Tuesday, March 12, 2013

Ý DÂN TRONG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI


Phạm Huy Sơn - Trong những năm gần đây có rất nhiều bản thư ngỏ, tuyên bố, tuyên ngôn, kiến nghị . . . được đông đảo mọi tầng lớp quốc dân ký tên bày tỏ thái độ không chấp nhận những chính sách, hành động của Nhà Nước cộng sản .

Ông Bùi Tín trong bài “ Những Con Số Biết Nói “ đăng rộng rãi trên các trang mạng mới đây cho biết số người tham gia ký tên vào những bản văn kể trên rất cao như :

- Kiến Nghị Chấm Dứt Khai Thác Bâu Xít Tây Nguyên 12-4-2009 có 2.745 người ký
- Bản Tuyên Bố về Cưỡng Chế Giải Tỏa Đất Đai ở Văn Giang Bằng

Vũ Lực ngày 01-05-2012 có 3.350 người ký

Sau đó là “Lời Kêu Gọi Thực Thi Quyền Con Người Theo Hiến Pháp Tại Việt Nam “ ngày 25-12-2012 có 3.536 người ký . Tiếp đến là ” Bản Góp Ý sửa đổi Hiến Pháp 1992” cho đến nay đã có gần 9.000 chữ ký, nhưng chưa bằng “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” xuất hiện sau khi nhà báo Nguyễn đắc Kiên bị sa thải vì bất đồng ý kiến với TBT Nguyễn phú Trọng chỉ trong mấy ngày thu được hơn 6.000 chữ ký, con số này sẽ tăng lên nhanh chóng trong những ngày tới .

Số người tham gia có thể lên tới vài chục, vài trăm ngàn và cũng có thể cả hàng triệu nếu các trang mạng đăng những bản văn kể trên không bị tường lửa ngăn chặn không cho bà con trong nước biết và quấy phá những địa chỉ E-mail tiếp nhận chữ ký của những người Việt Nam ở nước ngoài .

Trong điều kiện khó khăn như thế thì số chữ ký kể trên cũng đủ mạnh mẽ nói lên ý chí của quốc dân đối với những người cầm quyền hiện nay .

Khi xem kỹ danh sách ký tên trong 2 bản “Lời Kêu Gọi Thực Thi Quyền Con Người “ và “ Góp Ý Sửa Đổi Phiến Pháp” chúng tôi nhận thấy bà con tham gia ký tên thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội từ các Nhân Sĩ, Trí Thức, Văn Nghệ Sĩ , sinh viên, học sinh . . . tới giới buôn bán, kinh doanh hay bà con lao động như thợ điện, thợ xây, lái xe, phụ bếp; từ những vị lão thành có 60, 70 chục tuổi Đảng hay nhiều hơn nữa – có những vị từng là Bộ Trưởng, Đại Sứ, Viện Trưởng, Cố Vấn Thủ Tướng . . . , những sĩ quan, bộ đội, những Thượng Tá, Đại Tá nghỉ hưu hay đang tại chức, anh chị em thương binh tới bà con công nhân, nông dân . Đáng chú ý nhất là con số đông đảo bà con nông dân ở Nghệ An, quê hương ông Hồ chí Minh, và Hà Tĩnh là cái nôi của đảng cộng sản Việt Nam, chính tại 2 tỉnh này đã thực hiện” Xô Viết Nghệ Tĩnh” ngay từ buổi ban đầu của đảng năm 1930 .

Tại sao những người đã từng hy sinh cho Đảng, đã giữ những chức vụ quan trọng như Bộ Trưởng, Đại Sứ, Viện Trưởng, Thiếu Tướng, Đại Tá, Thượng Tá . . . và những người được coi là tầng lớp nòng cốt của Đảng như giới công nhân, nông dân . . . lại tham gia ký tên vào những bản văn kể trên ?

Thứ nhất : Cái lý tưởng “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc “ mà ông Hồ chí Minh và đảng CSVN nêu lên và hứa hẹn trước quốc dân ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1945) đã bị phản bội . Từ năm 1954 ở miền Bắc và cả miền Nam từ 1975 đến nay Đảng CSVN nghiễm nhiên trở thành giai cấp thống trị toàn dân, đã thi hành những chính sách tàn bạo như trong Cải Cách Ruộng Đất, bán rẻ chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc để duy trì Đảng CS, độc tài đảng trị, độc đoán, bất tài, áp dụng những chính sách sai lầm trong công nghiệp, nông nghiệp làm dân chúng đói rách, miếng cơm không có ăn, cái áo không có mặc mấy chục năm trời .

