Là một nhà xã hội học,
một nhà kinh tế chính trị học, hiện giảng dạy tại trường đại học City
University of Hong Kong, giáo sư Jonathan London đã có nhiều năm sống ở Việt
Nam để nghiên cứu về các vấn đề kinh tế và xã hội, đặc biệt là các vấn đề phúc
lợi xã hội, như giáo dục, y tế... Giáo sư London đã lập ra một trang blog tiếng
Việt có một cái tên rất ngộ là “ Xin lỗi Ông...”.
Nhờ có nhiều năm sống và làm việc ở Việt Nam,
giáo sư London đã nói được tiếng Việt rất thạo và nay anh vẫn theo dõi sát tình
hình Việt Nam, với sự đồng cảm gần như của một người đồng hương, vì anh cũng có
những bức xúc, những suy tư, những thao thức như bất cứ người Việt nào khác về
tương lai của đất nước Việt Nam.Để chia sẻ những suy nghĩ đó, vào tháng tư năm nay, giáo sư London đã lập ra một trang blog có một cái tên rất ngộ là “ Xin lỗi Ông...”. Khi tôi hỏi là tại sao trang blog của anh lại có tên như vậy, giáo sư Jonathan London kể lại là lúc còn ở Hà Nội, khi uống bia với những người bạn Việt Nam trong quán, anh thường nghe họ tranh cãi nhau và giành nhau nói bằng câu mở đầu :” Xin lỗi ông,...”. Bây giờ nhớ lại cụm từ ấy, giáo sư London bèn lấy đó làm tên cho trang blog của anh.
Có lẽ giáo sư Jonathan London là người ngoại
quốc đầu tiên lập trang blog bằng tiếng Việt. Kể từ khi trang blog “Xin lỗi
Ông...” ra đời, tuy bận rộn với công việc giảng dạy, nghiên cứu, nhưng giáo sư
Jonathan London vẫn rất siêng viết bài cho trang blog này, với những bình luận,
phân tích về những sự kiện thời sự ở Việt Nam, như vụ nổ súng ở Thái Bình, hoặc
về những vấn đề lúc nào cũng nổi cộm như Biển Đông.
Những bài viết chỉ trích chính quyền Việt Nam
về việc hạn chế tự do thông tin trên mạng hoặc đàn áp nhân quyền dĩ nhiên là
gây khó chịu cho giới lãnh đạo Việt Nam. Có lúc, giáo sư London lại đụng cả chủ
đề rất dễ bị người Việt hải ngoại “ném đá” như chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ của
Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng cho dù nhận được sự đồng tình hay bị đả
kích, giáo sư Jonathan London vẫn không thay đổi ý định của anh là trình bày
những ý kiến cá nhân, qua đó nâng cao chất lượng các tranh luận trên mạng, và
từ đó có được những phân tích thật sự chính xác và khách quan về tình hình Việt
Nam.
Trên trang blog “ Xin lỗi Ông”, giáo sư
Joanthan London còn đăng những bài nghiên cứu, những bài báo ( bằng tiếng Anh,
với phần tóm tắt bằng tiếng Việt) của anh đăng trên các tạp chí chuyên đề của
quốc tế , như hai bài mới nhất “Những hứa hẹn và hiểm họa của quyền tự chủ cho
bệnh viện. Cải cách bằng nghị định ở Việt Nam” đăng trên tạp chí Social Science
and Medicine, hay bài “Các chế độ phúc lợi ở Trung Quốc và Việt Nam” đăng trên
Tạp chí châu Á Đương đại Journal of Contemporary Asia.
Nhân dịp sang châu Âu, ngày 21/09/2013, giáo
sư Jonathan London đã đến thăm đài RFI và đã dành cho ban Việt ngữ bài phỏng
vấn sau đây.
|
RFI: Xin chào giáo
sư Jonathan London.Trước hết xin anh cho biết mục đích chuyến đi châu Âu lần
này là gì ?
Jonathan London: Tôi đã sang châu
Âu lần này để dự hội thảo về tình hình chính trị Việt Nam tại Praha. Ngoài ra,
tôi muốn tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại đang sống và làm việc ở
Đông, Trung và Tây Âu.
Gần đây tôi đã bắt đầu quan tâm về vấn đề hòa
giải và cải cách ở Việt Nam, nhưng chưa tìm hiểu nhiều về vấn đề này. Lịch làm
việc của tôi đã tạo điều kiện cho tôi đi sang châu Âu, Úc, Việt Nam, Mỹ... Đó
là cơ hội rất tốt cho tôi tìm hiểu về vấn đề này.
RFI: “Hòa giải và
cải cách” cũng là đề tài một bài viết đăng trên trang blog “ Xin lỗi Ông” của
anh, một trang blog mới ra đời gần đây, những gây khá nhiều tranh luận, bởi vì
anh đụng đến những chủ đề rất dễ gây tranh cãi. Nhưng trước hết, nghiên cứu về
Việt Nam từ lâu, nhưng vì sao bây giờ anh quyết định lập blog này ?
