Ngô Minh - Mấy ngày nay, dư luận nhân dân xôn xao về việc Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Theo đề xuất này, công an được nổ súng trực tiếp để vô hiệu hóa các trường hợp có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, “nguy cơ”; “cấp thiết”, “gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe”…của lực lượng thi hành công vụ .
Dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Mới nghe đã kinh hồn, bạt vía. Do sự bức xúc, các trang mạng đã lên tiếng cảnh báo với những bài viết rất chí lý :” Khi vũ khí được trao cho sự lạm quyền”,“Không ai có quyền tước đi sinh mạng người khác”…Theo chúng tôi, nếu “Nghị định” được quyền nổ súng này có hiệu lực, thì không còn pháp luật nữa, vì tiếng súng giết người của công an đã biến tất cả những người chống người thi hành công vụ thành tội “tử hình trực tiếp” mà không xử án. Thật nguy hiểm. Chúng tôi xin đưa ra một số suy nghĩ để ngành công an tham khảo.
Thứ nhất. Đồng ý là vừa qua đã xảy ra nhiều vụ người vị phạm trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông chống lại người thi hành công vụ ( tức công an). “Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 2002 đến tháng 6/2012, cả nước đã xảy ra hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ, với hơn 13.700 đối tượng vi phạm”. Và: “đặc biệt 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở”. Nhưng, cũng trong 10 năm thông kê trên, cũng có rất nhiều vụ người vi phạm bị bắn chết , đập chết ở đồn, hoặc vào đồn công an rồi không trở về nữa. Người dân bị chết do công an đánh, bắn diễn ra khắp nơi như Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Gia Lại, Sài Gòn, Hải Phòng.v.v.. không thể kể xiết. Nhiều vụ chết người một cách bí hiểm. Ví dụ anh em anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng “chống người thi hành công vụ” mà bị lực lượng công an bắn chết ngay, thì lấy đâu ra chứng cớ để bắt các đối tượng thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của anh Vươn một cách trái pháp luật ?. Trong số những chiến sĩ công an bị tấn công có nhiều loại lắm : nóng nảy, thiếu văn hóa ứng xử, không tôn trọng dân, coi dân như kẻ thù, áp bức dân một cách vô lý, cậy thế ngành bảo vệ luật pháp… nên làm người dân tức giận, thậm chí căm thù. Trong đó phần lớn là do trình độ nhân văn thấp, không biết thương dân, nên dân ghét. Ngược lại, số người vi phạm an ninh xã hội, an toàn giao thông cũng không phải ai cũng độc ác đến mức cần phải dùng súng để trừng trị. Họ là người dân hiền lành chất phát, do vô tình vi phạn trật tự, si bức xúc mà sinh cãi vả, xô xát, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu say khi tham gia giao thông, bị công an bắt còn cãi vả, không chịu nghe phải trái.
Nhà văn Thùy Linh, trong bài Khi vũ khí được trao cho sự lạm quyền”, đã viết rất chính xác rằng, “Ngay khái niệm “chống người thi hành công vụ” cũng rất mơ hồ. Thế nào là chống người thi hành công vụ? Ở mức độ nào được phép nổ súng? Thái độ của người thi hành công vụ khi tham gia xử lý các vụ việc cần tuân thủ nguyên tắc làm việc nào?…Hiện nay người dân có quá nhiều bất bình với lực lượng hành pháp này không phải là không có nguyên nhân. Những bức xúc có thể sẽ khiến nhiều người mất bình tĩnh khi va chạm với lực lượng chức năng. Nhưng rất có thể thái độ này sẽ bị thổi phồng, bị lạm dụng để cơ quan chức năng kết tội, trốn tránh trách nhiệm…Đã từng có chuyện những người đi biểu tình chống sự gây hấn của Trung Quốc cũng bị kết tội “gây mất trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” rồi. Cũng có người chỉ vì đến xem phiên tòa xét xử công khai, nhưng bị ngăn cản, và khi phản ứng lại thì bị qui kết là “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ”…Chừng nào khái niệm này còn mơ hồ, co dãn, thiếu minh bạch thì sẽ còn bị lạm dụng….”. Những trường hợp tội phạm còn mơ hồ như thế mà do tức giận rồi giết người ta rồi vu lên là “chống người thi hành công vụ” thì rất nguy hiểm.
Từ đó đi đến kết luận, những người thi hành công vụ như công an, bảo vệ, dân phòng, họ cũng là người tốt, không được dùng nghị định để đẩy họ vào tội ác giết người. Giết người trong sinh hoạt dân sự là một tội ác kinh tởm cần được lên án, ngăn chặn. Ngay cả giết lính tráng đối phương trong một cuộc chiến tranh cũng là hành động cần lên án. Đó là lý do tại sao rất nhiều binh sĩ Mỹ ăn năn hối lỗi vì đã tham gia chiến tranh và giết người ở Việt Nam trước năm 1975.
Thứ hai, những người vị phạm trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông, được gọi là “ chống người thi hành công vụ”, kể cả họ đã vi phạm đến an toàn thân thể và tính mạng của người thi hành công vụ, cũng đã có điều luật trong bộ Luật hình sự quy định những án tù phải chịu, khi Tòa án xét xử. Nếu Công an được phép nổ súng bắn họ chết, nghĩa là không cần xét xử, như vậy là xử án không cần luật. Nói cách khác lúc đó “công an đứng trên luật, ngoài luật”, rất nguy hiểm . Mà công an là lực lượng bảo vệ pháp luật, mà đứng trên luật, tự do giết người là chống lại luật pháp Nước cộng hòa XNCN VN, chống lại mục đích tồn tại của mình, chống lại nhân dân mà mình mang tên : Công an nhân dân. Như thế có đúng đạo lý không ?
Thứ ba, Bộ công an muốn cán bộ chiến sĩ của mình được nhân dân tin tưởng, yêu mến thì phải xử sự rất mền mỏng trong công việc, rất nhân văn trong mọi trường họp. Ngành công an phải kỹ luật nghiêm, đuổi ra khởi ngành những cán bộ chiến sĩ vô lễ , hỗn láo , xấc xược với nhân dân, đàn áp nhân dân, chứ không thể giao cho họ cái quyền, được bắn vào con người, vì như thế sẽ biến họ thành những kẻ giết ngưiời không ghê tay.
Mấy lời chân thật, rất mong được lắng nghe.
Tác giả gửi cho QC
( Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
No comments:
Post a Comment