Monday, March 4, 2013

THỪA NHẬN CÓ "RỦI RO" LỚN VỚI HAI NHÀ MÁY BÔ XÍT, NHƯNG VẪN LIỀU...

Thừa nhận những rủi ro có thể có với hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ hiện nay, song đại diện Bộ Công Thương vẫn kỳ vọng dự án bô xít sẽ có hiệu quả kinh tế trong tương lai khi kinh tế hồi phục.
Tại cuộc họp giao ban tháng do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho hay nhà máy alumin Tân Rai có công suất 650.000 tấn mỗi năm và đã ra lò sản phẩm đầu tiên. Chất lượng đạt yêu cầu nhưng do những trục trặc nhỏ nên đã có căn chỉnh và Chính phủ đã rà soát tính toán lại dự án Tân Rai. Tính đến tháng 12/2012, tổng mức đầu tư dự án tăng 30% so với năm 2009 do chính sách thay đổi, tỷ giá, nguyên vật liệu tăng. 

Theo ông Quân, dự án bô xít Tây Nguyên còn đón nhận tin vui là có thể từ bùn đỏ để lọc quặng sắt. Đơn cử, trong 10 tấn bùn đỏ có thể thu hồi 2,6 tấn sắt.
Giá bán thực tế của sản phẩm hiện nay vào khoảng 326,5 USD mỗi tấn, giảm đáng kể so với thời điểm khởi động dự án tháng 9/2009 (khi đó khoảng 365 USD). Do giá giảm nên có một số ý kiến cho rằng, dự án không hiệu quả và có mức độ rủi ro lớn.
"Thực tế, giá bán trên thị trường quốc tế phổ biến là 326,5 đôla mỗi tấn nhưng cách đây 15-20 ngày, Vinacomin đã bán cho một doanh nghiệp Việt Nam với giá 340 USD mỗi tấn”, ông nói.

Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, sau khi rà soát lại, Bộ Công Thương đồng tình với Vinacomin cần xem xét một số chính sách cho phù hợp như cơ chế đền bù. Cụ thể, bô xít là khai thác nông nên chỉ mất 2-3 năm sau, có thể trả lại đất để trồng trọt nhưng hiện lại đang áp cơ chế đền bù vĩnh viễn. Theo Vinacomin thì đền bù vĩnh viễn chỉ phù hợp với những khoáng sản khác trong phạm vi 30 năm chứ ko phù hợp với bô xít.
 “Vinacomin đang đề xuất với Chính phủ chỉ đền bù hoa màu thiệt hại và thời gian khôi phục khoảng 2-3 năm với số tiền 250 triệu đồng mỗi ha thay vì 800 triệu đồng đến 1 tỷ mỗi ha”, ông Quân nói.

Ngoài ra, theo ông Quân, phí môi trường đang phải đóng lên tới 30.000 đồng mỗi tấn nguyên khai là chưa hợp lý. Thực tế trong quá trình triển khai, chủ đầu tư phải tính toán về bùn đỏ, quan trắc…, do đó, với mức kiểm tra chặt chẽ như vậy mà phải nộp phí cao là chưa thỏa đáng. Vinacomin đề xuất nộp phí 5.000 đồng mỗi tấn, tương đương với phí của than. Ngoài ra, thuế tài nguyên cũng đang được đề xuất cơ chế điều chỉnh trong giai đoạn thử nghiệm.

Liên quan đến giá bán alumin, ông Quân cho rằng, cần xem xét giá bán trong một thời gian dài. Giá alumin biến động, có thời điểm 2008 lên tới 600 đôla mỗi tấn. Tháng 12/2012 tụt xuống còn hơn 300. Xu thế kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng trở lại thì giá alumin sẽ tăng. Các chuyên gia tính toán, năm 2020 giá alumin sẽ tăng theo với giá nhôm.

“Khi kinh tế phục hồi giá bán alumin sẽ dao động quanh mức 300-600 đôla mỗ tấn và bình quân khoảng hơn 400 đôla mỗi tấn. Tương lai dự án sẽ có hiệu quả kinh tế”, ông Quân tin tưởng.

Riêng đối với Nhân Cơ, ông Quân cho biết, một công ty TNHH đã được Chính phủ chấp nhận cho đầu tư nhà máy điện phân nhôm ngay tại dự án. Điều này sẽ tận dụng đầu ra, giảm chi phí. Bộ đang đề nghị doanh nghiệp lập báo cáo và qua đó càng có cơ sở tin cậy dự án có hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, theo ông Quân, bô xít có thể kéo theo nhiều dịch vụ cải thiện đời sống của người dân. Đơn cử như ở Bảo Lộc, Gia Nghĩa đã có nhiều dịch vụ phát triển. Ngoài ra, theo thiết kế, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho 1.500 lao động.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chủ trương của Bộ là sẽ phát triển quy hoạch bô xít một cách thận trọng, đi từng bước từ thử nghiệm cho đến quy mô lớn. Đến 2015 sẽ chỉ có 2 dựa án Tân Rai và Nhân Cơ. Đến năm 2020 phải có kết quả tốt, điều kiện vận tải cho phép mới nhân đôi 2 dự án này. Sau 2020 nếu có hạ tầng đường sắt, kết quả sản xuất kinh doanh thử nghiệm tốt thì sẽ mới phát triển dự án khác. "Chúng tôi ghi nhận tất cả các ý kiến phản biện", ông Quân khẳng khái.

Cũng theo ông Quân, theo quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, do 2 dự án không sử dụng nguồn ngân sách, chính phủ thông qua chủ đầu tư, việc quyết định đầu tư là do chủ đầu tư lập dự án, tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương lập hội đồng thẩm định kiểm tra lại dự án Nhân Cơ. Bộ đã thành lập hội đồng thẩm định 40 người, mời cơ quan đầu ngành phản biện và kết quả thậm định đã được trình lên Chính phủ vào tháng 10/ 2009.

“Tại thời điểm thẩm định thì dự án có hiệu quả, nhưng hiện dự án Nhân Cơ cũng như Tân Rai có rủi ro lớn. Vinacomin sẽ phải hoàn chỉnh tính toán nốt hiệu quả kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ sẽ có cuộc họp chuyên về hiệu quả kinh tế của Tân Rai và Nhân Cơ để có quyết định và điều chỉnh thích hợp”, ông Quân cho biết.

Hoàng Lan

No comments:

Post a Comment