Sunday, March 3, 2013

MIẾNG XƯƠNG KÊ GÀ "TRẬT MỘT LY ĐI NGHÌN TỶ"


Tải xuống - download
Cảng Kê Gà đã chính thức được Thủ tướng chỉ đạo ngưng xây dựng tuy nhiên vẫn còn đó nhiều câu hỏi về hiệu quả kinh tế của việc khai thác bauxite sẽ ra sao khi giá cả Alumin bán ra không đủ trang trải chi phí sản xuất? Và quan trọng hơn hết ai sẽ là người chịu trách nhiệm về thất bại của toàn bộ dự án?
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngưng dự án xây dựng cảng Kê Gà ngay lập tức báo chí cùng lên tiếng ủng hộ và cho rằng đây là một quyết định sang suốt.
Thực ra quyết định này chỉ nhằm hợp thức hóa báo cáo xin ngưng xây dựng từ Tập đoàn Than Khoáng sản sau khi tập đoàn này nhận thấy xây dựng cảng Kê Gà sẽ khiến sa lầy thêm trong dự án bauxite mà chính nó đã hết lòng hết sức vận động để thực hiện cho bằng được, trong đó Cảng Kê Gà được xây dựng nhằm vận chuyển Alumin.

1000 tỷ đồng cho bài học coi thường ý dân
Đúng như những gì mà giới chuyên gia đã cảnh báo, giá Alumin hiện nay trên thế giới không thể có lãi và thậm chí sẽ lỗ nặng nếu tiếp tục đầu tư khai thác nó với kinh phí như hiện nay. Những cảnh báo đó đã bị tập đoàn Than Khoáng sản gọi tắt là Vinacomin bỏ ngoài tai. Hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ đi vào xây dựng và trước khi mẻ Alumin đầu tiên ra lò thì dấu hiệu sụt giá thê thảm đã làm cho Vinacomin chùn lại ý chí khai thác bauxite như đã từng chứng tỏ trước đây.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ là người cầm con dao do Vinacomin đưa để chặt sợi giây đang trói tập đoàn nầy bởi sự duy ý chí của nó trong dự án bauxite hoang tưởng và liều lĩnh.

Những phản biện về bauxite Tây nguyên đã được hàng trăm trí thức đưa ra vào những năm đầu của thế kỷ. Nhà văn Nguyên Ngọc là một trong những vị đầu tiên lên tiếng sự tác hại đối với đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây nguyên cùng với hàng trăm trí thức khác phân tích các tác hại môi trường, an ninh quốc phòng cũng như giá trị kinh tế. Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết:

Trong phong trào phản biện thì có lẽ Bauxite là cái đầu tiên. Phản biện bauxite đã bắt đầu từ rất sớm ngay khi có ý đồ về dự án bauxite từ những năm 2000. Đến năm 2006 thì bọn tôi đã tổ chức một hội thảo đầu tiên trên Tây Nguyên. Đến năm 2009 thì xuất hiện trang Bauxite của anh Huệ Chi. Sau đó anh Nguyễn Thành Sơn có viết một bài tổng hợp lại ý kiến phản biện là 10 lý do nên dừng dự án bauxite. Theo tôi phản biện trong bauxite là tinh thần phản biện đầu tiên trong phong trào phản biện tại Việt Nam.

Một khía cạnh khác đáng chú ý trong những người phản biện có trường hợp của TS Cù Huy Hà Vũ. Ông Vũ đã công khai chỉ trích những người trách nhiệm đối với dự án khai thác bauxite trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. TS Cù Huy Hà Vũ đã lên tiếng đòi tòa án truy tố ông Thủ tướng vì đã không nghe phản biện của nhân sĩ trí thức. Hậu quả của đòi hỏi này là bản án 7 năm tù dành cho ông.

