Đoan Trang - Nhìn vào độ chiếm sóng của phim Trung Quốc trên các đài truyền hình ở Việt Nam, nhiều người lo ngại về khả năng Việt Nam bị “đồng hóa” bởi anh bạn láng giềng. Khả năng đó có thật, và nó là biểu hiện của một hình thức bá quyền tinh vi: bá quyền văn hóa - một phần quan trọng trong chính sách bá quyền của nước lớn, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.
Giai điệu chủ
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987...
Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị gồm đại diện của tất cả các đơn vị sản xuất truyền hình khắp cả nước. Tại đây, Bộ cảnh báo về xu hướng "giải trí hóa" phim ảnh trên sóng truyền hình, đồng thời đưa ra chính sách mới: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim "giai điệu chủ" nhằm mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới.
Chính sách này phân loại phim truyền hình thành một số thể loại chính, nằm trong một khái niệm chung mà Chủ tịch Giang Trạch Dân gọi là "giai điệu chủ":
• Dòng phim về những đề tài mang tính thực tiễn, ca ngợi người tốt việc tốt - gọi chung là phim "thần tượng tuổi trẻ";
• Dòng phim cổ trang, gồm phim lịch sử ("Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Vương triều Ung Chính", "Khang Hy", "Thái Bình Thiên Quốc"…), dã sử ("Tể tướng Lưu Gù", "Hoàn Châu Cách Cách"...)
• Dòng phim gia tộc luân lý ("Mùa quít chín", "Gia tộc Kim Phần"…)
• Dòng phim cách mạng, dựng lại ngữ cảnh thời xưa ("Khát vọng", "Câu chuyện Thượng Hải"…) hoặc tái hiện chân dung những nhân vật nổi tiếng (Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…)
• Dòng phim hình sự, chống tham nhũng ("Xứng danh anh hùng", "Khống chế tuyệt đối"…)
Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng.
Đặc biệt, chúng nằm trong kế hoạch tuyên truyền của Nhà nước: Tất cả các phim, chỉ trừ dòng hình sự, chống tham nhũng, đều được hỗ trợ xuất khẩu, nhằm mục đích cao nhất là phổ biến "giá trị Trung Hoa" tới các quốc gia trong khu vực.
Trong số những nước mà Trung Quốc hướng tới, Việt Nam nổi lên như một tiền đồn, bởi "đây là nước Đông Nam Á duy nhất chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa Ấn Độ", như lời tác giả Hạo Kiện viết trong cuốn "Phim truyền hình Trung Quốc - nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu loại hình" (NXB Điện ảnh Trung Quốc, 2008).
Phần lớn các phim "giai điệu chủ" đã được giới thiệu ở Việt Nam, khán giả nước ta chẳng xa lạ gì với chúng. Các phim đều được xuất khấu với giá hết sức ưu đãi sang Việt Nam, thậm chí một số phim cho không (như "Khát vọng", "Tây du ký", "Vương triều Ung Chính") theo thỏa thuận hợp tác giữa các đài truyền hình hai nước.
Ồ ạt "xâm lăng văn hóa"
Song song với việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, nhất là phim truyền hình, sang các nước trong khu vực mà đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc cũng tiến hành "Trung Hoa hóa" các sản phẩm của những nước này.
Bất chấp việc giới truyền thông Việt Nam đưa tin đậm về những phim hợp tác giữa hai nước như "Hà Nội Hà Nội" hay "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", các bộ phim này chưa bao giờ được ưu tiên chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình của bất cứ đài nào ở Trung Quốc. Ví dụ, "Hà Nội Hà Nội" chỉ được phát trên đài tỉnh Quảng Tây, Nam Ninh vào lúc… đêm khuya thanh vắng.
Với nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng đến từ các nước khác, Trung Quốc thực hiện làm mờ tính nước ngoài của chúng. "Vua Kungfu" (Forbidden Kingdom) dù là phim của Mỹ và từ đạo diễn đến quay phim, phục trang đều là người Mỹ, nhưng khi đến đại lục, phim mặc nhiên được giới truyền thông nhào nặn thành sản phẩm Trung Hoa.
Các ngôi sao châu Á của Hollywood cũng bị "Trung Hoa hóa" tương tự. Khán giả Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung dễ lầm tưởng rằng Dương Tử Quỳnh, Maggie Q. (Lý Mỹ Kỳ - mẹ là người Việt Nam) là người đại lục.
Trung Quốc cũng khéo léo lờ đi chuyện quốc tịch của nhiều diễn viên nổi tiếng trong nước họ: Hầu như rất ít người biết rằng ngôi sao Trương Thiết Lâm mang quốc tịch Anh, Tư Cầm Cao Oa là người Thụy Sĩ, Ninh Tĩnh là người Pháp, còn mỹ nhân Chương Tử Di gốc gác Hong Kong.
Lý Mỹ Kỳ (Maggie Q.), mẹ là người Việt, cha quốc tịch Mỹ,
sinh tại Hawaii, nhưng vẫn bị đa số khán giả Trung Quốc nghĩ là người Hoa.
Đằng sau chiến lược xuất khẩu văn hóa của Trung Quốc
Một nước lớn với dân số hùng hậu như Trung Quốc khó mà chấp nhận tầm ảnh hưởng ít ỏi ở thế giới. Và trên con đường "trỗi dậy hòa bình" để trở thành bá quyền ít nhất là trong khu vực, Trung Quốc mau chóng nhận thấy sức mạnh của văn hóa - thứ "quyền lực mềm" đầy quyến rũ.
