Monday, August 20, 2012

ĐẠI SỨ DAVID SHEAR VIẾNG THĂM ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ VÀ BÁC SỸ NGUYỄN ĐAN QUẾ




Tải xuống âm thanh

Vần đề nhân quyền
Hôm 17/8 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear đến thăm BS Nguyễn Đan Quế, Chủ tịch cao trào nhân bản và là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại VN.

Chân Như phỏng vấn BS Nguyễn Đan Quế về cuộc viếng thăm này. Trước hết, BS Quế cho biết: BS Nguyễn Đan Quế: Ông Đại Sứ có thông báo cho tôi biết những gì ông và Tòa Đại Sứ đã làm để cải tiến tình trạng nhân quyền – dân chủ tại Việt Nam trong vòng một năm qua kể từ khi ông sang nhậm chức và có gặp nhiều khó khăn.

Ông nhấn mạnh chính sách của Mỹ là nhất quán : hợp tác kinh tế - quân sự phải đi kèm với cải cách về nhân quyền và dân chủ.

Ông cho biết rằng ông và các cộng sự viên của ông ở Tòa Đại Sứ tại Hà Nội và Tổng Lãnh Sự ở Sài Gòn, ngay từ khi ông mới sang, thì đã nhiều lần mỗi khi mà ông gặp những nhà chức trách cao cấp của phía Việt Nam, kể cả Thủ Tướng và Chủ Tịch, thì đều nêu lên đòi hỏi phía Việt Nam phải có cải thiện tình trạng nhân quyền. Ông nhắc nhiều nhất đến tự do thông tin, tự do phát biểu ý kiến, minh bạch về vấn đề đất đai, rồi phải cải thiện những thủ tục xét xử ở tòa án, truy tố ra tòa án, phải hợp với những tiêu chuẩn của quốc tế.

Chân Như : Dạ vâng. Thưa Bác Sĩ, chắc chắn là vấn đề tự do - dân chủ là đề tài chính trong cuộc gặp gỡ thì ngoài Bác Sĩ ra cũng còn rất là nhiều những nhà trí thức trẻ, những nhà hoạt động dân chủ mà ít được biết tới đang bị chính phủ Việt Nam đàn áp thẳng tay, tù đày, thì bác sĩ đã đề nghị những gì với ông Đại Sứ về vấn đề này ạ ?

BS Nguyễn Đan Quế : Sau những lời hỏi thăm ngoại giao thì tôi nói ngay rằng là tôi rất cảm ơn ông Đại Sứ đã đến thăm cá nhân tôi, nhưng mà tôi xin nhấn mạnh chuyến viếng thăm này không phải chỉ là niềm vinh dự riêng cho tôi mà là còn gây hứng khởi rất nhiều cho các nhà hoạt động khác, và là một thúc đẩy rất có ý nghĩa đối với toàn thể phong trào tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Tôi có đề nghị với ông Đại Sứ và các cộng sự viên của ông là cố gắng viếng thăm càng nhiều càng tốt những nhà tranh đấu.

Tôi cũng bày tỏ mối quan tâm và lo âu rất sâu sắc đến tù nhân lương tâm hiện còn đang trong vòng lao tù cộng sản. Điều kiện sống của họ thật là cực khổ, bị chính quyền lạm dụng bắt lao động quá sức, khổ sai quá sức, ăn uống thiếu thốn, không đủ no, không được chăm sóc y tế.

Tôi có nêu lên những trường hợp tiêu biểu như là Linh mục Nguyễn Văn Lý sức khỏe rất yếu kém, nhạc sĩ yêu nước Việt Khang, các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn.

Tôi có gửi ông Đại Sứ danh sách cập nhật tù nhân chính trị tại Việt Nam. Tôi nói rõ đây là những người ít biết được quốc tế biết đến mà hiện bây giờ đang rất là đau khổ mà tinh thần của họ phải hết sức kiên cường mới có thể chống lại được cái ách áp bức trong nhà tù của chế độ cộng sản.

Và chúng tôi cũng có nêu lên trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng đã được trả tự do là nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Tòa Đại Sứ Mỹ.

Tôi cũng lưu ý ông Đại Sứ và tôi hy vọng trong tương lai ông Đại Sứ sẽ mang lại được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong việc yêu cầu nhà cầm quyền thả hết ngay và vô điều kiện những tù nhân lương tâm vì đây là những người yêu nước.

Tôi cũng yêu cầu ông Đại Sứ lưu ý nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của người dân. Khi tôi trình bày những điều như thế, ông Đại Sứ rất là chia sẻ và ông biết rất rõ những trường hợp này vì Tòa Đại Sứ đã có lên tiếng. Thí dụ như gần đây nhất là vụ bà Đặng Thị Kim Liêng.
Lãnh vực chính trị


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear phát biểu tại lễ khởi công Dự án tẩy độc Dioxin sân bay Đà Nẵng hôm 09/8/2012. AFP photoChân Như: Dạ vâng. Thưa Bác Sĩ, sau vấn đề về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam thì Bác Sĩ và ông Đại Sứ còn chia sẻ về những lãnh vực nào khác ạ? Và theo Bác Sĩ thì những chia sẻ của Bác Sĩ có được ông Đại Sứ đồng tình hay không ?

BS Nguyễn Đan Quế: Chúng tôi có trao đổi nhiều về lãnh vực chính trị. Đây có lẽ là những điều mà ông Đại Sứ muốn chia sẻ với tôi, và cũng có nhiều điều mà hai bên đồng ý.

Thứ nhất, hiện giờ Mỹ đang tái xếp đặt chiến lược ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đây là sự thay đổi lớn lao ở thế kỷ 21 ở một vùng quan yếu nhất trên thế giới. Và tôi cũng nói với ông Đại Sứ là nhiệm vụ của ông ở thời điểm này tại Việt Nam có thể nói là một trong những nhiệm vụ khó khăn, tế nhị và quan yếu nhất trong hàng các đại sứ trên thế giới. Tôi có nhấn mạnh là Mỹ chỉ có thể chấp nhận một đối tác chiến lược như Việt Nam nếu Việt Nam phải là một nước tự do và dân chủ, chứ không thể đối tác với một thể chế độc tài như hiện nay. Trên điểm này thì tôi thấy thái độ của ông Đại Sứ là chia sẻ.

Điểm thứ hai tôi xin nhấn mạnh sự dân chủ hóa là tối quan yếu trong chuyện tái quân bình chiến lược tại Châu Á-Thái Bình Dương, vì dân chủ hóa đáp ứng khát vọng từ lâu rồi của dân tộc Việt Nam. Rồi tôi cũng nói đến chuyện nền kinh tế Việt Nam hiện giờ đang bên bờ phá sản vì những đảng viên cao cấp và những thân trong phe đảng đã phung phí một cách không có hiệu quả.

Thế thì sau khi tôi nói về chuyện có một sự phù hợp giữa dân chủ hóa Việt Nam là cần thiết cho chiến lược của Mỹ, và dân chủ hóa Việt Nam là đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân Việt Nam 90 triệu người, thì tôi có đưa một số những đề nghị để chia sẻ với ông Đại Sứ.

Điểm thứ nhất thì tôi nói rõ đây là một cơ hội bằng vàng để chính phủ Mỹ có thể tỏ rõ ý muốn hỗ trợ một chế dộ chính trị cởi mở hơn tại Việt Nam. Cụ thể, tôi nhấn mạnh Việt Nam phải đưa ra một lộ trình bầu cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tôi cũng có nói lên cái khó khăn mà ông Đại Sứ cũng như các cộng sự viên của ông khi làm việc tại Việt Nam, thì cái khó khắn đó là do Điều 4 của bản Hiến Pháp cho Đảng CSVN toàn quyền. Theo tôi, chuyện rất là nhiều khó khăn, nhưng phải tiến đến chỗ hủy bỏ Điều 4 này thì mới thiết lập được một nền dân chủ phát triển thật sự.

