Giáo Già - Vào dịp Tết Nguyên Ðán năm nay [Quý Tỵ, 2013] một bản dự thảo Hiến pháp đã được nhà cầm quyền CSVN phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến của toàn dân từ ngày 2/1/2013 đến ngày 31/3/2013. Ðồng thời chúng cũng quyết định cho thực hiện cuộc “đối thoại trực tuyến” để coi như “trưng cầu dân ý” về việc sửa đồi Hiến pháp 1992.
Bên cạnh đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý cũng tuyên bố: “Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả.”
Tuy nhiên, mặc dầu không nói ra, nhưng mọi người đều thấy thời gian được chọn nhằm dịp Tết Nguyên Ðán để nhân dân không có thời gian theo dõi hay tham gia và thay vì cơ quan lập pháp phải là cơ quan có trách nhiệm soạn thảo dự thảo sửa đồi Hiến pháp thì Ðảng và Nhà nước lại để cho Ban Tuyên giáo và Ban lý luận trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận; Quốc Hội chỉ đóng vai trò con bù nhìn. Ngoài ra, vai trò của “nhân dân” và “cử tri” gồm những ai cũng không được đề cặp tới cho dầu thành phần này có được chọn lọc.
Mặt khác, nói là tham gia gióp ý nhưng theo dõi trên các trên các kênh truyền hình trong nước thì cái gọi là “cử tri tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp” chỉ gồm một đội ngũ tuyên truyền viên Cộng sản trá hình. Còn nhớ, những lần “góp ý” trước đây được phát trên truyền hình trung ương và địa phương không ai thấy có những góp ý nào ngoài việc các ông, các bà đứng lên thay nhau khen chế độ Cộng sản là ưu việt và tuyên bố hùng hồn rằng: “Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân là một tất yếu lịch sử!”.
Một buổi họp trực tuyến lấy ý kiến sửa đổi hiến phápÐiều bất ngờ đối với Ðảng và Nhà nước là lần này là bên ngoài sự dàn dựng của Ðảng “nhân dân” đã hưởng ứng tham gia “sửa đồi Hiến pháp 1992” quá nồng nhiệt, nhứt là sự liên tiếng dồn dập của các cơ quan truyền thông “lề trái” và vô số người quan tâm.
Ðến ngày 19-1-2013, tức ngày 26 Tết [26 tháng Chạp năm Nhâm Thìn] một “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992” được tung ra trên Mạng Bauxite Việt Nam [http://www.boxitvn.net] với 72 người ký tên đầu tiên [gọi tắt là Kiến nghị 72] gồm hầu hết là các “nhân sĩ” tên tuổi và những nhân vật từng lãnh đạo hàng đầu CSVN như các ông Nguyễn Quang A, Lê Ðăng Doanh, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân Diện, Lê Hiền Ðức, Chu Hảo, Phạm Chi Lan, Cao Lập, Nguyễn Ðình Lộc, Huỳnh Tấn Mẫm... Sau đó, từng đợt người tham gia ký tên đã mau chóng tăng lên, đến nay là đợt 20 đã có 7 ngàn 34 người. Kiến nghị 72 này đã ghi trong điều thứ 5 rằng:
“Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Ðiều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Ðảng Cộng sản Việt Nam.”
Tiếp theo sau “Kiến nghị” khởi đầu với 72 người này, ngày 28-2-2013, một bản văn mang tên “LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO” cũng xuất hiện nói rằng:
1. Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Ðiều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà chúng tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3. Chúng tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4. Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
5. Chúng tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Chúng tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản ban cho, nên đảng cộng sản không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, chúng tôi có thể xem những lời phán xét nào nếu có hướng đến chúng tôi là một sự phỉ báng chúng tôi. Và chúng tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Kết quả là chỉ 48 tiếng đồng hồ sau đó đã có 853 người ký tên với những Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Thanh Nghiên, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, Linh Mục Giuse Ðinh Hữu Thoại, Trịnh Kim Tiến, Nhà thơ Bùi Chát, Huỳnh Ngọc Chênh, Bùi Thị Minh Hằng... Cho tới nay, 5-3-2013, không đầy 1 tuần lễ xuất hiện lời Tuyên Bố này đã có 4 ngàn 700 người hưởng ứng ký tên, con số còn đang tiếp tục gia tăng mau chóng.
