Ngày 16 tháng 10 năm 2013, ông Bela Biszku, Bộ trưởng nội vụ
Hungary, 92 tuổi bị tòa án Hungary truy tố tội “đồng lõa với những hành vi tội
ác” vì đã ra lệnh hay bao che cho những hành động đàn áp sau khi quân Liên Xô
dập tắt cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary giết chết hơn 50 người, đa số là sinh
viên.
57 năm trước khi phiên tòa xử biến cố đẫm máu này, ngày 23 tháng
10 năm 1956 vào lúc 9 giờ 30 sáng nhân dân Hungary đã lật đổ tượng đài Stalin
trước khi cuộc nổi dậy chống Liên Xô bị xe tăng Liên Xô dìm trong biển máu.
Bốn tháng sau đó, một tượng đài khác của Stalin bị lật đổ ngay
tại quê hương của lãnh tụ khát máu này. Nhưng lần này thì không phải là tượng
đài bằng đồng ngoài công viên hay quảng trường Kremlin của Liên Xô mà là tượng
đài trong lòng người cộng sản vốn bị nhồi sọ tâm lý tôn sùng lãnh tụ.
Cụm từ “tệ sùng bái cá nhân” được mang ra trước đại hội Đảng
Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 tổ chức vào ngày 25 tháng 2 năm 1956 bởi Nikita
Sergeyevich khrushchyov Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản
Liên Xô đọc trong một cuộc họp kín, tố cáo sự sùng bái Stalin do lợi ích cục bộ
và bên cạnh đó Khrushchyov cũng mạnh mẽ lên tiếng xác định lập trường sống
chung hòa bình với các nước tư bản mà trước đó Stalin luôn coi là kẻ thù cần
phải đấu tranh chống lại bằng mọi phương tiện.
Sống chung hòa bình, một cải tổ khó chấp nhận
Hà Nội kỷ niệm ngày sinh Lê Nin năm 1970. AFP photo
Ý tưởng mới mẻ này đã lan nhanh trong thế giới cộng sản và bốn
năm sau đó, tháng 11 năm 1960 Đại hội Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Liên Xô có
81 đảng cộng sản tham dự thì 70 đảng ủng hộ đường lối này của Khrushchyov, còn
lại 10 đảng không đồng tình, dẫn đầu là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đảng duy
nhất đứng giữa không theo bên nào là Việt Nam lúc ấy còn giữ danh xưng Đảng Lao
Động Việt Nam.
Đại tá Bùi Tín nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết
hoàn cảnh lúc ấy:
Trong đại hội quốc tế đó thì mới bắt đầu chia rẽ. Tại đại hội đó
có 70 đảng theo Liên-xô, gần 10 đảng theo Trung Quốc. Lúc đó đảng Lao động Việt
Nam đứng giữa, rất thận trọng, tính đứng ra hòa giải chứ không chia rẽ nên
không tuyên bố. Trong thời kỳ đầu ông Hồ Chí Minh tham gia có ý ngả về Liên-xô
nhưng khi trở về năm 61-62 thì ngày càng bị Mao Trạch Đông rồi Chu Ân Lai, Lưu
Thiếu Kỳ lôi kéo. Viện trợ của Trung Quốc sau Điện Biên Phủ vẫn còn rất lớn cho
nên theo quan điểm của ông Trường Chinh thì có phần ngả về Trung quốc.
Viện trợ của Trung Quốc sau Điện Biên Phủ vẫn còn rất lớn cho
nên theo quan điểm của ông Trường Chinh thì có phần ngả về Trung quốc.
- Đại tá Bùi Tín
Trước những chuyển biến có tính cách bước ngoặc ấy, Trường Chinh
đã giao cho ông Hoàng Minh Chính lúc ấy đang là chủ tịch Viện Triết học soạn
thảo văn kiện đi dự đại hội Cộng sản quốc tế còn được gọi là Đại hội 81. Bà Lê
Hồng Ngọc vợ ông Hoàng Minh Chính kể lại chi tiết về việc này:
Hồi anh Chính ở bên Liên Xô về thì anh ấy theo quan điểm của
Khrushchyov. Khi anh ấy đang làm ở Viện Triết thì ông Trường Chinh gọi lên nói
rằng Hoàng Minh Chính đi học ở bên ngoài về và bây giờ trong Bộ chính trị đang
tranh cãi nhau về Liên Xô và Trung Quốc rằng có nên đi dự đại hội 81 của Đảng
Cộng sản không? Bây giờ giao cho Hoàng Minh Chính tập hợp tài liệu viết một số
ý kiến để trình bày với Bộ chính trị. Sau đó ông Chính về mời ông Hà Xuân
Trường là thông gia của nhà tôi với ông Trần Minh Việt ( Phó bí thư thành ủy Hà
Nội ) ba ông họp nhau lại cùng bàn bạc viết bài đó để mà trình bày cho Bộ chính
trị về năm quan điểm của Khrushchyov và của Mao chống nhau như thế nào, và tại
sao lại nên theo quan điểm của Khrushchyov.
Ông Trường Chinh hỏi rằng chuyện này có tiền lệ không? Ý ông ấy
muốn hỏi là muốn giành độc lập tự do mà không cần đánh nhau, đổ máu, thì ông
Chính trả lời là có. Mấy hôm sau họp Bộ chính trị với bài của ông Chính và Bộ
chính trị nhất trí với bài viết này và chuẩn bị cử người tham dự đại hội đảng
81. Nhưng không ngờ chỉ ít lâu sau quan điểm ấy lại bị bác và quay lại với quan
điểm của Trung Quốc.
Trở mặt với đồng chí
CT Hồ Chí Minh (thứ 2 từ phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(trên, trái) bàn về một chiến dịch quân sự ở Việt Nam vào năm 1950. AFP photo
Trước khi Đại hội 81 khai mạc thì phe theo Trung Quốc đã lập
được Nghị quyết 9 với nội dung “Ðường lối đối nội, đối ngoại của đảng và nhà
nước là thống nhất về cơ bản với đường lối đối nội đối ngoại của đảng và nhà
nước Trung Quốc.”
Vốn là người ủng hộ nhiệt tình tư tưởng xét lại theo kiểu Liên
Xô, Hoàng Minh Chính không chấp nhận sự Bắc thuộc này và ông đã nhanh tay tuồn
văn kiện của ông viết có tên: “Về Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” cho nhiều
người ngay trong Hội nghị Trung ương 9, trong ấy có những bản được chuyển tới
cho một số ủy viên Trung ương đảng.
Bà Lê Hồng Ngọc vợ của ông Hoàng Minh Chính nhớ lại việc này như
sau:
Sau khi đi học Liên Xô về anh cũng có kể cho tôi nghe vài câu
chuyện là anh rất tin tưởng vào đảng Cộng sản Liên Xô và muốn đảng mình theo
đảng Cộng sản Liên Xô để đổi mới. Anh ấy cho rằng đảng mình sẽ có sự thay đổi
cho nên là anh nói từ khi anh học ở Liên Xô cho đến khi về trong nước anh vẫn
kiên trì nói lên cái quan điểm mà anh cho là đúng. Anh chống TrungQuốc, không
bằng lòng với Trung Quốc.
Sau khi đi học Liên Xô về anh cũng có kể cho tôi nghe vài câu
chuyện là anh rất tin tưởng vào đảng Cộng sản Liên Xô và muốn đảng mình theo
đảng Cộng sản Liên Xô để đổi mới.
- Bà Lê Hồng Ngọc
Trước chủ trương hoà hoãn, sống chung hòa bình với thế giới tư
bản của Khrushchyov, Việt Nam đứng giữa hai chọn lựa, nếu theo Liên Xô sẽ không
hướng đến việc tham gia cuộc chiến với miền Nam bằng chiến tranh giải phóng,
với xương máu và có thể làm cho Mỹ tham gia cuộc chiến. Nếu chọn Trung Quốc có
nghĩa sẽ chọn học thuyết cứng rắn của Mao Trạch Đông tiến hành cuộc chiến tranh
giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt.
Phe theo Trung Quốc gồm Lê Duẩn, Tổng bí thư, Đại tướng Nguyễn
Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, Lê Đức Thọ, Trưởng ban
tổ chức Trung ương Đảng, cũng là người vẽ ra học thuyết chống chủ nghĩa xét lại
của Liên Xô, Trần Quốc Hoàn Bộ trưởng Công an.
Trong khi đó nhóm lớn hơn ngả theo khuynh hướng thân Liên Xô
như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Quân ủy, bộ
trưởng Quốc phòng. Nguyên Ngoại trưởng Ung văn Khiêm, Ủy viên Bộ chính trị
Dương Bạch Mai, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần
Minh Việt, Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính.
Thanh trừng hay xử lý nội bộ?
Năm 1967, hơn 40 nhân vật quan trọng bị bắt ở Hà Nội với cáo
buộc đã theo đuổi chủ nghĩa xét lại. Việc bắt giữ Thứ trưởng Bộ quốc phòng
Nguyễn Văn Vịnh và tướng Đặng Kim Giang để ép hai ông này cung khai tội danh
phản quốc áp đặt lên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giáng một đòn nặng nề lên
những người thân cận với ông. Vụ thanh trừng này được ông Nguyễn Minh Cần, Ủy
viên Thành ủy Hà Nội và là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà nội, chủ nhiệm báo
Thủ đô Hà nội, một người chọn ở lại Liên Xô khi vụ án diễn ra cho biết:
Ông Võ Nguyên Giáp có phải đâu là người phản quốc, chống đảng.
Ông là người rất có công với Đảng và rất có công với đất nước nhưng ông ấy
không tán thành đường lối của Trung Quốc.
- Ông Nguyễn Minh Cần
Ông Võ Nguyên Giáp có phải đâu là người phản quốc, chống đảng.
Ông là người rất có công với Đảng và rất có công với đất nước nhưng ông ấy
không tán thành đường lối của Trung Quốc. Nhưng ông khéo lắm vì ông biết cái
thế của ông. Vậy mà người ta cũng tìm cách gạt ra. Có thời kỳ ông phải đi làm
cái việc mà người dân gọi là Đại tướng mà đi đặt vòng…họ đưa những người dưới
tay của ông ấy lên để chỉ huy và kềm kẹp ông.
Vụ án vẫn không thể khép lại sau cái chết của Tướng Giáp vào
ngày 4 tháng 10 năm 2013 vì sau lưng ông vẫn còn nhiều người còn sống cần được
minh oan, mà lớn nhất là cái chết của ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư riêng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh và người con trai của ông là nhà văn Vũ Thư Hiên đã ngậm đắng
nuốt cay nhiều năm trời trong các nhà tù mà không biết mình phạm tội gì đối với
nhân dân, đất nước.
*Quý vị vừa theo dõi phần đầu của Vụ án xét lại chống đảng, mới
quý vị theo dõi tiếp phần hai có tựa “Chống Đảng hay chống Tướng” trong phần kế
tiếp.
No comments:
Post a Comment