Liên quan đến những vấn đề của các anh em hoạt động thì tôi và ông Đại Sứ có trao đổi và chia sẻ, và theo chúng tôi thì chính quyền phải ngưng sách nhiễu, bắt bớ hay cầm tù những người dân vì những phát biểu, vì những ý kiến ôn hòa của họ. Về điểm này thì ông Đại Sứ hoàn toàn đồng ý và ông nói rất rõ rằng hiện bây giờ phía Mỹ luôn luôn yêu cầu phải có tự do thông tin, tự do phát biểu, kể cả quyền chỉ trích chính quyền của người dân Việt Nam. Người ta phải có cái quyền đó. Chúng tôi nhấn mạnh rằng bây giờ chúng ta phải đòi hỏi Hà Nội thả hết và ngay lập tức tù nhân lương tâm. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ để ông Đại Sứ nắm thật vững để can thiệp với phía Việt Nam trong khi có những sự hợp tác về kinh tế, quân sự.

Cũng như chúng tôi có nhắc đến sự hợp tác trong tương lai mà quan trọng là Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ôn Đại Sứ có hỏi tôi, theo ý kiến của tôi thì vấn đề TPP đồi với Việt Nam như thế nào? Thì tôi có ngắn gọn với ông rằng TPP là một sự hợp tác kinh tế lớn mạnh ghê gớm của Châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai và Việt Nam được tham dự vào là một cơ hội rất lớn và rất tốt, nhưng mà muốn tham dự vào được thì Việt Nam phải dân chủ hóa, phải tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là phải tôn trọng quyền của người lao động. Thì tôi thấy là ông Đại Sứ cũng đồng ý và vui vẻ vì thấy điều đó là đúng.

Trước khi kết thúc tôi có đề nghị với ông Đại Sứ Mỹ cái điểm như thế này, trong khi chúng ta cố gắng tập trung vào đòi Hà Nội phải thả hết tù nhân lương tâm ra thì chúng ta cũng phải cố gắng để đạt cho bằng được những sự tiến bộ về nhân quyền, có chính sách lâu dài, cụ thể, bền vững và có thể kiểm chứng được, kiểm tra được bằng cách là phải thay đổi hoàn toàn bộ luật hình sự. Không thể nào người dân Việt Nam chấp nhận những điều khoản như là Điều 79 tức là “âm mưu lật đổ chính quyền”, hay là Điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”. Những điều luật này rất mập mờ, giải thích thế nào thì giải thích theo ý chính quyền để bắt và bỏ tù người dân.

Và tôi có đề cập thêm là yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt ngay chuyện tự do xâm nhập gia cư người dân, lục soát, bắt bớ mà không có lệnh của tòa. Tôi có nhắc đến vài trường hợp, bản thân tôi là một, còn thí dụ những gia đình như gia đình Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ (Quảng Nam), và trường hợp mới đây đối với TS Nguyễn Xuân Diện chỉ vì sử dụng internet thì bị nhà cầm quyền tự tiện xông vào nhà lục soát mà không có lệnh của tòa.

Tôi cũng có nhắc đến là bây giờ nếu chính phủ Mỹ làm việc với những cơ quan phi chính phủ quốc tế thì cố gắng giúp Việt Nam soạn thảo bộ luật hình sự mới phù hợp với luật quốc tế để nhà cầm quyền Hà Nội không thể dùng những luật này mà trừng phạt người dân Việt Nam chỉ vì họ thi hành những quyền đã được quốc tế công nhận, chính phủ Mỹ và chính Liên Hiệp Quốc bênh vực và trao cho người dân ở trên thế giới.

Trao đổi chót thì chúng tôi có bàn về tự do tôn giáo và phải công nhận quyền tư hữu đất đai của người dân, mà theo tôi thì tôi cũng có nói rõ là ngày nào mà chính quyền Hà Nội còn cố chấp, không công nhận quyền tư hữu và quyền sở hữu đất đai thì trong xã hội không bao giờ ổn định được cả, chắc chắn như vậy. Đó là những điều mà tôi và ông Đại Sứ Mỹ có chia sẻ vào những phút cuối của cuộc gặp giỡ.

Chân Như : Một lần nữa xin cảm ơn BS Nguyễn Đan Quế rất là nhiều đã dành đặc biệt cho Đài Á Châu Tự Do cuộc trò chuyện ngày hôm nay ạ.

