VRNs (23.10.2012) – Sài Gòn – An ninh mật vụ đang dàn dựng bằng chứng để buộc tội nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, người Bình Thuận, sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Công nghiệp thực phẩm.
Chiều thứ bảy, ngày 20.10.2012 vừa qua, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên Phương Uyên đã đến nhà trọ của Phương Uyên thuộc phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Sài Gòn, gặp một nữ sinh viên ở cùng phòng trọ với Uyên, tên là Phương. Phương cũng là một trong bốn người đã bị công an bắt lên phường, nhưng sau đó Phương và hai sinh viên khác được ra về, một mình Phương Uyên bị giữ lại.
Bà Nhung cho biết, cô sinh viên tên Phương kể lại như sau:
Ngày hôm sau, tức thứ hai, 15.10.2012, một anh tên là Phong, mặc thường phục, nhận là công an và đòi cô Phương phải giao máy ảnh của Phương Uyên cho anh ta. Anh Phong xem ảnh xong rồi xóa hết ảnh trong máy.
Bà Nhung hỏi “cháu có biết trong máy ảnh có những hình gì không?”
Cô Phương trả lời: “Trong máy ảnh có 39 tấm, trong đó có 33 tấm chụp hình cầu vượt An Sương, 3 tấm chụp một thanh niên đeo khẩu trang, và 3 tấm chụp hình tờ tiền 500 đồng, trên tờ tiền viết bốn câu thơ chống Trung Quốc”.
Cô Phương cho biết thêm: “Anh Phong nói kiểm tra Phương Uyên có 200 tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng”.
Nghe bà Nhung kể chuyện, chúng tôi nhận thấy có nhiều điều phi lý:
1. Anh công an tên Phong đến thu máy chụp hình để tìm bằng chứng tội phạm thông qua các tấm ảnh đã chụp còn lưu lại trong máy. Vậy tại sao anh ta lại xóa các dữ liệu đó đi?
Theo cách suy nghĩ tự nhiên, có thể trong đó có những tấm hình liên quan đến chính anh công an tên Phong này, nên anh ta đã xóa để phi tan bằng chứng gốc, sau đó sẽ chép những hình ảnh khác vào máy để tạo ra bằng chứng giả buộc tội, tố cáo nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên.
2. Tại sao cô Phương bạn của Phương Uyên lại có thể nhớ chính xác trong máy đã chụp 39 kiểu, trong đó có 33 tấm cầu vượt An Sương, 3 tấm hình một đàn ông bịt khẩu trang và 3 tấm chụp tờ tiền có viết thơ chống Trung Quốc?
Nếu trước đây chụp hình bằng phim cuộn thì người chụp dễ dàng biết mình đã chụp bao nhiêu tấm, và chụp những kiểu nào. Còn bây giờ chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số thì khó ai có thể nhớ chính xác mình đã chụp bao nhiêu tấm, và những tấm đó có nội dung gì. Trừ hai trường hợp sau đây:
- chính cô Phương là người chụp những tấm ảnh đó, và có ý định sử dụng rõ ràng, nên mới nhớ từng tấm như vậy. Và cũng phải hiểu thêm một điều kiện nữa là cô Phương là người chụp ảnh điêu luyện, chụp tấm nào là dùng được tấm đó chứ không cần bỏ.
- cô Phương bị anh công an tên Phong “mớm cung”, để ai hỏi về nội dung máy ảnh của Phương Uyên thì cứ kể như vậy một cách mạch lạc. Nếu trường hợp này xảy ra thì đây là bằng chứng công an đang dựng ra những bằng chứng giả để mượn dư luận buộc tội Phương Uyên như cách đưa tin láo của công an cho các báo chí lề phải trước đây dẫn đến nhà báo Hải (Tuổi Trẻ), nhà báo Chiến (Thanh Niên) bị bỏ tù.
3. Việc anh Phong, công an nói Phương Uyên có 200 tờ tiền mệnh giá 10 ngàn đồng là điều do anh tự nói ra chứ không phải là kết quả dựa trên biên bản khám xét nhà của Uyên, vì cho tới nay, việc bắt Phương Uyên đã được công an thực hiện theo kiểu bắt cóc và khủng bố, chứ không tuân thủ theo pháp luật hiện hành của VN.
Nhưng tại sao lại phải đẻ ra chi tiết 200 tờ tiền mệnh giá 10 ngàn đồng?
Theo website www.tuoitreyeunuoc.com cho biết: “Rạng sáng ngày 10/10/2012 TTYN đã tiến hành một chiến dịch quy mô với kỹ thuật rãi truyền đơn mới bằng hộp tự động chế “hẹn giờ” tự động bung ra trên cầu Vượt An Sương, đoạn quốc lộ 1 A – Trường Chinh – Sài gòn. Số lượng 3,000 ngàn mẫu Tuyền Đơn và 2 triệu đồng giấy bạc Việt Nam được đổi ra tiền nhỏ với 4 nội dung kêu gọi đồng bào đứng lên chống lại cộng sản Việt Nam và tẩy chay hang hóa Trung Cộng”.
Rõ ràng công an Phong lại “mớm cung” cho cô sinh viên tên Phương để nói ra chuyện Uyên có quá nhiều tiền lẻ như là bằng chứng Uyên tham gia hoạt động được mô tả ở trên.
Rõ ràng đây là cách dàn dựng chứng cứ để buộc tội cho nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên.
Điều chúng tôi nói đây cũng gần với nhận định của mẹ cô Phương Uyên.
Xin mời quý vị nghe trực tiếp âm thanh trả lời của bà Nguyễn Thị Nhung để hiểu rõ hơn vấn đề.
No comments:
Post a Comment