Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Sau nhiều lần im lặng, nhiều lần trì hoãn và vài phiên tòa “công khai xét xử” lấy điểm các vụ án công an đánh đập, giết chết dân thì hôm nay Bộ Công an đề xuất “cho bắn người chống cán bộ thi hành công vụ”.
Theo tin từ VNExpress: Bộ Công an đề xuất, nếu thấy hành vi chống đối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mình hoặc người khác, cán bộ thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm... (*)
Dù mới đây chỉ mới là đề xuất từ phía Bộ Công an, nhưng nếu xem kỹ bản tin này người đọc sẽ thấy rõ việc gia tăng sự tùy tiện trong việc giết dân của lực lượng công an.
Thế nào là "nếu thấy hành vi chống đối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mình hoặc người khác"?
Mỗi công an sẽ tuỳ vào mức độ tùy tiện của mình để mà xác định hậu quả nghiêm trọng.
Quy tắc và thước đo bằng luật nào để mọi công an có thể phỏng đoán được hậu quả sẽ là nghiêm trọng một cách như nhau, công bằng, hợp lý và hợp pháp?
Và bên cạnh hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe thì hậu quả nghiêm trọng về tài sản là đủ cơ sở để công an chĩa súng bắn vào dân?
Hãy nhìn vào clip gần đây nhất về hành vi, tư cách của công an:
để phỏng đoán số mạng của người dân sẽ như thế nào khi Bộ công an giao cho những công an này quyền lực, giấy phép giết dân - licence to kill - "nếu thấy hành vi chống đối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mình hoặc người khác, cán bộ thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm".
Câu trả lời sẽ là những Trịnh Xuân Tùng, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Công Nhựt, Trần Văn Tân... khác của năm 2013, 2014, 2015... trong thế giới còn đảng còn mình và còn những quy luật tùy tiện bắt đầu bằng... nếu thấy.
Từ tháng 2 năm 2011, sau cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẩy cổ dẫn đến chết, việc kết án bị cáo Ninh 4 năm tù với tội danh “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt 2-7 năm tù) vẫn còn là sự tranh cãi khi gia đình người bị hại quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ án này.
Vẫn còn rất nhiều cái chết oan uổng trong đồn công an như trường hợp anh Nguyễn Quốc Bảo tại đồn công an quận Hai Bà Trưng, anh Nguyễn Công Nhựt tại đồn công an huyện Bến Cát (Bình Dương), ông Trần Văn Tân, 53 tuổi, tử vong tại đồn công an xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành (Hải Dương), ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958) tại trụ sở công an xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội)…
Những trường hợp như trên thì kẻ thủ ác sẽ bị xử lý như thế nào?
Hay bằng mọi cách cơ quan công an, lực lượng chức năng tìm cách ém nhẹm thông tin, cùng dẫn dụ gia đình để yên chuyện bằng nhiều cách chiêu dụ cũng như hăm dọa?
Suốt từ năm 2011 đến nay, gần 3 năm trời thay vì Bộ Công an có thể sửa chữa các sai lầm của mình bằng cách công khai xét xử đúng người đúng tội, thì việc lảng tránh, đùn đổ trách nhiệm và chai lì trước những khiếu nại của gia đình người bị hại (cụ thể là trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt) đã khiến cho người ta tin rằng, lực lượng công an với phương châm “còn đảng, còn mình” thực sự bất khả xâm phạm vì là “thanh kiếm và lá chắn để bảo vệ chế độ”.
Bên cạnh đó, việc các công an viên mặc thường phục thường xuyên sách nhiễu, gây hấn và đánh đập những người công khai nói lên quan điểm của mình đã khiến người ta ngày càng tin rằng việc sử dụng bạo lực đối với người dân đã và đang được công khai khuyến khích.
Và bây giờ với đề xuất mới của Bộ Công an thì số phận, mạng sống của người dân lại càng bấp bênh trước nòng súng của công an.
Chúng ta sẽ mãi tiếp tục sống trong tình trạng khủng bố theo kiểu nếu thấy hậu quả như thế này?
Làm cách nào để có thể chấm dứt việc công an sử dụng bạo lực với người dân khi quyền sinh sát mỗi ngày mỗi được gia tăng mức độ bảo kê bằng luật?
Câu trả lời duy nhất là chính chúng ta phải lên tiếng và đứng cùng với gia đình những người đang đi tìm công lý trong các vụ án công an đánh dân, giết dân.
Nếu hôm nay chúng ta im lặng và làm ngơ trước vấn nạn này, biết đâu ngày mai nạn nhân sẽ là chính mình.
Câu trả lời duy nhất là chính chúng ta phải lên tiếng và đứng cùng với gia đình những người đang đi tìm công lý trong các vụ án công an đánh dân, giết dân.
Nếu hôm nay chúng ta im lặng và làm ngơ trước vấn nạn này, biết đâu ngày mai nạn nhân sẽ là chính mình.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
__________________________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment