Trần Trường Sa - Ngụy biện là cố dùng những lập luận tưởng như vững chắc, nhưng thật ra là vô căn cứ.
Ngụy biện là lối lý luận phổ biến trong thế giới cộng sản, bởi lẽ đối tượng được nghe những lập luận này thường là giới bình dân dể bị đánh lừa; đó là những lập luận được sử dụng đi trước mũi súng và nhà tù nên chẳng ai có thể phổ biến những phản biện được.
Giới bình dân có đủ khả năng phán xét đúng sai nếu đưa cho họ nhiều lối lập luận khác nhau về một vấn đề, chứ nếu chỉ cho họ tiếp cận một thứ lập luận duy nhất thì làm sao họ đủ sức phản bác lập luận ấy được (nếu ai cũng làm được thì hóa ra dân Việt ta toàn là triết gia cả hay sao!?). Ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông internet, hạn chế đó đã bị phá bỏ gần hết. Do vậy, giới lãnh đạo cộng sản lâm vào thế bí, trình độ lại quá hạn chế nên họ dễ lâm vào thế bị “tự khỏa thân”. Họ đã đánh mất sự kiểm soát của bản thân mà bộc lộ lối lý luận “hàm hồ” và “dối trá”.
“Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến dự thảo sửa đổi hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống chứ còn gì nữa. Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Hả? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa, chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, kí đơn tập thể... thì nó là cái gì? Cho nên các đồng chí phải quan tâm xử lý cái này.”. (Lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Vĩnh Phúc, phát trong Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2)
Đây là một lập luận ngụy biện thô thiển nhất mà tôi từng gặp. Bởi vì nó không những vô căn cứ mà còn không có bất cứ một chút cố gắng nào để suy diễn cả. “Anh không đồng ý với tôi là anh suy thoái... Anh còn phổ biến cho nhiều người biết là anh suy thoái...”. Nó thô thiển quá đến độ nhiều người không mấy quan tâm đến vấn đề này cũng phải ngỡ ngàng chẳng hiểu ông Trọng nghĩ gì mà nói như vậy cả. Hay là ông Trọng quá phấn khích sau khi tự sướng bằng một cú ngụy biện khác: “Tôi là TBT một đảng cộng sản mà các nước EU mời sang thăm là họ đánh giá cao Đảng ta”.
Nói đúng hơn cái này đã đạt đến đáy của lối ngụy biện để chuyển thành lối ăn nói hàm hồ như tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định. (Vừa nghe xong, như một phản xạ vô điều kiện, tôi bỗng buột miệng: “Trời ơi, cái cậu này ăn nói hàm hồ quá nhỉ!”)
Chỉ vài ngày sau đó, ông Nguyễn Sinh Hùng còn hàm hồ hơn khi phát đi những lời đe dọa ám chỉ đến bản ''Kiến nghị 72''
“Bản lấy ý kiến là bản của ủy ban dự thảo Hiến pháp công bố, trên cơ sở tiếp thu thảo luận của Quốc hội. Đó là bản duy nhất. Còn anh tự tổ chức lấy ý kiến khác của anh, là không được,”
Trong 7 kiến nghị của “Kiến nghị 72”, có đến 5 kiến nghị nêu ra các nội dung trong Dự thảo, thậm chí có nơi còn nêu rõ góp ý điều nào trong dự thảo. Kiến nghị thứ 6 đề xuất thêm điều trong bản dự thảo không có. Kiến nghị thứ 7 nói về thời gian góp ý. Bản dự thảo đính kèm chỉ là một tài liệu tham khảo chứ không phải là nội dung của bản kiến nghị như phần chú thích đã ghi rõ.
Vậy thì ông Hùng nói đến “anh tự tổ chức lấy ý kiến khác của anh” là nói đến ai? Kiến nghị nào? Bản “Kiến nghị 72” là bản kiến nghị đối với bản duy nhất của ủy ban dự thảo Hiến pháp công bố. Nếu lời ông Hùng nhấn mạnh như trên nhằm vào “kiến nghị 72” thì đó là một lời dối trá. Còn nếu nhằm vào kiến nghị khác thì ông nên công bố rõ ràng.
Hôm 23/2 tại Vinh, ông Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi trong bàn tiệc đầu tư (có Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Hồ Phi Phớc…) rằng: Ông Nguyễn Đình Lộc nói sẽ rút chữ ký khỏi bản “Kiến nghị 72” về sửa đổi Hiến pháp; nhưng mới nói chứ chưa có văn bản. Trưa hôm đó, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Đình Lộc hỏi xem thông tin ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra có đúng không, thì được ông Lộc cười nói: Làm gì có chuyện đó; mình có rút gì đâu! - Theo Nguyễn Trọng Tạo.
Trong 3 người: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Đình Lộc và Nguyễn Trọng Tạo thế nào cũng có một người nói dối !
Với hai dẫn chứng trên đây, ta có thể lạc quan là tư duy nguy biện đã dần dần bị đẩy ra khỏi phương thức đấu tranh của Đảng, phương thức hàm hồ và nói dối đã xuất hiện.
Tối 28 /03 VTV1 lại đưa ra lập luận : “Đảng lảnh đạo nhân dân trong hai (1) cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi, nay ai đòi xóa điều 4 hiến pháp là đòi xóa bỏ quyền lảnh đạo của Đảng, như vậy là phản bội...”. Ngụy biện như thế làm bộc lộ sự thấp hèn về lý tưởng của những “cộng sản viên” (2).
Tôi sẽ phân tích lập luận trên dưới hai góc nhìn khác nhau :
- Đối với người Việt yêu nước, không tán thành cuộc kháng chiến chống Pháp do đảng Cộng sản lảnh đạo, giành độc lập cho dân tộc bằng bạo lực, đem lại nhiều đau thương cho dân tộc.
Mọi người Việt Nam đều có quyền không tán thành như thế, bởi vì trong thực tế các phong trào đòi độc lập bằng con đường hòa bình lúc bấy giờ đang được tiến hành một cách mạnh mẽ. Thành tựu đạt được của chính phủ Trần Trọng Kim chỉ trong mấy tháng tồn tại rồi bị Việt Minh lật đổ đã là rất đáng kể. Bằng chứng là Ấn Độ và rất nhiều nước khác trong khu vực đã giành được độc lập bằng con đường hòa bình như thế.
Những người này từ trước đến nay không trách cứ gì đảng Cộng sản cả và họ cũng chẳng tham gia hay mang ơn gì đảng Cộng sản cả thì không thể gọi là phản bội.
Nhà đang cháy gian bếp; tôi đang nỗ lực dùng sào và câu móc để cách ly đám cháy khỏi lan lên gian trên; anh xông vào, dùng vòi rồng dập cả nhà chìm trong biển nước, đám cháy được dập tắt nhưng bàn thờ tổ tiên, đồ đạc... hư hỏng cả; anh bảo tôi phải tri ơn anh cái nỗi gì !?
Còn cuộc chiến Nam – Bắc mà cộng sản cho là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước là hoàn toàn ngụy biện.
Quân Mỹ có đổ bộ vào miền Nam thật, còn miền Bắc quân Trung cộng và cả Bắc Triều Tiên tràn ngập thì sao! Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có thực quyền và ngẩng cao đầu, một số vấn đề có nhún nhường Mỹ thật nhưng so với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nghe theo lệnh của thiên triều Maxcova và nhất là Bắc Kinh thì kém xa cả chục bậc.
Như thế thì cố Tổng bí thư Lê Duẩn nói “chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc chứ đánh gì cho ta đâu!” là hoàn toàn chính xác. Vậy cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi là có thật, còn “cứu nước” là hoàn toàn sai.
Tôi không tham gia phong trào cộng sản, chẳng được lợi lộc gì từ thắng lợi này cả (còn mất mát đau thương trăm bề thì có) nên tôi chẳng mang ơn đảng tí nào cả nên không thể gọi là phản bội.
Tôi là con gái, có anh chàng đẹp trai theo tán tỉnh bằng những lời đểu giả, tôi đi chơi với hắn nhưng luôn dè chừng, nhất là không bao giờ đi đêm với hắn, kể ra đi chơi với hắn thì tôi có lợi. Anh đột nhiên xông vào phá đám, dùng hung khí và những thứ dơ bẩn ném vào hắn làm hắn bỏ chạy, không dám chơi với tôi nữa. Không có hắn tôi buồn và cô đơn, anh thì coi tôi còn thua con ở, khổ nhục trăm bề, tôi chưa oán anh thì thôi còn bảo tôi nhớ ơn anh thì quả là quá đáng!