BS Nguyễn Đan Quế : Dạ vâng. Xin cảm ơn anh. Xin kính chào tất cả quý vị.




Tải xuống âm thanh
http://3.bp.blogspot.com/-DrD8mdI_7mM/UDMBpwTAvfI/AAAAAAAAhng/9MYS_Dv7wc0/s1600/david-shear2-danlambao.jpg

Thứ Sáu 17/8 tại Sài Gòn, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear cũng đã viếng thăm bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của Đài ACTD, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết Đại sứ David Shear đã xác định rằng, dân chủ hóa Việt Nam không những cần thiết cho sự điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương mà còn đáp ứng khát vọng của người dân Việt Nam.

Vẫn theo theo lời BS Nguyễn Đan Quế, Đại sứ Shear nhấn mạnh rằng, chính sách nhất quán của Hoa Kỳ là hợp tác kinh tế quân sự với Việt Nam phải đi kèm với cải cách về dân chủ-nhân quyền.
Trong dịp này, BS Nguyễn Đan Quế cũng trao cho Đại sứ David Shear danh sách mới nhất liên quan tới các tù nhân chính trị đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề nghị giải Nobel HB
RFA 03-07-2012

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền Việt Nam vừa được hai Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ đề cử ứng viên giải Nobel Hòa Bình 2012.


Thông cáo báo chí phổ biến sáng nay tại Washington cho biết, hai dân biểu Gerry Connolly và Jim Moran của tiểu bang Virginia đã gởi thư đề cử cho Tiến sĩ Thorbjorn Jagland Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Hòa bình về việc này.

Theo nội dung thư đề cử, trong hơn 30 năm qua Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã tranh đấu không mệt mỏi cho nhân quyền ở Việt Nam. Sự cống hiến kiên định của Bác sĩ Quế cho nhân quyền, chấp nhận hy sinh bản thân một cách phi thường, đã thể hiện những lý tưởng của giải Nobel Hòa bình.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sinh năm 1942, hiện trong tình trạng quản chế tại gia ở TP.HCM. Trong hoạt động đấu tranh kiên trì vì dân chủ và nhân quyền của mình, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị chính quyền Việt Nam giam giữ nhiều lần tổng cộng gần 30 năm, bị hành hạ và tra tấn.

Đại sứ Mỹ thăm Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ



Đại sứ Hoa Kỳ tại Vietnam David Shear được mô tả là tái khẳng định lập trường về nhân quyền và dân chủ hóa, qua hai cuộc viếng thăm ở Saigon vào chiều 17/8 với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và nhà bất đồng chính kiến bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Đại sứ David Shear đã vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và đàm đạo trong khoảng 45 phút tại Thanh Minh Thiền Viện ở Phú Nhuận Saigon. Được biết Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất không được Nhà nước công nhận và Đức Tăng Thống hiện vẫn bị canh chừng không được tự do đi lại.

Theo Thông cáo báo chí của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đức Tăng Thống đã trao cho Đại Sứ David Shear bản “Giác thư về tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

Từ trái qua phải, Nick Snyder, Viên chức Chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kathleen Peoples, Viên chức Chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại HCMC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Thượng tọa Thích Quảng Độ, Lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ứng viên giải Novel Hoà bình 2012 sau cuộc thảo luận ngày 17/8/2012.
Giác thư có 5 yêu sách đối với nhà cầm quyền cộng sản đòi quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, trả tự do cho tăng sĩ, Phật tử bị bắt vì sử dụng quyền tự do ngôn luận để biểu tỏ tín ngưỡng. Hoàn trả các chùa và tài sản giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị nhà nước tịch thu ở cả hai miền Nam-Bắc. Giác thư còn đòi Nhà nước tôn trọng và thăng tiến các quyền cơ bản về tư tưởng, ngôn luận và lập hội được bảo đảm trong Công ước Liên Hiệp Quốc.

Đức Tăng Thống cũng kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương tây lên tiếng và có hành động cụ thể giúp nhân dân Việt Nam bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải của mình trước hiểm họa Trung Quốc.

