Tuesday, November 19, 2013

NHÂN TƯỚNG VÀ THẦN TƯỚNG: NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA MỘT SỐ NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC CỤ NGÔ HÙNG DIỄN XEM TƯỚNG

LỜI MỞ ĐẦU
Ông Trương Đình Giần và bà Ngô Thị Dẫn, con rể và con gái cụ Ngô Hùng Diễn, ông Trần Quang Duật, người đã được Cụ chỉ bảo để tránh được nhiều hoạn nạn, ông Trần Xuân Kính, người đã được Cụ chỉ cách để tránh họa chết, Kỹ sư Bửu Hạp, người quen Cụ trong gần 15 năm và đã được Cụ chỉ dẫn để cá nhân ông và gia đình được thành công, hạnh phúc và bình an, ông Trần Văn Hài, một người bạn thân của Cụ trong suốt mấy chục năm và nhiều thân hữu khác nữa đã cung cấp cho tác giả những câu chuyện về những người đã được Cụ Ngô Hùng Diễn xem trải qua một khoảng thời gian gần năm chục năm từ ngày Cụ còn trẻ.
Vì số trang sách có hạn, tác giả chỉ xin chọn một số ít chuyện rồi, nếu cần, trích hoặc thu ngắn các chuyện này để ghi nhận lại những chi tiết quan trọng. Tên nhân vật trong một số tài liệu đã được tác giả viết tắt vì vấn đề tế nhị của câu chuyện. Tuy nhiên, nếu suy diễn căn cứ trên nội dung câu chuyện mà thấy trùng với chuyện của người nào thì đó là ngoài ý muốn của tác giả. Xin làm ơn cho tác giả biết để thay đổi trong ấn bản sau cho thích hợp.
TÀI LIỆU CỦA ÔNG BÀ TRƯƠNG ĐÌNH GIẦN, NGÔ THỊ DẪN
Anh Chị gửi sang Cậu những câu chuyện về tướng số mà Thày đã xem lúc sinh thời. Anh Chị cầu hương hồn
Thày lúc nào cũng ở bên Quyến để khuyến khích và an ủi người con trai tinh thần của Thày.
Thày xem tướng cho ai không bao giờ kể lại cho ai nghe. Những chuyện về địa lý và tướng gửi Cậu là do những người được Thày xem hoặc do người chứng kiến Thày xem kể lại. Thày nổi tiếng vì Thày thấy sao nói vậy, vì cách Thày giúp giải họa ít thấy ai dùng và khi giúp ai Thày không bao giờ lấy thù lao của họ
Trúng Số Không Xui
Về sở thích của Thày thì ngoài ciné, hát bội ra Thày còn thích mua vé xổ số. Vào thời Tổng thống Diệm, anh có một người bạn trúng số độc đắc một triệu đồng (tương đương với 300 lượng vàng). Anh này khi còn ở ngoài Bắc chưa di cư vào Nam là một địa chủ, có nghĩa là một người đã từng cầm tiền và biết tiêu tiền. Trúng số xong, anh ấy mua ba căn nhà, toàn nhà mặt tiền, một căn mở tiệm uốn tóc, một căn anh mở hàng vàng, căn thứ ba cho thuê. Nhưng chỉ có mấy năm anh ấy đã trắng tay và còn khổ hơn lúc chưa trúng số nữa. Anh mang chuyện này hỏi Thày: Có phải trúng số là xui không? Thày bảo: Trúng số là hên chứ, sao lại xui, nhưng tiền trúng số là tiền của bá tánh gom lại cho mình, thì mình chỉ hưởng một nửa, còn một nửa phải làm phúc thì mới giữ đươc.
Âm Dương Cách Biệt
Ông HPH kể: Một hôm Thày đến nhà ông vào bữa ăn, Thày thấy ông để trên bàn ăn một bát cơm, đôi đũa rồi thắp nhang và lẩm bẩm khấn: Con về ăn cơm. Thì ra con trai ông mới mất. Ông mời con ông về ăn cơm cùng với ông. Thấy vậy, Thày giảng giải cho ông là: Cháu đã mất rồi, âm dương cách biệt, không nên làm như thế. Cháu còn nhỏ nên đem cháu lên chùa để cháu nương cửa Phật. Từ đó Ông thôi không làm như thế nữa.
Sự Ai Oán Của Người Dân Bị Đuổi Nha
Hồi Chính Phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập Làng Đại Học Thủ Đức, lúc đó anh C. là Giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh nên có tiêu chuẩn được chính phủ cấp cho đất và còn cho vay tiền làm nhà nữa. Như vậy bỗng nhiên trở thành sở hữu chủ một biệt thự. Khi làm xong bà B. (mẹ vợ anh C.) và anh C. mời Thày lên xem nhà hộ. Thày nói: Nhà xây đẹp lắm, nhưng nhà này chỉ có một mình ông bà B. ở được mà thôi, còn vợ chồng anh C. chỉ có thể ngày thứ Bẩy, Chủ Nhật hay ngày lễ lên chơi từ sáng đến chiều, chứ tuyệt đối không được ngủ lại đêm. Gia đình này đã biết tài xem tướng của Thày nên nghe theo ngay. Sau mấy năm thấy có nhà mới mà không được ở, nên khi thấy có người muốn mua anh chị C. có ý muốn bán. Anh đem hỏi ý kiến Thày. Thày nói: Nên bán đi. Khu đất này chính phủ đã cưỡng ép dân chúng phải dời đi nơi khác để bán rẻ cho chính phủ nên đã gây ra nhiều chuyện ai oán vì bị mất nhà, phải dời mồ mả tổ tiên đi nơi khác vì vậy đất này ở không tốt. Anh C. nghe lời Thày đã bán căn biệt thự này. Bán xong, chỉ chừng một năm sau giá nhà tại Làng Đại Học tăng lên gấp hai ba lần. Vì thấy mình chỉ vì nghe lời Cụ Diễn mà để mất một số tiền lớn, nên Anh C. từ đó không đến Cụ nữa. Ông Bà B. thì vẫn đến thăm Thầy như xưa. Mấy năm sau lại thấy vợ chồng anh C. lên thăm Thày thường xuyên như ngày xưa. Bà B. kể: Khi chưa bán nhà mỗi lần Anh C. lên chơi, cứ mỗi lần Anh vào nhà tắm thì Anh lại nghe thấy tiếng đàn và tiếng hát rõ mồn một. Anh biết tiếng đàn, tiếng hát không thể từ nhà hàng xóm vọng sang được vì từ nhà nọ sang nhà kia cách nhau khá xa. Đó cũng là lý do khiến anh C. có ý định bán căn biệt thự. Bà B. kể tiếp: Sau năm năm từ khi bán ngôi biệt thự này thì hai người chủ sau của ngôi biệt thự này đều bị chết bất đắc kỳ tử. Hai người này đều tuổi Dần – anh C. cũng tuổi Dần. Thấy như vậy, anh C. không giận Thày nữa.
Đặt Tên Cho Con
Nói về chuyện đặt tên cho con, việc này Thày bảo cũng phải tùy tướng của đứa bé mà đặt tên cho nó. Tướng nó rắn rỏi mà đặt tên ẻo lả cũng không được. Con trai mà đặt tên là Hùng thì một là rất lanh lợi, khôn ngoan, hai là thật đần độn. Anh chị có một người Chị tên VTM. Chị này lấy chồng là ĐQH. Anh chị có hai con gái đặt tên là Yên Hà và Thu Huyền. Khi đặt tên anh chị H. không hỏi Cụ. Có lần Cụ bảo chị M. là: Chị có biết “Yên Hà” là gì không? Còn “Thu Huyền” là “Thù”. Sau khi sanh cháu Thu Huyền thì anh chị ấy xích mích. Chị ấy muốn bỏ chồng. Chị ấy đến hỏi Thày. Thày bảo: Chị không nên bỏ anh ấy. Ai đề xướng việc bỏ nhau trước thì người đó sẽ gánh hết mọi hậu quả, đằng nào thì anh ấy cũng sẽ bỏ nhà ra đi. Quả nhiên hai năm sau anh H. có “bạn mới” bỏ nhà đi thật. Hiện nay hai người trở nên thù hận nhau. Cháu Yên Hà lấy chồng sau
1975, về nhà chồng được gần sáu tháng thì bị bạn gái giết chết. Cháu Thu Huyền thì đang ở Canada.
Nghiệp Vợ Chồng
Ở Hải Phòng có một bến đò gọi là Bến Đò Bính, bờ bên này là tỉnh Hải Phòng, bờ bên kia là Thủy Nguyên. Thày thường qua lại bến đò này. Một hôm Thày thấy anh lái đò có tướng lạ, Thày bảo: Sau này anh sẽ ở một biệt thự, nhà có người hầu hạ, anh sẽ măc pi-ja-ma đi ra, đi vào. Sau khi nghe nói vậy, anh lái đò cười thầm và nghĩ rằng: Ông này chế diễu mình . . . Về sau, việc xẩy ra: Một hôm có hai vợ chồng người Pháp qua sông bằng đò do anh lái đò này chở. Bỗng dưng người chồng bị ngất, té xỉu thì anh lái đò nhanh tay đón được nên ông ta đã thoát được nguy hiểm. Để trả ơn anh lái đò đã cứu mình, hai vợ chồng người Pháp đem anh lái đò về nhà để lo công việc trong biệt thự của họ. Ít lâu sau người chồng chết, bà đầm Pháp đã lấy anh quản gia người Việt. Bà đầm chịu cấp dưỡng cho người vợ Việt của anh lái đò và hàng tháng vẫn cho anh về thăm vợ con. Câu chuyện này rất nhiều người ở Hải Phòng biết.
Bà Trần Lệ Xuân
Trước 1953 hồi  Thày còn ở đường Cát Dài, Hải Phòng, nghe danh Thầy, Bà  TVT có đến nhà. Gặp mẹ chị đương chẻ củi ở trước nhà, tưởng là người làm, bà hỏi: Cụ Diễn có nhà không chị. Mẹ chị không trả lời nhưng đưa tay chỉ lên gác. Bà lên thẳng gác. Thấy Thày đương ngồi hút thuốc lào, mặc áo “may-ô”, quần đùi. Bà, nghĩ đây cũng là một anh người làm, lên giọng hỏi: Cụ Diễn có nhà không bác?  Thày đáp lại: Thưa bà, Cụ
Diễn nhà cháu đi vắng ạ. Bà bảo: Thế bao giờ Cụ về, bác nhớ nói lại với Cụ là tôi, Tổng Đốc TVT đến nhé. Thày chỉ vâng, dạ. Sau đó ít hôm, Bà lại đến, lần này cũng như lần trước, Thày cũng đương ngồi hút thuốc lào. Bà bảo: Thế nào, Cụ về bác có nói lại với Cụ không?  Thày nói: Bẩm bà, cháu quên ạ. Bà trách: Tôi đã dặn đi dặn lại mà bác vẫn quên, vậy lần này bác nhớ hộ nhé. Thầy lại vâng, dạ. Và không hiểu bà gặp ai và kể cho họ là Bà đã có đến nhà không gặp được Thày mà chỉ gặp được người hình dáng như thế, thì người kia bảo bà là: Người đó chính là ông Diễn đấy. Thì ra hồi đó, dù Thày còn ít tuổi nhưng đã nổi tiếng nên nhiều người  tưởng tượng Thày phải là một ông Cụ râu tóc bạc phơ,  đường vị như một tiên ông chứ đâu có thể là một người kỳ khôi như thế. Rồi không nhớ Thày đã gặp bà Tổng Đốc ở đâu, chị chỉ nhớ là một hôm Thày về nhà khen Bà: Bà xử thế đúng là một vị mệnh phụ, phu nhân vô cùng khôn khéo, biết là lầm mà khi gặp Thày Bà cất tiếng chào Thày rất tự nhiên: Chúng tôi đã được nghe đại danh ông đã khá lâu, hôm nay được gặp ông thật là hân hạnh, và quí hóa cho chúng tôi quá. Và, lờ đi như chưa bao giờ gặp Thày cả. Đúng là một vị khôn ngoan rất mực vậy. Về sau gia đình này trở nên rất thân với gia đình chị. Các con bà: ông bà TVC thường vẫn đến thăm Thày. Ông Bà TVC có người con gái tên là Trần Lệ Xuân. Hồi Trần Lệ Xuân còn nhỏ, Thày bảo: Cô bé này có đôi mắt đẹp và uy nghiêm lắm, sau này chắc có chồng danh vọng và cao sang lắm, nhưng nhớ nhé, cô phải luôn luôn ở bên cạnh nhà chồng, nếu mà xa gia đình nhà chồng thì nhà chồng sẽ có đại họa. Trần Lệ Xuân sau lấy Ngô Đình Nhu, cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm và chuyện đã xẩy ra như lời Cụ tiên đoán.
Không Có Nghiệp Vợ Chồng
Còn bà H., em gái của ông Tổng Đốc TVT, có một cô con gái, rất đẹp. Cô ấy đã có hôn phu nhưng anh này đi theo kháng chiến. Một hôm Thày dẫn chị đến chơi nhà bà H. ở Hà Nội. Bà H đưa ảnh của cậu con rể tương lai nhờ Thày xem. Thày bảo: Cậu này với cháu nhà không có duyên vợ chồng. Chuyện từ hôn là chuyện ít xẩy ra vào thời đó, nhất là gia đình này. Vậy mà không ngờ chỉ ít lâu sau, cậu ta viết thư về thành xin từ hôn và bảo cô này đi lấy chồng đi. Được tin này cô con gái bà H. phát điên, chữa chạy mãi mới khỏi. Ít lâu sau, có người làm mối cô cho một cậu tên C., đậu Bác sĩ Y khoa ở Pháp mới về. Thế là cô trở thành vợ của Bác Sĩ C.
Con Gái Gần 30 Tuổi Mà Chưa Chồng
Sau đây là nhân duyên của bà H., con dâu út của hai cụ TVT. Hồi ấy ở tỉnh Quảng Yên có gia đình cụ Hàn có cô con gái gần 30 tuổi mà chưa chồng. Hồi đó con gái mà trên 25 tuổi mà chưa có chồng thì coi như là ế. Gia đình cụ Hàn nhờ Thày xem, Thày bảo: Đám cưới của cô này lạ lắm, người ta đón rước cô như một vị Công Chúa vậy. Ông Bà Hàn đưa mắt nhìn nhau không nói gì, nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng Thày chế diễu con gái mình nên tỏ vẻ khó chịu. Sau đó ít lâu. Có người manh mối, hai cụ TVT cho người đến xin cô này cho người con trai út là ông H. Đặc biệt hôm cưới thì để lấy lòng Quan Tổng Đốc TVT vợ của các quan dưới quyền, xum xoe săn sóc cho cô dâu, rồi tâng bốc lên, một điều: Mời Công Chúa đi, hai điều: Mời Công Chúa ngồi. Đó là bà H. đo.
Duyên Tiền Định
Đây là chuyện của một người bạn chị tên Đ.. Đám cưới chị cô ta là một trong bốn phù dâu của chị đấy. Cô ta là người đẹp nhất trong số các bạn của chị. Cô ấy có đôi mắt “mùa thu”, buồn rười rượi. Sau này mới biết mắt như vậy thì vất vả, nghèo nàn suốt đời. Sau đám cưới chị ít lâu thì cô Đ. lấy chồng. Chồng cô ta không ai khác mà chính là ĐHN, bút hiệu là Hoàng Ly, Thánh Sống. Sau này bạn chị mới thuật cho chị nghe anh chị ta gặp nhau thế nào mà thành vợ chồng. Bạn chị nói là anh Hoàng Ly kể cho vợ: Anh quen ông Diễn xem tướng hay lắm. Ông ấy bảo: Ngày đó, tháng đó, “toi” cứ đi về phía đường Tràng Tiền (Hà Nội) thì sẽ gặp một người con gái cao, gầy, thon người, có đôi mắt to, buồn. Nói xong Ông Diễn còn vẽ hình dáng người con gái ấy lên giấy cho anh, rồi ông bảo: Anh và người con gái đó có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Vì không có ý định lấy vợ nên anh nghe xong thì cũng chả để ý tới nữa. Cho nên, đến ngày mà Ông Diễn bảo phải đi để gặp người vợ có duyên nợ từ kiếp trước, anh cũng định nằm lì ở nhà. Thình lình có người bạn thân là anh
Phương đến rủ đi chơi. Tình cờ anh Phương lại đưa anh đi về phía đường Tràng Tiền, vừa đi vừa nói chuyện. Anh Phương bảo: “Toi” đã lớn tuổi rồi, phải lấy vợ đi chứ. “Moi” biết một gia đình nề nếp, tử tế, có một cô con gái khá xinh. Để “moi” làm mối cho. Nghe anh Phương nói, anh cũng chẳng trả lời, cứ lẳng lăng đi theo anh ấy. Anh Phương đưa anh đến nhà một ông công chức (nhà này ở ngay tầng dưới phía sau Nhà Hát Lớn Hà Nội). Khi anh vào nhà thì em không có nhà, mãi sau em mới về. Khi em về, ba gọi em ra rót nước, trông thấy em, anh sực nhớ hình người con gái mà ông Diễn đã tả và còn vẽ cho anh. Em giống y như người đó. Thế là anh quyết định cưới em đấy. Bạn chị và chồng sống rất hạnh phúc, nhưng rất nghèo, có tất cả ba đứa con, một trai, hai gái. Anh Hoàng Ly chết vào năm 1987 còn Đ. thì vẫn đến chị chơi.
Đổi Tướng Vợ Chồng
Đây là một chuyện xảy ra ở Hải Phòng khi Thày xem cho ông Phúc Mập. Gia đình ông bà Phúc đi lại khá thân với gia đình chị. Bà Phúc có kể cho chị nghe về chuyện gia đình bà: Bác đã có một đời chồng, lấy nhau đã 8 năm mà không có con. Vợ chồng rất buồn. . . . Bố mẹ chồng lại thường nói ra nói vào và có ý lấy vợ lẽ cho chồng bác để có con nối dõi. Bác trai không chịu, còn bác thì buồn lắm. Sau có người giới thiệu hai bác với ba cháu hai bác mới đến xin ba cháu xem cho. Mục đích chính chỉ là xem có con với nhau không? Thày cháu bảo: Có chứ, ông bà sau này có con chứ. Có nhiều là đằng khác. Nhưng mà ông bà sẽ phải đổi “tướng”. Ông hiện đang cao, mảnh khảnh thì rồi sẽ thấp xuống, béo tròn và cổ rụt lại như con rùa. Còn bà hiện đang mập thì sẽ gầy đi. Sau khi đổi “tướng” rồi thì sẽ có con. Nghe vậy các bác càng buồn vì . . . cho là Thày cháu nói giỡn chơi. Chứ đang mập mà gầy, hoặc đang gầy mà mập thì còn có thể xẩy ra chứ đang cao mà trở thành lùn và cổ thì rụt như cổ rùa thì làm sao có được. Các bác lại càng thất vọng và buồn hơn. Sống với gia đình chồng, bị dày vò vì không có con, bác thường đi về bên bố mẹ bác ở bên Kiến An. Có một lần gặp trời mưa bất thình lình, bác tìm chỗ tránh mưa dưới hiên một nhà ở bên đường. Lúc đó có một người đàn ông cũng chạy vào núp dưới mái hiên mà bác đang núp. Mưa càng lúc càng lớn và kéo dài. Ông ta gợi chuyện. Có điều lạ là hai người nói chuyện với nhau dễ dàng. Tên ông ta là Phúc. Rồi chẳng hiểu vì sao mà bác lại đem hoàn cảnh gia đình bác ra kể cho ông ta nghe. Ông ta cũng kể hoàn cảnh gia đình của ông cho bác nghe. Ông đã có vợ và cũng đã 4-5 năm rồi mà không có con và bà vợ ông cũng buồn bực lắm. Bác nhìn ông Phúc thì thấy người béo tròn, cổ thì rụt lại giống hệt người mà Thày cháu tả. Bác giựt mình, nhưng không dám nói gì. Ông Phúc có vẻ đắn đo, suy nghĩ. Mãi lúc sau ông xin lỗi bác trước khi nói với bác: Tôi với bà chắc là có duyên tiền định. Thôi thì bà về xin ly dị chồng, còn tôi về tôi ly dị vợ. Sau đó mình chắp nối lại với nhau.  Bác về bảo với bác trai là: Mình vẫn thương yêu nhau, nhưng không có con, gia đình anh dày vò em khổ lắm. . . Nay có người muốn lấy em, mà người đó lại giống người bác Diễn tả, thôi thì anh cho em lấy người đó. Âu đây cũng là số mệnh để em có con mà anh cũng có cơ hội lấy người khác để có con hầu báo hiếu các cụ. Mới đầu bác trai không chịu, sau vì gia đình eo sèo quá nên cũng đành để bác được ly dị. Ông Phúc về nhà nói chuyện ly dị với bà vợ thì bà ấy bằng lòng ngay. Thế là ít lâu sau là bác và ông Phúc lấy nhau. Hai bác có tất cả là mười anh chị. Bác trai, chồng trước của bác, lấy người vợ sau và cũng có được ba người con. Chuyện ông “Phúc Mập” này người ở Hải Phòng ai cũng biết.
Chuyện Cô Dâu Yểu Tướng
Cụ Diễn sợ nhất là tiệc tùng mà phải thắt cà-vạt và mặc com-lê. Hôm đó không hiểu sao Cụ lại nhận lời đi đám cưới con trai của một người bạn không thân lắm (không nhớ tên, tạm gọi là X.), nhà ở gần Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau tiệc cưới ông bà X. mời Cụ ra một chỗ để hỏi về cô con dâu. Cụ lưỡng lự một lúc rồi chậm rãi nói: Con dâu bác yểu tướng lắm. Chắc chỉ được 100 ngày nữa là chết thôi. Tôi xin hai bác và gia đình ráng chiều chuộng nó, để nếu nó có chết cũng được an vui môt chút. Ông bà X. năn nỉ Cụ có cách nào giúp cho không. Cụ bảo: Để tôi cố xem, nhưng ông bà phải chịu khó theo như điều tôi dặn đây: Từ đây đến 3 tháng nữa, sẽ có một cụ già lỡ độ đường đến gõ cửa xin giúp đỡ. Ông bà phải tiếp đãi bà cụ này hết sức tử tế, mời vào nhà, ngồi bàn ăn uống đàng hoàng, . . . và nghe tôi dặn kỹ điều này nhé, tối đến, phải bảo vợ chồng thằng con trai bác nhường giường ngủ của chúng nó để bà cụ ngủ. Ông bà nhớ kỹ lời tôi dặn, đừng có quên
chi tiết nào nhá. Khoảng hai tháng sau, mới còn sáng sớm, vợ chồng ông X. đã đứng đợi ở trước cửa nhà Cụ, mặt mũi bơ phờ. Người nhà ra mời vào nhà. Khi Cụ dậy, vừa chào hỏi xong thì ông bà này đã hổn hển nói với Cụ là hôm qua họ đã làm đúng theo lời Cụ dạy. Hôm qua có một bà cụ lên thăm con là Sinh viên Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức xin tá túc một đêm. Ông bà X. đã cho bà cụ vào nhà, ăn uống và ngủ lại. Nhưng đến đêm thì bà cụ chết. Cụ Diễn hỏi ngay: Thế bà cụ ngủ ở đâu?  Ông bà X. nói là đã để bà cụ ngủ ở ghế bố kê ở nhà ngang. Cụ Diễn không nói gì mà chỉ thở dài. Sau khi Cụ Diễn qua đời ít lâu thì Ông bà X. đến thăm Cụ (ông bà này không biết là Cụ đã qua đời). Gặp một người học trò của Cụ, ông bà này kể là sau khi bà cụ ngủ nhờ chết được ít lâu thì cô con dâu chỉ bị cảm nhẹ mà tự nhiên qua đời. Chuyện xẩy ra rồi thì ông bà X. tỉnh ngộ và biết là họ đã không làm đúng như lời Cụ dặn. Người học trò Cụ sau khi nghe xong thì bảo: Cụ có giảng cho nghe về trường hợp này. Cụ nói “Thiên Cơ” bất khả lậu. Cụ muốn giúp cho cô con dâu của ông bà, nhưng không thể tiết lộ với ông bà là bà cụ già phải nằm trên giường của con trai và con dâu ông bà để “chết thế” cho con dâu ông bà. Chuyện gì cũng là cái duyên cái nghiệp, cái phúc, cái phận cả.
Chuyện Bà Chánh Án S.
Bà Chánh án S. là một người đàn bà rất đẹp. Trước năm 1975, ông bà S. được Cụ Diễn xem cho. Câu chuyện này do chính bà kể lại: Khi Cụ xem cho hai vợ chồng chúng tôi, Cụ bảo: “Sau này ông đổi nghề. Trong rất nhiều năm ông sẽ làm về đồ mộc.” Chúng tôi ra về, lòng không tin điều Cụ nói. Nhà tôi nói dù có đổi nghề đi nữa thì còn nhiều nghề tương đương với nghề Chánh án, chứ sao mà lại làm thợ mộc được. Không ngờ vì biến cố 1975, nhà tôi phải đi học tập. Trại Cải Tạo nơi nhà tôi bị giam lại ở gần rừng cho nên phần lớn trại viên chọn nghề mộc. Vào rừng chặt cây, rồi cũng đóng bàn, đóng ghế đủ thứ như một người thợ mộc thực sự.
Tiền Dâm Hậu Thú
Ở Hải Dương có ông Phán C. là chỗ rất thân tình với Cụ Diễn. Mỗi lần Cụ ghé Hải Dương, Cụ đều ghé thăm ông Phán C. và có khi ở lại chơi cả tháng. Ông bà có 3 người con gái. Cô lớn lấy Bác Sĩ Kh. Còn lại hai cô em chưa có chồng. Khi xem cho cô con gái thứ hai Cụ nói: Số cô sẽ gặp một người ở nơi có nước, yêu nhau trước rồi mới lấy nhau. Nghe như vậy hai ông bà Phán C. sợ quá. Con nhà gia giáo mà “tiền dâm, hậu thú” là phạm vào lễ giáo gia đình và là đại họa cho gia đình. Từ đó ông bà không cho hai cô con gái đi đâu một mình, ngay cả đi chợ. Thế rồi một gia đình cũng ở Hải Dương , giàu có và sang trọng hỏi cô thứ hai cho con trai. Ông bà bằng lòng ngay. Cô lấy chồng được một năm và đã có con. Năm ấy Cụ Diễn có dịp xuống Hải Dương lại đến thăm gia đình ông Phán C. Sau khi trò chuyện được một lúc thì ông Phán C. nói ngay: Ông xem cho em sai rồi nhé. Chúng nó có mối lái hẳn hoi chứ đâu có quen nhau trước đâu. Cụ Diễn vẫn nói: Cháu xem không sai đâu. Cô em phải quen người chồng cô ta tại nơi có nước thì mới thành vợ thành chồng được. Ông Phán C. cho gọi con gái về và nhắc lại lời đoán của Cụ Diễn. Ông Phán bảo con gái cứ nói thật, mọi chuyện bây giờ đã thuộc quá khứ, biết chỉ để thấy là “tránh không khỏi số thôi’. Cô gái khóc, xin lỗi bố và thú thật là chuyện xẩy ra đúng như Cụ Diễn đã nói. Cô quen chồng cô trước khi cưới trong dịp nước sông lên cao, nhiều người ra xem, trong đó có cô và người chồng bây giờ của cô. Ông Phán nghe xong không những không giận mà còn cười ha hả rồi nói với Cụ Diễn: Có thế chứ, cả hơn năm nay chúng tôi cứ yên chí là ông đã xem sai đấy.
Địa Lý Phong Thủy
Về địa lý thì đúng như Cậu nói, Thày chuyên về “sinh khí” hơn là “hình thể của miếng đất hay “phương hướng” của kiến trúc. Khi xem nhà hộ người ta, nếu nhà có địa lý xấu mà có thể thay đổi được thì Thày giúp người ta sửa. Nhiều khi chỉ cần thay màu sơn của mặt tiền căn nhà, phòng ốc trong nhà, có khi cũng cần phải xoay hướng bếp, . . . Tóm lại xem tướng người hay xem địa lý, nhiều trường hợp, Thày có thể sửa đổi phần nà
Sau đây là một số giai thoại về địa lý mà chị đã được chứng kiến hoặc được nghe thuật lại.
Thất Của Sư Bà Hải Triều Âm

Trước hết chị viết về ngôi “thất” của Sư Bà Hải Triều Âm. Sau 1975 chị được Sư Bà qui y cho chị  và được Sư Bà kể cho nghe về ngôi thất. Khoảng năm 1972, Thày cùng đi với Sư Bà đi tìm đất nhiều nơi bằng ô-tô. Một hôm qua cầu Đại Ninh cách Đà Lạt khoảng 40 cây số, thì Cụ bảo dừng xe lại. Đứng ngắm nghía một hồi rồi Cụ bảo: Đất này sau này là mỏ vàng đây, chỗ này tốt lắm, tu ở đây được nhưng phát về “Nữ” hơn “Nam”.” Hồi đó Đại Ninh , thôn Phú An chỉ là một khu rừng thôi, rất ít dân ở, rừng như rừng hoang, không có giá trị. Lên xe đi qua cầu Đại Ninh, xuống xe rồi đi bộ theo một con đường đất nhỏ phía tay trái. Đi được một quãng, Sư Bà chỉ một miếng đất thật đẹp và hỏi Cụ; Tôi có thể làm thất ở đây được không Cụ? Cụ bảo: Đất này “sát” lắm không làm chùa được. Rồi Cụ tìm cho Sư Bà một miếng đất sâu mãi tít trong rừng. Thất này được ông Chu Văn Sáng, quen biết Cụ, nhờ một người bạn làm về gỗ ở Đà Lạt kiến trúc theo ý Sư Bà. Thất bằng gỗ, hình bát giác, rất nhỏ, vì ý nguyện của Sư Bà chỉ nguyện tu một mình. (Vậy mà không ngờ, giờ này chung quanh Ngài có tới gần 300 đệ tử). Tên thất là Linh Quang cũng do Cụ đặt. Sư Bà kể tiếp: Về sau miếng đất mà Cụ bảo là “sát” thì có một Sư Ông (Sư Bà không nói tên) không tin và làm thất tại đó. Ít lâu sau tình cờ Cụ lại lên Đà Lạt và gặp vị Sư Ông. Cụ nói với Sư Ông: Đã chót làm rồi thì tạm thời Sư Ông cứ tu ở đây. Nhưng tôi dặn nhé, khi nào hai cây này mà nó chết thì Sư Ông phải dọn đi ngay. Cụ chỉ hai cây trước thất. Lúc ấy ai mà tin được, vì hai cây ấy đang độ lớn làm sao mà chết được, vả lại rừng có nhiều cây mà sao Cụ lại chỉ đích vào hai cây đó thôi.Thế rồi không hiểu sao chỉ một thời gian sau cả hai cây ấy cùng chết một lúc. Vị Sư lúc đó hoảng hồn, nhớ tới lời Cụ dặn, vội dọn đi ngay. Thất ấy bỏ hoang. Ít lâu sau, không hiểu nguyên nhân vì sao mà có một thanh niên bị giết chết tại đó. Hiện nay ngôi thất vẫn còn, nhưng vẫn bị bỏ hoang.
Tu Mà Ngã Còn Nặng
Về việc xây cất Việt Nam Quốc Tự, Sài gòn, Thượng Tọa Thích Tâm Châu có hỏi Thày, Thày bảo: Đất định xây Việt Nam Quốc Tự trên Đường Trần Quốc Toản “sát” lắm, không thể xây chùa được. Đất ấy chỉ nên làm kho chứa đồ phế thải thôi. Rồi Thày chỉ hai nơi. Một nơi sau này là Tân Cảng, đầu xa lộ Sài gòn/Biên Hòa và một nơi nữa tại Thị Nghè. Các vị Thượng Tọa không nghe lời Thày. Thượng Tọa Tâm Châu còn nói: Phật ở đâu cũng được.  Chị nghe được chuyện thấy có lý, nên hỏi lại Thày: Đất ở đấy đẹp thế, sao Thày bảo không được?  Theo mắt người thường thì miếng đất đó rất đẹp, lại gần giữa trung tâm thành phố. Thày giảng cho chị nghe: Thí dụ, dù giàu hay nghèo cũng phải chọn một nơi nào khang trang nhất trong nhà để thờ Phật, chứ không thể thờ trong phòng ngủ hoặc nhà ngang được.  Rồi Thày còn bảo: Nếu cứ xây ở đây thì cứ mỗi viên gạch xây lên thì máu lại đổ. Sau đúng như lời Thày nói, chùa chưa xây, chỉ mới đang xây tháp thì có một nhóm người xây ngay một dẫy nhà lầu phía mặt đường. Sự tranh chấp bắt đầu và máu đã đổ. Dẫy nhà lầu bị phá bỏ. Chùa cũng dở dang trong bao nhiêu năm. Nay thì cũng tu bổ tạm để làm nơi thờ tự, nhưng làm sao xứng đáng để được gọi là Việt Nam Quốc Tự được.
Cụ Mai Thọ Truyền
Hồi chùa Xá Lợi còn là chùa của Hội Phật Học Nam Việt. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nơi đây trở thành nơi tranh đấu của Phật Giáo, Cụ Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng, đến nhờ Thày giúp ý kiến. Thày bảo: Đất chùa tốt, nhưng cổng chính bị hông trường Nữ Trung Học Gia Long án ngữ và tượng Phật lớn ở sân trước chùa lại sơn trắng. Để chữa cái “phạm” của cổng chính thì xây thêm một cổng phụ bên hông, cổng này phải giống hệt cổng chính về tất cả mọi phương diện. Sau đó thì chỉ dùng cổng phụ để ra vào hàng ngày. Cổng chính thì phải đóng lại, chỉ mở khi có lễ lạc chính mà thôi. Còn tượng Phật thì phải đem thiếp vàng vì tượng màu trắng thì chỉ là tượng mỹ thuật để trang trí mà thôi. Cụ Mai Thọ Truyền đã làm theo lời Thày dặn từng chi tiết một. Từ sau vụ đấu tranh của Phật Giáo năm 1964 đến nay (2010), không có chuyện gì lộn xộn xẩy ra tại chùa nữa.
TÀI LIỆU CỦA ÔNG TRẦN QUANG DUẬT Tù Bẩy Năm Mà Không Có Án
Thiếu tá D. mỗi lần đi hành quân về đều ghé thăm Cụ Diễn. Một hôm Thiếu tá D. hỏi Cụ về tương lai. Cụ bảo: Sau này có một thời gian “toa” phải tù ít nhất là 7 năm. Thiếu tá D. hỏi lại Cụ tại sao lại phải ở tù. Cụ ngần ngừ một lúc rồi nói: Tù nhưng không có án. Thiếu tá D. lại càng ngạc nhiên hơn, nhưng cũng không dám hỏi thêm gì nữa. Sau 1975, Thiếu tá D. bị đi “cải tạo” ở ngoài Bắc, di chuyển hết trại này đến trại khác. Tổng cộng thời gian đi “học tập” là 7 năm 2 tháng. Khi mới vào trại, có người nói 3 tháng sẽ được ra, người thì đoán 1 năm, người thì 3 năm. Thiếu tá D., dựa vào lời Cụ đoán, nói là ít nhất 7 năm. Biết được như vậy cũng có lợi là không bị thất vọng mỗi khi năm cũ qua đi và hi vọng khi năm mới tới.
Giết Nó Thì “Moa” Chưa Trả Được Nghiệp
Một hôm Thiếu tá D. đi vào Chợ Lớn ăn cơm trưa với Cụ. Hai bác cháu đang ngồi ăn thì một người đàn ông bước vào tiệm, ngồi bàn bên cạnh. Mắt thì nhìn Cụ chăm chăm còn mồm thì nói, chửi láo lếu. Trông hắn không có vẻ gì điên hay say rượu cả. Thiếu tá D., lúc đó đang mặc đồ rằn ri, bực lắm, định đứng dậy tát cho người kia vài cái. Cụ ngăn lại và nói: Tướng nó sắp chết rồi. “Toa” đụng nhẹ vào nó là nó chết. Phiền lắm đó. Mà tướng “moa” hôm nay ra đường bị người chửi. “Toa” mà đánh nó thì “toa” bị tù còn “moa” thì chưa trả được nghiệp. Hai bác cháu mặc kệ người kia, tiếp tục ăn. Lát sau tên kia bỏ ra khỏi tiệm. Ăn xong khi ra về thì thấy bên kia đường nhiều người đang xúm lại xem có người bị tai nạn xe. Hai bác cháu đến gần xem thì tên lúc nãy đã bị xe đụng chế .
TÀI LIỆU CỦA ÔNG TRẦN XUÂN KÍNH
Thuở xa xưa, tôi chưa được hân hạnh biết Cụ Diễn, nhưng song thân tôi đã biết Cụ thật nhiều. Ở đây tôi chỉ nói ra những chuyện mà Cụ Diễn tiên tri, nghĩa là Cụ đoán trước khi chuyện xẩy ra. Cụ không phải là “Thày Bói” như một số người hiểu lầm. Cụ nhìn người ta, thấy được điều hay, điều dở. Nếu là người được Cụ xem cho thì Cụ sẽ nói cho biết một cách trung thực mà không né tránh vì Cụ không sợ mất lòng, tin hay không tin Cụ không cần biết.
Chết Vì Thuốc
Tôi được biết Cụ Diễn qua Hoàng Trọng Q., anh em đồng hao của tôi. Một hôm vợ tôi đến nhà anh Q. chơi thì gặp Cụ tại đó. Vừa trông thấy vợ tôi, sau khi chào lại vợ tôi, Cụ nói ngay: Chị này may quá, suýt chết vì thuốc! Không ai biết trừ vợ chồng chúng tôi là cách đây hơn một tuần vợ tôi nghe lời người ta đi đến một bà “Lang Băm”, lấy thuốc về uống để trục thai. (Chúng tôi đã có sáu đứa con, nên vợ tôi không muốn đẻ thêm nữa). Thuốc làm cho vợ tôi băng huyết, nếu không có Bác Sĩ Đặng Văn H. cứu cho thì chắc đã mất mạng rồi.
Phải Xa Ngay Thằng Có Tướng Sát Nhân Đo
. . . Trong thời gian làm việc ở Trung Tâm Nhu Đạo Phủ Tổng Thống, tôi có biết một quân nhân gác cổng Dinh Độc Lập. Anh này là một binh sĩ quân dịch. Ngày ngày có một nữ sinh trường Marie Curie đi học về (nhà trên đường Alexandre Rhode, xế cổng Dinh). Anh lính đem lòng thương cô nữ sinh. Nhưng cô này nhất định cự tuyệt. Một buổi chiều, anh ta theo dõi và biết cô này về nhà bà con ở đường Tự Đức, Đa-Kao chơi. Anh ta đón đường để hỏi cô (lần chót) là cô có bằng lòng lấy anh ta không. Chắc cô này vẫn cự tuyệt nên anh ta rút súng bắn chết cô. Bắn xong anh ta về Phủ đầu thú rồi bị giam vào quan lao.
Mặt mũi anh ta hiền lành, con nhà khá giả, có học mà lại dám cầm súng giết người. Một hôm tôi lấy tấm ảnh của anh ta ở quân bạ. Tôi đem đến hỏi Cụ: Cháu định chọn cậu bé này làm trưởng tràng cho lớp Nhu Đạo của Cháu, Cụ thấy có được không? Cụ cầm tấm hình xem và ngay lập tức Cụ nói: Ấy chớ, xa ngay, xa ngay, thằng này có tướng sát nhân đó. Tôi không dám nói gì vì sợ Cụ giận. Thành tâm mà nói, tôi rất cảm phục Cụ.
Dinh Độc Lập Sẽ Bình Địa
Một hôm Cụ đang ở nhà anh Hoàng Trọng Q., anh đồng hao của tôi, cùng với một vài người bạn và học trò của Cụ, thì có người hỏi: “Mấy năm trước Tiên Sinh có nói là Dinh Độc Lập sẽ bị sập thì bây giờ đúng như vậy (hai phi công Nguyễn văn Cử và Phạm phú Quốc bỏ bom làm sập cánh trái của dinh).” Cụ trả lời: “Còn nữa, phải bình địa cơ.” Mọi người ngạc nhiên vì Dinh sừng sững như vậy làm sao mà bình địa được. Thế mà sang Đệ Nhị Cộng Hòa thì dinh bị phá đi hoàn toàn để xây lại.
Ra Khỏi Quân Đội Mà Còn Mặc Quần Áo Lính Là Chết
Cháu ngoại ông Phán C. ở Hải Dương là cô Diệu H., Dược sĩ, mở tiệm thuốc tây tại Đa Kao, Sài-gòn. Cô H. ngoài 30 tuổi mới lấy chồng. Chồng là Đại úy B. Gia đình  bên vợ của Đại Úy B. đưa ông đến nhờ Cụ Diễn coi tướng. Sau khi xem cho Đại Úy B. một vài chuyện, Cụ khuyên: Điều tôi sắp dặn đây là hết sức quan trọng vì nó liên quan tới mạng sống của anh. Từ nay trở đi khi đi công tác xa, nhớ không bao giờ được măc quần áo màu kaki vàng. Nếu không thì sẽ có họa chết cháy đó. Nhớ kỹ nhá. Đại Úy B. thưa với Cụ là cháu ở trong nhà binh nên làm sao tránh mặc màu kaki vàng được. Cụ nói: Khi còn ở nhà binh thì không sao, chỉ khi nào sang dân sự thì mới phải tránh. Sau đó ít lâu thì Đại Úy B. nhận làm Công Cán Ủy Viên cho Ông Nguyễn tất Ư.,  Bộ Trưởng Bộ Phát Triển Nông Thôn.  Đại Úy B. và vợ là Dược Sĩ Diệu H. tin theo rất kỹ lời khuyên của Cụ, tuyệt đối không xử dụng những gì màu vàng, từ quần áo cho tới ngay cả nhẫn cưới màu vàng ông cũng không đeo. Khi đi làm, ông mặc thường phục. Một hôm ông phải tháp tùng ông Bộ Trưởng đi ra Quảng Ngãi dự lễ mãn khóa cho các cán bộ Xây Dựng Nông Thôn. Ông quên lời dặn của Cụ Diễn, nên ông đã mặc quân phục đại lễ bằng kaki “gabardine”. Sau buổi lễ, phái đoàn ra về trên chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam. Máy bay vừa cất cánh thì bị bắn sẻ, bốc cháy. Phi hành đoàn với phi công trưởng Lưu đức C., nữ tiếp viên phi hành Công Tằng Tôn Nữ D.T. và toàn thể phái đoàn Chính Phủ đều tử nạn, trong đó có Đại Úy B. bị chết cháy.
Không Có Nghiệp Chết Dữ Thì Không Thể Chết Dữ
Tôi có cô em vợ, hồi đó có rất nhiều người ngấp nghé. Cụ Diễn rất thương và quí cô. Năm đó cô còn là sinh viên năm thứ hai Dược. Trong những điều về cuộc đời cô, điểm chính là sau này cô sẽ không làm Dược sĩ mà sẽ làm một nghề “đi mây, về gió như đi chợ”. Mọi người sợ quá, tưởng rằng Cụ bảo cô ấy sau này sẽ nghiện hút thuốc phiện. Cụ cười và nói tiếp: Cô này hên lắm, cứ yên trí, cô sẽ đi ngoại quốc như đi chợ và dĩ nhiên là phải “đi mây về gió” chứ đi bộ đâu có được. Cô cũng chỉ nghe và biết vậy. Ở Việt Nam thời đó được đi ngoại quốc khó khăn lắm mà mình thì không thuộc loại con ông cháu cha. Chỉ là giấc mơ thôi. Chẳng hiểu vì lý do gì, cô thôi học Dược, dự thi tuyển và đậu vào làm Tiếp Viên Phi Hành cho Hàng Không Việt Nam. Cô được bay đường bay quốc ngoại, nên được đi ngoại quốc như đi chợ. Nhưng máy bay của Hàng Không Việt Nam bị tai nạn khá nhiều. Cô em vợ tôi và gia đình đều thấy nghề quá nguy hiểm. Cụ bảo: Cứ yên tâm, Cô không có tướng chết vì tai nạn máy bay. Có một lần, đáng lẽ cô phải đi bay, nhưng có việc bận ở nhà nên một cô đàn em đi thế. Chuyện bay thế cho nhau là chuyện hàng ngày giữa các cô Tiếp Viên Phi Hành. Không may chuyến ấy bị không tặc và tất cả mọi người trên chuyến bay đó đều tử nạn hết. Cô em tôi bị hốt hoảng mất mấy ngày liền.
Đất Này Xấu Lắm
Cô em tôi phải nói là tuyệt đối nghe lời Cụ Diễn. Khi cô mua một miếng đất ở trong Tân Sơn Nhất, cô mời cả hai Cụ Dương Thái Ban và Cụ Diễn vào để xem hộ. Cụ Ban hỏi ý kiến Cụ Diễn. Cụ Diễn nói: Đất này xấu lắm. Không nên ở chỗ này. Sau này những người ở đây toàn là loại dữ hơn quỉ dữ. Nhưng cô em vợ tôi rất thích miếng đất này vì đi làm gần, xây toàn biệt thự, những người ở đây hầu hết là dân Không Quân biệt phái sang bay cho Hàng Không Việt Nam. Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cũng ở trong này. Cô nài nỉ xin hai Cụ chỉ cho cách chữa để có thể ở được. Theo lời chỉ dạy của hai Cụ, nhà của Cô em vợ tôi phải quay mặt vào trong thay vì quay ra mặt đường như những nhà khac.
Một lần khác, Cô em vợ tôi lại thoát nạn máy bay một lần nữa. Trước khi tai nạn máy bay xảy ra, cô và một cô bạn tên Ng. cũng là Tiếp Viên Phi Hành đi du lịch Âu Châu với nhau. Khi về lại Việt Nam được ít lâu, một hôm cô em vợ tôi có mời một người bạn tên TQQ sắp đi tu nghiệp Hoa Kỳ đến ăn cơm tối. Người bạn này la một đệ tử đắc ý của Cu Diễn (Cụ đã qua đời 5 tháng trước). Vì cùng là chỗ thân tình với Cụ, anh bạn mặc dù rất bận nhưng cũng nhận lời đến ăn, nhưng phải ăn vào 5 giờ chiều (ngày 13 tháng Chín năm 1974). Vào ngày đó thì cô em vợ tôi đến phiên phải đi bay và sẽ về không kịp. Sáng sớm hôm 13, cô vào sở để xin đổi thì không được. Sắp sửa chuẩn bị về nhà lấy đồ để đi bay thì cô Ng. vào. Hai người nói chuyện với nhau, Cô Ng. nhận đi bay thế cho cô em vợ tôi. Đúng lúc mọi người sắp ăn cơm thì có tin động trời là máy bay bị nạn nổ tung ở trên trời. Về sau được biết là cô Ng. ở gần nhà anh TQQ và trong tuần lễ trước khi gặp nạn đã đến xin anh Q. xem. Nhưng cô đã đến ba lần và cả ba lần chờ đợi đến khuya mà đều không có duyên được gặp.
