Thursday, October 24, 2013

NHỮNG HIỂM HỌA TIỀM TÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN TẠI CAMBODIA

Chuyện kể lại sự thật của một chiến sĩ Biệt Kích nhảy toán, sau ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn tiếp tục chiến đấu chống bạo quyền Cộng Sản Việt Nam, sống lưu vong trên đất nước của mình suốt 30 năm, năm 2006 Biệt Kích Tango Ngô Văn Tài trốn sang Cambodia nhưng nơi đây cũng đầy dẫy mạn lưới tình báo của Việt Cộng… xin mời độc giả đọc một bài có giá trị về đấu tranh hiện nay.
Tác giả Ngô Văn Tài


Từ sau ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975, hàng triệu người Việt nam đã bỏ nước ra đi tìm tự do bằng đường thủy, đường bộ, và bằng tất cả mọi phương tiện mà họ có thể có được. Cái giá của tự do dân chủ mà người dân Việt mất nước phải đánh đổi là chính tài sản và tính mạng của họ và gia đình. Tất nhiên để có được khoảng 3 triệu người Việt đến được bến bờ tự do, thì cũng có xấp xỉ con số đó, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã phải vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên hành trình đi tìm tự do đó mà mối hiểm họa đến từ nhiều phía: sự truy sát của công an biên phòng và hải tuần của cộng sản Việt nam, bão tố phong ba, hải tặc cướp giết.





Kể từ sau tháng 4 năm 1989, khi Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) không còn công nhận thuyền nhân Việt nam là những người tỵ nạn chính trị nữa, thì chính phủ CSVN càng mạnh tay hơn trong các chiến dịch đàn áp các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo, những nhà bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ và cả các sắc tộc thiểu số ở Tây nguyên khi họ đòi quyền được tự do tín ngưỡng, được tự do bày tỏ chính kiến và được quyền sở hữu đất đai mà tổ tiên họ để lại. Hệ quả của những cuộc đàn áp mạnh tay này là một làn sóng vượt biên bằng đường bộ của những nạn nhân là người Thượng cũng như người Kinh bất đồng chính kiến lại ra đời: Hàng ngàn người lại rời bỏ tổ quốc, vượt biên giới sang Cam bốt, đến văn phòng của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) tại đây để xin được quốc tế bảo vệ.

Bởi không thể ngăn chặn được tất cả những người dám đối diện với cái chết để đi tìm quyền được sống này, chính quyền cộng sản Việt nam đã phải xây dựng một hệ thống tình báo ngoại tuyến và cài cắm sang Cam bốt những nhân viên mật vụ máu lạnh để theo dõi, để gây ly gián và để thực hiện những những cuộc bắt cóc, truy sát đối với những người tỵ nạn là những nhà bất đồng chính kiến, những nhà đối lập chính trị dám tiếp tục lên án  và tố cáo tội ác của chế độ bạo quyền  cộng sản Việt nam. Những tên tình báo này và hệ thống chân rết của chúng trên đất nước Chùa tháp chính là mối hiểm họa tiềm tàng của những người Việt tỵ nạn cộng sản tại đây. Tuy nhiên do nghiệp vụ tình báo siêu việt cũng như sự lưu manh xảo quyệt vốn có của những tên cộng sản, mà những nạn nhân của chúng khó nhận diện được chúng là những tên tình báo cộng sản máu lạnh. Và cứ thế, hết thế hệ người tỵ nạn này đến thế hệ người tỵ nạn khác tiếp tục là những nạn nhân bi thảm của chúng, mà ngay cả một số người Việt đang định cư ở nước ngoài đang ủng hộ phong trào dân chủ quốc nội cũng từng bị lung lạc, lừa bịp bởi những tên tình báo cộng sản này, để rồi nhiều cá nhân, nhiều tổ chức đã quay lưng với các phong trào dân chủ này. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý chỉ trích những cá nhân, những tổ chức của người Việt hải ngoại đã rơi vào kế ly gián của những tên tình báo cộng sản đang hoạt động tại Cam Bốt đã bỏ rơi những nạn nhân của chế độ cộng sản, hoặc quay lưng với công cuộc đấu tranh của họ, mà chúng tôi chỉ xin được trình bày những điều mắt thấy tai nghe về những tên tình báo cộng sản khát máu này, bởi bản thân tôi cũng từng là một nạn nhân của nó, mà nếu không có quyền năng của Chúa thì có lẽ tôi cũng đã trở thành mồi ngon cho cá sấu trong một trang trại cá sấu của Bộ Nội Vụ Cam Bốt và cơ quan tình báo CSVN nuôi tại Nam Vang để thủ tiêu những người Việt tỵ nạn là những nhà chính trị đối kháng như lời đe dọa của một trong những tên tình báo cộng sản đã len lỏi được vào cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng tôi. Với mong muốn thật nhỏ nhoi là cảnh báo cho những người Việt đang tỵ nạn tại Cam bốt cũng như những nhà bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ trẻ trong nước biết những “vùng báo động đỏ hiểm nghèo” tại Cam bốt để có thể tránh né, nếu tình thế bắt buộc phải đào thoát sang đó lánh nạn cộng sản.
Nguyễn Phùng Phong và Nguyễn Công Cẩm ngồi phía trước, Lê Trí Tuệ ngồi phía sau trong góc, tham dự một buổi thờ phượng tại Hội Thánh Tin Lành Mennonite của người Việt tỵ nạn tại Phnom Penh, Cambodia, ngày 06 tháng 5 năm 2007 - Ngay chiều hôm đó Lê Trí Tuệ bị bắt cóc mất tích
Tôi tên là Ngô Văn Tài, sinh năm 1948 tại Hải Dương, Bắc phần Việt nam. Năm 1954 tôi theo gia đình di cư vào Nam để tránh họa cộng sản.