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI RFA VỀ CHUYẾN TIẾP KIẾN ĐẠI SỨ HOA KỲ DAVID SHEAR


Ỷ Lan, thông tín viên RFA

Tải xuống âm thanh

Hôm thứ sáu ngày 17/8 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã đến vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn. Thông tín viên Ỷ Lan có cuộc phỏng vấn Đức Tăng Thống về cuộc gặp này.

Từ trái qua phải, Nick Snyder, Viên chức Chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kathleen Peoples, Viên chức Chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại HCMC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Thượng tọa Thích Quảng Độ, Lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ứng viên giải Novel Hoà bình 2012 sau cuộc thảo luận ngày 17/8/2012.
Tự do tôn giáo



Ỷ Lan: Ngưỡng bạch Đức Tăng Thống, được tin hôm thứ sáu 17.8 vừa qua ông Đại sứ Hoa Kỳ David Shear đến Thanh Minh Thiền viện vấn an Đức Tăng Thống. Việc này có đúng không, kính xin Đức Tăng Thống hoan hỉ xác nhận?

Hòa thượng Thích Quảng Độ: Thưa cô Ỷ Lan và quý độc giả Đài RFA. Tin đó là chính xác. Hồi 3 giờ 30 chiều ngày thứ sáu ông Đại sứ Hoa Kỳ có đến Thanh Minh Thiền viện thăm tôi.

Ỷ Lan: Xin Đức Tăng Thống cho biết ông Đại sứ đi một mình hay có ai tháp tùng? Và nội dung cuộc trao đổi gồm những vấn đề gì?

Cuộc trao đổi giữa ông Đại sứ với tôi kéo dài trên một giờ đồng hồ. Nội dung có nhiều vấn đề nhưng thực sự chưa tiện nói ra.

HT Thích Quảng Độ

Hòa thượng Thích Quảng Độ: Phái đoàn gồm có ông Đại sứ, có thêm ông Nicholas Snyder là Trưởng Phòng Chính trị Tòa Tổng Lãnh sự và bà Katleen Peoples, Thám tán Chính trị Tòa Tổng Lãnh sự. Còn thêm một người thư ký nữa.

Cuộc trao đổi giữa ông Đại sứ với tôi kéo dài trên một giờ đồng hồ. Nội dung có nhiều vấn đề nhưng thực sự chưa tiện nói ra.

Vấn đề Giáo hội dĩ nhiên là vấn đề chính yếu. Trước hết là nói qua Phật giáo du nhập Việt Nam trong quá khứ, thế rồi thời Pháp thuộc. Trong thời Pháp thuộc Giáo hội Phật giáo không được tư cách như là một Giáo hội. Đạo Dụ số 10 về vấn đề tôn giáo, người Pháp đặt địa vị Giáo hội vào một hiệp hội mà thôi, cũng như hiệp hội trồng hoa, hiệp hội cây cảnh thế. Sau đó tình trạng ấy kéo dài suốt thời kỳ Pháp thuộc.

Vào tháng Giêng năm 1964 tất cả các tổ chức Phật giáo Việt Nam, từ Bắc cho đến Nam thành lập ra cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ngày nay. Thành từ đó Giáo hội mới được hưởng quy chế gọi là một Giáo hội từ 1963 đến giờ, mà không còn là một hiệp hội nữa.

Nhưng mà từ năm 1975 đến giờ tình hình nó lại khác hẳn đi. Đến 1981, Công sản họ có tổ chức một Đại hội Phật giáo mà gồm những người mà họ đã nắm được. Tức là họ đã chinh phục được chẳng hạn, hoàn toàn đã đầu phục họ. Họ dùng những vị đó để ra Hà Nội, gọi là đại diện cho Giáo hội Phật giáo miền Nam ra họp thống nhất Phật giáo cả nước dưới cái chế độ Cộng sản bây giờ. Đã hoàn thành vào năm 1981, thì họ gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chỉ khác cái Giáo hội trong này là không có chữ Thống nhất thôi. Họ coi cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Tay sai của Cộng sản lập ra. Dùng Giáo hội ấy mục đích để tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) còn cố gắng giữ nguyên vị tồn tại đấy.