Chẳng riêng Trung Quốc biết điều đó. Như một nhà nghiên cứu người Hungary, Márkus Péter, đã viết: Trong lịch sử quan hệ quốc tế, thoạt tiên, khi không có sự khác biệt đáng kể trong kỹ thuật, sức mạnh chân tay - quân sự thô kệch còn chiếm vai trò chế ngự. Thế kỷ 16-19, những mối quan hệ kỹ thuật - kinh tế từng bước chiếm ưu thế. Từ thế kỷ 20, văn hóa và truyền thông bắt đầu lên ngôi.
Bên cạnh kinh tế và quân sự, các quốc gia sẽ thực hiện cả tham vọng gây ảnh hưởng và lấn át các nước khác trên bình diện văn hóa, tư tưởng. Sau Chiến tranh Lạnh, ở châu Âu, bên cạnh ngoại giao về chính trị và kinh tế, thì ngoại giao văn hóa ngày càng nở rộ, và dần dần sẽ trở thành hình thức bá quyền chủ yếu.
Pháp và Đức là hai quốc gia rất chú trọng tới vấn đề "bá quyền văn hóa" này. Các hoạt động “xuất khẩu văn hóa” của họ được tiến hành mạnh mẽ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ngay tại Việt Nam: Chương trình hoạt động thường niên của Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) và Viện Goethe sôi nổi hơn hẳn so với Hội đồng Anh (British Council) hay Viện Cervantes của Tây Ban Nha.
Và đến đây thì chúng ta cũng có thể nhận thấy những hình thức ngoại giao văn hóa mà Trung Quốc đang tiến hành đối với Việt Nam, trong nhiều ví dụ thực tế. Phim truyền hình Trung Quốc chiếm sóng các đài ở Việt Nam, cả trung ương lẫn địa phương. Khán giả thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Các ca sĩ thời thượng rành rẽ về trang phục của đời Thanh và chắc chắn là sẽ không trả lời được câu hỏi vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa ăn mặc như thế nào.
Ngay trong giới trí thức, tâm lý sùng bái văn hóa Trung Hoa đã rất nặng. Một số đông trí thức Việt Nam có thể dễ dàng trích dẫn các điển tích, điển cố của Trung Hoa thay vì của phương Tây hay thậm chí của chính nước mình. Nói tới văn hóa Trung Hoa là nói tới một nền văn học với những tác phẩm vĩ đại, tới triết học thâm sâu, tới sân khấu kinh kịch có sức sống trường tồn, tới điện ảnh với những nhân tài mà ngay cả Hollywood cũng phải kiêng nể.
Điều này không sai, tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là nhiều trí thức Việt Nam luôn vị nể quá mức thay vì đặt văn hóa Trung Hoa vào tương quan đúng mực với các nền văn hóa khác trên thế giới - cũng rực rỡ và vĩ đại như thế.
Khái niệm bá quyền văn hóa - tư tưởng mãi tới thập niên 30 của thế kỷ 20 mới ra đời. Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện bá quyền văn hóa - tư tưởng với láng giềng Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông, dường như cuộc "xâm lăng văn hóa" này diễn ra một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn bao giờ hết.
Hai thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn kiện quan trọng,
gồm cả thỏa thuận thành lập Học viện Khổng Tử tại Việt Nam.
Ảnh: VGP (bariavungtau.com)
Vấn đề đến từ phía những kẻ bị “xâm lăng”
Bá quyền không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần của những kẻ bị bá quyền.
Riêng trên địa hạt văn hóa - tư tưởng, các học giả nghiên cứu về bá quyền văn hóa đều cho rằng bá quyền văn hóa, nếu được thực hiện, không thể thiếu sự đồng thuận một phần hoặc toàn thể của kẻ bị bá quyền.
Như thế, việc Trung Quốc tiến hành bá quyền văn hóa thành công còn phụ thuộc cả vào cách cư xử của nước bị bá quyền, ở đây là Việt Nam.
Điều đó nghĩa là Việt Nam cần có thái độ và ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, nên có sự trao đổi văn hóa song phương với Trung Quốc một cách tương xứng.
Việt Nam có thể thỏa thuận các chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, theo đó, đồng thời với việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước láng giềng, Việt Nam sẽ xuất khẩu văn hóa theo hướng ngược lại, xuất bản sách, tổ chức những ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam... tại Trung Quốc.
Theo một thống kê được công bố trên tờ "China Daily", năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 4.000 đầu sách từ Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu 14 đầu sách sang nước này; nhập 2.000 đầu sách từ Anh, nhưng chỉ xuất sang đây 16 đầu sách.
Từ năm 1999 đến năm 2002, hơn 280 đoàn nghệ thuật Nga biểu diễn ở Trung Quốc, trong khi chỉ có 30 đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn tại Nga. Giai đoạn 2000-2004, Trung Quốc nhập khẩu trên 4.000 phim và chương trình truyền hình, nhưng xuất khẩu không đáng kể. Dòng phim "giai điệu chủ" hầu hết chỉ tiêu thụ được ở khu vực Đông Nam Á mà trong đó Việt Nam là "tiền đồn".
Đã đành Nga, Mỹ và Anh là ba nước lớn nên Trung Quốc không dễ tiến hành bá quyền văn hóa như với Việt Nam. Nhưng ngay cả một quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu là Hungary - diện tích chỉ bằng một phần ba Việt Nam, dân số 10 triệu - thì cũng từng tổ chức Năm Văn hóa Hungary tại Trung Quốc (2007-2008), và dựng tượng đại thi hào dân tộc Petőfi Sándor ở Thượng Hải.
Những thông tin này có gợi cho chúng ta một suy nghĩ gì chăng?
Bài đã đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới, 17/5/2009
No comments:
Post a Comment