Sunday, October 7, 2012

GIỐNG NỘI, QUẢ NGOẠI


Vũ Thế Phan (Danlambao) - “Không có nước lớn hay nước nhỏ mà chỉ có dân tộc nhỏ hay lớn. Đất rộng người nhiều mà dân khí tự ti, tự bỉ vẫn là nước nhỏ, dân tộc nhỏ. Đất hẹp người ít mà dân khí tự lập, tự cường thì ra nước lớn, dân tộc lớn!”
Cuối xuân vừa qua, vợ chồng bạn tôi đi du lịch Việt Nam. Khi trở về có biếu tôi một gốc Hoa Thiên Lý (hoa Lý, Telosma cordata). Chẳng là trước khi đi, hai bạn hỏi tôi có muốn mua thêm sách gì không vì cả hai đều biết tôi là mọt sách. Tôi bảo lần này thì không cần, nhưng bù lại, tôi hằng ao ước có một giàn Hoa Thiên Lý trong vườn nhà, kể từ ngày bắt gặp bài tuỳ bút tuyệt vời cùng tên của nhà văn Duyên Anh, cách nay trên 25 năm.

Trong vòng thân hữu, ông chồng tên Huấn vốn có tiếng có “Mano verde / Bàn tay xanh” tức rất khéo làm vườn: trồng chi trổ nấy; ngược lại với tôi, cũng có tiếng nhưng là tiếng trồng gì tuy không đột tử, chẳng chết mòn nhưng còi cọt, dẫu noi gương tiền nhân tôi thường xuyên học tập từ đủ loại sách về trồng này, trồng nọ. Mới hay học tập là một chuyện, làm theo được là khối chuyện...rất khác [*]. Cho nên hôm nhận chậu Thiên Lý, tôi vui quá là vui, làm cả bàn bù khú vui lây.

Qua “bàn tay xanh” của anh Huấn, một tháng sau gốc Thiên lý đã có 5 chiếc lá xanh mơn mởn trên hai nhánh non, dài chừng tấc rưỡi, bên cạnh có cắm một cái giàn chữ V làm bằng mấy lóng tre nhỏ. Nhìn gốc cây to cỡ đầu ngón chân cái người lớn và 5 chiếc lá, tôi nghĩ bụng e là Bonzaï, chưa kịp nói ra thì chị Huấn lên tiếng: - Đây là Thiên lý vườn à nghen, hạp với cái Pergola (giàn cho cây leo) bên hông nhà ông bà lắm đó. Tôi hỏi: - Làm cách nào anh chị đem qua được, theo lẽ EU cấm nhập chui cây xanh. Anh Huấn hào hứng tiếp lời vợ:

- [Hai đứa tui ra Lái Thiêu dung dăng ăn trái cây “live” từ đứng bóng đến xế chiều luôn. Tiện thể nhờ chủ vườn tìm cho một gốc Thiên lý để mốt mang về Ý tặng ông. Tui dặn kỹ: Hoa Thiên Lý ngoài trời, chứ không phải cây cảnh nội thất; chỉ cần nhú búp nhưng gốc nó ít nhứt phải bằng 2 ngón tay chập lại. Chừng hai tiếng sau, bác chủ vườn xách ra một cây Thiên lý cao chừng 50 phân, lá xum xuê nhưng có lẽ mới bị phạt ngang nên trông tươm như mới gặp bão, chấm phá hoa vàng lục, dưới gốc còn nguyên cục đất khá bự (chắc ổng bứng từ nơi khác về). Rồi ngay trước mặt hai đứa tui, ổng cắt gọn bề dài thân cây, giữ lại hơn gang tay, bỏ hết lá, tém cành và cục đất chằng chịt rễ mẹ rễ con, theo kích thước cái chai nhựa 2 lít đã được khéo léo rọc gần đứt đôi. Cây và chai khớp nhau rồi, ổng nhúng gốc cây vào lu nước một hồi, bọc kỹ phiá gốc bằng 2 cái túi nhựa, chọc thủng vài lỗ, đút vào cái chai, úp hai phần chai lại như cũ, lấy băng keo cuộn kín chỗ nối, xong từ đầu chai đổ nước vào khoảng 1/4 chai, vít nắp lại. Đưa chai Thiên lý cho bà xã tui, ổng vui vẻ nói: Biếu anh chị chút lưu niệm quê hương nhân chuyến ghé viếng vườn qua. Rồi ổng dặn, trong khách sạn, nhớ mở nắp chai, dựng ra hướng có nắng cho đến lúc gần giờ ra sân bay mới bỏ nó vô chung với hành lý; lại tỉ mỉ chỉ cách tưới bón, chăm nom, diệt sâu… Khi hai đứa tui chào ra về, ông chủ vườn nắm tay tui nói: “Biết nó có chịu được đất đai, khí hậu bên Ý không? Lần sau trở lại đừng quên cho qua biết kết quả, nhớ nghen”. Dĩ nhiên, tui đã theo cách của tui hồi đáp thật xứng đáng tấm chân tình của ông cụ.]

Đến trung tuần tháng Năm tôi chuyển cây Thiên lý sang một cái chậu 80 lít, đưa ra đặt dưới góc Pergola bên hông nhà, thay vì trồng thẳng xuống đất. Đấy là do tôi lo xa, dự kiến đưa vào nhà ngay khi phát hiện nó có triệu chứng dị ứng khi giao mùa. Mỗi ngày hai buổi sáng-chiều, tôi ra thăm nó, đếm từng lá, từng chồi. Năm nay tôi không đi đâu, nhất định nghỉ hè trong vườn với nó. Đêm khởi viết bài này – 22/09/2012, trời se se lạnh, Milano chính thức bước vào Thu. Cây Thiên lý trân quí của tôi đã nhú thêm được 8 tược, 3 nhánh mới; một trong hai nhánh cũ bắt đầu vươn tới xà ngang Pergola cao 2 thước. Tổng cộng có 6 lá bị úa rụng, nay còn đúng 31 chiếc màu cẩm thạch. 

Số phận cây Thiên lý gốc Việt, lưu lạc sang tận trời Ý từ hơn 4 tháng qua, rồi sẽ ra sao: Phát triển mạnh mẽ hơn hoặc sẽ yểu mệnh thành cát bụi nơi quê người, ai đoán định được?

*

Tôi có đọc đi đọc lại loạt bài phỏng vấn trước và trong chuyến công du CHXHCN - Việt Nam từ 17 đến 19 tháng 9 năm 2012 của ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ nước Đức gốc Việt, mồ côi từ 9 tháng tuổi: Philipp Rösler.

Toàn văn các câu trả lời phỏng vấn của PTT Đức P. Rösler, theo tôi, có thể tóm gọn vào câu thành ngữ Việt: Nhất nước-Nhì phân-Tam cần-Tứ giống. Có điều, thay vì mượn ngay cây Thiên lý trong vườn nhà tôi gần 5 tháng qua hầu liên tưởng tới trường hợp của P. Rösler, tôi lại dùng giống Cam để viết tiếp: Thứ nhất, dù chỉ là một khúc cây trụi lụi 2x 25 cm trốn trong cái chai 2 lít, qua được đến đây rồi trở thành con nuôi của tôi, ai cũng biết nó đã có căn cơ ít nhất vài lần 9 tháng tuổi so với P. Röesler: Gốc Thiên lý của tôi có thể là hình ảnh của cậu sinh viên 20 tuổi tên Ngô Bảo Châu, chân ướt chân ráo qua Paris năm 1992, được đất và nước Pháp cưu mang bồi dưỡng suốt 18 năm để hoá thân thành Fields Ngô Bảo Châu ngày nay trên…xứ Mỹ! Thứ hai, Cam có lắm ‘đa’ hơn Thiên lý. Ở ta, có phải dụng ích phổ thông của Thiên lý đại loại là hoa lá dùng Nấu canh tôm thịt, canh cua, canh giò (Thương chồng nấu cháo le le, nấu canh hoa Lý, nấu chè hạt Sen)…, Xào bò, Xào lòng gà…; ngoài ra lá cho Bóng mát, hoa cho Hương đêm (Dạ lý hương, Dạ lài hương)? Về Y khoa, Đông y đoán hoa lá Thiên lý có thể giải nhiệt, tẩy giun kim, thậm chí trợ dương cho nam giới. Còn Tây y, Wikipedia ghi Thiên lý có thể là “vị thuốc an thần, thuốc bổ tâm” nhưng lại “không bảo đảm tính pháp lý cho các thông tin có liên quan đến y học và sức khoẻ” (sic)! Về Kinh tế, cây Thiên lý thua xa cây Cam là điều miễn biện bàn. Nói tới cây Cam: nội ở Việt Nam, Cam cũng đã đa nguyên hơn Thiên lý. Đơn cử: Cam sành, Cam đường, Cam chanh, Cam bù, Cam quýt, Cam Ôn châu, v.v… Cụ thể hơn, theo chỗ tôi biết, Cam rất đa dạng, đa vị, đa dụng, đa năng… và đứng thứ tư trong các loài cây quả được trồng nhiều nhất trên thế giới: 1. Họ Cam-quýt (citrus fruits), 2. Táo, 3. Nho, 4. Cam.