Nhưng đã ba mươi mấy năm nay rồi, họ chưa thành công tiêu diệt GHPGVNTN hiện giờ. Cho đến nay họ chưa thành công, đã 37 năm qua họ chưa thành công. Nhưng cho đến giờ phút này họ vẫn chưa tha. Còn các chùa như Quảng Nam – Đà Nẵng đấy ở miền Trung bây giờ đang diễn ra. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã đưa đầy đủ tin tức, nhất là chùa Giác Minh. Bây giờ vẫn đang đàn áp khốc liệt.

Đại sứ Hoa Kỳ David Shear và Thượng tọa Thích Quảng Độ bắt tay sau cuộc thảo luận về tự do tôn giáo và nhân quyền tại TPHCM ngày 17/8. Courtesy US Embassy.Do đó cho nên GHPGVNTN phải chịu đựng cho đến khi nào mà thực sự Việt Nam có được nền dân chủ đa nguyên, nhân quyền được tôn trọng, thì lúc đó Giáo hội mới có thể hết nạn. Chứ còn Cộng sản, đang còn độc quyền như mấy chục năm nay, thì Giáo hội không có hy vọng gì thoát nạn đâu. Thành ra Giáo hội phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Cố mà duy trì cái pháp lý thôi. Làm sao bây giờ tất cả hoạt động trong ngoài nước, nhất là ngoài nước bây giờ có phương tiện để giúp hỗ trợ cho trong nước, để duy trì cái pháp lý của Giáo hội. Cái danh nghĩa là GHPGVNTN mình vẫn còn giữ được để chờ thời. Nhưng mà nếu pháp lý mất rồi thì mình không còn lý do tồn tại nữa đâu.

Chính nhờ ở sự hỗ trợ ở nước ngoài đó thông tin cho thế giới biết cái tình trạng trong nhà bị đàn áp như thế, mà Giáo hội trong nhà dù khó khăn nhưng vẫn tồn tại. Chứ nếu không có hoạt động của Văn phòng II, mà trong đó có Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế là hữu hiệu nhất để mà chống đỡ cho sự tồn tại của trong nước.

Thành tôi hy vọng rằng với thời gian Phật gọi là Vô thường, nó biến chuyển từng tích tắc một, từng sát na một. Thành ra cái sự biến chuyển như vậy, không có cái gì tồn tại. Không nói là vĩnh viễn nhưng mà lâu dài cũng khó, mà đó là quy luật tự nhiên rồi. Không ai có thể tránh khỏi. Chưa biết được. Tôi thường nói có khi đêm nay mình đi ngủ như thường, nhưng sáng mai mở mắt, cả thế giới thay đổi rồi. Biết đâu. Đấy là cái Phật gọi là Sát na vô thường. Nó chỉ trong tích tắc thôi. Cho nên Giáo hội Hải ngoại bây giờ trách nhiệm rất là quan trọng. Hết sức mà hỗ trợ, hoạt động để hỗ trợ cho trong nước có hoàn cảnh có đủ điều kiện duy trì cái pháp lý mà thôi.
Sự sinh tồn của Việt Nam

Ỷ Lan: Ngoài vấn đề Phật giáo, Đức Tăng Thống có đề cập tới vấn đề gì khác nữa không?

Hòa thượng Thích Quảng Độ: À vấn đề thời sự đang nóng bỏng đây, vấn đề Biển Đông liên hệ đến sự sinh tử, sinh tồn của cả Việt Nam chứ không riêng gì cái Biển Đông đâu. Biển Đông mà không còn giữ được nữa thì đất liền cũng không hy vọng gì.

Ngay trên đất liền này, bây giờ từ Bắc vào đến Nam, người ta đã có cơ sở hết rồi. Hàng chục mẫu rừng đầu nguồn coi như là họ nắm toàn bộ. Họ làm cái gì không ai biết. Việt Nam không được phép vào. Thế rồi Bô xít Tây nguyên mà Giáo hội đã từng lên tiếng cũng thế. Họ coi như là một lô cốt, bây giờ họ làm gì trong không ai biết.