Ngoài ra, còn có thêm một biến cố lớn nữa là tối ngày 25-2-2013, trong mục thời sự lúc 19 giờ, đài truyền hình VTV1 phát đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tiếng tại Vĩnh Phú rằng:
“...Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa... Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Ðiều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!& Ðưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào?... Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể & thì nó là cái gì?!... Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”.
Lập tức, cùng tối ngày 25-2-2013, nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên, phó phòng, biên tập viên báo Gia đình và Xã hội, phổ biến trên facebook năm điều muốn nói với Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng có nội dung như sau:
“Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ÐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức... Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Ðiều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)
Bằng tất cả sự tôn trọng dành cho người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
Ðầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Ðiều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ÐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, nhữngý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.
Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Ðạo đức làm người? Ðạo đức công dân? Ðạo đức dân tộc VN? & Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sảncủa các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?
Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Ðiều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Ðiều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng& đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc là suy thoái. Ông đương kim Tổng bí thư ÐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.
Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
1. Tôi không chỉ muốn bỏ Ðiều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2. Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3. Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4. Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
5. Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Nguyễn Ðắc Kiên
Nhà báo, Báo Gia đình & Xã hội
(*) Nguồn: Chương trình thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2; phần âm thanh và gỡ băng của Anhbasam.”
Chính vì “năm điều muốn nói với Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng” của Nguyễn Ðắc Kiên đó mà lời đe dọa của Nguyễn Phú Trọng biến thành sự thật. Ngay ngày hôm sau, nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên của báo Gia Ðình và Xã Hội bị đuổi khỏi tòa soạn của báo này. Nó đã khiến dư luận phẫn nộ không tiếc lời lên án cả Ðảng và Nhà nước trên các báo lề trái và các diễn đàn điện tử. Ðiều này đã khiến ông Nguyễn Ðắc Kiên phải viết một “Thư ngỏ”, ngày 3-3-2013, gởi đăng trên các diễn đàn như sau:
Thư ngỏ của nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên gửi bạn đọc
Thưa các bạn!
Tôi viết thư này để trả lời một số câu hỏi các bạn gửi đến tôi mấy ngày qua.
Về lo lắng cho sự an nguy của tôi. Tôi hiểu, càng nhiều người quan tâm, ủng hộ tôi, sự an toàn của tôi càng bị đe dọa cao hơn, nhưng cũng có thể ngược lại. Tôi biết trong đội ngũ lãnh đạo của ÐCS VN hiện nay cũng có rất nhiều người có suy nghĩ tiến bộ.
Tôi cũng tự dặn mình, phải hết sức thận trọng trong lời nói và hành động. Tôi không muốn đẩy người khác vào hành động phi nghĩa, vì tôi hiểu nỗ lực đẩy người khác vào hành động phi nghĩa tức là đang làm một việc phi nghĩa. Dân tộc chúng ta đã có quá nhiều sự thù hằn, tức giận rồi, tôi hy vọng, bản thân và tất cả chúng ta sẽ không cố gắng để tạo thêm những sự thù hằn và tức giận như thế nữa.
Cụm từ “sát cánh bên nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên”, khiến tôi ngại ngùng khi ký vào bản “Tuyên bố Công dân Tự do”. Tôi sẽ gửi thư đề nghị các bạn khởi xướng bỏ cụm từ đó đi, để tôi được ký tên mình, cùng với hàng nghìn, triệu đồng bào. Tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta không sát cánh cùng anh Kiên hay bất cứ người nào khác, chúng ta ký tên vì chính chúng ta, vì tổ tiên ngàn đời, vì con cháu tương lai. Vì thế tôi kêu gọi tất cả, không phân biệt trong hay ngoài nước, còn hay không còn quốc tịch Việt Nam, miễn là mang trong mình dòng máu Việt, ký tên vào bản tuyên bố công dân này.
Có người chất vấn tôi về chuyện làm sao để Tha thứ và Hòa giải, đó là chất vấn xác đáng. Tuy tôi e rằng, nói điều đó ra bây giờ là sớm, nhưng vì không biết ngày mai sẽ ra sao nên cứ nói ra thì vẫn hơn. Chúng ta cứ nhìn sang Myanmar thôi, không cần nhìn đâu xa, họ làm được, tôi tin chúng ta cũng làm được, có khi còn tốt hơn. Sao không lập một Ủy ban hòa giải dân tộc, với thành viên là các nhân sỹ, trí thức trong và ngoài nước, kể cả một số lãnh đạo tiến bộ của ÐCS VN? Tôi nghĩ rất nhiều người sẵn sàng tham gia. Sao không lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức xong Hội nghị lập Hiến, ban hành Hiến pháp mới, bầu Quốc hội mới? Tôi tin tưởng có nhiều người, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo ÐCS VN hiện nay có thể đảm nhận tốt vị trí trong Chính phủ lâm thời để giữ vững sự thống nhất quốc gia trong giai đoạn chuyển giao.