Tránh Hạn Chết
Trong thời gian Cụ Diễn hay đến nhà ông D. vì ông này thờ Cửu Thiên Huyền Mẫu. Cả gia đình nhà vợ tôi và vợ chồng tôi cũng đều đến lễ. Có một lần Cụ bảo tôi: Tướng “toi” sắc diện xấu lắm, nên đến Mẫu để Ngài cứu cho. Một hôm, sau buổi lễ, tôi xin Cụ xem lại hộ cho. Cụ bảo: Hạn của “toi” nặng lắm, có thể mất mạng về súng đạn. Cụ chỉ cho tôi cách chữa hạn như sau: Vào các ngày Âm Lịch 3, 6, 9, 13, 16, 19, 23, 26, 29 phải ăn riêng, ngủ riêng, chiều chiều vào một nghĩa trang nào đó, tìm một ngôi mộ của một thiếu nữ chết trẻ, mua đồ ăn như tôm khô, mực khô, củ kiệu, la-de, rồi mời người chết ra cùng ăn uống với mình. Sau đó thì kể lể tâm sự và xin cô ta giúp cứu mạng cho. Chợt Cụ nhìn thấy tôi đeo ở ngón tay út một chiếc nhẫn màu xanh, Cụ bảo tôi phải bỏ ngay chiếc nhẫn xanh đi và đi mua ngay một nhẫn màu đỏ tươi (ruby) và đeo vào ngón tay đeo nhẫn. Tôi phải nghe theo Cụ mặc dù đây là chiếc nhẫn do bố tôi để lại cho tôi. Khi Cụ  nhìn thấy trên cổ tôi
có đeo một cái móng chân heo rừng để kỵ tai họa về hỏa. Cụ bảo tôi nhờ cô em vợ (Tiếp Viên Phi Hành) đem cái móng heo đi qua đại dương đủ 9 lần thì khi đeo sẽ bớt hạn đi. Tính “toi” nóng nẩy lắm.  Moa muốn dặn toa là từ trong nhà ra tới ngoài đường, không được gây gổ với bất cứ ai, nếu người ta đánh toa cũng cứ để cho người ta đánh, tuyệt đối không được phản kháng lại. Làm trái lại lời moa dặn thì tai họa không lường được, có khi mất mạng đấy. Tôi sững sờ. Tạ ơn Cụ xong, trên đường ra về tôi ôn lại từng lời dặn của Cụ. Tôi thay nhẫn, nhờ cô em vợ giữ hộ nanh heo rừng để đem qua đại dương. Mua đồ ăn và rượu vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi tìm đến mộ của Cô Ng. mới bị tử nạn máy bay Hàng Không Việt Nam, bạn của cô em vợ tôi mà tôi cũng có quen. Ngày tháng trôi qua, mọi sự vẫn được bình yên. Tôi đã hơi vững dạ một chút. Một hôm đi lễ Mẫu, gặp Cụ. Cụ nhìn tôi, lắc đầu rồi chép miệng nói là sắc diện tôi tuy có hơi sáng lên nhưng họa lớn vẫn còn. Cụ bảo: Nghiệp, Nghiệp toa ạ! Cứ tiếp tục việc moa dặn, đừng quên. Đúng như Cụ nói, họa đã xẩy ra cho tôi. Một hôm tôi đi đánh “tennis” về, đang mệt thì một chú em đến rủ đi phố chơi. Tôi bảo đang mệt thì chú ấy đề nghị đưa tôi vào (xin không nêu tên) để tắm hơi và đấm bóp. Tôi nhận lời ngay. Tôi và chú em vào phòng tắm. Chú em tôi mở hơi ra cho khỏe. Cùng lúc đó có một người khác cũng vào phòng. Tên này người bé nhỏ. Hắn mở hơi hết cỡ. Chịu không nổi, chú em tôi ra vặn bớt lại. Thế là hai bên cãi nhau, rồi đấm đá nhau. Tôi đứng dậy can. Tên kia tưởng tôi về hùa với chú em tôi, hắn nhẩy lên định đấm vào mặt tôi. Đấm hụt, hắn chạy ra ngoài, lấy khẩu súng Colt 45 rồi vừa quay vào phòng tắm vừa la hét đồng bọn. Thế là một toán lính Nhẩy Dù rần rần chạy xuống, vừa chạy vừa hỏi: Đứa nào đánh Đại Úy? Chúng bao vây lấy hai anh em tôi. Tên Đại Úy dí súng vào màng tang tôi và nói: Thằng này. Thế là chúng túm lấy tôi, thằng khóa tay, thằng đánh, thằng lấy súng đâm xoáy vào người tôi. Tôi chợt nhớ lại lời Cụ Diễn nên đứng yên chịu đòn. Mà thực ra lúc đó tôi cũng chẳng làm gì được. Một mặt thì bị khóa tay, một mặt thì tên Đại Úy chĩa súng vào màng tang tôi mà súng thì đã lên đạn. Chợt có tiếng quát: Chúng mày ”đục” ai đó? Tôi ngửng mặt lên, thì người vừa quát nhận ra tôi và tôi cũng nhận ra người này, một Thiếu Tá Nhẩy Dù mà tôi đã quen biết từ lâu. Thiếu tá T. nói: Chúng mày đánh nhầm người nhà rồi! Mau buông ra và xin lỗi đi. Thiếu tá T. nói với tôi là không hiểu sao mà tôi có thể kiên nhẫn để cho tụi “nhóc” nó hỗn như vậy. Nếu tôi ra tay thì cũng phải một vài tên mất mạng. Mà chắc là mạng anh em tôi cũng chả còn. Mấy tên này vừa mới ở mặt trận về, đi uống rượu say đến độ mất cả sáng suốt rồi, còn biết gì nữa đâu. Thiếu Tá T. bảo mọi người cùng lên lầu, gọi một chai Remy Martin để tạ lỗi.
Lấy Người Mũi To Như Mũi Tướng De Gaule
Gia đình tôi có thể nói là tin Cụ một cách tuyệt đối. Cô em vợ tôi có nhiều người ngấm nghé, nhưng trên ba mươi tuổi rồi vẫn chưa có bạn trai. Lúc còn đi học thì khi đi học về là ở nhà, khi đi làm rồi thì không đi làm thì chỉ ở nhà, trồng cây, trồng hoa, sửa sang nhà cửa. Có lần cô hỏi Cụ Diễn về hình dáng người chồng tương lai. Cụ vừa cười vừa nói: “Chồng cô sau này sẽ là một chàng có mũi to như mũi Tướng De Gaule.”  Sau đó thì cô em vợ tôi tiếp tục cuộc sống độc thân. Tháng Tư 1975 thì cô em tôi và một số người bên nhà vợ tôi di tản sang Hoa Kỳ. Gia đình tôi kẹt lại Sài-gòn. Khi tôi sang Hoa Kỳ theo diện HO thì quả thực thấy chồng của cô em vợ tôi có cái mũi của Tướng De Gaule thật. Anh chàng em đồng hao của tôi chính là TQQ, một đệ tử của Cụ Diễn mà hồi còn ở Sài-gòn chúng tôi không ai nghĩ là sẽ lấy cô em vợ tôi. Chúng tôi lại có dịp phục Cụ Diễn sát đất.
TÀI LIỆU CỦA KỸ SƯ NGUYỄN PHƯỚC BỬU HẠP Buổi Gặp Gỡ Đầu Tiên Với Cu
Nhân một bữa tiệc tại nhà một người bạn, tôi có gặp ông TTN. Ông N. giới thiệu với tôi ông là Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Nha Trang. Sau một vài câu chuyện ông N. cho tôi biết là tôi với ông có liên hệ họ hàng. Mấy ngày sau đó ông N. có đến thăm tôi và cho biết ông có quen Cụ Ngô Hùng Diễn, một người nổi tiếng về Tướng. Ông N. khuyên tôi nên gặp Cụ, nhất là tôi lại là người làm ăn. Cụ có thể là một “Quân Sư” rất hữu ích. Tôi cho đến lúc đó chưa bao giờ xem Tướng Số, nên không biết Tướng Số là gì. Tôi nói với Ông N. là tôi sẽ nhờ ông ấy đưa tôi đến gặp Cụ Diễn. Năm 1960-61, khi tôi đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ về thì ông N. đã đưa tôi đến gặp Cụ Diễn lần đầu tiên. Hôm đó, ngay từ 7 giờ sáng, Ông N. đã đưa tôi và nhà tôi đến gặp Cụ tại nhà
Cụ ở trong hẻm đường Hiền Vương, đối diện với đền thờ Đức Thánh Trần. Ông N. gõ cửa. Cụ bà Diễn thấy Ông N. thì chống tấm phên dùng làm cửa chính rồi bảo mọi người vào trong nhà. Cụ Diễn thì đang nằm trên một cái sập (gỗ) có chăng màn, mùng để chống muỗi. Cụ nằm quay mặt vào tường, lưng quay về phía chúng tôi. Thấy có người vào, Cụ quay đầu ra nhìn chúng tôi. Ông N. và vợ chồng tôi chào Cụ, Cụ nói gì không rõ xong lại quay đầu vào ngủ tiếp. Chúng tôi ngồi chờ đến gần 9 giờ, Cụ vẫn ngủ nên chúng tôi xin cáo từ và hẹn sáng sớm ngày mai sẽ trở lại. Sáng hôm sau, cũng vào khoảng 7 giờ sáng, Ông N. lại đến để cùng đi đến nhà Cụ với vợ chồng chúng tôi. Khi chúng tôi vào nhà thì Cụ vẫn còn ngủ. Cụ quay đầu ra nhìn thấy chúng tôi thì không quay đầu vào trong để ngủ tiếp nữa mà bước xuống sập, vào nhà tắm rất lâu. Trở ra Cụ gặp chúng tôi Cụ bảo Cụ bà cho pha trà mời khách. Trong khi Cụ tắm thì ông N. đã gấp chăn, màn, . . . lại rồi đưa hết cả vào nhà trong. Ông N. có vẻ thân tình với gia đình Cụ lắm.
Cụ nhìn tôi (rất chớp nhoáng), rồi vừa pha trà, vừa nói: Tiên sinh đây đã chịu khó đến thăm tiểu đệ, thì xin nói ra ba điều. Nếu thấy đúng thì là cái duyên gì với nhau đây, chúng mình sẽ lại có dịp gặp nhau, nói chuyện với nhau nhiều hơn. Còn như nếu tôi nói sai (Cụ vừa cười vừa nói), nói sai là thường nhé, có gì mà thẹn phải không bác N., thì thôi vậy.”
1.   Câu thứ nhất: Tôi thấy nhà tiên sinh đây có vườn cả sân trước lẫn sân sau, cây cối xanh um tùm.
2.   Câu thứ hai: Tiên sinh đây là con đầu của bà thứ.
3.   Câu thứ ba: Hiện tiên sinh đang đau xương lưng
Cụ tiếp: Ở Sài-gòn mà nhà có cây cối um tùm vườn trước vườn sau như nhà tiên sinh thì kể cũng là lạ lắm. Tôi thưa với Cụ là cả ba câu Cụ dạy đều đúng cả. Về nhà ở thì quả thực nhà có sân trước, sân sau và có rất nhiều cây. Ba tôi có nhiều vợ, tôi là con đầu của bà vợ thứ ba của ba tôi. Còn chuyện đau lưng của tôi thì đã xẩy ra từ khi tôi mới 9-10 tuổi. Tôi leo cây đu đủ hái quả, cây gẫy ngang làm tôi ngã ngửa ra sau, bị ngất đi, khi tỉnh dậy thì từ đó là lưng đau luôn. Nhất là khi nào làm việc gì cần phải dùng tới lưng để kéo. Tôi đã tìm thày, tìm thuốc trong nhiều năm nhưng vẫn không khỏi. Ngay cả khi tôi có dịp đi ra ngoại quốc. Cho đến mãi năm 1960, một Bác Sĩ ở bệnh viện Grall chỉ cho cách làm “physical therapy” thì mới đỡ đau đôi chút.
Sau một hồi trò chuyện, Cụ bảo: Tôi có một chuyện nho nhỏ nữa muốn nói với tiên sinh cho vui. Tiên sinh có rất nhiều anh, em trai học giỏi, làm lớn, nhưng chỉ có một mình tiên sinh là người có bằng Đại Học. Điều Cụ nói đúng như vậy. Tôi có năm anh em trai, một chết sớm, một làm Tri phủ, một làm Thanh tra Quan thuế và em út tôi làm Sĩ quan Không quân. Chỉ một mình tôi là cố học cho tới khi có bằng đại học.
Từ sau buổi gặp gỡ này Cụ thương vợ chồng chúng tôi lắm. Cứ mỗi thứ Năm, chúng tôi lại lên đón Cụ lên nhà, dùng cơm trưa, rồi ở lại cho tới tối mới về. Thường bữa tối thì chúng tôi đưa Cụ ra ăn cơm ngoài, rồi ông N. thay chúng tôi đưa Cụ đi xem hát Bội tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Cụ bảo ông N. là cánh hát Bội họ vẽ mặt, cũng như ra vai người trung, kẻ nịnh, người oai phong, kẻ hèn nhát đúng như tướng vay.
Thượng Lộ Mai Thi
Một hôm tôi đưa Cụ Diễn đi xem Ciné Rex gặp em họ của chúng tôi là Chị Ng., Cụ nói với tôi: Tội nghiệp bà ấy, người đẹp thế mà lại chết non.  Tôi hỏi Cụ tại sao vậy thì Cụ bảo vì “mắt lộ” thì thượng lộ mai thi (chết đường). Sau này chị có qua tị nạn tại Hoa Kỳ. Nhưng khi qua Hòa Lan thăm con trai thì bị nạn chết tại bên đó năm 53 tuổi.
Tên “Ba Cá”
Anh H. là bạn học cũ của tôi. Chị H. nghe tiếng Cụ Diễn, nhưng không biết nhờ ai để giúp xin cho gặp Cụ. Khi biết chúng tôi quen biết Cụ thì chị năn nỉ chúng tôi. Một hôm chị H. lên nhà tôi một cách bất ngờ. Chị năn nỉ cho chị vào gặp Cụ một chút thôi. Nếu Cụ không muốn xem thì chị hứa là sẽ không kèo nài làm phiền Cụ. Chúng tôi cũng thông cảm với chị vì nghĩ rằng chắc chị phải có chuyện gì quan trọng chứ hàng ngày chị là người rất ý tứ. Nhà tôi vào nói với Cụ mấy câu và được Cụ chấp thuận gặp chị H. ngay. Chị H. nói với nhà tôi ở lại trong phòng với chị để sau này nếu chị quên gì thì nhắc nhở chị. Thoáng trông chị, đợi chị ngồi xuống xong, Cụ nói ngay (Cụ hơi bị nói lắp): Xin, xin, xin lỗi bà nhé. Sao bà không tống khứ cái thằng đốn mạt đó đi. Còn để nó đeo đuổi bà thì đời bà còn nhiều khổ tâm, oan nghiệp lắm.  Chị H. vừa nghe xong thì bật lên khóc và nói: Thưa Cụ, cháu khổ với người này nhiều lắm rồi, đã nhiều lần cháu tránh nhưng người này không tha cháu. Xin Cụ chỉ cho cháu phải làm sao bây giờ. Cụ nói: Tôi chỉ biết có thế thôi, chuyện này phải tự  bà quyết tâm giải quyết, không có ai giúp bà được đâu. Người đàn ông này tên là Ba Cá, một tên rất đểu cáng, sở khanh. Ở Sài-gòn nhiều bà tử tế, có tiền, địa vị đã tán gia, bại sản vì hắn. Khi sang đến Hoa Kỳ, tên này vẫn theo đuổi chị H., sách nhiễu Chị để làm tiền. Hắn chỉ đành phải bỏ chị khi các con chị biết chuyện, đứng ra cho hắn một trận nên thân.
Phải Xa Nhau 10 Năm Thì Chồng Mới Không Chết Non
Tôi có người cháu gái gọi tôi bằng cậu. Cha cô này là ông BHT làm Chủ Tịch Viện Giám Sát. Cô cháu gái tôi tên là BTBT, đậu Dược sĩ, chồng là Bác Sĩ TTC, Giáo sư trường Đại học Y-khoa Huế. Hai vợ chồng làm việc tại Huế. Khi vào Sài-gòn thường ghé thăm chúng tôi. Một hôm may mắn gặp được Cụ đang dùng cơm trưa tại nhà chúng tôi. Hai cháu tôi mọi sự đều bình an nên không có điều gì để hỏi Cụ. Cụ có ngửng lên nhìn hai cháu khi chúng chào Cụ. Khi chúng về Cụ nói với tôi: Nếu có phước thì hy vọng sẽ có chuyện xẩy ra để hai người này xa nhau độ 10 năm thì tốt lắm. Nếu không thì anh chồng chắc sẽ chết non.  Năm 1974 Bác Sĩ C. được Viện Đại Học Huế gửi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ hai năm. Biến cố 1975 làm hai vợ chồng cháu tôi phải xa nhau cho mãi tới năm 1985 vợ và con mới sang đoàn tụ. Thế là gần tròn 11 nam.
Chuyện Nhỏ Mà Hậu Quả Lớn
Bác Sĩ TTC có người anh là TTH, Dược sĩ, là dân biểu Quốc Hội, đơn vị Quảng Trị, có 6 con và rất giàu có. Một hôm có người quen xin Cụ Diễn xem hộ cho anh H., Cụ nhìn qua vợ chồng anh H., Cụ bảo: “Ông bà hiện có cơ nghiệp làm ăn buôn bán lớn ở ngoài đó (Quảng Trị) thì nên thanh toán, bán hết đi. Năm đó là 1967. Căn nhà ông bà đang ở trong hẻm, không tốt, cũng nên bán đi để mua một căn ngoài mặt đường mà ở.” Chưa làm được như lời Cụ dạy, qua năm sau, 1968, Tết Mậu Thân, Quảng Trị đã thành bình địa. Tiệm thuốc và kho thuốc của anh chị H. đều trở thành tro bụi. Đến năm 1975, Anh Chị H. chỉ kịp gửi được 4 đứa con lớn đi di tản, tới được Hoa Kỳ. Nhờ Bác sĩ C. nuôi nấng đều đỗ đạt, thành tài. Hai ông bà H. sau đó vượt biên với 2 đứa con nhỏ, tầu chìm chết hết. Theo lời Cụ dạy, Anh Chị H. cần phải đổi nhà, chấm dứt chuyện làm ăn đang thành công thì mới tránh được những chuyện không may, nhưng tiếc anh chị đã không làm kịp. Anh chị có thể vì lý do làm ăn đang phát tài nên đã chậm trễ trong việc bán tiệm thuốc và kho thuốc ở Quảng Trị, việc này đã đưa tới mất hết tài sản không còn tiền để đổi nhà ra mặt đường và kết quả là chết cả hai vợ chồng và hai đứa con. Chuyện nhỏ mà hậu quả lớn quá!
Ông Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi
Một hôm anh Đại Tá CVS đến nhà tôi thăm Cụ và có dẫn một người bạn cũng ở trong nhà binh. Lúc đó Cụ đang ngủ nên tôi mời hai người ngồi chờ ở phòng khách. Trong buồng ngủ Cụ nghe tiếng anh S., Cụ bước ra mời cả hai người vào. Mọi người chưa kịp ngồi vào chỗ, Cụ đã nói: Tiên sinh đây làm ơn để ý mấy điều tôi dặn nhé. Khi rời khỏi đây tiên sinh nên tìm thuê ngay một chỗ ở xa Sài-gòn, thí dụ vùng Thủ Đức hay Biên Hòa cũng được. Tiên sinh nên chọn căn phòng nào càng vắng, càng tối tăm, âm u càng tốt, không điện thoại mà ở. Không được nói chuyện với ai. Tiên sinh đến đó ở một mình trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Không mở đèn, không đọc sách, không làm việc gì gây tiếng động. Tuyệt đối không cho vợ, con cái hay bạn bè biết mình ở đâu. Nếu phạm vào một điều trong số những điều tôi dặn dò thì coi như hỏng hết. Nếu làm được như tôi chỉ thì hai hôm sau tiên sinh ghé lại đây chơi để mình nói chuyện tiếp. Hai ngày sau, anh S. và người bạn trở lại nhà tôi để gặp Cụ. Cụ quan sát người bạn anh S. rất kỹ lưỡng, rồi nói: Tiên sinh hãy về ở cái phòng đó thêm hai ngày đêm nữa.  Hai ngày nữa tiên sinh đến đây mình nói chuyện tiếp. Hai ngày sau đó người bạn của anh S. trở lại. Cụ lại cũng quan sát rất cẩn thận, chậm rãi Cụ nói: Khá lắm, khá lắm. Tiên sinh cứ về đi. Sau khi mọi chuyện êm đẹp, mời tiên sinh ghé chơi, mình sẽ nói chuyện tiếp.  Tối đó tôi mời Cu, anh S. đi ăn tối. Cụ bảo anh S.: Ông bạn của “toa” đang bị hàm oan. Có thể thân bại, danh liệt và có thể bị tù tội nữa đấy. Moa đã “bắt” Ông ta “đi tù” hai lần rồi đó.” Cụ vừa nói xong thì anh S. giật mình và tiếp lời Cụ: Thưa Cụ, đúng như Cụ nói. Sao Cụ biết rõ thế thật là huyền diệu. Anh bạn cháu là một Đại Tá. Ông ấy đang làm Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi. Anh đang bị đưa ra tòa vì bị một cô thư ký tố cáo là đã hãm hiếp cô ta. Ông ta nằm trong một âm mưu của một người có thế lực khác. Có người muốn cái chức Tỉnh Trưởng của ông ta. Nếu bị kết án thì sẽ mất hết đúng như Cụ dạy mà chắc chắn sẽ bị tù. Hai tháng sau, tòa xử và ông bạn anh S. được minh oan. Tuy vậy, ông này cũng bị quân đội cho về hưu non. Tôi hỏi Cụ tại sao Cụ lại chịu mất nhiều thì giờ cho ông Đại Tá này thế. Cụ bảo: Ở trong phòng mới nghe giọng nói của ông ta, “moa” biết ông ấy là người “không đến nỗi nào”, nên “moa” muốn giup.
Tướng Có Tai “Vểnh”
Hôm nay, Ông Nh. và tôi đưa Cụ xem một tờ baó có đang hình cuả 30 Đại Tá “có thể” sẽ đươc vinh thăng Chuẩn Tướng.  Nhìn qua 30 tấm hình, Cụ baỏ: Có tới 10 anh sẽ chẳng bao giờ lên được cấpTướng. Tôi hỏi Cụ làm sao Cụ có thể nói như thế khi chỉ nhìn vaò nhưng bức ảnh mù mờ như thế naỳ. Cụ baỏ: Tôi cứ xem anh naò có tai “vểnh” thì biết” ngay anh naỳ khó mà lênTướng. Tai vểnh là phá cách. Tướng là cấp bậc cao nhất cuả quân đội cho nên bị phá cách thì làm sao mà lên đươc .  Ngòai ra  người có tai vểnh còn có nghĩa là người yếu bóng vía, hèn nhát. Như thế thì người có tướng naỳ cũng khó lên Tướng lắm. Mấy hôm sau Ông Nh. đưa Tuần Baó Quân Đội cho Cụ xem. Quả thật chỉ có 19 người được lên Tướng, còn 11 người kia không biết về sau có ai lên Tướng không.
Nhà Nghỉ Mát Của Tổng Thống Nixon
Tổng  Thống Nixon chọn một căn nhà ở vùng Oceanside, Tiểu bang California để làm nơi nghỉ ngơi. Căn nhà naỳ rất lớn, nhưng kiến trúc rất kỳ dị, tổng cộng xung quanh nhà có nhiều cổng và cưả tò vò (hình bán nguyệt ). Nhà trông rất đẹp. Nhưng khi tôi đưa cho Cụ xem hình cuả nhà naỳ thì Cụ baỏ: Về Địa Lý thì căn nhà naỳ xấu lắm. Ở nhà naỳ có thể mất mạng.  Tôi có đem điều Cụ nói kể lai cho Bác Sĩ Hồ van Ph., một người quen biết nhiều nhân vật thuộc đảng Cộng Hòa cuả Hoa Kỳ. Tổng  Thống Nixon bị mất chức sau vụ Water Gate bùng nổ.
Tướng Chết Cháy
Ông Th. ở gần nhà tôi , thường qua chơi. Một hôm tình cờ gặp Cụ ở đây. Khi ông ta về, Cụ baỏ tôi : “Toa” baỏ cho ông Th. là đừng có gần lưả. Tôi cũng nói với ông Th. Điều Cụ dặn. Năm 1975, vợ chồng Th. không di tản, nghe nói vợ chồng quyết định không đi. Một hôm vợ làm bếp. Tự nhiên lưả từ trong bếp bùng lên (có lẽ cất xăng trong bếp).  Ông Th. chạy vaò bếp cưú vơ. Cả hai vợ chồng đều chết chaý cả. Chuyện xảy ra vaò năm 1985-86. Con gái lớn hiện đang sống ở Buena Park, California.
Tướng Xuất Ngoại
Vaò những năm 1935-40 rất nhiều người xin được xuất ngoại làm việc ở Tân Tây Lan, Nouvelle Guineé   ở Caledonia gần đaỏ Tahiti. Chính phủ Pháp hồi đó đã tuyển tới trên 50,000 người . Trai hay gái đều được chọn , miễn khoẻ mạnh và không có tiền án . Hồi đó Cụ đang làm cho Sở  Công an Hà nội nên Cụ phải theo dõi hồ sơ cuả những người naỳ . Trước khi Cụ trình lên Bác Sĩ khám , Cụ làm dấu riêng là được hay rớt kết quả phải nói là đúng tới gần 100%. Sở dĩ không hoàn toàn đúng là vì có những đưá chạy chọt để đi. Cũng tội nghiệp , những người không có số đi làm phu phen mà chay chọt để đi thì thường bệnh hoạn chết trước khi tới nơi. Tôi hỏi tai sao Cu lại thấy trước chính xác như vậy thì Cụ baỏ : Trước khi đến gặp Bác sĩ thì  phải cởi hết quần aó . Đối với người xem “tướng” thì chỉ nhìn “mặt ” thì có thể sai, chứ thấy được cả “mình  mẩy, tay, chân ” thì làm sao mà sai đươc . Điều naỳ đã được chứng minh đúng như vậy.
Tướng Vợ Quá Vượng
Sau ba năm Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ Tướng thì người Hoa Kỳ thấy Việt Nam cần một Thủ Tướng dân sự và có nhiều hiểu biết (có học). Lúc đó Tướng Nguyễn văn Thiệu vẫn làm Tổng Thống. Trong số  người được báo chí nói tới có Giáo Sư Thạc Sĩ Nguyễn văn B., Viện Trưởng Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi hỏi Cụ có biết Giáo Sư B. không? Thì Cụ nói là cách đây mấy tuần Cụ có gặp bà B. và Cụ thấy bà ấy “quá” vượng. Cụ giải thích cho tôi: “Vì bà ấy “quá” vượng cho nên nếu Ông B. mà làm Thủ Tướng  thì mới “xứng” với tướng “quá” vượng của bà ấy. Còn nếu không lên được Thủ Tướng trong những ngày gần đây thì chắc là phải “chết”. Không biết chết bằng cách nào đây.”  Ngay khi một nguồn tin có “thẩm quyền” tung ra tin Tướng Trần thiện Khiêm sẽ làm Thủ Tướng, thì có tin Giáo Sư B. bị ám sát bằng mìn chế .
Tướng Hát Bội
Tôi không bao giờ thấy Cụ nói điều gì xấu về Ông Thiệu (Tổng Thống). Tôi hỏi Cụ về một vài Tướng khác, để xem có ai bản lãnh để có thể khả dĩ thay thế được Tướng Thiệu. Cụ bảo tôi là Cụ chỉ nói tổng quát vui chơi thôi.
1.   Tướng Dương văn Minh: Anh này vô tài, không thể cứu nước được, đụng đâu, hư sự tới đó. Vứt đi.
2.   Tướng Nguyễn chánh Thi: Anh này “ngu”, không đầu óc. Vứt đi.
3    Tướng Hoàng xuân Lãm: Anh này ba phải. Không có lập trường. Cũng vất đi.
4.   Tướng Ngô quang Trưởng: Anh này mà được phương phi như Tướng Hoàng xuân Lãm thì may ra.
Người khô đét, mặt thâm tím, rượu chè hơi nhiều. Chỉ được cái trong sạch nhưng chưa phải là một tướng tài, chứ nói chi tới một nguyên thủ quốc gia.
5.   Tướng Nguyễn khoa Nam: Moa chưa được gặp.
6.   Tướng Nguyễn khắc Bình: Anh này thủ đoạn lắm, nhưng thủ đoạn để làm tiền. Mắt thì láo lia, láo lịa, gần như chủ của anh ta (Tướng Thiệu). Hèn.
7.   Tướng Nguyễn văn Toàn: Anh này được người cao ráo, nhưng mũi lại nhỏ. Không tài trí. Thủ đoạn thua Tướng Thiệu. Sách dép cho Thiệu.
Không thấy Cụ khen Tướng nào cả. Cụ nhận xét chung là từ trên xuống dưới toàn là tướng hát bội cả. Ngoài
Bắc cũng thế, trong Nam cũng chẳng ra gì. Nước mình không điêu đứng làm sao được.
Tổng Thống Gerald Ford
Mấy tháng trước ngày Cụ mất, báo Time có đăng hình của 4 nhân vât có thể được chọn làm Phó Tổng Thống Hoa Kỳ thay thế cho Ông Agnew bị buộc phải từ chức vì trốn thuế gì đó. Cụ chỉ vào hình của Ông Ford rồi nói: Anh này mà được làm Phó Tổng Thống thì sẽ lên thay Tổng Thống. Anh ta có số “đoạt” trưởng. Nhưng khổ cho mình. Nếu hắn lên làm Tổng Thống thì hắn sẽ bỏ rơi miền Nam mất thôi. Cụ nói đúng!
Việt Cộng Sẽ Nằm Ở Đây Này!
Tôi đã được 3 người có thể nói là nổi tiếng về Tử Vi xem cho. Đó là:
1.   Bà Huyện Đỏ, chị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, chồng làm Tri huyện Phù Mỹ, lúc đó ba tôi làm Tỉnh trưởng Bình Định;
2.   Ông Trần hữu Ích, bạn thân của tôi, ở đường Calmette;
3.   Ông Nguyễn bỉnh Tuyên, cháu nhiều đời sau của Cụ Trạng Nguyễn bỉnh Khiêm.
Cả ba lá số đều nói là trong khoảng từ 45 đến 53 tuổi thì nhà cửa của tôi sẽ cháy sạch. Vì cả ba lá số đều giống nhau ở điểm này nên tôi cũng tin một phần nào.
Khi ấy tôi đang làm Chủ Tịch công ty bảo hiểm Mekong Insurance nên tôi mua bảo hiểm cho tất cả bất động sản của tôi. Ngoài ra các bất động sản của tôi gồm nhiều cao ốc, nhưng không ở sát nhau, nên tôi cũng yên tâm vì khó có hỏa hoạn nào mà có thể cháy rụi tài sản của tôi được. Đến năm 1975, chạy ra nước ngoài, tài sản để lại hết, cũng coi như là tài sản bị “cháy” cùng một lúc vậy. Năm đó tôi 46 tuổi.
Cụ Diễn khi còn sống (Cụ mất tháng 4 năm 1974, một năm trước khi miền Nam thất thủ) Cụ vẫn thỉnh thoảng nhắc nhở tôi một cách nhẹ nhàng là tôi quen biết nhiều thì nên tìm cách đưa hết gia đình ra ngoại quốc đi. Cụ còn bảo tôi là phải coi tiền bạc và tài sản ở đây như không có.
Có lần cậu Phan Thanh T. (đã qua đời tại Pháp vào năm 2000), Giáo Sư trường Kỹ sư Công Chánh, con của Ông Bà Phan Kế T., một người bạn rất thân của Cụ, có hỏi Cụ: Bác thấy tình hình Việt Nam ra sao thì Cụ nói: Việt Cộng sẽ nằm ở đây này (Cụ chỉ cái giường Cụ đang ngồi) và súng nó sẽ để ở đây này (Cụ chỉ cái góc tường bên cạnh giường Cụ).
Tôi nhớ lời Cụ dặn nên quyết tâm tìm đường để đi ra ngoại quốc. Cái gì lo được thì lo, cái gì không tính toán được thì coi như bỏ. Nhờ vậy mà khi di tản vợ chồng tôi và 7 đứa con đều thoát được ra khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Gần Cụ tôi hiểu được thế nào là Duyên, là Nghiệp, thêm vào đó gia đình tôi lại con nhà Phật, nên tôi đã hiểu được hai chữ Vô Thường. Do đó, dù mất hết tài sản nhưng lòng tôi vẫn thanh tịnh, không buồn phiền. May mắn 7 đứa con của chúng tôi sau khi sang tới Hoa Kỳ đã chịu khó học hành, đã đỗ đạt, có công ăn, việc làm và bây giờ đều đã lập gia đình và con cái đẹp đẽ và ngoan ngoãn.
Phá Núi Châu Thới
Năm 1962 quân đội Mỹ dự định nới rộng phi trường Biên Hòa thành một phi trường cỡ quốc tế. Năm ấy tôi đang là kỹ sư đặc trách phi trường Tân Sơn Nhất. Vì công tác quá lớn lao nên Bộ Công Chánh lại cử tôi kiêm nhiệm thêm công tác này. Dự án đã do các kỹ sư Mỹ vẽ xong và ngân khoản lên tới cả trăm triệu Mỹ kim– tương đương với cả tỉ bây giờ.
Thời gian tôi còn làm cho Bộ Công Chánh, tôi đã làm rất nhiều tiền với hãng Eiffel và Dragages và xây biệt thự để bán. Vào năm 1962 tôi lại được cho về hưu non. Cho nên tôi rất miễn cưỡng nhận lệnh đi Biên Hòa.
Khi lên tới Biên Hòa công việc làm tôi suy nghĩ nữa là phải dời hàng ngàn ngôi mộ. Rất nhiều lăng mộ của các đại thần triều Nguyễn trong số những ngôi mộ này. Đứng tại vùng đồi núi này mà nhìn vào núi Châu Thới thì đẹp vô tả. Núi Châu Thới quả là cái bình phong thiên nhiên.
Núi Châu Thới đã bị cho nổ mìn lấy đá làm xa lộ Biên Hòa trong suốt mấy năm từ năm 1956 đến năm 1960. Bây giờ vì nhu cầu quân sự, cả ngàn ngôi mộ sẽ bị đào lên để đem chôn nơi khác. Đứng về mặt “Địa Lý”, tôi sợ sẽ bị “động” và có nhiều hậu quả không tốt.
Tôi xin Cụ đi với tôi lên Biên Hòa. Cụ bảo: Phá núi Châu Thới thì chắc chắn sẽ làm rung chuyển hết cả địa lý của vùng này. Chết thật, lại còn bao nhiêu gia đình đang có mộ “phát” sẽ phải chịu nhiều hậu quả khổ sở lắm đây. Cụ tiếp: Tôi cám ơn Ông đã đưa tôi lên đây để thấy một cảnh thiên nhiên đẹp như thế này. Tiếc thay, tất cả những cái này sớm chiều sẽ chẳng còn gì.  Tôi hỏi Cụ là hậu quả có thể như thế nào thì Cụ bảo: Hậu quả sẽ to lớn lắm chứ không phải chỉ những hậu quả cho con cháu của mấy ngôi mộ, ngôi lăng, . . . này đâu. Hậu quả có thể lớn lao và xa xôi hơn nhiều.  Tôi biết Cụ không muốn nói “rõ quá” về những hậu quả của việc làm này.
Năm sau, 1963, thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ông Nhu, Ông Cẩn đều bị chết thảm thương. Đức Cha Thục thì sống lầm than cho tới lúc chết và còn bao nhiêu chuyện cay đắng đến với gia đình Tổng Thống Diệm. Miền Nam thì chết chóc, đau thương cho mãi tới năm 1975 và còn sau hơn cả chục năm nữa.
Chuyện “Tóc Dán”
Một hôm tôi đang cùng Cu và Ông Nh. ăn cháo cá ở Chợ Cũ thì có một cô thư ký của Ngân hàng Nam Đô vào và ngồi ở bàn bên cạnh. Khi nhìn thấy tôi thì cô này đứng lên chào. Cô này rất xinh xắn, dễ thương và đặc biệt có mái tóc dài và đen mướt. Cụ hỏi tôi: Toa nhìn kỹ tóc của cô ấy xem có thấy cái gì lạ không. Tôi nhìn một lúc rồi trả lời Cụ là tôi chỉ thấy tóc cô ấy dài, mượt và đen. Cụ bảo: Tóc cô ấy thuộc loại tóc “dán”. Tội nghiệp người như vậy mà chết yểu đấy.  Cụ giảng cho tôi làm sao để nhìn ra thế nào là tóc dán. Sau này tôi cũng nhìn được một vài trường hợp tóc dán. Đàn ông cũng có tóc dán chứ không phải chỉ có đàn bà.
Nhà Động Như Nằm Trên Đầu Mấy Ngón Tay
Dạo đó vào khoảng năm 1960-61. Ông chủ hãng Bông Bạch Tuyết là chỗ quen biết muốn bán cho tôi hai lô đất trong sở đất của ông ta hiện đang có hãng bông gòn ở trên. Hai lô đất ở phía ngoài và nằm hai bên đường vào hãng bông. Lô phía Bắc lớn, lô phía Nam nhỏ hơn. Trong khi tôi đang làm giấy tờ mua hai lô đất thì ông Kỹ Sư “Xếp”của tôi muốn tôi nhường cho ông ta lô phía Bắc. Tôi đành phải chịu và chỉ còn lô nhỏ phía Nam. Ông Xếp tôi xây một căn biệt thự rất lớn. Còn tôi thì xây ba biệt thự nhỏ. Đến ngày 30 Tết ta thì tôi đã xong phần “bê tông” cho ba biệt thự của  tôi. Tôi cho ngừng công tác để đợi sang năm mới sẽ tiếp tục. Tiền đất và tiền bê-tông khoảng 2 triệu mỗi căn. Giá trị mỗi căn sau khi hoàn tất sẽ vào khoảng 6-7 triệu. Đúng đêm 30 Tết một anh bạn tôi tên Ngô Q. đến nhà chơi. Anh Q. là một chủ báo, thành công và rất giàu có. Anh bảo tôi anh muốn mua lại một căn biệt thự mà tôi đang xây. Anh muốn căn biệt thự ở phía ngoài cùng, căn này có hai mặt đường. Tôi bảo được rồi, xây xong tôi sẽ để cho anh một căn. Tôi nhắc lại là tôi chỉ bán cho anh một căn thôi và giá bán là 7 triệu. Anh Q. bảo: Tôi muốn làm giấy ngay bây giờ. Tôi trả anh 7 triệu và tôi sẽ tự xây lấy căn biệt thự của tôi theo ý tôi. Thấy tự nhiên được lời thêm gần 5 triệu đồng nên tôi do dự. Anh Q. tưởng tôi đổi ý, thúc tôi ký giấy hứa bán ngay đêm 30 Tết còn tiền bạc và các giấy tờ sang tên để sang năm mới sẽ làm nốt.
Ba tháng sau, bốn biệt thự mới đã cất xong hoàn toàn. Trước và sau hai biệt thự của tôi là hai biệt thự đẹp hơn và trông đồ sộ hơn hai cái biệt thự của tôi nhiều. Cái trước mặt là của ông Xếp tôi, cái đằng sau là của anh Q.  Một hôm nhân tiện có Cụ trên xe, tôi đưa Cụ vào xem mấy biệt thự này. Cụ lên sân thượng cả hai biệt thự của tôi để nhìn cho xa, rồi lại đi ra trước, rồi vòng ra sau để quan sát sang các biệt thự bên cạnh của anh Q. và của ông Xếp tôi. Thủng thẳng Cụ bảo tôi: Toa hên lắm. Nhà của toa như nằm trong lòng bàn tay, thật là vừa êm lại vừa ấm. Mấy căn nhà xung quanh nhà toa như nằm trên những ngón tay, nhúc nhích, động đậy cả. Không có căn nào ăn yên, ở yên được cả. Hỏng hết!
Ngày hôm sau tôi gặp anh Q. tôi nói lại với anh lời Cụ bảo. Anh Q. cũng quen với Cụ, nên anh vội chạy đến Cụ xin Cụ đến xem lại biệt thự của anh và giúp cho anh chữa. Khi tới nơi, Cụ hỏi: Nhà này tên ai? Anh Q. nói với Cụ nhà này tên anh chị ấy. Cụ đi quanh nhà, trong, ngoài rồi Cụ bảo anh Q.:
Nên đào một cái giếng phía sau nhà; Ở phòng khách nên làm trần cao gấp đôi chỗ khác rồi treo nhiều đèn thật đẹp, như pha-lê, ở đó;
2    Mặt tiền nhà nên sơn màu (vàng) đậm;
3    Xây bít cái cửa ra vào hiện giờ lại và trổ một cửa ra vào khác.
Ba tháng sau, mặc dầu đã sửa chữa theo ý Cụ, ông Cụ thân sinh ra anh Q. đã mất trong căn nhà này. Hôm đưa đám ma, Cụ Diễn có đi. Cụ hỏi lại chị Q.: Ai đứng tên căn nhà, miếng đất này?  Chị Q. thưa với Cụ là ba anh Q. – người vừa mất – vẫn còn đứng tên cả nhà lẫn miếng đất này. Cụ bảo: Chết chưa, ông cụ đã gần 70 tuổi rồi, cần gì phải sửa đổi gì cho phí tiền mà còn có hại nữa. Khổ thật! Còn nhà của ông Xếp tôi thì cho Mỹ thuê. Anh nào cũng chỉ ở ít tháng là lại bỏ đi. Chắc là nhà bị “động” xui khiến ra. Sau đó đem bán cũng không bán được.
Tướng Của Tôi
Quen biết Cụ cả mười mấy năm thỉnh thoảng Cụ nói cho vài câu. Có khi Cụ bảo tôi là tôi có “tướng” làm lớn, giàu có và sang. Cụ lại dặn là tôi chớ dính vào chính trị, dính vào sẽ mất mạng. Do đó mỗi khi có việc gì quan trọng và có vẻ dính vào chính trị tôi đều đem trình với Cụ. Khi Cụ thấy tôi cương quyết gạt bỏ mọi ý định dính vào chính trị thì Cụ tỏ ra rất vui mừng. Tôi biết điều này quan trọng lắm. Sau đây là tóm tắt những điều Cụ dặn chúng tôi:
1.     Tránh dùng người vừa lùn vừa đen. Nó đâm lén sau lưng mình. Nó xơi tái mình.
2    Tôi sẽ chết vì ngộp. Sau khi tới Mỹ năm 1975, chúng tôi có mở một chợ cá, trong đó có một tủ lạnh (freezer) lớn. Cánh cửa ra vào bị kẹt luôn, vào trong rồi lỡ mà vô ý đóng cửa thì có thể không mở ra được. Nhớ lời Cụ, tôi phải chận cửa với cây gỗ cẩn thận trước khi đóng cửa vì sợ chết ngộp.
3    Nên mặc áo màu nâu nhạt, màu lam, màu xanh nhạt, . . ., tuyệt đối tránh màu trắng.
4    Cụ khuyên tôi mỗi Chủ Nhật nên đi đánh cá ngựa. Nên đánh lớn. Đừng sợ thua. Thua thì cho thua.
Tôi thì rất ghét cá ngựa, nên đưa tiền nhờ một người bạn đánh hộ. Tính sổ lại tôi thua khá nhiều. Tôi không dám hỏi Cụ giải thích tại sao lại bắt tôi làm điều tôi không thích. Mãi sau này có người học trò của Cụ bật mí cho biết là vì tôi làm ăn đỏ quá.
5.   Nhà tôi ở nếu có sân cỏ ở trước mặt thì rất tốt. Nhà nếu quay về hướng Tây thì tốt.
6    Cụ bảo tôi là 7 đứa con của chúng tôi sẽ thành đạt hết. Chúng nó mặt mũi sáng sủa, khôi ngô, trông ra vẻ người sang trọng. Chúng sẽ khá mà cha mẹ chúng cũng sẽ khá. Cụ bảo: Cứ nhìn tướng con cái là đủ biết bố mẹ có khá không. Con cái mà tướng cơ cực, phá cách, trông hèn thì bố mẹ dù có đang giàu có thì rồi cũng mất hết, còn nếu đang khó khăn thì không hy vọng gì ngóc đầu lên được. Có lần Cụ nhờ tôi chở đến nhà một gia đình nhờ Cụ giúp cho giải quyết một chuyện. Khi tới nơi, nhìn thấy đám con của họ chơi ở sân. Cụ bảo tôi: Thôi cho Moa về. Chả giúp được gì cho họ đâu. Con cái như vậy thì  cha mẹ làm sao mà không gặp khó khăn được.
7.   Thỉnh thoảng Cụ vẫn nhắc tôi: Toa giàu và sang. Toa có tướng bộc phát. Nhưng bộc phát thì cũng bộc
tàn. Toa có tâm Phật, năng đi chùa, chịu theo lễ Mẫu, moa cũng mừng cho toa. Nhớ là có của cải đó rồi mất hết đó, chắc toa hiểu moa muốn nói gì. Nếu đi được ra nước ngoài thì nên đi đi. Có thể làm lại cơ nghiệp được.
8    Sau khi Cụ mất (1974), tôi đã định bán đi một số cao ốc, nhưng thấy làm ăn cũng còn được nên chần chờ. Đến lúc muốn bán thì không bán được nữa vì không có người mua. Ngay cả căn nhà tôi đang ở, người ta trả tôi 80 triệu mà tôi không bán vì còn lưu luyến. Cuối cùng rời Việt Nam gần như tay trắng.
9    Nhưng vợ chồng tôi và 7 đứa con đã đến được Mỹ bình an và nay thì các cháu, nhờ trời, đều đỗ đạt, đã lập gia đình và đều được hạnh phuc.
Tướng Người Cấn Cái
Cụ dạy: Người có tướng “cấn cái” là người cao hơn bình thường, gầy gò và vai ngang. Khi đứng cũng như khi đi lại thấy hai tay vướng víu, cấn cái không được tự nhiên. Mấy người tướng “cấn cái” có thể giàu, nhưng chưa chắc đã sống lâu hoặc hạnh phúc.
Nhà tôi có người anh họ cô cậu ruột, tên là NTN làm Tổng Giám Đốc một ngân hàng ở Sài-gòn. Anh tướng người “cấn cái”, khi qua được Mỹ anh ta mang được khá nhiều tiền. Anh có vợ và bốn con. Vợ anh trẻ hơn anh nhiều. Sang Mỹ được ít năm, vợ anh đi theo trai, bỏ anh và ôm theo rất nhiều tiền cua anh.
Tai Khít
Cụ dạy: Tai khít là tai “kiến diện bất kiến nhĩ”, nghĩa là nhìn mặt không thấy tai. Những người thành công thường có bộ tai này. Cụ bảo tôi cũng có bộ tai này. Có tai này khó lòng mà đi làm công cho người ta được lắm. Không bị đuổi thì cũng xin nghỉ việc thôi. Từ ngày sang Mỹ, tôi cũng có xin đi làm để kiếm đồng lương cố định để nuôi con. Nhưng chả bao giờ được yên. Bị cho nghỉ việc hay phải nghỉ việc  ngang xương vì  lý do này hay lý do khác.
