Tiến Hồng (Danlambao) - Trong khi cả nước đang tích cực đấu tranh cho nhân quyền, tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do lập đảng, bãi bỏ điều 4 hiến pháp 1999... thì việc toàn giới lãnh đạo Bộ chính trị giới thiệu cuốn sách của nhà độc tài bị cả loài người nguyền rủa và phải tự sát là một gáo nước lạnh coi thường nhân dân và đi ngược lại trào lưu lịch sử. Ông Dũng và các ông trong Bộ chính trị muốn gì khi cho phiên dịch và phát tán tác phẩm của Hitler dài trên 600 trang nhưng tất cả đều xoáy vào những điểm chính: phê phán chế độ đại nghị tư sản; coi nhân dân là đàn cừu cần phải được chăn dắt bởi một lãnh tụ anh minh đứng đầu một đảng toàn trị xây dựng trên thuyết chủng tộc tối thượng...
Sau chuyến đi tai tiếng về nhân quyền, tự do báo chí, internet của ông chủ tịch Trương Tấn Sang, chúng ta lại chứng kiến chuyến đi "nhục quốc thể" của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chuyến đi không kèn không trống khi đến phi trường Charles de Gaulle (Pháp quốc), chỉ được đón bởi một viên chức cấp thấp (préfet) và vài ba ngoe của tòa Đại sứ Việt Nam. Chuyến đi nhằm nâng cao quan hệ đối tác chiến lược và mua bán mấy chục chiếc Airbus cho Air Vietnam đã không được bất cứ một phương tiện truyền thông nào loan tải. Chỉ trừ mục tiếu lâm "Off of Domenach" của đài truyền hình Canal+. Người dẫn chương trình, ông Domenach, đã làm cử tọa phải bật cười khi cho chiếu lại 4 phút của cuộc họp báo chung giữa hai ông thủ tướng (1). Người ta thấy ông Dũng tự nhiên quơ tay lia lịa về phía sau và chỉ về phía cửa sổ khiến ông thủ tướng Pháp ngớ người và suy diễn là ông Dũng muốn che màn! Rồi lại có sự cố không nghe được phiên dịch khiến ông thủ tướng Pháp khó chịu dơ ngón tay chỉ lên đầu, ý ám chỉ ông Dũng "mát giây thần kinh". Cử tọa cũng bật cười khi nghe ông Dũng phát âm tên ông thủ tướng Pháp là "Giăng Mặc Ê rô" (Jean Marc Ayrault). Trong phần phát biểu, ông Dũng nói như sau: "Xin bày tỏ vui mừng được trở lại thăm nước Pháp ở Châu Âu và trên thế giới!". Ăn nói như thế thì quả là "mất mặt bầu cua" ông thủ tướng ơi!
Nhưng chúng ta chớ coi thường ông thủ tướng làm kinh tế bất tài, khét tiếng tham nhũng và ăn nói vung vít, đôi khi "anh hùng rơm" như "nói xa gần" về sự chèn ép của Trung Quốc ở biển Đông trong khi ra lệnh bắt bớ những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Chắc chắn ông ba Dũng có đủ bản lĩnh để phe ông Trọng, ông Sang không thể hất ông ta trong đại hội trung ương 6 dù uy tín xuống thấp.
Gần đây, người ta thấy xuất hiện một nền lớn "Mein Kampf- Cuộc đời tranh đấu của tôi"giới thiệu toàn bộ tác phẩm của nhà độc tài Đức Hitler trên trang mạng của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2).
Nền lớn đó lại lần lượt được tiếp chuyển trên các trang mạng của:
- Ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (3),
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (4),
- Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng,
- Các ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Công an Trần Đại Quang v.v...
Thực tình tôi không tin vào mắt mình. Vả lại bây giờ là năm 2013 của thế kỷ 21 chứ không phải năm ra đời 1926 của cuốn sách. Trong khi cả nước đang tích cực đấu tranh cho nhân quyền, tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do lập đảng, bãi bỏ điều 4 hiến pháp 1999... thì việc toàn giới lãnh đạo Bộ chính trị giới thiệu cuốn sách của nhà độc tài bị cả loài người nguyền rủa và phải tự sát là một gáo nước lạnh coi thường nhân dân và đi ngược lại trào lưu lịch sử.