Nhưng để làm được điều đó, trước tiên tôi nghĩ, không chỉ nhân dân, những người đấu tranh cho dân chủ tự do mà cả các vị lãnh đạo của ÐCS VN, cần vượt qua sự sợ hãi, vượt qua sự tức giận, thử một lần thôi, tôi xin các ngài đặt mình là một người Việt Nam bình thường, lắng nghe những ý kiến khác biệt.
Tôi nghĩ rằng, một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay bất cứ hành động mang tính trả thù nào với những người ở chế độ cũ. Tôi cho rằng đây là điểm quan trọng trong việc giúp giới lãnh đạo ÐCS VN hiện nay vượt qua sự sợ hãi. Tôi cũng như tất cả các bạn đều đau xót vì những khoản tiền tỷ đô la bị thất thoát, tham nhũng, nhưng cứ thử nghĩ đến xương máu có thể đổ, thử nghĩ đến tương lai hàng trăm nghìn năm nữa của dân tộc, những khoản nợ đó chẳng phải là rất nhỏ sao? Vậy sao chúng ta không mạnh dạn xóa nó đi để bảo vệ cái toàn cục lâu dài. Hơn nữa, chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù ngoại bang, sao không thể tha thứ cho đồng bào, anh em ruột thịt mình?
Có nhiều người cho rằng, tôi chỉ là một kẻ cơ hội, tự bản thân tôi thấy không cần phải trả lời chất vấn này, nhưng tôi nói chuyện này ở đây để bàn sang chuyện khác xa hơn. Bác Nguyễn Quang A có nói là sẽ sắp xếp cho tôi một công việc biên tập ở một NXB. Ðó là công việc mơ ước của tôi, tôi sẽ có điều kiện vừa làm việc, vừa đọc và tìm hiểu thêm các vấn đề mình quan tâm. Tôi chỉ mong ước có thế và không gì hơn, những người đã có thời gian quen thân tôi lâu có thể làm chứng. Tôi hiểu, một sự chuyển đổi nếu có, thì đằng sau nó còn rất nhiều việc phải làm, mà một việc quan trọng bậc nhất là phổ biến tinh thần dân chủ tiến bộ đến toàn thể nhân dân, công việc đã nói ở trên có thể giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nhưng một điều quan trọng hơn tôi muốn bàn là suy nghĩ về những người tài và trọng dụng người tài. Nền nho học tuyển cử hàng nghìn năm đã khiến chúng ta đặt định vị trí hiền tài khi nào cũng gắn với việc làm quan. Ðiều đó sẽ thay đổi trong một xã hội dân chủ. Tôi hiểu, một đất nước muốn phát triển cần phải có thật nhiều người tài làm thương gia, nhà khoa học, giáo sư, bác sỹ, kỹ sư, công nhân lành nghề, nông dân thạo việc... không phải dồn hết người tài vào làm mỗi công việc quan, việc chính trị. Tôi thích cách người Mỹ thiết kế bộ máy nhà nước của họ, đó là một bản thiết kế không hoàn hảo, nhưng nó là bản thiết kế để cho mọi sai lầm có thể sửa chữa với ít hao tổn nhất cho nhân dân, đất nước.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh, mỗi khi lòng dân ly tán là lúc vận mệnh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Theo cảm nhận của tôi, đất nước chúng ta đang vào ở trong tình thế lâm nguy đó. Hơn khi nào hết, chúng ta cần sự đồng lòng, nhất trí của tất cả người dân ViệtNam, để đưa đất nước tiến lên.
Trân trọng,
Nguyễn Ðắc Kiên
Ðứng trước vấn nạn này, qua bài “Sự độc đáo mang tên Nguyễn Ðắc Kiên”, blogger Nguyễn Ngọc Già nhận xét rằng “cái trụ” Nguyễn Phú Trọng vừa bị nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên “đốn gọn” bằng bài viết “Vài lời với TBT ÐCS Nguyễn Phú Trọng” khiến “ngôi đền thiêng ÐCSVN đang sụm dần...”