Cụ lấy thí dụ về Tổng Thống Thiệu để giảng cho tôi. Tai ông Thiệu rất tốt. Tuy mắt láo lia láo lịa là người xảo trá, lời nói không thể tin được. Nhưng trong hàng tướng lãnh ở miền Nam không có anh nào qua mặt được ông Thiệu cả. Ông Thiệu đã nắm quyền 10 năm. Một vận được tính là 10 năm. Tổng Thống Ngô đình Diệm cũng “ăn” được một vận 10 năm, từ 1954 đến 1963 do tai tốt. Khi tính thì kể cả năm đầu, 63 – 54 + 1 = 10.
Hoàng Tử Charles
Khi xem hình Hoàng Tử Charles của nước Anh, Cụ bảo tôi: Anh này tai vểnh, xương yết hầu lòi ra cho nên chả bao giờ lên làm vua cả, suốt đời chỉ ngồi chơi xơi nước. Anh này mà làm vua thì nền Quân Chủ Lập Hiến của nước Anh chắc đến ngày cáo chung rồi. Thường người có xương yết hầu lồi ra như vậy thuộc thành phần lao động, vua chúa chẳng thể có
Bà Nguyễn Cao Kỳ Sửa Sắc Đẹp
Đầu năm 1965, gia đình tôi và ba gia đình bạn bè nữa rủ nhau đi Nhật du lịch nhân có người bạn là anh Vĩnh T. đang làm Đại sứ ở đây. Ở Nhật thì chúng tôi tình cờ lại ở chung khách sạn với bà Nguyễn cao Kỳ. Sau chúng tôi biết được là bà Kỳ đi Nhật để sửa sắc đẹp.
Về Sài-gòn ít lâu, anh Trần tiến D. – anh là một người rất thân của Cụ Diễn – cho chúng tôi biết bà Kỳ đa nhờ chị D. mời Cụ lên nhà chị và bà ta sẽ đến để nhờ Cụ xem hộ. Sau khi Cụ xem cho bà Kỳ, một bữa nọ anh D.đi ăn cơm với chúng tôi và có kể rằng sau khi ngồi nói chuyện với bà Kỳ một lúc thì Cụ bảo: Rất tiếc tướng của bà đang quí mà lại đi sửa nên phá hết rồi. Công danh của ông nhà khó mà bền được. Ông có giỏi thì cũng chỉ còn một năm nữa. Đúng như Cụ nói, cuối năm đó thì phe ông Kỳ hết thời.
Cụ bảo người nào có tướng của người đó. Trừ trường hợp trên tướng có cái gì quá đáng thì mình mới phải sửa. Khi sửa thì phải chấp nhận hậu quả của sửa. Hậu quả đây không phải là rủi ro về y khoa mà là hậu quả về sự thay đổi của tướng. Thí dụ một phụ nữ Việt Nam mặt đang tròn trịa, phúc hậu đi giải phẫu thẩm mỹ để làm cho mặt có góc cạnh, mắt lớn, mũi cao, môi mọng như người mẫu tây phương.
Ông “Cao”
Cụ quen rất thân với gia đình này. Còn tôi  thì quen với anh Cao từ khi anh này mới mở tiệm thuốc tây tại Huế. Anh Cao là đàn em của Phan văn Giáo, Thủ Hiến Trung Việt. . . . Cao là người rất hiền lành, nhưng khôn ngoan vô cùng. Rất chân tình với anh em, bạn bè. Giúp ai được gì là giúp liền. Khi vào Sài-gòn thì Cao mở công ty VPO vừa để  nhập cảng, vừa để bào chế thuốc. Tôi hỏi Cụ về chuyện gia đình của Cao, Cụ nói: Trong hoàn cảnh của họ thì mình phải hiểu là “thân nào thì nghiệp ấy”.
Tôi hỏi Cụ về tướng của anh Cao thì Cụ dạy: Anh này có tướng may mắn lắm. Ngoài ra lại còn có số làm ăn chung với các nguyên thủ quốc gia. Thật vậy, khi còn là sinh viên ở Hà-nội, anh ta đã là thủ lãnh phong trào thanh niên, sinh viên Đông Dương. Nhờ đó anh ta được tiếp xúc với Đại tá Pháp Ducoroy (là đặc trách thanh niên của Toàn Quyền Decoux) và dần dà quen biết Toàn Quyền Decoux. Sau này là tay chân của Phan văn Giáo, Thủ Hiến Trung Việt, rồi là cận thần của Ngô đình Cẩn, em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi làm Ủy Viên Tài Chánh cho Cần Lao của Ngô đình Nhu. Thời Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu thì Cao lại làm Bộ Trưởng Liên Lạc Quốc Hội. Tất cả những chức vụ này chỉ là bình phong để Cao và vợ gần như độc quyền về dược phẩm ở miền Nam Việt Nam. Tiền lời chia chác với các lãnh tụ nên công việc làm ăn vững như bàn thạch.
Khi gia đình này xây một biệt thự, to lớn, tráng lệ như một cung điện trên đường Phan thanh Giản, tôi có hỏi Cụ về căn nhà này. Cụ chỉ nói vỏn vẹn có mấy chữ: Anh này không được ở nhà này. Khi nhà còn đang xây thì anh Cao khám phá ra bị ung thư cổ. Phải đi ngoại quốc nhiều lần để điều trị. Tôi hỏi Cụ: Liệu anh Cao có qua được không. Cụ không trả lời vào câu tôi hỏi mà lại nói: Anh này số chết trên trời. Quả thực anh Cao trong lần đi chữa bệnh lần chót, đã chết khi máy bay còn đang bay trên trời. Tôi tò mò hỏi Cụ về tương lai của gia đình này. Cụ bảo Cụ rất mến bà Cao  . . . . Vợ chồng anh này chỉ làm giàu, chứ không hại ai. Trông mặt cả vợ cả chồng thì thấy. Tóm lại của cải có thể truyền xuống tới đời con cái. Nhưng, Cụ còn nói là sau này con cháu anh Cao đều sống và lập nghiệp ở nước ngoài. Năm 1975 cả gia đình di tản sang Mỹ đầy đủ. Các con anh Cao đều học hành thành đạt. Hai mươi năm sau cả gia đình lại kéo nhau hết về nước làm ăn và gây dựng lại công ty VPO. Nghe nói công ty này còn lớn hơn công ty VPO thời trước 1975 và có thế lực . . . rất lớn. Hy vọng những người trong gia đình này tạo nhiều phúc đức để có thể thay đổi lời Cụ Ngô Hùng Diễn nói về các con, các cháu cua anh Cao. . .
Ông Bà H.
Bà H. quen biết Cụ từ khi còn ở Hà-nội. Ông bà vào Sài-gòn sau Hiệp Định Genève và ít năm sau thì ông bà H. và mấy đứa con còn nhỏ đi Pháp. Khoảng năm 1960, bà nhờ người về hỏi thăm Cụ Diễn là nếu gia đình bà muốn về Sài-gòn chơi có được không. Cụ khuyên là không nên. Bà H. vẫn từ Pháp về Sài-gòn chơi vì nghĩ ít tuần thì chắc không sao. Khi ở Sài-gòn bà có đến thăm Cụ, Cụ vẫn tiếp nhưng không nói gì cả. Ít lâu sau có một vụ nổ do phá hoại ở quán Ngân Đình, Bến Bạch Đằng Sài-gòn. Con trai bà H. bị tử nạn tại đây. Ông H. từ Pháp về để đưa đám con. Sau đám ma, Ông bà H. đến hỏi Cụ xem là nên ở Sài-gòn hay trở lại Pháp. Cụ bảo: Bà thì có thể ở lại, nhưng ông thì phải đi liền, nếu không thì cuộc đời sẽ cơ cực như thằng ở, mà là thằng ở không công, vợ và con cái sẽ không ai nhòm ngó tới.
Bà H. không làm cách nào để bắt ông chồng về lại Pháp ngay. Ông ta muốn ở lại Sài-gòn ít lâu rồi mới về Pháp. Bà H. đành chịu. Chừng ba, bốn tháng sau nghe nói ông H. mê bà chủ tiệm nhảy Mỹ Phụng. Anh này chỉ là một trong những anh mê gái, đưa tiền cho gái chứ chả nước non gì. Anh ta gần như ở lì nhà cô này, giặt giũ quần áo, lau nhà, rửa bát,. . . làm đủ mọi việc như đứa ở, nhưng là đứa ở không công. Vợ con can ngăn không được, cuối cùng thì từ anh ta. Hết tiền thì anh ta bị cô nhân tình hờ đuổi ra đường. Con cái không cho vào nhà, bà vợ thì đã về Pháp để trông nom tiệm ăn, nên ông H. sống rất bệ rạc và cơ cực. Thương tình, bà H. về Sài-gòn đón ông H. trở về Pháp. Vợ chồng còn ở với nhau hay không, không ai biết nữ
Hình Tướng  và Thần Tướng
1.   Tướng gấu trắng: tướng này khi cần nhanh thì rất nhanh, khi cần chậm thì rất dè dặt, cẩn thận. Tướng gấu trắng thuộc loại hiếm, nên người có tướng này cũng thuộc loại người đặc biệt.
2.   Tướng một người mà trông giống một con thú nào đó thì người đó cũng bị ảnh hưởng – nhiều, ít còn tùy – bởi tướng con thú đó. Thí dụ như một người tướng con rùa thì không nên mong mình trở thành một Lý tiểu Long – một võ sư số một của thế giới và là một tài tử nổi tiếng thế giơi.
Một Số Tướng Thường Gặp
1.   Người hay thở hắt ra: tướng lao đao, hay lo nghĩ viển vong.
2.   Mắt ướt: quyến rũ, đa tình, số khổ về tình, bẽ bàng về tình.
3.   Ăn nhanh mà không khua bát đĩa: quí tương.
4.   Đi nhanh mà gót giầy không nện thình thịch xuống đất: quí tương.
5.   Đi nhanh mà như bay trên đất; thuộc tướng khinh phù, lao đao và nhiều đau kho.
6.   Người cao, mập, đi nhanh mà thân thể uyển chuyển như rồng: quí tương.
7.   Tượng để ngoài sân, ngoài vườn: dễ bị ma quỉ nhập vao.
8.   Đòn “chông” nhà đối diện đâm thăng vào nhà mình: làm ăn không khá, ở không yên. Có khi còn
mang họa chết. Tôi còn nhớ tòa nhà Tổng Nha Ngân Khố ở Sài-gòn. Đòn chông của tòa nhà này đâm thẳng sang đường bên kia, do đó chẳng có sở nào, công ty nào nằm phía đối diện với tòa nhà này mà làm ăn ngóc đầu lên nổi. Trước hết là tòa báo Thần Chung. Chủ báo mua một miếng đất , dù không trực diện với đòn chông, rồi xây lên trụ sở  cho tờ báo. Chủ báo đã bị tử nạn. Sau đến là cao ốc 18 tầng định xây để làm Ngân Hàng Quân Đội. Cụ bảo: đòn chông đâm thẳng vào mặt thì sống làm sao được. Thật vậy, 15 năm sau khi xây xong, cao ốc này vẫn để trống. Đòn chông là cây đà trên nóc, nơi hai mái nhà gap nhau.
9.   Cổng và cửa nhà: Ông bà Mai văn H., nguyên là cựu Đại sứ tại Thái Lan thời Tổng Thống Ngô đình Diệm. Sau khi Cụ Diệm chết thì ông bà trở về Sài-gòn và làm lại nghề buôn bán phụ tùng xe hơi. Ông bà cho xây một kho hàng khổng lồ bằng vật liệu nặng ngay sân trước, che cả cửa chính ra vào. Một hôm tôi có dịp ghé nhà ông bà H. và Cụ cũng đi cùng với tôi. Lúc đó kho hàng xây đã sắp xong. Lúc ra về, Cụ  bảo tôi: Nếu “toa” quen nhà này thì làm ơn bảo cho họ là không được xây kho hàng ở chỗ này. Nếu xây như thế này thì chủ nhà khó tránh được bệnh nan y về phổi, tim, gan – nghĩa là bệnh về lục phủ. Mặc dầu tôi có quen hai người con rể của ông bà, một người là Thượng Nghị Sĩ Lê phát Đ. và một người là Nguyễn văn S. buôn bán ở đường Trần Hưng Đạo, nhưng tôi không dám nói vì họ theo Thiên Chúa Giáo nên chắc là không tin. Không đầy một năm sau thì bà H. bị bệnh và chết vì nước đọng trong phổi. Cụ bảo tôi là xem nhà, cái cửa chính, cái cổng ra vào phải rất rõ rệt, ví như mặt, mũi, . . . người ta.
Biệt Thự Gia Đình Tôi
Chúng tôi có một biệt thự tại đường Thoại Ngọc Hầu, Tân sơn Nhất, Gia Định. Cụ bảo chúng tôi trước khi dọn vào ở phải sửa nhiều thứ thì hy vọng mới ở được vì đất của căn nhà này rất dữ. Cụ bảo nếu không phải là tôi thì Cụ khuyên là không nên ở nhà này. Tôi có tướng gấu trắng, nên cũng thuộc người có “tướng tinh”.
Sau đây là những điều Cụ bắt sưả :
1.   Sân trước phải xây một cái hồ rộng. (Khu đất naỳ  khô, thiếu sinh khí.). Tôi xây một hồ tắm một chiều 10 mét , một chiều 20 mét .Xung quanh có rat nhieu cây cản h. Mỗi lần đến chơi, Cụ hay ra đây ngồi ngắm cảnh.
2.   Sân sau cũng phải đaò một cái hồ nhỏ (Lý do cũn g như trên ). Toi đaò hai cai hồ. Cái lớn để nuôi cá. Cái nhỏ để trồng sen, trồng bông súng. Vườn sau tôi trồng rất nhiều cây mang từ Huế về.
3.   Cổng phải xây một cái lớn và cao để cho xe hơi vaò và hai cổn g nhỏ hai bên để người ra vaò . Đây  là loại cổn g “Tam Quan”, nhưng xây phải  kheó , đừng để người ngoài nhìn biết ngay là cổn g “Tam Quan”.  Tôi hỏi thì Cụ baỏ : Đây là cổng nhà Quan. Nhà naỳ phải là Đại quan cuả Triều đình thì may ra mới ở được . (Đất sát ). Tôi ở đươc vì tôi cung có số lam quan. (Ngay từ lúc mới quen Cụ mười mấy năm trước Cụ đã khuyên tôi đừng bao giờ dính vaò chính trị mặc dù có số làm quan).
 4.   Nhà có sẵn một giếng nước , Cụ khuyên để nguyên như vậy , đừng lấp đi.
5.   Xung quanh nhà xây bằn g đá xanh, Cụ baỏ phải dùn g xi-mang quét che.
6.   Ngoài  vườn tìm một chỗ kín đaó nhưng trang trọng để xây một miếu thờ Thổ Thần . (Đất nhà naỳ là linh địa).  
Chúng tôi ở nhà naỳ được từ năm 1968 đến 1975. Rồi cũn g phải bỏ nhà ra đi. Nhưng trong những năm ở trong nhà naỳ , gia đình chun g toi gặp vui thì ít mà buồn thì nhiều , lam an lên cao cũng có, nhưng  khó khăn cũng chồn g chất . Cuối cùn g thì tay trắn g ra đi để lại cả gia sản . Tuy nhiên , nhờ ơn Cụ, vợ chồn g tôi và bảy đưá con trong mấy năm   ở trong nhà naỳ đều đươc bình an, mạn h khoẻ , hạn h phúc và vaò nhưn g ngaỳ chót cuả miền Nam gia đình tôi được  ra khỏi nước một các h dễ dàn g hơn rất nhiều gia đình  khác.
Nghiệp Quá Nặng Chớ Nên Đụng Tới
Một hôm Cụ đến chơi thì gặp bà Cụ sinh ra nhà tôi và người giúp việc cho bà Cụ. Hai người naỳ đang ở nhà  tôi chờ căn phòng trong một chung cư cuả tôi ở đường Nguyễn minh Chiểu sưả chưã xong thì dọn sang. Cụ  biết là bà Cụ nhạc tôi và bà người làm rất là khắc với tôi nhưng Cụ không nói gì cả. Cụ chỉ đem chuyện naỳ nói với nhà tôi thôi. Đợi khi bà Cụ và bà giúp việc dọn sang chỗ ở xong xuôi rồi Cụ mới nói cho tôi biết .  Theo Cụ xem tướng để giúp cho người ta nhưng đừng vì quá sốt sắng mà làm cho người ta gặp khó khăn quá đáng, nhất là có những cái xấu mà mình chả làm gì tự nó cũng sẽ qua đi. Có những cái do nghiệp quá nặng mà ra, thì cũng chả nên đụng tới . Nhiều khi cái giá phải trả để tránh cái hoạ còn nặng hơn cái hoạ . Xem tướng mà dính vaò những việc do nghiệp chướng mà ra thì người xem tướng cũng tổn đức lắm đó.
Những Lời Nhắn Nhủ Cuối Cùng Của Cụ
Vaò năm 1973-74 trước khi Cụ mất (tháng Tư 1974), Cụ luôn nhắc nhở tôi thu góp được bao nhiêu tiền thì  được , rồi đem gia đình, con cái ra ngoại quốc để sinh sống và cho chúng nó học hành. Năm 1972 Cụ có nói với ông TQQ, một người học trò cuả Cụ la: Năm năm nưã thì nước mình sẽ “thống nhất ”, nhưng “đỏ” hết .  người học trò naỳ tính ra thì chuyện thống nhất sẽ xảy ra vaò năm 1976 năm 1972 kể là năm thứ nhất . Năm 1974 Anh ta đi Mỹ một năm rồi về năm 1975. Anh ta đã lầm . Việt Nam đã “đỏ” hết vaò năm 1975, nhưng  Quốc Hội “thống nhất ” mãi năm 1976 mơi bầu. Thật là Thiên  Cơ.
TÀI LIỆU CỦA BÀ DƯƠNG THỊ TƯỜNG
 Bà Chủ Tiệm Vàng
Khoảng năm 1945, có một bà chủ tiệm vàn g nhờ Cụ xem. Sau khi nói một vài chuyện cho bà naỳ thì Cụ  chép miện g nói : Đời bà đáng tiếc là có một thơi gian phải tạm “làm điếm ”. Bà naỳ nghe xong thì nổi nón g và vô lễ với Cụ.  Cu thôi không nói nưã và bỏ ra về. Chiến tranh xảy ra, nhiều người phải rời Hà- nội . trong đó có bà chủ tiệm vàng. Khi trở về Hà- nội lại thì bà naỳ trắng tay. Gia đình bà ta càng ngaỳ càn g túng quẫn . Cuối cùn g phải đi làm “gái gọi ” để lấy tiền nuôi gia đình. Sau naỳ bà ta gặp lại Cụ, bà ta quì  xuống xin Cụ tha lỗi . Nghe bà ta nói lại là Cụ baỏ bà ta: Tôi thương bà chứ ai lại giận bà. Tôi phải xin lỗi bà vì tôi đã nói thẳng quá.
Ông Năm Quận Trưởng
Hồi còn ở Hà-nội, ông Năm đến thăm Cụ Diễn cùng với hai người con trai. Ông giới thiệu hai người con trai với Cụ rồi xin Cụ cho biết về tương lai của hai người con này. Cụ bảo: Anh làm gì có con mà hỏi. Ông Năm bẽn lẽn dẫn hai người con về. Hai người con theo ông là con riêng của bà vợ hai mà ông nhận là con ông và giấu hết mọi người. Hôm sau ông Năm trở lại gặp Cụ để xin lỗi và thuật chuyện cho Cụ nghe. Cụ khuyên nên cho hai cậu con riêng đi học xa không nên để ở nhà. Bà vợ hai không chịu. Ít lâu sau đó thì ông Năm bị Việt Minh ám sát chết. Đây là trường hợp “con khắc cha – dù là con riêng của vợ.”
Tránh Đám Đông
Ông B. một người quen trong gia đình tôi một hôm được Cụ xem cho. Cụ bảo: Anh có số chết bất đắc kỳ tử trong đám đông. Vậy nếu thấy đám đông thì nên tránh, đừng có đến gần. Năm ấy ở Hà-nội có tổ chức chợ Phiên mừng lễ 14 tháng 7 của Pháp và có môn leo cột mỡ. Anh B. mon men đến xem. Thình lình cột đổ đè vào anh, làm anh chết ngay tại chỗ.
Con Bé Dung
Một hôm Cụ đến nhà chơi, Cụ trông thấy con Dung đang chơi ở ngoài sân. Lúc dó con bé Dung mới độ 15-16 tuổi. Con bé học trường “Đầm” và rất xinh xắn, trắng trẻo. Nói chuyện với mấy người trong nhà một lúc, Cụ gọi: Cháu ơi!  vào ông nói cái này. Cụ nói với mẹ bé Dung: Con bé này sắp gặp một thằng người dong dỏng cao, da trắng mét, người trông như ống tre, . .  Phải tránh xa thằng này. Nếu không thì cuộc đời khổ trăm bề, đời sống như ăn mày. Quay sang mẹ bé Dung, Cụ nói: Thằng này giống như người ma, đi khập khễnh.
Không biết cháu có qua được không. Nửa năm sau thì Dung dẫn một thằng bạn trai về nhà chơi. Thằng bé tên Q., Cả nhà hoảng kinh vì thằng bé giống đúc người mà Cụ Diễn đã tả trước. Mọi người cố gắng khuyên răn cho cháu Dung quen cũng được nhưng phải tránh đừng để mang bầu, chứ không dám quyết liệt quá. Thế mà Dung vẫn mang bầu và bỏ nhà theo thằng bé đó luôn. Khi gia đình di tản qua Mỹ năm 1975, thì Dung kẹt lại ở Sài-gòn. Suốt mấy chục năm Dung sống như ăn mày và khổ sở đủ điều. Mặc dầu có đứa em gái ở Mỹ gửi tiền về giúp đỡ, nhưng thằng Q. lấy hết đi bao gái.  Bao nhiêu lần định bỏ thằng Q. nhưng đều không bỏ được vì thằng chồng đe là bỏ nó, nó sẽ giết chết. Mãi đến năm 1995, Dung mới xa được thằng Q. vì nó có vợ khác. Lúc đó con bé Dung trông tiều tụy, già nua như bà cụ trên 60 tuổi vậy. Nhưng cũng như Cụ đã nói trước là phải ngoài 30 tuổi, mới bỏ được thằng này và sau khi bỏ thì sẽ gặp được một người bạn trai khác, trai tân,
ít tuổi hơn Dung cả chục tuổi, dáng đứng hơi ưỡn người ra, mắt sâu, da ngăm ngăm, không đen, không trắng. Dung đã gặp được cậu này, tên H. và ít lâu sau thì lấy nhau. Hai đứa có được ba người con, hai gái, một trai. Chồng sau là một nhạc sĩ tây ban cầm nổi tiếng ở Sài-gòn. Mấy năm sau người em gái bảo lãnh cho đoàn tụ ở Mỹ. Sang tới Mỹ, Dung và hai đứa con gái đi làm “nail” luôn. Sau đó mua được hai tiệm “nail”. Chồng thì đi đánh tây ban cầm cho các buổi họp mặt của Mỹ cũng như trong cộng đồng Việt Nam. Cả gia đình Dung đều rất sùng đạo Phật, sùng đạo hơn bất cứ người nào trong gia đình. Đặc biệt thằng con trai chuyên vẽ ảnh Đức Phật, linh động đến độ ai cũng muốn thỉnh về để thờ. Hiện nay thì vợ chồng và con cái của Dung sống rất đầy đủ, con cái đều học xong đại học. Một cái nợ phải trả 20 năm. Cả người chồng đầu và đứa con trai với anh này đều nghiện ngập và chết thê thảm trong đói rách.
Nhân Duyên Tiền Định
Bà Đức L. là một người chuyên môn thầu vé số rồi bán lại cho người bán lẻ. Mỗi tuần như vậy bà ta lời cả bao nhiêu triệu đồng. Dĩ nhiên là có chuyện chia chác với các “quan” trong Nha Kiến Thiết, nơi phát hành vé số và cho đấu thầu vé số. Có lần làm ăn bị vỡ lở bà bị liên lụy. Bà chạy đến Cụ Diễn vấn nạn. Bà Đức L. đã quen Cụ Diễn từ ngày ở Hà-nội. Cụ bảo: Kỳ này bà khó thoát lắm. Nhưng có bị bắt thì 28 Tết cũng sẽ được tha về. Cụ tiếp: Khi bà về rồi thì vào ngày mồng 1 hoặc mồng 2 Tết, sẽ có một người khách rất đặc biệt đến thăm bà. Người này cao lớn hơn ông Nguyễn cao Kỳ, đầu tròn như quả đu đủ, mắt to, trán có ba vết nhăn chạy ngang . Sau bà sẽ lấy người này. Đời sống vợ chồng rất hạnh phúc. Người đàn ông này rất tử tế và rất chiều chuộng vợ. Bà Đức L. nghe vậy thì nghe, nhưng không quan tâm lắm. Bà rời Hà-nội từ năm 1954 và chồng bà thì kẹt lại ở Hà-nội. Bà đã 50 tuổi nên đâu còn nghĩ tới chuyện lấy ai. Nhưng đúng như Cụ nói, bà bị Công An bắt, ngày 28 Tết thì được tạm tha đợi ngày ra tòa, ngày mồng 2 Tết thì một ông ký giả tên Tô V. đến nhà gặp bà Đức L. để tìm hiểu về vụ vé số để viết bài bênh bà Đức L. vì ai cũng biết bà bị kẹt giữa hai ba phe thuộc các Bộ khác nhau trong Ủy Ban cho đấu thầu. Thế rồi hai người lấy nhau. Sống với nhau cho tới già. Ông Tô V. đã mất. Mỗi lần nói chuyện về ông Tô V., bà Đức L. vẫn còn xao xuyến lắm.
TÀI LIỆU CỦA ÔNG TRẦN VĂN HÀI Bút Hiệu Từ Thức
Thị Trưởng Hà-nội Thẩm Hoàng Tín
Ông Thị trưởng Hà-nội Thẩm Hoàng Tín gốc Triều Châu, Tầu. Bố mẹ đến lập nghiệp tại Hà nội từ lâu. Tên khai sanh là Thẩm Tín. Thuở bé được sang Pháp du học, đậu bằng dược sĩ, trở về Việt Nam, ở Hà-nội hành nghề. Có một cửa hàng bán thuốc tây tại phố cửa Nam, mang tên là tiệm thuốc cửa Nam. Sau này làm con nuôi cụ Hoàng trung Huân, thân sinh Bác sĩ Nha khoa Hoàng cơ Bình, Luật sư Hoàng cơ Thụy và Giáo sư Hoàng cơ Nghị, nên ông Thẩm Tín đổi tên là Thẩm hoàng Tín. Ngoài nhà thuốc cửa Nam, Ông Thẩm hoàng Tín còn có phòng thí nghiệm, bào chế lớn và một cửa hàng thuốc tây nữa ở đường Đồng Khánh. Người vợ đầu tiên của ông Thẩm hoàng Tín là một người Tầu lai, có với nhau 3 đứa con, rồi ly dị. Sau này ông lấy bà Thành, vợ góa của ông Huyện Thành. Sau khi lấy ông Thẩm hoàng Tín rồi bà mới đi học Dược tại trường Thuốc Hà-nội. Đậu Dược sĩ rồi thì bà trực tiếp trông nom các tiệm thuốc để ông Tín có thì giờ lo chính trị.
Ông Tín được bổ làm Thị trưởng Hà-nội. Ông có tiếng là liêm khiết, siêng năng. Làm Thị Trưởng nhưng không lĩnh lương. Ông Tín thích giao du với giới trí thức, chính trị. Ông có tham vọng muốn làm Thủ Hiến Bắc Việt, thay thế Thủ Hiến Nguyễn hữu Trí, người của Đại Việt quan lại. Ông Tín ăn mặc rất chải chuốt, lúc nào cũng đúng mốt – áo quần toàn may bằng hàng đắt tiền, để râu mép kiểu Clark Gable (đại tài tử Mỹ). Đi ngoài phố thường chống ba-tong tuy mới chỉ 40 tuổi, ăn nói từ tốn, đàng hoàng, khiêm nhường lắm. Anh em miền Nam ra Hà-nội, gặp ông Tín, đều gọi ông là “Monsieur Impeccable” (ông Không-Chê-Được!!!). Ông Tín cũng rất thích xem tướng, số. Nghe nói thày nào hay ông đều xin mời về nhà, không kể tốn kém. Ông Tín chơi với tôi rất thân và đã từ lâu. Biết tôi có quen Cụ Diễn, ông Tín năn nỉ giúp ông mời Cụ Diễn về nhà chơi. Tôi có đưa Cụ Diễn đến nhà ông Tín mấy lần, giới thiệu cho hai bên biết nhau. Ông Tín tế nhị, không dám hỏi thẳng Cụ nhờ Cụ xem cho. Còn Cụ Diễn thì chỉ thỉnh thoảng nhìn ông Tín, nhưng chỉ nói bâng quơ chứ không nói gì tướng số cả. Có một lần khi ra về, tôi mạnh dạn hỏi Cụ xem Cụ đã xem cho ông Tín kỹ chưa và ông Tín có làm “to” được không? Chẳng hạn như làm Thủ Hiến Bắc Việt, Bộ Trưởng hay Thủ Tướng? Cụ Diễn chỉ cười và thủng thẳng nói: Tôi chưa xem kỹ, phải đợi xem lại kỹ thì mới dám nói. Một buổi nhân dịp Tết Trung Thu, chúng tôi ăn cơm chiều xong, thì rủ nhau đến nhà ông Tín lên sân thượng ăn bánh Trung Thu, uống trà sen, ngắm trăng rằm. Bữa đó có tới hai chục khách khứa, bạn bè. Trong đó có Kỹ sư Lê văn Ngọ, thi sĩ Huy Kinh, Luật sư Nguyễn văn Huyền. Khoảng 10 giờ đêm thì bà Tín về và lên tham dự ăn bánh, ngắm trăng với chúng tôi. Một lúc sau, bà Tín thưa với Cụ là bà muốn xin Cụ dạy cho vài điều. Bà xin Cụ cứ nói thẳng cho, lành dữ thế nào cũng xin Cụ dạy cho. Mọi người phụ họa năn nỉ Cụ hộ bà Tín. Cụ ngập ngừng mãi, rồi thong thả nói: Bà Thị Trưởng dạy, tôi xin vâng lời, nhưng tôi xin nói trước, tôi không phải là người xem tướng số chuyên nghiệp đâu. Lúc rảnh rỗi có nghiên cứu, rồi học hỏi với bạn bè, biết lõm bõm vài ba câu. Nếu có điều gì sai thì xin bà Thị Trưởng và quí vị thứ lỗi cho. Nói xong Cụ nhìn bà Thị Trưởng một lần nữa rất nhanh, rồi nói: Bà có số vượng phu ích tử, có tay làm giàu, . ., chỉ có cái là cao số, có lấy chồng thì rồi cũng phải qua cầu lần nữa. (Bà đã lấy ông Huyện Thành và đã góa). Nghe vậy bà hỏi Cụ là bà và ông Tín có ăn đời ở kiếp với nhau không? Cụ bảo: Tất nhiên là ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, giàu có, danh giá,. . ., con cái thành đạt hết. Nhưng bà sẽ đi trước ông mặc dù ông lớn tuổi hơn bà. Nói là đi trước, nhưng cũng phải ở tuổi 60. Số là như vậy, nhưng chắc gì tôi đã nói trúng. Bà cứ chăm giữ gìn sức khỏe, không nên làm việc quá sức, không nên lo nghĩ nhiều, việc gì phải đến sẽ đến. Ăn ở hiền lành, làm phước thiện, bố thí, thì tăng thọ. Đức năng thắng số. Cụ Diễn nói đến đây thì ngừng, không nói thêm câu nào nữa. Ông Tín không di tản vào Nam khi Hiệp Định Giơ-neo ký kết. Sau khi Việt Minh vào Hà Nội, ông Tín bị liệt vào loại trí thức phản động và bị đưa đi cải tạo, sau đó cũng được thả về và cho dạy học ở đại học Y-Dược Hà-nội. Khi ông Tín đi học tập, bà Tín ở nhà lo, buồn và đương đầu với nhiều chuyện nên phát bệnh tim và qua đời. Lúc đó bà chưa tới 60 tuổi, như Cụ Diễn đã dạy trước. Hôm ăn bánh ngắm trăng Cụ không xem cho ai nữa. Ông Tín nể Cụ nên cũng không dám ngỏ lời xin Cụ xem. Tuy nhiên lúc về khi ra tới cửa thì Cụ nói với ông Tín: Lần sau, nếu có dịp gặp lại, tôi sẽ xin cố gắng xem cho ông Thị Trưởng. Được biết, ông Tín sau khi học tập về ít lâu thì lấy một bà thứ ba nữa.
Chừng hơn một tháng sau ngày ăn bánh ngắm trăng chúng tôi lại có dịp đến chơi nhà ông Tín. Hôm đó là chiều Chủ nhật. Chúng tôi ngồi ở phòng khách, uống cà-phê. Qua một vài câu chuyện, Cụ Diễn bắt đầu nói: Bây giờ không có ai, không có bà nhà, tôi sẽ xem  tướng cho ông Thị Trưởng, tôi sẽ nói thật, nếu có điều gì quá đáng xin ông thông cảm. Ông Thị Trưởng cao số lắm. Người vợ đầu nếu không bỏ sống thì cũng bỏ chết. Bà thứ nhất bỏ rồi, bà thứ hai không bỏ nhưng rồi cũng phải xa nhau, khi ông bà xa nhau thì bà sẽ qua đời vào khoảng 60 tuổi. Ông Thị Trưởng sẽ lại có bà thứ ba. Bà này cao số lắm. Bà này cũng đã hai, ba đời chồng, ăn chơi, phá của, . . . Bà này sống rất lâu và có tướng góa, nghĩa là ông Thị Trưởng sẽ chết trước bà thứ ba này. Ông Thị Trưởng có tướng con Hạc vì người mảnh khảnh, xương nhỏ, nhìn có vẻ khô khan, dù ăn uống tẩm bổ ông cũng không thể nào béo được. Người tướng Hạc đa số là đi tu. nhưng ông thuộc Hạc phá giới. Hai ba vợ lại thêm một tá nhân tình. Sau này Hạc sẽ không bay ngang trời nữa mà sẽ bị đuổi vào rừng. . . bị nhổ hết lông, trụi cánh, không còn tung tăng đây đó nữa mà trở thành “oiseau deplumé”– Cụ dùng tiếng Pháp, nghĩa là “chim bị nhổ lông”. Ông không còn giàu có, sung túc như trước nữa. Con cái chả đứa nào thành đạt, học hành tầm thường. Ông buồn rầu, đi tới nơi xa, rồi chết lẻ loi nơi xứ lạ quê người.  Cụ nói xong, thấy ông Tín có vẻ buồn, nên Cụ cười và an ủi: Tôi đoán vậy thôi, chắc đâu đã trúng. Tôi nói trật là thường. Ông Thị Trưởng cứ ăn hiền ở lành, mọi sự đã có Trời !!!  SỐ vậy nhưng có ĐỨC, SỐ cũng phải thay. Nếu không ai còn cần phải “Tu, làm điều lành, làm phước làm cái gì.” Quả vậy, sau này gia đình ông quyết định ở lại Hà-nội khi Hiệp Ước Giơ-neo ký kết. Ông Tín bị bắt đi học tập, hai hiệu thuốc bị tiêu tan hết (không biết có phải do bà thứ ba phá như Cụ Diễn nói không. Ngay các chi tiết khác về bà ba này cũng không ai trong số bạn bè được biết). Con cái ông theo Việt Minh và chả có người nào đỗ đạt hay có địa vị gì cả. Sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975 ông Tín và bà vợ thứ ba vào Sài-gòn rồi sau được cho đi Pháp. Đi Pháp được ít lâu, ông Tín đau rồi chết. Di ảnh của ông Tín hiện thờ tại chùa Lưu Sơn, ngoại ô Paris. Đúng như lời Cụ Diễn đoán: “Chết nghèo, trơ trụi (oiseau deplumé)”.
Kỹ Sư Lê văn Ngọ
Kỹ sư Lê văn Ngọ, người miền Nam, thuở bé sang Pháp học, tranh đấu trong nghiệp đoàn, đậu bằng Kỹ sư (ingénieur de chauffage) mà bạn bè gọi đùa là “kỹ sư đốt lò”, lấy vợ đầm, có một con gái và hai con trai. Về nước năm 1946, ở đường Richaud sau đổi là Phan Đình Phùng. Người to lớn, khỏe mạnh, tiếng nói rang rảng, nhưng có vẻ “ngắn hơi” – làm việc nhọc một chút là thở hồng hộc. Hoạt động chính trị. Rất được Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc và Tướng Bình Xuyên Bẩy Viễn quí trọng vì tánh thực thà, ngay thẳng, trung thành, khiêm nhượng. Làm Bộ Trưởng Lao Động trong chính phủ Nguyễn phan Long, . . . , Quen thân với Cụ Diễn. Cụ quí anh Ngọ, cho anh là người trực tính, nóng nẩy nhưng lại là người nhân hậu, có tình, có nghĩa. Cụ bảo: Anh Ngọ có cái cằm bạnh, hai xương hàm lớn, phồng ra ngoài quá nhiều, trán lại vừa hẹp,vừa thấp, tuổi Ngọ, tên Ngọ, răng to như răng ngựa. . . có nhiều nét tướng của Mussolini, một trong ba thành phần của phe Trục, Đức, Nhật, Ý trong Thế Chiến thứ II. Người có cằm bạnh, quai hàm bạnh dễ gặp tai nạn bất ngờ, lớn lao và nguy hiểm có thể chết người được !!! Để có thể giảm bớt được tai nạn, không nên bận áo sơ mi cụt tay, quần “short” theo kiểu thể thao sẽ trông có vẻ “võ tướng” quá. Nên bận áo sơ mi dài tay, thắt ca-vát màu thật lạt, khoác áo vét-tông ở ngoài . . . , cho bớt “sát tướng” đi. Bà vợ đầm, tuy già, gầy yếu, xấu xí, song lại có tướng “quí”. Không nên xa bà này, bỏ bà này mà đi “mèo chuột” với người khác , . . . Ngày nào mà xa bà vợ này, thì ngày đó là ngày bước vào vận đen, gặp nguy hiểm có thể chết người. Tuyệt đối không đi vào rừng, đến nơi vắng vẻ, . . . , vì sẽ gặp tai nạn. Sau này anh Lê văn Ngọ theo Tướng Bẩy Viễn, trùm Bình Xuyên, và giáo phái, qua cầu chữ Y, đánh ông Ngô đình Diệm. Thua trận, theo Bình Xuyên rút vào rừng Sát. . . . Pháp đưa trực thăng vào cứu Bẩy Viễn, Lai  hữu Sang, Lai hữu Tài đưa sang Pháp cho tị nạn. Còn đám chính trị theo giáo phái như Trần văn Ân, Trịnh khánh Vàng, Hồ hữu Tường, Lê văn Ngọ , . . ., thì bị Pháp bỏ lại, đều bị bắt, cầm tù trong chiến dịch Hoàng Diệu, do tướng Dương văn Minh chỉ huy. Sau này tất cả đều bị đem ra xử trước tòa án quân sự, bị kêu án tử hình. Ông Ngô đình Diệm không giết ai cả, chỉ cho đầy ra Côn Đảo sau gọi là Côn Sơn. Mãi sau đảo chánh ông Diệm (2 tháng 11 năm 1963), các người này mới được Tướng Nguyễn Khánh tha cho về. Cụ Diễn đã xem tướng cho Kỹ sư Lê văn Ngọ rất trúng. Ngày mà giáo phái bắt đầu gây sự với ông Diệm, chưa đánh nhau, Lê văn Ngọ đã quên lời Cụ dạy, một hai bắt bà vợ đầm và ba đứa con về Pháp để anh rảnh tay “chơi” với ông Ngô đình Diệm. Sau này bác sĩ Trần Louis (đổi tên Trần lữ Y) sang Pháp tu nghiệp, gặp con gái đầu của anh Lê văn Ngọ, lấy làm vợ rồi đưa về Việt Nam. Ông Trần lữ Y sau làm Tổng Trưởng Y Tế thời ông Nguyễn văn Thiệu. Thời Nguyễn Khánh, ông Trần văn Ân làm Tổng Trưởng Bộ Chiêu Hồi và anh Ngọ làm Trưởng Thanh Tra. Khi chính phủ Nguyễn Khánh đổ, anh Ngọ về ở với con rể là bác sĩ Trần lữ Y. Sau sang Pháp thăm vợ con, ngả bệnh và chết tại Pháp. Cụ Diễn nói có thể đúng về bà vợ của anh Ngọ. Giả dụ rằng anh Ngọ đừng “đuổi” bà vợ đầm và ba đứa con lai về Pháp trước mà đem bốn người này cùng vào rừng Sát thì chắc hẳn là khi toán quân của Thiếu tá Phòng Nhì của Pháp, Sainteny, khi nhẩy dù xuống rừng Sát để cứu Tướng Bẩy Viễn, hai anh em Lê hữu Tài, Lê hữu Sang thì đời nào lại bỏ rơi gia đình của Kỹ sư Lê văn Ngọ
Bà Vương Ngọc Tống
Bà Vương ngọc Tống, gốc người Tầu. Cha mẹ sang Việt Nam làm ăn buôn bán bình thường.  Nhờ có chút nhan sắc, da trắng, mắt lớn, tóc đen mướt, miệng cười rất tươi, thân hình cân đối, nên năm 18 tuổi bà được viên Công Sứ Pháp cưới làm vợ chính thức. Bà là người đàn bà thứ hai, lấy tây, trước tiên ở Bắc Hà. Mà chồng là người danh giá, có chức phận to, giàu có. Người thứ nhất lấy tây, danh giá, giàu có, được Nam Triều tưởng thưởng là bà Bé Tý, tục danh là Cung thị Phiêu, chủ một ngôi nhà lớn, có hàng rào sắt xung quanh, ở phố Hàng Bạc Hà-nội. Nhà bà là nơi tàng trữ đồ cổ quí giá. Bà có nuôi súc vật, chim chóc lạ. Mỗi tuần, ngày thứ Năm, mở cửa cho thiên hạ vào xem. Bà Vương ngọc Tống nhờ lấy chồng có quyền hành nên cũng trở nên rất giàu có, cha mẹ được sự giúp đỡ của bà cũng trở nên giàu có. Thiên hạ gọi bà là bà Cụ Tống, . . ., hay Cụ Sứ. Chúng tôi quen thân với bà. Bà rất hiếu khách. Bà cũng rất thích tướng số. Lúc đó bà đã gần 50 tuổi rồi, song rất đẹp, ăn diện chải chuốt, nói tiếng Việt Nam như người Việt Nam, không ai dám bảo bà là người Tàu. Bà cũng là người được Triều Đình Huế ban thưởng vì công cứu trợ nạn lụt. Lại cũng được chính phủ Pháp cấp bằng khen sau khi chồng chết. Chúng tôi đem Cụ Diễn đến chơi nhà bà, ăn cơm rồi ở lại chơi và coi tướng cho Bà tới tối mới về. Cụ Diễn nhìn Bà rồi thản nhiên nói: Tôi nể lời bà và các bạn tôi nên tôi sẽ xin xem cho Bà, tuy nhiên tôi không phải là thày tướng xem lấy tiền, cho nên thấy gì tôi sẽ nói cái đó, không thêm bớt. Đúng hay sai xin bà cứ cho biết. Bà Tống nói xin Cu cứ dạy. Tôi và các bạn của Cụ đây, chúng tôi coi nhau như anh em. Xin Cụ cho phép chúng tôi được coi Cụ như người trong nhà. Chúng tôi bắt đầu ăn bánh ngọt và uống nước chè. Thủng thẳng Cụ nói: Bà có tướng giàu có, giàu có nhưng sang trọng, nhà cửa nhiều nhưng không có nhiều đất. Trẻ sung sướng, già sung sướng. Điều đáng buồn là bà không có con hay đúng hơn là “hữu sanh vô dưỡng” (Bà Tống sanh hai lần nhưng đều không nuôi được). Dưới vú của bà, bên trái, có nốt ruồi đen, to, trên có mọc một sợi lông dài. Còn bên vú phải, có một nốt ruồi đỏ, cũng to như nốt ruồi đen bên trái, trên cũng có một sợi lông dài. Bà Tống nói là Cụ xem trúng một trăm phần trăm. Cụ nói đây là những quí tướng của bà. Bà còn quí tướng khác nữa, tôi xin nói ra đây: Nơi chỗ kín của bà, lông dài tới
20-25 phân tây (centimetres). Mỗi khi rửa ráy nhiều khi phải cột lại như búi tóc. Bà Tống cười ngoặt nghẽo và chắp tay vái Cụ miệng thì nói bà rất bái phục Cụ. Cu đã nói trúng một trăm phần trăm. Bà Tống nói tiếp: Đã có cả trăm thày tướng, thày số xem cho tôi, chưa một người nào nói điều mà Cụ vừa nói. Tôi thật bái phục. Cụ cho phép tôi được tôn Cụ lên bậc “Tôn Sư”. Cụ Diễn tủm tỉm cười, tiếp tục nói: Bà không tin thần thánh, không cúng bái, không tin đạo nào hết. Nhưng sau này bà sẽ đi tu. Rất nhiều người đến với Thánh Thất ở nhà bà.  Trong số những người đến, có bà Cung thị Phiêu, một người giàu có khác của Hà-nội. Hội Thánh Cao Đài dựa trên công lao và ảnh hưởng của hai bà này, đã phong cho hai bà là “Nữ Giáo Hữu” đứng đầu họ đạo Thánh Thất Hà-nội. Đúng như Cụ Diễn nói, ít lâu sau, Bà Tống bán hết nhà cửa đem tiền vào Nam cúng cho Hội Thánh và xin đi tu trọn đời. Bà mất năm 73 tuổi, tại An Hội (Bến Tre) nơi có Hội Thánh, thuộc ông Giáo Tông Nguyễn ngọc Tường. Cụ Diễn đã nói đúng một trăm phần trăm.
Các Nhân Vật Đặc Biệt
Thời ông Nguyễn văn Tâm làm Thủ Tướng thay thế ông Trần văn Hữu, Cụ Diễn đã xem tướng cho Thủ Tướng Tâm. Ông là nhân vật miền Nam mà ai cũng biết. Thời Pháp thuộc ông làm Đốc Phủ Sứ, sau đó ông được cử làm Quận trưởng Cai Lậy (Mỹ Tho), có tiếng chống Cộng Sản số một. Cộng Sản rất thù ông. Có lần ông bị Cộng sản bắt, ông bị đánh đập tàn bạo, xuyên dây kẽm qua bàn tay. Thời Thủ Tướng Hữu, ông làm Bộ Trưởng Công an. Rồi có lần làm Thủ Hiến Bắc Việt. Khi chính phủ của ông Trần văn Hữu đổ, ông lên làm Thủ Tướng chính phủ kiêm An ninh.
Ông Phạm Tá, tốt nghiệp nghề nhuộm ở Pháp, lại thích chính trị, đã giới thiệu Cụ Diễn với Thủ Tướng Tâm tại nhà bà Giỏi, vợ nhỏ của ông Tâm. Vào đề Cụ không do dự gì hết, nói ngay: Cụ Thủ Tướng có tướng Cọp. Không ai làm gì được Cụ. Dù Cụ có vào rừng thì kẻ thù của Cụ cũng không làm gì được Cụ. Dù Cụ có bị bắt thì Cụ cũng thoát ra được. Trong đời chỉ bị tai nạn một lần mà thôi, không có lần thứ hai. Số có công danh lớn, giàu có, . . . , chết già. Cọp mà không chết được trong rừng, mà lại chết nơi lạnh lẽo, có tuyết, có sương mù, khí
lạnh. Con cái làm nên sự nghiệp, có tiếng tăm. Có một điều xin Cụ nhớ cho là Cụ có số chỉ giữ được tiền mặt còn nhà cửa, đất đai thì có cũng mất hết.  Tuy nhiên Cụ sẽ sống sung túc cho tới khi Cụ nhắm mắt. Ông Thủ Tướng nửa tin, nửa ngờ. Khi ra về ông tặng Cụ một hộp xì-gà Manille và hai chai Whisky. Cụ Diễn chỉ nhận hộp xì-gà. Sau này chắc ông Thủ Tướng Tâm có dịp ngồi nghĩ lại và chắc là sẽ kính phục tài xem tướng của Cụ Diên là sao lại có thể trúng một trăm phần trăm như vậy. Thủ Tướng Ngô đình Diệm ở Mỹ về chấp chính. Lúc đó con trai ông Tâm là Đại Tá Nguyễn văn Hinh thuộc quân đội Pháp, dân Tây, vợ đầm, được đặc cách thăng Thiếu Tướng và phong cho làm Tham Mưu Trưởng quân đội Việt Nam. Thủ Tướng Ngô đình Diệm không thích Tây, không muốn Hinh làm Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội. Hai bên bất hòa lớn. Tướng Hinh và đàn em định dùng vũ lực lật đổ ông Diệm. Mỹ làm áp lực với Pháp bắt Tướng Hinh về Pháp. Cựu Thủ Tướng Tâm cũng phải khăn gói sang Pháp và chết tại đây, đúng là nơi lạnh lẽo, có tuyết, có sương mù và khí lạnh như Cụ Diễn đã tiên đoán. Nhà cửa, đất đai đều bị tịch thu hết. Bà Giỏi (vợ nhỏ của Thủ Tướng Tâm) cũng bị chính phủ Ngô đình Diệm đưa ra tòa, tịch thu gia sản và bỏ tù với tội danh “hối mại quyền thế”, dựa thế chồng.
Chuyện Con Rùa
Thời Pháp thuộc, phía bên trái (nếu đi vào) của Dinh Toàn Quyền Đông Dương , thời Việt Nam Cộng Hòa thì đổi tên là Dinh Độc Lập, sau 1975, Hà-nội gọi là Dinh Thống Nhất, có một cái gò đất khá cao. Trên gò đất dựng một cái nhà bốn bề trống không. Nơi này mỗi chiều thứ Bẩy, Ban nhạc của Trung Đoàn Bộ Binh thuộc địa (Regiment d’Infanterie Coloniale, viết tắt là R.I.C.) đến chơi nhạc để các quan tây thuộc địa thưởng thức từ 8 giờ đến 11 giờ đêm.
Người ta đồn rằng, dưới gò đất này có đuôi con “xích long” (rồng đỏ), rất dữ, mỗi lần nó cục cựa, vùng vẫy là lại có phong ba, biến cố chính trị, loạn lạc xẩy ra. Không biết có thày địa lý nào chỉ hay do ngẫu nhiên, bọn thực dân Tây đem xây ngay trên gò đất này một một cái nhà để chơi nhạc hàng tuần. Nguời ta nói rằng “ma, quỉ, thần dữ, thần ác” đều sợ chiêng trống. Huống hồ tụi tây lính kèn, người thì đã xù xì lông lá, lại thêm kèn, trống khi đánh thì nhức nhối cả tai, cả người, mấy tiếng đồng hồ một ngày thì nếu có “xích long” thì con rồng này cũng bỏ xứ mà chạy. Vì thế nhiều người tin là thực dân yên ổn được trên 80 năm là vì đã trấn áp được con xích long này.
Khi Việt Nam thâu hồi được độc lập, Dinh Toàn Quyền được đổi tên là Dinh Độc Lập. Nhà trình diễn quân nhạc do Pháp xây được phá đi. Có người tin rằng vì thế mà loạn lạc, biến động lại nổi lên không ngừng. Cuối cùng chính quyền của Tổng Thống Ngô đình Diệm bị đảo chánh. Tổng Thống Diệm, em ông là cố vấn Ngô đình Nhu đều bị thảm sát. Khi ông Nguyễn văn Thiệu lên cầm quyền, ông nhờ người mời Cụ Diễn vào Dinh để nhờ chỉ bảo. Có người nói ông Thiệu đi Thiên Chúa Giáo thì làm sao lại đi tin chuyện tướng số. Những người này không hiểu gì cả. Họ phải biết là ông Thiệu xuất thân từ Việt Binh Đoàn An Cựu (Huế) của Thủ Hiến Phan văn Giáo mà lên làm tới Tổng Thống. Vậy thì ông đã phải được chính mắt nhìn thấy những cái “chỉ có trời cho” đời ông mới được như thế. Ở hoàn cảnh đó, ai mà chả tin là “có số”. Nhất là khi có rồi thì không muốn ai tranh mất của mình. Ông biết chỗ ngồi của ông nhiều “thằng” thèm lắm!!! Chắc chắn nhiều đàn em đã kể cho Tổng Thống nghe về Cụ; như chuyện Cụ xem cho Trùm Bình Xuyên Bẩy Viễn, Cựu Thủ Tướng Nguyễn văn Tâm. Trong số những người này có Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Tướng Khang đã được Cụ xem từ hồi ở Hà-nội khi còn mới là Trung Úy khi sắp lấy cô Niệm con Cụ Tâm, chủ tiệm hình Photo Service ở phố Trường Thi. Tướng Khang rất tin Cụ Diễn và đã nhờ Cụ chỉ cho đường đi nước bước nên đường công danh lên như diều, không gặp một trắc trở nào. Nhiều Tướng Lãnh khác cũng xin gặp Cụ. Nghe nói Tổng Thống, Đệ Nhất Phu Nhân và con cái rất quí mến Cụ. Nhiều người tò mò muốn hỏi Cụ xem là Tổng Thống Thiệu hỏi Cụ những gì. Nhưng không bao giờ Cụ nói một câu nào, mà chỉ cười. Hồi đó có tin đồn rằng chính Cụ là người khuyên Tổng Thống cho xây “con rùa” lên gò đất bên trái Dinh Độc Lập – được đặt tên là Công Trường Duy Tân, gần Đại Học Luật Khoa, Sài-gòn – trấn con xích long để Tổng Thống Thiệu ngồi được lâu dài. Nhiều người đồn đại như vậy, nhiều người hỏi thẳng Cụ, nhưng Cụ cũng lại chỉ cười. Nhưng từ ngày xây con rùa, tình hình chính trị của miền Nam tương đối ổn định, không thấy nạn kiêu binh như các năm trước.
Ai biết chuyện đều phục Cụ. Nhưng Cụ không nhận và cũng không phủ nhận mình là tác giả của ý kiến xây con rùa này. Đem ra bàn thì ý của ai thì người này cũng phải là một thày địa lý rất có căn bản vì Công Trường Duy Tân được thiết kế hội đủ Ngũ Hành , Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ ẩn náu trong đó
Kim: được ẩn trong cầu thang bằng xi-măng, cốt sắt và trong bụng con rùa có rắc 5 chỉ bột vàng Kim Thành;
Mộc: Là những cây cối được trồng làm cảnh cho công trường;
Thủy: Là nước trong hồ, quanh năm bay hơi lên mát rượi cho người thắng cảnh ngồi trên bờ hồ;
Thổ: Là đất đắp xung quanh hồ dùng làm vườn cỏ Nhật Bản mơn mởn cả bốn mùa;
Hỏa: Một ngọn đèn đỏ, thắp cháy quanh năm được đặt vào trong mồm của con rùa.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, có người đặt mìn vào miệng con rùa cho nổ, hy vọng phá tan con rùa này để con xích long được thả ra hầu tạo những biến động, bất an ở Việt Nam. Không hiểu sao, gần 30 năm đã qua từ ngày mìn nổ chả có gì gọi là biến động cả. Có thể vì công trường xây cất kiên cố quá. Thêm vào đó, Dinh Độc Lập không được dùng làm phủ “Đầu Rồng” cho nguyên thủ quốc gia nữa mà được gọi là Dinh Thống Nhất dùng làm một thứ bảo tàng viện cho khách du lịch vào chơi. Nay thì cũng vắng tanh, chả có mấy người vào xem nữa.
Cụ Diễn mất một năm trước ngày Hà-nội xâm chiếm Sài-gòn. Khi Cụ mất ngoài bạn bè thân thuộc, người ta còn thấy đầy đủ các khuôn mặt lớn trong quân đội và chính quyền. Đặc biệt là có rất nhiều văn, nghệ sĩ; như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga. Bà Nguyễn văn Thiệu cùng với bà Bùi đình Nam, thư ký riêng của bà, có đến phúng điếu và lễ trước linh cữu của Cụ.  Theo lời dặn của Cụ, mộ phần được xây cất rất sơ sài, khiêm tốn ở nghĩa trang Chùa Phước Hòa.
Trong thời gian Cụ còn sống, không ai biết Cụ đã chỉ bảo hoặc dặn dò gì Tổng Thống. Nhưng sự đối xử đặc biệt của ông bà Tổng Thống đối với Cụ, cho thấy gia đình Tổng Thống đã phải được Cụ giúp cho nhiều lắm. Cũng trong suốt thời gian này, các con, các cháu và bạn bè thân thiết của Cụ, không nghe nói ai đã được “ân huệ” gì từ Phủ Tổng Thống. Đúng là một bậc thày đáng kính.
Con Xích-Thố Trước Vườn Tao Đàn
Trước Hiệp Định Genève, Cụ Diễn có biết gia đình ông bà L.T.C. lúc đó làm Giám Đốc nhà Đoan ở Hải- Phòng. Đây là một gia đình giàu có và danh giá. Ông anh cả là L.T.T. làm Đổng Lý văn phòng cho Quốc Trưởng Bảo Đại, ông anh thứ hai, thời Tổng Thống Ngô đình Diệm,  làm Chánh Án tòa Thượng Thẩm Sài- gòn, một người em là Bác Sĩ L.T.R., người em út làm kinh doanh rất thành công. Khi vào Nam, ông L.T.C. làm Đổng Lý văn phòng Bộ Nội Vụ, công danh lên như diều. Sẵn tiền bạc, ông L.T.C. mua một biệt thự lớn, đẹp, nằm trên một thửa đất mênh mông, có rào sắt, nằm ngay trên mặt tiền đường Hồng Thập Tự, nhìn sang vườn Tao Đàn. Ai thấy biệt thự này đều phải thích.
Ăn mừng tân gia, ông bà L.T.C. mời rất nhiều đồng bào, trong đó có Cụ Diễn.  Khi khách đã về hết, chỉ còn Cụ Diễn và một vài người bạn thân, chủ nhà mời mọi người ra phòng khách uống trà, hút thuốc. Sau một vài tuần trà, ông L.T.C. hỏi Cụ Diễn căn biệt thự này có tốt không? Cách hỏi giống như chỉ để Cụ Diễn trả lời là tốt lắm, tốt lắm. Nhưng Cụ Diễn đã không trả lời, mà tiếp tục hút thêm mấy hơi xì-gà, rồi thủng thẳng đứng dậy, đi các phòng trong nhà, xuống cả bếp, rồi đi ra vườn sau quan sát, rồi ra đằng trước, từ trong nhà nhìn ra ngoài đường, rồi lại ra ngoài đường nhìn vào trong nhà. Xong xuôi, Cụ trở vào nhà,  ngồi vào chỗ cũ, uống nước, rồi lai châm thuốc hút. Mọi người cảm thấy không khí hơi nặng nề, nhưng không ai dám lên tiếng. Thủng thẳng Cụ nói: Nhà này ví như con ngựa Xích-Thố mà Tào Tháo tặng cho Quan Vân Trường. Nó kén chủ. Chủ phải là người tài, đức, liêm khiết, chính trực, tiết tháo như Quan Vân Trường thì mới ở được. Nếu ở được thì giống như ngựa Xích-Thố – ngày đi vạn dậm – công danh phát lắm. Ngược lại, thì cũng như Tào Tháo thôi! Ông L.T.C. đang ôm mộng làm Bộ Trưởng, Tổng Trưởng nên nghe thấy thế thì vỗ tay cái đét một cái rồi nói: Cám ơn Cụ, thật là may cho tôi mua được căn biệt thự này.
Tưởng cũng nên nhắc sơ qua ở đây mấy chi tiết trong bộ chuyện Tam Quốc Chí về sự tích này. Theo truyện, ngựa Xích Thố nguyên là của Lữ Bố, một người tài giỏi và đẹp trai nên đã được gọi bằng mỹ danh, “Lữ Phụng Tiên”. Là con nuôi của Đổng Trác, một địch thủ của Tào Tháo, một tay đại gian hùng. Tào Tháo đã dùng Điêu Thuyền, một giai nhân tuyệt sắc, làm mỹ nhân kế để cha con Đổng Trác tàn sát lẫn nhau. Quả vậy, Lữ Bố đã giết Đổng Trác để cướp Điêu Thuyền. Sau Lữ Bố bị Điêu Thuyền đầu độc chết. Ngựa Xích-Thố nay thuộc Tào Tháo. Tào Tháo rất thích ngựa Xích-Thố, nhưng mấy lần cưỡi thử, mấy lần bị ngựa hất xuống suýt chết. Trong lúc đó Quan Vân Trường đang là tù binh của Tào Tháo. Tào Tháo tổn bao nhiêu tâm trí để dụ Quan Vân Trường bỏ người anh kết nghĩa là Lưu Bị để về phù tá mình. Nhưng đều thất bại. Tựu kế Tào Tháo lấy cớ tặng ngựa Xích Thố cho Quan Vân Trường để dùng ngựa quật chết ông. Nhưng ngựa Xích-Thố đã không quật Quan Vân Trường, mà con thần mã lại giúp ông chạy thoát khỏi tay Tào Tháo.
Ở lứa tuổi của ông L.T.C. cũng như những người ngồi ở nhà ông lúc đó ai cũng hiểu sự tích này và đều hiểu rằng Cụ lấy tích để mà khuyên gián tiếp, khác với lúc Cụ còn trẻ, hay nói “toạc móng heo” – ai chịu được thì chịu.
Hồi đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, Đại Thế Giới của Bẩy Viễn ở Chợ-lớn vẫn còn hoạt động. Ông L.T.C. xuống Đại Thế Giới chơi bạc. Ông ta thua cả triệu bạc là thường. Càng đánh càng thua. Cuối cùng cả căn biệt thự cũng bán cho Luật Sư Lê quang Liêm.
Nhân dịp Mỹ viện trợ cho miền Nam, Bộ Nội Vụ có trách nhiệm tổ chức một cuộc đấu thầu công khai. Vụ thầu rất lớn. Ông L.T.C. sai đàn em kiếm người môi giới để bán hồ sơ. Chuyện bại lộ, ông bị bắt, đưa ra tòa, nhờ ông anh làm Chánh Án tòa Thượng Thẩm, nên chỉ bị 6 tháng tù ở khám Chí Hòa, mất chức Đổng Lý bộ Nội Vụ. Sau cùng gia đình về sống trong một căn nhà nhỏ của Sở Kiến Thiết và chết tại đó.
Ông “Ăn Mày Thượng Cấp”
Cụ Diễn có quen với một nhà báo tên Hoàng Ly – người mang hai giòng máu Việt Pháp. Ông thân sinh ra Hoàng Ly làm gác-dan Nhà Hát Thành Phố, nên được ở dưới hầm của nhà hát. Hoàng Ly ở với bố. Cụ Diễn thường đến đây chơi với Hoàng Ly. Hai người rất thân với nhau. Hoàng Ly mỗi lần gặp Cụ Diễn đều năn nỉ xin Cụ xem cho sao mà cứ nghèo khổ mãi, lúc nào cũng không có tiền để nuôi một đàn con. Cụ Diễn cứ hẹn quanh, năm này qua năm khác. Hoàng Ly vào Nam năm 1955. Hoàng Ly viết cho tờ Dân Chúng, rồi sau đó viết cho tờ Sống của Chu Tử, giữ mục “Mách Nước” rồi “Thánh Sống” ký tên Hoàng Ly. Nghèo vẫn nghèo lại thêm cái bệnh hút sách nên càng nghèo kiết xác. Một hôm Cụ Diễn đến thăm Hoàng Ly đau. Cụ cho Hoàng Ly một cân cam và một ít tiền để tiêu vặt. Hoàng Ly cảm động lắm, nhân đó nắm chặt tay Cụ xin Cụ chỉ dạy cho vài điều về số mệnh của mình. Năm nay đã ngoài 40 tuổi rồi mà vẫn nghèo túng quá. Đã khất quanh nhiều năm, hôm nay thấy Hoàng Ly khẩn khoản quá, Cụ thấy không nỡ từ chối, nên Cụ nói: Anh muốn tôi xem cho anh, vậy anh muốn tôi nói thật hay nói dối. Nếu có gì anh không vừa ý anh có giận, có trách tôi không? Hoàng Ly nghe vậy thì mừng lắm, ngồi bật dậy, nói luôn một hơi: Xin đại ca cứ nói thật, đệ xin lắng tai nghe, không bao giờ dám buồn, dám giận. Mỗi người có số mạng riêng. Giàu sang, phú quí thì hưởng. Nghèo, hèn thì gắng mà chịu. Tất cả do nghiệp của mình. Đệ phụ trách mục Thánh Sống mách nước cho người, làm Thày Đời, đệ phải hiểu chứ. Nghe Hoàng Ly nói vậy Cụ Diễn tiếp: Thế thì tốt. Xin nghe đây. Số anh có thể tóm tắt vào mấy chữ này, “tướng ăn mày thượng cấp”. Nên hiểu như thế này nhé: Ăn mày là ăn mày. Nghèo kiết xác. Kiếm ăn từng ngày. Không bao giờ có tiền ăn, tiền để. Không bao giờ có nhà, có cửa, đi ở thuê suốt đời ở trong ngõ hẻm. Không đất, không đai. Nhưng vì là ăn mày thượng cấp nên cả đời gặp quí nhân, được đối xử như thượng khách, được mời tiệc tùng liên miên, áo quần, giầy dép được bạn bè cho, toàn thứ tốt. Đi ra ngoài, ăn diện vào, ai thấy cũng cũng tưởng là phong lưu, sung sướng lắm . . . có biết đâu là khi anh về nhà thì ăn cơm nguội, than thở về sự nghèo khó của gia đình. Cụ chấm dứt bằng câu: “Âu cũng là chuyện thân nghiệp cả.”
Ngẫm nghĩ chuyện thân nghiệp thì có lẽ vì phụ trách mục Thánh Sống, nên làm mọi người tưởng Hoàng Ly là người không thèm công danh, khinh tiền bạc, thích sống cuộc đời tự do, ngao du sơn thủy. Bạn bè cũng có người làm lớn, mến tài viết lách của Hoàng Ly, nhưng không dám mở miệng mời Hoàng Ly làm cho mình. Thỉnh thoảng bạn bè chỉ cho Hoàng Ly tiền hoặc quà cáp đắt giá hoặc rủ anh đi ăn, đi chơi những chỗ sang trọng. Nghèo túng vẫn nghèo túng, không ai biết cho. Thật đúng là “ăn mày thượng cấp”.
Hoàng Ly cho đến lúc chết vẫn nghèo. Không một xu dính túi. Lúc gần chết, Hoàng Ly khen: Cụ Diễn chỉ phê một câu mà nói đúng số mạng, cuộc đời của tôi. Cụ Diễn mới chính là “Thánh Sống”, còn tôi chỉ đáng là “Thánh Chết”.
Triệu Phú ALPHA Kim Thịnh
Trước năm 1975, ai ai ở Sài-gòn cũng phải biết nhà triệu phú bán vàng ALPHA KIM THỊNH nằm trên đường Tự Do, một con đường sang trọng nhất Sài-gòn. Người biết chuyện kể rằng bà Kim Thịnh là người miền Bắc. Lúc nhỏ nghèo khổ. Hai ba đời chồng mà vẫn không yên. Vào Nam một thời gian, làm ăn không khá nên bỏ sang Lào. Khoảng 30 tuổi thì hai ông bà gặp nhau. Ông cũng là người miền Bắc, sang Lào mở một tiệm thuốc phiện. Hai ông bà làm ăn vất vả mà vẫn nghèo, nên kéo nhau về Sài-gòn. Ông bà buôn bán hàng giữa Sài-gòn và mấy tỉnh bên Lào. Hàng hóa được chở bởi hãng xe đò MALPUECH của một người Pháp cũng có tên là Malpuech. Làm ăn lâu với nhau, ông bà được Malpuech giúp đỡ và công việc làm ăn phát triển tốt đẹp.
Nghe nói ông bà Kim Thịnh đã gặp Cụ Diễn tại một tiệm thuốc phiện tên NHÀN LẠC CƯ ở Đa-Kao Sài-gòn. Thời Tây, hút thuốc phiện được tự do. Phần lớn các tiệm thuốc phiện do người Tầu đấu thầu được và làm chủ. Ai hút thuốc thì mua thuốc rồi bồi nó tiêm cho mà hút. Ai không hút thuốc thì mua một “ngao” – đơn vị nhỏ nhất – cho bồi nó hút còn mình nằm nghe chuyện Đông Tây, chuyện tào lao, hoặc muốn tìm chỗ ngủ tạm qua đêm khỏi tốn tiền phòng.
Ông bà Kim Thịnh đã nhờ Cụ Diễn xem tướng cho. Người ta thuật lại lời Cụ xem như sau: Tướng bà là tướng triệu phú, tỷ phú, . . . , một tay bà dựng nên cơ nghiệp. Bà sẽ ở và làm ăn trong căn nhà lầu bốn năm từng tại con đường sang trọng nhất nước, thí dụ như đường Catina, sau này gọi là Tự Do (Sài-gòn). Bà sẽ không cần làm nghề mở tiệm hút á-phiện nữa mà sẽ quay ra buôn vàng. Ông bà giàu có, cả nước biết tên, biết tuổi. Con cái ông bà đều thành tài. Khi đó thì ông bà bắt đầu thay đổi. Bà thì chỉ nghĩ tới chùa chiền. Bà sẽ xây một ngôi chùa rất lớn, rồi về già thì tu tại đây và chết tại đây. Ông thì sẽ mê say một đứa cháu gái, rồi lấy làm vợ và có ba bốn đứa con nữa. Bà sẽ chết trước ông. Khi bà chết đi thì của cải trong nhà cũng sẽ đội nón ra đi theo bà. Ông và người vợ bé sau này sẽ sống rất cơ cực, nghèo túng, rồi chết trong âm thầm, lặng lẽ, không ai còn nhớ ông đã từng một thời là triệu phú, chủ nhân một tiệm vàng nổi tiếng tại một con đường nổi tiếng. Ông bà Kim Thịnh, nghe nhưng không tin lắm vì nghĩ trong đời họ, quá nửa đời đã qua, nay cũng chỉ là dư dả đôi chút, lấy đâu ra mà giàu có ai cũng biết tên.
Cụ Diễn quả thật là thần tướng. Ông bà sau này nhờ thành công trong việc buôn bán đường Lào, mua một căn phố ở đường Catina, xây lên 5 tầng lầu để mở tiệm tên ALPHA KIM THỊNH để bán vàng và các loại đồng hồ nổi tiếng của Pháp và Thụy Sĩ. Ông bà trở nên triệu, triệu phú. Trong nhà có nuôi một đứa cháu của bà để trông nom việc nhà. Khi bà Kim Thịnh dành nhiều thì giờ cho việc đi chùa thì cũng là lúc cô cháu gái tới thời trổ mã và ông chú dượng bắt đầu để ý. Bà Kim Thịnh biết, cố ngăn cản, nhưng ông Kim Thịnh tỏ ra không còn nể nang bà nữa, còn cô cháu gái cũng bất chấp lời khuyên răn của bà và ngang nhiên đi lại với ông dượng. Bà Kim Thịnh không làm lớn chuyện, bà bỏ rất nhiều tiền của ra xây dựng một ngôi chùa rất lớn và đẹp tại Gia Định. Khi cô cháu có con với ông Kim Thịnh, thì bà lẳng lặng dọn hết đồ đạc vào chùa. Bà thực sự đi tu. Sau tháng Tư năm 1975, số phận tiệm vàng ALPHA KIM THỊNH cũng giống như bao nhiêu những cơ sở kinh doanh khác ở miền Nam đã bị nhà cầm quyền tịch thâu theo lệnh “Cải Tạo Công Thương”. Ông Kim Thịnh và cô vợ trẻ phải dọn ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, về sống ở một căn nhà thuê nhỏ ở trong ngõ Trương minh Giảng, Phú Nhuận, thuộc tỉnh Gia Định. Bà Kim Thịnh chết được ít lâu thì ông Kim Thịnh cũng chết. Con cái thì bị chính quyền mới bắt đi “cải tạo”, người sống, người chết không biết ai còn, ai mất. Hai ông bà được chôn gần nhau tại nghĩa trang chùa Giác Hải, Gò Vấp, Gia Định. Hai ngôi mộ đắp sơ sài như trăm ngàn ngôi mộ của những người nghèo khổ khác. Không ai biết đây là mộ của chủ tiệm vàng và đồng hồ ALPHA KIM THỊNH, giàu có mà hầu hết mọi người đều nghe tên, biết tiếng.
Vua Kẽm Gai
Trước 1975, tại Hà-nội có ông Hoàng kim Quy là một đại doanh thương, có tầm vóc quốc tế, có thể cạnh tranh với người ngoại quốc. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại của Pháp, một đại học danh tiếng vào bậc nhất chuyên đào tạo những người chỉ huy cho các lãnh vực kinh tế, tài chánh và thương mại. Ông Hoàng kim Qui về nước không đi làm công cho các công ty của người Pháp, cũng không làm công chức cho chính quyền bảo hộ, ông đứng ra tự kinh doanh.
Năm 1952, tình hình chiến trường đã bất lợi cho quân đội Pháp. Nhiều người đã bán nhà cửa để dọn vào trong Nam. Công ty Descours et Cabaud là một công ty rất lớn chuyên bán dụng cụ nông nghiệp, xây cất, làm đường xá, . . . , cũng đem ra bán để dọn về Pháp. Không mấy ai đủ tài chánh để mua hãng này. Người đủ tài chánh thì không mua vì tình hình chính trị, quân sự bất lợi về phía người Pháp. Ông Hoàng kim Quy đã quyết định mua và đổi tên là Công Ty Hoàng Kim Quy. Sau Hiệp Định Genève 1954, Pháp rút khỏi Bắc Kỳ. Ông Hoàng kim Quy mất hết. Vào trong Nam, ông Hoàng kim Quy mở văn phòng tại đường Hàm Nghi nuôi mộng làm giàu trở lại. Suốt thời gian từ 1954-1963 ông chỉ làm ăn cầm cự qua ngày. Gặp ông thời đó trông ông già đi rất nhiều.
Ông Hoàng kim Quy nhờ ông Đỗ quang Giai, nguyên là Thị Trưởng Hà-nội, mời hộ Cụ Diễn để nhờ Cụ chỉ dạy cho dăm ba điều để may ra gây dựng lại sự nghiệp đã mất ở Hà-nội.
Ông Đỗ quang Giai và Cụ Diễn là chỗ thân tình, nên Cụ Diễn nhận lời đến ăn cơm trưa ở nhà ông Hoàng kim Quy. Sau khi ăn trưa xong, mọi người ra uống nước và ông Hoàng kim Quy xin Cụ Diễn chỉ bảo cho vài ba điều. Cụ Diễn nói ngay: Tướng ông thì lộ ra rất rõ nên xem cũng không khó, nhưng tôi thưa trước là tôi thấy sao nói vậy, nếu sai đừng trách tôi nhé. Tiếp theo Cụ nói: Tướng ông có số học hành đỗ đạt cao. Nếu ông chịu đi làm thì công danh cũng khá, nhưng không giàu có bằng kinh doanh, buôn bán. Nếu ông kinh doanh về ngành sắt, thép thì giàu lắm, nổi tiếng khắp nước và được gọi là “Vua Trong Ngành” – nghĩa là trong ngành sắt, thép thì ông làm vua. Nếu ông buôn vải vóc, ngũ cốc, lúa gạo thì sẽ cháy túi. Nếu ông mở khách sạn, tiệm ăn thì cũng phá sản. Tôi nói với ông vài điều, ông tin hay không tin thì tùy ý. Ông Hoàng kim Quy vội năn nỉ xin Cụ nói tiếp. Cụ bảo: Lúc thời trung niên, nếu ông có giàu tới trăm triệu, cũng không được gọi là có “vận hên”, đó chỉ mới là chớm nở mà thôi. Càng về già ông càng giàu có gấp bội. Không phải là triệu phú mà là tỷ phú. Tiền bạc đã nhiều, công danh lại đến như diều gặp gió. Ông sẽ cận kề nguyên thủ quốc gia. Trong nước biết mặt, ngoài nước biết tên. Đi đâu cũng có kẻ đưa, người đón. Giàu có, thế lực ông đều có hết. Chỉ hiềm ông có cậu con trai thuộc loại “phá gia chi tử”. Nhân vô thập toàn, có cái này thì mất cái kia.
Đời ông ví như cây hồng trổ bông, rực rỡ vô cùng. Đến khi được gần 70 tuổi, thì bỗng nhiên như có cơn cuồng phong thổi tới, quét sạch hết, cả hoa lẫn lá. Ông không còn gì nữa. Ông sẽ như cá nằm trên thớt, như chim sa bẫy. Tù tội, đau ốm rồi chết, không vợ, không con, không cháu, không bà con thân thích, không bạn bè. Sống thì làm “Ông Vua Một Cõi”, khi chết thì làm “Ông Vua Hiu Quạnh”, không kèn, không trống, không ai khóc thương.  Cụ Diễn nói một hơi, rồi ngừng lại, chép miệng, rồi nói: Chuyện tôi nói còn lâu mới đến. Tâm sinh tướng, ông ăn ở hiền lành, giúp đỡ cho người nghèo khó, . . . , thì dữ hóa lành. Mọi sự có vẻ tùy nơi ông cả.
Ông Hoàng kim Quy sau làm Thượng Nghị Sĩ, rất thân cận với Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Ông là người được độc quyền cung cấp giây kẽm gai cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh. Ông được mọi người gọi là “Vua Kẽm Gai”. Tiền rừng, bạc biển.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông Hoàng kim Quy cũng như các nhà kinh doanh lớn khác bị kẹt lại ở trong nước tài sản đều tịch thu, người thì bị tù đầy, đi cải tạo lao động theo chính sách “Cải Tạo Công Thương” của chính quyền mới. Con trai của ông là Hoàng kim Lân nhanh chân chạy ra nước ngoài để mặc cha ở lại và bị giam ở trại Phan đăng Lưu. Trong tù ông bị rất nhiều đắng cay. Rồi một buổi sáng, mọi người dậy đi lao động, không thấy ông dậy, xem ra thì ông đã chết từ bao giờ rồi.
Ông Hoàng Thụy Năm
Ông Hoàng Thụy Năm làm Tỉnh Trưởng Vĩnh Ninh thời kỳ ông Nguyễn Văn Tâm, con hùm xám Cai Lậy (Mỹ Tho), làm Thủ Hiến Bắc Kỳ. Ông xuất thân quan lại, nhưng là người rất tiến bộ, cởi mở, trong sạch, . . . Ông có người em là Bác Sĩ Hoàng Thụy Ba, theo Cộng Sản. Sau Hiệp Định Genève, ông Hoàng Thụy Năm di cư vào Nam và được Tổng Thống Ngô Đình Diệm phong hàm Đại Tá và là đại diện cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (UHQTKSĐC). Còn em trai ông, Bác Sĩ Hoàng Thụy Ba, và bà mẹ thì ở lại Hà-nội. Khi bà cụ mất thì ông Năm được sự giúp đỡ của UHQTKSĐC can thiệp nên được phép về Hà-nội chịu tang mẹ. Khi trở lại Sài-gòn ông vẫn được làm Đại Tá bên cạnh UHQTKSĐC. Tuy nhiên trong Dinh Độc Lập đã có dư luận cho là ông Năm đã tiết lộ bí mật quốc gia cho người em trai là Bác Sĩ Hoàng Thụy Ba. Như thường lệ, một buổi chiều cuối tuần tài xế đưa ông về căn nhà ông xây trong một vườn cây ăn trái, um tùm ở Dĩ An, Biên Hòa cho người vợ nhỏ ở. Gần tới nhà thì xe bị chặn lại. Ông bị bắt đi. Hai hôm sau thì xác ông nổi lên tại Nhà Bè, bị bắn vào mặt. Nhà cầm quyền miền Nam thời đó đổ cho Việt Cộng đã sát hại ông. Tuy nhiên đa số tin rằng chính ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, em ruột Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh thủ tiêu ông Năm.
Ngay từ khi Cụ Diễn còn ở Hà-nội, ông Hoàng Thụy Năm và Cụ Diễn đã quen biết rất thân thiết với nhau. Ông Hoàng Thụy Năm khi đó khoảng 50 tuổi, nhưng khi đi hát ả-đào vẫn còn hào hoa phong nhã lắm. Ông Năm có cô “bồ nhí” mới độ ngoài hai mươi tuổi. Đi chơi đâu ông cũng mang cô đi và nửa đùa, nửa thật nói cô này là bồ của Cụ Diễn. Biết như vậy, nhưng Cụ Diễn cũng không cải chính vì nghĩ rằng bạn mình sợ mang tiếng mà làm vậy. Có biết đâu vì chuyện này mà suýt nữa cụ Diễn bà bị kiện vì đã đánh ghen nhầm. Đây cũng nói lên cái tính thương bạn của Cụ.
Hồi còn ở Hà-nội, có lần ông Hoàng Thụy Năm nhờ Cụ Diễn xem tướng cho. Cụ nói: Lúc này đang ở vận tốt, chẳng có gì đáng nói. Có chăng là độ hai năm nữa. Phải giữ mồm,  giữ miệng. Không bao giờ đi về nơi cây cối um tùm, có rừng, có núi. Tai nạn xẩy ra ở chỗ đó đấy. Ông Năm năn nỉ xin Cụ nói thêm thì Cụ nói:
Hai năm nữa vận xấu sẽ đến, phải TU, phải làm phước, cầu nguyện mới hy vọng tránh được tai họa lớn lao. Nhưng, nếu không có can đảm từ bỏ công danh, rút lui sống một cuộc sống an phận thủ thường thì e tránh không được nghiệp quả.
Ông Hoàng Thụy Năm đã quên lời dặn của Cụ Diễn khi làm Đại Tá bên cạnh UHQTKSĐC. Ông cho xây nhà ở Dĩ An, Biên Hòa, cho vợ bé ở và cuối tuần ông về đây ở. Đây là nơi cây cối um tùm và là nơi mà Cộng Sản hoạt động khá mạnh, ít ai dám ở, dám lui tới ban đêm. Ông Năm đã chết như Cụ Diễn đã nói, chỉ không biết ai đã giết ông.
NHẬT BÁO LỬA SỐNG NGÀY 07-11-1955
MỘT GIANG HỒ THUẬT SĨ ĐÃ NÓI GÌ VỀ TAY TRÙM BÌNH XUYÊN?
Lê văn Viễn: Lạc thảo lập nghiệp! Anh đã làm nhiều việc thất đứ
1.   Mở Bình Khang: Đại thất đức
2.   Buôn thuốc phiện: Đại thất đức
3.   Mở sòng Kim Chung: Đại thất đức
4.   Nhiều điều thất đức lặt vặt nữa
Ngày sau anh sẽ mất hết sự nghiệp, các tay chân sẽ bỏ anh khi anh lâm nạn. Lúc chết sẽ không gặp mặt vợ con, mặt gục xuống đất ở một miền xa, một viên đạn bắn sau gáy.
Hồi đó khoảng chừng hội nghị Giơ-neo (Genève) có một nhà tướng số ở Hà-nội vào chơi với bạn bè trong Sài-gòn. Người đó đã nổi tiếng từ lâu ở ngoài đất Bắc vì có dị tài như “ma xó” về dĩ vãng, hiện tại, vị lai của những người mà ông ta cao hứng xem dùm. Rất nghèo nàn, nhưng ông ta không bao giờ xem tướng lấy tiền của ai. Ông thày tướng đó sống khá . . . dở hơi. Đầu tóc xõa che cả mắt, quần áo lại lôi thôi, lốc thốc, đi giầy không tất. Trông ông ta có vẻ là một nghệ sĩ (!) hơn là một thày tướng. Đã không nói, dù tiếp đãi trọng vọng đến thế nào ông ta cũng không hé răng. Đã nói, tự nhiên cao hứng nói luôn không cần người ta nhờ cậy xem giúp gì cả. Nhưng lúc ông “thày tướng nghệ sĩ” đó nói thì người nghe phát rùng mình vì sự quyết đoán rất đáng sợ, chắc nịch, sỗ sàng bất chấp cả xã giao.
Hồi tản cư, ông ta hay về Hưng Yên, một buổi đi chơi với mấy công chức đến một trạm gác, du kích mời vào hỏi giấy tờ. Trong lúc bị xét hỏi giấy tờ, ông “thày tướng tài tử” đó chăm chú nhìn từng anh du kích một. Khi rời điếm gác, ông ta quay bảo mấy người đồng hành rằng: “Tất cả bọn du kích vừa rồi sắp đến ngày tận số hết, không cách nào thoát được”.
Điếm gác đó cách xa mặt trận hàng 15 cây số. Chỉ cách hôm đó mấy chục tiếng tiếng đồng hồ, một sớm, lúc cả bọn đang nằm ngủ thì quân ngoại nhân đột kích từ tỉnh về, vớ được, bắn chết tất cả!
Một bà Tuần mệnh phụ, một hôm ngồi cùng người quen, trong đó có cả ông thày tướng kia. Bà quan góa chồng, xưa nay vẫn “đường đường mệnh phụ phu nhân” khiến ai cũng phải phục. Bà quan nhờ ông ta coi giúp. Ông ta từ chối, sau bị ép quá, ông ta thản nhiên bảo; “Trong đời bà, bà đã có một lần “đi lại” với một người đàn ông không phải là chồng ở dưới nước!”. Mọi người giật mình vì câu nói sỗ sàng, bà mệnh phụ phu nhân đỏ tím mặt, chối bai bải, nhưng sau khi tan họp, bà mới mời ông thày tướng ở lại và thú nhận rằng: Lúc chưa lấy quan Tuần, có một buổi đi tắm bể cùng người yêu, rồi yêu nhau đúng như lời thày nói.
Hồi Hoàng trọng Phu đang quyền cao chức trọng, nghe danh ông ta, mời đến nhà, tiếp đãi nồng hậu, cung kính đến cả tháng trời, có ý nhờ ông ta coi giúp. Nhưng sau mấy chục hôm làm thượng khách nhà “cụ Thiếu Hà Đông”, một buổi sớm, thày tướng chào . . . ra về. “Cụ Thiếu” nể quá không dám ngỏ lời, bèn tiễn ra cổng, đoạn quay vaò Một người nhà “cụ Thiếu” bèn tiễn thêm mấy bước, đoạn lễ phép: “Thưa ngài, cụ Thiếu nhà tôi có lòng yêu mến ngài, mời ngài đến chơi, có ý nhờ ngài nói cho vài câu, nhưng nể quá không dám ngỏ ý!” Thày tướng bèn thản nhiên: “Còn nói gì nữa. Hết rồi còn gì!” Dứt lời, thày rũ áo đi thẳng. Chỉ ít hôm sau, Nhật đảo chính và từ đó nha “cụ Thiếu” xuống dốc rất nhanh, không ai tưởng tượng đươ
Đại khái một vài “giai thoại khoa học huyền bí” như thế và còn nhiều chuyện “nói như ma” của ông thày tướng tài tử ấy được chuyền hết các giới, nên khi ông ta vào Sài-gòn có nhiều người “tai to mặt lớn” cầu cạnh mời xem cho kỳ được. Trong số những người mời ông ta có cụ Nguyễn phan Long và Lê văn Viễn.
Được biết tiếng thày tướng “ma xó” Ngô hùng Diễn, Bẩy Viễn nhờ Lê văn Ngọ và hai tay đàn em bự đến mời ông ta. Vì bị mời quá ư khẩn khoản, ông Ngô hùng Diễn bất đắc dĩ phải nhận lời.
Hồi đó Bẩy Viễn đang hét ra lửa, ai đến cũng tỏ ra cung kính rất mực. Tối đó trong bữa tiệc có hầu hết các tay chân của Bẩy Viễn, nhưng vắng Lai hữu Tài và Lai hữu Sang – Sang đang làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An.
Tiệc tan, Bẩy Viễn nhờ Ngọ mời thày tướng vào mật thất uống “mác-ten sô-đa” nói chuyện thân mật. Quanh bàn rượu có mười tay Bình Xuyên cỡ lớn, những tay có thể nuốt tươi những kẻ nào . . . làm mếch lòng họ.
Cạn ly “mác-ten” thứ nhất, “thày tướng nghệ sĩ” còn “thưa thưa, gửi gửi, . . . .thiếu tướng, thiếu tiếc . . . ‘. Cạn ly thứ hai, “thày” hạ xuống “ông ông ông Bẩy”. Cạn ly thứ ba, “thày” gọi phăng trùm Bình Xuyên là “anh” mà rằng: “Tướng anh là tướng lạc thảo, ăn cướp gặp may nên nghiệp lớn! Trong việc dựng nghiệp, anh đã làm nhiều việc thất đức! Mở Bình Khang là một điều đại thất đức. Buôn bán thuốc phiện là hai điều đại thất đức. Mở sòng bài Đại Thế Giới Kim Chung là ba điều đại thất đức. Còn nhiều điều thất đức lặt vặt nữa. “Ăn xổi, tất ở thì nếu không co đức, không ở được địa vị này bền đâu!”
Bẩy Viễn bảo: “Nhưng hàng vạn quân phải nuôi, nếu không có các thứ thuế đó, tôi cũng phải cho chúng đi ăn cướp mất. Lê văn Ngọ sợ hãi, làm hiệu cho thày tướng. Nhưng rượu nóng mặt, thày tướng không cần giữ ý chi nữa, thấy sao nói vậy, cứ “toạc móng heo” ra: “Chung quanh anh toàn những kẻ gian xảo, quỷ quyệt, lúc phú quí họ bám chặt lấy anh, nhưng lâm nạn họ bỏ anh ngay. Anh sắp nguy đến nơi rồi.”
Bẩy Viễn nói: “Có cách nào cứu được không?” Thày ngẫm nghĩ một lát, đoạn lại thản nhiên đọc từng nét tướng trên mặt “trùm Bình Xuyên” và kết luận: “Phải thi đức ngay tự phút này! Phải thay hết những tay chân trọng yếu đi mới được! Những kẻ hiện nay sẽ là những kẻ hại anh đến nơi đó!
Bẩy Viễn lại hỏi: “Vậy phải làm thế nào?
Thày lắc đầu: “Tôi không biết gì chính trị, quân sự, nhưng chỉ biết là muốn giữ vững được thế này, anh phải có quân sư chân tài, chân đức mới được!” Bẩy Viễn đăm đăm nhìn thày tướng: “Ông bảo trong thiên hạ, hiện ai có thể như ông nói?”
Ông thày tướng kể đến một người (chúng tôi không tiện nói tên). Nghe xong Bẩy Viễn lẳng lặng.
Viễn có dáng hoài nghi, vì lúc đó, nhìn gần thì thế của Bẩy Viễn đang vững như bàn thạch, tiền bạc rất nhiều, tay chân cũng lắm, vận đang lên như diều.
Chừng biết được ý Bẩy, thày tướng có vẻ thương hại, cái thương của kẻ thấu được đạo trời lồng lộng, trước kẻ u mê: “Tướng anh lạ lắm. Nếu biết ra, được quân sư tốt, anh có thể trở thành anh hùng cứu quốc, để tiếng muôn đời, còn nếu cứ thế này, anh sẽ thành . . . lưu xú vạn niên! Sắp đến nơi rồi!”
Bẩy Viễn lẳng lặng, vẫn có dáng khó tin. Mọi người lại dâng cốc. Muốn phá bầu không khí nặng nề, một tay đàn em hạng nhất của Bẩy Viễn nhờ ông ta xem.
Ông ta cười: “Anh trong đời phải chịu 7 án tử tội. Từ trước đến nay, anh đã bị 6 lần rồi, còn một lần nữa cũng sắp đến rồi.”
Gã đó sợ hãi thú nhận đã bị đúng 6 lần rồi và xin ông thày thêm mấy lời. Nhưng thày tướng nhất định không nói thêm nửa lời.
Tiệc “mác-ten” tan, thày tướng cáo từ ra về. Bẩy Viễn tiễn ra cửa, có cả Lê văn Ngọ đi cạnh. Thày tướng nhìn Bẩy Viễn một khắc, đoạn cúi đầu đi thẳng khi Viễn, Ngọ gặng hỏi thêm. Biết “tay trùm lạc thảo” không tin, “thày” ta còn điều tối quan trọng chưa muốn nói nốt. Nhưng tuy có vẻ bán tin, bán nghi, Bẩy Viễn vẫn cố gặng hỏi (theo thói quen tò mò của người đời): Thày tướng bảo: Sắp có đại sự quan hệ mật thiết đến Bình Xuyên.
Nếu anh biết hy sinh thân thế, sẽ thành anh hùng cứu quốc, giúp được dân chúng rất nhiều, nhưng nếu không hy sinh, anh sẽ cũng mất nghiệp và lại lưu xú về sau, bia miệng thế gian đó.
Ngừng lại một khắc như để hồn chìm vào bức màn thiên cơ huyền bí, thày tướng nói như đinh đóng cột: Anh sẽ mất hết sự nghiệp, tiếng tăm. Các tay chân sẽ bỏ anh khi lâm nạn. Khi anh chết không trông thấy vợ, con, mặt anh sẽ gục xuống đất ở một miền xa, một viên đạn bắn sau gáy!
Dứt lời thày tướng bước đi ngay.
Lần Bẩy Viễn nhờ thuật sĩ coi tướng, nhiều người được biết.
Những lời thày tướng đó nói với Bẩy Viễn vẫn còn vang trong đầu những người quanh tiệc “mác-ten” tại nhà Bẩy Viễn. Nhưng sau hôm đó, trong nội bộ Bình Xuyên vẫn không có sự thay đổi, Mọi điều vẫn như cũ. Và ngày nay, lời ông “thày tướng ma xó” kia đã lần lần thành sự thực. Bạn đọc hẳn đã rõ. Bất tất chúng ta phải kể lại.
Đạo trời lồng lộng, chúng ta hãy chờ xem đoạn kết cuộc đời Lê văn Viễn trong bước đường đào tẩu. Rất có thể, một ngày nào đó, Tài, Sang sẽ thấy Viễn là một . . . sự phiền phức, cần thanh toán vì bọn họ có thể oán lẫn nhau trong lúc thất thế, mất hết cơ nghiệp trong chốc lát. Nhất là Viễn sẽ có thể mất trí vì tiếc của, có thể phát khùng với hai anh em quỷ quyệt Tài, Sang. Và có thể trong một buổi nào đó, ở một nơi vắng vẻ, khi Bẩy Viễn đang ôm đầu nghĩ ngợi gì đó thì họng súng của Tài hay Sang sẽ nhằm gáy “trùm Bình Xuyên thất thế” khạc ra một viên đạn kết liễu đời “anh Bẩy” cho rảnh chuyện.