Luật sư Trần Đình Triển, người bảo vệ quyền lợi cho TS Cù Huy Hà Vũ cho biết về những phản biện của trí thức:

Có lẽ ban đầu mục đích đưa ra thì tốt, nhằm mục đích phát triển nước nhà. Tuy nhiên do không nghiên cứu không đánh giá một cách đầy đủ về phương diện an ninh quốc phòng, tài nguyên môi trường, bảo vệ con người…không hiểu gì vê động cơ nguy hại về sau nhưng họ cứ quyết làm, như húc đầu vào đá không ai ngăn được cả.

Rất nhiều đồng chí lão thành cách mạng giữ vai trò trọng trách của Đảng và nhà nước ví dụ như Thủ tướng Võ Văn Kiệt và rất nhiều nhà trí thức khác đã đưa ra những phản đối về an ninh quốc phòng, về môi trường, kinh tế hay cuộc sống của người dân…nhưng không hiểu sao họ cứ lờ đi. Có người còn gắt gao thậm chí đưa ra khởi kiện như Cù Huy Hà Vũ. Những ý kiến này không được nghe nên cần phải ra tòa án nhằm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường, nhân dân. Người đòi khởi kiện đó phải vào vòng lao lý.

TS Phùng Liên Đoàn, một nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong các chương trình nhân đạo, ông cũng là người ký tên trong các phản biện về bauxite Tây nguyên. Đưa nhận xét về sự cứng cỏi của chính quyền và những người trực tiếp bảo vệ dự án, ông nói:

Họ là những người hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về kinh tế, khoa học. Họ cầm quyền và nghe lời những người vâng vâng dạ dạ đối với họ trong khi đó thì định kiến họ đã có sẵn rồi. Trong trường hợp bauxite thì lại có ảnh hưởng rất nặng của Trung Quốc thành ra họ chỉ làm bừa đi thôi, như một con ếch ngồi đáy giếng cho rằng mình biết hết cả rồi không cần phải nghe ai cả. Thành ra dây là một hệ lụy rất nguy hiểm của một chế độ độc tài họ không biết nghe lẽ phải.
Địa điểm Vinacomin dự kiến xây dựng cảng Kê Gà
 (Ảnh: Báo NLVN)
Lẽ phải thứ nhất là sự hiểu biết của trí thức và kinh nghiệm của thế giới thì họ không biết. Cái thứ hai là ý dân cũng quan trọng nữa. Trong khi dân rất cần những chuyện rất thông thường như cái ăn cái mặc, nhà thương, trường học thì họ lại không để ý tới điều quan trọng của dân mà chỉ thích làm những chuyện rất to, rất vĩ đại. Đó là tâm trạng của những người cộng sản trong những nước nhỏ bé nhưng muốn làm to thành ra tôi nghĩ đây là thực tế mình biết trước rồi nhưng họ không biết.

Các phản biện của trí thức tuy không dừng được hoàn toàn dự án bauxite nhưng ít ra theo nhà văn Nguyên Ngọc nó cũng đã chặn đứng được một kế hoạch trị giá 15 tỷ đô la trong khi đất nước còn phải giải quyết hàng trăm vấn đề bức xúc khác, ông nói:

Họ là những người hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về kinh tế, khoa học. Họ cầm quyền và nghe lời những người vâng vâng dạ dạ đối với họ trong khi đó thì định kiến họ đã có sẵn rồi...thành ra họ chỉ làm bừa đi thôi, như một con ếch ngồi đáy giếng cho rằng mình biết hết cả rồi không cần phải nghe ai cả

TS Phùng Liên Đoàn

Tất nhiên những phản biện không thể làm dừng ngay được nhưng nó là những đề xuất ban đầu. Nhưng bây giờ mình nhìn trở lại thì người ta tuy không thực hiện những phản biện đặt ra trên bề rộng nhưng mà phản biện bauxite đã huy động được xã hội một cách rộng lớn và nó đã có kết quả. Chính từ những phản biện từ năm 2007-2008 và 2009 đã đi đến một hội nghị của Bộ chính trị đã có quyết định làm thí điểm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ chứ còn trước kia lúc đầu tiên thì phải bỏ ra 15 tỷ đô, kế hoạch lớn hơn nhiều bao gồm toàn bộ Tây nguyên và kể cả một số tỉnh ngoài Tây nguyên như Bình Phước…như vậy nó rộng hơn rất nhiều. Theo tôi đây là một bước lùi rất quan trọng.

