam. Chưa đầy hai giờ sau, Công ty Pepsi Cola tung một quả bóng bay khổng lồ (hình cái lon Pepsi) lên vùng trời Thành phố Hồ Chí Minh, và phát không những lon Pepsi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Ngày 5-2-1994, Coca Cola bảo trợ một cuộc biểu diễn nhạc rock tại Việt Nam. Pepsi và Coca Cola là hai trong số hơn 100 công ty Mỹ có mặt ở Việt Nam lúc đó.
Ngay trong tháng 4-1994, một hội chợ triển lãm hàng Mỹ lần đầu được khai mạc. Ở thời điểm ấy, các doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật, Pháp và Úc đã ký kết các dự án đầu tư lên tới 8 tỷ đôla. Giới doanh nghiệp Mỹ đã tạo sức ép khá lớn để bỏ cấm vận.

“Đa phương hoá”

Cả ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đều thừa nhận vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong các hoạt động đối ngoại. Tướng Lê Đức Anh nói: “Chủ trương làm bạn với tất cả, bình thường hoá quan hệ với Mỹ, trước hết do các anh: anh Linh, anh Mười, anh Kiệt trong Bộ Chính trị và anh Tô, cố vấn, đề ra. Nhưng nói cho đúng, hoạt động nhiều là ông Kiệt”.
Tuy nhiên, mọi đường đi nước bước của Chính phủ, của Bộ ngoại giao đều phải được các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười chấp thuận dưới dạng các nghị quyết của Bộ Chính trị. Ông Lê Đức Anh được phân công phụ trách an ninh, quốc phòng, ngoại giao. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm: “Các vấn đề về ngoại giao tôi đều phải xin ý kiến ông Lê Đức Anh và thường được anh ủng hộ”. Ông Đỗ Mười cũng rất ít khi phát ngôn, nhưng theo ông Võ Văn Kiệt: “Tôi hiểu ý anh ấy thông qua ý kiến của Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan, Nguyễn Đức Bình”. Ông Kiệt đôi khi còn nhận được thông điệp bất lợi từ Tổng bí thư một cách trực tiếp.
Giữa năm 1993, trong một cuộc họp của Ban Bí thư do ông Đỗ Mười chủ trì để quán triệt với cán bộ đối ngoại các ngành. Ông Đoàn Mạnh Giao kể: “Tôi tới muộn một chút nên chỉ còn chiếc ghế trống trước mặt ông Đỗ Mười. Vào họp, ông Mười than phiền: ‘Sao lại cho Tây ba lô mắc võng nằm cả ở Hồ Tây’. Tôi bảo: ‘Họ cũng là dân Tây nghèo đi du lịch thôi ạ’. Ông Mười nói: ‘Chúng nó làm gián điệp đấy! Tớ vừa ký cho cậu lên thứ trưởng mà nói gì cũng cãi’. Ông Đỗ Mười vừa dứt lời thì Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà lấy ra một đống sách do sứ quán các nước châu Âu in bằng tiếng Việt, rồi nói: ‘Các sứ quán in tài liệu tuyên truyền công khai anh ơi’. Ông Đỗ Mười hỏi: ‘Chủ nghĩa xã hội dân chủ à?’, rồi quay sang tôi: ‘Tại sao Chính phủ lại cho in như vậy?’. Tôi nói: ‘Thưa bác, luật lệ ngoại giao không cấm điều này. Hồi xưa, sứ quán ta ở Trung Quốc cũng in những tài liệu tuyên truyền. Những tài liệu này để trong sứ quán, vấn đề là cán bộ ta vào đó rồi mang ra thôi ạ”.
Cho dù về đối nội, Tổng bí thư là người giữ vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, nhiều quốc gia vẫn không thể tiếp đón ông Đỗ Mười với các nghi thức dành cho nguyên thủ. Trong thời gian đầu, gần như ông Đỗ Mười chỉ có thể thăm viếng những nước như Trung Quốc, Lào, Cuba… về sau có thêm Hàn Quốc, Nhật… đồng ý tiếp ông. Trong khi đó, “nguyên thủ quốc gia” trên danh nghĩa là tướng Lê Đức Anh lại bị ấn tượng là quá cứng rắn.
Mãi tới tháng 11-1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh mới bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Lào và chặng kế tiếp theo thông lệ là tới Bắc Kinh. Năm 1994, ông đến Indonesia và Iran. Năm 1995, thăm Kuwait, Syria, Cambodia, Brazil, Cuba, Philippines. Cũng trong năm 1995, Lê Đức Anh đến Pháp dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít và sau đó tới New York dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Ông là người duy nhất trong thế hệ các nhà lãnh đạo vào Đảng trước năm 1945 và là vị nguyên thủ cộng sản Việt Nam đầu tiên tới Mỹ.
Trong khi đó, ngay từ tháng 10-1991, ông Võ Văn Kiệt đã bắt đầu các chuyến công du “phá băng” xuống các nước ASEAN. Không chỉ đi nhiều hơn những người đồng nhiệm, thật khó giải thích vì sao ông Võ Văn Kiệt, một người xuất thân từ nông dân, lại chính là nhà lãnh đạo đầu tiên nhận ra việc phải chấn chỉnh từ bên trong để chuẩn bị một tư thế mới, không chỉ cho cá nhân ông mà cho cả Việt Nam, trước khi thiết lập quan hệ rộng rãi hơn với các quốc gia trên thế giới.
Ngày 5-11-1991, trên chuyến chuyên cơ từ sân bay Nội Bài đi Bắc Kinh, ông Võ Văn Kiệt nói với ông Đỗ Mười ý định mở ngay một tuyến cao tốc từ Hà Nội lên Nội Bài và đã được ông Đỗ Mười ủng hộ. Ngày ấy, để đi từ Hà Nội đến sân bay, xe phải qua Cầu Đuống, sang Đông Anh, vừa phải lòng vòng xa, vừa đi qua những khu phố nhếch nhác, chật hẹp. Không chỉ rút ngắn khoảng cách từ sân bay quốc tế về Thủ đô, đoạn đường cao tốc đầu tiên được làm với nguyên tắc BOT này đã gieo những ấn tượng đầu tiên về một Việt Nam đang thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Ông Kiệt cũng cho chuyển nơi đón các vị nguyên thủ quốc gia từ Nhà khách Chính phủ số 12 Ngô Quyền về Phủ Chủ tịch. Ông Kiệt nói: “Một lần tôi được cử tháp tùng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đi đón Tổng bí thư Rumania Ceausescu. Lễ đón được tổ chức trước Nhà khách Ngô Quyền, hình Hồ Chủ tịch đặt trên nóc toà nhà Ngân hàng Nhà nước, một phông vải lớn căng che nhà Ngân hàng, cờ quạt trông như một sân khấu hát bội. Cả chúng tôi và dân chúng được huy động đến phải đứng đợi giữa nắng. Tôi thấy không ổn, nghĩ, phải thay đổi từ những việc tưởng là nhỏ như thế này. Nhưng khi đó tôi mới chỉ là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng”.
Chuyển nơi đón khách thì buộc phải phá một “vườn hoa con cóc” ở trước sân Phủ Chủ tịch, Quyết định của ông Kiệt bị phản ứng. Ông Kiệt kể: “Có người tố cáo với anh Phạm Văn Đồng: Ông Kiệt san bằng di tích. Anh Đồng gọi tôi đến, tôi thưa: anh biết rõ cái gọi là di tích ở đó, chỉ là một cái mỏ neo cắt trên một thảm cỏ cây. Rồi tôi nói, để tổ chức một lễ đón các nguyên thủ cho có tư thế quốc gia, không có chỗ nào trang trọng như trước Phủ Chủ tịch. Mặt khác, chúng ta cũng không thể phơi nắng, phơi mưa cả chủ lẫn khách như lâu nay vẫn làm. Anh Đồng nói: anh nói cũng phải. Thế là tôi về, cho sửa. Lúc đầu ta vẫn đón khách theo kiểu duyệt binh, có đủ hải-lục-không quân. Tôi bỏ duyệt binh, chỉ để đại diện các binh chủng đứng thành hàng và không còn bắt dân phơi nắng nữa”.
Ông Kiệt nói: “Các anh làm đối ngoại lâu năm như anh Nguyễn Duy Trinh, anh Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt, anh Thạch là một Bộ trưởng ngoại giao rất có tầm, sau anh không có ai bằng. Nhưng, lạ là các anh ấy vẫn để cho việc lễ tân trong những cuộc họp hành, đón khách quốc tế rất luộn thuộm. Gần như không có đối chiếu, gần như không để ý đến cái không phù hợp của mình, để sửa”. Ngay như quyết định của ông Kiệt cấm đi dép lê và yêu cầu mặc comple, thắt cà vạt tại các nghi lễ trọng thể, theo ông Vũ Khoan: “Anh em làm ngoại giao lúc đầu cũng cho rằng đó là một quyết định không thực tế. Cho tới một lần, lên một tỉnh miền núi họp, tôi bị hố vì chỉ có tôi ăn mặc tuềnh toàng trong khi các vị lãnh đạo địa phương đều mặc comple, đeo cravat”.
Ông Võ Văn Kiệt cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên nhận ra nhu cầu chấn chỉnh cung cách thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1990, khi tới Davos dự Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Kiệt nhận ra sự thiếu chuyên nghiệp của các quan chức ngoại giao. Nữ phiên dịch của ông trong chuyến đi, bà Tôn Nữ Thị Ninh kể: “Khi tiễn ông ra sân bay, sứ quán nói, đại sứ ra trước để chuẩn bị, tôi với ông đi sau. Nhưng cậu lái xe lại không biết phòng VIP ở đâu, ba thầy trò loay hoay mãi. Cuối cùng, tôi đành phải tìm một góc yên tĩnh, để ông ngồi đấy. Tôi đi được ít phút thì người của sứ quán chờ không thấy ông, đi tìm. Ông không la mắng gì nhưng rất bực mình, trên đường về ông nói, cơ quan ngoại giao của mình ở nước ngoài chưa đủ tầm và thiếu chuyên nghiệp”.
Chuyến đi Davos tháng 2-1990 là chuyến đi đến phương Tây đầu tiên của ông Võ Văn Kiệt. Trước ngày lên đường, bà Phan Lương Cầm, phu nhân của ông, cho mời bà Tôn Nữ Thị Ninh đến, nói: “Chị sống ở bên đó lâu, xin chị mạnh dạn góp ý, kể cả chuyện ăn mặc, anh Sáu nên thế nào?”. Bà Ninh nói: “Ông Kiệt có phong thái của một chính khách rất gần với phương Tây”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: “Quan hệ cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại. Trong đàm phán, ông Kiệt thường tạo được cảm tình và độ tin cậy rất cao, không chỉ với những nhà lãnh đạo châu Á như Mahathir, Than Shwe, Chatichai, Aquino… Các nhà lãnh đạo ASEAN như Chatichai, Mahathir, đặc biệt là Lý Quang Diệu đều giữ quan hệ khá thân mật với ông Võ Văn Kiệt.
Ông Võ Văn Kiệt gặp ông Lý Quang Diệu năm 1990, ở Davos, khi cả hai cùng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới. Lần đó khi phát biểu trên diễn đàn, ông Lý Quang Diệu nói: “Tôi qua đây, có tiếp xúc với mười đoàn, và hiện đoàn Việt Nam đang muốn gặp”. Ngồi ở dưới nghe, ông Kiệt nghĩ: “Ông này chơi mình đây. Cuộc gặp là thoả thuận của đôi bên, nhưng ổng nói như mình xin gặp ổng”. Sau đó khi gặp nhau, Lý Quang Diệu lại chỉ trích: “Việc chọn đi theo mô hình Liên Xô đã làm cho nền kinh tế Việt Nam lạc hậu mất hai mươi năm”. Nhưng, thay vì tạo thêm xung đột, ông Kiệt đã tìm cách kết bạn với người đã phê phán mình.
Năm 1991, khi ông Võ Văn Kiệt tới Singapore, Lý Quang Diệu đã thôi làm thủ tướng được đúng một năm, nhưng vẫn là một nhân vật đầy quyền uy. Trong một dạ tiệc đón tiếp, ông Kiệt ngồi gần, nói với ông Lý Quang Diệu: “Chúng tôi hân hạnh mời ngài qua thăm Việt Nam và ngài nên bố trí thời gian đi thăm nhiều nơi, qua đó ngài có thể có những ý kiến đề xuất, gợi ý vì chúng tôi từ chiến tranh ra, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng kinh tế”. Ông Kiệt kể: Ông Lý cảm ơn lia lịa và nhận lời. Sáng hôm sau, khi báo chí phỏng vấn, Lý Quang Diệu nói: “Thủ tướng Việt Nam mời tôi làm cố vấn và tôi đã nhận lời”. Ở nhà, ông Đỗ Mười, rất lo. Ông Kiệt về, ông Mười hỏi: “Anh mời Lý Quang Diệu làm cố vấn à?”. Ông Kiệt kể: “Tôi thuật lại sự tình nhưng có vẻ như ông Mười không tin lắm. Ông nói, như thế là bất lợi. Tôi động viên, không sao, biết đâu về chính trị, không phải bất lợi mà hay, vì mình được tiếng chịu chơi. Thực tế là hay. Sau đó, báo chí nước ngoài viết: Việt Nam mời một ông chống cộng làm cố vấn chắc đã đổi mới lắm”.