- Đối với người Việt yêu nước tham gia phong trào cộng sản đánh Pháp, đuổi Mỹ. Mục đích tôi theo anh là để đánh Pháp đuổi Mỹ giành độc lập cho dân tộc chứ tôi có ủng hộ anh nắm chính quyền độc tài chuyên chế đâu! Giành độc lập rồi, ai giỏi giang làm cho dân giàu nước mạnh thì giao chính quyền cho họ chứ anh làm cho dân nghèo nước nhược thì độc lập mà làm gì? Thì ra tôi bị anh lừa, lý tưởng của anh là giành chính quyền chứ có phải là giành độc lập đâu!
Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hộ, Huỳnh Nhật Tân, Huỳnh Nhật Hải... những bà mẹ Củ Chi, Bàn Cờ... là những con người như thế. Các anh cướp được chính quyền rồi, không được thích làm gì thì làm, cứ sai thì sửa, xem sinh mạng của hàng vạn đồng bào, xem hàng tỷ đôla của nhân dân, xem hàng núi tài nguyên, xem hàng ngàn cây số vuông cương thổ của cha ông là thứ đem đổi lại cho những sai lầm của các anh, chỉ một lời nhận lổi là xong. Yêu cầu các anh thôi đi, giao chính quyền cho người khác nắm thì những sai lầm mới không lập lại, thành quả độc lập mà các anh cùng với chúng tôi giành được mới có ý nghĩa. Thế là tôi đã không phản bội với công lao đảng Cộng Sản bỏ ra trong 2 (ba) cuộc kháng chiến.
Tóm lại mỗi thế lực có một nhiệm vụ lịch sử riêng, vai trò lịch sử của chúng ta đã hết mà anh cứ đeo bám quyền lực là chính anh phản bội lịch sử. Còn tôi đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc chứ có đấu tranh cho quyền lực của đảng Cộng Sản đâu mà các anh bảo tôi phản bội.
Cả hai góc nhìn đều cho thấy lập luận trên đây nhằm duy trì điều 4 hiến pháp là quá ấu trĩ. Nó bộc lộ tính chày cối, tham lam quyền lực của những cộng sản viên. Họ sợ mất ghế, mất lương hưu, mất chỗ làm béo bở cho con cháu. Đó là những lý tưởng quá thấp hèn. Tiếc thay lịch sử lại chứng minh: trong thế giới cộng sản, những kẻ có lý tưởng thấp hèn luôn chiến thắng những người có lý tưởng cao cả. Thế thì còn chần chờ gì nữa mà không loại bỏ tư tưởng cộng sản ra khỏi đời sống chính trị của dân tộc.
02/03/2013
Trần Trường Sa
_______________________________________
(1) Nếu là người Cộng sản yêu nước thì phải nói là 3 hoặc 4, vì phải kể đến cuộc kháng chiến chống Tàu xâm lược năm 1979, đuổi cả mấy vạn quân Tàu ra khỏi 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Nếu kể thêm cả cuộc chiến giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng thì phải nói Đảng ta đã lảnh đạo 4 cuộc chiến thắng lợi mới đúng.
(1) Nếu là người Cộng sản yêu nước thì phải nói là 3 hoặc 4, vì phải kể đến cuộc kháng chiến chống Tàu xâm lược năm 1979, đuổi cả mấy vạn quân Tàu ra khỏi 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Nếu kể thêm cả cuộc chiến giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng thì phải nói Đảng ta đã lảnh đạo 4 cuộc chiến thắng lợi mới đúng.
(2) Tôi tạm dùng từ “cộng sản viên” để chỉ những đảng viên cộng sản nay đã đánh mất hết bản năng tốt đẹp vốn có của con người trước khi theo cộng sản để phân biệt với những người cộng sản còn giữ lại được phần lớn hoặc một phần phẩm chất tốt đẹp đạo đức làm người mà họ đã hấp thu trước khi theo cộng sản hoặc hấp thu ngoài tổ chức cộng sản.
No comments:
Post a Comment