Nguyễn Ngọc Già (Dân Luận) - ...quả là một đống tạp nham gồm: chữ, số, kỹ thuật trình bày, văn phong, căn cứ, luận điểm kết tội v.v... [1]
I. TRÌNH TỰ THỜI GIAN:
Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự với 346 điều, và nội dung "cáo
trạng", người viết xin tạm lấy thời điểm [2] làm chuẩn, từ đó phân tích
các sự việc diễn ra để nêu bật lên việc làm vi phạm pháp luật của giới
cầm quyền Đăk Nông:
A) Ngày 18/10/2010, ông Định viết bài: “Yêu nước không có độc quyền” và đưa lên mạng trang baotoquoc.com,
B) Ngày 25/10/2010 ông Định viết bài “Suy nghĩ cá nhân (tóm tắt) thể theo yêu cầu CQANCTNB Đăk Nông”.
C) Đầu tháng 11/2010, ông Định viết bài “Suy nghĩ cá nhân về tình
hình đất nước”, trong đó có 05 nội dung chính là: Vấn đề Bôxit (Phản
đối dự án khai thác boxit ở Nhân cơ), về hiện tình đất nước, đòi Đa
nguyên – Đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp, phi chính trị hóa ngành
Giáo dục, Quân đội, Công an và đưa lên mạng trang songthan.org.
D) Ngày 24/11/2010, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đăk Nông tiến hành kiểm tra máy tính để bàn của ông Định.
E) Đầu tháng 12/2010, ông Định viết bài “Thư khẩn”, nội dung cơ
bản là trình bày việc cơ quan an ninh tỉnh Đăk Nông thu giữ máy vi tính
của ông Định là trái pháp luật [3], vi phạm nhân quyền và gửi bằng đường
Bưu điện cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời ông Định đưa lên
trang mạng Danluan.org; Thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông...
F) Ngày 03/10/2011: Ra quyết định khởi tố vụ án.
G) Ngày 21/10/2011: Đinh Đặng Định bị bắt.
H) Ngày 21/10/2011: Ra quyết định khởi tố bị can.
I) Ngày 20/12/2011: Viện khoa học hình sự - Bộ Công An có kết luận giám định số 3145/C54-P2+P5...
J) Ngày 29/12/2011: Có biên bản Giám định pháp y tâm thần số
866/PYTT-PVPN, của Phân viện phía nam – Viện giám định pháp y tâm thần
trung ương kết luận...
K) Ngày 12/01/2012: Có kết luận giám định số 09/KL-STTTT, của Hội đồng giám định Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông...
L) Ngày 27/6/2012: Ra quyết định truy tố (nghĩa là bản cáo trạng)
II. ĐỐI CHIẾU LUẬT & PHÂN TÍCH:
Qua 12 mốc thời gian như trên, thoạt nhìn có vẻ hợp lệ, hợp lý cho "quá
trình theo dõi điều tra" trước khi công an quyết định bắt chính thức
thầy Định. Tuy vậy, có một vài vấn đề nên đặt ra để chúng ta cùng ngẫm
nghĩ:
Bộ Luật tố tụng hình sự cũng như nhiều bộ luật khác, quy định cụ thể và
có hệ thống, cho một hay nhiều vấn đề, nhiều công việc mà nó có liên
quan mật thiết và tác động qua lại, để cho công dân cũng như cá nhân và
tổ chức thuộc công quyền dễ hiểu mà thực thi quyền và nghĩa vụ, tùy vào
mỗi vai trò trong từng hoàn cảnh.
Trên căn cứ đó, không ai có quyền quấy nhiễu người khác, một khi người
đó chưa bị tước quyền Công dân. Chúng ta biết, suốt thời gian trước khi
thầy Định bị bắt, ông đã bị công an quấy nhiễu rất nhiều. Phía công an
đã vi phạm trước hết là điều 4 LTTHS:
Điều 4. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân
Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra,
Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát
viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi
trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp
pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết
của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổinhững biện
pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.
Cần nhấn mạnh chi tiết "KHI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG" trong điều 4, nghĩa là
khi đã là "bị can", "bị cáo", phía công quyền còn phải luôn tuân thủ
điều 4, nói gì trước khi bắt thầy Định, ông vẫn còn nguyên vẹn QUYỀN
CÔNG DÂN. Do đó, công an có quyền lặng lẽ theo dõi 24/24, nhưng CẤM động
đến dù chỉ một sợi tóc của thầy Định. Trên thực tế, công an không những
vi phạm điều 4 mà vi phạm điều 6 LTTHS:
Điều 6. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc
phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.
Không những họ vi phạm điều 4, điều 6, họ tiếp tục vi phạm điều 8
Điều 8. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân
Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín,
khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.
Song song đó, họ tiếp tục vi phạm điều 10 LTTHS:
Điều 10. Xác định sự thật của vụ án
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp
hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và
đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô
tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm
hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố
tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình
vô tội.
Ngay đây chúng ta thấy, họ không những vi phạm hàng loạt điều như thế,
họ còn cho thấy đã CỐ TÌNH GÀI BẪY thầy Định theo mục B phần I nêu trên,
với cụm từ "THỂ THEO YÊU CẦU CQANCTNB Đăk Nông". Lẽ ra, thầy Định không
cần đáp ứng cái "thể theo yêu cầu" lưu manh đó! Cần nhấn mạnh, thời
điểm đó thầy Định vẫn còn nguyên vẹn QUYỀN CÔNG DÂN. Nghĩa là, họ yêu
cầu thì mặc xác họ. Rất tiếc!
Khi nào một công dân bị bắt?
Như điều 6 đã nêu, và rõ hơn, ngoại trừ trường hợp "bắt quả tang" và
"người đang bị truy nã" (nghĩa là có lệnh truy nã trước đó rồi), không
một ai bị bắt mà KHÔNG CÓ LỆNH BẮT, kể cả bắt khẩn cấp.
Đó tiếp tục tố cáo phía công an vi pham nghiêm trọng LTTHS.
Thầy Định nên làm gì khi bị quấy nhiễu?
Hữu hiệu và đơn giản, làm ngay một đơn khiếu nại hay tố cáo. Mỗi lần bị
quấy nhiễu là làm một đơn. Những ai đang đối mặt với bạo quyền ngang
ngược xin hãy làm ngay, ít nhất bắt đầu khi bạn đọc bài viết này. Lý do?
Đó là các chứng cớ rất quan trọng cho cả quá trình bị quấy nhiễu, trước
khi phía công an bắt chính thức. Chúng ta dễ rơi vào tâm trạng phẫn
uất, bởi trong tay không có một bằng chứng tố cáo nào cả.[4]
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già
_________________________________________________________
[1] Thú thật, mất khá nhiều thời gian để phân loại "đống rác" mà đưa vào
tái chế. Sau khi phân loại "rác" xong, rất lấy làm tiếc, dù "chúng tôi
đã cố gắng hết sức" :) cũng không tìm ra được phần nào có thể "tái chế"
nhằm "giúp ích cho đời", nên đành phải... đưa ra cho độc giả xem, trước
khi đem vào bãi xử lý. Thành thật chia buồn cùng những ai làm ra "Bản
cáo trạng", bởi nó chỉ là "phân hữu cơ" phù hợp với một loại cây duy
nhất - "cây Đảng". Xin chân thành xin lỗi Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Tý với nhạc
phẩm "Huyền Diệu", vì trong nhạc phẩm này có câu "Đảng với đời như cây
với hoa".
[2] Theo nội dung cáo trạng, có sắp xếp lại theo thời gian xảy ra sự
việc. Những tiểu tiết "đầu tháng 11/2010", "đầu tháng 12/2010" đưa vào
cáo trạng là sai hoàn toàn. Bởi theo "Điều 167. Bản cáo trạng":
"Nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy
ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm
và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng
của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm
hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với
vụ án..."
[3] Bản "cáo trạng" quy cho ông Định là "nói xấu". Cáo trạng không phải
là văn bản đôi co con nít, ví như: "mày dám nói xấu tao, mày tiêu đời
rồi!" :) Thật vừa buồn, vừa cười cho những cái đầu nào soạn thảo và ký
tá, rặt tư tưởng quê mùa và dốt nát như thời Nghị Quế, Nghị Hách cả trăm
năm trước! Ai tai!
[4] Đôi khi, chúng ta không để ý những tiểu tiết nhỏ mà quan trọng này.
Bùi Thị Minh Hằng và Đặng Bích Phượng đang đi đúng hướng. Xin chớ xem
thường việc tưởng nhỏ này. Đây là quá trình "tích lũy chứng cớ" của anh
(chị) nào đang bị quấy nhiễu. Hãy đừng quan tâm việc họ nhận hay không
nhận đơn. Mặc xác nó, quan trọng là có bản lưu và giấy biên nhận gởi qua
đường bưu điện. Bạn đang thực hiện quyền công dân từ việc nhỏ nhất,
trước nhất cho bạn. Hãy bảo vệ bạn bằng cách giản dị nhất, trước khi bảo
vệ người khác. Nếu bạn đọc nào có khả năng, xin hãy nghĩ đến một hợp
đồng với Luật sư riêng mà mình tin tưởng.
No comments:
Post a Comment