CHUYỆN CỦA MỘT SỐ NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC CỤ NGÔ HÙNG DIỄN XEM TƯỚNG
LỜI MỞ ĐẦU
Ông Trương Đình Giần và bà Ngô Thị Dẫn, con rể và con gái cụ Ngô Hùng Diễn, ông Trần Quang Duật, người đã được Cụ chỉ bảo để tránh được nhiều hoạn nạn, ông Trần Xuân Kính, người đã được Cụ chỉ cách để tránh họa chết, Kỹ sư Bửu Hạp, người quen Cụ trong gần 15 năm và đã được Cụ chỉ dẫn để cá nhân ông và gia đình được thành công, hạnh phúc và bình an, ông Trần Văn Hài, một người bạn thân của Cụ trong suốt mấy chục năm và nhiều thân hữu khác nữa đã cung cấp cho tác giả những câu chuyện về những người đã được Cụ Ngô Hùng Diễn xem trải qua một khoảng thời gian gần năm chục năm từ ngày Cụ còn trẻ.
Vì số trang sách có hạn, tác giả chỉ xin chọn một số ít chuyện rồi, nếu cần, trích hoặc thu ngắn các chuyện này để ghi nhận lại những chi tiết quan trọng. Tên nhân vật trong một số tài liệu đã được tác giả viết tắt vì vấn đề tế nhị của câu chuyện. Tuy nhiên, nếu suy diễn căn cứ trên nội dung câu chuyện mà thấy trùng với chuyện của người nào thì đó là ngoài ý muốn của tác giả. Xin làm ơn cho tác giả biết để thay đổi trong ấn bản sau cho thích hợp.
TÀI LIỆU CỦA ÔNG BÀ TRƯƠNG ĐÌNH GIẦN, NGÔ THỊ DẪN
Anh Chị gửi sang Cậu những câu chuyện về tướng số mà Thày đã xem lúc sinh thời. Anh Chị cầu hương hồn
Thày lúc nào cũng ở bên Quyến để khuyến khích và an ủi người con trai tinh thần của Thày.
Thày xem tướng cho ai không bao giờ kể lại cho ai nghe. Những chuyện về địa lý và tướng gửi Cậu là do những người được Thày xem hoặc do người chứng kiến Thày xem kể lại. Thày nổi tiếng vì Thày thấy sao nói vậy, vì cách Thày giúp giải họa ít thấy ai dùng và khi giúp ai Thày không bao giờ lấy thù lao của họ
Trúng Số Không Xui
Về sở thích của Thày thì ngoài ciné, hát bội ra Thày còn thích mua vé xổ số. Vào thời Tổng thống Diệm, anh có một người bạn trúng số độc đắc một triệu đồng (tương đương với 300 lượng vàng). Anh này khi còn ở ngoài Bắc chưa di cư vào Nam là một địa chủ, có nghĩa là một người đã từng cầm tiền và biết tiêu tiền. Trúng số xong, anh ấy mua ba căn nhà, toàn nhà mặt tiền, một căn mở tiệm uốn tóc, một căn anh mở hàng vàng, căn thứ ba cho thuê. Nhưng chỉ có mấy năm anh ấy đã trắng tay và còn khổ hơn lúc chưa trúng số nữa. Anh mang chuyện này hỏi Thày: Có phải trúng số là xui không? Thày bảo: Trúng số là hên chứ, sao lại xui, nhưng tiền trúng số là tiền của bá tánh gom lại cho mình, thì mình chỉ hưởng một nửa, còn một nửa phải làm phúc thì mới giữ đươc.
Âm Dương Cách Biệt
Ông HPH kể: Một hôm Thày đến nhà ông vào bữa ăn, Thày thấy ông để trên bàn ăn một bát cơm, đôi đũa rồi thắp nhang và lẩm bẩm khấn: Con về ăn cơm. Thì ra con trai ông mới mất. Ông mời con ông về ăn cơm cùng với ông. Thấy vậy, Thày giảng giải cho ông là: Cháu đã mất rồi, âm dương cách biệt, không nên làm như thế. Cháu còn nhỏ nên đem cháu lên chùa để cháu nương cửa Phật. Từ đó Ông thôi không làm như thế nữa.
Sự Ai Oán Của Người Dân Bị Đuổi Nha
Hồi Chính Phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập Làng Đại Học Thủ Đức, lúc đó anh C. là Giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh nên có tiêu chuẩn được chính phủ cấp cho đất và còn cho vay tiền làm nhà nữa. Như vậy bỗng nhiên trở thành sở hữu chủ một biệt thự. Khi làm xong bà B. (mẹ vợ anh C.) và anh C. mời Thày lên xem nhà hộ. Thày nói: Nhà xây đẹp lắm, nhưng nhà này chỉ có một mình ông bà B. ở được mà thôi, còn vợ chồng anh C. chỉ có thể ngày thứ Bẩy, Chủ Nhật hay ngày lễ lên chơi từ sáng đến chiều, chứ tuyệt đối không được ngủ lại đêm. Gia đình này đã biết tài xem tướng của Thày nên nghe theo ngay. Sau mấy năm thấy có nhà mới mà không được ở, nên khi thấy có người muốn mua anh chị C. có ý muốn bán. Anh đem hỏi ý kiến Thày. Thày nói: Nên bán đi. Khu đất này chính phủ đã cưỡng ép dân chúng phải dời đi nơi khác để bán rẻ cho chính phủ nên đã gây ra nhiều chuyện ai oán vì bị mất nhà, phải dời mồ mả tổ tiên đi nơi khác vì vậy đất này ở không tốt. Anh C. nghe lời Thày đã bán căn biệt thự này. Bán xong, chỉ chừng một năm sau giá nhà tại Làng Đại Học tăng lên gấp hai ba lần. Vì thấy mình chỉ vì nghe lời Cụ Diễn mà để mất một số tiền lớn, nên Anh C. từ đó không đến Cụ nữa. Ông Bà B. thì vẫn đến thăm Thầy như xưa. Mấy năm sau lại thấy vợ chồng anh C. lên thăm Thày thường xuyên như ngày xưa. Bà B. kể: Khi chưa bán nhà mỗi lần Anh C. lên chơi, cứ mỗi lần Anh vào nhà tắm thì Anh lại nghe thấy tiếng đàn và tiếng hát rõ mồn một. Anh biết tiếng đàn, tiếng hát không thể từ nhà hàng xóm vọng sang được vì từ nhà nọ sang nhà kia cách nhau khá xa. Đó cũng là lý do khiến anh C. có ý định bán căn biệt thự. Bà B. kể tiếp: Sau năm năm từ khi bán ngôi biệt thự này thì hai người chủ sau của ngôi biệt thự này đều bị chết bất đắc kỳ tử. Hai người này đều tuổi Dần – anh C. cũng tuổi Dần. Thấy như vậy, anh C. không giận Thày nữa.
Đặt Tên Cho Con
Nói về chuyện đặt tên cho con, việc này Thày bảo cũng phải tùy tướng của đứa bé mà đặt tên cho nó. Tướng nó rắn rỏi mà đặt tên ẻo lả cũng không được. Con trai mà đặt tên là Hùng thì một là rất lanh lợi, khôn ngoan, hai là thật đần độn. Anh chị có một người Chị tên VTM. Chị này lấy chồng là ĐQH. Anh chị có hai con gái đặt tên là Yên Hà và Thu Huyền. Khi đặt tên anh chị H. không hỏi Cụ. Có lần Cụ bảo chị M. là: Chị có biết “Yên Hà” là gì không? Còn “Thu Huyền” là “Thù”. Sau khi sanh cháu Thu Huyền thì anh chị ấy xích mích. Chị ấy muốn bỏ chồng. Chị ấy đến hỏi Thày. Thày bảo: Chị không nên bỏ anh ấy. Ai đề xướng việc bỏ nhau trước thì người đó sẽ gánh hết mọi hậu quả, đằng nào thì anh ấy cũng sẽ bỏ nhà ra đi. Quả nhiên hai năm sau anh H. có “bạn mới” bỏ nhà đi thật. Hiện nay hai người trở nên thù hận nhau. Cháu Yên Hà lấy chồng sau
1975, về nhà chồng được gần sáu tháng thì bị bạn gái giết chết. Cháu Thu Huyền thì đang ở Canada.
Nghiệp Vợ Chồng
Ở Hải Phòng có một bến đò gọi là Bến Đò Bính, bờ bên này là tỉnh Hải Phòng, bờ bên kia là Thủy Nguyên. Thày thường qua lại bến đò này. Một hôm Thày thấy anh lái đò có tướng lạ, Thày bảo: Sau này anh sẽ ở một biệt thự, nhà có người hầu hạ, anh sẽ măc pi-ja-ma đi ra, đi vào. Sau khi nghe nói vậy, anh lái đò cười thầm và nghĩ rằng: Ông này chế diễu mình . . . Về sau, việc xẩy ra: Một hôm có hai vợ chồng người Pháp qua sông bằng đò do anh lái đò này chở. Bỗng dưng người chồng bị ngất, té xỉu thì anh lái đò nhanh tay đón được nên ông ta đã thoát được nguy hiểm. Để trả ơn anh lái đò đã cứu mình, hai vợ chồng người Pháp đem anh lái đò về nhà để lo công việc trong biệt thự của họ. Ít lâu sau người chồng chết, bà đầm Pháp đã lấy anh quản gia người Việt. Bà đầm chịu cấp dưỡng cho người vợ Việt của anh lái đò và hàng tháng vẫn cho anh về thăm vợ con. Câu chuyện này rất nhiều người ở Hải Phòng biết.
Bà Trần Lệ Xuân
Trước 1953 hồi  Thày còn ở đường Cát Dài, Hải Phòng, nghe danh Thầy, Bà  TVT có đến nhà. Gặp mẹ chị đương chẻ củi ở trước nhà, tưởng là người làm, bà hỏi: Cụ Diễn có nhà không chị. Mẹ chị không trả lời nhưng đưa tay chỉ lên gác. Bà lên thẳng gác. Thấy Thày đương ngồi hút thuốc lào, mặc áo “may-ô”, quần đùi. Bà, nghĩ đây cũng là một anh người làm, lên giọng hỏi: Cụ Diễn có nhà không bác?  Thày đáp lại: Thưa bà, Cụ
Diễn nhà cháu đi vắng ạ. Bà bảo: Thế bao giờ Cụ về, bác nhớ nói lại với Cụ là tôi, Tổng Đốc TVT đến nhé. Thày chỉ vâng, dạ. Sau đó ít hôm, Bà lại đến, lần này cũng như lần trước, Thày cũng đương ngồi hút thuốc lào. Bà bảo: Thế nào, Cụ về bác có nói lại với Cụ không?  Thày nói: Bẩm bà, cháu quên ạ. Bà trách: Tôi đã dặn đi dặn lại mà bác vẫn quên, vậy lần này bác nhớ hộ nhé. Thầy lại vâng, dạ. Và không hiểu bà gặp ai và kể cho họ là Bà đã có đến nhà không gặp được Thày mà chỉ gặp được người hình dáng như thế, thì người kia bảo bà là: Người đó chính là ông Diễn đấy. Thì ra hồi đó, dù Thày còn ít tuổi nhưng đã nổi tiếng nên nhiều người  tưởng tượng Thày phải là một ông Cụ râu tóc bạc phơ,  đường vị như một tiên ông chứ đâu có thể là một người kỳ khôi như thế. Rồi không nhớ Thày đã gặp bà Tổng Đốc ở đâu, chị chỉ nhớ là một hôm Thày về nhà khen Bà: Bà xử thế đúng là một vị mệnh phụ, phu nhân vô cùng khôn khéo, biết là lầm mà khi gặp Thày Bà cất tiếng chào Thày rất tự nhiên: Chúng tôi đã được nghe đại danh ông đã khá lâu, hôm nay được gặp ông thật là hân hạnh, và quí hóa cho chúng tôi quá. Và, lờ đi như chưa bao giờ gặp Thày cả. Đúng là một vị khôn ngoan rất mực vậy. Về sau gia đình này trở nên rất thân với gia đình chị. Các con bà: ông bà TVC thường vẫn đến thăm Thày. Ông Bà TVC có người con gái tên là Trần Lệ Xuân. Hồi Trần Lệ Xuân còn nhỏ, Thày bảo: Cô bé này có đôi mắt đẹp và uy nghiêm lắm, sau này chắc có chồng danh vọng và cao sang lắm, nhưng nhớ nhé, cô phải luôn luôn ở bên cạnh nhà chồng, nếu mà xa gia đình nhà chồng thì nhà chồng sẽ có đại họa. Trần Lệ Xuân sau lấy Ngô Đình Nhu, cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm và chuyện đã xẩy ra như lời Cụ tiên đoán.
Không Có Nghiệp Vợ Chồng
Còn bà H., em gái của ông Tổng Đốc TVT, có một cô con gái, rất đẹp. Cô ấy đã có hôn phu nhưng anh này đi theo kháng chiến. Một hôm Thày dẫn chị đến chơi nhà bà H. ở Hà Nội. Bà H đưa ảnh của cậu con rể tương lai nhờ Thày xem. Thày bảo: Cậu này với cháu nhà không có duyên vợ chồng. Chuyện từ hôn là chuyện ít xẩy ra vào thời đó, nhất là gia đình này. Vậy mà không ngờ chỉ ít lâu sau, cậu ta viết thư về thành xin từ hôn và bảo cô này đi lấy chồng đi. Được tin này cô con gái bà H. phát điên, chữa chạy mãi mới khỏi. Ít lâu sau, có người làm mối cô cho một cậu tên C., đậu Bác sĩ Y khoa ở Pháp mới về. Thế là cô trở thành vợ của Bác Sĩ C.
Con Gái Gần 30 Tuổi Mà Chưa Chồng
Sau đây là nhân duyên của bà H., con dâu út của hai cụ TVT. Hồi ấy ở tỉnh Quảng Yên có gia đình cụ Hàn có cô con gái gần 30 tuổi mà chưa chồng. Hồi đó con gái mà trên 25 tuổi mà chưa có chồng thì coi như là ế. Gia đình cụ Hàn nhờ Thày xem, Thày bảo: Đám cưới của cô này lạ lắm, người ta đón rước cô như một vị Công Chúa vậy. Ông Bà Hàn đưa mắt nhìn nhau không nói gì, nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng Thày chế diễu con gái mình nên tỏ vẻ khó chịu. Sau đó ít lâu. Có người manh mối, hai cụ TVT cho người đến xin cô này cho người con trai út là ông H. Đặc biệt hôm cưới thì để lấy lòng Quan Tổng Đốc TVT vợ của các quan dưới quyền, xum xoe săn sóc cho cô dâu, rồi tâng bốc lên, một điều: Mời Công Chúa đi, hai điều: Mời Công Chúa ngồi. Đó là bà H. đo.
Duyên Tiền Định
Đây là chuyện của một người bạn chị tên Đ.. Đám cưới chị cô ta là một trong bốn phù dâu của chị đấy. Cô ta là người đẹp nhất trong số các bạn của chị. Cô ấy có đôi mắt “mùa thu”, buồn rười rượi. Sau này mới biết mắt như vậy thì vất vả, nghèo nàn suốt đời. Sau đám cưới chị ít lâu thì cô Đ. lấy chồng. Chồng cô ta không ai khác mà chính là ĐHN, bút hiệu là Hoàng Ly, Thánh Sống. Sau này bạn chị mới thuật cho chị nghe anh chị ta gặp nhau thế nào mà thành vợ chồng. Bạn chị nói là anh Hoàng Ly kể cho vợ: Anh quen ông Diễn xem tướng hay lắm. Ông ấy bảo: Ngày đó, tháng đó, “toi” cứ đi về phía đường Tràng Tiền (Hà Nội) thì sẽ gặp một người con gái cao, gầy, thon người, có đôi mắt to, buồn. Nói xong Ông Diễn còn vẽ hình dáng người con gái ấy lên giấy cho anh, rồi ông bảo: Anh và người con gái đó có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Vì không có ý định lấy vợ nên anh nghe xong thì cũng chả để ý tới nữa. Cho nên, đến ngày mà Ông Diễn bảo phải đi để gặp người vợ có duyên nợ từ kiếp trước, anh cũng định nằm lì ở nhà. Thình lình có người bạn thân là anh
Phương đến rủ đi chơi. Tình cờ anh Phương lại đưa anh đi về phía đường Tràng Tiền, vừa đi vừa nói chuyện. Anh Phương bảo: “Toi” đã lớn tuổi rồi, phải lấy vợ đi chứ. “Moi” biết một gia đình nề nếp, tử tế, có một cô con gái khá xinh. Để “moi” làm mối cho. Nghe anh Phương nói, anh cũng chẳng trả lời, cứ lẳng lăng đi theo anh ấy. Anh Phương đưa anh đến nhà một ông công chức (nhà này ở ngay tầng dưới phía sau Nhà Hát Lớn Hà Nội). Khi anh vào nhà thì em không có nhà, mãi sau em mới về. Khi em về, ba gọi em ra rót nước, trông thấy em, anh sực nhớ hình người con gái mà ông Diễn đã tả và còn vẽ cho anh. Em giống y như người đó. Thế là anh quyết định cưới em đấy. Bạn chị và chồng sống rất hạnh phúc, nhưng rất nghèo, có tất cả ba đứa con, một trai, hai gái. Anh Hoàng Ly chết vào năm 1987 còn Đ. thì vẫn đến chị chơi.
Đổi Tướng Vợ Chồng
Đây là một chuyện xảy ra ở Hải Phòng khi Thày xem cho ông Phúc Mập. Gia đình ông bà Phúc đi lại khá thân với gia đình chị. Bà Phúc có kể cho chị nghe về chuyện gia đình bà: Bác đã có một đời chồng, lấy nhau đã 8 năm mà không có con. Vợ chồng rất buồn. . . . Bố mẹ chồng lại thường nói ra nói vào và có ý lấy vợ lẽ cho chồng bác để có con nối dõi. Bác trai không chịu, còn bác thì buồn lắm. Sau có người giới thiệu hai bác với ba cháu hai bác mới đến xin ba cháu xem cho. Mục đích chính chỉ là xem có con với nhau không? Thày cháu bảo: Có chứ, ông bà sau này có con chứ. Có nhiều là đằng khác. Nhưng mà ông bà sẽ phải đổi “tướng”. Ông hiện đang cao, mảnh khảnh thì rồi sẽ thấp xuống, béo tròn và cổ rụt lại như con rùa. Còn bà hiện đang mập thì sẽ gầy đi. Sau khi đổi “tướng” rồi thì sẽ có con. Nghe vậy các bác càng buồn vì . . . cho là Thày cháu nói giỡn chơi. Chứ đang mập mà gầy, hoặc đang gầy mà mập thì còn có thể xẩy ra chứ đang cao mà trở thành lùn và cổ thì rụt như cổ rùa thì làm sao có được. Các bác lại càng thất vọng và buồn hơn. Sống với gia đình chồng, bị dày vò vì không có con, bác thường đi về bên bố mẹ bác ở bên Kiến An. Có một lần gặp trời mưa bất thình lình, bác tìm chỗ tránh mưa dưới hiên một nhà ở bên đường. Lúc đó có một người đàn ông cũng chạy vào núp dưới mái hiên mà bác đang núp. Mưa càng lúc càng lớn và kéo dài. Ông ta gợi chuyện. Có điều lạ là hai người nói chuyện với nhau dễ dàng. Tên ông ta là Phúc. Rồi chẳng hiểu vì sao mà bác lại đem hoàn cảnh gia đình bác ra kể cho ông ta nghe. Ông ta cũng kể hoàn cảnh gia đình của ông cho bác nghe. Ông đã có vợ và cũng đã 4-5 năm rồi mà không có con và bà vợ ông cũng buồn bực lắm. Bác nhìn ông Phúc thì thấy người béo tròn, cổ thì rụt lại giống hệt người mà Thày cháu tả. Bác giựt mình, nhưng không dám nói gì. Ông Phúc có vẻ đắn đo, suy nghĩ. Mãi lúc sau ông xin lỗi bác trước khi nói với bác: Tôi với bà chắc là có duyên tiền định. Thôi thì bà về xin ly dị chồng, còn tôi về tôi ly dị vợ. Sau đó mình chắp nối lại với nhau.  Bác về bảo với bác trai là: Mình vẫn thương yêu nhau, nhưng không có con, gia đình anh dày vò em khổ lắm. . . Nay có người muốn lấy em, mà người đó lại giống người bác Diễn tả, thôi thì anh cho em lấy người đó. Âu đây cũng là số mệnh để em có con mà anh cũng có cơ hội lấy người khác để có con hầu báo hiếu các cụ. Mới đầu bác trai không chịu, sau vì gia đình eo sèo quá nên cũng đành để bác được ly dị. Ông Phúc về nhà nói chuyện ly dị với bà vợ thì bà ấy bằng lòng ngay. Thế là ít lâu sau là bác và ông Phúc lấy nhau. Hai bác có tất cả là mười anh chị. Bác trai, chồng trước của bác, lấy người vợ sau và cũng có được ba người con. Chuyện ông “Phúc Mập” này người ở Hải Phòng ai cũng biết.
Chuyện Cô Dâu Yểu Tướng
Cụ Diễn sợ nhất là tiệc tùng mà phải thắt cà-vạt và mặc com-lê. Hôm đó không hiểu sao Cụ lại nhận lời đi đám cưới con trai của một người bạn không thân lắm (không nhớ tên, tạm gọi là X.), nhà ở gần Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau tiệc cưới ông bà X. mời Cụ ra một chỗ để hỏi về cô con dâu. Cụ lưỡng lự một lúc rồi chậm rãi nói: Con dâu bác yểu tướng lắm. Chắc chỉ được 100 ngày nữa là chết thôi. Tôi xin hai bác và gia đình ráng chiều chuộng nó, để nếu nó có chết cũng được an vui môt chút. Ông bà X. năn nỉ Cụ có cách nào giúp cho không. Cụ bảo: Để tôi cố xem, nhưng ông bà phải chịu khó theo như điều tôi dặn đây: Từ đây đến 3 tháng nữa, sẽ có một cụ già lỡ độ đường đến gõ cửa xin giúp đỡ. Ông bà phải tiếp đãi bà cụ này hết sức tử tế, mời vào nhà, ngồi bàn ăn uống đàng hoàng, . . . và nghe tôi dặn kỹ điều này nhé, tối đến, phải bảo vợ chồng thằng con trai bác nhường giường ngủ của chúng nó để bà cụ ngủ. Ông bà nhớ kỹ lời tôi dặn, đừng có quên
chi tiết nào nhá. Khoảng hai tháng sau, mới còn sáng sớm, vợ chồng ông X. đã đứng đợi ở trước cửa nhà Cụ, mặt mũi bơ phờ. Người nhà ra mời vào nhà. Khi Cụ dậy, vừa chào hỏi xong thì ông bà này đã hổn hển nói với Cụ là hôm qua họ đã làm đúng theo lời Cụ dạy. Hôm qua có một bà cụ lên thăm con là Sinh viên Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức xin tá túc một đêm. Ông bà X. đã cho bà cụ vào nhà, ăn uống và ngủ lại. Nhưng đến đêm thì bà cụ chết. Cụ Diễn hỏi ngay: Thế bà cụ ngủ ở đâu?  Ông bà X. nói là đã để bà cụ ngủ ở ghế bố kê ở nhà ngang. Cụ Diễn không nói gì mà chỉ thở dài. Sau khi Cụ Diễn qua đời ít lâu thì Ông bà X. đến thăm Cụ (ông bà này không biết là Cụ đã qua đời). Gặp một người học trò của Cụ, ông bà này kể là sau khi bà cụ ngủ nhờ chết được ít lâu thì cô con dâu chỉ bị cảm nhẹ mà tự nhiên qua đời. Chuyện xẩy ra rồi thì ông bà X. tỉnh ngộ và biết là họ đã không làm đúng như lời Cụ dặn. Người học trò Cụ sau khi nghe xong thì bảo: Cụ có giảng cho nghe về trường hợp này. Cụ nói “Thiên Cơ” bất khả lậu. Cụ muốn giúp cho cô con dâu của ông bà, nhưng không thể tiết lộ với ông bà là bà cụ già phải nằm trên giường của con trai và con dâu ông bà để “chết thế” cho con dâu ông bà. Chuyện gì cũng là cái duyên cái nghiệp, cái phúc, cái phận cả.
Chuyện Bà Chánh Án S.
Bà Chánh án S. là một người đàn bà rất đẹp. Trước năm 1975, ông bà S. được Cụ Diễn xem cho. Câu chuyện này do chính bà kể lại: Khi Cụ xem cho hai vợ chồng chúng tôi, Cụ bảo: “Sau này ông đổi nghề. Trong rất nhiều năm ông sẽ làm về đồ mộc.” Chúng tôi ra về, lòng không tin điều Cụ nói. Nhà tôi nói dù có đổi nghề đi nữa thì còn nhiều nghề tương đương với nghề Chánh án, chứ sao mà lại làm thợ mộc được. Không ngờ vì biến cố 1975, nhà tôi phải đi học tập. Trại Cải Tạo nơi nhà tôi bị giam lại ở gần rừng cho nên phần lớn trại viên chọn nghề mộc. Vào rừng chặt cây, rồi cũng đóng bàn, đóng ghế đủ thứ như một người thợ mộc thực sự.
Tiền Dâm Hậu Thú
Ở Hải Dương có ông Phán C. là chỗ rất thân tình với Cụ Diễn. Mỗi lần Cụ ghé Hải Dương, Cụ đều ghé thăm ông Phán C. và có khi ở lại chơi cả tháng. Ông bà có 3 người con gái. Cô lớn lấy Bác Sĩ Kh. Còn lại hai cô em chưa có chồng. Khi xem cho cô con gái thứ hai Cụ nói: Số cô sẽ gặp một người ở nơi có nước, yêu nhau trước rồi mới lấy nhau. Nghe như vậy hai ông bà Phán C. sợ quá. Con nhà gia giáo mà “tiền dâm, hậu thú” là phạm vào lễ giáo gia đình và là đại họa cho gia đình. Từ đó ông bà không cho hai cô con gái đi đâu một mình, ngay cả đi chợ. Thế rồi một gia đình cũng ở Hải Dương , giàu có và sang trọng hỏi cô thứ hai cho con trai. Ông bà bằng lòng ngay. Cô lấy chồng được một năm và đã có con. Năm ấy Cụ Diễn có dịp xuống Hải Dương lại đến thăm gia đình ông Phán C. Sau khi trò chuyện được một lúc thì ông Phán C. nói ngay: Ông xem cho em sai rồi nhé. Chúng nó có mối lái hẳn hoi chứ đâu có quen nhau trước đâu. Cụ Diễn vẫn nói: Cháu xem không sai đâu. Cô em phải quen người chồng cô ta tại nơi có nước thì mới thành vợ thành chồng được. Ông Phán C. cho gọi con gái về và nhắc lại lời đoán của Cụ Diễn. Ông Phán bảo con gái cứ nói thật, mọi chuyện bây giờ đã thuộc quá khứ, biết chỉ để thấy là “tránh không khỏi số thôi’. Cô gái khóc, xin lỗi bố và thú thật là chuyện xẩy ra đúng như Cụ Diễn đã nói. Cô quen chồng cô trước khi cưới trong dịp nước sông lên cao, nhiều người ra xem, trong đó có cô và người chồng bây giờ của cô. Ông Phán nghe xong không những không giận mà còn cười ha hả rồi nói với Cụ Diễn: Có thế chứ, cả hơn năm nay chúng tôi cứ yên chí là ông đã xem sai đấy.
Địa Lý Phong Thủy
Về địa lý thì đúng như Cậu nói, Thày chuyên về “sinh khí” hơn là “hình thể của miếng đất hay “phương hướng” của kiến trúc. Khi xem nhà hộ người ta, nếu nhà có địa lý xấu mà có thể thay đổi được thì Thày giúp người ta sửa. Nhiều khi chỉ cần thay màu sơn của mặt tiền căn nhà, phòng ốc trong nhà, có khi cũng cần phải xoay hướng bếp, . . . Tóm lại xem tướng người hay xem địa lý, nhiều trường hợp, Thày có thể sửa đổi phần nà
Sau đây là một số giai thoại về địa lý mà chị đã được chứng kiến hoặc được nghe thuật lại.
Thất Của Sư Bà Hải Triều Âm

Trước hết chị viết về ngôi “thất” của Sư Bà Hải Triều Âm. Sau 1975 chị được Sư Bà qui y cho chị  và được Sư Bà kể cho nghe về ngôi thất. Khoảng năm 1972, Thày cùng đi với Sư Bà đi tìm đất nhiều nơi bằng ô-tô. Một hôm qua cầu Đại Ninh cách Đà Lạt khoảng 40 cây số, thì Cụ bảo dừng xe lại. Đứng ngắm nghía một hồi rồi Cụ bảo: Đất này sau này là mỏ vàng đây, chỗ này tốt lắm, tu ở đây được nhưng phát về “Nữ” hơn “Nam”.” Hồi đó Đại Ninh , thôn Phú An chỉ là một khu rừng thôi, rất ít dân ở, rừng như rừng hoang, không có giá trị. Lên xe đi qua cầu Đại Ninh, xuống xe rồi đi bộ theo một con đường đất nhỏ phía tay trái. Đi được một quãng, Sư Bà chỉ một miếng đất thật đẹp và hỏi Cụ; Tôi có thể làm thất ở đây được không Cụ? Cụ bảo: Đất này “sát” lắm không làm chùa được. Rồi Cụ tìm cho Sư Bà một miếng đất sâu mãi tít trong rừng. Thất này được ông Chu Văn Sáng, quen biết Cụ, nhờ một người bạn làm về gỗ ở Đà Lạt kiến trúc theo ý Sư Bà. Thất bằng gỗ, hình bát giác, rất nhỏ, vì ý nguyện của Sư Bà chỉ nguyện tu một mình. (Vậy mà không ngờ, giờ này chung quanh Ngài có tới gần 300 đệ tử). Tên thất là Linh Quang cũng do Cụ đặt. Sư Bà kể tiếp: Về sau miếng đất mà Cụ bảo là “sát” thì có một Sư Ông (Sư Bà không nói tên) không tin và làm thất tại đó. Ít lâu sau tình cờ Cụ lại lên Đà Lạt và gặp vị Sư Ông. Cụ nói với Sư Ông: Đã chót làm rồi thì tạm thời Sư Ông cứ tu ở đây. Nhưng tôi dặn nhé, khi nào hai cây này mà nó chết thì Sư Ông phải dọn đi ngay. Cụ chỉ hai cây trước thất. Lúc ấy ai mà tin được, vì hai cây ấy đang độ lớn làm sao mà chết được, vả lại rừng có nhiều cây mà sao Cụ lại chỉ đích vào hai cây đó thôi.Thế rồi không hiểu sao chỉ một thời gian sau cả hai cây ấy cùng chết một lúc. Vị Sư lúc đó hoảng hồn, nhớ tới lời Cụ dặn, vội dọn đi ngay. Thất ấy bỏ hoang. Ít lâu sau, không hiểu nguyên nhân vì sao mà có một thanh niên bị giết chết tại đó. Hiện nay ngôi thất vẫn còn, nhưng vẫn bị bỏ hoang.
Tu Mà Ngã Còn Nặng
Về việc xây cất Việt Nam Quốc Tự, Sài gòn, Thượng Tọa Thích Tâm Châu có hỏi Thày, Thày bảo: Đất định xây Việt Nam Quốc Tự trên Đường Trần Quốc Toản “sát” lắm, không thể xây chùa được. Đất ấy chỉ nên làm kho chứa đồ phế thải thôi. Rồi Thày chỉ hai nơi. Một nơi sau này là Tân Cảng, đầu xa lộ Sài gòn/Biên Hòa và một nơi nữa tại Thị Nghè. Các vị Thượng Tọa không nghe lời Thày. Thượng Tọa Tâm Châu còn nói: Phật ở đâu cũng được.  Chị nghe được chuyện thấy có lý, nên hỏi lại Thày: Đất ở đấy đẹp thế, sao Thày bảo không được?  Theo mắt người thường thì miếng đất đó rất đẹp, lại gần giữa trung tâm thành phố. Thày giảng cho chị nghe: Thí dụ, dù giàu hay nghèo cũng phải chọn một nơi nào khang trang nhất trong nhà để thờ Phật, chứ không thể thờ trong phòng ngủ hoặc nhà ngang được.  Rồi Thày còn bảo: Nếu cứ xây ở đây thì cứ mỗi viên gạch xây lên thì máu lại đổ. Sau đúng như lời Thày nói, chùa chưa xây, chỉ mới đang xây tháp thì có một nhóm người xây ngay một dẫy nhà lầu phía mặt đường. Sự tranh chấp bắt đầu và máu đã đổ. Dẫy nhà lầu bị phá bỏ. Chùa cũng dở dang trong bao nhiêu năm. Nay thì cũng tu bổ tạm để làm nơi thờ tự, nhưng làm sao xứng đáng để được gọi là Việt Nam Quốc Tự được.
Cụ Mai Thọ Truyền
Hồi chùa Xá Lợi còn là chùa của Hội Phật Học Nam Việt. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nơi đây trở thành nơi tranh đấu của Phật Giáo, Cụ Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng, đến nhờ Thày giúp ý kiến. Thày bảo: Đất chùa tốt, nhưng cổng chính bị hông trường Nữ Trung Học Gia Long án ngữ và tượng Phật lớn ở sân trước chùa lại sơn trắng. Để chữa cái “phạm” của cổng chính thì xây thêm một cổng phụ bên hông, cổng này phải giống hệt cổng chính về tất cả mọi phương diện. Sau đó thì chỉ dùng cổng phụ để ra vào hàng ngày. Cổng chính thì phải đóng lại, chỉ mở khi có lễ lạc chính mà thôi. Còn tượng Phật thì phải đem thiếp vàng vì tượng màu trắng thì chỉ là tượng mỹ thuật để trang trí mà thôi. Cụ Mai Thọ Truyền đã làm theo lời Thày dặn từng chi tiết một. Từ sau vụ đấu tranh của Phật Giáo năm 1964 đến nay (2010), không có chuyện gì lộn xộn xẩy ra tại chùa nữa.
TÀI LIỆU CỦA ÔNG TRẦN QUANG DUẬT Tù Bẩy Năm Mà Không Có Án
Thiếu tá D. mỗi lần đi hành quân về đều ghé thăm Cụ Diễn. Một hôm Thiếu tá D. hỏi Cụ về tương lai. Cụ bảo: Sau này có một thời gian “toa” phải tù ít nhất là 7 năm. Thiếu tá D. hỏi lại Cụ tại sao lại phải ở tù. Cụ ngần ngừ một lúc rồi nói: Tù nhưng không có án. Thiếu tá D. lại càng ngạc nhiên hơn, nhưng cũng không dám hỏi thêm gì nữa. Sau 1975, Thiếu tá D. bị đi “cải tạo” ở ngoài Bắc, di chuyển hết trại này đến trại khác. Tổng cộng thời gian đi “học tập” là 7 năm 2 tháng. Khi mới vào trại, có người nói 3 tháng sẽ được ra, người thì đoán 1 năm, người thì 3 năm. Thiếu tá D., dựa vào lời Cụ đoán, nói là ít nhất 7 năm. Biết được như vậy cũng có lợi là không bị thất vọng mỗi khi năm cũ qua đi và hi vọng khi năm mới tới.
Giết Nó Thì “Moa” Chưa Trả Được Nghiệp
Một hôm Thiếu tá D. đi vào Chợ Lớn ăn cơm trưa với Cụ. Hai bác cháu đang ngồi ăn thì một người đàn ông bước vào tiệm, ngồi bàn bên cạnh. Mắt thì nhìn Cụ chăm chăm còn mồm thì nói, chửi láo lếu. Trông hắn không có vẻ gì điên hay say rượu cả. Thiếu tá D., lúc đó đang mặc đồ rằn ri, bực lắm, định đứng dậy tát cho người kia vài cái. Cụ ngăn lại và nói: Tướng nó sắp chết rồi. “Toa” đụng nhẹ vào nó là nó chết. Phiền lắm đó. Mà tướng “moa” hôm nay ra đường bị người chửi. “Toa” mà đánh nó thì “toa” bị tù còn “moa” thì chưa trả được nghiệp. Hai bác cháu mặc kệ người kia, tiếp tục ăn. Lát sau tên kia bỏ ra khỏi tiệm. Ăn xong khi ra về thì thấy bên kia đường nhiều người đang xúm lại xem có người bị tai nạn xe. Hai bác cháu đến gần xem thì tên lúc nãy đã bị xe đụng chế .
TÀI LIỆU CỦA ÔNG TRẦN XUÂN KÍNH
Thuở xa xưa, tôi chưa được hân hạnh biết Cụ Diễn, nhưng song thân tôi đã biết Cụ thật nhiều. Ở đây tôi chỉ nói ra những chuyện mà Cụ Diễn tiên tri, nghĩa là Cụ đoán trước khi chuyện xẩy ra. Cụ không phải là “Thày Bói” như một số người hiểu lầm. Cụ nhìn người ta, thấy được điều hay, điều dở. Nếu là người được Cụ xem cho thì Cụ sẽ nói cho biết một cách trung thực mà không né tránh vì Cụ không sợ mất lòng, tin hay không tin Cụ không cần biết.
Chết Vì Thuốc
Tôi được biết Cụ Diễn qua Hoàng Trọng Q., anh em đồng hao của tôi. Một hôm vợ tôi đến nhà anh Q. chơi thì gặp Cụ tại đó. Vừa trông thấy vợ tôi, sau khi chào lại vợ tôi, Cụ nói ngay: Chị này may quá, suýt chết vì thuốc! Không ai biết trừ vợ chồng chúng tôi là cách đây hơn một tuần vợ tôi nghe lời người ta đi đến một bà “Lang Băm”, lấy thuốc về uống để trục thai. (Chúng tôi đã có sáu đứa con, nên vợ tôi không muốn đẻ thêm nữa). Thuốc làm cho vợ tôi băng huyết, nếu không có Bác Sĩ Đặng Văn H. cứu cho thì chắc đã mất mạng rồi.
Phải Xa Ngay Thằng Có Tướng Sát Nhân Đo
. . . Trong thời gian làm việc ở Trung Tâm Nhu Đạo Phủ Tổng Thống, tôi có biết một quân nhân gác cổng Dinh Độc Lập. Anh này là một binh sĩ quân dịch. Ngày ngày có một nữ sinh trường Marie Curie đi học về (nhà trên đường Alexandre Rhode, xế cổng Dinh). Anh lính đem lòng thương cô nữ sinh. Nhưng cô này nhất định cự tuyệt. Một buổi chiều, anh ta theo dõi và biết cô này về nhà bà con ở đường Tự Đức, Đa-Kao chơi. Anh ta đón đường để hỏi cô (lần chót) là cô có bằng lòng lấy anh ta không. Chắc cô này vẫn cự tuyệt nên anh ta rút súng bắn chết cô. Bắn xong anh ta về Phủ đầu thú rồi bị giam vào quan lao.
Mặt mũi anh ta hiền lành, con nhà khá giả, có học mà lại dám cầm súng giết người. Một hôm tôi lấy tấm ảnh của anh ta ở quân bạ. Tôi đem đến hỏi Cụ: Cháu định chọn cậu bé này làm trưởng tràng cho lớp Nhu Đạo của Cháu, Cụ thấy có được không? Cụ cầm tấm hình xem và ngay lập tức Cụ nói: Ấy chớ, xa ngay, xa ngay, thằng này có tướng sát nhân đó. Tôi không dám nói gì vì sợ Cụ giận. Thành tâm mà nói, tôi rất cảm phục Cụ.
Dinh Độc Lập Sẽ Bình Địa
Một hôm Cụ đang ở nhà anh Hoàng Trọng Q., anh đồng hao của tôi, cùng với một vài người bạn và học trò của Cụ, thì có người hỏi: “Mấy năm trước Tiên Sinh có nói là Dinh Độc Lập sẽ bị sập thì bây giờ đúng như vậy (hai phi công Nguyễn văn Cử và Phạm phú Quốc bỏ bom làm sập cánh trái của dinh).” Cụ trả lời: “Còn nữa, phải bình địa cơ.” Mọi người ngạc nhiên vì Dinh sừng sững như vậy làm sao mà bình địa được. Thế mà sang Đệ Nhị Cộng Hòa thì dinh bị phá đi hoàn toàn để xây lại.
Ra Khỏi Quân Đội Mà Còn Mặc Quần Áo Lính Là Chết
Cháu ngoại ông Phán C. ở Hải Dương là cô Diệu H., Dược sĩ, mở tiệm thuốc tây tại Đa Kao, Sài-gòn. Cô H. ngoài 30 tuổi mới lấy chồng. Chồng là Đại úy B. Gia đình  bên vợ của Đại Úy B. đưa ông đến nhờ Cụ Diễn coi tướng. Sau khi xem cho Đại Úy B. một vài chuyện, Cụ khuyên: Điều tôi sắp dặn đây là hết sức quan trọng vì nó liên quan tới mạng sống của anh. Từ nay trở đi khi đi công tác xa, nhớ không bao giờ được măc quần áo màu kaki vàng. Nếu không thì sẽ có họa chết cháy đó. Nhớ kỹ nhá. Đại Úy B. thưa với Cụ là cháu ở trong nhà binh nên làm sao tránh mặc màu kaki vàng được. Cụ nói: Khi còn ở nhà binh thì không sao, chỉ khi nào sang dân sự thì mới phải tránh. Sau đó ít lâu thì Đại Úy B. nhận làm Công Cán Ủy Viên cho Ông Nguyễn tất Ư.,  Bộ Trưởng Bộ Phát Triển Nông Thôn.  Đại Úy B. và vợ là Dược Sĩ Diệu H. tin theo rất kỹ lời khuyên của Cụ, tuyệt đối không xử dụng những gì màu vàng, từ quần áo cho tới ngay cả nhẫn cưới màu vàng ông cũng không đeo. Khi đi làm, ông mặc thường phục. Một hôm ông phải tháp tùng ông Bộ Trưởng đi ra Quảng Ngãi dự lễ mãn khóa cho các cán bộ Xây Dựng Nông Thôn. Ông quên lời dặn của Cụ Diễn, nên ông đã mặc quân phục đại lễ bằng kaki “gabardine”. Sau buổi lễ, phái đoàn ra về trên chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam. Máy bay vừa cất cánh thì bị bắn sẻ, bốc cháy. Phi hành đoàn với phi công trưởng Lưu đức C., nữ tiếp viên phi hành Công Tằng Tôn Nữ D.T. và toàn thể phái đoàn Chính Phủ đều tử nạn, trong đó có Đại Úy B. bị chết cháy.
Không Có Nghiệp Chết Dữ Thì Không Thể Chết Dữ
Tôi có cô em vợ, hồi đó có rất nhiều người ngấp nghé. Cụ Diễn rất thương và quí cô. Năm đó cô còn là sinh viên năm thứ hai Dược. Trong những điều về cuộc đời cô, điểm chính là sau này cô sẽ không làm Dược sĩ mà sẽ làm một nghề “đi mây, về gió như đi chợ”. Mọi người sợ quá, tưởng rằng Cụ bảo cô ấy sau này sẽ nghiện hút thuốc phiện. Cụ cười và nói tiếp: Cô này hên lắm, cứ yên trí, cô sẽ đi ngoại quốc như đi chợ và dĩ nhiên là phải “đi mây về gió” chứ đi bộ đâu có được. Cô cũng chỉ nghe và biết vậy. Ở Việt Nam thời đó được đi ngoại quốc khó khăn lắm mà mình thì không thuộc loại con ông cháu cha. Chỉ là giấc mơ thôi. Chẳng hiểu vì lý do gì, cô thôi học Dược, dự thi tuyển và đậu vào làm Tiếp Viên Phi Hành cho Hàng Không Việt Nam. Cô được bay đường bay quốc ngoại, nên được đi ngoại quốc như đi chợ. Nhưng máy bay của Hàng Không Việt Nam bị tai nạn khá nhiều. Cô em vợ tôi và gia đình đều thấy nghề quá nguy hiểm. Cụ bảo: Cứ yên tâm, Cô không có tướng chết vì tai nạn máy bay. Có một lần, đáng lẽ cô phải đi bay, nhưng có việc bận ở nhà nên một cô đàn em đi thế. Chuyện bay thế cho nhau là chuyện hàng ngày giữa các cô Tiếp Viên Phi Hành. Không may chuyến ấy bị không tặc và tất cả mọi người trên chuyến bay đó đều tử nạn hết. Cô em tôi bị hốt hoảng mất mấy ngày liền.
Đất Này Xấu Lắm
Cô em tôi phải nói là tuyệt đối nghe lời Cụ Diễn. Khi cô mua một miếng đất ở trong Tân Sơn Nhất, cô mời cả hai Cụ Dương Thái Ban và Cụ Diễn vào để xem hộ. Cụ Ban hỏi ý kiến Cụ Diễn. Cụ Diễn nói: Đất này xấu lắm. Không nên ở chỗ này. Sau này những người ở đây toàn là loại dữ hơn quỉ dữ. Nhưng cô em vợ tôi rất thích miếng đất này vì đi làm gần, xây toàn biệt thự, những người ở đây hầu hết là dân Không Quân biệt phái sang bay cho Hàng Không Việt Nam. Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cũng ở trong này. Cô nài nỉ xin hai Cụ chỉ cho cách chữa để có thể ở được. Theo lời chỉ dạy của hai Cụ, nhà của Cô em vợ tôi phải quay mặt vào trong thay vì quay ra mặt đường như những nhà khac.
Một lần khác, Cô em vợ tôi lại thoát nạn máy bay một lần nữa. Trước khi tai nạn máy bay xảy ra, cô và một cô bạn tên Ng. cũng là Tiếp Viên Phi Hành đi du lịch Âu Châu với nhau. Khi về lại Việt Nam được ít lâu, một hôm cô em vợ tôi có mời một người bạn tên TQQ sắp đi tu nghiệp Hoa Kỳ đến ăn cơm tối. Người bạn này la một đệ tử đắc ý của Cu Diễn (Cụ đã qua đời 5 tháng trước). Vì cùng là chỗ thân tình với Cụ, anh bạn mặc dù rất bận nhưng cũng nhận lời đến ăn, nhưng phải ăn vào 5 giờ chiều (ngày 13 tháng Chín năm 1974). Vào ngày đó thì cô em vợ tôi đến phiên phải đi bay và sẽ về không kịp. Sáng sớm hôm 13, cô vào sở để xin đổi thì không được. Sắp sửa chuẩn bị về nhà lấy đồ để đi bay thì cô Ng. vào. Hai người nói chuyện với nhau, Cô Ng. nhận đi bay thế cho cô em vợ tôi. Đúng lúc mọi người sắp ăn cơm thì có tin động trời là máy bay bị nạn nổ tung ở trên trời. Về sau được biết là cô Ng. ở gần nhà anh TQQ và trong tuần lễ trước khi gặp nạn đã đến xin anh Q. xem. Nhưng cô đã đến ba lần và cả ba lần chờ đợi đến khuya mà đều không có duyên được gặp.