Năm 1992, Việt Nam được mời làm quan sát viên của ASEAN với điều kiện năm năm sau mới có thể trở thành quốc gia thành viên. Nhưng, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Chỉ hai năm, họ đặt vấn đề, nếu Việt Nam đã chuẩn bị và sẵn sàng gia nhập ASEAN thì phải trả lời trong hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN năm 1994 để năm 1995 gia nhập chính thức”. Đúng lúc đó, theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm: “Trong Bộ Chính trị có anh phân vân, quan hệ với ASEAN thì được nhưng gia nhập ASEAN thì không được. Đào Duy Tùng nói: ASEAN là sự tiếp nối của khối SEATO(429)”. Ông Cầm cho rằng: “Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ Chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới”.
Đầu năm 1994, ASEAN thông báo nếu Việt Nam đủ điều kiện tham gia thì đến Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Bangkok phải trả lời. Tháng 7-1994, trước giờ ông Nguyễn Mạnh Cầm đi Bangkok, Hà Nội vẫn chưa đưa ra quyết định. Ông Cầm kể: “Sáng sớm, gặp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi nói: Khi còn vấn đề Campuchia, ASEAN có những đối kháng với mình. Nay, họ cũng có nhu cầu quan hệ với mình, ta phải tranh thủ. Bán anh em xa mua láng giềng gần. Mình có quan hệ được với ASEAN thì mới quan hệ được với các nước”. Đỗ Mười, Lê Đức Anh đồng ý nhưng, Đào Duy Tùng kiên quyết phản đối. Ông Tùng cho rằng vào ASEAN không mang lại lợi ích gì trong khi lại làm tăng nguy cơ “diễn biến hoà bình”. Đến giờ ông Cầm phải ra máy bay, Đào Duy Tùng vẫn bảo lưu ý kiến, ông Đỗ Mười dặn: “Anh cứ đi nhưng chưa trả lời, chờ điện của Bộ Chính trị”.
Rồi, ông Đỗ Mười cử ông Vũ Khoan vào Sài Gòn gặp ông Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ đang làm việc với Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Kiệt từ cuộc họp trong 86 Lê Thánh Tôn ra bảo: “Tôi đã nói từ lâu, chuyện này còn có gì mà phải cân nhắc nữa. Anh báo ngay với anh Cầm là ta đồng ý”. Ông Kiệt nói: “Các chính khách thân tình của ASEAN nói với tôi, nếu ASEAN đặt vấn đề mà Việt Nam do dự thì sẽ mất thời cơ vì họ sẽ nghĩ, Việt Nam chỉ thăm dò chứ không thành thật. ASEAN làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, chỉ cần vài nước rút lại ý kiến là sẽ rất bất lợi”.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm kể: “Ông Đỗ Mười dặn phải chờ điện trả lời của Bộ Chính trị. Theo kế hoạch, các Bộ trưởng sẽ gặp nhau trong bữa ăn tối ngày hôm đó, tôi hy vọng nhận được điện vào buổi chiều nhưng chờ tới sáng hôm sau vẫn không thấy đâu. Tôi quyết định vẫn trả lời ‘có’ với ASEAN. Anh Kiệt đã nỗ lực để đưa Việt Nam gia nhập ASEAN và tôi tin nếu có gì thì anh sẽ đấu tranh trong nội bộ. Mãi tới chiều hôm sau mới có điện của Bộ Chính trị đánh sang trả lời đồng ý”. Điện do Uỷ viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị Đào Duy Tùng ký.
Khi nhận được câu trả lời từ ông Cầm, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Badawi, vui vẻ: “Cầm ơi, năm tới Việt Nam sẽ là thành viên của ASEAN nhưng với anh thì còn hai điều kiện”. Ông Cầm hỏi: “Điều kiện gì?”. Badawi: “Đến đây, anh không nói tiếng Pháp hoặc tiếng Nga nữa mà phải nói giỏi tiếng Anh và, điều kiện thứ hai là phải biết đánh golf”. Ông Cầm: “Tiếng Anh thì tôi cố gắng được còn golf thì tôi sợ lắm. Thời gian để tôi chuẩn bị đánh golf còn khó hơn Việt Nam chuẩn bị điều kiện gia nhập ASEAN”. Badawi: “Việt Nam điều gì cũng làm được. Tôi sẽ giúp anh chuẩn bị. Golf là làm việc chứ không phải chơi”.
Thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, quốc gia mà cho tới khi đó vẫn được Việt Nam gọi là Nam Triều Tiên, cũng là một mốc đáng nhớ trong tiến trình hội nhập, cho dù bên thúc đẩy không phải Việt Nam. Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán, đầu tư từ năm 1983, nhưng chỉ ở mức phi chính phủ. Ông Vũ Khoan kể: “Năm 1991, Uỷ ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc về châu Á và Thái Bình Dương, ESCAP, họp ở Seoul. Nam Triều Tiên muốn có đại diện của Việt Nam, họ mua vé và chi phí cho cả đoàn. Tôi trở thành quan chức đầu tiên của Việt Nam đến Nam Triều Tiên. Tại Seoul, chúng tôi bắt đầu đàm phán về thiết lập ngoại giao. Họ muốn đặt sứ quán tại Hà Nội ngay, nhưng mình chủ trương mở trước ở cấp tổng lãnh sự. Hai bên thoả thuận là bàn kín nhưng đang bàn thì họ lộ tin cho báo chí, tôi bỏ ra về”.
Sau đó, Nam Triều Tiên đề nghị đàm phán ở cấp vụ. Họ cử đại sứ tại Thái Lan sang Hà Nội. Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Trong quá trình đàm phán có mấy điểm phải xin ý kiến Bộ Chính trị: Mình đòi bồi thường chiến tranh, họ nói nếu chúng tôi nhận bồi thường, người Mỹ sẽ gây khó khăn; mình đòi họ phải có trách nhiệm với Việt Nam, họ nói, vậy cũng không được vì Mỹ có trách nhiệm lớn hơn. Thay vì bồi thường, họ hứa sẽ ưu tiên vốn ODA cho Việt Nam và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước”.
Việc thiết lập ngoại giao với Nam Triều Tiên cũng không suôn sẻ. Trước 1975, Nam Triều Tiên là nước đồng minh của Mỹ, cùng với Australia, Chính quyền Park Chung Hee có gửi quân đến tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Họp Bộ Chính trị, ông Nguyễn Hà Phan phát biểu: “Tôi không bao giờ quên tội ác của lính Park Chung Hee, các anh muốn quan hệ thì phải giải trình, phải làm tư tưởng với người dân miền Đông nơi lính Park Chung Hee đã gây nhiều tội ác. Tôi tin là người dân sẽ phản ứng”. Ông Phan nói: “Anh Đào Duy Tùng cũng có ý kiến là tụi này nó xấu lắm”. Cả ông Nguyễn Hà Phan và Đào Duy Tùng thật ra chỉ là người phát ngôn. Theo ông Võ Văn Kiệt, nói Nam Triều Tiên đã từng đưa quân tới Việt Nam chỉ là cái cớ. Việc thiết lập ngoại giao với Nam Triều Tiên bị Bắc Triều Tiên phản ứng và Trung Quốc thì tỏ ý không hài lòng(430). Tháng 4-1992, hai nước đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc.
Ngày 24-5-1992, sau một chuyến thăm Đại Hàn, Xuân Lương, thành viên Hội Nhà báo Việt Nam viết bài “Seoul, Mùa Xuân Thoáng Qua” đăng trên tờ Hà Nội Mới Chủ Nhật. Bài viết mô tả: Nam Triều Tiên sau giải phóng rất nghèo bởi tài nguyên hầu như không có gì đáng kể, lại sau ba năm “chiến tranh huynh đệ tương tàn”. Cũng Xuân Lương, ngày 30-5-1992, có bài đăng trên báo Nhân Dân, tựa đề: “Nam Triều Tiên Chặng Đường Đi Tới Phồn Vinh, mô tả “sự xuất hiện của bốn con rồng Châu Á” theo đó, ca ngợi “con rồng” Nam Triều Tiên đi lên nhờ “tinh thần dân tộc, tính nhẫn nại cộng với chủ trương đúng đắn của nhà nước”.
Ngay sau đó, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Hà Nội đã gặp Vụ phó Vụ Báo chí Bộ ngoại giao Đỗ Công Minh để phản ứng về hai bài báo của Xuân Lương. Ông Đại sứ cho rằng, cuộc chiến tranh năm 1953 ở bán đảo Triều Tiên là “chiến tranh giải phóng”; sở dĩ Nam Triều Tiên phát triển là vì “họ sống bám vào viện trợ của Mỹ, Nhật”. Ông Đại sứ còn đặt vấn đề: “Có thể dẫn tới sự chia tay giữa ngành báo chí hai nước”(431).
Từ trước đó, các phản ứng của Bình Nhưỡng đã được đưa ra cân nhắc trong các cuộc họp của Bộ Chính trị. Yếu tố xã hội chủ nghĩa được đặt lên bàn cân. Ông Võ Văn Kiệt phát biểu: “Bắc Triều Tiên là xã hội chủ nghĩa nhưng khi ta đánh sang Campuchia, họ là nước tiên phong chống ta nhất chứ không phải Nam Triều Tiên. Nếu nói về xấu tốt thì chưa chắc ai đã hơn ai”. Bộ Chính trị không có lý do để từ chối quan hệ với một nước quan trọng như thế trong khu vực. Ngày 22-2-1992, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký tuyên bố chung thiết lập ngoại giao ở cấp đại sứ.
Tháng 2-1993, khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đến Seoul, ông được đón tiếp rất trọng thị. Ông Cầm nói: “Cả tổng thống đương nhiệm và tổng thống đắc cử đều bảo tôi, họ muốn mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm. Tôi trả lời: Tôi nghĩ là Thủ tướng sẽ đồng ý”.
Trước chuyến đi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 5-1993, đại sứ Nam Triều Tiên tại Hà Nội trình lên Bộ ngoại giao một lá thư, đề nghị Việt Nam, từ nay gọi họ là Hàn Quốc thay vì gọi Nam Triều Tiên. Ông Đoàn Mạnh Giao kể: “Ông Kiệt tham vấn, tôi nói: Thưa chú, cháu tên là Giao, cháu yêu cầu mọi người gọi cháu đúng tên không lẽ hàng xóm có quyền không chịu. Ông Kiệt cười. Trước khi ông lên đường, Văn phòng Chính phủ có một công văn yêu cầu các cơ quan trong nước từ nay chính thức gọi Nam Triều Tiên là Hàn Quốc”. Khi tiếp ông Võ Văn Kiệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm: “Tổng thống Kim Young Sam nói: Ngày trước, Hàn Quốc có một món nợ với Việt Nam. Đó là điều đáng tiếc xảy ra trong một thời điểm mà chúng tôi không thể tránh vì là đồng minh với Mỹ. Giờ đây tôi xin sửa bằng cách hợp tác với nhau tốt hơn”.
Khi đàm phán để ký kết hiệp định hợp tác với EU, trong Bộ Chính trị, cũng có nhiều ý kiến phản đối cho dù lúc đó Việt Nam rất cần các bạn hàng châu Âu nhất là bạn hàng dệt may. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Bàn đi, bàn lại rất nhiều. EU đưa ra các điều kiện đòi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Có ý kiến cho rằng, đó là điều kiện chính trị, không thể chấp nhận. Tranh luận không ngã ngũ. Năm 1995, khi tôi chuẩn bị đi châu Âu, tôi nói với ông Đỗ Mười: Đề nghị anh đồng ý với tôi về mặt nguyên tắc, nếu như trong các hiệp định mà EU ký với các nước khác không có điều kiện nhân quyền mà chỉ đặt ra khi ký với mình thì tôi sẽ thuyết phục họ rút lại. Nếu đó là nguyên tắc mà EU áp dụng chung thì đề nghị anh cho tôi quyết định vì mình không phải là một ngoại lệ. Việt Nam cũng không thể đặt mình trong một sự khác biệt và không thể từ chối các đòi hỏi hợp lý về nhân quyền. Ông Mười đồng ý về mặt nguyên tắc”.
Trong lịch sử ngoại giao, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, hiếm khi trong một tháng có tới ba sự kiện lớn như tháng 7-1995: Gia nhập ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Mỹ, ký hiệp định khung với EU. Kể từ khi Việt Nam đổi mới cho tới năm 1996, ngoài việc phục hồi quan hệ với một số quốc gia, Việt Nam thiết lập quan hệ mới với năm mươi bốn nước. Năm 1950, chỉ có các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ 1950-1987, Việt Nam thiết lập quan hệ với 112 nước. Năm 1996, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 166 nước.

Tổng cục II

Khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tướng Lê Đức Anh chọn người đã kế vị mình ở Campuchia, tướng Đoàn Khuê, làm Tổng tham mưu trưởng. Năm 1992, Đoàn Khuê trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và, năm 1991, một nhân vật khác cũng từng ở Quân khu IX và Bộ tư lệnh 719 với Lê Đức Anh, tướng Lê Khả Phiêu, được đưa lên làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ngoài những chức năng hiến định, ông Lê Đức Anh còn được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Nhưng, khi nói đến thực quyền của ông không thể không nhắc đến lực lượng tình báo quân đội mà cho dù trong thời bình, đã được ông nâng từ cấp cục lên tổng cục.
Cuối năm 1986, khi tướng Lê Trọng Tấn mất đột ngột, Lê Đức Anh thay vị trí Tổng tham mưu trưởng. Chỉ huy tình báo quân đội, tướng Phan Bình, được cho về hưu. Trung tướng Phan Bình là người kế nhiệm Đại tá Lê Trọng Nghĩa làm cục trưởng Cục II kể từ năm 1968, thời kỳ mà tình báo quân đội thực sự phục vụ cho quốc phòng. Sau khi bàn giao, tướng Phan Bình vào Sài Gòn. Ông nghỉ tại nhà khách Cục II, số 30 Lê Quý Đôn. Đêm 13 tháng Chạp năm Bính Dần (đầu năm 1987), ông chết ở tư thế “ngã sấp trên thềm nhà trước phòng khách, ở đầu bị bắn toác một lỗ rộng”.
Những thông tin không chính thức sau đó nói rằng “đồng chí Phan Bình bị bệnh tâm thần, tự sát”(432). Tướng Lê Đức Anh đưa Nguyễn Như Văn, vốn là trưởng Đoàn 12, cơ quan tình báo quân đội bên cạnh Bộ tư lệnh 719 ở Campuchia lên làm cục trưởng Cục II. Đại tá Vũ Chính, người kế vị ông Tư Văn ở Đoàn 12 được đưa lên làm cục phó. Năm 1995, Cục II được nâng cấp thành Tổng cục II, tướng Vũ Chính thay Nguyễn Như Văn nắm quyền tổng cục trưởng. Một triều đại mới của tình báo quân đội bắt đầu.
Không dừng lại ở quy mô tổng cục. Dưới sự chỉ đạo của tướng Lê Đức Anh, chủ tịch nước kiêm phó bí thư thứ nhất Đảng uỷ Quân sự Trung ương, tướng Vũ Chính bắt đầu soạn thảo Pháp lệnh tình báo theo đó thay đổi gần như căn bản chức năng nhiệm vụ của cơ quan tình báo. Pháp lệnh được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được Chủ tịch Nông Đức Mạnh ký vào ngày 14-12-1996. Sau khi có Pháp lệnh, Tổng cục II soạn thảo một nghị định trình lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Kiệt thừa nhận là khi nhận thấy sự bất ổn của nghị định tình báo, lẽ ra ông phải đủ can đảm để từ chối ký (Nghị định 96/CP). Nhưng, ông Kiệt giải thích: “Phần do ông Lê Đức Anh không ngừng thúc ép, phần do, theo nguyên tắc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh thì Chính phủ có chức năng phải hướng dẫn thi hành nên chín tháng sau, ngày 11-9-1997, tôi đã phải ký”. Ông Phan Văn Khải giải thích thêm: “Nghị định tình báo mở rộng quá, ông Kiệt cảm thấy bất ổn nhưng không vượt qua được”(433).
Từ một cơ quan trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Pháp lệnh Tình báo đã đặt những cơ quan như Tổng cục II “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ”. Pháp lệnh cũng biến Tổng cục II, từ một cơ quan thay vì chỉ làm chức năng chuyên trách tình báo về quân sự và thực thi các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, trở thành một cơ quan có chức năng “tình báo” trong nội bộ, có quyền: cài người vào các địa phương, các cơ quan của Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị, xã hội, văn hoá và kinh tế, được phép thiết lập kênh thông tin đặc biệt với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Lương(434), nhiều uỷ viên Bộ Chính trị nhận được những “báo cáo tình báo” của Tổng cục II do tướng Vũ Chính trực tiếp đưa tận tay. Những báo cáo này đã từng có tác động không nhỏ đến tiến trình đàm phán. Theo ông Võ Viết Thanh: “Xem lại các báo cáo của Tổng cục II thấy, phần lớn đó là những báo cáo mang tính chất tác động vào nội bộ của lãnh đạo Việt Nam, tạo bất lợi về mặt tâm lý trong các hoạt động đối ngoại, có khuynh hướng đẩy tới sự đối đầu với Mỹ. Tôi không hiểu tại sao khi đọc những báo cáo như vậy mà Bộ Chính trị không yêu cầu chấn chỉnh”.
Ông Phan Văn Khải thừa nhận: “Ông Lê Đức Anh dùng quân đội, lực lượng tình báo quân đội để tạo thế và dùng tin tình báo để gây ảnh hưởng lên cả các vấn đề nhân sự. Năm 2002, khi Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm làm tổng cục trưởng Tổng cục II thay bố vợ là Vũ Chính, tôi có dặn: anh đừng có dùng Tổng cục II vào những việc như bố vợ anh đã từng làm, Vịnh nói, cháu sẽ nghe lời chú”(435). Thời Vũ Chính còn làm tổng cục trưởng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã không thoát khỏi “lưới Tổng cục II” của tướng Lê Đức Anh.

Đất quân đội

Hai ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt chính thức nhận vị trí “nguyên thủ” ngay sau Đại hội Đảng lần thứ VII, trong khi ông Lê Đức Anh phải đợi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công chủ trì việc thông qua Hiến pháp mới. Tướng Lê Đức Anh nhận chức Chủ tịch nước vào tháng 9-1992, khi Quốc hội khoá IX bắt đầu nhóm họp. Ông có lẽ là vị nguyên thủ đầu tiên kết hợp khá nhuần nhuyễn quyền lực trên thực tế với vai trò mang tính biểu tượng của chức danh chủ tịch nước. Không phải ngẫu nhiên khi đã trở thành nguyên thủ quốc gia, ông Lê Đức Anh vẫn ở trong Thành. Quân đội vẫn là một lãnh địa mà ông tiếp tục nắm vững rồi từ đó toả ra sức mạnh.
Tướng Lê Đức Anh là người đưa ra sáng kiến phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng(436). Ngày 10-9-1994, Lê Đức Anh ký Lệnh ban hành Pháp lệnh 29-8-1994 và ngày 29-12-1994, trong một đại lễ được Đài truyền hình Việt Nam trực tiếp truyền đi, Lê Đức Anh đã cùng với hàng trăm bà mẹ, khi ấy ở tuổi ngoài 70, cùng duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Chiến tranh đã cướp đi hàng triệu sinh linh của cả hai bên, chỉ riêng phía Cộng sản đã có tới 44.253 bà mẹ Việt Nam đủ mất mát để được gọi là anh hùng: miền Bắc có 15.033 bà; miền Nam có 29.220 bà. Họ là những người phụ nữ bị mất đứa con duy nhất, bị mất cả chồng lẫn con, bị mất ba con, thậm chí, có những người như bà Nguyễn Thị Thứ, ở xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam, có tới 9 người con được Chính quyền công nhận là liệt sỹ.
Từ năm 1987, khi Việt Nam bắt đầu rút quân ở Campuchia, căng thẳng biên giới với Trung Quốc giảm dần, hơn 600 nghìn sỹ quan, binh lính được cho giải ngũ: 37.338 người đã được Bộ Quốc phòng “xuất khẩu lao động” sang các nước Đông Âu, trong đó có 9.333 sỹ quan; 25.454 hạ sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp; 2.551 người thuộc diện con em cán bộ quân đội. Phần lớn phải tự mình xoay xở: một số trở lại quê hương lam lũ; một số đưa vợ con vào Nam, lên Tây Nguyên… Các chàng trai chỉ mong có ngày cởi bỏ những bộ quân phục, chia tay với súng đạn, ít ai nghĩ tới những ưu đãi mà quân đội sắp dành cho những người ở lại.
Đầu thập niên 1990, sỹ quan quân đội bắt đầu được hưởng mức lương ưu đãi theo hệ số 1,8. Theo đó, một sỹ quan sẽ nhận được số lương trên thực tế cao gấp 1,8 lần so với một viên chức dân sự có cùng ngạch bậc. Theo ông Vũ Quốc Tuấn: “Ông Võ Văn Kiệt không đồng ý. Ông Kiệt cho rằng, nếu anh ở chiến trường hoặc ở biên cương, hải đảo thì mức lương đó tôi tán thành. Nhưng nếu anh ở Hà Nội hay Sài Gòn, hằng ngày về với vợ con mà hưởng lương thế là vô lý”(437). Tranh cãi kéo dài suốt từ năm 1991 đến 1994 nhưng không có kết quả. Vấn đề không phải là công bằng mà là vai trò quân đội trong tương quan chính trị.
Tướng Lê Đức Anh có một quyết định khác làm đổi đời nhiều sỹ quan, đó là quyết định lấy đất doanh trại và đất mà các đơn vị quân đội đang nắm giữ ở các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ, Đã Nẵng… chia cho cán bộ xây nhà. Ở Hà Nội là các phần đất quân sự xung quanh sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, khu Lý Nam Đế… Ở Sài Gòn là các vùng đất bao quanh Trung tâm như: trại Hoàng Hoa Thám; trại Đào Duy Từ; căn cứ 26; Bộ Tổng Tham mưu; căn cứ Hải quân, từ khu vực Ba Son ăn thông sang khu Lê Thánh Tôn, kéo xuống Tân Cảng; các nhà máy thuộc Tổng cục Kỹ thuật kéo từ đường 3-2 đến Chí Hoà…
Con trai tướng Lê Đức Anh, ông Lê Mạnh Hà nói: “Trong thời gian ông (Lê Đức Anh) làm Bộ trưởng Quốc phòng, ngoài những việc về vấn đề chiến lược quốc phòng, hay bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, mà tôi không dám lạm bàn, có một việc ông làm mà tôi nghĩ được nhiều quân nhân đánh giá cao, nếu không nói là biết ơn. Đó là việc chia đất cho sĩ quan quân đội, những người hầu như không có gì cả sau khi các cuộc chiến kết thúc. Cuộc sống của họ rõ ràng có sự thay đổi, bởi như các cụ vẫn nói an cư lạc nghiệp” (theo Vietnamnet).
Những người được cấp đất có thể sẽ dễ dàng đồng ý với ông Lê Mạnh Hà. Nhưng, trong số hơn 1,6 triệu quân lúc đó, chỉ có hơn 50.000 sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp được cấp đất, họ là những người may mắn công tác trong những đơn vị đóng quân tại các thành phố lớn. Nhiều tướng lĩnh đã có biệt thự ở cư xá Bắc Hải, cư xá Lam Sơn… vẫn được cấp đất trên đường Sư Vạn Hạnh, trên đường 3-2 hay đường Cộng Hoà. Trong khi, nhiều sỹ quan khác, có người là tướng, là sỹ quan cao cấp, trở về quê chỉ nhận được một ít lương, trợ cấp.
Đặc biệt, hàng trăm nghìn người lính, nhất là những người đang bám trụ ở biên giới, hải đảo, đã không may mắn được hưởng đặc ân đất đai, nhà cửa. Không chỉ tạo ra sự không công bằng trong quân đội, việc cấp đất ồ ạt cho sỹ quan xây nhà trên những khu đất không được đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo ra nhiều vấn nạn về đô thị và xã hội. Phần lớn các khu nhà này đều được xây lên mà không có đường sá, cầu cống, đặc biệt là không có điện nước. Các gia đình tự khoan giếng và câu điện. Nhiều nơi, mỗi khi mưa xuống là cả khu ngập ngụa, lầy lội.
Ông Lê Văn Năm, khi ấy là Viện trưởng Viện Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Thành phố biết trước những khu đất này sẽ được chuyển giao cho mục tiêu dân sự nên muốn chủ động quy hoạch để phát triển đồng bộ. Nhưng, những năm 1987, 1988, mỗi lần vào khu vực Tân Sơn Nhất hay Hoàng Hoa Thám, chúng tôi đều phải xin phép trước. Chủ tịch Thành phố Phan Văn Khải dặn: Giữ thân, Lê Văn Năm ơi. Tôi đến Quân khu 7 xin cho làm quy hoạch, làm không công, tôi nói: Làm xong sẽ trình các anh trước. Nhưng chỉ khi chia đất, xây nhà xong, quân đội mới giao cho Thành phố. Chúng tôi lại phải điều chỉnh quy hoạch, khép mối các tuyến đường vừa mở”.
Năm 1989, Chính phủ lập Đoàn Thanh tra 186. Mặc dù chỉ ra nhiều điều bất cập về quy hoạch phát triển và không ít tiêu cực trong quá trình phân phối đất, Đoàn Thanh tra chỉ đóng vai trò hợp thức hoá quyền cấp đất cho Bộ Quốc phòng. Ngày 24-5-1990, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Địa chính ban hành một thông tư liên bộ, thừa nhận quyền cấp đất của các quân chủng, quân khu với yêu cầu quân nhân được cấp đất trước khi xây nhà phải liên hệ với chính quyền sở tại.
