Lev Trotsky và Nguyễn Ái Quốc năm 1924 ở Moskva. |
Pascal
Bourdeaux, phó giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Cao cấp Thực tiễn (École
Pratique des Hautes Études) ở Paris, đã phát hiện được bức thư với “chữ ký bằng mực đen bay bổng, thanh tao, hơi nghiêng và được gạch dưới” khi tìm tòi những tài liệu lưu trữ của Hội Truyền giáo Phúc âm Paris. Thư được ký dưới tên “Nguyên Ai Quâc” - thường được viết là Nguyễn Ái Quốc, vốn được Hồ Chí Minh tự gọi mình lúc ấy.
Được viết trong những năm hình
thành quan điểm chính trị nhưng hiếm hoi tài liệu lưu trữ của Hồ khi
ông còn ở Pháp, sự hiện hữu của bức thư này rất quan trọng về mặt tiểu
sử. Bên cạnh khoảng chục báo cáo của cảnh sát và những bài báo, những
gì chúng ta biết được về khoảng thời gian này trong cuộc đời của Hồ
chủ yếu xuất phát từ những câu chuyện mang tính hồi tưởng - đa số là
hồi ký của chính ông - bởi thế việc khám phá ra tài liệu gốc có tính
đời tư này rất hiếm hoi, nếu không nói là chưa từng có. Nhưng chính nội
dung của tài liệu này, đặc biệt là tính tinh tế trong lập luận của Hồ,
càng làm nó trở nên đầy hấp dẫn đối với những học giả nghiên cứu về
ông.
Bức thư đánh máy, gửi cho mục sư
người Pháp Ulysse Soulier, cho thấy sự ủng hộ đầy bất ngờ của vị chủ
tịch tương lai của Bắc Việt trong những dự án truyền giáo Tin Lành
trên quê hương ông, nhưng đồng thời cũng nói rõ quan điểm dân tộc mạnh
mẽ của mình; càng chứng tỏ thêm rằng những năm đầu thập niên 1920 là bước
chuyển hướng trong quá trình hình thành tinh thần chống thực dân của
Hồ. Trong thời gian bức thư được viết năm 1921, ông đã kêu gọi Tổng
thống Mỹ Woodrow Wilson quan tâm đến Đông Dương tại hội nghị Versailles
năm 1919, và là sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp năm
1920. Tuy nhiên, quan điểm thiên quân sự của con người mà trong tương
lai trở thành nhà lý luận về chiến tranh thuộc địa tiêu biểu nhất của
Quốc tế Cộng sản vẫn chưa hình thành đầy đủ; bức thư không hề đề cập
rõ ràng đến bản thể của chủ thuyết Mác xít - Lên nin nít và gọi người
dân Đông Dương là “An nam mít” - mà không bao lâu sau bị tầng lớp người Việt mới theo chủ nghĩa quốc gia lên án là một
từ mang tính xúc phạm. Hơn thế nữa, thái độ thân thiện của ông đối với
việc truyền bá tôn giáo của những nhà truyền đạo châu Âu cho thấy rằng
“Bác Hồ” vẫn chưa phải là một nhà cách mạng hoàn toàn.
Nhận xét về các kế hoạch cho một dự án truyền đạo tại Đông Dương, Hồ đã nói rằng những mục đích của Mục sư Soulier là “cực kỳ đáng tuyên dương”, ông còn đi xa hơn nữa bằng việc trấn an nhà truyền giáo rằng ông hy vọng “với cả tấm lòng tôi rằng ông sẽ thành công trong việc nhanh chóng truyền bá tôn giáo cách tân trên đất nước tôi.”
Những từ ngữ này thật bất ngờ đối
với một lãnh tụ Cộng sản tương lai và người đứng đầu trong phong
trào kháng chiến giành độc lập quốc gia, nhưng vị thế của Hồ trong
bức thư cũng rất khác biệt với một người Thiên Chúa giáo chính
thống. Ông không bày tỏ về quan điểm nhận định giá trị đạo đức trực
tiếp của giáo phái Tin Lành, và cũng không đi vào việc thảo luận
thần học đối với những giá trị riêng biệt của giáo phái cách tân
này, hoặc những dị biệt của nó đối với Công giáo hay bất kỳ tôn giáo
nào khác. Thay vì thế, ông ca ngợi giá trị nhân bản toàn cầu từ
những hệ tư tưởng khác nhau, được giải biện trong khái niệm “một Sự thật”, đặt trong một công thức: “Phật giáo + Khổng giáo + Thiên Chúa giáo = Đấng Toàn năng.”
Hồ Chí Minh tại hội nghị Versailles, năm 1919
|
Tuy nhiên, quan điểm đa phái liên
tôn này, trong khi có lẽ gây ấn tượng đối với người đọc hiện tại, nó
lại không phải là trọng tâm chính của lá thư. Động cơ chính của nó mang
tính xã hội hơn là tín ngưỡng, và tác giả quan tâm đến người dân được
truyền đạo nhiều hơn là bản thân quá trình truyền giáo. Khi chỉ ra
những đặc điểm trong nghị trình truyền giáo của Mục sư Soulier “dường như là đi ngược lại ý tưởng cơ bản trong hoạt động của Soulier,”
quan điểm chống đế quốc của Hồ được bộc lộ rõ ràng và mạnh mẽ bằng cách
sử dụng ngôn ngữ duy lý của Tin Lành, và trực tiếp kêu gọi người mục
sư bằng cách sử dụng những thuật ngữ của ông ta. Tuyên bố rằng thuật
ngữ “Đông Dương thuộc Pháp” mà Soulier dùng “hoàn toàn trái ngược” với việc truyền bá phúc âm, Hồ lập luận rằng “cũng như mọi điều thuộc về tư tưởng”, tôn giáo phải là phi biên giới và “đứng trên bất kỳ chủ nghĩa quốc gia cũng như quyền lợi chính trị nào,” và sau đó kêu gọi Soulier thay vì thế nên sử dụng từ “Đông Dương” mà không kèm theo tính từ “thuộc Pháp”. Công việc của Chúa, ông đồng ý, là một nỗ lực nhằm giải phóng, trong khi đó chủ nghĩa thực dân “là một hành động đàn áp và chinh phục.”