Tránh Hạn Chết
Trong thời gian Cụ Diễn hay đến nhà ông D. vì ông này thờ Cửu Thiên Huyền Mẫu. Cả gia đình nhà vợ tôi và vợ chồng tôi cũng đều đến lễ. Có một lần Cụ bảo tôi: Tướng “toi” sắc diện xấu lắm, nên đến Mẫu để Ngài cứu cho. Một hôm, sau buổi lễ, tôi xin Cụ xem lại hộ cho. Cụ bảo: Hạn của “toi” nặng lắm, có thể mất mạng về súng đạn. Cụ chỉ cho tôi cách chữa hạn như sau: Vào các ngày Âm Lịch 3, 6, 9, 13, 16, 19, 23, 26, 29 phải ăn riêng, ngủ riêng, chiều chiều vào một nghĩa trang nào đó, tìm một ngôi mộ của một thiếu nữ chết trẻ, mua đồ ăn như tôm khô, mực khô, củ kiệu, la-de, rồi mời người chết ra cùng ăn uống với mình. Sau đó thì kể lể tâm sự và xin cô ta giúp cứu mạng cho. Chợt Cụ nhìn thấy tôi đeo ở ngón tay út một chiếc nhẫn màu xanh, Cụ bảo tôi phải bỏ ngay chiếc nhẫn xanh đi và đi mua ngay một nhẫn màu đỏ tươi (ruby) và đeo vào ngón tay đeo nhẫn. Tôi phải nghe theo Cụ mặc dù đây là chiếc nhẫn do bố tôi để lại cho tôi. Khi Cụ  nhìn thấy trên cổ tôi
có đeo một cái móng chân heo rừng để kỵ tai họa về hỏa. Cụ bảo tôi nhờ cô em vợ (Tiếp Viên Phi Hành) đem cái móng heo đi qua đại dương đủ 9 lần thì khi đeo sẽ bớt hạn đi. Tính “toi” nóng nẩy lắm.  Moa muốn dặn toa là từ trong nhà ra tới ngoài đường, không được gây gổ với bất cứ ai, nếu người ta đánh toa cũng cứ để cho người ta đánh, tuyệt đối không được phản kháng lại. Làm trái lại lời moa dặn thì tai họa không lường được, có khi mất mạng đấy. Tôi sững sờ. Tạ ơn Cụ xong, trên đường ra về tôi ôn lại từng lời dặn của Cụ. Tôi thay nhẫn, nhờ cô em vợ giữ hộ nanh heo rừng để đem qua đại dương. Mua đồ ăn và rượu vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi tìm đến mộ của Cô Ng. mới bị tử nạn máy bay Hàng Không Việt Nam, bạn của cô em vợ tôi mà tôi cũng có quen. Ngày tháng trôi qua, mọi sự vẫn được bình yên. Tôi đã hơi vững dạ một chút. Một hôm đi lễ Mẫu, gặp Cụ. Cụ nhìn tôi, lắc đầu rồi chép miệng nói là sắc diện tôi tuy có hơi sáng lên nhưng họa lớn vẫn còn. Cụ bảo: Nghiệp, Nghiệp toa ạ! Cứ tiếp tục việc moa dặn, đừng quên. Đúng như Cụ nói, họa đã xẩy ra cho tôi. Một hôm tôi đi đánh “tennis” về, đang mệt thì một chú em đến rủ đi phố chơi. Tôi bảo đang mệt thì chú ấy đề nghị đưa tôi vào (xin không nêu tên) để tắm hơi và đấm bóp. Tôi nhận lời ngay. Tôi và chú em vào phòng tắm. Chú em tôi mở hơi ra cho khỏe. Cùng lúc đó có một người khác cũng vào phòng. Tên này người bé nhỏ. Hắn mở hơi hết cỡ. Chịu không nổi, chú em tôi ra vặn bớt lại. Thế là hai bên cãi nhau, rồi đấm đá nhau. Tôi đứng dậy can. Tên kia tưởng tôi về hùa với chú em tôi, hắn nhẩy lên định đấm vào mặt tôi. Đấm hụt, hắn chạy ra ngoài, lấy khẩu súng Colt 45 rồi vừa quay vào phòng tắm vừa la hét đồng bọn. Thế là một toán lính Nhẩy Dù rần rần chạy xuống, vừa chạy vừa hỏi: Đứa nào đánh Đại Úy? Chúng bao vây lấy hai anh em tôi. Tên Đại Úy dí súng vào màng tang tôi và nói: Thằng này. Thế là chúng túm lấy tôi, thằng khóa tay, thằng đánh, thằng lấy súng đâm xoáy vào người tôi. Tôi chợt nhớ lại lời Cụ Diễn nên đứng yên chịu đòn. Mà thực ra lúc đó tôi cũng chẳng làm gì được. Một mặt thì bị khóa tay, một mặt thì tên Đại Úy chĩa súng vào màng tang tôi mà súng thì đã lên đạn. Chợt có tiếng quát: Chúng mày ”đục” ai đó? Tôi ngửng mặt lên, thì người vừa quát nhận ra tôi và tôi cũng nhận ra người này, một Thiếu Tá Nhẩy Dù mà tôi đã quen biết từ lâu. Thiếu tá T. nói: Chúng mày đánh nhầm người nhà rồi! Mau buông ra và xin lỗi đi. Thiếu tá T. nói với tôi là không hiểu sao mà tôi có thể kiên nhẫn để cho tụi “nhóc” nó hỗn như vậy. Nếu tôi ra tay thì cũng phải một vài tên mất mạng. Mà chắc là mạng anh em tôi cũng chả còn. Mấy tên này vừa mới ở mặt trận về, đi uống rượu say đến độ mất cả sáng suốt rồi, còn biết gì nữa đâu. Thiếu Tá T. bảo mọi người cùng lên lầu, gọi một chai Remy Martin để tạ lỗi.
Lấy Người Mũi To Như Mũi Tướng De Gaule
Gia đình tôi có thể nói là tin Cụ một cách tuyệt đối. Cô em vợ tôi có nhiều người ngấm nghé, nhưng trên ba mươi tuổi rồi vẫn chưa có bạn trai. Lúc còn đi học thì khi đi học về là ở nhà, khi đi làm rồi thì không đi làm thì chỉ ở nhà, trồng cây, trồng hoa, sửa sang nhà cửa. Có lần cô hỏi Cụ Diễn về hình dáng người chồng tương lai. Cụ vừa cười vừa nói: “Chồng cô sau này sẽ là một chàng có mũi to như mũi Tướng De Gaule.”  Sau đó thì cô em vợ tôi tiếp tục cuộc sống độc thân. Tháng Tư 1975 thì cô em tôi và một số người bên nhà vợ tôi di tản sang Hoa Kỳ. Gia đình tôi kẹt lại Sài-gòn. Khi tôi sang Hoa Kỳ theo diện HO thì quả thực thấy chồng của cô em vợ tôi có cái mũi của Tướng De Gaule thật. Anh chàng em đồng hao của tôi chính là TQQ, một đệ tử của Cụ Diễn mà hồi còn ở Sài-gòn chúng tôi không ai nghĩ là sẽ lấy cô em vợ tôi. Chúng tôi lại có dịp phục Cụ Diễn sát đất.
TÀI LIỆU CỦA KỸ SƯ NGUYỄN PHƯỚC BỬU HẠP Buổi Gặp Gỡ Đầu Tiên Với Cu
Nhân một bữa tiệc tại nhà một người bạn, tôi có gặp ông TTN. Ông N. giới thiệu với tôi ông là Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Nha Trang. Sau một vài câu chuyện ông N. cho tôi biết là tôi với ông có liên hệ họ hàng. Mấy ngày sau đó ông N. có đến thăm tôi và cho biết ông có quen Cụ Ngô Hùng Diễn, một người nổi tiếng về Tướng. Ông N. khuyên tôi nên gặp Cụ, nhất là tôi lại là người làm ăn. Cụ có thể là một “Quân Sư” rất hữu ích. Tôi cho đến lúc đó chưa bao giờ xem Tướng Số, nên không biết Tướng Số là gì. Tôi nói với Ông N. là tôi sẽ nhờ ông ấy đưa tôi đến gặp Cụ Diễn. Năm 1960-61, khi tôi đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ về thì ông N. đã đưa tôi đến gặp Cụ Diễn lần đầu tiên. Hôm đó, ngay từ 7 giờ sáng, Ông N. đã đưa tôi và nhà tôi đến gặp Cụ tại nhà
Cụ ở trong hẻm đường Hiền Vương, đối diện với đền thờ Đức Thánh Trần. Ông N. gõ cửa. Cụ bà Diễn thấy Ông N. thì chống tấm phên dùng làm cửa chính rồi bảo mọi người vào trong nhà. Cụ Diễn thì đang nằm trên một cái sập (gỗ) có chăng màn, mùng để chống muỗi. Cụ nằm quay mặt vào tường, lưng quay về phía chúng tôi. Thấy có người vào, Cụ quay đầu ra nhìn chúng tôi. Ông N. và vợ chồng tôi chào Cụ, Cụ nói gì không rõ xong lại quay đầu vào ngủ tiếp. Chúng tôi ngồi chờ đến gần 9 giờ, Cụ vẫn ngủ nên chúng tôi xin cáo từ và hẹn sáng sớm ngày mai sẽ trở lại. Sáng hôm sau, cũng vào khoảng 7 giờ sáng, Ông N. lại đến để cùng đi đến nhà Cụ với vợ chồng chúng tôi. Khi chúng tôi vào nhà thì Cụ vẫn còn ngủ. Cụ quay đầu ra nhìn thấy chúng tôi thì không quay đầu vào trong để ngủ tiếp nữa mà bước xuống sập, vào nhà tắm rất lâu. Trở ra Cụ gặp chúng tôi Cụ bảo Cụ bà cho pha trà mời khách. Trong khi Cụ tắm thì ông N. đã gấp chăn, màn, . . . lại rồi đưa hết cả vào nhà trong. Ông N. có vẻ thân tình với gia đình Cụ lắm.
Cụ nhìn tôi (rất chớp nhoáng), rồi vừa pha trà, vừa nói: Tiên sinh đây đã chịu khó đến thăm tiểu đệ, thì xin nói ra ba điều. Nếu thấy đúng thì là cái duyên gì với nhau đây, chúng mình sẽ lại có dịp gặp nhau, nói chuyện với nhau nhiều hơn. Còn như nếu tôi nói sai (Cụ vừa cười vừa nói), nói sai là thường nhé, có gì mà thẹn phải không bác N., thì thôi vậy.”
1.   Câu thứ nhất: Tôi thấy nhà tiên sinh đây có vườn cả sân trước lẫn sân sau, cây cối xanh um tùm.
2.   Câu thứ hai: Tiên sinh đây là con đầu của bà thứ.
3.   Câu thứ ba: Hiện tiên sinh đang đau xương lưng
Cụ tiếp: Ở Sài-gòn mà nhà có cây cối um tùm vườn trước vườn sau như nhà tiên sinh thì kể cũng là lạ lắm. Tôi thưa với Cụ là cả ba câu Cụ dạy đều đúng cả. Về nhà ở thì quả thực nhà có sân trước, sân sau và có rất nhiều cây. Ba tôi có nhiều vợ, tôi là con đầu của bà vợ thứ ba của ba tôi. Còn chuyện đau lưng của tôi thì đã xẩy ra từ khi tôi mới 9-10 tuổi. Tôi leo cây đu đủ hái quả, cây gẫy ngang làm tôi ngã ngửa ra sau, bị ngất đi, khi tỉnh dậy thì từ đó là lưng đau luôn. Nhất là khi nào làm việc gì cần phải dùng tới lưng để kéo. Tôi đã tìm thày, tìm thuốc trong nhiều năm nhưng vẫn không khỏi. Ngay cả khi tôi có dịp đi ra ngoại quốc. Cho đến mãi năm 1960, một Bác Sĩ ở bệnh viện Grall chỉ cho cách làm “physical therapy” thì mới đỡ đau đôi chút.
Sau một hồi trò chuyện, Cụ bảo: Tôi có một chuyện nho nhỏ nữa muốn nói với tiên sinh cho vui. Tiên sinh có rất nhiều anh, em trai học giỏi, làm lớn, nhưng chỉ có một mình tiên sinh là người có bằng Đại Học. Điều Cụ nói đúng như vậy. Tôi có năm anh em trai, một chết sớm, một làm Tri phủ, một làm Thanh tra Quan thuế và em út tôi làm Sĩ quan Không quân. Chỉ một mình tôi là cố học cho tới khi có bằng đại học.
Từ sau buổi gặp gỡ này Cụ thương vợ chồng chúng tôi lắm. Cứ mỗi thứ Năm, chúng tôi lại lên đón Cụ lên nhà, dùng cơm trưa, rồi ở lại cho tới tối mới về. Thường bữa tối thì chúng tôi đưa Cụ ra ăn cơm ngoài, rồi ông N. thay chúng tôi đưa Cụ đi xem hát Bội tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Cụ bảo ông N. là cánh hát Bội họ vẽ mặt, cũng như ra vai người trung, kẻ nịnh, người oai phong, kẻ hèn nhát đúng như tướng vay.
Thượng Lộ Mai Thi
Một hôm tôi đưa Cụ Diễn đi xem Ciné Rex gặp em họ của chúng tôi là Chị Ng., Cụ nói với tôi: Tội nghiệp bà ấy, người đẹp thế mà lại chết non.  Tôi hỏi Cụ tại sao vậy thì Cụ bảo vì “mắt lộ” thì thượng lộ mai thi (chết đường). Sau này chị có qua tị nạn tại Hoa Kỳ. Nhưng khi qua Hòa Lan thăm con trai thì bị nạn chết tại bên đó năm 53 tuổi.
Tên “Ba Cá”
Anh H. là bạn học cũ của tôi. Chị H. nghe tiếng Cụ Diễn, nhưng không biết nhờ ai để giúp xin cho gặp Cụ. Khi biết chúng tôi quen biết Cụ thì chị năn nỉ chúng tôi. Một hôm chị H. lên nhà tôi một cách bất ngờ. Chị năn nỉ cho chị vào gặp Cụ một chút thôi. Nếu Cụ không muốn xem thì chị hứa là sẽ không kèo nài làm phiền Cụ. Chúng tôi cũng thông cảm với chị vì nghĩ rằng chắc chị phải có chuyện gì quan trọng chứ hàng ngày chị là người rất ý tứ. Nhà tôi vào nói với Cụ mấy câu và được Cụ chấp thuận gặp chị H. ngay. Chị H. nói với nhà tôi ở lại trong phòng với chị để sau này nếu chị quên gì thì nhắc nhở chị. Thoáng trông chị, đợi chị ngồi xuống xong, Cụ nói ngay (Cụ hơi bị nói lắp): Xin, xin, xin lỗi bà nhé. Sao bà không tống khứ cái thằng đốn mạt đó đi. Còn để nó đeo đuổi bà thì đời bà còn nhiều khổ tâm, oan nghiệp lắm.  Chị H. vừa nghe xong thì bật lên khóc và nói: Thưa Cụ, cháu khổ với người này nhiều lắm rồi, đã nhiều lần cháu tránh nhưng người này không tha cháu. Xin Cụ chỉ cho cháu phải làm sao bây giờ. Cụ nói: Tôi chỉ biết có thế thôi, chuyện này phải tự  bà quyết tâm giải quyết, không có ai giúp bà được đâu. Người đàn ông này tên là Ba Cá, một tên rất đểu cáng, sở khanh. Ở Sài-gòn nhiều bà tử tế, có tiền, địa vị đã tán gia, bại sản vì hắn. Khi sang đến Hoa Kỳ, tên này vẫn theo đuổi chị H., sách nhiễu Chị để làm tiền. Hắn chỉ đành phải bỏ chị khi các con chị biết chuyện, đứng ra cho hắn một trận nên thân.
Phải Xa Nhau 10 Năm Thì Chồng Mới Không Chết Non
Tôi có người cháu gái gọi tôi bằng cậu. Cha cô này là ông BHT làm Chủ Tịch Viện Giám Sát. Cô cháu gái tôi tên là BTBT, đậu Dược sĩ, chồng là Bác Sĩ TTC, Giáo sư trường Đại học Y-khoa Huế. Hai vợ chồng làm việc tại Huế. Khi vào Sài-gòn thường ghé thăm chúng tôi. Một hôm may mắn gặp được Cụ đang dùng cơm trưa tại nhà chúng tôi. Hai cháu tôi mọi sự đều bình an nên không có điều gì để hỏi Cụ. Cụ có ngửng lên nhìn hai cháu khi chúng chào Cụ. Khi chúng về Cụ nói với tôi: Nếu có phước thì hy vọng sẽ có chuyện xẩy ra để hai người này xa nhau độ 10 năm thì tốt lắm. Nếu không thì anh chồng chắc sẽ chết non.  Năm 1974 Bác Sĩ C. được Viện Đại Học Huế gửi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ hai năm. Biến cố 1975 làm hai vợ chồng cháu tôi phải xa nhau cho mãi tới năm 1985 vợ và con mới sang đoàn tụ. Thế là gần tròn 11 nam.
Chuyện Nhỏ Mà Hậu Quả Lớn
Bác Sĩ TTC có người anh là TTH, Dược sĩ, là dân biểu Quốc Hội, đơn vị Quảng Trị, có 6 con và rất giàu có. Một hôm có người quen xin Cụ Diễn xem hộ cho anh H., Cụ nhìn qua vợ chồng anh H., Cụ bảo: “Ông bà hiện có cơ nghiệp làm ăn buôn bán lớn ở ngoài đó (Quảng Trị) thì nên thanh toán, bán hết đi. Năm đó là 1967. Căn nhà ông bà đang ở trong hẻm, không tốt, cũng nên bán đi để mua một căn ngoài mặt đường mà ở.” Chưa làm được như lời Cụ dạy, qua năm sau, 1968, Tết Mậu Thân, Quảng Trị đã thành bình địa. Tiệm thuốc và kho thuốc của anh chị H. đều trở thành tro bụi. Đến năm 1975, Anh Chị H. chỉ kịp gửi được 4 đứa con lớn đi di tản, tới được Hoa Kỳ. Nhờ Bác sĩ C. nuôi nấng đều đỗ đạt, thành tài. Hai ông bà H. sau đó vượt biên với 2 đứa con nhỏ, tầu chìm chết hết. Theo lời Cụ dạy, Anh Chị H. cần phải đổi nhà, chấm dứt chuyện làm ăn đang thành công thì mới tránh được những chuyện không may, nhưng tiếc anh chị đã không làm kịp. Anh chị có thể vì lý do làm ăn đang phát tài nên đã chậm trễ trong việc bán tiệm thuốc và kho thuốc ở Quảng Trị, việc này đã đưa tới mất hết tài sản không còn tiền để đổi nhà ra mặt đường và kết quả là chết cả hai vợ chồng và hai đứa con. Chuyện nhỏ mà hậu quả lớn quá!
Ông Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi
Một hôm anh Đại Tá CVS đến nhà tôi thăm Cụ và có dẫn một người bạn cũng ở trong nhà binh. Lúc đó Cụ đang ngủ nên tôi mời hai người ngồi chờ ở phòng khách. Trong buồng ngủ Cụ nghe tiếng anh S., Cụ bước ra mời cả hai người vào. Mọi người chưa kịp ngồi vào chỗ, Cụ đã nói: Tiên sinh đây làm ơn để ý mấy điều tôi dặn nhé. Khi rời khỏi đây tiên sinh nên tìm thuê ngay một chỗ ở xa Sài-gòn, thí dụ vùng Thủ Đức hay Biên Hòa cũng được. Tiên sinh nên chọn căn phòng nào càng vắng, càng tối tăm, âm u càng tốt, không điện thoại mà ở. Không được nói chuyện với ai. Tiên sinh đến đó ở một mình trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Không mở đèn, không đọc sách, không làm việc gì gây tiếng động. Tuyệt đối không cho vợ, con cái hay bạn bè biết mình ở đâu. Nếu phạm vào một điều trong số những điều tôi dặn dò thì coi như hỏng hết. Nếu làm được như tôi chỉ thì hai hôm sau tiên sinh ghé lại đây chơi để mình nói chuyện tiếp. Hai ngày sau, anh S. và người bạn trở lại nhà tôi để gặp Cụ. Cụ quan sát người bạn anh S. rất kỹ lưỡng, rồi nói: Tiên sinh hãy về ở cái phòng đó thêm hai ngày đêm nữa.  Hai ngày nữa tiên sinh đến đây mình nói chuyện tiếp. Hai ngày sau đó người bạn của anh S. trở lại. Cụ lại cũng quan sát rất cẩn thận, chậm rãi Cụ nói: Khá lắm, khá lắm. Tiên sinh cứ về đi. Sau khi mọi chuyện êm đẹp, mời tiên sinh ghé chơi, mình sẽ nói chuyện tiếp.  Tối đó tôi mời Cu, anh S. đi ăn tối. Cụ bảo anh S.: Ông bạn của “toa” đang bị hàm oan. Có thể thân bại, danh liệt và có thể bị tù tội nữa đấy. Moa đã “bắt” Ông ta “đi tù” hai lần rồi đó.” Cụ vừa nói xong thì anh S. giật mình và tiếp lời Cụ: Thưa Cụ, đúng như Cụ nói. Sao Cụ biết rõ thế thật là huyền diệu. Anh bạn cháu là một Đại Tá. Ông ấy đang làm Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi. Anh đang bị đưa ra tòa vì bị một cô thư ký tố cáo là đã hãm hiếp cô ta. Ông ta nằm trong một âm mưu của một người có thế lực khác. Có người muốn cái chức Tỉnh Trưởng của ông ta. Nếu bị kết án thì sẽ mất hết đúng như Cụ dạy mà chắc chắn sẽ bị tù. Hai tháng sau, tòa xử và ông bạn anh S. được minh oan. Tuy vậy, ông này cũng bị quân đội cho về hưu non. Tôi hỏi Cụ tại sao Cụ lại chịu mất nhiều thì giờ cho ông Đại Tá này thế. Cụ bảo: Ở trong phòng mới nghe giọng nói của ông ta, “moa” biết ông ấy là người “không đến nỗi nào”, nên “moa” muốn giup.
Tướng Có Tai “Vểnh”
Hôm nay, Ông Nh. và tôi đưa Cụ xem một tờ baó có đang hình cuả 30 Đại Tá “có thể” sẽ đươc vinh thăng Chuẩn Tướng.  Nhìn qua 30 tấm hình, Cụ baỏ: Có tới 10 anh sẽ chẳng bao giờ lên được cấpTướng. Tôi hỏi Cụ làm sao Cụ có thể nói như thế khi chỉ nhìn vaò nhưng bức ảnh mù mờ như thế naỳ. Cụ baỏ: Tôi cứ xem anh naò có tai “vểnh” thì biết” ngay anh naỳ khó mà lênTướng. Tai vểnh là phá cách. Tướng là cấp bậc cao nhất cuả quân đội cho nên bị phá cách thì làm sao mà lên đươc .  Ngòai ra  người có tai vểnh còn có nghĩa là người yếu bóng vía, hèn nhát. Như thế thì người có tướng naỳ cũng khó lên Tướng lắm. Mấy hôm sau Ông Nh. đưa Tuần Baó Quân Đội cho Cụ xem. Quả thật chỉ có 19 người được lên Tướng, còn 11 người kia không biết về sau có ai lên Tướng không.
Nhà Nghỉ Mát Của Tổng Thống Nixon
Tổng  Thống Nixon chọn một căn nhà ở vùng Oceanside, Tiểu bang California để làm nơi nghỉ ngơi. Căn nhà naỳ rất lớn, nhưng kiến trúc rất kỳ dị, tổng cộng xung quanh nhà có nhiều cổng và cưả tò vò (hình bán nguyệt ). Nhà trông rất đẹp. Nhưng khi tôi đưa cho Cụ xem hình cuả nhà naỳ thì Cụ baỏ: Về Địa Lý thì căn nhà naỳ xấu lắm. Ở nhà naỳ có thể mất mạng.  Tôi có đem điều Cụ nói kể lai cho Bác Sĩ Hồ van Ph., một người quen biết nhiều nhân vật thuộc đảng Cộng Hòa cuả Hoa Kỳ. Tổng  Thống Nixon bị mất chức sau vụ Water Gate bùng nổ.
Tướng Chết Cháy
Ông Th. ở gần nhà tôi , thường qua chơi. Một hôm tình cờ gặp Cụ ở đây. Khi ông ta về, Cụ baỏ tôi : “Toa” baỏ cho ông Th. là đừng có gần lưả. Tôi cũng nói với ông Th. Điều Cụ dặn. Năm 1975, vợ chồng Th. không di tản, nghe nói vợ chồng quyết định không đi. Một hôm vợ làm bếp. Tự nhiên lưả từ trong bếp bùng lên (có lẽ cất xăng trong bếp).  Ông Th. chạy vaò bếp cưú vơ. Cả hai vợ chồng đều chết chaý cả. Chuyện xảy ra vaò năm 1985-86. Con gái lớn hiện đang sống ở Buena Park, California.
Tướng Xuất Ngoại
Vaò những năm 1935-40 rất nhiều người xin được xuất ngoại làm việc ở Tân Tây Lan, Nouvelle Guineé   ở Caledonia gần đaỏ Tahiti. Chính phủ Pháp hồi đó đã tuyển tới trên 50,000 người . Trai hay gái đều được chọn , miễn khoẻ mạnh và không có tiền án . Hồi đó Cụ đang làm cho Sở  Công an Hà nội nên Cụ phải theo dõi hồ sơ cuả những người naỳ . Trước khi Cụ trình lên Bác Sĩ khám , Cụ làm dấu riêng là được hay rớt kết quả phải nói là đúng tới gần 100%. Sở dĩ không hoàn toàn đúng là vì có những đưá chạy chọt để đi. Cũng tội nghiệp , những người không có số đi làm phu phen mà chay chọt để đi thì thường bệnh hoạn chết trước khi tới nơi. Tôi hỏi tai sao Cu lại thấy trước chính xác như vậy thì Cụ baỏ : Trước khi đến gặp Bác sĩ thì  phải cởi hết quần aó . Đối với người xem “tướng” thì chỉ nhìn “mặt ” thì có thể sai, chứ thấy được cả “mình  mẩy, tay, chân ” thì làm sao mà sai đươc . Điều naỳ đã được chứng minh đúng như vậy.
Tướng Vợ Quá Vượng
Sau ba năm Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ Tướng thì người Hoa Kỳ thấy Việt Nam cần một Thủ Tướng dân sự và có nhiều hiểu biết (có học). Lúc đó Tướng Nguyễn văn Thiệu vẫn làm Tổng Thống. Trong số  người được báo chí nói tới có Giáo Sư Thạc Sĩ Nguyễn văn B., Viện Trưởng Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi hỏi Cụ có biết Giáo Sư B. không? Thì Cụ nói là cách đây mấy tuần Cụ có gặp bà B. và Cụ thấy bà ấy “quá” vượng. Cụ giải thích cho tôi: “Vì bà ấy “quá” vượng cho nên nếu Ông B. mà làm Thủ Tướng  thì mới “xứng” với tướng “quá” vượng của bà ấy. Còn nếu không lên được Thủ Tướng trong những ngày gần đây thì chắc là phải “chết”. Không biết chết bằng cách nào đây.”  Ngay khi một nguồn tin có “thẩm quyền” tung ra tin Tướng Trần thiện Khiêm sẽ làm Thủ Tướng, thì có tin Giáo Sư B. bị ám sát bằng mìn chế .
Tướng Hát Bội
Tôi không bao giờ thấy Cụ nói điều gì xấu về Ông Thiệu (Tổng Thống). Tôi hỏi Cụ về một vài Tướng khác, để xem có ai bản lãnh để có thể khả dĩ thay thế được Tướng Thiệu. Cụ bảo tôi là Cụ chỉ nói tổng quát vui chơi thôi.
1.   Tướng Dương văn Minh: Anh này vô tài, không thể cứu nước được, đụng đâu, hư sự tới đó. Vứt đi.
2.   Tướng Nguyễn chánh Thi: Anh này “ngu”, không đầu óc. Vứt đi.
3    Tướng Hoàng xuân Lãm: Anh này ba phải. Không có lập trường. Cũng vất đi.
4.   Tướng Ngô quang Trưởng: Anh này mà được phương phi như Tướng Hoàng xuân Lãm thì may ra.
Người khô đét, mặt thâm tím, rượu chè hơi nhiều. Chỉ được cái trong sạch nhưng chưa phải là một tướng tài, chứ nói chi tới một nguyên thủ quốc gia.
5.   Tướng Nguyễn khoa Nam: Moa chưa được gặp.
6.   Tướng Nguyễn khắc Bình: Anh này thủ đoạn lắm, nhưng thủ đoạn để làm tiền. Mắt thì láo lia, láo lịa, gần như chủ của anh ta (Tướng Thiệu). Hèn.
7.   Tướng Nguyễn văn Toàn: Anh này được người cao ráo, nhưng mũi lại nhỏ. Không tài trí. Thủ đoạn thua Tướng Thiệu. Sách dép cho Thiệu.
Không thấy Cụ khen Tướng nào cả. Cụ nhận xét chung là từ trên xuống dưới toàn là tướng hát bội cả. Ngoài
Bắc cũng thế, trong Nam cũng chẳng ra gì. Nước mình không điêu đứng làm sao được.
Tổng Thống Gerald Ford
Mấy tháng trước ngày Cụ mất, báo Time có đăng hình của 4 nhân vât có thể được chọn làm Phó Tổng Thống Hoa Kỳ thay thế cho Ông Agnew bị buộc phải từ chức vì trốn thuế gì đó. Cụ chỉ vào hình của Ông Ford rồi nói: Anh này mà được làm Phó Tổng Thống thì sẽ lên thay Tổng Thống. Anh ta có số “đoạt” trưởng. Nhưng khổ cho mình. Nếu hắn lên làm Tổng Thống thì hắn sẽ bỏ rơi miền Nam mất thôi. Cụ nói đúng!
Việt Cộng Sẽ Nằm Ở Đây Này!
Tôi đã được 3 người có thể nói là nổi tiếng về Tử Vi xem cho. Đó là:
1.   Bà Huyện Đỏ, chị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, chồng làm Tri huyện Phù Mỹ, lúc đó ba tôi làm Tỉnh trưởng Bình Định;
2.   Ông Trần hữu Ích, bạn thân của tôi, ở đường Calmette;
3.   Ông Nguyễn bỉnh Tuyên, cháu nhiều đời sau của Cụ Trạng Nguyễn bỉnh Khiêm.
Cả ba lá số đều nói là trong khoảng từ 45 đến 53 tuổi thì nhà cửa của tôi sẽ cháy sạch. Vì cả ba lá số đều giống nhau ở điểm này nên tôi cũng tin một phần nào.
Khi ấy tôi đang làm Chủ Tịch công ty bảo hiểm Mekong Insurance nên tôi mua bảo hiểm cho tất cả bất động sản của tôi. Ngoài ra các bất động sản của tôi gồm nhiều cao ốc, nhưng không ở sát nhau, nên tôi cũng yên tâm vì khó có hỏa hoạn nào mà có thể cháy rụi tài sản của tôi được. Đến năm 1975, chạy ra nước ngoài, tài sản để lại hết, cũng coi như là tài sản bị “cháy” cùng một lúc vậy. Năm đó tôi 46 tuổi.
Cụ Diễn khi còn sống (Cụ mất tháng 4 năm 1974, một năm trước khi miền Nam thất thủ) Cụ vẫn thỉnh thoảng nhắc nhở tôi một cách nhẹ nhàng là tôi quen biết nhiều thì nên tìm cách đưa hết gia đình ra ngoại quốc đi. Cụ còn bảo tôi là phải coi tiền bạc và tài sản ở đây như không có.
Có lần cậu Phan Thanh T. (đã qua đời tại Pháp vào năm 2000), Giáo Sư trường Kỹ sư Công Chánh, con của Ông Bà Phan Kế T., một người bạn rất thân của Cụ, có hỏi Cụ: Bác thấy tình hình Việt Nam ra sao thì Cụ nói: Việt Cộng sẽ nằm ở đây này (Cụ chỉ cái giường Cụ đang ngồi) và súng nó sẽ để ở đây này (Cụ chỉ cái góc tường bên cạnh giường Cụ).
Tôi nhớ lời Cụ dặn nên quyết tâm tìm đường để đi ra ngoại quốc. Cái gì lo được thì lo, cái gì không tính toán được thì coi như bỏ. Nhờ vậy mà khi di tản vợ chồng tôi và 7 đứa con đều thoát được ra khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Gần Cụ tôi hiểu được thế nào là Duyên, là Nghiệp, thêm vào đó gia đình tôi lại con nhà Phật, nên tôi đã hiểu được hai chữ Vô Thường. Do đó, dù mất hết tài sản nhưng lòng tôi vẫn thanh tịnh, không buồn phiền. May mắn 7 đứa con của chúng tôi sau khi sang tới Hoa Kỳ đã chịu khó học hành, đã đỗ đạt, có công ăn, việc làm và bây giờ đều đã lập gia đình và con cái đẹp đẽ và ngoan ngoãn.
Phá Núi Châu Thới
Năm 1962 quân đội Mỹ dự định nới rộng phi trường Biên Hòa thành một phi trường cỡ quốc tế. Năm ấy tôi đang là kỹ sư đặc trách phi trường Tân Sơn Nhất. Vì công tác quá lớn lao nên Bộ Công Chánh lại cử tôi kiêm nhiệm thêm công tác này. Dự án đã do các kỹ sư Mỹ vẽ xong và ngân khoản lên tới cả trăm triệu Mỹ kim– tương đương với cả tỉ bây giờ.
Thời gian tôi còn làm cho Bộ Công Chánh, tôi đã làm rất nhiều tiền với hãng Eiffel và Dragages và xây biệt thự để bán. Vào năm 1962 tôi lại được cho về hưu non. Cho nên tôi rất miễn cưỡng nhận lệnh đi Biên Hòa.
Khi lên tới Biên Hòa công việc làm tôi suy nghĩ nữa là phải dời hàng ngàn ngôi mộ. Rất nhiều lăng mộ của các đại thần triều Nguyễn trong số những ngôi mộ này. Đứng tại vùng đồi núi này mà nhìn vào núi Châu Thới thì đẹp vô tả. Núi Châu Thới quả là cái bình phong thiên nhiên.
Núi Châu Thới đã bị cho nổ mìn lấy đá làm xa lộ Biên Hòa trong suốt mấy năm từ năm 1956 đến năm 1960. Bây giờ vì nhu cầu quân sự, cả ngàn ngôi mộ sẽ bị đào lên để đem chôn nơi khác. Đứng về mặt “Địa Lý”, tôi sợ sẽ bị “động” và có nhiều hậu quả không tốt.
Tôi xin Cụ đi với tôi lên Biên Hòa. Cụ bảo: Phá núi Châu Thới thì chắc chắn sẽ làm rung chuyển hết cả địa lý của vùng này. Chết thật, lại còn bao nhiêu gia đình đang có mộ “phát” sẽ phải chịu nhiều hậu quả khổ sở lắm đây. Cụ tiếp: Tôi cám ơn Ông đã đưa tôi lên đây để thấy một cảnh thiên nhiên đẹp như thế này. Tiếc thay, tất cả những cái này sớm chiều sẽ chẳng còn gì.  Tôi hỏi Cụ là hậu quả có thể như thế nào thì Cụ bảo: Hậu quả sẽ to lớn lắm chứ không phải chỉ những hậu quả cho con cháu của mấy ngôi mộ, ngôi lăng, . . . này đâu. Hậu quả có thể lớn lao và xa xôi hơn nhiều.  Tôi biết Cụ không muốn nói “rõ quá” về những hậu quả của việc làm này.
Năm sau, 1963, thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ông Nhu, Ông Cẩn đều bị chết thảm thương. Đức Cha Thục thì sống lầm than cho tới lúc chết và còn bao nhiêu chuyện cay đắng đến với gia đình Tổng Thống Diệm. Miền Nam thì chết chóc, đau thương cho mãi tới năm 1975 và còn sau hơn cả chục năm nữa.
Chuyện “Tóc Dán”
Một hôm tôi đang cùng Cu và Ông Nh. ăn cháo cá ở Chợ Cũ thì có một cô thư ký của Ngân hàng Nam Đô vào và ngồi ở bàn bên cạnh. Khi nhìn thấy tôi thì cô này đứng lên chào. Cô này rất xinh xắn, dễ thương và đặc biệt có mái tóc dài và đen mướt. Cụ hỏi tôi: Toa nhìn kỹ tóc của cô ấy xem có thấy cái gì lạ không. Tôi nhìn một lúc rồi trả lời Cụ là tôi chỉ thấy tóc cô ấy dài, mượt và đen. Cụ bảo: Tóc cô ấy thuộc loại tóc “dán”. Tội nghiệp người như vậy mà chết yểu đấy.  Cụ giảng cho tôi làm sao để nhìn ra thế nào là tóc dán. Sau này tôi cũng nhìn được một vài trường hợp tóc dán. Đàn ông cũng có tóc dán chứ không phải chỉ có đàn bà.
Nhà Động Như Nằm Trên Đầu Mấy Ngón Tay
Dạo đó vào khoảng năm 1960-61. Ông chủ hãng Bông Bạch Tuyết là chỗ quen biết muốn bán cho tôi hai lô đất trong sở đất của ông ta hiện đang có hãng bông gòn ở trên. Hai lô đất ở phía ngoài và nằm hai bên đường vào hãng bông. Lô phía Bắc lớn, lô phía Nam nhỏ hơn. Trong khi tôi đang làm giấy tờ mua hai lô đất thì ông Kỹ Sư “Xếp”của tôi muốn tôi nhường cho ông ta lô phía Bắc. Tôi đành phải chịu và chỉ còn lô nhỏ phía Nam. Ông Xếp tôi xây một căn biệt thự rất lớn. Còn tôi thì xây ba biệt thự nhỏ. Đến ngày 30 Tết ta thì tôi đã xong phần “bê tông” cho ba biệt thự của  tôi. Tôi cho ngừng công tác để đợi sang năm mới sẽ tiếp tục. Tiền đất và tiền bê-tông khoảng 2 triệu mỗi căn. Giá trị mỗi căn sau khi hoàn tất sẽ vào khoảng 6-7 triệu. Đúng đêm 30 Tết một anh bạn tôi tên Ngô Q. đến nhà chơi. Anh Q. là một chủ báo, thành công và rất giàu có. Anh bảo tôi anh muốn mua lại một căn biệt thự mà tôi đang xây. Anh muốn căn biệt thự ở phía ngoài cùng, căn này có hai mặt đường. Tôi bảo được rồi, xây xong tôi sẽ để cho anh một căn. Tôi nhắc lại là tôi chỉ bán cho anh một căn thôi và giá bán là 7 triệu. Anh Q. bảo: Tôi muốn làm giấy ngay bây giờ. Tôi trả anh 7 triệu và tôi sẽ tự xây lấy căn biệt thự của tôi theo ý tôi. Thấy tự nhiên được lời thêm gần 5 triệu đồng nên tôi do dự. Anh Q. tưởng tôi đổi ý, thúc tôi ký giấy hứa bán ngay đêm 30 Tết còn tiền bạc và các giấy tờ sang tên để sang năm mới sẽ làm nốt.
Ba tháng sau, bốn biệt thự mới đã cất xong hoàn toàn. Trước và sau hai biệt thự của tôi là hai biệt thự đẹp hơn và trông đồ sộ hơn hai cái biệt thự của tôi nhiều. Cái trước mặt là của ông Xếp tôi, cái đằng sau là của anh Q.  Một hôm nhân tiện có Cụ trên xe, tôi đưa Cụ vào xem mấy biệt thự này. Cụ lên sân thượng cả hai biệt thự của tôi để nhìn cho xa, rồi lại đi ra trước, rồi vòng ra sau để quan sát sang các biệt thự bên cạnh của anh Q. và của ông Xếp tôi. Thủng thẳng Cụ bảo tôi: Toa hên lắm. Nhà của toa như nằm trong lòng bàn tay, thật là vừa êm lại vừa ấm. Mấy căn nhà xung quanh nhà toa như nằm trên những ngón tay, nhúc nhích, động đậy cả. Không có căn nào ăn yên, ở yên được cả. Hỏng hết!
Ngày hôm sau tôi gặp anh Q. tôi nói lại với anh lời Cụ bảo. Anh Q. cũng quen với Cụ, nên anh vội chạy đến Cụ xin Cụ đến xem lại biệt thự của anh và giúp cho anh chữa. Khi tới nơi, Cụ hỏi: Nhà này tên ai? Anh Q. nói với Cụ nhà này tên anh chị ấy. Cụ đi quanh nhà, trong, ngoài rồi Cụ bảo anh Q.:
Nên đào một cái giếng phía sau nhà; Ở phòng khách nên làm trần cao gấp đôi chỗ khác rồi treo nhiều đèn thật đẹp, như pha-lê, ở đó;
2    Mặt tiền nhà nên sơn màu (vàng) đậm;
3    Xây bít cái cửa ra vào hiện giờ lại và trổ một cửa ra vào khác.
Ba tháng sau, mặc dầu đã sửa chữa theo ý Cụ, ông Cụ thân sinh ra anh Q. đã mất trong căn nhà này. Hôm đưa đám ma, Cụ Diễn có đi. Cụ hỏi lại chị Q.: Ai đứng tên căn nhà, miếng đất này?  Chị Q. thưa với Cụ là ba anh Q. – người vừa mất – vẫn còn đứng tên cả nhà lẫn miếng đất này. Cụ bảo: Chết chưa, ông cụ đã gần 70 tuổi rồi, cần gì phải sửa đổi gì cho phí tiền mà còn có hại nữa. Khổ thật! Còn nhà của ông Xếp tôi thì cho Mỹ thuê. Anh nào cũng chỉ ở ít tháng là lại bỏ đi. Chắc là nhà bị “động” xui khiến ra. Sau đó đem bán cũng không bán được.
Tướng Của Tôi
Quen biết Cụ cả mười mấy năm thỉnh thoảng Cụ nói cho vài câu. Có khi Cụ bảo tôi là tôi có “tướng” làm lớn, giàu có và sang. Cụ lại dặn là tôi chớ dính vào chính trị, dính vào sẽ mất mạng. Do đó mỗi khi có việc gì quan trọng và có vẻ dính vào chính trị tôi đều đem trình với Cụ. Khi Cụ thấy tôi cương quyết gạt bỏ mọi ý định dính vào chính trị thì Cụ tỏ ra rất vui mừng. Tôi biết điều này quan trọng lắm. Sau đây là tóm tắt những điều Cụ dặn chúng tôi:
1.     Tránh dùng người vừa lùn vừa đen. Nó đâm lén sau lưng mình. Nó xơi tái mình.
2    Tôi sẽ chết vì ngộp. Sau khi tới Mỹ năm 1975, chúng tôi có mở một chợ cá, trong đó có một tủ lạnh (freezer) lớn. Cánh cửa ra vào bị kẹt luôn, vào trong rồi lỡ mà vô ý đóng cửa thì có thể không mở ra được. Nhớ lời Cụ, tôi phải chận cửa với cây gỗ cẩn thận trước khi đóng cửa vì sợ chết ngộp.
3    Nên mặc áo màu nâu nhạt, màu lam, màu xanh nhạt, . . ., tuyệt đối tránh màu trắng.
4    Cụ khuyên tôi mỗi Chủ Nhật nên đi đánh cá ngựa. Nên đánh lớn. Đừng sợ thua. Thua thì cho thua.
Tôi thì rất ghét cá ngựa, nên đưa tiền nhờ một người bạn đánh hộ. Tính sổ lại tôi thua khá nhiều. Tôi không dám hỏi Cụ giải thích tại sao lại bắt tôi làm điều tôi không thích. Mãi sau này có người học trò của Cụ bật mí cho biết là vì tôi làm ăn đỏ quá.
5.   Nhà tôi ở nếu có sân cỏ ở trước mặt thì rất tốt. Nhà nếu quay về hướng Tây thì tốt.
6    Cụ bảo tôi là 7 đứa con của chúng tôi sẽ thành đạt hết. Chúng nó mặt mũi sáng sủa, khôi ngô, trông ra vẻ người sang trọng. Chúng sẽ khá mà cha mẹ chúng cũng sẽ khá. Cụ bảo: Cứ nhìn tướng con cái là đủ biết bố mẹ có khá không. Con cái mà tướng cơ cực, phá cách, trông hèn thì bố mẹ dù có đang giàu có thì rồi cũng mất hết, còn nếu đang khó khăn thì không hy vọng gì ngóc đầu lên được. Có lần Cụ nhờ tôi chở đến nhà một gia đình nhờ Cụ giúp cho giải quyết một chuyện. Khi tới nơi, nhìn thấy đám con của họ chơi ở sân. Cụ bảo tôi: Thôi cho Moa về. Chả giúp được gì cho họ đâu. Con cái như vậy thì  cha mẹ làm sao mà không gặp khó khăn được.
7.   Thỉnh thoảng Cụ vẫn nhắc tôi: Toa giàu và sang. Toa có tướng bộc phát. Nhưng bộc phát thì cũng bộc
tàn. Toa có tâm Phật, năng đi chùa, chịu theo lễ Mẫu, moa cũng mừng cho toa. Nhớ là có của cải đó rồi mất hết đó, chắc toa hiểu moa muốn nói gì. Nếu đi được ra nước ngoài thì nên đi đi. Có thể làm lại cơ nghiệp được.
8    Sau khi Cụ mất (1974), tôi đã định bán đi một số cao ốc, nhưng thấy làm ăn cũng còn được nên chần chờ. Đến lúc muốn bán thì không bán được nữa vì không có người mua. Ngay cả căn nhà tôi đang ở, người ta trả tôi 80 triệu mà tôi không bán vì còn lưu luyến. Cuối cùng rời Việt Nam gần như tay trắng.
9    Nhưng vợ chồng tôi và 7 đứa con đã đến được Mỹ bình an và nay thì các cháu, nhờ trời, đều đỗ đạt, đã lập gia đình và đều được hạnh phuc.
Tướng Người Cấn Cái
Cụ dạy: Người có tướng “cấn cái” là người cao hơn bình thường, gầy gò và vai ngang. Khi đứng cũng như khi đi lại thấy hai tay vướng víu, cấn cái không được tự nhiên. Mấy người tướng “cấn cái” có thể giàu, nhưng chưa chắc đã sống lâu hoặc hạnh phúc.
Nhà tôi có người anh họ cô cậu ruột, tên là NTN làm Tổng Giám Đốc một ngân hàng ở Sài-gòn. Anh tướng người “cấn cái”, khi qua được Mỹ anh ta mang được khá nhiều tiền. Anh có vợ và bốn con. Vợ anh trẻ hơn anh nhiều. Sang Mỹ được ít năm, vợ anh đi theo trai, bỏ anh và ôm theo rất nhiều tiền cua anh.
Tai Khít
Cụ dạy: Tai khít là tai “kiến diện bất kiến nhĩ”, nghĩa là nhìn mặt không thấy tai. Những người thành công thường có bộ tai này. Cụ bảo tôi cũng có bộ tai này. Có tai này khó lòng mà đi làm công cho người ta được lắm. Không bị đuổi thì cũng xin nghỉ việc thôi. Từ ngày sang Mỹ, tôi cũng có xin đi làm để kiếm đồng lương cố định để nuôi con. Nhưng chả bao giờ được yên. Bị cho nghỉ việc hay phải nghỉ việc  ngang xương vì  lý do này hay lý do khác.
Cụ lấy thí dụ về Tổng Thống Thiệu để giảng cho tôi. Tai ông Thiệu rất tốt. Tuy mắt láo lia láo lịa là người xảo trá, lời nói không thể tin được. Nhưng trong hàng tướng lãnh ở miền Nam không có anh nào qua mặt được ông Thiệu cả. Ông Thiệu đã nắm quyền 10 năm. Một vận được tính là 10 năm. Tổng Thống Ngô đình Diệm cũng “ăn” được một vận 10 năm, từ 1954 đến 1963 do tai tốt. Khi tính thì kể cả năm đầu, 63 – 54 + 1 = 10.