Tôi thích đủ giống Cam, ngoại trừ cái giống mới do tập đoàn RS-MITDAC độc quyền phù phép, độc quyền sản xuất và độc quyền phân phối là tôi dị ứng, không ưa. Cam gì mà mới thấy đã khó thương. Cũng xanh thẩm, vàng nâu nhưng ruột toàn ruột hoá chất tức là đồ âm binh labô nên không cần đất, không cần nước để nẩy nở như Cam sành, Cam đường… Đất nước đối với thứ khó thương này là bằng không.

- Nó không cần đất, không cần nước, vậy nó sống bằng gì? 

- Nó chỉ sống bằng phân bón Polymer.

- Cam giả thì sản xuất làm chi?

- Để nó hút máu người! Tên khoa học của nó viết tắt là C.A.M.! [2]

*

Cụ thể về hiện tượng P. Rösler qua mấy câu trả lời thẳng thắn, mạch lạc, dứt khoát của ông làm tôi suy nghĩ gồm có:

1/ Anh có học một số từ tiếng Việt khi đến Việt Nam không? P. Rösler khẳng định: 

- Đó sẽ là một việc không thành tâm. Tôi có gắn kết với nước Việt Nam vì đó là một phần cuộc đời tôi, nhưng tôi đến Việt Nam lần này với tư cách Bộ trưởng Kinh tế Đức.

2/ Anh có từng cố học tiếng Việt hay không? P. Rösler trả lời chắc nịch:

- Không, tôi chưa từng có lý do nào để làm vậy. Tôi là người Đức, và tôi luôn cảm thấy mình giống như một người Đức. Đơn giản là tôi chẳng bao giờ có mong muốn quay trở về, vì Việt Nam chẳng có bất cứ ý nghĩa đặc biệt nào với tôi. Nếu anh không thiếu thứ gì, anh sẽ không đi tìm kiếm thứ gì cả.

3/ Tại sao anh không đi tìm cha mẹ ruột? P. Rösler chia sẻ thẳng thắn:

- Đối với tôi, cha (nuôi) tôi cũng như cha ruột. Mọi việc vẫn tốt đẹp theo cách của nó. Tôi không thiếu thốn bất cứ thứ gì.

4/ Anh có thôi thúc nào để tìm lại nguồn gốc của mình không? P. Rösler:

- Không, chưa bao giờ. Nước Đức là quê nhà tôi. Việt Nam là một phần cuộc sống của tôi mà tôi không có ký ức nào gợi nhớ về. Tôi lớn lên ở Đức. Ở đây có gia đình tôi, cha tôi và bạn bè tôi. (1-4: TheBox.vn)

5/ Với những người không được tự do để chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu tự do kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội.

6/ Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi mà có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào. (5-6: BBC)


PTT-Bộ trưởng Kinh Tế và Công nghệ Đức Philipp Rösler (24/02/1973)

Ý nghĩa câu thành ngữ: Nhất nước-Nhì phân-Tam cần-Tứ giống cho cá nhân tôi thấy rõ: Thời nay, cùng một giống cam mà có một số trường hợp không nhỏ khi Được ươm trồng ở thổ nhưỡng gốc thì vừa còc cọc vừa kém ngọt, Bị xuất khẩu qua xứ khác lại hoá to hơn và ngọt hơn.[3] Giống nội, Quả ngoại là vậy. Công dưỡng cao hơn “gấp vạn lần” công sinh là thế đấy, thưa bà GS-TS Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. 

Philipp Rösler chỉ là một trong những trường hợp Giống nội-Quả ngoại điển hình nổi sóng trên mạng toàn cầu, chứ chi li ra thì nhiều vô kể, trên mọi lãnh vực. Tuy vậy, có nhiều trường hợp Giống nội-Quả ngoại rất đáng khen, đáng tự hào, đáng “vơ về” vinh danh nhưng, éo le thay, chỉ vì chư vị ấy vừa có gốc người tàu (boat people), vừa vượt xa cái rọ ọp ẹp nên bị coi như 1/3 của câu “Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do.”[4] Có thể “vận dụng sáng tạo” thêm câu minh triết vĩ đại của cố giáo chủ Hồ Chí Minh «Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt.» thành “Tất cả những Giống nội-Quả ngoại không nằm trong rọ, đều là đồ bỏ”. 