Cảng Kê Gà: “Trật một ly đi một ngàn tỉ”

Quay trở lại việc ngừng thi công cảng Kê Gà, chuyên gia kinh tế đã từng nhiều lần cảnh báo về hiệu quả kinh tế của việc khai thác bauxite Tây nguyên nhưng tập đoàn Vinacomin vẫn khăng khăng cho rằng sẽ có lợi về nhiều mặt, trong đó có vấn đề công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, chờ tới khi mặt trái của toàn bộ dự án lộ ra trước ánh sang thì cơ nguy cả một núi tiền thuế của người dân tàn rụi trước sự vô cảm của những viên chức Vinacomin.

Báo Lao động đi một cái tựa ấn tượng sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng ngưng xây dựng cảng Kê Gà: “Trật một ly đi một ngàn tỉ”. Tuy nhiên nếu quay trở lại từ đầu thì liệu có phải tập đoàn Than khoáng sản, gọi tắt là Vinacomin trật một ly hay không.

Thực tế cho thấy các nhà khoa học đã lên tiếng phân tích rất nhiều lần về tác dụng ngược khi phải vận chuyển Alumin từ Tây nguyên về Bình Thuận. Qua các phân tích, nhược điểm việc xây dựng một con lộ để vận chuyển trên một lộ trình xa và bất tiện sẽ làm giá thành sản phẩm tăng cao trong khi giá cả của Alumin trên thế giới mỗi ngày một tuột dốc do nhu cầu tiêu thụ ít đi. Cảng Kê Gà là một bài toán đơn giản cho những nhà làm kế hoạch tỉnh táo tuy nhiên kéo dài cho tới nay mới dừng nó thì không thể nói là sai một ly. Cái sai của Kê Gà và Tân Rai cũng như Nhân Cơ lớn và hiển nhiên đối với bất cứ một chuyên gia kinh tế nào.

Nhà máy Tân Rai đã chạy nhưng công suất của nó chỉ được 20 tới 40% thì chắc chắn không phải là điều để cho tập đoàn Vinacomin yên tâm tính toán tới chuyện lời to như khi nó bắt đầu khởi công xây dựng. Đóng cửa cảng Kê Gà của Bình Thuận để chuyển hướng về Phú Mỹ của Đồng Nai cũng chỉ là biện pháp vá víu khi cái lõi của vấn đề vẫn còn, đó là đầu ra cho sản phẩm. Bài toán căn bản của một nhà máy là sản phẩm phải bán được và tất nhiên là có lãi đã không được tập đoàn Vinacomin đặt lên hàng đầu khi bắt tay xây dựng hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Những thất bại biết trước về vận chuyển đã được các nhà kế hoạch duy ý chí vẽ ra những con đường như trong thời kỳ chiến tranh để chở Alumin từ Tây nguyên xuống đồng bằng rồi ra biển lớn đã làm nhiều nhà kinh tế cho là lãng mạn và cực kỳ vô lý nhưng vẫn được chính phủ thông qua.

Khi Kê Gà sụp đổ thì cũng là lúc dư luận trông chờ tập đoàn Vinacomin nhìn lại toàn bộ những điều họ đã làm từ trước tới nay để điều chỉnh những gì có thể điều chỉnh được thay vì vẫn đưa ra những lập luận mang màu sắc chính trị hơn là hiệu quả về kinh tế.