Hoàng Tử Charles
Khi xem hình Hoàng Tử Charles của nước Anh, Cụ bảo tôi: Anh này tai vểnh, xương yết hầu lòi ra cho nên chả bao giờ lên làm vua cả, suốt đời chỉ ngồi chơi xơi nước. Anh này mà làm vua thì nền Quân Chủ Lập Hiến của nước Anh chắc đến ngày cáo chung rồi. Thường người có xương yết hầu lồi ra như vậy thuộc thành phần lao động, vua chúa chẳng thể có
Bà Nguyễn Cao Kỳ Sửa Sắc Đẹp
Đầu năm 1965, gia đình tôi và ba gia đình bạn bè nữa rủ nhau đi Nhật du lịch nhân có người bạn là anh Vĩnh T. đang làm Đại sứ ở đây. Ở Nhật thì chúng tôi tình cờ lại ở chung khách sạn với bà Nguyễn cao Kỳ. Sau chúng tôi biết được là bà Kỳ đi Nhật để sửa sắc đẹp.
Về Sài-gòn ít lâu, anh Trần tiến D. – anh là một người rất thân của Cụ Diễn – cho chúng tôi biết bà Kỳ đa nhờ chị D. mời Cụ lên nhà chị và bà ta sẽ đến để nhờ Cụ xem hộ. Sau khi Cụ xem cho bà Kỳ, một bữa nọ anh D.đi ăn cơm với chúng tôi và có kể rằng sau khi ngồi nói chuyện với bà Kỳ một lúc thì Cụ bảo: Rất tiếc tướng của bà đang quí mà lại đi sửa nên phá hết rồi. Công danh của ông nhà khó mà bền được. Ông có giỏi thì cũng chỉ còn một năm nữa. Đúng như Cụ nói, cuối năm đó thì phe ông Kỳ hết thời.
Cụ bảo người nào có tướng của người đó. Trừ trường hợp trên tướng có cái gì quá đáng thì mình mới phải sửa. Khi sửa thì phải chấp nhận hậu quả của sửa. Hậu quả đây không phải là rủi ro về y khoa mà là hậu quả về sự thay đổi của tướng. Thí dụ một phụ nữ Việt Nam mặt đang tròn trịa, phúc hậu đi giải phẫu thẩm mỹ để làm cho mặt có góc cạnh, mắt lớn, mũi cao, môi mọng như người mẫu tây phương.
Ông “Cao”
Cụ quen rất thân với gia đình này. Còn tôi  thì quen với anh Cao từ khi anh này mới mở tiệm thuốc tây tại Huế. Anh Cao là đàn em của Phan văn Giáo, Thủ Hiến Trung Việt. . . . Cao là người rất hiền lành, nhưng khôn ngoan vô cùng. Rất chân tình với anh em, bạn bè. Giúp ai được gì là giúp liền. Khi vào Sài-gòn thì Cao mở công ty VPO vừa để  nhập cảng, vừa để bào chế thuốc. Tôi hỏi Cụ về chuyện gia đình của Cao, Cụ nói: Trong hoàn cảnh của họ thì mình phải hiểu là “thân nào thì nghiệp ấy”.
Tôi hỏi Cụ về tướng của anh Cao thì Cụ dạy: Anh này có tướng may mắn lắm. Ngoài ra lại còn có số làm ăn chung với các nguyên thủ quốc gia. Thật vậy, khi còn là sinh viên ở Hà-nội, anh ta đã là thủ lãnh phong trào thanh niên, sinh viên Đông Dương. Nhờ đó anh ta được tiếp xúc với Đại tá Pháp Ducoroy (là đặc trách thanh niên của Toàn Quyền Decoux) và dần dà quen biết Toàn Quyền Decoux. Sau này là tay chân của Phan văn Giáo, Thủ Hiến Trung Việt, rồi là cận thần của Ngô đình Cẩn, em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi làm Ủy Viên Tài Chánh cho Cần Lao của Ngô đình Nhu. Thời Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu thì Cao lại làm Bộ Trưởng Liên Lạc Quốc Hội. Tất cả những chức vụ này chỉ là bình phong để Cao và vợ gần như độc quyền về dược phẩm ở miền Nam Việt Nam. Tiền lời chia chác với các lãnh tụ nên công việc làm ăn vững như bàn thạch.
Khi gia đình này xây một biệt thự, to lớn, tráng lệ như một cung điện trên đường Phan thanh Giản, tôi có hỏi Cụ về căn nhà này. Cụ chỉ nói vỏn vẹn có mấy chữ: Anh này không được ở nhà này. Khi nhà còn đang xây thì anh Cao khám phá ra bị ung thư cổ. Phải đi ngoại quốc nhiều lần để điều trị. Tôi hỏi Cụ: Liệu anh Cao có qua được không. Cụ không trả lời vào câu tôi hỏi mà lại nói: Anh này số chết trên trời. Quả thực anh Cao trong lần đi chữa bệnh lần chót, đã chết khi máy bay còn đang bay trên trời. Tôi tò mò hỏi Cụ về tương lai của gia đình này. Cụ bảo Cụ rất mến bà Cao  . . . . Vợ chồng anh này chỉ làm giàu, chứ không hại ai. Trông mặt cả vợ cả chồng thì thấy. Tóm lại của cải có thể truyền xuống tới đời con cái. Nhưng, Cụ còn nói là sau này con cháu anh Cao đều sống và lập nghiệp ở nước ngoài. Năm 1975 cả gia đình di tản sang Mỹ đầy đủ. Các con anh Cao đều học hành thành đạt. Hai mươi năm sau cả gia đình lại kéo nhau hết về nước làm ăn và gây dựng lại công ty VPO. Nghe nói công ty này còn lớn hơn công ty VPO thời trước 1975 và có thế lực . . . rất lớn. Hy vọng những người trong gia đình này tạo nhiều phúc đức để có thể thay đổi lời Cụ Ngô Hùng Diễn nói về các con, các cháu cua anh Cao. . .
Ông Bà H.
Bà H. quen biết Cụ từ khi còn ở Hà-nội. Ông bà vào Sài-gòn sau Hiệp Định Genève và ít năm sau thì ông bà H. và mấy đứa con còn nhỏ đi Pháp. Khoảng năm 1960, bà nhờ người về hỏi thăm Cụ Diễn là nếu gia đình bà muốn về Sài-gòn chơi có được không. Cụ khuyên là không nên. Bà H. vẫn từ Pháp về Sài-gòn chơi vì nghĩ ít tuần thì chắc không sao. Khi ở Sài-gòn bà có đến thăm Cụ, Cụ vẫn tiếp nhưng không nói gì cả. Ít lâu sau có một vụ nổ do phá hoại ở quán Ngân Đình, Bến Bạch Đằng Sài-gòn. Con trai bà H. bị tử nạn tại đây. Ông H. từ Pháp về để đưa đám con. Sau đám ma, Ông bà H. đến hỏi Cụ xem là nên ở Sài-gòn hay trở lại Pháp. Cụ bảo: Bà thì có thể ở lại, nhưng ông thì phải đi liền, nếu không thì cuộc đời sẽ cơ cực như thằng ở, mà là thằng ở không công, vợ và con cái sẽ không ai nhòm ngó tới.
Bà H. không làm cách nào để bắt ông chồng về lại Pháp ngay. Ông ta muốn ở lại Sài-gòn ít lâu rồi mới về Pháp. Bà H. đành chịu. Chừng ba, bốn tháng sau nghe nói ông H. mê bà chủ tiệm nhảy Mỹ Phụng. Anh này chỉ là một trong những anh mê gái, đưa tiền cho gái chứ chả nước non gì. Anh ta gần như ở lì nhà cô này, giặt giũ quần áo, lau nhà, rửa bát,. . . làm đủ mọi việc như đứa ở, nhưng là đứa ở không công. Vợ con can ngăn không được, cuối cùng thì từ anh ta. Hết tiền thì anh ta bị cô nhân tình hờ đuổi ra đường. Con cái không cho vào nhà, bà vợ thì đã về Pháp để trông nom tiệm ăn, nên ông H. sống rất bệ rạc và cơ cực. Thương tình, bà H. về Sài-gòn đón ông H. trở về Pháp. Vợ chồng còn ở với nhau hay không, không ai biết nữ
Hình Tướng  và Thần Tướng
1.   Tướng gấu trắng: tướng này khi cần nhanh thì rất nhanh, khi cần chậm thì rất dè dặt, cẩn thận. Tướng gấu trắng thuộc loại hiếm, nên người có tướng này cũng thuộc loại người đặc biệt.
2.   Tướng một người mà trông giống một con thú nào đó thì người đó cũng bị ảnh hưởng – nhiều, ít còn tùy – bởi tướng con thú đó. Thí dụ như một người tướng con rùa thì không nên mong mình trở thành một Lý tiểu Long – một võ sư số một của thế giới và là một tài tử nổi tiếng thế giơi.
Một Số Tướng Thường Gặp
1.   Người hay thở hắt ra: tướng lao đao, hay lo nghĩ viển vong.
2.   Mắt ướt: quyến rũ, đa tình, số khổ về tình, bẽ bàng về tình.
3.   Ăn nhanh mà không khua bát đĩa: quí tương.
4.   Đi nhanh mà gót giầy không nện thình thịch xuống đất: quí tương.
5.   Đi nhanh mà như bay trên đất; thuộc tướng khinh phù, lao đao và nhiều đau kho.
6.   Người cao, mập, đi nhanh mà thân thể uyển chuyển như rồng: quí tương.
7.   Tượng để ngoài sân, ngoài vườn: dễ bị ma quỉ nhập vao.
8.   Đòn “chông” nhà đối diện đâm thăng vào nhà mình: làm ăn không khá, ở không yên. Có khi còn
mang họa chết. Tôi còn nhớ tòa nhà Tổng Nha Ngân Khố ở Sài-gòn. Đòn chông của tòa nhà này đâm thẳng sang đường bên kia, do đó chẳng có sở nào, công ty nào nằm phía đối diện với tòa nhà này mà làm ăn ngóc đầu lên nổi. Trước hết là tòa báo Thần Chung. Chủ báo mua một miếng đất , dù không trực diện với đòn chông, rồi xây lên trụ sở  cho tờ báo. Chủ báo đã bị tử nạn. Sau đến là cao ốc 18 tầng định xây để làm Ngân Hàng Quân Đội. Cụ bảo: đòn chông đâm thẳng vào mặt thì sống làm sao được. Thật vậy, 15 năm sau khi xây xong, cao ốc này vẫn để trống. Đòn chông là cây đà trên nóc, nơi hai mái nhà gap nhau.
9.   Cổng và cửa nhà: Ông bà Mai văn H., nguyên là cựu Đại sứ tại Thái Lan thời Tổng Thống Ngô đình Diệm. Sau khi Cụ Diệm chết thì ông bà trở về Sài-gòn và làm lại nghề buôn bán phụ tùng xe hơi. Ông bà cho xây một kho hàng khổng lồ bằng vật liệu nặng ngay sân trước, che cả cửa chính ra vào. Một hôm tôi có dịp ghé nhà ông bà H. và Cụ cũng đi cùng với tôi. Lúc đó kho hàng xây đã sắp xong. Lúc ra về, Cụ  bảo tôi: Nếu “toa” quen nhà này thì làm ơn bảo cho họ là không được xây kho hàng ở chỗ này. Nếu xây như thế này thì chủ nhà khó tránh được bệnh nan y về phổi, tim, gan – nghĩa là bệnh về lục phủ. Mặc dầu tôi có quen hai người con rể của ông bà, một người là Thượng Nghị Sĩ Lê phát Đ. và một người là Nguyễn văn S. buôn bán ở đường Trần Hưng Đạo, nhưng tôi không dám nói vì họ theo Thiên Chúa Giáo nên chắc là không tin. Không đầy một năm sau thì bà H. bị bệnh và chết vì nước đọng trong phổi. Cụ bảo tôi là xem nhà, cái cửa chính, cái cổng ra vào phải rất rõ rệt, ví như mặt, mũi, . . . người ta.
Biệt Thự Gia Đình Tôi
Chúng tôi có một biệt thự tại đường Thoại Ngọc Hầu, Tân sơn Nhất, Gia Định. Cụ bảo chúng tôi trước khi dọn vào ở phải sửa nhiều thứ thì hy vọng mới ở được vì đất của căn nhà này rất dữ. Cụ bảo nếu không phải là tôi thì Cụ khuyên là không nên ở nhà này. Tôi có tướng gấu trắng, nên cũng thuộc người có “tướng tinh”.
Sau đây là những điều Cụ bắt sưả :
1.   Sân trước phải xây một cái hồ rộng. (Khu đất naỳ  khô, thiếu sinh khí.). Tôi xây một hồ tắm một chiều 10 mét , một chiều 20 mét .Xung quanh có rat nhieu cây cản h. Mỗi lần đến chơi, Cụ hay ra đây ngồi ngắm cảnh.
2.   Sân sau cũng phải đaò một cái hồ nhỏ (Lý do cũn g như trên ). Toi đaò hai cai hồ. Cái lớn để nuôi cá. Cái nhỏ để trồng sen, trồng bông súng. Vườn sau tôi trồng rất nhiều cây mang từ Huế về.
3.   Cổng phải xây một cái lớn và cao để cho xe hơi vaò và hai cổn g nhỏ hai bên để người ra vaò . Đây  là loại cổn g “Tam Quan”, nhưng xây phải  kheó , đừng để người ngoài nhìn biết ngay là cổn g “Tam Quan”.  Tôi hỏi thì Cụ baỏ : Đây là cổng nhà Quan. Nhà naỳ phải là Đại quan cuả Triều đình thì may ra mới ở được . (Đất sát ). Tôi ở đươc vì tôi cung có số lam quan. (Ngay từ lúc mới quen Cụ mười mấy năm trước Cụ đã khuyên tôi đừng bao giờ dính vaò chính trị mặc dù có số làm quan).
 4.   Nhà có sẵn một giếng nước , Cụ khuyên để nguyên như vậy , đừng lấp đi.
5.   Xung quanh nhà xây bằn g đá xanh, Cụ baỏ phải dùn g xi-mang quét che.
6.   Ngoài  vườn tìm một chỗ kín đaó nhưng trang trọng để xây một miếu thờ Thổ Thần . (Đất nhà naỳ là linh địa).  
Chúng tôi ở nhà naỳ được từ năm 1968 đến 1975. Rồi cũn g phải bỏ nhà ra đi. Nhưng trong những năm ở trong nhà naỳ , gia đình chun g toi gặp vui thì ít mà buồn thì nhiều , lam an lên cao cũng có, nhưng  khó khăn cũng chồn g chất . Cuối cùn g thì tay trắn g ra đi để lại cả gia sản . Tuy nhiên , nhờ ơn Cụ, vợ chồn g tôi và bảy đưá con trong mấy năm   ở trong nhà naỳ đều đươc bình an, mạn h khoẻ , hạn h phúc và vaò nhưn g ngaỳ chót cuả miền Nam gia đình tôi được  ra khỏi nước một các h dễ dàn g hơn rất nhiều gia đình  khác.
Nghiệp Quá Nặng Chớ Nên Đụng Tới
Một hôm Cụ đến chơi thì gặp bà Cụ sinh ra nhà tôi và người giúp việc cho bà Cụ. Hai người naỳ đang ở nhà  tôi chờ căn phòng trong một chung cư cuả tôi ở đường Nguyễn minh Chiểu sưả chưã xong thì dọn sang. Cụ  biết là bà Cụ nhạc tôi và bà người làm rất là khắc với tôi nhưng Cụ không nói gì cả. Cụ chỉ đem chuyện naỳ nói với nhà tôi thôi. Đợi khi bà Cụ và bà giúp việc dọn sang chỗ ở xong xuôi rồi Cụ mới nói cho tôi biết .  Theo Cụ xem tướng để giúp cho người ta nhưng đừng vì quá sốt sắng mà làm cho người ta gặp khó khăn quá đáng, nhất là có những cái xấu mà mình chả làm gì tự nó cũng sẽ qua đi. Có những cái do nghiệp quá nặng mà ra, thì cũng chả nên đụng tới . Nhiều khi cái giá phải trả để tránh cái hoạ còn nặng hơn cái hoạ . Xem tướng mà dính vaò những việc do nghiệp chướng mà ra thì người xem tướng cũng tổn đức lắm đó.
Những Lời Nhắn Nhủ Cuối Cùng Của Cụ
Vaò năm 1973-74 trước khi Cụ mất (tháng Tư 1974), Cụ luôn nhắc nhở tôi thu góp được bao nhiêu tiền thì  được , rồi đem gia đình, con cái ra ngoại quốc để sinh sống và cho chúng nó học hành. Năm 1972 Cụ có nói với ông TQQ, một người học trò cuả Cụ la: Năm năm nưã thì nước mình sẽ “thống nhất ”, nhưng “đỏ” hết .  người học trò naỳ tính ra thì chuyện thống nhất sẽ xảy ra vaò năm 1976 năm 1972 kể là năm thứ nhất . Năm 1974 Anh ta đi Mỹ một năm rồi về năm 1975. Anh ta đã lầm . Việt Nam đã “đỏ” hết vaò năm 1975, nhưng  Quốc Hội “thống nhất ” mãi năm 1976 mơi bầu. Thật là Thiên  Cơ.
TÀI LIỆU CỦA BÀ DƯƠNG THỊ TƯỜNG
 Bà Chủ Tiệm Vàng
Khoảng năm 1945, có một bà chủ tiệm vàn g nhờ Cụ xem. Sau khi nói một vài chuyện cho bà naỳ thì Cụ  chép miện g nói : Đời bà đáng tiếc là có một thơi gian phải tạm “làm điếm ”. Bà naỳ nghe xong thì nổi nón g và vô lễ với Cụ.  Cu thôi không nói nưã và bỏ ra về. Chiến tranh xảy ra, nhiều người phải rời Hà- nội . trong đó có bà chủ tiệm vàng. Khi trở về Hà- nội lại thì bà naỳ trắng tay. Gia đình bà ta càng ngaỳ càn g túng quẫn . Cuối cùn g phải đi làm “gái gọi ” để lấy tiền nuôi gia đình. Sau naỳ bà ta gặp lại Cụ, bà ta quì  xuống xin Cụ tha lỗi . Nghe bà ta nói lại là Cụ baỏ bà ta: Tôi thương bà chứ ai lại giận bà. Tôi phải xin lỗi bà vì tôi đã nói thẳng quá.
Ông Năm Quận Trưởng
Hồi còn ở Hà-nội, ông Năm đến thăm Cụ Diễn cùng với hai người con trai. Ông giới thiệu hai người con trai với Cụ rồi xin Cụ cho biết về tương lai của hai người con này. Cụ bảo: Anh làm gì có con mà hỏi. Ông Năm bẽn lẽn dẫn hai người con về. Hai người con theo ông là con riêng của bà vợ hai mà ông nhận là con ông và giấu hết mọi người. Hôm sau ông Năm trở lại gặp Cụ để xin lỗi và thuật chuyện cho Cụ nghe. Cụ khuyên nên cho hai cậu con riêng đi học xa không nên để ở nhà. Bà vợ hai không chịu. Ít lâu sau đó thì ông Năm bị Việt Minh ám sát chết. Đây là trường hợp “con khắc cha – dù là con riêng của vợ.”
Tránh Đám Đông
Ông B. một người quen trong gia đình tôi một hôm được Cụ xem cho. Cụ bảo: Anh có số chết bất đắc kỳ tử trong đám đông. Vậy nếu thấy đám đông thì nên tránh, đừng có đến gần. Năm ấy ở Hà-nội có tổ chức chợ Phiên mừng lễ 14 tháng 7 của Pháp và có môn leo cột mỡ. Anh B. mon men đến xem. Thình lình cột đổ đè vào anh, làm anh chết ngay tại chỗ.
Con Bé Dung
Một hôm Cụ đến nhà chơi, Cụ trông thấy con Dung đang chơi ở ngoài sân. Lúc dó con bé Dung mới độ 15-16 tuổi. Con bé học trường “Đầm” và rất xinh xắn, trắng trẻo. Nói chuyện với mấy người trong nhà một lúc, Cụ gọi: Cháu ơi!  vào ông nói cái này. Cụ nói với mẹ bé Dung: Con bé này sắp gặp một thằng người dong dỏng cao, da trắng mét, người trông như ống tre, . .  Phải tránh xa thằng này. Nếu không thì cuộc đời khổ trăm bề, đời sống như ăn mày. Quay sang mẹ bé Dung, Cụ nói: Thằng này giống như người ma, đi khập khễnh.
Không biết cháu có qua được không. Nửa năm sau thì Dung dẫn một thằng bạn trai về nhà chơi. Thằng bé tên Q., Cả nhà hoảng kinh vì thằng bé giống đúc người mà Cụ Diễn đã tả trước. Mọi người cố gắng khuyên răn cho cháu Dung quen cũng được nhưng phải tránh đừng để mang bầu, chứ không dám quyết liệt quá. Thế mà Dung vẫn mang bầu và bỏ nhà theo thằng bé đó luôn. Khi gia đình di tản qua Mỹ năm 1975, thì Dung kẹt lại ở Sài-gòn. Suốt mấy chục năm Dung sống như ăn mày và khổ sở đủ điều. Mặc dầu có đứa em gái ở Mỹ gửi tiền về giúp đỡ, nhưng thằng Q. lấy hết đi bao gái.  Bao nhiêu lần định bỏ thằng Q. nhưng đều không bỏ được vì thằng chồng đe là bỏ nó, nó sẽ giết chết. Mãi đến năm 1995, Dung mới xa được thằng Q. vì nó có vợ khác. Lúc đó con bé Dung trông tiều tụy, già nua như bà cụ trên 60 tuổi vậy. Nhưng cũng như Cụ đã nói trước là phải ngoài 30 tuổi, mới bỏ được thằng này và sau khi bỏ thì sẽ gặp được một người bạn trai khác, trai tân,
ít tuổi hơn Dung cả chục tuổi, dáng đứng hơi ưỡn người ra, mắt sâu, da ngăm ngăm, không đen, không trắng. Dung đã gặp được cậu này, tên H. và ít lâu sau thì lấy nhau. Hai đứa có được ba người con, hai gái, một trai. Chồng sau là một nhạc sĩ tây ban cầm nổi tiếng ở Sài-gòn. Mấy năm sau người em gái bảo lãnh cho đoàn tụ ở Mỹ. Sang tới Mỹ, Dung và hai đứa con gái đi làm “nail” luôn. Sau đó mua được hai tiệm “nail”. Chồng thì đi đánh tây ban cầm cho các buổi họp mặt của Mỹ cũng như trong cộng đồng Việt Nam. Cả gia đình Dung đều rất sùng đạo Phật, sùng đạo hơn bất cứ người nào trong gia đình. Đặc biệt thằng con trai chuyên vẽ ảnh Đức Phật, linh động đến độ ai cũng muốn thỉnh về để thờ. Hiện nay thì vợ chồng và con cái của Dung sống rất đầy đủ, con cái đều học xong đại học. Một cái nợ phải trả 20 năm. Cả người chồng đầu và đứa con trai với anh này đều nghiện ngập và chết thê thảm trong đói rách.
Nhân Duyên Tiền Định
Bà Đức L. là một người chuyên môn thầu vé số rồi bán lại cho người bán lẻ. Mỗi tuần như vậy bà ta lời cả bao nhiêu triệu đồng. Dĩ nhiên là có chuyện chia chác với các “quan” trong Nha Kiến Thiết, nơi phát hành vé số và cho đấu thầu vé số. Có lần làm ăn bị vỡ lở bà bị liên lụy. Bà chạy đến Cụ Diễn vấn nạn. Bà Đức L. đã quen Cụ Diễn từ ngày ở Hà-nội. Cụ bảo: Kỳ này bà khó thoát lắm. Nhưng có bị bắt thì 28 Tết cũng sẽ được tha về. Cụ tiếp: Khi bà về rồi thì vào ngày mồng 1 hoặc mồng 2 Tết, sẽ có một người khách rất đặc biệt đến thăm bà. Người này cao lớn hơn ông Nguyễn cao Kỳ, đầu tròn như quả đu đủ, mắt to, trán có ba vết nhăn chạy ngang . Sau bà sẽ lấy người này. Đời sống vợ chồng rất hạnh phúc. Người đàn ông này rất tử tế và rất chiều chuộng vợ. Bà Đức L. nghe vậy thì nghe, nhưng không quan tâm lắm. Bà rời Hà-nội từ năm 1954 và chồng bà thì kẹt lại ở Hà-nội. Bà đã 50 tuổi nên đâu còn nghĩ tới chuyện lấy ai. Nhưng đúng như Cụ nói, bà bị Công An bắt, ngày 28 Tết thì được tạm tha đợi ngày ra tòa, ngày mồng 2 Tết thì một ông ký giả tên Tô V. đến nhà gặp bà Đức L. để tìm hiểu về vụ vé số để viết bài bênh bà Đức L. vì ai cũng biết bà bị kẹt giữa hai ba phe thuộc các Bộ khác nhau trong Ủy Ban cho đấu thầu. Thế rồi hai người lấy nhau. Sống với nhau cho tới già. Ông Tô V. đã mất. Mỗi lần nói chuyện về ông Tô V., bà Đức L. vẫn còn xao xuyến lắm.
TÀI LIỆU CỦA ÔNG TRẦN VĂN HÀI Bút Hiệu Từ Thức
Thị Trưởng Hà-nội Thẩm Hoàng Tín
Ông Thị trưởng Hà-nội Thẩm Hoàng Tín gốc Triều Châu, Tầu. Bố mẹ đến lập nghiệp tại Hà nội từ lâu. Tên khai sanh là Thẩm Tín. Thuở bé được sang Pháp du học, đậu bằng dược sĩ, trở về Việt Nam, ở Hà-nội hành nghề. Có một cửa hàng bán thuốc tây tại phố cửa Nam, mang tên là tiệm thuốc cửa Nam. Sau này làm con nuôi cụ Hoàng trung Huân, thân sinh Bác sĩ Nha khoa Hoàng cơ Bình, Luật sư Hoàng cơ Thụy và Giáo sư Hoàng cơ Nghị, nên ông Thẩm Tín đổi tên là Thẩm hoàng Tín. Ngoài nhà thuốc cửa Nam, Ông Thẩm hoàng Tín còn có phòng thí nghiệm, bào chế lớn và một cửa hàng thuốc tây nữa ở đường Đồng Khánh. Người vợ đầu tiên của ông Thẩm hoàng Tín là một người Tầu lai, có với nhau 3 đứa con, rồi ly dị. Sau này ông lấy bà Thành, vợ góa của ông Huyện Thành. Sau khi lấy ông Thẩm hoàng Tín rồi bà mới đi học Dược tại trường Thuốc Hà-nội. Đậu Dược sĩ rồi thì bà trực tiếp trông nom các tiệm thuốc để ông Tín có thì giờ lo chính trị.
Ông Tín được bổ làm Thị trưởng Hà-nội. Ông có tiếng là liêm khiết, siêng năng. Làm Thị Trưởng nhưng không lĩnh lương. Ông Tín thích giao du với giới trí thức, chính trị. Ông có tham vọng muốn làm Thủ Hiến Bắc Việt, thay thế Thủ Hiến Nguyễn hữu Trí, người của Đại Việt quan lại. Ông Tín ăn mặc rất chải chuốt, lúc nào cũng đúng mốt – áo quần toàn may bằng hàng đắt tiền, để râu mép kiểu Clark Gable (đại tài tử Mỹ). Đi ngoài phố thường chống ba-tong tuy mới chỉ 40 tuổi, ăn nói từ tốn, đàng hoàng, khiêm nhường lắm. Anh em miền Nam ra Hà-nội, gặp ông Tín, đều gọi ông là “Monsieur Impeccable” (ông Không-Chê-Được!!!). Ông Tín cũng rất thích xem tướng, số. Nghe nói thày nào hay ông đều xin mời về nhà, không kể tốn kém. Ông Tín chơi với tôi rất thân và đã từ lâu. Biết tôi có quen Cụ Diễn, ông Tín năn nỉ giúp ông mời Cụ Diễn về nhà chơi. Tôi có đưa Cụ Diễn đến nhà ông Tín mấy lần, giới thiệu cho hai bên biết nhau. Ông Tín tế nhị, không dám hỏi thẳng Cụ nhờ Cụ xem cho. Còn Cụ Diễn thì chỉ thỉnh thoảng nhìn ông Tín, nhưng chỉ nói bâng quơ chứ không nói gì tướng số cả. Có một lần khi ra về, tôi mạnh dạn hỏi Cụ xem Cụ đã xem cho ông Tín kỹ chưa và ông Tín có làm “to” được không? Chẳng hạn như làm Thủ Hiến Bắc Việt, Bộ Trưởng hay Thủ Tướng? Cụ Diễn chỉ cười và thủng thẳng nói: Tôi chưa xem kỹ, phải đợi xem lại kỹ thì mới dám nói. Một buổi nhân dịp Tết Trung Thu, chúng tôi ăn cơm chiều xong, thì rủ nhau đến nhà ông Tín lên sân thượng ăn bánh Trung Thu, uống trà sen, ngắm trăng rằm. Bữa đó có tới hai chục khách khứa, bạn bè. Trong đó có Kỹ sư Lê văn Ngọ, thi sĩ Huy Kinh, Luật sư Nguyễn văn Huyền. Khoảng 10 giờ đêm thì bà Tín về và lên tham dự ăn bánh, ngắm trăng với chúng tôi. Một lúc sau, bà Tín thưa với Cụ là bà muốn xin Cụ dạy cho vài điều. Bà xin Cụ cứ nói thẳng cho, lành dữ thế nào cũng xin Cụ dạy cho. Mọi người phụ họa năn nỉ Cụ hộ bà Tín. Cụ ngập ngừng mãi, rồi thong thả nói: Bà Thị Trưởng dạy, tôi xin vâng lời, nhưng tôi xin nói trước, tôi không phải là người xem tướng số chuyên nghiệp đâu. Lúc rảnh rỗi có nghiên cứu, rồi học hỏi với bạn bè, biết lõm bõm vài ba câu. Nếu có điều gì sai thì xin bà Thị Trưởng và quí vị thứ lỗi cho. Nói xong Cụ nhìn bà Thị Trưởng một lần nữa rất nhanh, rồi nói: Bà có số vượng phu ích tử, có tay làm giàu, . ., chỉ có cái là cao số, có lấy chồng thì rồi cũng phải qua cầu lần nữa. (Bà đã lấy ông Huyện Thành và đã góa). Nghe vậy bà hỏi Cụ là bà và ông Tín có ăn đời ở kiếp với nhau không? Cụ bảo: Tất nhiên là ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, giàu có, danh giá,. . ., con cái thành đạt hết. Nhưng bà sẽ đi trước ông mặc dù ông lớn tuổi hơn bà. Nói là đi trước, nhưng cũng phải ở tuổi 60. Số là như vậy, nhưng chắc gì tôi đã nói trúng. Bà cứ chăm giữ gìn sức khỏe, không nên làm việc quá sức, không nên lo nghĩ nhiều, việc gì phải đến sẽ đến. Ăn ở hiền lành, làm phước thiện, bố thí, thì tăng thọ. Đức năng thắng số. Cụ Diễn nói đến đây thì ngừng, không nói thêm câu nào nữa. Ông Tín không di tản vào Nam khi Hiệp Định Giơ-neo ký kết. Sau khi Việt Minh vào Hà Nội, ông Tín bị liệt vào loại trí thức phản động và bị đưa đi cải tạo, sau đó cũng được thả về và cho dạy học ở đại học Y-Dược Hà-nội. Khi ông Tín đi học tập, bà Tín ở nhà lo, buồn và đương đầu với nhiều chuyện nên phát bệnh tim và qua đời. Lúc đó bà chưa tới 60 tuổi, như Cụ Diễn đã dạy trước. Hôm ăn bánh ngắm trăng Cụ không xem cho ai nữa. Ông Tín nể Cụ nên cũng không dám ngỏ lời xin Cụ xem. Tuy nhiên lúc về khi ra tới cửa thì Cụ nói với ông Tín: Lần sau, nếu có dịp gặp lại, tôi sẽ xin cố gắng xem cho ông Thị Trưởng. Được biết, ông Tín sau khi học tập về ít lâu thì lấy một bà thứ ba nữa.
Chừng hơn một tháng sau ngày ăn bánh ngắm trăng chúng tôi lại có dịp đến chơi nhà ông Tín. Hôm đó là chiều Chủ nhật. Chúng tôi ngồi ở phòng khách, uống cà-phê. Qua một vài câu chuyện, Cụ Diễn bắt đầu nói: Bây giờ không có ai, không có bà nhà, tôi sẽ xem  tướng cho ông Thị Trưởng, tôi sẽ nói thật, nếu có điều gì quá đáng xin ông thông cảm. Ông Thị Trưởng cao số lắm. Người vợ đầu nếu không bỏ sống thì cũng bỏ chết. Bà thứ nhất bỏ rồi, bà thứ hai không bỏ nhưng rồi cũng phải xa nhau, khi ông bà xa nhau thì bà sẽ qua đời vào khoảng 60 tuổi. Ông Thị Trưởng sẽ lại có bà thứ ba. Bà này cao số lắm. Bà này cũng đã hai, ba đời chồng, ăn chơi, phá của, . . . Bà này sống rất lâu và có tướng góa, nghĩa là ông Thị Trưởng sẽ chết trước bà thứ ba này. Ông Thị Trưởng có tướng con Hạc vì người mảnh khảnh, xương nhỏ, nhìn có vẻ khô khan, dù ăn uống tẩm bổ ông cũng không thể nào béo được. Người tướng Hạc đa số là đi tu. nhưng ông thuộc Hạc phá giới. Hai ba vợ lại thêm một tá nhân tình. Sau này Hạc sẽ không bay ngang trời nữa mà sẽ bị đuổi vào rừng. . . bị nhổ hết lông, trụi cánh, không còn tung tăng đây đó nữa mà trở thành “oiseau deplumé”– Cụ dùng tiếng Pháp, nghĩa là “chim bị nhổ lông”. Ông không còn giàu có, sung túc như trước nữa. Con cái chả đứa nào thành đạt, học hành tầm thường. Ông buồn rầu, đi tới nơi xa, rồi chết lẻ loi nơi xứ lạ quê người.  Cụ nói xong, thấy ông Tín có vẻ buồn, nên Cụ cười và an ủi: Tôi đoán vậy thôi, chắc đâu đã trúng. Tôi nói trật là thường. Ông Thị Trưởng cứ ăn hiền ở lành, mọi sự đã có Trời !!!  SỐ vậy nhưng có ĐỨC, SỐ cũng phải thay. Nếu không ai còn cần phải “Tu, làm điều lành, làm phước làm cái gì.” Quả vậy, sau này gia đình ông quyết định ở lại Hà-nội khi Hiệp Ước Giơ-neo ký kết. Ông Tín bị bắt đi học tập, hai hiệu thuốc bị tiêu tan hết (không biết có phải do bà thứ ba phá như Cụ Diễn nói không. Ngay các chi tiết khác về bà ba này cũng không ai trong số bạn bè được biết). Con cái ông theo Việt Minh và chả có người nào đỗ đạt hay có địa vị gì cả. Sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975 ông Tín và bà vợ thứ ba vào Sài-gòn rồi sau được cho đi Pháp. Đi Pháp được ít lâu, ông Tín đau rồi chết. Di ảnh của ông Tín hiện thờ tại chùa Lưu Sơn, ngoại ô Paris. Đúng như lời Cụ Diễn đoán: “Chết nghèo, trơ trụi (oiseau deplumé)”.
Kỹ Sư Lê văn Ngọ
Kỹ sư Lê văn Ngọ, người miền Nam, thuở bé sang Pháp học, tranh đấu trong nghiệp đoàn, đậu bằng Kỹ sư (ingénieur de chauffage) mà bạn bè gọi đùa là “kỹ sư đốt lò”, lấy vợ đầm, có một con gái và hai con trai. Về nước năm 1946, ở đường Richaud sau đổi là Phan Đình Phùng. Người to lớn, khỏe mạnh, tiếng nói rang rảng, nhưng có vẻ “ngắn hơi” – làm việc nhọc một chút là thở hồng hộc. Hoạt động chính trị. Rất được Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc và Tướng Bình Xuyên Bẩy Viễn quí trọng vì tánh thực thà, ngay thẳng, trung thành, khiêm nhượng. Làm Bộ Trưởng Lao Động trong chính phủ Nguyễn phan Long, . . . , Quen thân với Cụ Diễn. Cụ quí anh Ngọ, cho anh là người trực tính, nóng nẩy nhưng lại là người nhân hậu, có tình, có nghĩa. Cụ bảo: Anh Ngọ có cái cằm bạnh, hai xương hàm lớn, phồng ra ngoài quá nhiều, trán lại vừa hẹp,vừa thấp, tuổi Ngọ, tên Ngọ, răng to như răng ngựa. . . có nhiều nét tướng của Mussolini, một trong ba thành phần của phe Trục, Đức, Nhật, Ý trong Thế Chiến thứ II. Người có cằm bạnh, quai hàm bạnh dễ gặp tai nạn bất ngờ, lớn lao và nguy hiểm có thể chết người được !!! Để có thể giảm bớt được tai nạn, không nên bận áo sơ mi cụt tay, quần “short” theo kiểu thể thao sẽ trông có vẻ “võ tướng” quá. Nên bận áo sơ mi dài tay, thắt ca-vát màu thật lạt, khoác áo vét-tông ở ngoài . . . , cho bớt “sát tướng” đi. Bà vợ đầm, tuy già, gầy yếu, xấu xí, song lại có tướng “quí”. Không nên xa bà này, bỏ bà này mà đi “mèo chuột” với người khác , . . . Ngày nào mà xa bà vợ này, thì ngày đó là ngày bước vào vận đen, gặp nguy hiểm có thể chết người. Tuyệt đối không đi vào rừng, đến nơi vắng vẻ, . . . , vì sẽ gặp tai nạn. Sau này anh Lê văn Ngọ theo Tướng Bẩy Viễn, trùm Bình Xuyên, và giáo phái, qua cầu chữ Y, đánh ông Ngô đình Diệm. Thua trận, theo Bình Xuyên rút vào rừng Sát. . . . Pháp đưa trực thăng vào cứu Bẩy Viễn, Lai  hữu Sang, Lai hữu Tài đưa sang Pháp cho tị nạn. Còn đám chính trị theo giáo phái như Trần văn Ân, Trịnh khánh Vàng, Hồ hữu Tường, Lê văn Ngọ , . . ., thì bị Pháp bỏ lại, đều bị bắt, cầm tù trong chiến dịch Hoàng Diệu, do tướng Dương văn Minh chỉ huy. Sau này tất cả đều bị đem ra xử trước tòa án quân sự, bị kêu án tử hình. Ông Ngô đình Diệm không giết ai cả, chỉ cho đầy ra Côn Đảo sau gọi là Côn Sơn. Mãi sau đảo chánh ông Diệm (2 tháng 11 năm 1963), các người này mới được Tướng Nguyễn Khánh tha cho về. Cụ Diễn đã xem tướng cho Kỹ sư Lê văn Ngọ rất trúng. Ngày mà giáo phái bắt đầu gây sự với ông Diệm, chưa đánh nhau, Lê văn Ngọ đã quên lời Cụ dạy, một hai bắt bà vợ đầm và ba đứa con về Pháp để anh rảnh tay “chơi” với ông Ngô đình Diệm. Sau này bác sĩ Trần Louis (đổi tên Trần lữ Y) sang Pháp tu nghiệp, gặp con gái đầu của anh Lê văn Ngọ, lấy làm vợ rồi đưa về Việt Nam. Ông Trần lữ Y sau làm Tổng Trưởng Y Tế thời ông Nguyễn văn Thiệu. Thời Nguyễn Khánh, ông Trần văn Ân làm Tổng Trưởng Bộ Chiêu Hồi và anh Ngọ làm Trưởng Thanh Tra. Khi chính phủ Nguyễn Khánh đổ, anh Ngọ về ở với con rể là bác sĩ Trần lữ Y. Sau sang Pháp thăm vợ con, ngả bệnh và chết tại Pháp. Cụ Diễn nói có thể đúng về bà vợ của anh Ngọ. Giả dụ rằng anh Ngọ đừng “đuổi” bà vợ đầm và ba đứa con lai về Pháp trước mà đem bốn người này cùng vào rừng Sát thì chắc hẳn là khi toán quân của Thiếu tá Phòng Nhì của Pháp, Sainteny, khi nhẩy dù xuống rừng Sát để cứu Tướng Bẩy Viễn, hai anh em Lê hữu Tài, Lê hữu Sang thì đời nào lại bỏ rơi gia đình của Kỹ sư Lê văn Ngọ
Bà Vương Ngọc Tống
Bà Vương ngọc Tống, gốc người Tầu. Cha mẹ sang Việt Nam làm ăn buôn bán bình thường.  Nhờ có chút nhan sắc, da trắng, mắt lớn, tóc đen mướt, miệng cười rất tươi, thân hình cân đối, nên năm 18 tuổi bà được viên Công Sứ Pháp cưới làm vợ chính thức. Bà là người đàn bà thứ hai, lấy tây, trước tiên ở Bắc Hà. Mà chồng là người danh giá, có chức phận to, giàu có. Người thứ nhất lấy tây, danh giá, giàu có, được Nam Triều tưởng thưởng là bà Bé Tý, tục danh là Cung thị Phiêu, chủ một ngôi nhà lớn, có hàng rào sắt xung quanh, ở phố Hàng Bạc Hà-nội. Nhà bà là nơi tàng trữ đồ cổ quí giá. Bà có nuôi súc vật, chim chóc lạ. Mỗi tuần, ngày thứ Năm, mở cửa cho thiên hạ vào xem. Bà Vương ngọc Tống nhờ lấy chồng có quyền hành nên cũng trở nên rất giàu có, cha mẹ được sự giúp đỡ của bà cũng trở nên giàu có. Thiên hạ gọi bà là bà Cụ Tống, . . ., hay Cụ Sứ. Chúng tôi quen thân với bà. Bà rất hiếu khách. Bà cũng rất thích tướng số. Lúc đó bà đã gần 50 tuổi rồi, song rất đẹp, ăn diện chải chuốt, nói tiếng Việt Nam như người Việt Nam, không ai dám bảo bà là người Tàu. Bà cũng là người được Triều Đình Huế ban thưởng vì công cứu trợ nạn lụt. Lại cũng được chính phủ Pháp cấp bằng khen sau khi chồng chết. Chúng tôi đem Cụ Diễn đến chơi nhà bà, ăn cơm rồi ở lại chơi và coi tướng cho Bà tới tối mới về. Cụ Diễn nhìn Bà rồi thản nhiên nói: Tôi nể lời bà và các bạn tôi nên tôi sẽ xin xem cho Bà, tuy nhiên tôi không phải là thày tướng xem lấy tiền, cho nên thấy gì tôi sẽ nói cái đó, không thêm bớt. Đúng hay sai xin bà cứ cho biết. Bà Tống nói xin Cu cứ dạy. Tôi và các bạn của Cụ đây, chúng tôi coi nhau như anh em. Xin Cụ cho phép chúng tôi được coi Cụ như người trong nhà. Chúng tôi bắt đầu ăn bánh ngọt và uống nước chè. Thủng thẳng Cụ nói: Bà có tướng giàu có, giàu có nhưng sang trọng, nhà cửa nhiều nhưng không có nhiều đất. Trẻ sung sướng, già sung sướng. Điều đáng buồn là bà không có con hay đúng hơn là “hữu sanh vô dưỡng” (Bà Tống sanh hai lần nhưng đều không nuôi được). Dưới vú của bà, bên trái, có nốt ruồi đen, to, trên có mọc một sợi lông dài. Còn bên vú phải, có một nốt ruồi đỏ, cũng to như nốt ruồi đen bên trái, trên cũng có một sợi lông dài. Bà Tống nói là Cụ xem trúng một trăm phần trăm. Cụ nói đây là những quí tướng của bà. Bà còn quí tướng khác nữa, tôi xin nói ra đây: Nơi chỗ kín của bà, lông dài tới
20-25 phân tây (centimetres). Mỗi khi rửa ráy nhiều khi phải cột lại như búi tóc. Bà Tống cười ngoặt nghẽo và chắp tay vái Cụ miệng thì nói bà rất bái phục Cụ. Cu đã nói trúng một trăm phần trăm. Bà Tống nói tiếp: Đã có cả trăm thày tướng, thày số xem cho tôi, chưa một người nào nói điều mà Cụ vừa nói. Tôi thật bái phục. Cụ cho phép tôi được tôn Cụ lên bậc “Tôn Sư”. Cụ Diễn tủm tỉm cười, tiếp tục nói: Bà không tin thần thánh, không cúng bái, không tin đạo nào hết. Nhưng sau này bà sẽ đi tu. Rất nhiều người đến với Thánh Thất ở nhà bà.  Trong số những người đến, có bà Cung thị Phiêu, một người giàu có khác của Hà-nội. Hội Thánh Cao Đài dựa trên công lao và ảnh hưởng của hai bà này, đã phong cho hai bà là “Nữ Giáo Hữu” đứng đầu họ đạo Thánh Thất Hà-nội. Đúng như Cụ Diễn nói, ít lâu sau, Bà Tống bán hết nhà cửa đem tiền vào Nam cúng cho Hội Thánh và xin đi tu trọn đời. Bà mất năm 73 tuổi, tại An Hội (Bến Tre) nơi có Hội Thánh, thuộc ông Giáo Tông Nguyễn ngọc Tường. Cụ Diễn đã nói đúng một trăm phần trăm.
Các Nhân Vật Đặc Biệt
Thời ông Nguyễn văn Tâm làm Thủ Tướng thay thế ông Trần văn Hữu, Cụ Diễn đã xem tướng cho Thủ Tướng Tâm. Ông là nhân vật miền Nam mà ai cũng biết. Thời Pháp thuộc ông làm Đốc Phủ Sứ, sau đó ông được cử làm Quận trưởng Cai Lậy (Mỹ Tho), có tiếng chống Cộng Sản số một. Cộng Sản rất thù ông. Có lần ông bị Cộng sản bắt, ông bị đánh đập tàn bạo, xuyên dây kẽm qua bàn tay. Thời Thủ Tướng Hữu, ông làm Bộ Trưởng Công an. Rồi có lần làm Thủ Hiến Bắc Việt. Khi chính phủ của ông Trần văn Hữu đổ, ông lên làm Thủ Tướng chính phủ kiêm An ninh.