Jonathan London: Từ lâu tôi đã
quan tâm về Việt Nam và nghiên cứu rất nhiều về Việt Nam, nhưng trong quá trình
nghiên cứu và viết cho những tạp chí khoa học xã hội, thì mình thấy là Việt Nam
ít được tiếp xúc với nội dung những bài viết của tôi, nên tôi tìm một cách nào
đó để chia sẻ một số ý tưởng của tôi.
Viết những bài khoa học xã hội thì có một số
tiêu chuẩn, yêu cầu, chẳng hạn như ý kiến phải khách quan, ý kiến cá nhân không
quan trọng. Tôi vẫn viết những bài khoa học xã hội có chất lượng cao, nhưng đồng
thời cũng muốn chia sẻ một số ý tưởng, quan điểm và nhận xét của tôi đối với
Việt Nam, cho nên tôi quyết định lập trang blog này.
Sau năm tháng viết blog thì tôi thấy viết blog
thì rất hay, nhưng có lúc là rất mệt, nhưng nói chung việc chia sẻ những ý
tuởng, nhận xét đến một số lượng độc giả rộng hơn thì cũng tốt cho tôi và tôi
nghĩ là cũng có giá trị cho Việt Nam.
RFI: Anh đã nhận
được những phản hồi như thế nào từ độc giả về các bài viết trên trang blog của
anh?
Jonathan London: Tôi nghĩ là nếu
mình thể hiện những ý tưởng với tính xây dựng thì sẽ không có vấn đề gì, dù một
số bài của tôi cũng gây phản ứng mạnh từ mọi phía và tôi cũng bị tấn công từ
mọi phía. Hôm thì bị xem là “phản động”, hôm thì bị xem là người “yêu chế độ”.
Nhưng mục tiêu của tôi vẫn là nâng cao chất lượng của những thảo luận về chính
trị xã hội ở Việt Nam và trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục viết những bài
nêu rõ những quan điểm của tôi về Việt Nam.
RFI : Trong những bài viết
trên blog, anh thường nhắc đến « văn hóa chính trị ». Anh có nhận xét thế nào
về trình độ văn hóa chính trị của người Việt Nam hiện nay ?
Jonathan London : Đã có một số
thay đổi nhất định về văn hóa chính trị ở Việt Nam. Từ lâu tôi đã quan tâm,
nghiên cứu về tình hình xã hội ở Việt Nam. Quan điểm của tôi là: muốn có một
Nhà nước hữu hiệu thì phải đề cập đến một số vấn đề như : tính minh bạch, trách
nhiệm giải trình. . . Nhưng muốn như thế, thì phải có một nền văn hóa chính
trị, tạo ra một không gian để người dân tiếp xúc, trao đổi, góp ý và tham gia
vào nền chính trị đất nước.
Chính vì thế, tôi luôn quan tâm đến dư luận ở
Việt Nam. Trong thời điểm mà Việt Nam đang phải đối phó với một số vấn đề của
bộ máy chính trị, dân Việt Nam đã đứng lên và thể hiện ý tưởng chính trị của
họ. Tôi nghĩ đây không phải là một chuyện xấu đâu, mà là một sự kiện hứa hẹn,
bởi vì nó bao hàm là người dân Việt Nam nhận rõ những vấn đề trước mắt của đất
nước và càng ngày càng lên tiếng hơn. Tôi nghĩ điều đó là tốt thôi. Nếu nó có
gây ra sự căng thẳng đối với Nhà nước thì vẫn chưa xấu đâu, bởi vì muốn có một
xã hội mà những nhu cầu của người dân được đáp ứng, thì dân phải có tiếng nói.
RFI : Nhưng trong thời
gian gần đây chính quyền đã gia tăng kiểm soát Internet, đặc biệt là các trang
mạng xã hội, với nghị định cấm các trang blog cá nhân đăng tin tổng hợp từ các
báo chính thức hay các cơ quan Nhà nước. Anh nghĩ sao về những biện pháp như
vậy ?
Jonathan London
: Tôi nghĩ những
biện pháp đó là một bước lùi, vì điều mà Việt Nam cần hiện nay không phải là
kiểm soát hay đàn áp những ý tưởng của người dân, mà phải liên kết họ tham gia
vào đời sống của đất nước. Cho nên, gần đây tôi cũng đã cố gắng thể hiện những
quan điểm của tôi về vấn đề không gian Internet ở Việt Nam, đặc biệt đối với
những người trẻ hiện nay đang đấu tranh cho một đất nước tôn trọng những nguyên
tắc được ghi trong Hiến pháp Việt Nam, mà lại bị sức ép từ phía Nhà nước. Tôi
đang cố gắng chia sẽ quan điểm vì sao phản ứng của Nhà nước là chưa phù hợp.
RFI: Xin chân
thành cám ơn giáo sư Jonathan London.
No comments:
Post a Comment