Nhưng, các khu nhà ở vẫn mọc lên theo cách tự phát vì bản thân chính quyền các địa phương cũng không hài lòng khi quyền chia đất không nằm trong tay mình. Không phải sỹ quan nào được cấp đất cũng có tiền mua nhà, một số xẻ đất ra bán một phần, hoặc bán hết rồi về quê.
Không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người được cấp đất và những người không được cấp, hệ luỵ do sự cát cứ đất đai của các cơ quan không chỉ quân đội khiến cho tài nguyên quốc gia quan trọng này đã không được huy động theo cách đúng đắn nhất cho quá trình xây dựng đô thị. Sau năm 1975, đất đai, nhà cửa ở miền Nam cũng được coi như một loại chiến lợi phẩm. Từng ngành tiếp quản các cơ sở mà Việt Nam Cộng hoà đã sử dụng cho các chức năng tương ứng. Ví dụ: Bộ Công nghiệp vào tiếp quản các nhà máy; Bộ Giáo dục tiếp quản trường học; Bộ Y tế vào nắm các bệnh viện… Vì Sài Gòn là thủ đô của một bộ máy chiến tranh, Bộ Quốc phòng tiếp quản nhiều đất đai, nhà cửa nhất, với tổng diện tích lên tới 1.600 hecta.
Đất đai do các đơn vị quân đội tiếp quản trở thành các lãnh địa mà địa phương bất khả sử dụng. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, trợ lý của ông Kiệt, đây cũng là một trong những vấn đề khiến cho Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt thường có những bất đồng. Đất đai, nhà xưởng mà quân đội nắm giữ rộng mênh mông. Ở Đà Nẵng, có lần địa phương dẫn ông Kiệt đi xem cả một dọc dài những vùng đất có thể phát triển hạ tầng cho các khu kinh tế nhưng Đà Nẵng không thể làm gì vì nó đang nằm trong tay quân đội. Ở Sài Gòn, quân đội nắm phần lớn những vị trí có vai trò yết hầu.
Theo ông Lê Văn Năm, khi Thành phố trình phương án Quy hoạch Tổng mặt bằng, dự kiến bắc bốn cây cầu qua sông Sài Gòn ở hướng Thủ Thiêm, ông Lê Đức Anh nói: “Tại sao các cậu đòi nhiều cầu thế, trước nay Sài Gòn chỉ có một cầu cũng đủ kia mà”. Theo quy định, Bộ Chính trị trực tiếp xem xét và quyết định quy hoạch của những thành phố như Hà Nội, Sài Gòn. Thay vì dự báo mức tăng trưởng để phát triển hạ tầng tương ứng, các nhà quy hoạch phải “vẽ” một thành phố chỉ với quy mô dân số mà Bộ Chính trị phê duyệt. Theo ông Lê Văn Năm: “Năm 1993, Bộ Chính trị yêu cầu khống chế quy hoạch Thành phố ở quy mô 5 triệu dân. Khi đó, chúng tôi đã thấy là không thể nào đáp ứng yêu cầu. Năm 1998, Bộ Chính trị phải đồng ý điều chỉnh quy mô dân số Thành phố lên 10 triệu”(438).
Khi trở lại Sài Gòn làm Chủ tịch, ông Võ Viết Thanh có ý định di chuyển xưởng Ba Son và Tân Cảng về Thủ Thiêm, ông nói: “Tôi và anh Mai Xuân Vĩnh, Tư lệnh Hải quân nhất trí với nhau, trước sau cũng phải dời, thấy trước, chủ động thì đỡ tốn kém”. Một trong những cây cầu mà Thành phố định làm, được bắc từ đường Tôn Đức Thắng, thẳng theo con đường này tính từ hướng Đinh Tiên Hoàng chạy xuống bờ sông, trước khi nó uốn cong về phía cột cờ Thủ Ngữ. Chủ tịch Võ Viết Thanh nói: “Tôi trình bày riêng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông nhất trí. Nhưng, theo lời khuyên của ông Kiệt, tôi mời Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê vào, dẹp hết các ấn tượng cá nhân về con người này, tôi đích thân cùng ông đi ca - nô dọc sông Sài Gòn để xem kế hoạch di dời Tân Cảng, Ba Son trong điều kiện xây cầu Thủ Thiêm. Ông Đoàn Khuê không kết luận gì, nhưng sau chuyến đi ấy, thấy anh Mai Xuân Vĩnh cho Thành phố mượn trước 30 tỷ để giải phóng mặt bằng”.
Nhưng khi phương án được trình lên, theo ông Võ Viết Thanh: “Tại cuộc họp Bộ Chính trị, khi ông Đỗ Mười chưa kịp nói gì, ông Đoàn Khuê đã phản ứng gay gắt. Đoàn Khuê nói rằng, xây cầu, nếu có chiến tranh thì làm sao bảo vệ. Tôi nói thẳng, vấn đề là làm sao đừng để chiến tranh xảy ra, chứ khi đã có chiến tranh thì không chỉ cầu mà đường hầm cũng không bảo vệ được. Tôi không nghĩ là tất cả Bộ Chính trị đều không nhận ra tư duy quân sự ấu trĩ ấy của Đoàn Khuê”. Theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Lê Đức Anh cũng cho rằng, dứt khoát không được làm cầu nổi vì Ba Son cần giữ bí mật”.
Khi làm đại lộ Đông - Tây, lẽ ra nếu làm cầu thì chỉ hết chưa tới 100 triệu đôla, nhưng Thành phố cũng đã bị buộc phải làm đường hầm qua Thủ Thiêm với kinh phí cao hơn gần gấp ba lần. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Thôi, Bảy Thanh, hãy để cho 4 triệu dân Thành phố đánh giá”. Nhưng, sẽ không có một thiết chế chính trị nào để bốn triệu dân Thành phố đánh giá những quyết định của các nhà chính trị. Bản chất vấn đề, theo ông Lê Văn Nam: “Ông Kiệt nói ngắn gọn: Tụi mình thua nhà binh”.
Theo Bộ trưởng Trần Xuân Giá, nhiều lần, ông Võ Văn Kiệt “tức như bò đá” vì có những dự án đầu tư đã xong đâu vào đấy nhưng không thể nào thực hiện vì Bộ Tổng Tham mưu trả lời không. Theo nguyên tắc, tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đều phải có văn bản hỏi ý kiến Bộ Tổng Tham mưu về vị trí. Bộ Tổng Tham mưu sẽ căn cứ vào bản đồ “Bố phòng Quốc gia” để trả lời được hay không mà không cần giải thích.
Theo ông Giá, quốc gia nào cũng có một bản đồ bố phòng, nhưng vấn đề là những người lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã sử dụng tư duy quân sự của thập niên 1960 để điều chỉnh những bước đi của thập niên 1990, 2000. Có lần ông Kiệt phải kêu lên: “Tôi là Thủ tướng, là Uỷ viên Bộ Chính trị mà cũng không được xem bản đồ bố phòng”. Theo ông Giá, đấu tranh mãi cuối cùng ông Kiệt mới yêu cầu Bộ Chính trị tổ chức một cuộc họp, đưa bản đồ bố phòng quốc gia ra, thống nhất chỗ nào dứt khoát người nước ngoài không được đầu tư, chỗ nào có thể xem xét.
Tuy nhiên, ông Kiệt cũng không dễ dàng thắng “tư duy nhà binh”. Theo ông Giá: “Khi xem xét những vấn đề cụ thể như khu đô thị Nomura, ông Lê Đức Anh cũng phản đối. Lê Đức Anh nói: Chúng ta để cho người nước ngoài đứng ở những đầu cầu vững chắc để tấn công Hà Nội. Có lẽ ông ấy nghĩ, Nomura được đầu tư bởi người nước ngoài thì cũng có thể thành một căn cứ quân sự của nước ngoài”.

Hoá giá nhà

Ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, sau ngày 30-4-1975, Chính quyền tiếp quản hàng trăm nghìn căn nhà, phần từ quỹ nhà công của Việt Nam Cộng hoà, phần nhà tư của những người di tản trước ngày 30-4-1975 hoặc tịch thu của những người ở lại(439).
Hơn 70.000 căn nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hàng ngàn căn biệt thự, được phân phối cho cán bộ, công nhân viên, dưới danh nghĩa là “thuê”. Nói là thuê, nhưng những cán bộ ở trong đó đã coi việc thuê nhà như một động thái chiếm hữu. Theo chính sách bao cấp, tiền thuê những căn nhà, kể cả những căn biệt thự đó, được tính không quá 5% tiền lương của người thuê. Nhà nước chỉ thu được một khoản tiền rất tượng trưng: một ngôi biệt thự chỉ từ 10 đến 20 nghìn đồng/tháng; một căn hộ cấp II, 5000 đồng/tháng; một căn hộ trong chung cư có từ 2 -3 phòng, giá chỉ từ 2000 đến 4000 đồng/tháng. Chính sách bao cấp đưa cả căn biệt thự rộng 400 - 500m2 cho một hộ 3-4 nhân khẩu, trong khi hàng triệu người vẫn không có nhà.
Vì là chủ sở hữu nên Nhà nước vẫn có trách nhiệm phải sửa chữa những căn nhà này khi có yêu cầu. Chính quyền Thành phố tính rằng, phải thu 100 năm tiền thuê nhà mới bằng khoản tiền mà Nhà nước phải bỏ ra để sửa chữa trong hơn 10 năm đó. Trong thời gian bao cấp, ít ai để ý, nhưng khi nền kinh tế chuyển dần sang thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu vào, nhu cầu thuê nhà xuất hiện thì sự bất hợp lý này càng bộc lộ. Giá biệt thự cho người nước ngoài thuê ở thời điểm đầu thập niên 1990, trung bình từ 1000-3000 USD/tháng/căn, có khi lên tới 6.000 USD, chủ nhà lại thường được trả trước một năm tiền nhà với một khoản tiền đủ để đi mua nhà mới. Thành phố điều chỉnh bằng quy định, “điều tiết” một phần tiền từ những người này với mức tối đa 25.000 đồng/m2, trong khi họ có thể cho thuê lại với giá 10- 15 USD/m2.
Chính sách bao cấp đã làm cho diện tích bình quân về nhà ở ở Sài Gòn giảm từ 8m2/người năm 1945 xuống còn 5,1m2/người năm 1989. Với tốc độ tăng dân số bình quân mỗi năm là 100.000 người, để giữ được diện tích tối thiểu của năm 1990: 5m2/người, mỗi năm Thành phố phải xây mới 500.000m2 nhà ở. Trong khi, theo thống kê của Sở Nhà đất, 15 năm “sau ngày giải phóng”, Thành phố chỉ xây được từ 150.000 đến 175.000 m2 nhà ở/năm.
Ở thời điểm năm 1990, Thành phố có 43.000 căn nhà lụp xụp, rách nát, trong đó có 17.000 căn hộ sống trên kênh rạch ô nhiễm nặng cần phải cải thiện hoặc giải toả. 15 năm sau ngày “giải phóng”, trong số 185 hộ ở Cầu Ván, một vùng nghèo ở vùng ven, chỉ có một hộ thay được mái lá bằng mái tôn, loại tôn cũ gỡ lại. Ở phường 12, quận Bình Thạnh, năm 1990, có 1.200 người sống trong 300 căn hộ dựng tạm trên nghĩa địa, không nước, không điện. Toàn Thành phố còn hơn 10.000 người sống lang thang dọc các vỉa hè hoặc gầm cầu.
Từ cuối năm 1989, Thành phố chủ trương tìm nguồn vốn bằng cách bán những căn nhà đang cho thuê này cho những người đang thuê những căn nhà đó, chủ yếu họ là cán bộ, công nhân, với giá nhà nước, thấp hơn nhiều so với giá thị trường, gọi là hoá giá nhà.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, khi ấy là Chủ tịch Thành phố: “Đoàn của Hội đồng Bộ trưởng đã đồng ý cho phép Thành phố làm và khuyến khích khẩn trương làm. Ngày 9-2-1990, Uỷ ban Nhân dân Thành phố ra thông báo về chỉ đạo này của Hội đồng Bộ trưởng để các nơi tích cực chuẩn bị tổ chức thực hiện”. Từ đó cho tới tháng 7-1991, theo Báo cáo của giám đốc Sở Nhà đất: đã có 12.000 đơn xin hoá giá nhà cấp III, IV; các ban chỉ đạo hoá giá nhà đã hoàn tất 3.349 hồ sơ, trong đó đã thu tiền bán 1.761 căn nhà; trong số này, có 87 căn nhà theo diện chính sách được cấp không.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VII, tháng 6-1991, ông Đỗ Mười trở thành Tổng bí thư, ông Võ Văn Kiệt, tuy chưa chính thức được Quốc hội bỏ phiếu bầu, nhưng theo sự phân công của Đảng đã trở thành người thay thế ông Đỗ Mười đứng đầu Chính phủ. Theo ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Thành phố cử ba cán bộ phụ trách lĩnh vực - ông Nguyễn Văn Huấn, uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, phó chủ tịch Uỷ ban Phụ trách nhà đất; Ông Lê Văn Năm, uỷ viên Uỷ ban; Ông Lê Thanh Hải, giám đốc Sở Nhà đất - ra Hà Nội xin ý kiến Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Xây dựng cho hoá giá nhà cấp I, II và biệt thự”. Đây là những cán bộ đã từng có mối quan hệ gần gũi với ông Võ Văn Kiệt và sau khi tiếp xúc, cả chính thức và tại nhà riêng, Đoàn về báo cáo với Thường vụ Thành uỷ, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Xây dựng đồng ý cho thành phố làm.
