Phair Zios - * Thưa Thủ tướng, tham nhũng đã là quốc nạn, nhân dân rất hoan nghênh và rất đồng tình với những việc làm quyết liệt của Thủ tướng vừa qua. Nhưng tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, Thủ tướng sẽ tiếp tục làm gì và làm thế nào để đẩy lùi cho bằng được quốc nạn này? Thành Dương ( Hà Nội); Tô Linh (TP.HCM) và rất nhiều bạn đọc khác.
Đây là một phần trả lời của Thủ tướng trong buổi giao lưu trực tuyến với nhân dân ngày 9-2-2007. Năm năm đã trôi qua, kể từ ngày ấy... Nay có thời gian đọc lại để ngẫm chút.
Nhận thức rõ sự nghiêm trọng của nạn tham nhũng, vừa qua Ban Chấp hành TW đã có Nghị quyết về phòng chống tham nhũng. Hội nghị TW 3 đã có chuyên đề toàn diện về vấn đề này. Quốc hội cũng ban hành Luật phòng chống tham nhũng. Chính phủ đã có Chương trình hành động phòng chống tham nhũng, thông qua nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu. Các công việc này cần được tiến hành trong cả nước. Kiên quyết, kiên trì, đồng bộ tiến hành các giải pháp nhằm đẩy lùi tham nhũng. Trong quá thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp phòng chống tham nhũng, chúng tôi đã triển khai tập trung 2 nhóm nhiệm vụ:
Thứ nhất, kiên quyết khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ tham nhũng. Các Bộ, ngành, trung ương cũng như địa phương cũng phải làm như vậy. Những biện pháp đó vừa nghiêm trị những kẻ tham nhũng, và cũng có tác dụng ngăn ngừa tham nhũng. Theo tôi, hiện nay không phải chỉ có 7 vụ mà tới 8 vụ tham nhũng nổi cộm nhân dân cả nước đang quan tâm. Bộ Công an đã báo cáo, trong 8 vụ tham nhũng nổi cộm cơ bản đã hoàn thành quá trình điều tra 7 vụ. Còn vụ tiêu cực, tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn, Hải Phòng đang tiến hành điều tra. Tôi xin khẳng định với tất cả các đồng chí, đồng bào, những vụ việc mà các đồng chí, đồng bào quan tâm sẽ được xét xử công khai, nghiêm minh.
Thứ hai, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo rà soát các cơ chế, thể chế, thủ tục để bổ sung, hoàn thiện, nhằm ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng. Vì đây là nơi, điều kiện phát sinh tham nhũng.
Đó là 2 nhóm nhiệm vụ chính. Nếu có nhiệm vụ thứ 3, thì đó là phải nâng cao đạo đức, trách nhiệm của công chức. Dù thể chế, cơ chế có chặt đến đâu thì nếu còn người có rắp tâm ăn cắp của công, tham nhũng thì vẫn khó ngăn chặn. Chúng ta phải dồn sức thực hiện hai nhóm nhiệm vụ trên và thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ.
No comments:
Post a Comment