Nếu như thực tế thì rất bi quan.

Khuyết điểm của họ là cố bám vào cái Đảng Cộng sản. Nếu họ buông cái đảng Cộng sản ra, họ tin tưởng vào lòng dân... Bây giờ lòng dân ai cũng muốn giữ nước hết, có ai muốn bán nước đâu?

Biển Đông mà không còn giữ được nữa thì đất liền cũng không hy vọng gì.

HT Thích Quảng Độ

Đấy những cuộc biểu tình tuy không thành. Họ đàn áp. Nhưng người ta cố gắng bằng cách này cách khác. Từng nhóm người một, người ta biểu lộ lòng yêu nước của người ta. Nếu họ muốn giữ nước thực sự, thì họ khai thác những cái đó, họ lợi dụng những cái đó. Họ không chủ trương, họ còn ngại về ngoại giao đối với Tàu gì đấy, họ không để cho dân tự phát tổ chức các cuộc biểu tình. Có lẽ nếu họ cho thế thì rất đông. Nhờ vào những áp lực như vậy thì họ có lý do để bảo vệ đất nước này. Nhưng mà họ quá sợ, họ sợ mất nước là một chuyện, nhưng họ sợ, có cái sợ quan trọng hơn mất nước, đó là mất Đảng. Những cái đó là họ sai lầm. Nếu không có dân tộc thì họ sống với ai? Mà bây giờ cứ cố mà giữ cái Đảng ấy, đàn áp cả một dân tộc chín mươi triệu dân. Khó lắm.

Ỷ Lan: Một câu hỏi chót là xin Đức Tăng Thống cho biết thái độ ông Đại sứ Hoa Kỳ như thế nào? Và hơn nữa, Đức Tăng Thống chờ đợi gì ở Hoa Kỳ trong tình trạng của Việt Nam hôm nay?

Hòa thượng Thích Quảng Độ: Tôi cũng nói với ông Đại sứ và ông cũng đồng ý vấn để Biển Đông. Bây giờ ngoài Hoa Kỳ ra thì không ai có khả năng đương đầu được với thế lực hung hăn của Trung quốc hiện giờ.

Nói cho đúng ra thì cũng có quyền lợi ở Biển Đông. Nếu Biển Đông mất thì cũng kẹt cho Hoa Kỳ. Sự lưu thông ở Biển Đông nhất định là sẽ trở ngại. Thành ra Hoa Kỳ có giúp Việt Nam thì cũng như tự giúp mình nữa thôi. Chứ không phải chỉ hoàn toàn giúp Việt Nam không.

Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông nói trước đây có một vài con sâu, bây giờ có cả bầy sâu. Bây giờ để cho nó phát triển ra một đoàn sâu thì chết (cười). Như vậy là ông Chủ tịch nước đã thấy vấn đề, đã thấy vấn đề rồi chắc chắn cũng phải lo. Lo không cái gì hơn là thật sự bắt tay với Hoa Kỳ. Ngoài Hoa Kỳ ra không thể nhờ ai được đâu. Bây giờ thực sự muốn giao thiệp lâu dài, kết bạn lâu dài là phải Dân chủ hóa chứ không có con đường nào khác. Trước sau gì rồi cũng phải dân chủ hóa.

Tương lai nước Việt Nam sống bên cạnh nước khổng lồ, mà cái anh khổng lồ anh ấy chơi bẩn, anh bạn hàng xóm nhưng chơi xấu. Thành ra mình phải tìm ra người bạn nào mình tin tưởng được, có thể giúp mình, giữ được đất nước này trong lâu dài, thế hệ này sang thế hệ khác, thì đó là trách nhiệm của Đảng Cộng sản. Hiện họ đang nắm quyền, cho nên quyền lợi cá nhân, phe nhóm nó còn được tôn trọng, đề cao, hơn là quyền lợi dân tộc, đất nước. Đấy là cái khó của người Việt Nam. Khó ấy là do Đảng Cộng sản gây ra.

Ỷ Lan: Xin cám ơn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã dành cuộc phỏng vấn cho Đài Á châu Tự do.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris.

No comments:

Post a Comment