Đến khi Chủ Nghĩa Cộng Sản phá sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu thì quay sang chủ nghĩa Tư Bản (ẩn danh là Kinh Tế thị trường) trải thảm đỏ đón rước giới tư bản trên khắp thế giới đến đầu tư và dựa vào họ bóc lột dân chúng :

- Nông dân thì bị cướp nhà, cướp đất, điển hình như ở Văn Giang Hưng Yên, Cồn Dầu Đà Nẵng, Đoàn văn Vươn Hải Phòng . . . . Dân chúng oan ức , kêu than thì cho Công An cùng với xã hội đen khủng bố, đánh đập dã man bắt câm nín, bắt bỏ tù . Đất đền cho dân 1 thì đem bán cho tư bản 10 lấy tiền chia chác với nhau . Dân khóc không được khóc, cười không được cười .

Xưa kia cả nước ăn bo bo đi xin đã đành, nay theo chủ nghĩa Tư Bản mỗi năm xuất cảng 6, 7 triệu tấn gạo mà sao nông dân vẫn nghèo khó, nợ nần chồng chất ? Ai đầu nậu phân bón, thuốc trừ sâu ? Ai đầu nậu thu mua ép giá lúa gạo ? Đầu nậu là ai thì cả nước đều biết !

-Công nhân bị giới chủ nhân bắt làm việc có khi 11, 12 giờ/ 1 ngày với đồng lương rẻ mạt không đủ nuôi thân, đã thế bữa cơm trưa lại bị cắt sén . Kêu cứu ai ? Công đoàn nhà nước thì toa rập với chủ nhân ngậm miệng ăn tiền, nghiệp đoàn tư bị cấm hoạt động, những người bênh vực công nhân thì bị đánh đập khủng bố hay lãnh những án tù rất nặng nề !

Thứ hai : Nạn tham nhũng lan tràn khắp mọi nơi, tham nhũng có hệ thống trong bộ máy đảng CSVN và trong bộ máy nhà nước do các đảng viên độc quyền nắm giữ từ trung ương tới phường, khóm, xã, ấp ; tham nhũng trong tất cả mọi ngành, mọi lãnh vực : hải quan, thuế vụ, công an, y tế, giáo dục, nhà đất, xây dựng . . . .

Cái nạn mua quan bán tước trong chính quyền, trong Đảng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng một chức vụ cho nên người dân đi đâu, làm gì cũng phải lo đút lót để các quan chức thu lại vốn và kiếm lời . Tham nhũng ảnh hưởng đến đời sống của toàn thể quốc dân . Nói khác, tham nhũng bóc lột tất cả mọi người, nhỏ như xin giấy chứng nhận, xin hộ khẩu, xin học cho con; lớn như chữa bệnh trong bệnh viện, xin giấy phép làm ăn, kinh doanh . . . . Việc gì cũng phải lo đút lót mới nhanh, mới xong .

Cho nên không một quan chức nào không giàu có, trong nhà nào ngà voi, sừng tê giác, vàng bạc tích trữ, ngoài thì nhà cửa cao sang, xe hơi, du thuyền . . . . Các quan chức lớn tài sản ít nhất cũng vài triệu , nhiều thì hàng tỷ, hàng chục tỷ đô-la . Mỗi năm tư bản ngoại quốc đổ vào mười mấy, hai mươi tỷ, Việt kiều gửi về cả chục tỷ (đô-la) đều vào tay Đảng và con cháu đảng viên cả, dân không được hưởng gì, tạo ra cái hố cách biệt càng ngày càng lớn, kẻ có quyền chức thì thịt béo, rượu ngon dư thừa đổ đi không hết, còn đa số dân chúng thì cơ cực, đói khát . Đã thế ai lên tiếng kêu ca, phàn nàn thì bị đàn áp .

Thứ ba : Độc tài đảng trị, bộ máy công quyền Lập Pháp (Quốc Hội), Tư Pháp (Tòa Án), Hành Pháp ( Chính Phủ) đều thuộc về Đảng, đặt dưới quyền của đảng . Quốc Hội chỉ là bù nhìn, Tòa Án chỉ là nơi theo lệnh Đảng vu khống, bỏ tù những người dám nói lên những việc làm sai trái, vô luật pháp, những hành vi lạm quyền, tàn bạo của các quan chức Đảng và nhà nước; những hành vi tham nhũng bóc lột, giết người của công an nơi thành thị, của cường hào ác bá ở nông thôn .

Tóm lại, dưới chế độ độc tài đảng trị hiện nay người dân không có tiếng nói , không có tự do, không có quyền sống !

