Friday, August 31, 2012

QUANG NGUYỄN - HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH NGƯỜI MỸ


 

 Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch


Lời người dịch: Quang Nguyen đã đọc bài diễn văn cảm ơn các cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Bài diễn văn này được lưu hành rộng rãi trong giới cựu chiến binh Mỹ. Hành trình trở thành ngưòi Mỹ, trong trường hợp của Quang Nguyen cũng như của đa số người Việt khác, xuất phát từ sự tri ân bao hy sinh to lớn của những người lính Mỹ đã từng chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Họ đã đến và đã hy sinh cho nền tự do non trẻ của miền Nam. Nhờ họ người dân miền Nam đã sống được những năm tự do ít ỏi nhưng vô giá trước khi cơn thủy triều đỏ từ miền Bắc dâng lên và nhấn chìm cả nước Việt thương yêu.


Cách đây ba mươi lăm năm nếu như quý vị nói tôi sẽ đứng ở đây phát biểu bằng tiếng Anh trước mấy ngàn người yêu nước. Tôi sẽ cười họ. Quý vị biết không, mỗi sáng mai thức dậy tôi đều cảm ơn Chúa đã cho gia đình tôi và tôi được sống ở đất nước tuyệt vời nhất trên trái đất này.

Tôi chỉ muốn tất cả quý vị biết Giấc mơ Mỹ thật sự tồn tại và tôi đang sống với Giấc mơ Mỹ ấy. Tôi được mời nói chuyện với quý vị về kinh nghiệm của tôi với tư cách người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, nhưng tôi muốn nói chuyện với quý vị với tư cách người Mỹ.

Nếu quý vị không nhận thấy, tôi không phải là người da trắng nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái với nhân dân mình.

Tôi tự hào là công dân Hoa Kỳ và đây là bằng chứng của tôi. Tôi phải mất 8 năm trời mới lấy được bằng quốc tịch Hoa Kỳ, phải xếp hàng dài dằng dặc nhiều lần, nhưng cuối cùng tôi đã nhận được tấm bằng này và tôi rất tự hào về tấm bằng này. Hãy đoán thử xem, tôi trở thành công dân Hoa Kỳ một cách hợp pháp và tấm bằng không phải xuất phát từ tiểu bang Hawaii.

Tôi vẫn còn nhớ như in những hình ảnh về cuộc tấn công vào dịp Tết năm 1968, năm ấy tôi mới lên sáu. Lúc này chắc quý vị tự hỏi đứa bé mới sáu tuổi đầu đâu có thể nhớ được gì. Hãy tin tôi, những hình ảnh ấy không thể nào phai mờ trong lòng. Tôi càng không thể hình dung ra tình cảnh của những người lính Mỹ trẻ, cách xa quê hương cả vạn dặm, chiến đấu để bảo vệ tôi.

Cách đây ba mươi lăm năm, tôi rời Miền Nam Việt Nam để đến Mỹ tỵ nạn chính trị. Chiến tranh đã kết thúc. Ở tuổi mười ba, tôi ra đi mà lòng hiểu rằng tôi có thể gặp lại hay có thể không bao giờ gặp lại anh chị em hay cha mẹ mình. Tôi là một trong số 100.000 người Việt Nam đầu tiên may mắn được nhận vào Hoa Kỳ. Kỳ diệu thay, 5 tháng sau gia đình tôi và tôi bất ngờ đoàn tụ ở California. Đúng là phép lạ của Chúa.

Nếu gần đây quý vị không nghe người ta nói đây là quốc gia tuyệt vời nhất trên trái đất này, thì ngay bây giờ hãy cho phép tôi được khẳng định với quý vị. Quả thật đây chính là quốc gia tuyệt vời nhất !!! Chính nhờ tự do và nhờ những cơ hội tôi đã có được nên tối nay tôi có mặt cùng với tất cả quý vị. Tôi cũng nhớ lại những trở ngại tôi phải vượt qua được trên mỗi bước đi trên đường đời. Người thấy tư vấn ở trường trung học bảo tôi rằng tôi không thể nào học lên tới đại học vì tôi nói tiếng Anh dở. Tôi đã chứng tỏ người thầy ấy sai. Tôi học xong đại học. Từ đấy quý vị hiểu ra, hãy cho thằng bé này cơ hội và khích lệ nó nhận lấy và tận dụng cơ hội ấy. Vâng, tôi đã nhận lấy nhiều cơ hội cho nên hôm nay tôi có mặt ở đây. Người này đứng trước quý vị tối nay không thể nào tồn tại được dưới môi trường xã hội chủ nghĩa hay cộng sản. Nhân đây, nếu ai trong quý vị nghĩ chủ nghĩa xã hội là tuyệt vời, tôi chắc chắn nhiều người ở đây sẽ góp tiền lại mua vé một chiều cho họ rời khỏi nơi đây ngay. Còn nếu quý vị không biết, sự khác biệt duy nhất giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là khẩu súng AK-47 nhắm vào đầu bạn. Tôi đã biết và lớn lên cùng với điều này.