Sáng 12-7-1991, trong một cuộc họp có báo chí tham dự, Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Nghiệp chỉ thị phải tăng nhanh tiến độ hoá giá nhà để đến cuối tháng 9-1991 phải hoá giá xong nhà cấp III, IV. Ngày 30-7-1991, Thành phố ra Quyết định “hoá giá nhà cấp I, II và biệt thự”.
Hàng trăm căn biệt thự đã được bán ra với giá vô cùng rẻ mạt. Thế nhưng, để có tiền mua hoá giá, nhiều người đã phải “bán lúa non” cho người khác với giá cao hơn hàng chục lần so với giá thực trả cho Nhà nước. Thanh tra phát hiện ra bốn trường hợp bán lại, trong đó có những trường hợp đã kịp bán lại hai lần trong những tuần đầu. Một trong những người bán lại sớm nhất nhà hoá giá là Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng Tổng bí thư Lê Duẩn. Khi được điều vào Quân khu VII, ông Hãn được cấp một căn biệt thự có khuôn viên rộng trên đường Nguyễn Thông, giữa trung tâm quận Ba. Ngay sau khi “hoá giá”, ông Lê Hãn đã bán lại căn nhà này với khoản chênh lệch giá lên tới 1,6 tỷ, một khoản tiền khổng lồ lúc đó. Ông Lê Thanh Hải nói: “Tôi biết là có chuyện liền gửi thư cho Lê Hãn nói đừng làm thế, nhưng Lê Hãn không nghe”.
Khi cho cán bộ công nhân viên thuê nhà, thực chất là Nhà nước đã trả lương cho những cán bộ, công nhân đó một khoản tiền lương bằng hiện vật. Nhưng, có tới 70% cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang trên cả nước không được cấp nhà, nghĩa là không được hưởng phần lương bằng hiện vật này. Trong số 30% được cấp nhà ấy, phần lớn sống tại các thành phố phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn.
Trừ một số vị công thần của Đảng, đa số cán bộ ở Hà Nội, đầu thập niên 1990 chỉ được sống trong những căn hộ chật hẹp, hoặc có khi, hàng chục hộ chia nhau một căn biệt thự. Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc và Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên khi nhận chức đều đang sống trong những căn hộ chỉ có 24m2. Trong khi, chỉ cần cán bộ cấp sở ở Sài Gòn cũng đã có thể được cấp những căn biệt thự có khuôn viên rộng hàng trăm mét. Con số chênh lệch giá lên tới hàng trăm lượng vàng sau khi được hoá giá nhà trở thành những thông tin làm rúng động cả nước. Ông Nguyễn Văn Huấn nói: “Bà Ngô Bá Thành cho rằng Thành phố tham nhũng tập thể. Nhiều ý kiến nói Thành phố chia chiến lợi phẩm, cướp công trạng của cả dân tộc, chia chác xương máu của cả nước”.
Ngày 13-9-1991, Hội đồng Bộ trưởng có công điện yêu cầu Thành phố đình hoãn việc hoá giá nhà. Nhưng, như đã đâm lao, Thành phố không thể dừng lại ngay vì sức ép của chính các cán bộ đang ở trong những căn nhà mà nếu được hoá giá ngay lập tức họ trở thành triệu phú. Nếu như, trong khoảng từ 30-7 đến 13-9-1991, Thành phố chỉ hoá giá được 465 căn nhà cấp I, II và biệt thự, thì chỉ bảy ngày sau khi có lệnh ngưng của Hội đồng Bộ trưởng, từ ngày 13 đến 19-9-1991, số nhà được hoá giá lên tới 991 căn.
Bộ Chính trị triệu tập lãnh đạo Thành phố, Bí thư Võ Trần Chí, Phó Chủ tịch Trương Tấn Sang và Giám đốc Sở Nhà đất Lê Thanh Hải, ra Hà Nội. Những người ở hậu trường biết rõ, mũi tên hoá giá nhà chủ yếu nhắm thẳng vào ông Võ Văn Kiệt. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó buộc phải nói rằng những người gặp ông hồi đầu tháng 7-1991 đã hiểu sai câu nói của ông, Hội đồng Bộ trưởng chưa có chủ trương cho hoá giá nhà cấp I, II và biệt thự.
Trước áp lực chất vấn của Quốc hội (ngày 20-12-1991), Bộ trưởng Xây dựng Ngô Xuân Lộc nói: “Việc hoá giá nhà cấp III, IV là hợp lệ vì Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép. Tuy nhiên, hoá giá nhà cấp I, II và biệt thự thì Hội đồng Bộ trưởng chưa có chủ trương. Việc Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký quyết định cho hoá giá là vượt thẩm quyền”. Ông Lộc còn cho rằng: “Chúng ta đang điều hành Nhà nước theo pháp luật nhưng đấy là một việc làm sai pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục yêu cầu hoãn hoá giá nhà cấp I, II; những người đã mua, đã có chủ quyền, tạm thời không được bán; khẩn trương xác định danh sách khu vực nhà không được bán để thu lại những nhà đã hoá giá”.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc vừa trả lời xong thì đại biểu Dương Xuân An công bố trước Quốc hội văn bản số 96, ký ngày 2- 12-1991 của Thành phố nói rằng “việc hoá giá nhà, Thành phố chỉ làm sau khi có thỉnh thị ý kiến của Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng”. Gần hai mươi đại biểu có ý kiến ngay sau đó, nhiều người đòi “đặt vấn đề hoá giá nhà của Thành phố trong bối cảnh chống tham nhũng” để xử lý, nhất là với những cán bộ đương chức được hoá giá nhà với giá rẻ có thể bán lại thu lợi hàng trăm lượng vàng. Chánh án Phạm Hưng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Tài, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Ngô Bá Thành, đòi “vụ việc phải được xử lý trước pháp luật”(440).
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt phải xuất hiện, ông nói: “Tôi tán thành với ý kiến của các đại biểu và đề nghị Quốc hội lập một đoàn thanh tra, nếu phát hiện sai phạm pháp luật thì xử lý theo pháp luật”. Các đại biểu Quốc hội cho rằng lập đoàn thanh tra là cần thiết để xử lý các sai phạm, để thu hồi tài sản thất thoát và đòi Quốc hội phải ra một nghị quyết bày tỏ thái độ(441).
Lúc ấy, nhiệm kỳ của “tam nhân” chỉ mới bắt đầu, sức ép đã đủ để ông Võ Văn Kiệt có những bước lùi. Về mặt công khai, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cho trì hoãn việc Quốc hội ra nghị quyết bằng cách hứa là Hội đồng Nhà nước sẽ ra quyết định. Ông Võ Văn Kiệt vượt qua được sóng gió nhưng đã phải chịu những tổn thất lớn trong tình cảm với những người bạn ở Sài Gòn(442).

Đường dây 500

Không còn như thời kỳ “nhà nước đảng”. Bắt đầu từ thập niên 1990, Chính phủ trực tiếp ban hành và trở thành trung tâm điều hành các chủ trương, chính sách lớn. Một trong những chủ trương lớn của thời kỳ đó là cho xây dựng đường dây tải điện siêu cao áp từ Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình vào miền Nam, về sau gọi là Đường dây 500 kV(443).
Cuối năm 1991, miền Nam thiếu điện nghiêm trọng, trong khi, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, dự kiến vào năm 1995, sẽ sản xuất ra một lượng điện mà miền Bắc không có khả năng khai thác hết. Bộ Năng lượng tuy đưa ra hai phương án: bán sang Trung Quốc hoặc làm đường dây siêu cao áp để tải vô Nam. Nhưng Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải vẫn nói trong Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng: “Chúng tôi khảo sát, nếu bán sang Trung Quốc thì giá không đến nỗi nào nhưng do phải xây dựng một đường dây 220 kV để tải điện sang nên tính ra không còn dư bao nhiêu. Nếu chuyển điện vào miền Nam thì phải xây một đường dây siêu cao áp”.
Việt Nam khi ấy vừa bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, phương án bán điện cho họ cũng được một số người tán thành. Nhưng, theo ông Kiệt: “Nam Bộ thiếu điện trầm trọng, các nhà đầu tư vào, câu đầu tiên là hỏi về điện. Vấn đề không chỉ là Trung Quốc, trong đầu tôi không có chuyện bán điện. Cũng may là khi bàn chuyện bán điện, có người phản ứng, miền Bắc thiếu gạo thì miền Nam đưa ra, bây giờ miền Nam thiếu điện, không lẽ miền Bắc đưa bán sang Trung Quốc”. Theo ông Vũ Ngọc Hải: “Ông Kiệt nói: Tôi còn làm Thủ tướng thì không bán điện đi đâu cả”. Ông Kiệt quyết định sớm làm đường dây siêu cao áp để đưa điện vào Nam. Chủ trương này được Tổng bí thư Đỗ Mười đồng tình.
Về mặt thủ tục, ông Võ Văn Kiệt thừa nhận, quá trình hình thành chủ trương xây dựng đường dây 500 kV cũng có những thiếu sót. Ông Kiệt nói: “Tôi và ông Đỗ Mười trao đổi, hai bên thống nhất lắm. Hai, ba lần họp Bộ Chính trị, ông Mười nhắc: Anh Kiệt nên làm gấp đường dây 500. Nhưng, ông Mười không bao giờ cho bàn chính thức để đi đến một quyết nghị của Bộ Chính trị. Thế rồi, khi anh Nguyễn Văn Linh hỏi anh Đỗ Mười: Chủ trương đâu, thì té ra, trong Bộ Chính trị cũng có nhiều người không đồng tình, tỏ ra bực bội, nói ông Kiệt tự ý làm. Anh Mười im lặng. Ông Linh dựa vào đó nạt mình”.
Trước Tết năm 1992, nghĩa là ở thời điểm mà chủ trương đã hình thành, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một Việt kiều ở Pháp, nêu ra ba nghi vấn về đường dây 500 kV: Đường dây dài gần 1.500 km, tạo ra chênh lệch 1/4 bước sóng cho nên không thể tải điện đi miền Nam; Chưa có luận chứng mà đặt mục tiêu thi công trong hai năm là không tưởng; Giá thành sẽ rất cao, về mặt hiệu quả kinh tế là không có. Nhà báo Minh Thu kể: “Tôi đến gặp ông không lâu sau khi có thư của ông Nhẫn. Ông đưa lá thư cho tôi coi rồi nói: Chú đã cho thư ký photo gửi hết cho anh em. Tôi kêu lên: Trời ơi, sao chú làm thế? Ông cười: Không có ai chỉ ra những điểm yếu của mình đầy đủ như những người phản đối mình. Ở đây có những cảnh báo mà anh em chưa đặt ra hết”.
Ông Vũ Ngọc Hải thừa nhận: “Dù tin anh em, ông Kiệt vẫn bị ám ảnh bởi ý kiến của Giáo sư Nhẫn”. Ông Kiệt triệu tập khẩn cấp ông Vũ Ngọc Hải. Ông Hải nói: “Tôi thức trắng một đêm, xem tài liệu và tự mình tính toán. Việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng năm trạm bù đã được các chuyên gia nước ngoài thẩm định. Tôi quyết định ký và đảm bảo với Thủ tướng: Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải là an toàn. Anh đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật, tôi đảm bảo. Ông Kiệt quyết định và nói: Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.
Nhưng lá thư của ông Nhẫn đã được những người phản đối công trình khai thác. Theo ông Vũ Ngọc Hải, ông Nguyễn Văn Linh vốn ủng hộ phương án bán điện, lấy tiền xây nhà máy nhiệt điện ở miền Nam, nhưng trước đó, chưa có đủ lập luận để phản bác. Sau khi có được lá thư của ông Nhẫn, từ miền Nam, bà Ngô Bá Thành, người được ông Nguyễn Văn Linh đưa lên chức Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, nói gần nói xa: Làm đường dây 500 là tự sát. Ông Đỗ Mười lúng túng.
Trụ điện đầu tiên của công trình đường dây 500 kV được khởi công vào ngày 1-3-1992. Ông Võ Văn Kiệt đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi, ngày 24-3-1992, ngày Quốc hội khoá VIII khai mạc kỳ họp cuối cùng, ông bay lên Hoà Bình dự lễ khởi công công trình xây dựng cột điện ở nơi khởi nguồn của đường dây. Ông Nguyễn Hà Phan nói: “Bữa ông đi khởi công, tôi khuyên: Anh đợi tới chiều hẵng đi, dự khai mạc Quốc hội đã. Nhưng ông vẫn đi. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước nói: Ông này bất kể thiên địa. Một ông rất to trong Quốc hội lo: Gió bão nó đổ một cây cột thì ai chịu? Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo nói với tôi: Sáu Phan à, làm cái này coi bộ vướng”.