Thứ tư : Quyền độc lập và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc không có, hay nói đúng hơn bị đảng Cộng Sản Việt Nam bán rẻ cho Nga, cho Tàu để Đảng phát triển, Đảng tồn tại . Ngay từ những năm 1952, 1953 Liên Xô và Trung Quốc đã thúc ép ông Hồ chí Minh phải áp dụng chính sách đấu tố giết hại mấy trăm ngàn người dân vô tội và đày đọa thân nhân của họ (điều này chính Ông Hồng Hà, cựu Tổng Biên Tập báo Nhân Dân viết ra). Đến năm 1954 đang trên đà thắng Pháp với bao nhiêu xương máu đổ ra thì lại bị Nga, Tàu bắt buộc chia đôi đất nước, đình chiến để Nga còn sức thi đua vũ trang với Mỹ , Tàu được nghỉ ngơi sau cuộc chiến Triều Tiên và với mục đích nham hiểm chia rẽ làm suy yếu dân tộc Việt Nam mà hậu quả là cho đến bây giờ vẫn chưa hết .

Sự lệ thuộc Tàu rõ rệt nhất sau khi Cộng Sản Nga sụp đổ . Để có chỗ nương tựa, Đảng CSVN xin được nối lại bang giao với Cộng SảnTàu . Người Tàu chỉ tiếp đoàn CSVN ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên – không phải Thủ Đô Bắc Kinh- và ra lệnh cách chức Ngoại Trưởng Nguyễn cơ Thạch, đảng CSVN tuân theo để làm vừa lòng Bắc Kinh .

Từ đó đến nay, người Tàu đòi hỏi gì đều được thỏa mãn, đòi đất được đất, đòi biển được biển , đòi khai thác bâu xít ở Tây Nguyên được khai thác, vân vân và trăm ngàn vân vân . . . .

Thậm chí người Trung Quốc bắt bớ, đánh đập, cướp tàu thuyền của ngư dân, Nhà Nước không dám mở lời phản đối . Tàu Trung Quốc đân chìm tàu và giết ngư dân, Nhà Nước không dám chỉ đích danh thủ phạm mà nói bâng quơ là” tàu lạ “.

Dân chúng tỏ thái độ với Trung Quốc thì bị bỏ tù, bị đạp vào mặt hay bị nhốt vào trại phục hồi nhân phẩm !! ?

Ai không đau xót , phẫn uất !
Những người yêu nước không thể ngồi yên ,
Những người có lương tri không thể không lên tiếng !

Chúng tôi đã phân tích 2.111 người ký tên đầu tiên trong bản Lời Kêu Gọi Thực Thi Quyền Con Người Theo Hiến Pháp tại Việt Nam với kết quả như sau :

-Người Việt trong nước ký tên : 1.683 người
-Người Việt ở nước ngoài ký tên : 428 -
-Nhân sĩ, trí thức ký tên : 572 -
-Văn nghệ sĩ ký tên : 104 -
-Sinh viên và học sinh (trong nước+ngoài nước) ký tên : 478 -
-Bà con công nhân viên chức ký tên : 279 -
-Bà con nông dân ký tên : 43 -
-Cựu Quân Đội Nhân Dân ký tên : 28 -
-Doanh nghiệp (buôn bán, làm nghề tự do) ký tên : 141 -

Phần còn lại là những người không ghi nghề nghiệp, nghỉ hưu, nội trợ . . . (những con số kể trên có thể sai biệt khoảng 1% vì làm bằng tay) .

Giới nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ gồm 676 người; bà con công nhân, nông dân, kinh doanh buôn bán, làm nghề tự do gồm 463 người . Giới sinh viên, học sinh với số lượng đáng kể là 478 người mặc dù đã có chỉ thị kỷ luật, đuổi học những sinh viên, học sinh biểu tình chống Trung Quốc hay chống chính quyền(chưa nói đến chuyện bị bỏ tù) . Sự kiện này rất quan trọng và cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về tương lai của dân tộc vì :

-Ý thức về trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước của tầng lớp tuổi trẻ Việt Nam rất cao. Họ không lo sợ cho bản thân mà biết lo cho tương lai của đất nước, dân tộc .

-Chính sách giáo dục dối trá, nhồi sọ của đảng CSVN đã bị vô hiệu hóa . Từ mẫu giáo tới đại học các em luôn luôn bị nhồi sọ chủ nghĩa Marx-L énine-Hồ chí Minh,sự ưu việt của chủ nghĩa, sự ưu việt của chế độ, rằng chỉ có chủ nghĩa Cộng Sản mới đem lại ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, không có người bóc lột người . Các em đã hiểu thế nào là Cộng Sản, các em không bị lường gạt thì đối với dân chúng chẳng ai còn tin tưởng vào chính quyền Cộng Sản .

-Đối với sinh viên hải ngoại : các em sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở những nơi cách xa tổ quốc cả chục ngàn cây số nhưng không những không mất gốc mà còn tích cực biểu lộ ý thức trách nhiệm , bổn phận đối với đồng bào, với đất nước .