Vào năm 1983 lần đầu tiên với tư cách người Mỹ tôi đứng lên cùng với hàng ngàn di dân mới đọc lời thề chào cờ và lắng nghe Quốc Ca. Cho đến ngày nay tôi không thể nhớ lại điều gì khiến lòng mình sung sướng hơn và yêu nước hơn khoảnh khắc đó trong đời.

Nói tóm lại, tôi cố học xong trung học, học xong đại học, và giống như những thanh niên 21 tuổi còn dại khờ khác, tôi đã sống qua một thời tuyệt vời, tôi có việc làm tốt và căn hộ đẹp ở miền nam California. Nhưng không hiểu sao tôi đã quên mình đã đến được đây bằng cách nào và tại sao mình đang ở đây.

Ngày nọ tôi đang ở trạm xăng, tôi thấy một cựu chiến binh đang đổ xăng ở phía bên kia bệ ngăn cách.Tôi không biết điều gì đã xui khiến mình, nhưng tôi bước băng qua và hỏi ông ta có tham chiến ở Việt Nam không. Ông mĩm cười và đáp Có. Tôi bắt tay ông và nắm chặc tay ông. Ông bắt đầu ứa nước mắt. Tôi quay bước đi thật nhanh và chính lúc ấy lòng tôi cũng ngập tràn bao xúc động, một khoảnh khắc khắc sâu trong đời. Tôi biết đời tôi phải thay đổi. Đã đến lúc tôi phải học để trở thành công dân tốt. Đã đến lúc tôi phải đền đáp lại.

Quý vị thấy, nước Mỹ không phải là một nơi trên bản đồ; nước Mỹ không phải là một địa điểm vật chất. Nước Mỹ là một lý tưởng, một khái niệm. Và nếu quý vị là người Mỹ quý vị phải hiểu khái niệm ấy, quý vị phải tin tưởng hoàn toàn vào khái niệm này và quan trọng nhất, quý vị phải đấu tranh và bảo vệ khái niệm này. Đây là về Tự do... chứ không phải về những thứ cho không. Vì vậy tôi đang đứng ở đây. Hỡi các anh chị em, để trở thành người Mỹ thật sự, điều tối thiểu quý vị phải làm là học tiếng Anh và hiểu tiếng Anh giỏi. Theo thiển ý của tôi, quý vị không thể nào là công dân yêu nước trung thành nếu quý vị không thể nào hiểu được ngôn ngữ tại nước quý vị đang sống. Hãy nhìn văn kiện gồm có bốn mươi sáu trang này. Lần cuối cùng tôi tìm kiếm trên internet, tôi không thấy bản dịch tiếng Việt nào về hiến pháp Hoa Kỳ. Tôi phải mất một thời gian rất dài mới có thể trò chuyện được nhưng cho tới ngày này, tôi vẫn còn vất vả tìm đúng từ. Thật không dễ dàng, nhưng nếu dễ quá, thì chẳng đáng làm.

Trước khi tôi biết văn kiện bốn mươi sáu trang này, tôi biết về 500.000 người Mỹ đã chiến đấu vì đứa bé này. Tôi biết về 58.000 tên được khắc trên bức tường đen của đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Quý vị là các anh hùng của tôi. Quý vị là những bậc khai quốc của tôi.

Khi tôi có thể đi bầu, tôi đã đi bầu và làm tròn bổn phận công dân của mình. Đối với tất cả những người trẻ tuổi ở đây, những ai vừa tròn mười tám tuổi, tôi khuyến khích các em với tư người Mỹ nên thực thi bổn phận của cử tri sáng suốt cho dù các em ở đâu hay làm gì. Nước Mỹ đã chiến đấu và hy sinh cho các quyền của các em. Các em đừng làm nước Mỹ thất vọng !!!

Lúc này, tôi xin mời tất cả các cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam hãy đứng lên. Tôi cảm ơn quý vị đã bảo vệ sinh mạng của tôi. Tôi cảm ơn quý vị về những hy sinh, và tôi cảm ơn quý vị đã cho tôi tự do tôi đang hưởng ngày hôm nay. Bây giờ tôi xin mời tất cả các cựu chiến binh, lính cứu hỏa và cảnh sát hãy đứng lên. Thay mặt tất cả những di dân thế hệ thứ nhất, tôi cảm ơn sự phục vụ của quý vị và cầu nguyện Chúa ban phúc cho tất cả quý vị và cầu nguyện Chúa ban phúc cho nước Mỹ!
Trần Quốc Việt dịch
danlambaovn.blogspot.com

Nguồn: Free Republic 24 tháng Bảy 2010

Video: Thank you Viet Nam veterans and all veterans - YouTube

No comments:

Post a Comment