Trong khi đó, Hà Nội nhận được những tín hiệu mà Cố vấn Nguyễn Văn Linh phát ra từ Sài Gòn. Khi không chính thức đưa công trình đường dây 500 ra bàn ở Bộ Chính trị, ông Đỗ Mười cũng có những tính toán. Năm 1989, hai lần ông Đỗ Mười cho thảo một nghị quyết để Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương thông qua, hợp thức hoá chủ trương chống lạm phát bằng “lãi suất cưỡi sóng” của ông, nhưng cho dù ủng hộ, ông Nguyễn Văn Linh lờ đi. Chỉ khi làm thí điểm ở Hải Phòng có kết quả, Hội nghị Trung ương 6 khoá VI mới đưa vấn đề chống lạm phát vào Nghị quyết.
Không phải ông Võ Văn Kiệt không biết tình huống chính trị này, nhưng khi không hối thúc ông Đỗ Mười chính thức có chủ trương, ông Kiệt cũng có những cân nhắc. Ông Kiệt không muốn tạo tiền lệ Chính phủ làm gì cũng phải được bàn trước trong Bộ Chính trị và phải xin ý kiến Quốc hội(444). Việc ông Kiệt phát lệnh khởi công một công trình lớn ba tuần trước khi Quốc hội khoá VIII họp kỳ cuối cùng đã làm mếch lòng rất nhiều đại biểu.
Ngày 13-4-1992, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Giáo sư Vũ Đình Cự nói: “Uỷ ban chúng tôi đã phải làm một việc rất khó khăn vì phải phát biểu ý kiến về một công trình quan trọng, nhân dân cả nước quan tâm, đã có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và lại vừa được cử hành lễ khởi công rất trọng thể ở nhiều nơi trong nước”(445).
Ông Vũ Đình Cự nói tiếp: “Ngày 3-2-1992, Bộ Năng lượng mới trình hồ sơ luận chứng kinh tế kỹ thuật, ngày 17-2-1992, Hội đồng Thẩm tra Nhà nước chỉ làm việc trong một ngày, vậy mà đến ngày 19-2-1992 đã trình lên Hội đồng Bộ trưởng để phê duyệt. Từ đó dẫn đến một số khiếm khuyết. Nhiều vấn đề khoa học kỹ thuật và công nghệ chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo… Chúng tôi xin nói thêm là khi đề nghị các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật điện cho biết là đã có những nước nào làm đường dây 500 kV dài trên 1000 cây số, thì các đồng chí không nắm vững; có một đồng chí cho biết đường dây của chúng ta là đường dây thứ ba. Trên thế giới mới có hai đường dây trên dài trên 1000 cây số và điện áp là siêu cao áp. Sau khi xây dựng chỉ có đường dây của Pakistan, dài 1200 cây số là dùng được, còn đường dây kia, dài 1700 cây số thì không dùng được”. Đặc biệt, theo ông Vũ Đình Cự: “Chưa có cơ sở về khả năng thi công hoàn thành đúng thời gian trong hai năm khi mà nguồn vốn chưa được xác định vững chắc, vật tư chủ yếu đều phải nhập ngoại”.
Một thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước Đặng Hữu, cũng dấy lên không ít hoài nghi khi ông nói trước Quốc hội: “Chủ trương đặt ra là cần thiết nhưng, có nhiều vấn đề khoa học chúng ta chưa kịp nghiên cứu. Anh em cũng hơi băn khoăn lo lắng… Cái phần 1/4 bước sóng, tôi đồng ý như anh Nguyễn Đình Tứ đã nói. Thực ra, về lý thuyết anh em hiểu hết và trên thực tế các nước đã làm rất nhiều ở Liên Xô và Mỹ. Nhưng vấn đề lại là chúng ta chưa có đội ngũ chuyên gia để làm những công việc đó. Lo là lo chỗ đấy!… Nếu như làm một cái trụ thôi thì có lớn hơn chúng ta cũng có thể làm được. Nhưng mà đây là làm một dãy dài hơn 3.000 cái trụ trong một thời gian ngắn. Mặt thứ hai, nếu dựa vào nước ngoài một nửa thì hôm trước anh Hiệu có đề xuất với anh Sáu (Võ Văn Kiệt), anh Sáu cũng đồng ý có thể mời chuyên gia Liên Xô cùng tham gia vào đây”.
Nhưng hai tiếng “chuyên gia Liên Xô” được nói lên ở thời điểm này lại dấy lên những quan ngại khác. Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao Trần Quyết nói: “Liên Xô trước đây thì chúng ta rất an tâm bởi vì là nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản cầm quyền, bây giờ Đảng Cộng sản mất rồi, chính quyền Xô viết mất rồi. Những chuyên gia mà lại là đảng viên cộng sản thì còn được dùng không? Có được gửi sang Việt Nam không? Hay người ta gửi những thứ ba vạ sang đây, mang tiếng chuyên gia Liên Xô. Cái ông Yeltsin ấy, Quốc hội chẳng lạ lùng với những gì họ làm ở nước Nga. Họ phá tan Đảng Cộng sản, phá tan Liên bang Xô viết. Vậy thì đối với Việt Nam thì như thế nào”.
Tháng 8-1992, tại Hội nghị Cán bộ tổ chức toàn quốc, họp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Linh, bấy giờ đang là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương đến dự đã nói: “Làm đường dây 500 kV là một chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm. Là lợi dụng tiền Nhà nước để gây thanh danh cá nhân”. Đặc biệt tại đây, ông Linh đã dấy lên những lo ngại về vấn đề tham nhũng.
Nữ nhà báo Minh Thu nhớ lại: Đầu thập niên 1980, khi lên Trị An làm phóng sự, bà chứng kiến một nhóm cán bộ đứng trong rừng trước một tấm bản đồ. Chính giữa họ là một người đàn ông trạc 60 tuổi, phong trần, mặc áo may ô, đang nói rất say sưa: “Tôi nói với mấy anh rằng, xây dựng một công trình như thế này mà tham ô, ăn cắp, thì cũng như ăn đồ dơ”. Ông chấm dứt câu nói bằng một cú chém tay rất mạnh ngang trong không khí. Minh Thu, một phóng viên mới vào nghề, sau đó mới biết đó là Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt.
Hơn mười năm sau khi bắt đầu đường dây 500 kV, ông Kiệt cũng căn dặn “các tướng” của mình là “không được tắt mắt”. Ngày 24-3-1992, khi ông Kiệt lên xã Mạc Đức, Hoà Bình làm lễ khởi công trụ điện số Một, một công nhân đã bỏ vào túi ông Vũ Quốc Tuấn, thư ký ông Kiệt, một lá thư tố cáo vụ mất cắp năm tấn xi măng ở công trường. Ông Vũ Ngọc Hải nói: “Ông Tuấn báo với ông Kiệt, ông Kiệt đọc và nói với tôi: Phải xử lý ngay để làm gương”. Vừa bắt đầu ra quân đã phải trảm tướng: Giám đốc Công ty xây lắp Điện I bị cách chức.
Về sau, chính tác giả của đường dây 500, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải cũng phạm phải một sai lầm chết người. Ban Quản lý công trình do ông Hải đứng đầu có thẩm quyền nhập thẳng thiết bị, vật tư từ nước ngoài. Nhưng, ông Hải đã đồng ý cho một “công ty đời sống” của Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan mà ông làm Chủ tịch, đấu thầu đứng ra nhập 4.000 tấn thép, giúp công ty này hưởng một khoản lời khá lớn. Công trình đường dây 500 lúc ấy có hàng chục nghìn công nhân nhưng đồng thời cũng có hàng triệu con mắt để ý đến từng chi tiết. Áp lực chính trị đè nặng lên ông Võ Văn Kiệt khi có nhiều ý kiến yêu cầu bỏ tù ông Hải.
Ông Vũ Ngọc Hải lúc bấy giờ đang là một uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, theo nguyên tắc Đảng, việc khởi tố ông chỉ có thể tiến hành sau khi Trung ương họp quyết định hình thức kỷ luật. Ông Hải kể: “Hôm Trung ương họp để kỷ luật tôi, họ có mời tôi đến nhưng tôi không được vào phòng họp ngay. Một chuyên viên của Văn phòng Trung ương đợi tôi ở cổng số 4 Nguyễn Cảnh Chân, kèm tôi đi vào một phòng riêng, đợi đến khi Hội nghị Trung ương khai mac mới cho tôi vào dự. Trước Hội nghị Trung ương, tôi thừa nhận đã ‘bút phê’ để công ty của Hội có thể tham gia đấu thầu và cho rằng việc đó không có gì sai pháp luật. Nếu là một công ty khác, tôi vẫn giới thiệu”. Trình bày xong, người của Văn phong Trung ương lại đến bên ông Hải nói: “Theo yêu cầu của Ban Bí thư, mời anh về”.
Ông Hải không được có mặt trong phần “luận tội” sau đó. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thấy “cách làm không dân chủ” cũng bỏ về. Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh: Cuộc họp do ông Đỗ Mười chủ trì. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Tâm Long chi nói một câu: “Nếu không khởi tố anh Hải với anh Lê Liêm thi vụ án coi như bỏ đi”. Ông Đỗ Mười kết luận: “Cứ khởi tố, nếu điêu tra xong mà không thấy vấn đề gì thì thôi”. Sau Hội nghị Trung ương, ông Đỗ Mười cho gọi Bộ trưởng Nội vụ Bùi Thiện Ngộ và Chánh án Tối cao Phạm Hưng lên, quán triệt: “Đây là Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các anh chấp hành”.
Sau đó, theo ông Vũ Ngọc Hải, ông Nguyễn Văn Linh có ra Hà Nội găp ông Lê Thanh Đạo, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Cáo trạng, được điều chỉnh từ khung 1, cảnh cáo, lên khung 2, có mức án từ ba năm tủ trở lên. Ông Hải sau đó lãnh án 3 năm tù giam. Thứ trưởng Lê Liêm lãnh án tù treo.
Mất tướng giữa đường, ông Võ Văn Kiệt càng quyết tâm cao hơn để hoàn thành công trình. Ông có mặt ở những nơi cam go nhất. Ông chứng kiến những công nhân gùi vật tư leo lên đèo Lò Xo, đầu người đi sau chạm vào gót chân người đi trước. Thay vì dùng trực thăng kéo cáp như Thái Lan, ông chứng kiến cảnh công nhân cầm bó mía đi trước dụ con voi đang cong lưng kéo những đoạn cáp mồi. Đường dây hoàn thành đúng tiến độ. Nhưng chính đây lại là thời điểm ông Kiệt lo lắng nhất: Đóng điện.
Chiều ngày 27-5-1994, báo chí túc trực trước cổng Tổng công ty Điện lực Việt Nam, ông Kiệt đến từ cổng sau. Gần 6 giờ mà báo chí vẫn chưa được vào. Nhà báo Minh Thu kể: “Tôi viết vào một mảnh giấy nhỏ: Xin chú cho quay làm tư liệu thôi. Sát giờ đóng điện, ông nói với Điện lực: Cho truyền hình vào. Tôi là người duy nhất có mặt. Khi ấy ông vẫn rất căng thẳng, môi ông khô khốc, miệng há hốc, ngước nhìn lên bảng điện. 19 giờ 07, đèn bật sáng, báo: Phú Lâm đã nhận được dòng điện đúng như tính toán. Ông thở phào bước lên phòng tiếp tân. Người đầu tiên mà ông đi tới, ôm lấy, là Thứ trưởng Lê Liêm, đang thụ án treo. Ông Liêm, khi ấy đã ngoài 60 tuổi, mếu máo trong vòng tay Thủ tướng”.
Sáng hôm sau, vào lúc 5 giờ sáng ở trại giam Thanh Xuân, phạm nhân Vũ Ngọc Hải đang tập thể duc ở sân thi một Trại phó chạy tới báo: “Anh Hải về mặc quần áo nhanh lên, Thủ tướng vào thăm đấy”. Ông Hải nhớ lại: Tôi thay đồ, lên phòng khách, Thủ tướng đã ngồi đó. Ông mang theo hai chai sâm banh, ba chiếc ly, vì sợ trong tù không có ly. Ông đứng dậy nắm chặt tay tôi, hỏi tôi có khoẻ không, sinh hoạt ra sao. Trầm ngâm một chút, ông hỏi: “Có biết vì sao mình vào không?”. Tôi bảo: “Tôi biết hôm nay đóng điện, chỉ không biết đóng vào giờ nào thôi! Nhưng tôi tin là đóng điện đã thành công”. Ông bảo: “Mấy hôm nay mình mất ngủ vì lo”. Tôi hỏi: “Thế còn tối hôm qua anh có ngủ được không?”. Ông nói: “Cũng mất ngủ vì vui sướng quá!”. Rồi ông gắn huy hiệu đường dây 500KV cho tôi. Ông bảo: “Anh là người đầu tiên được gắn huy hiệu này đấy”. Ông tự tay rót ba cốc sâm banh, một cốc đưa cho tôi, một cốc đưa cho Giám thị trại giam. Chúng tôi cùng chạm cốc. Còn một chai nữa, ông đưa cho tôi: “Hải cầm lấy”.
Phạm nhân được giữ lại trong trại cho đến khi Thủ tướng về. Khi vừa ra khỏi phòng, họ giơ tay chào ông Hải, có người hỏi: “Bộ trưởng vừa mới tiếp Thủ tướng a?”. Ông Hải: “Bộ trưởng cái cóc khô”. Nhưng rõ ràng là ông Hải đã ở tù như Bộ trưởng. Ông Hải kể: “Khi tôi nhập trại, ông Lê Minh Hương, khi đó là thứ trưởng Bộ Nội vụ vào kiểm tra trại giam và cho giải phóng một cai trạm xá cũ để tôi vừa ở vừa tiếp khách. Cái trạm xá này một nửa nằm trong trại, một nửa nằm nhô ra khu tập thể của cán bộ trại. Hằng ngày, khách đến thăm tôi nhiều nên anh em bố trí một phồng gần phòng làm việc của cán bộ trại giam. Đồng thời bố trí một phạm nhân phục vụ, cứ có khách đến đăng ký thì họ lại gọi tôi lên phòng đó tiếp khách, tiếp không có công an ngôi kèm đâu. Trong thời gian tôi ở tù, ngoài Thủ tướng, Phó Thủ tướng, có hai mươi tám Bộ trưởng, thứ trưởng và hai phu nhân Bộ trưởng cũng vào thăm”.
Sau Têt năm 1995, Phó Thủ tướng Phan Văn Khả vào thăm. Ông Hải kể: “Anh Khải đem hai chai rượu, nói: Đây là cơ quan tặng cậu. Rồi anh lấy ra một chiếc áo rét: Cái này của tớ. Rồi rút ra một bao lì xì đỏ: Còn đây là của vợ tớ lì xì cậu! Anh Khải bảo: “Đường dây 500KV đóng điện thành công thế mà có vị vẫn phản đối đấy”. Tôi nói: “Cái này thì tôi biết. Khi mới bị khởi tố, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến chơi nhà vợ chồng ông Mười Hai, một người cũng vừa bị khởi tố trong vụ án khác, ông Mười Hai nói: “Vị ấy đã đồng ý sẽ tha tớ, nhưng cậu sẽ chết”.
Sau khi vào trại gắn huy hiệu cho ông Hải, ông Kiệt tác động để ông được tha. Ông Nguyễn Văn Linh nghe tin, điện cho ông Đỗ Mười ngăn chặn. Ông Mười nói với ông Kiệt: “Tình hình chưa thể cho anh Hải ra trước Tết được”. Ông Kiệt nói: “Ta có bản lĩnh của ta, vì sao lại phải sợ?”. Ông Mười: “Thôi cứ để sau Têt”. Sau Tết ông Hải được đặc xá cùng với hàng ngàn phạm nhân khác. Lần đầu tiên, lệnh đặc xá được Hà Nội áp dụng, ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Linh nói: “Đây là con bài để tha thằng Hải!”.
Đường dây 500 kV thành công nhưng Ban Bí thư không đồng ý cho làm lễ khánh thành. Một người thư ký cũ của ông Kiệt lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch trực Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Huấn, nói: “Chẳng lẽ không làm gì? Tôi nói với anh Sáu Dân: Để tôi làm cho. Anh Sáu dặn, không được lấy một cắc từ ngân sách. Tôi huy động Hàng không, Sài Gòn Tourist tài trợ, tổ chức một bữa tiệc mời 600 quan khách. Trước Dinh Độc Lập treo băng-rôn: Thành phố Hồ Chí Minh mừng dòng điện 500 kV”.
Nhà báo Minh Thu kể: “Tôi vào Dinh, không có một quan chức nào của Ban Bí thư hay Bộ Chính trị vào dự. Thấy ông ngồi một mình, tôi đến, hỏi: Chú, cái nhà trẻ xây xong còn có lễ khánh thành, sao một công trình thế này mà không có ngày khánh thành hả chú. Ông kéo tôi ngồi xuống: Thôi, đóng điện an toàn là tao mãn nguyện lắm rồi”.
Suốt buổi lễ, ông Kiệt im lặng. Một diễn từ cực ngắn được ông Nguyễn Văn Huấn đọc: “Cái tên Phú Lâm giờ đây đã trở nên quen thuộc, thân thương. Bởi, Phú Lâm là điểm cuối cùng của đường dây huyết mạch nối liền với Hoà Bình. Sức mạnh sông Đà qua Phú Lâm toả khắp phương Nam, làm đẹp, làm giàu thêm, miền đất Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có thêm điều kiện mới để tiến lên trong vận hội mới. Cho phép tôi được thay mặt đồng bào Thành phố gửi tới hai vạn người anh hùng, vẫn đang đứng trên công trường, bất chấp tất cả”. Nhiều năm sau, khi kể lại câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Huấn vẫn tỏ ra vô cùng tâm đắc với câu: Bất chấp tất cả!

Chú thích
(413) Phó Ban Tổ chức Trung ương khoá V, VI; Trưởng Ban Bảo vệ Trung ương Đảng khoá VII.
(414) Sau đó, khi họp Bộ chính trị, ông Nông Đức Mạnh đã bảo vệ quyết định này của Quốc hội.
(415) Ông tham gia Mặt trận Bình dân năm 1936, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Từng bị kết án mười năm tù giam, và đã phải nằm ở Hoả Lò bốn năm. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp ông cùng với các đồng chí của mình vượt ngục, bắt liên lạc ngay với Đảng rồi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Đông. Sau đó, ông đã từng làm bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông, bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam, bí thư Thành uỷ kiêm chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ tỉnh Nam Định. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng là khu uỷ viên Khu III, bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, phó bí thư Liên khu uỷ III, chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu III, bí thư Khu uỷ Tả Ngạn sông Hồng kiêm chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và chính uỷ Bộ Tư lệnh khu Tả Ngạn; Năm 1955, ông được phân công chỉ đạo tiếp quản khu 300 ngày rồi làm bí thư Thành uỷ kiêm chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hải Phòng.
(416) Huy Đức, Một Giờ với Tân Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt, Tuổi Trẻ 13-8-1991.
(417) Huy Đức, Phỏng vấn Tân Thủ tướng Phan Văn Khải, Thanh Niên 27-9-1997.
(418) Ông Võ Văn Kiệt cũng có những quyết định gây tranh cãi rộng rãi trong công chúng. Một trong những quyết định đó là Chỉ thị 406- TTg ngày 8-8-1994 về việc “cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Đốt pháo trong các dịp cưới xin, hội hè đặc biệt là trong ngày Tết là một truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, những năm đầu thập niên 1990, khi kinh tế khởi sắc, đốt pháo càng trở nên phổ biến hơn. Theo chỉ thị 406: “Các đêm giao thừa, việc đốt pháo trong các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng v.v… kéo dài liên tục từ 30 đến 40 phút, tạo tiếng nổ ồn ào, làm cho người già, trẻ em, người yếu tim, thần kinh yếu không chịu nổi, khói pháo dày đặc kéo dài, xe ô tô, xe gắn máy có lúc không đi lại được, gây tắc nghẽn giao thông. Theo báo cáo của 44/53 địa phương, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng 20-30 tỷ đồng”. Kể từ ngày 1-1-1995, việc “sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)” đều bị nghiêm cấm. Quyết định này được thi hành nghiêm tới mức, trước Tết, báo Người Hà Nội sau khi đăng một bài viết bày tỏ chút trắc ẩn với pháo đã lập tức bị Bộ Văn hoá - Thông tin đình bản.
(419) Các ông: Phạm Văn Xô, nguyên Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp sau là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam; tướng Đồng Văn Cống, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 Nam Bộ; Tư lệnh quân khu 9, Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam; Đại tá Nguyễn Văn Thi, nguyên Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một, cho tới lúc chết vẫn ký đơn tố cáo Lê Đức Anh. Những nhà cách mạng đàn anh của Lê Đức Anh cho rằng: Ông Lê Đức Anh không phải là công nhân cao su như tự khai trong lý lịch mà là người phụ trách việc chế biến thực phẩm (chef des cooperatives) cho chủ đồn điền và các quan chức Pháp ở Lộc Ninh, bị công nhân cao su đặt cho biệt danh là “cai lé” do chột mắt vì bệnh đậu mùa. Lê Đức Anh cũng là người giúp việc thân cận của chủ đồn điền De Lalant, một sĩ quan phòng nhì của Pháp. Ông đã từng bị nghi ngờ là “surveillant”, là “2è bureau (phòng nhì)”, không phải là đảng viên từ năm 1938 ở quê mà được kết nạp tháng 4-1945, trong một cuộc họp của Ban cán sự Đảng Thủ Dầu Một có ông Nguyễn Văn Thi cùng dự…Vào thời điểm những là thư tố cáo của ba vị lão thành này được phát tán rộng rãi, ông Anh cho xuất bản cuốn Đại tướng Lê Đức Anh, thanh minh: Khi ở Đà Lạt, ông làm cu ly, quét nhà, quét sân cật lực cũng chỉ được trả lương tháng 15 đồng. Nhưng: “Làm được hai tháng, ông thấy mình phải cố gắng học lấy một nghề, có nghề vững mới kiếm được tiền đủ sống và hoạt động cách mạng” và một “thằng Tây” đã hướng dẫn ông làm pa-tê, xúc xích, dăm bông. Về “chủ đồn điền De Lelant”, mà các vị lão thành tố cáo là “phòng nhì”, ông Lê Đức Anh giải thích: “Thằng chủ Tây đích thực của sở cao su này khi thì ở thành phố khi thì ở Paris… Cả hai thằng Đờ La-lan và Man-đông cũng đều là những thằng làm thuê. Man-đông thoả thuận trả lương tháng cho ông 30 đồng. Thấy Pa-tê, xúc xích ông làm ra ngon nên nó yêu cầu ông làm thêm giờ… và trả thêm cho ông mỗi tháng 15 đồng. Như vậy, mỗi tháng ông có thu nhập đều đặn 45 đồng. Có tiền dư dật, công việc lại không bị quản thúc như phu cạo mủ nên ông bắt đầu hoạt động cách mạng” (Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2005, trang 20-21).
(420) Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2005, trang 30.
(421) Tên ông được đặt cho một con đường ở Gò Vấp.
(422) Phòng nhì Pháp đã đánh vào một điệp viên để cho những người kháng chiến “bắt được”. Người này khai ra hàng chục cán bộ chủ chốt “nhận làm điệp viên” cho Phòng Nhì. Ngay lập tức, hàng chục cán bộ bị các đồng chí của mình đưa đi thủ tiêu, trong đó có 3 người anh và em trai của bà Bảy Anh.
(423) Theo Đại tá Khuất Biên Hoà.
(424) Bà Phạm Thị Anh biết tin này từ cuối thập niên 1950 nhưng bà không đi bước nữa, sau 1975 bà về sống với con gái tại Cư xá Bắc Hải. Bà mất ngày 8-1-2011. Trong thời suốt thời gian ấy hai người chưa bao giờ gặp lại nhau.
(425) John McCain đã từng trải qua sáu năm bị giam giữ trong nhà tù Hoả Lò sau khi máy bay của ông bị bắn hạ và dù của ông rơi xuống hồ Trúc Bạch.
(426) John Kerry nhớ lại: “Chúng tôi đã trở về nhà trên hai con đường khác nhau nhưng cùng có những trải nghiệm giống nhau trong thời gian tại ngũ. Chúng tôi cùng chia sẻ một tầm nhìn về con đường phía trước, không phải như những cộng sự mà như hai người bạn… Chúng tôi cam kết truy tìm sự thật cho dù điều đó dẫn chúng tôi tới đâu”. Thượng nghị sỹ John Kerry mô tả công việc sau đó của Uỷ ban là “hàng nghìn giờ chậm rãi, đau xót và tỉ mẩn”, giải mật hàng triệu trang tài liệu của Chính quyền Mỹ. John Kerry nói tiếp: “Tôi đã bay tới Việt Nam và các nước trong khu vực mười bốn chuyến, nghiên cứu từng chi tiết các câu chuyện kể về hàng trăm trường hợp mất tích và hồi tưởng từng ký ức chiến tranh của cá nhân mình gần như hàng ngày”.
(427) Tài liệu trên đây, còn được gọi là “Russian Doccument” hay “smoking gun”, được nói là một báo cáo 30 trang của tướng Trần Văn Quang gửi Bộ Chính trị Việt Nam được KGB dịch ra tiếng Nga ngày 15-9-1972, được tìm thấy trong kho lưu trữ Liên xô bởi một nhà nghiên cứu có uy tín người Úc, Stephen J. Morris, đang làm việc tại đại học Harvard. “Russian Doccument” đề cập đến số lượng tù binh bị giữ ở Việt Nam cho tới trước 15-9-1972 là 1.205 người Mỹ thay vì chỉ 368 người như thừa nhận lúc đó của Lê Đức Thọ. Nếu báo cáo này là đúng thì Hà Nội còn giữ tới 614 tù binh Mỹ vì 591 tù binh đã được trao trả vào tháng 3-1973.