Ông Phạm Tá, tốt nghiệp nghề nhuộm ở Pháp, lại thích chính trị, đã giới thiệu Cụ Diễn với Thủ Tướng Tâm tại nhà bà Giỏi, vợ nhỏ của ông Tâm. Vào đề Cụ không do dự gì hết, nói ngay: Cụ Thủ Tướng có tướng Cọp. Không ai làm gì được Cụ. Dù Cụ có vào rừng thì kẻ thù của Cụ cũng không làm gì được Cụ. Dù Cụ có bị bắt thì Cụ cũng thoát ra được. Trong đời chỉ bị tai nạn một lần mà thôi, không có lần thứ hai. Số có công danh lớn, giàu có, . . . , chết già. Cọp mà không chết được trong rừng, mà lại chết nơi lạnh lẽo, có tuyết, có sương mù, khí
lạnh. Con cái làm nên sự nghiệp, có tiếng tăm. Có một điều xin Cụ nhớ cho là Cụ có số chỉ giữ được tiền mặt còn nhà cửa, đất đai thì có cũng mất hết.  Tuy nhiên Cụ sẽ sống sung túc cho tới khi Cụ nhắm mắt. Ông Thủ Tướng nửa tin, nửa ngờ. Khi ra về ông tặng Cụ một hộp xì-gà Manille và hai chai Whisky. Cụ Diễn chỉ nhận hộp xì-gà. Sau này chắc ông Thủ Tướng Tâm có dịp ngồi nghĩ lại và chắc là sẽ kính phục tài xem tướng của Cụ Diên là sao lại có thể trúng một trăm phần trăm như vậy. Thủ Tướng Ngô đình Diệm ở Mỹ về chấp chính. Lúc đó con trai ông Tâm là Đại Tá Nguyễn văn Hinh thuộc quân đội Pháp, dân Tây, vợ đầm, được đặc cách thăng Thiếu Tướng và phong cho làm Tham Mưu Trưởng quân đội Việt Nam. Thủ Tướng Ngô đình Diệm không thích Tây, không muốn Hinh làm Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội. Hai bên bất hòa lớn. Tướng Hinh và đàn em định dùng vũ lực lật đổ ông Diệm. Mỹ làm áp lực với Pháp bắt Tướng Hinh về Pháp. Cựu Thủ Tướng Tâm cũng phải khăn gói sang Pháp và chết tại đây, đúng là nơi lạnh lẽo, có tuyết, có sương mù và khí lạnh như Cụ Diễn đã tiên đoán. Nhà cửa, đất đai đều bị tịch thu hết. Bà Giỏi (vợ nhỏ của Thủ Tướng Tâm) cũng bị chính phủ Ngô đình Diệm đưa ra tòa, tịch thu gia sản và bỏ tù với tội danh “hối mại quyền thế”, dựa thế chồng.
Chuyện Con Rùa
Thời Pháp thuộc, phía bên trái (nếu đi vào) của Dinh Toàn Quyền Đông Dương , thời Việt Nam Cộng Hòa thì đổi tên là Dinh Độc Lập, sau 1975, Hà-nội gọi là Dinh Thống Nhất, có một cái gò đất khá cao. Trên gò đất dựng một cái nhà bốn bề trống không. Nơi này mỗi chiều thứ Bẩy, Ban nhạc của Trung Đoàn Bộ Binh thuộc địa (Regiment d’Infanterie Coloniale, viết tắt là R.I.C.) đến chơi nhạc để các quan tây thuộc địa thưởng thức từ 8 giờ đến 11 giờ đêm.
Người ta đồn rằng, dưới gò đất này có đuôi con “xích long” (rồng đỏ), rất dữ, mỗi lần nó cục cựa, vùng vẫy là lại có phong ba, biến cố chính trị, loạn lạc xẩy ra. Không biết có thày địa lý nào chỉ hay do ngẫu nhiên, bọn thực dân Tây đem xây ngay trên gò đất này một một cái nhà để chơi nhạc hàng tuần. Nguời ta nói rằng “ma, quỉ, thần dữ, thần ác” đều sợ chiêng trống. Huống hồ tụi tây lính kèn, người thì đã xù xì lông lá, lại thêm kèn, trống khi đánh thì nhức nhối cả tai, cả người, mấy tiếng đồng hồ một ngày thì nếu có “xích long” thì con rồng này cũng bỏ xứ mà chạy. Vì thế nhiều người tin là thực dân yên ổn được trên 80 năm là vì đã trấn áp được con xích long này.
Khi Việt Nam thâu hồi được độc lập, Dinh Toàn Quyền được đổi tên là Dinh Độc Lập. Nhà trình diễn quân nhạc do Pháp xây được phá đi. Có người tin rằng vì thế mà loạn lạc, biến động lại nổi lên không ngừng. Cuối cùng chính quyền của Tổng Thống Ngô đình Diệm bị đảo chánh. Tổng Thống Diệm, em ông là cố vấn Ngô đình Nhu đều bị thảm sát. Khi ông Nguyễn văn Thiệu lên cầm quyền, ông nhờ người mời Cụ Diễn vào Dinh để nhờ chỉ bảo. Có người nói ông Thiệu đi Thiên Chúa Giáo thì làm sao lại đi tin chuyện tướng số. Những người này không hiểu gì cả. Họ phải biết là ông Thiệu xuất thân từ Việt Binh Đoàn An Cựu (Huế) của Thủ Hiến Phan văn Giáo mà lên làm tới Tổng Thống. Vậy thì ông đã phải được chính mắt nhìn thấy những cái “chỉ có trời cho” đời ông mới được như thế. Ở hoàn cảnh đó, ai mà chả tin là “có số”. Nhất là khi có rồi thì không muốn ai tranh mất của mình. Ông biết chỗ ngồi của ông nhiều “thằng” thèm lắm!!! Chắc chắn nhiều đàn em đã kể cho Tổng Thống nghe về Cụ; như chuyện Cụ xem cho Trùm Bình Xuyên Bẩy Viễn, Cựu Thủ Tướng Nguyễn văn Tâm. Trong số những người này có Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Tướng Khang đã được Cụ xem từ hồi ở Hà-nội khi còn mới là Trung Úy khi sắp lấy cô Niệm con Cụ Tâm, chủ tiệm hình Photo Service ở phố Trường Thi. Tướng Khang rất tin Cụ Diễn và đã nhờ Cụ chỉ cho đường đi nước bước nên đường công danh lên như diều, không gặp một trắc trở nào. Nhiều Tướng Lãnh khác cũng xin gặp Cụ. Nghe nói Tổng Thống, Đệ Nhất Phu Nhân và con cái rất quí mến Cụ. Nhiều người tò mò muốn hỏi Cụ xem là Tổng Thống Thiệu hỏi Cụ những gì. Nhưng không bao giờ Cụ nói một câu nào, mà chỉ cười. Hồi đó có tin đồn rằng chính Cụ là người khuyên Tổng Thống cho xây “con rùa” lên gò đất bên trái Dinh Độc Lập – được đặt tên là Công Trường Duy Tân, gần Đại Học Luật Khoa, Sài-gòn – trấn con xích long để Tổng Thống Thiệu ngồi được lâu dài. Nhiều người đồn đại như vậy, nhiều người hỏi thẳng Cụ, nhưng Cụ cũng lại chỉ cười. Nhưng từ ngày xây con rùa, tình hình chính trị của miền Nam tương đối ổn định, không thấy nạn kiêu binh như các năm trước.
Ai biết chuyện đều phục Cụ. Nhưng Cụ không nhận và cũng không phủ nhận mình là tác giả của ý kiến xây con rùa này. Đem ra bàn thì ý của ai thì người này cũng phải là một thày địa lý rất có căn bản vì Công Trường Duy Tân được thiết kế hội đủ Ngũ Hành , Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ ẩn náu trong đó
Kim: được ẩn trong cầu thang bằng xi-măng, cốt sắt và trong bụng con rùa có rắc 5 chỉ bột vàng Kim Thành;
Mộc: Là những cây cối được trồng làm cảnh cho công trường;
Thủy: Là nước trong hồ, quanh năm bay hơi lên mát rượi cho người thắng cảnh ngồi trên bờ hồ;
Thổ: Là đất đắp xung quanh hồ dùng làm vườn cỏ Nhật Bản mơn mởn cả bốn mùa;
Hỏa: Một ngọn đèn đỏ, thắp cháy quanh năm được đặt vào trong mồm của con rùa.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, có người đặt mìn vào miệng con rùa cho nổ, hy vọng phá tan con rùa này để con xích long được thả ra hầu tạo những biến động, bất an ở Việt Nam. Không hiểu sao, gần 30 năm đã qua từ ngày mìn nổ chả có gì gọi là biến động cả. Có thể vì công trường xây cất kiên cố quá. Thêm vào đó, Dinh Độc Lập không được dùng làm phủ “Đầu Rồng” cho nguyên thủ quốc gia nữa mà được gọi là Dinh Thống Nhất dùng làm một thứ bảo tàng viện cho khách du lịch vào chơi. Nay thì cũng vắng tanh, chả có mấy người vào xem nữa.
Cụ Diễn mất một năm trước ngày Hà-nội xâm chiếm Sài-gòn. Khi Cụ mất ngoài bạn bè thân thuộc, người ta còn thấy đầy đủ các khuôn mặt lớn trong quân đội và chính quyền. Đặc biệt là có rất nhiều văn, nghệ sĩ; như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga. Bà Nguyễn văn Thiệu cùng với bà Bùi đình Nam, thư ký riêng của bà, có đến phúng điếu và lễ trước linh cữu của Cụ.  Theo lời dặn của Cụ, mộ phần được xây cất rất sơ sài, khiêm tốn ở nghĩa trang Chùa Phước Hòa.
Trong thời gian Cụ còn sống, không ai biết Cụ đã chỉ bảo hoặc dặn dò gì Tổng Thống. Nhưng sự đối xử đặc biệt của ông bà Tổng Thống đối với Cụ, cho thấy gia đình Tổng Thống đã phải được Cụ giúp cho nhiều lắm. Cũng trong suốt thời gian này, các con, các cháu và bạn bè thân thiết của Cụ, không nghe nói ai đã được “ân huệ” gì từ Phủ Tổng Thống. Đúng là một bậc thày đáng kính.
Con Xích-Thố Trước Vườn Tao Đàn
Trước Hiệp Định Genève, Cụ Diễn có biết gia đình ông bà L.T.C. lúc đó làm Giám Đốc nhà Đoan ở Hải- Phòng. Đây là một gia đình giàu có và danh giá. Ông anh cả là L.T.T. làm Đổng Lý văn phòng cho Quốc Trưởng Bảo Đại, ông anh thứ hai, thời Tổng Thống Ngô đình Diệm,  làm Chánh Án tòa Thượng Thẩm Sài- gòn, một người em là Bác Sĩ L.T.R., người em út làm kinh doanh rất thành công. Khi vào Nam, ông L.T.C. làm Đổng Lý văn phòng Bộ Nội Vụ, công danh lên như diều. Sẵn tiền bạc, ông L.T.C. mua một biệt thự lớn, đẹp, nằm trên một thửa đất mênh mông, có rào sắt, nằm ngay trên mặt tiền đường Hồng Thập Tự, nhìn sang vườn Tao Đàn. Ai thấy biệt thự này đều phải thích.
Ăn mừng tân gia, ông bà L.T.C. mời rất nhiều đồng bào, trong đó có Cụ Diễn.  Khi khách đã về hết, chỉ còn Cụ Diễn và một vài người bạn thân, chủ nhà mời mọi người ra phòng khách uống trà, hút thuốc. Sau một vài tuần trà, ông L.T.C. hỏi Cụ Diễn căn biệt thự này có tốt không? Cách hỏi giống như chỉ để Cụ Diễn trả lời là tốt lắm, tốt lắm. Nhưng Cụ Diễn đã không trả lời, mà tiếp tục hút thêm mấy hơi xì-gà, rồi thủng thẳng đứng dậy, đi các phòng trong nhà, xuống cả bếp, rồi đi ra vườn sau quan sát, rồi ra đằng trước, từ trong nhà nhìn ra ngoài đường, rồi lại ra ngoài đường nhìn vào trong nhà. Xong xuôi, Cụ trở vào nhà,  ngồi vào chỗ cũ, uống nước, rồi lai châm thuốc hút. Mọi người cảm thấy không khí hơi nặng nề, nhưng không ai dám lên tiếng. Thủng thẳng Cụ nói: Nhà này ví như con ngựa Xích-Thố mà Tào Tháo tặng cho Quan Vân Trường. Nó kén chủ. Chủ phải là người tài, đức, liêm khiết, chính trực, tiết tháo như Quan Vân Trường thì mới ở được. Nếu ở được thì giống như ngựa Xích-Thố – ngày đi vạn dậm – công danh phát lắm. Ngược lại, thì cũng như Tào Tháo thôi! Ông L.T.C. đang ôm mộng làm Bộ Trưởng, Tổng Trưởng nên nghe thấy thế thì vỗ tay cái đét một cái rồi nói: Cám ơn Cụ, thật là may cho tôi mua được căn biệt thự này.
Tưởng cũng nên nhắc sơ qua ở đây mấy chi tiết trong bộ chuyện Tam Quốc Chí về sự tích này. Theo truyện, ngựa Xích Thố nguyên là của Lữ Bố, một người tài giỏi và đẹp trai nên đã được gọi bằng mỹ danh, “Lữ Phụng Tiên”. Là con nuôi của Đổng Trác, một địch thủ của Tào Tháo, một tay đại gian hùng. Tào Tháo đã dùng Điêu Thuyền, một giai nhân tuyệt sắc, làm mỹ nhân kế để cha con Đổng Trác tàn sát lẫn nhau. Quả vậy, Lữ Bố đã giết Đổng Trác để cướp Điêu Thuyền. Sau Lữ Bố bị Điêu Thuyền đầu độc chết. Ngựa Xích-Thố nay thuộc Tào Tháo. Tào Tháo rất thích ngựa Xích-Thố, nhưng mấy lần cưỡi thử, mấy lần bị ngựa hất xuống suýt chết. Trong lúc đó Quan Vân Trường đang là tù binh của Tào Tháo. Tào Tháo tổn bao nhiêu tâm trí để dụ Quan Vân Trường bỏ người anh kết nghĩa là Lưu Bị để về phù tá mình. Nhưng đều thất bại. Tựu kế Tào Tháo lấy cớ tặng ngựa Xích Thố cho Quan Vân Trường để dùng ngựa quật chết ông. Nhưng ngựa Xích-Thố đã không quật Quan Vân Trường, mà con thần mã lại giúp ông chạy thoát khỏi tay Tào Tháo.
Ở lứa tuổi của ông L.T.C. cũng như những người ngồi ở nhà ông lúc đó ai cũng hiểu sự tích này và đều hiểu rằng Cụ lấy tích để mà khuyên gián tiếp, khác với lúc Cụ còn trẻ, hay nói “toạc móng heo” – ai chịu được thì chịu.
Hồi đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, Đại Thế Giới của Bẩy Viễn ở Chợ-lớn vẫn còn hoạt động. Ông L.T.C. xuống Đại Thế Giới chơi bạc. Ông ta thua cả triệu bạc là thường. Càng đánh càng thua. Cuối cùng cả căn biệt thự cũng bán cho Luật Sư Lê quang Liêm.
Nhân dịp Mỹ viện trợ cho miền Nam, Bộ Nội Vụ có trách nhiệm tổ chức một cuộc đấu thầu công khai. Vụ thầu rất lớn. Ông L.T.C. sai đàn em kiếm người môi giới để bán hồ sơ. Chuyện bại lộ, ông bị bắt, đưa ra tòa, nhờ ông anh làm Chánh Án tòa Thượng Thẩm, nên chỉ bị 6 tháng tù ở khám Chí Hòa, mất chức Đổng Lý bộ Nội Vụ. Sau cùng gia đình về sống trong một căn nhà nhỏ của Sở Kiến Thiết và chết tại đó.
Ông “Ăn Mày Thượng Cấp”
Cụ Diễn có quen với một nhà báo tên Hoàng Ly – người mang hai giòng máu Việt Pháp. Ông thân sinh ra Hoàng Ly làm gác-dan Nhà Hát Thành Phố, nên được ở dưới hầm của nhà hát. Hoàng Ly ở với bố. Cụ Diễn thường đến đây chơi với Hoàng Ly. Hai người rất thân với nhau. Hoàng Ly mỗi lần gặp Cụ Diễn đều năn nỉ xin Cụ xem cho sao mà cứ nghèo khổ mãi, lúc nào cũng không có tiền để nuôi một đàn con. Cụ Diễn cứ hẹn quanh, năm này qua năm khác. Hoàng Ly vào Nam năm 1955. Hoàng Ly viết cho tờ Dân Chúng, rồi sau đó viết cho tờ Sống của Chu Tử, giữ mục “Mách Nước” rồi “Thánh Sống” ký tên Hoàng Ly. Nghèo vẫn nghèo lại thêm cái bệnh hút sách nên càng nghèo kiết xác. Một hôm Cụ Diễn đến thăm Hoàng Ly đau. Cụ cho Hoàng Ly một cân cam và một ít tiền để tiêu vặt. Hoàng Ly cảm động lắm, nhân đó nắm chặt tay Cụ xin Cụ chỉ dạy cho vài điều về số mệnh của mình. Năm nay đã ngoài 40 tuổi rồi mà vẫn nghèo túng quá. Đã khất quanh nhiều năm, hôm nay thấy Hoàng Ly khẩn khoản quá, Cụ thấy không nỡ từ chối, nên Cụ nói: Anh muốn tôi xem cho anh, vậy anh muốn tôi nói thật hay nói dối. Nếu có gì anh không vừa ý anh có giận, có trách tôi không? Hoàng Ly nghe vậy thì mừng lắm, ngồi bật dậy, nói luôn một hơi: Xin đại ca cứ nói thật, đệ xin lắng tai nghe, không bao giờ dám buồn, dám giận. Mỗi người có số mạng riêng. Giàu sang, phú quí thì hưởng. Nghèo, hèn thì gắng mà chịu. Tất cả do nghiệp của mình. Đệ phụ trách mục Thánh Sống mách nước cho người, làm Thày Đời, đệ phải hiểu chứ. Nghe Hoàng Ly nói vậy Cụ Diễn tiếp: Thế thì tốt. Xin nghe đây. Số anh có thể tóm tắt vào mấy chữ này, “tướng ăn mày thượng cấp”. Nên hiểu như thế này nhé: Ăn mày là ăn mày. Nghèo kiết xác. Kiếm ăn từng ngày. Không bao giờ có tiền ăn, tiền để. Không bao giờ có nhà, có cửa, đi ở thuê suốt đời ở trong ngõ hẻm. Không đất, không đai. Nhưng vì là ăn mày thượng cấp nên cả đời gặp quí nhân, được đối xử như thượng khách, được mời tiệc tùng liên miên, áo quần, giầy dép được bạn bè cho, toàn thứ tốt. Đi ra ngoài, ăn diện vào, ai thấy cũng cũng tưởng là phong lưu, sung sướng lắm . . . có biết đâu là khi anh về nhà thì ăn cơm nguội, than thở về sự nghèo khó của gia đình. Cụ chấm dứt bằng câu: “Âu cũng là chuyện thân nghiệp cả.”
Ngẫm nghĩ chuyện thân nghiệp thì có lẽ vì phụ trách mục Thánh Sống, nên làm mọi người tưởng Hoàng Ly là người không thèm công danh, khinh tiền bạc, thích sống cuộc đời tự do, ngao du sơn thủy. Bạn bè cũng có người làm lớn, mến tài viết lách của Hoàng Ly, nhưng không dám mở miệng mời Hoàng Ly làm cho mình. Thỉnh thoảng bạn bè chỉ cho Hoàng Ly tiền hoặc quà cáp đắt giá hoặc rủ anh đi ăn, đi chơi những chỗ sang trọng. Nghèo túng vẫn nghèo túng, không ai biết cho. Thật đúng là “ăn mày thượng cấp”.
Hoàng Ly cho đến lúc chết vẫn nghèo. Không một xu dính túi. Lúc gần chết, Hoàng Ly khen: Cụ Diễn chỉ phê một câu mà nói đúng số mạng, cuộc đời của tôi. Cụ Diễn mới chính là “Thánh Sống”, còn tôi chỉ đáng là “Thánh Chết”.
Triệu Phú ALPHA Kim Thịnh
Trước năm 1975, ai ai ở Sài-gòn cũng phải biết nhà triệu phú bán vàng ALPHA KIM THỊNH nằm trên đường Tự Do, một con đường sang trọng nhất Sài-gòn. Người biết chuyện kể rằng bà Kim Thịnh là người miền Bắc. Lúc nhỏ nghèo khổ. Hai ba đời chồng mà vẫn không yên. Vào Nam một thời gian, làm ăn không khá nên bỏ sang Lào. Khoảng 30 tuổi thì hai ông bà gặp nhau. Ông cũng là người miền Bắc, sang Lào mở một tiệm thuốc phiện. Hai ông bà làm ăn vất vả mà vẫn nghèo, nên kéo nhau về Sài-gòn. Ông bà buôn bán hàng giữa Sài-gòn và mấy tỉnh bên Lào. Hàng hóa được chở bởi hãng xe đò MALPUECH của một người Pháp cũng có tên là Malpuech. Làm ăn lâu với nhau, ông bà được Malpuech giúp đỡ và công việc làm ăn phát triển tốt đẹp.
Nghe nói ông bà Kim Thịnh đã gặp Cụ Diễn tại một tiệm thuốc phiện tên NHÀN LẠC CƯ ở Đa-Kao Sài-gòn. Thời Tây, hút thuốc phiện được tự do. Phần lớn các tiệm thuốc phiện do người Tầu đấu thầu được và làm chủ. Ai hút thuốc thì mua thuốc rồi bồi nó tiêm cho mà hút. Ai không hút thuốc thì mua một “ngao” – đơn vị nhỏ nhất – cho bồi nó hút còn mình nằm nghe chuyện Đông Tây, chuyện tào lao, hoặc muốn tìm chỗ ngủ tạm qua đêm khỏi tốn tiền phòng.
Ông bà Kim Thịnh đã nhờ Cụ Diễn xem tướng cho. Người ta thuật lại lời Cụ xem như sau: Tướng bà là tướng triệu phú, tỷ phú, . . . , một tay bà dựng nên cơ nghiệp. Bà sẽ ở và làm ăn trong căn nhà lầu bốn năm từng tại con đường sang trọng nhất nước, thí dụ như đường Catina, sau này gọi là Tự Do (Sài-gòn). Bà sẽ không cần làm nghề mở tiệm hút á-phiện nữa mà sẽ quay ra buôn vàng. Ông bà giàu có, cả nước biết tên, biết tuổi. Con cái ông bà đều thành tài. Khi đó thì ông bà bắt đầu thay đổi. Bà thì chỉ nghĩ tới chùa chiền. Bà sẽ xây một ngôi chùa rất lớn, rồi về già thì tu tại đây và chết tại đây. Ông thì sẽ mê say một đứa cháu gái, rồi lấy làm vợ và có ba bốn đứa con nữa. Bà sẽ chết trước ông. Khi bà chết đi thì của cải trong nhà cũng sẽ đội nón ra đi theo bà. Ông và người vợ bé sau này sẽ sống rất cơ cực, nghèo túng, rồi chết trong âm thầm, lặng lẽ, không ai còn nhớ ông đã từng một thời là triệu phú, chủ nhân một tiệm vàng nổi tiếng tại một con đường nổi tiếng. Ông bà Kim Thịnh, nghe nhưng không tin lắm vì nghĩ trong đời họ, quá nửa đời đã qua, nay cũng chỉ là dư dả đôi chút, lấy đâu ra mà giàu có ai cũng biết tên.
Cụ Diễn quả thật là thần tướng. Ông bà sau này nhờ thành công trong việc buôn bán đường Lào, mua một căn phố ở đường Catina, xây lên 5 tầng lầu để mở tiệm tên ALPHA KIM THỊNH để bán vàng và các loại đồng hồ nổi tiếng của Pháp và Thụy Sĩ. Ông bà trở nên triệu, triệu phú. Trong nhà có nuôi một đứa cháu của bà để trông nom việc nhà. Khi bà Kim Thịnh dành nhiều thì giờ cho việc đi chùa thì cũng là lúc cô cháu gái tới thời trổ mã và ông chú dượng bắt đầu để ý. Bà Kim Thịnh biết, cố ngăn cản, nhưng ông Kim Thịnh tỏ ra không còn nể nang bà nữa, còn cô cháu gái cũng bất chấp lời khuyên răn của bà và ngang nhiên đi lại với ông dượng. Bà Kim Thịnh không làm lớn chuyện, bà bỏ rất nhiều tiền của ra xây dựng một ngôi chùa rất lớn và đẹp tại Gia Định. Khi cô cháu có con với ông Kim Thịnh, thì bà lẳng lặng dọn hết đồ đạc vào chùa. Bà thực sự đi tu. Sau tháng Tư năm 1975, số phận tiệm vàng ALPHA KIM THỊNH cũng giống như bao nhiêu những cơ sở kinh doanh khác ở miền Nam đã bị nhà cầm quyền tịch thâu theo lệnh “Cải Tạo Công Thương”. Ông Kim Thịnh và cô vợ trẻ phải dọn ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, về sống ở một căn nhà thuê nhỏ ở trong ngõ Trương minh Giảng, Phú Nhuận, thuộc tỉnh Gia Định. Bà Kim Thịnh chết được ít lâu thì ông Kim Thịnh cũng chết. Con cái thì bị chính quyền mới bắt đi “cải tạo”, người sống, người chết không biết ai còn, ai mất. Hai ông bà được chôn gần nhau tại nghĩa trang chùa Giác Hải, Gò Vấp, Gia Định. Hai ngôi mộ đắp sơ sài như trăm ngàn ngôi mộ của những người nghèo khổ khác. Không ai biết đây là mộ của chủ tiệm vàng và đồng hồ ALPHA KIM THỊNH, giàu có mà hầu hết mọi người đều nghe tên, biết tiếng.
Vua Kẽm Gai
Trước 1975, tại Hà-nội có ông Hoàng kim Quy là một đại doanh thương, có tầm vóc quốc tế, có thể cạnh tranh với người ngoại quốc. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại của Pháp, một đại học danh tiếng vào bậc nhất chuyên đào tạo những người chỉ huy cho các lãnh vực kinh tế, tài chánh và thương mại. Ông Hoàng kim Qui về nước không đi làm công cho các công ty của người Pháp, cũng không làm công chức cho chính quyền bảo hộ, ông đứng ra tự kinh doanh.
Năm 1952, tình hình chiến trường đã bất lợi cho quân đội Pháp. Nhiều người đã bán nhà cửa để dọn vào trong Nam. Công ty Descours et Cabaud là một công ty rất lớn chuyên bán dụng cụ nông nghiệp, xây cất, làm đường xá, . . . , cũng đem ra bán để dọn về Pháp. Không mấy ai đủ tài chánh để mua hãng này. Người đủ tài chánh thì không mua vì tình hình chính trị, quân sự bất lợi về phía người Pháp. Ông Hoàng kim Quy đã quyết định mua và đổi tên là Công Ty Hoàng Kim Quy. Sau Hiệp Định Genève 1954, Pháp rút khỏi Bắc Kỳ. Ông Hoàng kim Quy mất hết. Vào trong Nam, ông Hoàng kim Quy mở văn phòng tại đường Hàm Nghi nuôi mộng làm giàu trở lại. Suốt thời gian từ 1954-1963 ông chỉ làm ăn cầm cự qua ngày. Gặp ông thời đó trông ông già đi rất nhiều.
Ông Hoàng kim Quy nhờ ông Đỗ quang Giai, nguyên là Thị Trưởng Hà-nội, mời hộ Cụ Diễn để nhờ Cụ chỉ dạy cho dăm ba điều để may ra gây dựng lại sự nghiệp đã mất ở Hà-nội.
Ông Đỗ quang Giai và Cụ Diễn là chỗ thân tình, nên Cụ Diễn nhận lời đến ăn cơm trưa ở nhà ông Hoàng kim Quy. Sau khi ăn trưa xong, mọi người ra uống nước và ông Hoàng kim Quy xin Cụ Diễn chỉ bảo cho vài ba điều. Cụ Diễn nói ngay: Tướng ông thì lộ ra rất rõ nên xem cũng không khó, nhưng tôi thưa trước là tôi thấy sao nói vậy, nếu sai đừng trách tôi nhé. Tiếp theo Cụ nói: Tướng ông có số học hành đỗ đạt cao. Nếu ông chịu đi làm thì công danh cũng khá, nhưng không giàu có bằng kinh doanh, buôn bán. Nếu ông kinh doanh về ngành sắt, thép thì giàu lắm, nổi tiếng khắp nước và được gọi là “Vua Trong Ngành” – nghĩa là trong ngành sắt, thép thì ông làm vua. Nếu ông buôn vải vóc, ngũ cốc, lúa gạo thì sẽ cháy túi. Nếu ông mở khách sạn, tiệm ăn thì cũng phá sản. Tôi nói với ông vài điều, ông tin hay không tin thì tùy ý. Ông Hoàng kim Quy vội năn nỉ xin Cụ nói tiếp. Cụ bảo: Lúc thời trung niên, nếu ông có giàu tới trăm triệu, cũng không được gọi là có “vận hên”, đó chỉ mới là chớm nở mà thôi. Càng về già ông càng giàu có gấp bội. Không phải là triệu phú mà là tỷ phú. Tiền bạc đã nhiều, công danh lại đến như diều gặp gió. Ông sẽ cận kề nguyên thủ quốc gia. Trong nước biết mặt, ngoài nước biết tên. Đi đâu cũng có kẻ đưa, người đón. Giàu có, thế lực ông đều có hết. Chỉ hiềm ông có cậu con trai thuộc loại “phá gia chi tử”. Nhân vô thập toàn, có cái này thì mất cái kia.
Đời ông ví như cây hồng trổ bông, rực rỡ vô cùng. Đến khi được gần 70 tuổi, thì bỗng nhiên như có cơn cuồng phong thổi tới, quét sạch hết, cả hoa lẫn lá. Ông không còn gì nữa. Ông sẽ như cá nằm trên thớt, như chim sa bẫy. Tù tội, đau ốm rồi chết, không vợ, không con, không cháu, không bà con thân thích, không bạn bè. Sống thì làm “Ông Vua Một Cõi”, khi chết thì làm “Ông Vua Hiu Quạnh”, không kèn, không trống, không ai khóc thương.  Cụ Diễn nói một hơi, rồi ngừng lại, chép miệng, rồi nói: Chuyện tôi nói còn lâu mới đến. Tâm sinh tướng, ông ăn ở hiền lành, giúp đỡ cho người nghèo khó, . . . , thì dữ hóa lành. Mọi sự có vẻ tùy nơi ông cả.
Ông Hoàng kim Quy sau làm Thượng Nghị Sĩ, rất thân cận với Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Ông là người được độc quyền cung cấp giây kẽm gai cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh. Ông được mọi người gọi là “Vua Kẽm Gai”. Tiền rừng, bạc biển.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông Hoàng kim Quy cũng như các nhà kinh doanh lớn khác bị kẹt lại ở trong nước tài sản đều tịch thu, người thì bị tù đầy, đi cải tạo lao động theo chính sách “Cải Tạo Công Thương” của chính quyền mới. Con trai của ông là Hoàng kim Lân nhanh chân chạy ra nước ngoài để mặc cha ở lại và bị giam ở trại Phan đăng Lưu. Trong tù ông bị rất nhiều đắng cay. Rồi một buổi sáng, mọi người dậy đi lao động, không thấy ông dậy, xem ra thì ông đã chết từ bao giờ rồi.
Ông Hoàng Thụy Năm
Ông Hoàng Thụy Năm làm Tỉnh Trưởng Vĩnh Ninh thời kỳ ông Nguyễn Văn Tâm, con hùm xám Cai Lậy (Mỹ Tho), làm Thủ Hiến Bắc Kỳ. Ông xuất thân quan lại, nhưng là người rất tiến bộ, cởi mở, trong sạch, . . . Ông có người em là Bác Sĩ Hoàng Thụy Ba, theo Cộng Sản. Sau Hiệp Định Genève, ông Hoàng Thụy Năm di cư vào Nam và được Tổng Thống Ngô Đình Diệm phong hàm Đại Tá và là đại diện cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (UHQTKSĐC). Còn em trai ông, Bác Sĩ Hoàng Thụy Ba, và bà mẹ thì ở lại Hà-nội. Khi bà cụ mất thì ông Năm được sự giúp đỡ của UHQTKSĐC can thiệp nên được phép về Hà-nội chịu tang mẹ. Khi trở lại Sài-gòn ông vẫn được làm Đại Tá bên cạnh UHQTKSĐC. Tuy nhiên trong Dinh Độc Lập đã có dư luận cho là ông Năm đã tiết lộ bí mật quốc gia cho người em trai là Bác Sĩ Hoàng Thụy Ba. Như thường lệ, một buổi chiều cuối tuần tài xế đưa ông về căn nhà ông xây trong một vườn cây ăn trái, um tùm ở Dĩ An, Biên Hòa cho người vợ nhỏ ở. Gần tới nhà thì xe bị chặn lại. Ông bị bắt đi. Hai hôm sau thì xác ông nổi lên tại Nhà Bè, bị bắn vào mặt. Nhà cầm quyền miền Nam thời đó đổ cho Việt Cộng đã sát hại ông. Tuy nhiên đa số tin rằng chính ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, em ruột Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh thủ tiêu ông Năm.
Ngay từ khi Cụ Diễn còn ở Hà-nội, ông Hoàng Thụy Năm và Cụ Diễn đã quen biết rất thân thiết với nhau. Ông Hoàng Thụy Năm khi đó khoảng 50 tuổi, nhưng khi đi hát ả-đào vẫn còn hào hoa phong nhã lắm. Ông Năm có cô “bồ nhí” mới độ ngoài hai mươi tuổi. Đi chơi đâu ông cũng mang cô đi và nửa đùa, nửa thật nói cô này là bồ của Cụ Diễn. Biết như vậy, nhưng Cụ Diễn cũng không cải chính vì nghĩ rằng bạn mình sợ mang tiếng mà làm vậy. Có biết đâu vì chuyện này mà suýt nữa cụ Diễn bà bị kiện vì đã đánh ghen nhầm. Đây cũng nói lên cái tính thương bạn của Cụ.
Hồi còn ở Hà-nội, có lần ông Hoàng Thụy Năm nhờ Cụ Diễn xem tướng cho. Cụ nói: Lúc này đang ở vận tốt, chẳng có gì đáng nói. Có chăng là độ hai năm nữa. Phải giữ mồm,  giữ miệng. Không bao giờ đi về nơi cây cối um tùm, có rừng, có núi. Tai nạn xẩy ra ở chỗ đó đấy. Ông Năm năn nỉ xin Cụ nói thêm thì Cụ nói:
Hai năm nữa vận xấu sẽ đến, phải TU, phải làm phước, cầu nguyện mới hy vọng tránh được tai họa lớn lao. Nhưng, nếu không có can đảm từ bỏ công danh, rút lui sống một cuộc sống an phận thủ thường thì e tránh không được nghiệp quả.
Ông Hoàng Thụy Năm đã quên lời dặn của Cụ Diễn khi làm Đại Tá bên cạnh UHQTKSĐC. Ông cho xây nhà ở Dĩ An, Biên Hòa, cho vợ bé ở và cuối tuần ông về đây ở. Đây là nơi cây cối um tùm và là nơi mà Cộng Sản hoạt động khá mạnh, ít ai dám ở, dám lui tới ban đêm. Ông Năm đã chết như Cụ Diễn đã nói, chỉ không biết ai đã giết ông.
NHẬT BÁO LỬA SỐNG NGÀY 07-11-1955
MỘT GIANG HỒ THUẬT SĨ ĐÃ NÓI GÌ VỀ TAY TRÙM BÌNH XUYÊN?
Lê văn Viễn: Lạc thảo lập nghiệp! Anh đã làm nhiều việc thất đứ
1.   Mở Bình Khang: Đại thất đức
2.   Buôn thuốc phiện: Đại thất đức
3.   Mở sòng Kim Chung: Đại thất đức
4.   Nhiều điều thất đức lặt vặt nữa
Ngày sau anh sẽ mất hết sự nghiệp, các tay chân sẽ bỏ anh khi anh lâm nạn. Lúc chết sẽ không gặp mặt vợ con, mặt gục xuống đất ở một miền xa, một viên đạn bắn sau gáy.
Hồi đó khoảng chừng hội nghị Giơ-neo (Genève) có một nhà tướng số ở Hà-nội vào chơi với bạn bè trong Sài-gòn. Người đó đã nổi tiếng từ lâu ở ngoài đất Bắc vì có dị tài như “ma xó” về dĩ vãng, hiện tại, vị lai của những người mà ông ta cao hứng xem dùm. Rất nghèo nàn, nhưng ông ta không bao giờ xem tướng lấy tiền của ai. Ông thày tướng đó sống khá . . . dở hơi. Đầu tóc xõa che cả mắt, quần áo lại lôi thôi, lốc thốc, đi giầy không tất. Trông ông ta có vẻ là một nghệ sĩ (!) hơn là một thày tướng. Đã không nói, dù tiếp đãi trọng vọng đến thế nào ông ta cũng không hé răng. Đã nói, tự nhiên cao hứng nói luôn không cần người ta nhờ cậy xem giúp gì cả. Nhưng lúc ông “thày tướng nghệ sĩ” đó nói thì người nghe phát rùng mình vì sự quyết đoán rất đáng sợ, chắc nịch, sỗ sàng bất chấp cả xã giao.
Hồi tản cư, ông ta hay về Hưng Yên, một buổi đi chơi với mấy công chức đến một trạm gác, du kích mời vào hỏi giấy tờ. Trong lúc bị xét hỏi giấy tờ, ông “thày tướng tài tử” đó chăm chú nhìn từng anh du kích một. Khi rời điếm gác, ông ta quay bảo mấy người đồng hành rằng: “Tất cả bọn du kích vừa rồi sắp đến ngày tận số hết, không cách nào thoát được”.
Điếm gác đó cách xa mặt trận hàng 15 cây số. Chỉ cách hôm đó mấy chục tiếng tiếng đồng hồ, một sớm, lúc cả bọn đang nằm ngủ thì quân ngoại nhân đột kích từ tỉnh về, vớ được, bắn chết tất cả!
Một bà Tuần mệnh phụ, một hôm ngồi cùng người quen, trong đó có cả ông thày tướng kia. Bà quan góa chồng, xưa nay vẫn “đường đường mệnh phụ phu nhân” khiến ai cũng phải phục. Bà quan nhờ ông ta coi giúp. Ông ta từ chối, sau bị ép quá, ông ta thản nhiên bảo; “Trong đời bà, bà đã có một lần “đi lại” với một người đàn ông không phải là chồng ở dưới nước!”. Mọi người giật mình vì câu nói sỗ sàng, bà mệnh phụ phu nhân đỏ tím mặt, chối bai bải, nhưng sau khi tan họp, bà mới mời ông thày tướng ở lại và thú nhận rằng: Lúc chưa lấy quan Tuần, có một buổi đi tắm bể cùng người yêu, rồi yêu nhau đúng như lời thày nói.
Hồi Hoàng trọng Phu đang quyền cao chức trọng, nghe danh ông ta, mời đến nhà, tiếp đãi nồng hậu, cung kính đến cả tháng trời, có ý nhờ ông ta coi giúp. Nhưng sau mấy chục hôm làm thượng khách nhà “cụ Thiếu Hà Đông”, một buổi sớm, thày tướng chào . . . ra về. “Cụ Thiếu” nể quá không dám ngỏ lời, bèn tiễn ra cổng, đoạn quay vaò Một người nhà “cụ Thiếu” bèn tiễn thêm mấy bước, đoạn lễ phép: “Thưa ngài, cụ Thiếu nhà tôi có lòng yêu mến ngài, mời ngài đến chơi, có ý nhờ ngài nói cho vài câu, nhưng nể quá không dám ngỏ ý!” Thày tướng bèn thản nhiên: “Còn nói gì nữa. Hết rồi còn gì!” Dứt lời, thày rũ áo đi thẳng. Chỉ ít hôm sau, Nhật đảo chính và từ đó nha “cụ Thiếu” xuống dốc rất nhanh, không ai tưởng tượng đươ
Đại khái một vài “giai thoại khoa học huyền bí” như thế và còn nhiều chuyện “nói như ma” của ông thày tướng tài tử ấy được chuyền hết các giới, nên khi ông ta vào Sài-gòn có nhiều người “tai to mặt lớn” cầu cạnh mời xem cho kỳ được. Trong số những người mời ông ta có cụ Nguyễn phan Long và Lê văn Viễn.
Được biết tiếng thày tướng “ma xó” Ngô hùng Diễn, Bẩy Viễn nhờ Lê văn Ngọ và hai tay đàn em bự đến mời ông ta. Vì bị mời quá ư khẩn khoản, ông Ngô hùng Diễn bất đắc dĩ phải nhận lời.
Hồi đó Bẩy Viễn đang hét ra lửa, ai đến cũng tỏ ra cung kính rất mực. Tối đó trong bữa tiệc có hầu hết các tay chân của Bẩy Viễn, nhưng vắng Lai hữu Tài và Lai hữu Sang – Sang đang làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An.
Tiệc tan, Bẩy Viễn nhờ Ngọ mời thày tướng vào mật thất uống “mác-ten sô-đa” nói chuyện thân mật. Quanh bàn rượu có mười tay Bình Xuyên cỡ lớn, những tay có thể nuốt tươi những kẻ nào . . . làm mếch lòng họ.
Cạn ly “mác-ten” thứ nhất, “thày tướng nghệ sĩ” còn “thưa thưa, gửi gửi, . . . .thiếu tướng, thiếu tiếc . . . ‘. Cạn ly thứ hai, “thày” hạ xuống “ông ông ông Bẩy”. Cạn ly thứ ba, “thày” gọi phăng trùm Bình Xuyên là “anh” mà rằng: “Tướng anh là tướng lạc thảo, ăn cướp gặp may nên nghiệp lớn! Trong việc dựng nghiệp, anh đã làm nhiều việc thất đức! Mở Bình Khang là một điều đại thất đức. Buôn bán thuốc phiện là hai điều đại thất đức. Mở sòng bài Đại Thế Giới Kim Chung là ba điều đại thất đức. Còn nhiều điều thất đức lặt vặt nữa. “Ăn xổi, tất ở thì nếu không co đức, không ở được địa vị này bền đâu!”
Bẩy Viễn bảo: “Nhưng hàng vạn quân phải nuôi, nếu không có các thứ thuế đó, tôi cũng phải cho chúng đi ăn cướp mất. Lê văn Ngọ sợ hãi, làm hiệu cho thày tướng. Nhưng rượu nóng mặt, thày tướng không cần giữ ý chi nữa, thấy sao nói vậy, cứ “toạc móng heo” ra: “Chung quanh anh toàn những kẻ gian xảo, quỷ quyệt, lúc phú quí họ bám chặt lấy anh, nhưng lâm nạn họ bỏ anh ngay. Anh sắp nguy đến nơi rồi.”
Bẩy Viễn nói: “Có cách nào cứu được không?” Thày ngẫm nghĩ một lát, đoạn lại thản nhiên đọc từng nét tướng trên mặt “trùm Bình Xuyên” và kết luận: “Phải thi đức ngay tự phút này! Phải thay hết những tay chân trọng yếu đi mới được! Những kẻ hiện nay sẽ là những kẻ hại anh đến nơi đó!
Bẩy Viễn lại hỏi: “Vậy phải làm thế nào?
Thày lắc đầu: “Tôi không biết gì chính trị, quân sự, nhưng chỉ biết là muốn giữ vững được thế này, anh phải có quân sư chân tài, chân đức mới được!” Bẩy Viễn đăm đăm nhìn thày tướng: “Ông bảo trong thiên hạ, hiện ai có thể như ông nói?”
Ông thày tướng kể đến một người (chúng tôi không tiện nói tên). Nghe xong Bẩy Viễn lẳng lặng.
Viễn có dáng hoài nghi, vì lúc đó, nhìn gần thì thế của Bẩy Viễn đang vững như bàn thạch, tiền bạc rất nhiều, tay chân cũng lắm, vận đang lên như diều.
Chừng biết được ý Bẩy, thày tướng có vẻ thương hại, cái thương của kẻ thấu được đạo trời lồng lộng, trước kẻ u mê: “Tướng anh lạ lắm. Nếu biết ra, được quân sư tốt, anh có thể trở thành anh hùng cứu quốc, để tiếng muôn đời, còn nếu cứ thế này, anh sẽ thành . . . lưu xú vạn niên! Sắp đến nơi rồi!”
Bẩy Viễn lẳng lặng, vẫn có dáng khó tin. Mọi người lại dâng cốc. Muốn phá bầu không khí nặng nề, một tay đàn em hạng nhất của Bẩy Viễn nhờ ông ta xem.
Ông ta cười: “Anh trong đời phải chịu 7 án tử tội. Từ trước đến nay, anh đã bị 6 lần rồi, còn một lần nữa cũng sắp đến rồi.”
Gã đó sợ hãi thú nhận đã bị đúng 6 lần rồi và xin ông thày thêm mấy lời. Nhưng thày tướng nhất định không nói thêm nửa lời.
Tiệc “mác-ten” tan, thày tướng cáo từ ra về. Bẩy Viễn tiễn ra cửa, có cả Lê văn Ngọ đi cạnh. Thày tướng nhìn Bẩy Viễn một khắc, đoạn cúi đầu đi thẳng khi Viễn, Ngọ gặng hỏi thêm. Biết “tay trùm lạc thảo” không tin, “thày” ta còn điều tối quan trọng chưa muốn nói nốt. Nhưng tuy có vẻ bán tin, bán nghi, Bẩy Viễn vẫn cố gặng hỏi (theo thói quen tò mò của người đời): Thày tướng bảo: Sắp có đại sự quan hệ mật thiết đến Bình Xuyên.
Nếu anh biết hy sinh thân thế, sẽ thành anh hùng cứu quốc, giúp được dân chúng rất nhiều, nhưng nếu không hy sinh, anh sẽ cũng mất nghiệp và lại lưu xú về sau, bia miệng thế gian đó.
Ngừng lại một khắc như để hồn chìm vào bức màn thiên cơ huyền bí, thày tướng nói như đinh đóng cột: Anh sẽ mất hết sự nghiệp, tiếng tăm. Các tay chân sẽ bỏ anh khi lâm nạn. Khi anh chết không trông thấy vợ, con, mặt anh sẽ gục xuống đất ở một miền xa, một viên đạn bắn sau gáy!
Dứt lời thày tướng bước đi ngay.
Lần Bẩy Viễn nhờ thuật sĩ coi tướng, nhiều người được biết.
Những lời thày tướng đó nói với Bẩy Viễn vẫn còn vang trong đầu những người quanh tiệc “mác-ten” tại nhà Bẩy Viễn. Nhưng sau hôm đó, trong nội bộ Bình Xuyên vẫn không có sự thay đổi, Mọi điều vẫn như cũ. Và ngày nay, lời ông “thày tướng ma xó” kia đã lần lần thành sự thực. Bạn đọc hẳn đã rõ. Bất tất chúng ta phải kể lại.
Đạo trời lồng lộng, chúng ta hãy chờ xem đoạn kết cuộc đời Lê văn Viễn trong bước đường đào tẩu. Rất có thể, một ngày nào đó, Tài, Sang sẽ thấy Viễn là một . . . sự phiền phức, cần thanh toán vì bọn họ có thể oán lẫn nhau trong lúc thất thế, mất hết cơ nghiệp trong chốc lát. Nhất là Viễn sẽ có thể mất trí vì tiếc của, có thể phát khùng với hai anh em quỷ quyệt Tài, Sang. Và có thể trong một buổi nào đó, ở một nơi vắng vẻ, khi Bẩy Viễn đang ôm đầu nghĩ ngợi gì đó thì họng súng của Tài hay Sang sẽ nhằm gáy “trùm Bình Xuyên thất thế” khạc ra một viên đạn kết liễu đời “anh Bẩy” cho rảnh chuyện.


No comments:

Post a Comment