Ông Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam Trần Văn Chiều khi trả lời báo chí về việc chấm dứt dự án cảng Kê Gà tại Bình Thuận cũng như hiệu quả của các dự án bô xít Tây Nguyên đã khẳng định rằng tập đoàn này vẫn giữ lập trường tiếp tục khai thác. Ông Chiều cho rằng dư luận lên án và yêu cầu ngưng hai nhà máy Nhân Cơ và Tân Rai là không công bằng vì nó đã giúp cho hơn 1.500 lao động có công ăn việc làm. Hai nhà máy này cũng sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả kinh tế-xã hội, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên.

Ông Trần Văn Chiều quên rằng với 1.500 lao động thì một nhà máy cỡ nhỏ nào cũng có thể thuê được. Tuy nhiên số tiền hàng trăm ngàn tỉ đồng phung phí cho lợi ích của 1.500 lao động này thì có phải là phí phạm hay không? Về ý nghĩa chính trị, không ai thấy được sự lợi ích khi hai nhà máy này hoạt động mà ngược lại, hàng ngàn bộ óc của nhân sĩ trí thức đang suy nghĩ làm cách nào để mà dừng nó chính là sự thoái bộ về chính trị nếu sòng phẳng nhìn nhận.

Nhiều trí thức cho rằng vì tự ái, vì tính độc tôn trong vị trí quyền lực đã khiến tập đoàn Vinacomin dùng sức mạnh được Đảng giao phó để vượt qua tất cả những phản biện của nhân dân để đạt chỉ tiêu ảo tưởng mà chính họ đưa ra bất kể quyền lợi quốc gia dân tộc.
Các xe tải đang vận chuyển Alumni ở khu bauxit
Tây Nguyên (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng sự dừng lại của cảng Kê Gà là một dấu hiệu biết lắng nghe của chính phủ cho dù đã rất chậm đối với sự nóng lòng của dư luận, ông nói:

Nếu dừng được cảng Kê Gà thì cũng là dấu hiệu chính phủ đã nghe phản biện. Tuy nhiên mấy hôm nay cũng có dư luận do chính phủ thấy cảng Kê Gà không ổn lắm rồi nhưng tới bây giờ mới nói thì đã muộn lắm và tổn hại rất nhiều. Khi chúng tôi đến khảo sát thì thấy rất rõ có hơn mười khu nghĩ dưỡng rất lớn phải dừng lại hết để làm cảng và trong 5 năm nay họ đã chịu thiệt hại rất lớn và bây giờ đền bù lại cho họ thì cũng là một vấn đề. Có dư luận cho là những người trách nhiệm sợ lại xảy ra những vụ Vinashin hay Vinalines khác nữa.

Tôi thấy dù sao thì nó cũng là một động thái tích cực không riêng về cảng Kê Gà mà nó còn cho thấy đã lộ ra hết những gì đã được phản biện và không thề nhắm mắt làm lơ như trước nữa.

Nêu ý kiến về sự kiên quyết tiếp tục khai thác Alumin của tập đoàn Than Khoáng sản, bà Phạm Chi Lan chuyên gia tư vấn kinh tế cho biết:

Tôi nghĩ việc này nên đưa ra bàn tới nơi tới chốn trong công luận cũng như trong chính giới. Một vị đại biểu Quốc hội là ông Cao Sĩ Khiêm đã có nói là ông ấy sẽ đưa ra thảo luận trong kỳ họp tới để chất vấn chính phủ về vấn đề này. Bây giờ thực tế là công luận nói rất nhiều trên báo chí ý kiến của các chuyên gia thế nhưng chính phủ và tập đoàn Than Khoáng sản vẫn muốn làm tiếp vậy thì phải mang ra bàn ở các cấp cao hơn là Quốc hội để có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với chính phủ về việc này.

Rõ ràng nếu làm tiếp thì sự mất mát cho nền kinh tế tiếp tục lớn hơn chưa kể những hậu quả khác như môi trường hay cuộc sống người dân ở vùng Tây nguyên hay các vấn đề an ninh quốc phòng tiếp tục là mối đe dọa cho Việt Nam.