Chưa hết, trước đó, ngày 01-03-2013, linh mục Giuse Dương Hữu Tình, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (HÐGMVN), đã đến và trao Thư góp ý của Ban Thường vụ HÐGMVN cho Thường trực Ban biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại số 37 Hùng Vương, quận Ba Ðình, Thành phố Hà Nội, yêu cầu tam quyền phân lập và chính quyền phải do nhân dân trực tiếp bầu lên qua cuộc bầu cử, tức không dành quyền cai trị cho một đảng độc tài như hiện nay. Nhận định về Thư góp ý này ông Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Vinh, một giáo dân Công giáo tại Hà Nội nói: “Theo tôi nhận định thì Bản Nhận định và Góp ý của Hội Ðồng Giám mục Việt Nam lần này đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là một bản văn đã đúc kết được nguyện vọng của những người giáo dân như chúng tôi. Và không chỉ của những giáo dân mà còn của các công dân Việt Nam, đã nói lên được tâm tư, nguyện vọng của họ và nhận định của Hội đồng Giám Mục Việt Nam hết sức chính xác và súc tích, và có lẽ đây là văn bản mà tôi cho rất có giá trị và rất đúng trong thời điểm hiện nay.”
Do vậy, vấn đề càng lúc càng khiến CSVN rối thêm. Nó đã khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói trong một cuộc họp được chiếu trên đài truyền hình nhà nước tối hôm thứ Tư, 27-2-2013 rằng: “...những người này đi qúa xa. Lợi dụng việc lấy ý kiến hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, chống lại chính quyền... phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn...” Nguyễn Sinh Hùng cũng đã vội vàng tuyên bố thủ đô Hà Nội đã lấy xong ý kiến nhân dân về bản Dự thảo Hiến pháp, sẽ kết thúc sớm vào ngày 7/3 này, nghĩa là sớm hơn dự kiến 24 ngày.
Trong khi đó tin từ Lam Nguyên viết trên VnMedia cho biết “Ngày 1/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1664/VPCP-PL thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị trực tuyến trên sẽ diễn ra vào ngày 6/3/2013 tại 64 đầu cầu nhằm bàn về thực hiện đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương, đồng thời nắm bắt kết quả bước đầu về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Chưa biết Hội nghị trực tuyến này sẽ đưa đến kết quả nào khi thời gian góp ý chẳng cần phải kéo dài thêm nữa khi mặt trận giữa người dân và nhà nước coi như đã rõ gồm:
• Một bên là đội quân truyền thông hùng hậu gồm hơn 700 tờ báo với đủ loại đài truyền hình, phát thanh, với vô số diễn đàn gia nô, vô số và theo tài liệu “bồi bút” chuyên nghiệp và theo tài liệu được công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên truyền miệng năm 2012 Ðảng có trên 62 000 báo cáo viên, tuyên truyền viên, dư luận viên các cỡ, các cấp từ trung ương cho đến xã nhưng hầu như chúng chỉ nói cho Ðảng nghe chớ dân thì hết tin rồi; dân đã hết sợ tồi
Ống Cống Dành Cho Gaddafi• Một bên là 90 triệu dân có sự hiện diện có rất nhiều hệ thống truyền thông đại chúng, có hệ thống mạng xã hội [Internet] trong và ngoài nước phát triển mạnh với nhiều tác giả có trình độ diễn đạt sắc bén qua nhiều đề tài rất hợp lòng người khiến càng lúc Ðảng càng thua, mà điển hình được diễn tả sống động qua bức biếm họa của Babui đăng trên Ðàn Chim Việt ngày 2-3-2013 [xem hình]. Từ đó, càng lúc càng có thêm những thùng thuốc nổ cực mạnh chỉ chờ một tia lửa là làm nổ tung.
Bây giờ chuyện góp ý sửa Hiến pháp được Ðảng và Nhà nước khởi đầu tưởng như đó là “Hầm Trú Ẩn” an toàn; nhưng từ những phản ứng của “Kiến nghị 72” với 7 ngàn 34 người ký tên [tính đến ngày 5-3-2013] cùng 4 ngàn 700 người ký tên trên “LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO” [tính đến ngày 5-3-2013]... Hầm Trú Ẩn nếu không biến thành “Huyệt Mộ” chôn sâu CSVN thì chắc chắn với sự phẫn nộ của toàn dân nó sẽ biến thành “Ống Cống Dành Cho Gaddafi” ngày 20-10-2011.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
No comments:
Post a Comment