Năm 1970, tôi nhập ngũ, tùng sự tại toán Tây Sơn thuộc Chiến Đoàn 1 Lôi Hổ, đồn trú tại Non Nước, Đà Nẵng. Năm 1975 sau khi cộng quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, cùng một số chiến hữu chúng tôi tham gia lực lượng Liên Bang Chí Nguyện Quân Đông Dương tiếp tục kháng cộng cứu quốc cho đến khi lực lượng bị tan rã, chúng tôi lại tiếp tục sát nhập với lực lượng FULRO tại khu vực M’ Răng để tiếp tục cuộc kháng cộng cứu nguy dân tộc. Đến năm 1978 sau những trận đánh không cân sức do thiếu cả nhân lực và vũ khí, lực lượng của chúng tôi và FULRO cũng hoàn toàn bị tan rã, phần lớn chiến hữu của chúng tôi đã hy sinh, một số rất nhỏ vượt thoát được đến rừng núi thuộc Đông-Bắc Cam Bốt lẫn trốn, số còn lại bị bắt, bị án chung thân hoặc tử hình. Tôi lại may mắn cùng một số chiến hữu cùng án chung thân vượt ngục thành công từ trại tù Đại Bình vào cuối năm 1978 và sống ngoài vòng pháp luật, sống lưu vong trên chính tổ quốc của mình suốt gần 30 năm qua trong thân phận của những con người không gia đình không tổ quốc. Đến tháng 8 năm 2006 khi một số chiến hữu của tôi bị lộ diện, bị bắt giam và qua những thông tin mà lực lượng an ninh của CSVN thu thập được sau các cuộc tra tấn nhục hình các chiến hữu của tôi, thì nhân thân của tôi cũng bị bại lộ. Các lực lượng an ninh của bộ công an CSVN bắt đầu các chiến dịch truy quét làng quê của tôi tại Lạc Lâm, Đơn Dương, Tuyên Đức đồng thời cũng triền miên xách nhiễu mẹ già cùng những người họ hàng thân thuộc của tôi để mong tôi sẽ bị yếu lòng mà ra đầu thú, đầu hàng cộng sản, nên tôi phải tìm đường sang Cam Bốt lánh nạn. 






Tại Cam Bốt, tôi đã đến trình diện với văn phòng của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) để xin được bảo vệ bởi tôi đang đối mặt với sự truy sát của các lực lượng an ninh của CSVN. Nhưng than ôi, thật là họa vô đơn chí! Vào thời gian này Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) tại Cam Bốt đang trong giai đoạn chuyển giao quyền phỏng vấn, xem xét và cấp quy chế tỵ nạn cho Bộ Nội Vụ Cam Bốt đảm trách, mà bộ nội vụ của chính phủ Cam bốt thực chất chỉ là một cơ quan an ninh ngoại vi của chính phủ cộng sản Việt nam, cho nên sau vài lần được các nhân viên người Khmer gốc Bắc Việt công tác tại Bộ Nội Vụ của Cam bốt phỏng vấn thì tôi đã bị từ chối quy chế tỵ nạn chính trị với lý do là là tôi không có giấy chứng nhận đã từng bị tù đày hay bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào do CSVN cấp phát cả. Đến lúc này, tôi mới phát hiện ra là tôi đã tự chui vào cái bẫy giết người do Bộ Nội vụ Cam bốt cùng chính phủ CSVN áp lực lên Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) tại đây, giăng ra để bắt giết những người bất cộng đái thiên với cộng sản đang sống ngoài vòng pháp luật như tôi. Quá tuyệt vọng vì đang ở vào tình thế tấn thối lưỡng nan, tôi tìm đến một Hội Thánh Tin Lành của người Việt tỵ nạn tại Phnom Penh để xin tá túc và tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Hội Thánh cũng như sự che chở đùm bọc của lãnh đạo Hội Thánh và của các anh em tín hữu ở đây, cũng là người cùng cảnh ngộ. Chính tại nơi đây tôi có điều kiện gặp gỡ nhiều người tỵ nạn cộng sản khác và cũng chính từ nơi đây mà tôi cũng được mở mắt ra để biết thêm về cái thế giới tỵ nạn cộng sản tại Cam bốt sao mà nghiệt ngã và phức tạp đến thế! Chính cái thế giới tỵ nạn nhỏ bé này đã dẫn dắt tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, càng tìm hiểu về nó tôi càng bàng hoàng càng sững sốt, nhưng có lẽ điều mà tôi ngạc nhiên và sững sốt nhiều hơn cả là bên cạnh những gia đình người tỵ nạn sống nheo nhóc, nhếch nhác, chen chúc trong những căn phòng chật hẹp, u tối và bẩn thỉu với những kiếp đời tối tăm, không định hướng, không tương lai, với từng ngày sống áo chẳng đủ lành, cơm chẳng đủ no, thì lại tồn tại một người tỵ nạn khác rất quyền uy, rất quý tộc, rất đế vương, sở hữu cả súng ngắn, súng dài, sở hữu cả xe hơi đời mới TOYOTA 4RUNNER và sở hữu cả một tòa biệt thự nguy nga đồ sộ có tường cao hào sâu để bảo vệ: Đó là một người tỵ nạn mang tên Nguyễn Công Cẩm. 

Nhưng rồi điều ngạc nhiên đó đã được sáng tỏ khi vào một ngày cuối tháng Ba năm 2007, khoảng 3 ngày sau khi tôi nhận được quyết định từ chối tư cách tỵ nạn của Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Của Liên Hiệp Quốc tại Cam bốt, thì Nguyễn Công Cẩm đến tìm gặp tôi tại Hội thánh nơi tôi đang tạm trú, anh ta gọi tôi ra một nơi vắng, không xa Hội Thánh mấy, để bắt đầu câu chuyện. Cẩm đã giới thiệu với tôi rằng ngoài quân hàm trung tá mà anh ta đang mang của ngành an ninh thuộc hoàng gia Cam Bốt, thì bản thân anh ta là sỹ quan tình báo thuộc tổng cục an ninh của Bộ Công An Việt nam, rằng cơ quan an ninh của Việt nam đã theo dõi và biết rất rõ những hoạt động chống cộng của tôi từ lâu. 
 

Họ cũng biết rất rõ là tôi đã sang Cam Bốt xin tỵ nạn và đã bị từ chối tư cách tỵ nạn, rằng sinh mạng của tôi đang nằm trong tay của cơ quan an ninh Việt nam mà đại diện cho cơ quan này tại đây chính là Nguyễn Công Cẩm; rằng anh ta có thể bắt tôi để giải giao về Việt nam bất cứ lúc nào anh ta muốn. Tuy nhiên “để thể hiện tính nhân đạo và khoan hồng của đảng và nhà nước, chỉ đánh người chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”, cơ quan an ninh của Việt nam muốn mở cho tôi một con đường sống, đó là tôi phải hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam, làm ăng-ten cho anh ta, theo dõi mọi hoạt động của hội thánh nơi tôi đang ở, theo dõi mọi hoạt động của mục sư quản nhiệm, của ban chấp sự Hội thánh và của cả những người tỵ nạn Việt nam thường tới lui Hội Thánh, cũng như những mối quan hệ của Mục sư với bất cứ ai… tôi đều phải ghi nhận và báo cáo hàng tuần cho anh ta… Với thời gian làm việc cho anh ta là ba năm, sau đó bản thân anh ta và cơ quan của anh ta sẽ can thiệp với cơ quan pháp luật của Việt nam để họ chỉ xử án tôi 1 năm tù, và sau 1 năm tù ở thì tôi sẽ được trả tự do… Nếu tôi chấp nhận việc móc nối của anh ta, thì anh ta sẽ sắp xếp cho tôi được gặp cấp trên của anh ta. Để khủng bố tinh thần của tôi, hòng khiến tôi phải chấp nhận sự móc nối này, Nguyễn Công Cẩm đã không ngần ngại nói cho tôi biết rằng, trong thời gian vừa qua, có nhiều người Việt tỵ nạn tại Cam bốt đã từng bị bắt cóc dẫn độ về Việt nam chịu án, chắc với tuổi đời và sự từng trải như tôi thì tôi phải hiểu ai là tác giả của những vụ bắt cóc đó… 
Trung Tá Tình Báo Nguyễn Công Cẩm đội lốt người tỵ nạn, với các tên Nguyễn Cẩm Công, LY HENG
Không cần suy nghĩ gì thêm, tôi đã thẳng thắn trả lời với Nguyễn Công Cẩm rằng chống cộng để thủ tiêu chế độ cộng sản trên quê hương Việt nam là mục tiêu duy nhất của đời tôi và nhiều chiến hữu của tôi đã bỏ mình vì mục tiêu đó, nên tôi thà chết chứ không bao giờ phản bội lý tưởng của mình, không bao giờ phản bội lại những chiến hữu của mình. Vô cùng bất ngờ và tức giận trước câu trả lời của tôi, nhưng Nguyễn Công Cẩm cố giữ bình tĩnh, dặn dò tôi rằng anh ta nghiêm cấm tôi không được tiết lộ với ai rằng anh ta là sỹ quan an ninh của Việt nam cũng như tuyệt đối không được tiết lộ với ai về việc móc nối bất thành đó… rồi anh ta ra về. Tôi biết rằng, từ đây, Nguyễn Công Cẩm sẵn sàng thủ tiêu tôi vào bất cứ lúc nào để bịt đầu mối, nên liên  tiếp những chuổi ngày sau đó tôi luôn sống trong tâm trạng âu lo triền miên. Dù vậy vì muốn bảo vệ an toàn tính mạng cho những người Việt tỵ nạn khác, tôi đã không ngần ngại tiết lộ cho họ biết Nguyễn Công Cẩm là  ai để họ có biện pháp phòng tránh cho bản than. Thật đáng tiếc thay, một số nhà dân chủ trẻ khi đến Cam Bốt lánh nạn, dù đã nhận được lời cảnh báo của tôi rồi, nhưng do lòng hiếu thắng và khinh xuất của tuổi trẻ mà họ phải lâm nạn như trường hợp của nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ. Một số nhà dân chủ trẻ khác, trong một cuộc “đại yến” chia tay với “anh Cẩm”, để lên đường đi định cư ở Hoa kỳ, thậm chí còn mách lại với Nguyễn Công Cẩm rằng: “Chú Tài và mục sư Lũy nói với em rằng anh Cẩm là sỹ quan an ninh của cộng sản, nhưng em không tin đâu, em chỉ ước mong tất cả mọi người cộng sản đều tốt như anh vậy để dânViệt mình đỡ khổ, mà bản thân em cũng khỏi phải đi tỵ nạn như thế này”. Than ôi! Trung ngôn nghịch nhĩ! Trung ngôn nghịch nhĩ! Vi nhân nan! Vi nhân nan! Làm người sao khó quá! Chỉ vì lòng yêu thương, chỉ vì muốn che chở bảo vệ cho những chiến sỹ dân chủ trẻ mà tôi đã chuốc vạ vào thân! Không lâu sau khi nhà dân chủ trẻ này tiết lộ điều này với Nguyễn Công Cẩm thì anh ta đã đến nơi tôi đang trú ngụ gặp tôi, đưa cho tôi một gói cà phê bột và nói rằng thấy tôi không có việc làm, không có thu nhập, chắc là đời sống vật chất khó khăn lắm, nên Cẩm muốn giúp tôi có nguồn thu nhập bằng cách đưa tôi vào rừng đào cây kiểng cho anh ta, bù lại anh ta sẽ nuôi cơm tôi và trả công cho tôi thật bội hậu. 