Đối với nhà khoa học Phùng Liên Đoàn thì ông nghi ngờ cả khi ngừng lại việc xây dựng cảng Kê Gà cũng không cứu vãn được gì vì tính minh bạch tại Việt Nam vẫn chưa được tôn trọng, ông nói:

Những chuyện này rất là quan trọng. Bây giờ không hiểu khi họ ngừng lại thì có cứu vãn được phần nào hay không chứ tôi nghĩ rằng thiệt hại sẽ rất nhiều và mình không biết hết mức độ thiệt hại là bao nhiêu bởi vì họ không nói thật.

Báo chí phân tích rằng sản suất một tấn cà phê có hiệu quả ngang với 6 tấn Alumin. Tập đoàn Vinacomin dù có bào chữa cách nào đi nữa cũng khó thuyết phục người dân trong khu vực có hai nhà máy hoạt động. Đó là chưa kể di hại nếu sự cố bùn đỏ xảy ra.

Bà Phạm Chi Lan nhận xét về những mất mát mà người dân phải chịu:

Mất mát thì đã có rất lớn nhưng nếu làm tiếp thì mất mát lại lớn hơn cho nên tôi nghĩ là phải dừng thôi dù là tổn thất lớn.

Bà Phạm Chi Lan

Chắc chắn là bị mất rất lớn rồi. Đối với nền kinh tế hay đối với cuộc sống của người dân thì cũng đã có rất nhiều mất mát, đảo lộn. Như vừa rồi báo chí cũng cho thấy những người nông dân vốn dĩ đang trồng cà phê và bây giờ họ thấy xuất khẩu sáu tấn bauxite mới bằng một tấn cà phê thì họ xót ruột vô cùng. Mất mát thì đã có rất lớn nhưng nếu làm tiếp thì mất mát lại lớn hơn cho nên tôi nghĩ là phải dừng thôi dù là tổn thất lớn. Và tất nhiên khi dừng thì sau đó phải xem xét truy cứu trách nhiệm của tất cả những người cố tình gây ra những mất mát như vậy.

Những mất mát này ai là người chịu trách nhiệm mới là câu hỏi nóng bỏng hiện nay. Nếu những người cổ vũ và ký tên cho khai thác bauxite chứng minh được lý thuyết của họ là đúng thì bất trắc xảy ra gây thiệt hại cho kinh tế là có thể tha thứ. Tuy nhiên, với cách làm duy ý chí, thiếu tính khoa học, không lắng nghe phản biện của giới chuyên gia và nhất là khi đã thấy dấu hiệu thất bại nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi một cách mù quáng thì phải bị chế tài bởi pháp luật. Luật sư Trần Đình Triển cho biết ý kiến của ông:

Đến nay sự việc nó diễn ra đúng như các ý kiến tâm huyết của các vị lão thành cách mạng, của các nhà trí thức của nhân dân, dự án bauxite đã diễn ra đúng như hậu quả mà người ta đưa ra. Vậy thì về phương diện Đảng, nhà nước và các cơ quan cần phải xem xét lại xử lý nghiêm khắc những cán bộ hay bất cứ ai đã đưa ra dự án đó mà không lắng nghe ý kiến phản đối đến bây giờ gây thiệt hại cho Đảng cho nhà nước về phương diện uy tín. Gây thiệt hại cho tổ quốc Việt Nam về phương diện kinh tế. Gây thiệt hại cho nhân dân Việt Nam về phương diện môi trường thì những ai làm sai phải lôi ra dù đó là ai.

Pháp luật công minh hay không người dân đã từng biết. Pháp luật không thể xét xử những người đứng cao hơn nó đang là mối quan tâm hiện nay thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 92. Người dân chờ đợi nhiều điều trong lần sửa đổi này và dự án bauxite cũng nằm trong sự chờ đợi ấy.

No comments:

Post a Comment