Ông Dũng và các ông trong Bộ chính trị muốn gì khi cho phiên dịch và phát tán tác phẩm của Hitler (Tập 1: Toan tính. Tập 2: Phong trào chủ nghĩa xã hội quốc gia). Cuốn sách đó dầu dài trên 600 trang nhưng tất cả đều xoáy vào những điểm chính: phê phán chế độ đại nghị tư sản; coi nhân dân là đàn cừu cần phải được chăn dắt bởi một lãnh tụ anh minh đứng đầu một đảng toàn trị xây dựng trên thuyết chủng tộc tối thượng; coi người Do Thái và chủ thuyết cộng sản là kẻ thù bất đội trời chung; đưa ra thuyết "không gian sinh tồn" cho sự bành trướng về hướng đông của nước Đức, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và tổ chức...
Có thể nào cuốn sách của Hitler cần được phổ biến rộng rãi chỉ vì "sự hấp dẫn"? ("Chính vì sự hấp dẫn của tác phẩm đó nên BBT chia sẻ với quý bạn đọc trong mục chuyên đề kỳ này bằng tiếng Việt" - trích lời giới thiệu của trang Web Nguyen Tan Dung). Chúng ta biết rằng cuốn sách Mein Kampf mặc dù được in hàng chục triệu ở Đức cho đến năm 1936 nhưng các bản dịch đã bị cấm lưu hành trong một thời gian dài chủ yếu là do ý muốn của Hitler. Ngày nay, các bản dịch dù đã phần nào được cho phép (bản quyền do vùng Bavière giữ cho đến 2016 mới thuộc lĩnh vực công cộng) tuy nhiên không ai muốn tìm hiểu tác phẩm này trừ những nhà nghiên cứu và thành phần các người tôn sùng Hitler thuộc nhóm cực hữu, những người ghét Do Thái, ghét Ả rập và những di dân... Ông Dũng và Bộ chính trị nếu không nằm trong hai lý do trên thì vì lý do gì khi cho phổ biến tác phẩm của Hitler. Dù Ban biên tập có rào đón thêm về sự tò mò muốn biết vì sao một đầu óc bệnh hoạn như Hitler mà lại chinh phục được hàng chục triệu dân Đức trở thành cuồng tín thì người ta không thể phủ nhận những người chủ trương đã muốn che đậy ý định thiết lập một chế độ độc tài đảng trị với một cá nhân xuất chúng như Hitler. Ông tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ trước 1975 đã có lần ca ngợi Hitler và sự cần thiết một chế độ độc tài "sáng suốt"! Ông Tưởng Giới Thạch trong thời kỳ thế chiến 2 chống Nhật và cộng sản đã có lúc muốn mô phỏng theo tổ chức và phương thức tuyên truyền của Hitler trong hàng ngũ của mình. Nhưng các kinh nghiệm này đã thất bại.
Giờ đây giới lãnh đạo cộng sản trước nguy cơ tan rã sau "sự kiện Lê Hiếu Đằng" và phong trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền dâng cao vẫn quyết tâm không bỏ độc quyền lãnh đạo của đảng với điều 4 hiến pháp, chỉ vì "bỏ điều 4 là (đảng) tự sát (khi phải tranh đua với các đảng đối lập và nhất là sự thật được phơi bày nếu có tự do ngôn luận)".
Có nhiều yếu tố để tin rằng hiện nay ông Dũng đang có ý định âm thầm chờ đợi thời cơ làm một cuộc đảo chính cung đình để đưa mình lên ngôi vị cầm đầu đảng như Hitler. Và rất tiếc là các ông Trọng Lú, Sang "sâu" đã không thấy cái âm mưu đó để sa vào tròng.
Nhưng một người nông nổi, thiếu năng lực và tham ô như ông Dũng thì làm gì nên chuyện và càng thúc đẩy sự tan rã của đảng. Chỉ có điều là những ai muốn thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước sẽ không thể trông chờ gì vào bất cứ ai trong bộ chính trị để hy vọng có một Gorbachev. Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay ngày càng dâng cao (5) đi đôi với tình hình kinh tế ngày càng suy sụp, tình hình xã hội ngày càng bùng nổ sau "sự kiện Đặng Ngọc Viết", tất cả sẽ đưa đến chỗ đảng sẽ thực sự tan rã trong tương lai không xa.
Rennes 01/10/2013
Tiến Hồng
___________________________________
(1) player.canalplus.fr/#/941808. Các bạn ở Việt Nam không coi được video trên You Tube vì lý do tác quyền.
(5) "Tuyên bố quyền thực thi xã hội dân sự". RFA. 23/09/2013
No comments:
Post a Comment