Có những ý kiến cho rằng việc viết, ký những lời kêu gọi, kiến nghị . . . kể trên đều vô ích đối với 1 chế độ độc tài đảng trị . Điều đó đúng, vì chúng ta đã sống dưới chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản quá nửa thế kỷ rồi ai không biết rằng Cộng Sản là tàn bạo, độc đoán, là thủ đoạn, dối trá, lường gạt . Những điều tốt đẹp họ nói, họ viết, họ tuyên bố trước quốc dân, trước quốc tế đều là thủ đoạn, lường gạt – không bao giờ họ tôn trọng .

Ông Hồ chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ở Ba Đình Hà Nội ngày 2-9-1945 đề cao Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ,Quyền Bình Đẳng, Quyền Sống, Quyền Mưu Tìm Hạnh Phúc của con người (*) . Thế nhưng ngay từ năm 1945 người ta chỉ thấy ông Hồ chí Minh và những người Cộng Sản thủ tiêu, tàn sát những lãnh tụ của các đảng phái khác như Trương tử Anh (Đại Việt), Lý đông A (Duy Dân),Giáo chủ Huỳnh phú Sổ (Hòa Hảo), những nhà văn và học giả Khái Hưng, Phạm Quỳnh . . . và ngay cả những “đồng chí song sinh” Cộng Sản Đệ Tứ như Tạ thu Thâu, Trần văn Thạch, Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm . . . cũng bị thủ tiêu . Trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở những vùng tranh tối tranh sáng giữa Pháp và Việt Minh, ngày thì Pháp đốt phá, giết chóc, hãm hiếp khủng bố để làm dân sợ không dám theo Việt Minh; tối thì Việt Minh ám sát, bắt cóc, thủ tiêu cũng với mục đích làm dân chúng sợ hãi phải theo Việt Minh, không theo Pháp ! Con số người dân vô tội bị Việt Minh giết hại ở các thôn, xã còn cao hơn do bị Pháp giết (trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng 1960 – 1975, Bắc Việt cũng áp dụng chính sách khủng bố đó, điển hình nhất là Tết Mậu Thân ở Huế- chỉ trong mấy chục ngày mà có từ 6.000 tới 7.000 người bị giết, bị chôn sống ) .

Cho nên trước khi đặt bút viết và ký tên vào những bản văn kể trên, cả người viết và những người ký đều biết mục đích không phải đạo đạt hay góp ý với những người cầm quyền Cộng Sản mà mục đích là nói lên, biểu lộ rõ ràng thái độ không chấp nhận chính sách cai trị của họ .

Trong một nước dân chủ thì những ý kiến của dân chúng đều được lắng nghe và tôn trọng . Trong một chế độ độc tài thì những ý kiến trong những bản văn kể trên là những lời nhắc nhở, khuyến cáo, cảnh cáo những người cầm quyền .

Xưa kia ông Đặng thi Sách, chồng bà Trưng Chắc, đã gửi thư cảnh cáo Thái Thú Tô Định : “Ngươi nay làm việc chính trị, bắt tội người nói thẳng, bày mưu hay; thương kẻ luồn lọt bợ đỡ , cho gái hầu được nhúng vào việc chính trị, cho nịnh thần được chuyên quyền . Lúc nào cũng bô bô nói chuyện thương dân, thế mà tấm lòng bóc lột kẻ dưới càng ngày càng dữ . Rán mỡ dân để thỏa lòng dục ! Cậy sức mạnh như thế gươm Thái A sắc bén, nào biết cơ mình nguy ngập như giọt sương sớm dễ tàn ! Nếu không sửa đổi chính sách cho rộng rãi thì sẽ nguy vong đến nơi đấy !!! “ (Phạm văn Sơn, Việt Sử Tân Biên Q.I, trang 172, Đại Nam tái bản ) .

Khi ông Thi Sách vì lời nói thẳng bị Tô Định sát hại thì sự công phẫn cùng tột của người Việt Nam đã làm chính quyền thực dân phương Bắc sụp đổ, Tô Định chạy trốn về Tàu .

Lấy lời nhân nghĩa nói với những kẻ tham tàn thì vô ích . Những kẻ tham tàn chẳng bao giờ biết nghe lời nói phải vì cái lòng tham làm cho tối mắt, đến lúc tỉnh ra thì đã muộn .

Phạm Hy Sơn 

GHI CHÚ : (*) Hiến Pháp, luật lệ không bao giờ được chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản thi hành . Vì thế mọi sự sửa đổi, thay thế Hiến Pháp , luật pháp . . . được làm rùm beng chỉ là trò hề để lừa gạt những người nhẹ dạ .

No comments:

Post a Comment