Nguyễn Công Cẩm là người sinh tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Tất cả mọi người ở Cam Bốt đều biết anh ta với tên CẨM và gọi theo tên NGUYỄN CÔNG CẨM, kể cả vợ con của anh ta. Nhưng trong giấy tờ do UNHCR cấp thì anh ta mang tên NGUYỄN CẨM CÔNG và sinh tại Sài Gòn. Ngoài ra trong quân đội Hoàng gia Cam Bốt thì Nguyễn Công Cẩm lại mang tên LY HENG.


Tôi hiểu được rằng ngày tôi phải trả giá cho lòng căm thù cộng sản của tôi đang đến rất gần nên tôi đã phải giả vờ ốm nặng không thể đi lao động được, để trì hoãn và tìm kế thoát thân. Và thừa lúc cuộc xung đột biên giới Thái-Miên nổ ra cả bộ nội vụ Cam Bốt lẫn Nguyễn Công Cẩm bị lôi vào những công tác liên quan đến cuộc xung đột này, tôi đã bí mật rời khỏi Cam Bốt, đến một nước láng giềng, vào tòa đại sứ của một quốc gia phương Tây xin tỵ nạn. Với sự giúp đở của các chiến hữu cũ của tôi trong lực lượng Lôi Hổ, với sự can thiệp kịp thời của các tổ chức quốc tế nhân quyền, và đặc biệt là với sự giúp đở của tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức cứu người vượt biển Boatpeople SOS, hồ sơ tái định cư ở đệ tam quốc gia để đoàn tụ với gia đình tôi đang ở vào giai đoạn cuối cùng. Với sự bình an trước những ngày được đến bến bờ tự do, tôi xin được ghi lại hành trình đi tỵ nạn của tôi, cũng như những nghiệt ngã, những uẩn khúc trong cuộc đời tỵ nạn và những hiểm họa tiềm tàng mà người Việt tỵ nạn tại Cam Bốt đã và đang phải đối mặt từng ngày. Với ước mong những thông tin của tôi sẽ góp một phần nhỏ, như một thông báo về một “địa chỉ đỏ” vô cùng hiểm nghèo trong thế giới người Việt tỵ nạn cộng sản tại Cam Bốt mà mọi người phải biết, cần phải tránh để giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro mà trước đây thầy Thích Trí Lực, nhà đối kháng chính trị Hồ Long Đức và nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ đã phải gánh chịu, bởi nếu lại cứ chủ quan, khinh xuất, hoặc nếu không nhận diện được ai là bạn, ai là thù trong cộng đồng tỵ nạn thì hiểm họa đến với bản thân sẽ thật khó lường!

Mùa Lễ Phục Sinh 2009
Ngô Văn Tài



No comments:

Post a Comment