(428) Nguyên “thứ trưởng” trong Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, người đồng thời làm “hộp thư” giữa ông Kiệt và Đại tướng Dương Văn Minh, sau khi ông Minh sang định cư ở Pháp vào năm 1978.
(429) The Southest Asia Treaty Oganization, Hiệp ước phòng thủ chung, của các nước Đông Nam Á, ra đời tháng 2-1955.
(430) Cho đến giữa thập niên 1980, Việt Nam vẫn còn giữ bảy viên tướng của Hàn Quốc bị bắt giữ sau năm 1975. Theo ông Trần Tam Giáp, thời gian đó là thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Lê Đức Thọ, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2011): “Chủ trương của ta là tạo điều kiện cho Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên trong cuộc đàm phán với Cộng hoà Triều Tiên để Chính phủ ta thả bảy viên tướng của Hàn Quốc về nước. Lúc đó hai bên đàm phán ở New Dehli, Ấn Độ, tại Đại sứ quán Việt nam. Sau nhiều năm, hai bên không đi đến thoả thuận nào do Hàn Quốc không đáp ứng đòi hỏi của Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên mà họ cho là quá cao. Qua cuộc trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Đức Thọ cho biết số tướng lĩnh này tuổi đã cao, điều kiện giam giữ của ta không đảm bảo, sức khỏe của họ giảm sút, nếu tính mạng họ có vấn đề gì nảy sinh thì sẽ rất khó cho ta. Sau đó, ta đã giao cho Bộ ngoại giao gợi ý bạn (Cộng Hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên) nên có phương án hợp lý hợp tình. Bạn đòi giao số này cho họ nhưng ta không nhất trí. Lúc đó có sự vận động của Chính phủ Thuỵ Điển, qua Đại sứ Oberg chuyển thư cho Tổng thống Pak Chung Hy thỉnh cầu Chính phủ ta (trong số này có người là bạn thân hoặc gia đình của Tổng thống). Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Lê Đức Thọ đã thảo luận với nhau nhiều lần, bàn nhiều khía cạnh và cuối cùng đã đi đến kết luận là thả tự do số tướng lĩnh này vì lý do nhân đạo. Đây là một quyết định không dễ dàng khi đưa ra Bộ Chính trị quyết định. Cuối cùng, qua trung gian của Chính phủ Thuỵ Điển, một chuyên cơ đã được phép đến Hà Nội nhận số tướng lĩnh nói trên. Phía Hàn Quốc rất cảm kích và đánh giá cao quyết định của ta, họ tỏ ý muốn viện trợ kinh tế xứng đáng cho ta”.
(431) Báo cáo số 8/BC, ngày 10-6-1992 của Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin và Văn hoá Nguyễn Thắng.
(432) Theo ông Trần Quốc Hương, bí thư Trung ương Đảng Khoá VI: “Tin ông Phan Bình bị bệnh tâm thần, tự sát là do Cục II báo cáo”.
(433) Khi ba ông cố vấn bị kiểm điểm bởi vụ “Lê Khả Phiêu”, ông Võ Văn Kiệt nói ông đề nghị kiểm điểm luôn trách nhiệm của những người liên quan đến Pháp lệnh Tình báo và ông sẵn sàng nhận phần trách nhiệm của mình khi ký Nghị định 96/CP. Ông Võ Văn Kiệt còn phải chịu trách nhiệm về một nghị định gây tranh cãi khác đó là Nghị định số 31/CP theo đó “những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương I phần các tội phạm của Bộ luật hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”(Điều 2) có thể bị quản chế tại địa phương từ 6 tháng đến 2 năm (như trường hợp của tiến sỹ Hà Sỹ Phu) hoặc có thể bị đưa đi quản chế ở nơi khác (như trường hợp của các linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín…). Nghị định 31/CP của Chính phủ do ông Võ Văn Kiệt ký ngày 14-4-1997 về mặt pháp lý là một văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chánh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6-7-1995. Cũng như Nghị định Tình báo, phải gần hai năm sau khi có Pháp lệnh xử phạt hành chánh, ông Võ Văn Kiệt mới ký Nghị định 31/CP. Tuy nhiên việc chấp nhận áp dụng một biện pháp hành chánh để tước một số quyền tự do của công dân thay vì phải bằng quyết định của toà án cho thấy ông Võ Văn Kiệt đã không vượt qua được khung chính trị đương thời và thiếu dứt khoát với tinh thần pháp quyền mà ông cổ vũ. Biện pháp này càng bị chỉ trích nhiều hơn khi nó chủ yếu được áp dụng với những người bất đồng chính kiến.
(434) Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.
(435) Tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1957 là con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sự nghiệp của ông trầy trật sau khi bị kỷ luật ở Học viện kỹ thuật Quân sự vào cuối thập niên 1970, phải chuyển sang học tiếp ở trường sỹ quan thông tin. Năm 1981, sau khi ra trường, Vịnh được tướng Lê Đức Anh đưa sang Phnom Penh, công tác trong Đoàn 12, một đơn vị của Cục Tình báo Quân đội đặc trách chiến trường Campuchia. Tại đây, ông kết hôn với con gái một lãnh đạo Đoàn 12, đại tá Vũ Chính. Tháng 5-1995, tức là chỉ mấy tháng sau khi Vũ Chính thay tướng Tư Văn làm tổng cục trưởng Tổng cục II, Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức cục phó Cục 12, với quân hàm trung tá. Chỉ bốn năm sau ông được phong hàm thiếu tướng, sau hơn một năm giữ chức tổng cục phó.
(436) Những bà mẹ: Có ba con là liệt sỹ; Có hai con và có chồng hoặc mình là liệt sỹ; Có một con duy nhất mà người đó là liệt sỹ; Có hai con mà cả hai đều là liệt sỹ thì được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
(437) Chính sách ưu đãi này đã khiến cho chi tiêu quốc phòng chiếm phần 40% chi tiêu của Chính phủ cho khu vực phi xã hội, tương đương với 4,2% GDP trong năm 1990, tương đương với mức chi cho quốc phòng trong giai đoạn chiến tranh 1986: 4,4% GDP, tuy có giảm hơn năm 1988: 5,3% GDP.
(438) Quy mô phát triển đến năm 2020.
(439) Phần bị tịch thu theo Quyết định 111/CP ngày 14-4-1977; phần từ những nhà mà “giai cấp tư sản” bị buộc phải “hiến” lại cho nhà nước. Chính quyền cũng ra lệnh “quản lý” nhà của những người vượt biên trong thập niên 1970, 80. Từ thập niên 1990, Chính quyền quản lý thêm một lượng nhà không nhỏ của những người được đi xuất cảnh mà không được quyền bán nhà vì họ thuộc đối tượng bị “quản lý nhà” theo Quyết định 111/CP và 305/CP mà, trước đó, chưa bị tịch thu. Họ gồm: sỹ quan từ cấp thiếu tá trở lên; cảnh sát từ cấp trung uý trở lên; chủ sự phòng của các cơ quan trung ương; phó ty và mật vụ, chiêu hồi… Theo ông Mười Hải, Giám đốc sở Nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh: “Ông Võ Văn Kiệt cho rằng, Quyết định 111/CP, cải tạo nhà sỹ quan cũ, có những điểm không hợp lý. Sỹ quan từ cấp trung uý trở lên, Nhà nước lấy nhà cửa hết. Trong khi, theo ông, có nhiều loại trung uý, có anh trung uý quân y, có anh trung uý thổi kèn. Quan chức trong bộ máy hành chánh của Sài Gòn, từ quận phó trở lên cũng bị tịch thu. Anh đề nghị nên phân loại ra và sau đó, Thành uỷ đã đề nghị Trung ương sửa đổi Quyết định 111/CP theo đó, thêm hai chữ “ác ôn” vào sau thành phần sỹ quan, nghĩa là chỉ những “sỹ quan ác ôn” mới bị thu nhà. Quyết định sửa đổi này là Quyết định 305/CP ngày 17-11-1977 của Hội đồng Chính phủ.
(440) Năm tháng sau, trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá IX, bà Ngô Bá Thành đã không đắc cử khi ứng cử tại quận 5 và quận 10 của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay lập tức bà nói với đài BBC Việt Ngữ rằng, cuộc bầu cử bị gian lận và đây là hành động đáp trả của Thành phố cho việc chỉ trích chính sách hoá giá nhà của bà.
(441) Về sau, cả Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương đều áp dụng chính sách hoá giá nhà. Hầu hết các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoặc con cái họ, đều có nhà ở Sài Gòn, và đều được hoá giá với giá gần như cho những căn biệt thự trị giá hàng nghìn lượng vàng. Các bậc công thần như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Dương Quang Đông… đều nhận nhà hoá giá rồi vội vàng bán lại với giá hơn hai nghìn lượng vàng. Ông Kiệt cũng có được sở hữu tư nhân căn biệt thự 16 Tú Xương theo chính sách hoá giá của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, về sau, ông viết thư gửi Thành uỷ xin trả lại căn nhà này sau khi ông và bà Phan Lương Cầm qua đời.
(442) Theo ông Nguyễn Văn Huấn: Sau đó, Thành uỷ nhận mức kỷ luật “khiển trách”, mức thấp nhất trong thang kỷ luật của Đảng. Nhưng, ông Lê Đức Anh nói: “Phải kỷ luật đồng chí nào trực tiếp cầm chịch”. Sức ép buộc ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp phải viết thư gửi cho 15 vị chủ chốt trong Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng khẳng định là ông đã có sự đồng ý của Hội đồng Bộ trưởng trước khi cho hoá giá nhà. Thư của ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp viết: “Tôi nghĩ trong dân gian đối xử với nhau họ còn tin và tôn trọng lời hứa miệng với nhau, huống chi chúng tôi 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng đã quen chỉ thị miệng, đối với cấp trên dù chỉ thị miệng chúng tôi đều răm rắp chấp hành và chấp hành nghiêm chỉnh… Tôi đề nghị Bộ Chính trị cho mời các đồng chí liên quan gặp lại nhau để làm sáng tỏ vấn đề này”.
(443) Ông Võ Văn Kiệt là một người quyết đoán, có rất nhiều công trình lớn mang đậm dấu ấn của ông, đồng thời cũng gây ra nhiều tranh cãi. Việt xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất là một ví dụ. Những người chỉ trích cho rằng chính trị đã xen vào quyết định kinh tế. Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp bỏ đi vì rằng vị trí đặt nhà máy nằm cách quá xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước. Các định chế quốc tế như WB, IMF cũng nghi ngờ hiệu quả kinh tế của Dung Quất. Ngày 8 và 9-6-2005, các đại biểu Quốc hội (kỳ họp thứ 7,khoá XI) đã chất vấn về quyết định và tiến độ xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Chủ tịch Quốc hội đã phải “nhận lỗi trước cử tri”. Ngày 10-6-2005 ông Võ Văn Kiệt có thư gửi Quốc hội (đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra cùng ngày) giải thích: Total muốn địa điểm đặt tại Long Sơn (Vũng Tàu)… nhưng Chính phủ không muốn “tập trung quá lớn những công trình trọng điểm quốc gia vào một khu vực”; ở Long Sơn không có cảng nước sâu, để xây nhà máy lọc dầu phải làm 3 km cầu cạn nhưng lý do chính, Chính phủ e “quá trình vận chuyển dầu, nếu có sự cố rò rỉ sẽ đe doạ trực tiếp hoạt động của khu du lịch Vũng Tàu”. Petronas (Malaysia) sẵn sàng xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất với điều kiện được phân phối sản phẩm ngay tại thị trường VN để tránh khỏi phải chi phí vận chuyển về lại Malaysia để rồi mới xuất đi. Theo ông Kiệt đề nghị này đã không được ông Đỗ Mười chấp thuận do đó Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị đi đến quyết định tự mình làm lấy. Thư của ông Võ Văn Kiệt viết: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu, góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu bây giờ, trước những diễn biến của tình hình, Quốc hội phân tích và kết luận việc lựa chọn đó là sai thì người nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm đó phải chính là tôi, Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ”.
(444) Khi ấy Quốc hội chưa ban hành quy chế Công trình quốc gia, công trình buộc Chính phủ phải xin chủ trương của Quốc hội.
(445) Theo ông Cự, ngày 23-3-1992 trong phiên họp Uỷ ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội nhiều thành viên của Uỷ ban đã nêu nhiều vấn đề về đường dây Bắc Nam 500 kv nhưng do không có thông tin nên Uỷ ban đã phải gửi công văn số 426 KH-KT ngày 24-3-1992, yêu cầu uỷ ban khoa học Nhà nước cung cấp những thông tin cần thiết về đường dây nói trên. Ngày 24-3-1992 cũng là ngày Quốc hội khoá VIII khai mạc kỳ họp thứ 11.

No comments:

Post a Comment