Chắc chắn có rất nhiều trường hợp Giống ngoại-Quả nội lừng danh thế giới mà tôi chưa biết, tỉ dụ nhạc nội được chuyển ra lời ngoại (nhạc khúc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn, Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn là một biệt lệ “xưa nay hiếm”); phim nội được lồng tiếng ngoại (tôi chưa biết, ngược lại thì u ê). Riêng về sách nội được dịch ra ngoại ngữ thì tôi có biết như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du; sách của Nguyễn Huy ThiệpBảo NinhPhạm Thị Hoài, đặc biệt của Dương Thu Hương. Tóm lại, theo lời khuyên “Trăm năm trong cõi người ta / Cái gì muốn biết hãy tra gu-gồ” thì Giống ngoại-Quả nội tôi đếm chưa hết các ngón của tứ chi!

*

Đọc những câu trả lời phỏng vấn thượng dẫn rồi xem hoạt cảnh trao tặng Philipp Rösler bằng Tiến sĩ Kinh tế Danh dự của ĐH Quốc Dân-VN, bất chợt tôi nhớ lại một cảnh vinh danh Giống nội-Quả ngoại cách nay 2 năm và không thể không lắc đầu: Lại thêm một tiểu phẩm hài, NBC Fields bis. 

Tại sao vậy? Tự nhân danh cho cả một khối dân tộc “văn hiến, anh hùng cách mạng”, mà sao cứ hết lần này đến lượt khác hả hê bộc lộ mặc cảm ti tiểu một cách đến là hoành tráng? Tại sao cứ trân tráo nhận vơ, có ké những thứ không thuộc về mình, không do mình cưu mang gầy dựng? Chẳng lẽ đó là di căn của tiền nhân? Ngoại giao ư? - Bặt thiệp với xun xoe chỉ cách nhau có một sợi tóc! 

Không dân tộc nào ngu dốt đến mức dám tỏ thái độ hay mở mồm khinh dân tộc khác, chỉ có lãnh đạo cà chớn mới lu loa khinh dân tộc mình hầu khoả lấp sự ngu dốt của chính mình! Tưởng đạp thiên hạ xuống thì mình sẽ ngoi lên? Tưởng làm như thế là khoả lấp được sự ngu dốt của chính mình? Không có nước lớn hay nước nhỏ mà chỉ có dân tộc nhỏ hay lớn. Đất rộng người nhiều mà dân khí tự ti, tự bỉ vẫn là nước nhỏ, dân tộc nhỏ. Đất hẹp người ít mà dân khí tự lập, tự cường thì ra nước lớn, dân tộc lớn! Thế kỷ 19: Bồ Đào Nha là nước nhỏ? Trước thế chiến 2: Trung Quốc là nước lớn? Ngày nay: Singapore, Nam Hàn, Thụy Sĩ, Luxembourg, Brunei...: là nước nhỏ hay nước lớn? Nigeria, Bắc Hàn, Bangladesh, Pakistan...: là nước lớn hay nước nhỏ?




Nghĩ cũng lạ: Chỉ trong vòng hơn 20 năm học đòi Đổi Mới theo lối tụi giãy chết, ông bà “vì dân, vì nước” nào cũng úc núc cứ gọi là; cũng nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu; mục tiêu “Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội công bằng - Dân chủ - Văn minh” nghe nói đã trong tầm với, thế mà cái cốt cách tủn mủn khôn vặt, nếp văn hoá Bao cấp-Tem phiếu sao khó tẩy thế!

Lời cuối: Thời nay, cùng một giống cam mà có một số trường hợp không nhỏ khi Được ươm trồng ở thổ nhưỡng gốc thì vừa còi cọc vừa kém ngọt, bị xuất khẩu qua xứ khác lại hoá to hơn và ngọt hơn. Do đâu? Do đâu? là câu hỏi cầu mong được các bậc cao minh chỉ giáo.

_________________________

Chú thích:

[1] Còn Nói một đàng, Làm một nẻo lại là vô số chuyện khác hơn, song đó là chuyện khác. Học đòi Thừa A-tý, tôi ra công văn cấm chúng nó chung chạ trong bài này.

[2] Giống cam này, Peter Steiner có câu: On the internet, no body khows you’re a dog / Trên Internet không ai biết mày là một con chó!

[3] Bài sau sẽ bàn tới hiện tượng “Chảy máu chất xám / Brain drain”.

No comments:

Post a Comment