Vì thế ông vạch ra sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa chủ nghĩa thực dân và
công việc truyền giáo, biến quá trình phi thực dân hoá thành một điều
kiện tiên quyết trong việc cách tân tín ngưỡng, theo lập luận của ông,
là “một Đông Dương bị kềm kẹp không thể thực sự là một Đông Dương của Thiên Chúa giáo.”
Để liên kết sâu thêm nghị trình
chống thực dân của mình vào việc phê bình chiến lược của Soulier, ông
đồng ý với khẳng định của đạo Tin Lành rằng người Việt đang bị đày đoạ
về tinh thần và đạo đức, nhưng cũng mở rộng ra để bao gồm thêm là họ
cũng bị thiếu thốn về vật chất, xã hội và chính trị. Vì thế ông nhấn
mạnh rằng, công cuộc truyền đạo của Thiên Chúa giáo không thể đạt được
mục tiêu của mình, mà không đề cập đến những vấn nạn xã hội và chính trị
gây ra bởi chủ nghĩa thực dân: “những lợi tức đạo đức và lợi tức vật chất phải đi chung với nhau, vì không thể đạt được điều này mà không có điều kia.”
Bởi vậy ông đã đánh đổ dự án
truyền giáo thực dân bằng chính ngôn từ của nó; biến một người dân
Đông Dương thành một giáo dân tốt của Thiên Chúa thì không phải - và
không thể - giống như việc biến họ thành một công dân tốt của Pháp, và
vì thế truyền bá phúc âm không thể là một công cụ của chủ nghĩa thực dân. “Có phải một người tự do chính là người duy nhất được Chúa nhìn nhận không?” ông hỏi.
Trên tổng thể, bức thư giúp đem
lại một cái nhìn thấu đáo rất hấp dẫn đối với những hoạt động của Hồ
Chí Minh, một người yêu nước giỏi xã giao và giảo hoạt, khi ông tìm
những liên hệ và khuyếch trương lý tưởng của phong trào quốc gia đang
nổi lên tại chính trung tâm của thủ đô thuộc địa. Phó Giáo sư
Bourdeaux, trong những nhận định đăng tải cùng với bức thư viết rằng,
tài liệu này là bằng chứng bổ sung thêm vào nhận định giáo phái Tin Lành
cấp tiến là một phong trào mà Hồ đặc biệt gần gũi, trong những nỗ lực
ban đầu nhằm tìm kiếm hậu thuẫn cho mục đích chống thực dân của mình;
ông được biết là có liên lạc với những người Tin Lành quốc gia Trung
Quốc và Triều Tiên trong giai đoạn này, và nhiều nhà hoạt động nhân
quyền châu Âu mà ông làm việc chung có thể từng là thành viên của những
tổ chức Thiên Chúa giáo cách tân.
Bourdeaux cho thấy rằng “tài liệu này rõ ràng là thực, và [...] chắc chắn là của Hồ Chí Minh sau này.” Thậm chí tên tác giả rõ ràng bị viết sai, lại càng tăng thêm tính quan trọng của bức thư. Bourdeaux chỉ ra “Nguyen Ai Quâc,”
là cách viết gọn không chính thức của Nguyễn Ái Quốc theo quê hương
Nghệ An của Hồ, và việc sử dụng cách viết đời thường này cho thấy sự
gần gũi và tin cậy giữa hai người viết thư, cũng như khẳng định rõ rằng
bức thư này mang tính riêng tư, một trao đổi đơn thuần hơn là một bài
viết có chuẩn bị của một phát ngôn viên đại diện cho một tập thể hoặc tổ
chức.
Việc công bố bức thư đầy bất ngờ, kèm
với bài viết có nghiên cứu kỹ lưỡng của Bourdeaux cung cấp lượng thông
tin toàn diện về xuất xứ của những người trao đổi thư từ với Hồ, và
những liên kết quốc tế giữa “những người truyền đạo chống đối”, chắc chắn sẽ là một tiến bộ đầy hứng khởi cho các học giả nghiên cứu về Việt Nam. Tài liệu cá nhân độc đáo này làm
phức tạp thêm bức tranh của chúng ta về ‘nhà Ái Quốc’ trong những năm
1920, đang trải qua quá trình cấp tiến hoá và quân sự hoá đầy nhanh
chóng. Nó cho thấy một bức tranh đầy sắc thái của một nhà ngoại
giao tài giỏi tinh tường, trong việc kêu gọi các thành phần khác nhau
bằng chính ngôn ngữ của họ. Sẵn sàng tiếp cận một cách đầy ngạc nhiên
với những dự án hội nhập văn hoá của các nhân vật tôn giáo từ châu Âu,
nhưng cũng mang tinh thần yêu nước đầy kiên quyết và chú trọng về mặt
chính trị trong thời kỳ chuyển hoá sự nghiệp của ông, bức thư cho thấy
người thanh niên họ Hồ đang ở ngưỡng cửa của quá trình nhận thức tư tưởng. Như Bourdeaux kết luận, “Thiên hướng nội tâm của Hồ Chí Minh đã được xác định. Giờ chúng chỉ cần củng cố thêm.”
Matthew ParsfieldLV chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment