Wednesday, October 17, 2012

MÀN KHÉP. LÃNH ĐẠO XUỐNG ĐƯỜNG (TRỪ ĐỒNG CHÍ X)


Chủ tịch nước: “Điều dân và Đảng đang đòi hỏi chính là hành động”

Nguyễn Cường - Như Sương (Infonet) - Phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri tại quận 1, TP.HCM trong sáng nay (17/10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, công cuộc xây dựng đảng không phải chỉ phê và tự phê bình là chấm dứt, bản thân nghị quyết TW 4 với 4 mảng vấn đề lớn, mà vấn đề đầu tiên mà Đảng tiến hành là công tác phê bình – tự phê bình, đây là khâu quan trọng, nhưng không phải khâu duy nhất, đây cũng chỉ là kết quả bước đầu. Đối với toàn Đảng, các ban ngành TW và bản thân Bộ chính trị vẫn còn rất nhiều việc phải làm..
Bức xúc trước tình trạng tham nhũng lan tràn hiện nay, nhiều người dân tại đây đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm đến Chủ tịch nước và các vị đại biểu Quốc hội. Cử tri Huỳnh Thanh Long chất vấn: “Tại sao Việt Nam càng ngày tham nhũng càng nhiều mà không trị được”.

Trong khi đó bà Trần Thị Lệ Phương (Liên đoàn Lao động Quận 1) cũng cho rằng: “Chúng ta đã xác định chống tham nhũng là quốc sách, nhưng chúng ta càng chống thì tham nhũng càng tràn lan và trở nên nặng nề, xảy ra mọi lúc mọi nơi, đây là căn bệnh rất trầm kha”.

Khung cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Vị cử tri này mong muốn trong thời gian tới “Quốc hội phải đưa ra cách giải quyết để thật sự giải quyết được dần tham nhũng”. Bà Phương cũng đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM trong thời gian tới nên đặt đó là trọng tâm công tác trong suốt nhiệm kỳ. Đến cuối nhiệm kỳ “nếu chống tham nhũng không có chuyển biến, thì đó là lỗi rất lớn đối với nhân dân”. Thêm đó vị cử tri này nhấn mạnh: “Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm cũng nên cần làm sớm, và làm tốt”

Riêng đại biểu Đỗ Đức Căn (phường Tân Định) cho rằng trong công tác chống tham nhũng hiện nay có nhiều phấn khởi bởi: “Rõ ràng chúng ta đã tắm gọi từ đầu gội xuống, tuy rằng chưa rõ cụ thể nhưng chúng tôi vẫn tin trên có nghiêm, thì dưới mới minh”. Vị đại biểu này cũng cho rằng chúng ta phải là sao để “không hổ thẹn với tiền nhân” – như bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước đó.

Về cơ chế giám sát và phản biện đã được nêu ra trong nghị quyết TW 4, cử tri Vương Liêm cho rằng, trong nghị quyết đã nêu rõ cơ chế này sẽ được các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng trong năm nay, nhưng hiện tại đã là giữa tháng 10 “chúng ta vẫn chưa nghe tăm hơi gì về thông tin cơ chế này được tiến hành như thế nào”.

Trả lời những thắc mắc của cử tri, Chủ tịch Trương Tấn Sang nêu rõ, công cuộc xây dựng đảng không phải chỉ phê và tự phê bình là chấm dứt, bản thân nghị quyết TW 4 với 4 mảng vấn đề lớn, mà vấn đề đầu tiên mà Đảng tiến hành là công tác phê bình – tự phê bình, đây là khâu quan trọng, nhưng không phải khâu duy nhất, đây cũng chỉ là kết quả bước đầu. Đối với toàn Đảng, các ban ngành TW và bản thân Bộ chính trị vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Chủ tịch Trương Tấn Sang trả lời cử tri

Kỳ họp tới đây của Quốc hội sẽ thông qua quy chế, sẽ là cơ sở pháp lý để Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, đây là công tác kiểm tra, giám sát hết sức trực tiếp, và trong BCH TW hàng năm cũng sẽ làm như vậy.

Về vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN), Chủ tịch nước cho biết, kỳ họp tới đây sẽ sửa luật PCTN, thay thế Ban chỉ đạo PCTN của nhà nước để Đảng trực tiếp chỉ đạo, sau khi sửa luật, Đảng sẽ tiến hành công tác này và công bố nhân sự Ban nội chính TW.

Tuy nhiên Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Đó chỉ là quyết tâm chính trị, điều dân và đảng đang đòi hỏi chính là hành động”. Chủ tịch nước cũng đề nghị: “Cô, bác, anh chị, các đồng chí, không những người có mặt tại đây mà toàn đảng, toàn dân, toàn quân hay phát huy sức mạnh của nhân dân, phát huy sức mạnh của Đảng” trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Chủ tịch nước thẳng thắn về tình trạng một số người chống tham nhũng bị “trù úm ghê gớm”, nhưng khẳng định “vì lý do sợ sệt đó mà để cho những kẻ xấu len lỏi trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, làm những điều sai trái, phương hại đến lợi ích Quốc gia, phương hại đến toàn dân, chế độ, hỏi thử toàn dân, toàn Đảng, toàn quân này có chấp nhận được không – chắc chắn không chấp nhận”.Chủ tịch nước khẳng định: “Người ta có thể trù úm một người, nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.

Kết thúc buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Chúng tôi đã làm được nhiều việc, nhưng vẫn chưa tương xứng với mong đợi của Đảng và nhân dân”. “Chúng tôi còn nhiều lỗi lớn, nhưng cũng mong rằng cô bác, anh chị hãy tự suy nghĩ về chức trách của mình. Vì đất nước này, tổ quốc này không phải là của riêng một người, không phải của Bộ chính trị hay ban ngành TW”. Chủ tịch nước cũng khuyên các cử tri đừng thụ động mà hãy bày tỏ chính kiến của mình, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình khi gặp những người nắm cương vị lãnh đạo.



*

Lấy phiếu tín nhiệm để cảnh tỉnh, răn đe 

Thứ Tư, 17/10/2012 23:32 

T.Dũng-V.Tùng (NLĐ) - Ngày 17-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 (quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ). 

Trao đổi với cử tri về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây cũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về quản lý cán bộ. “Nếu 2 lần lấy phiếu không quá bán thì đương nhiên phải bỏ phiếu tín nhiệm để bãi miễn. Không phải kỷ luật nhiều là tốt mà hình thức này chủ yếu có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa” - Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Tổng Bí thư cũng thông báo với cử tri những nội dung cơ bản đã được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6. Trong đó, có nhiều vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm như sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tháo gỡ những vướng mắc về giá đất, việc thu hồi đất, quản lý, sử dụng đất; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước... 

Ngoài các vấn đề xung quanh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cử tri cũng quan tâm nhiều tới vấn đề dân sinh như lạm phát tăng cao; khám chữa bệnh cho người có BHYT còn nhiều bất cập; tình trạng tham nhũng, lãng phí; bất cập trong chính sách giải phóng mặt bằng, xử lý dự án treo... 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Mong người dân chung tay chống tham nhũng 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 3 - TPHCM. Ảnh: VĨNH TÙNG

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc cử tri tại 2 quận 1 và 3 - TPHCM. Tại buổi tiếp xúc ở quận 1, nhiều cử tri đặt vấn đề: Có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhưng sao nước ta lại chậm phát triển, có phải là do tệ nạn tham nhũng? Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng có nhiều lý do khiến nước ta phát triển chậm, trong đó chắc chắn có vấn đề tham nhũng. Đây là một sự thật không thể né tránh, mặc dù nói ra điều này là hết sức đau lòng. 

“Việc xây dựng một mét cầu hay một mét đường đắt hơn gấp đôi so với Thái Lan và Trung Quốc. Nói mãi, kiểm tra mãi vẫn chưa ra. Điều này chắc chắn có yếu tố tham nhũng” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định. 

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cử tri TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn người dân TP sẽ chung tay cùng với Đảng và Nhà nước chống tham nhũng. 



*

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Người dân hãy cùng Đảng và Nhà nước phòng chống tham nhũng” 

Quỳnh Mai (PNO) - Ngày 17/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có hai buổi tiếp xúc cử tri tại quận 1 và 3 TP.HCM để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về vấn nạn tham nhũng. 

Cử tri Trần Minh Quang (P.Bến Thành, Q.1) cho rằng, Hội nghị Trung ương 6 đã thừa nhận “có một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng”. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất nguy hiểm. “Tôi nghe nói, ta chuẩn bị sửa luật Phòng chống tham nhũng bằng bỏ phiếu tín nhiệm… Tôi đề nghị, trên 50% tín nhiệm thì giữ lại, nếu dưới 50% tín nhiệm thì cách chức cán bộ đó, còn dưới 30% thì cho người này về làm thường dân”- ông Quang đề nghị. 

Cử tri Lê Công Minh đề nghị, Quốc hội cần nâng cao vai trò giám sát và quyết liệt chặn đứng tham nhũng bằng cách ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chống tham nhũng, xây dựng thiết chế để hỗ trợ chống tham nhũng, từng đại biểu Quốc hội phải nâng cao vai trò phát hiện tham nhũng… 


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri TP.HCM 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn những ý kiến của cử tri TP.HCM và mong muốn người dân thành phố sẽ chung tay cùng với Đảng và Nhà nước chống tham nhũng. 

Chủ tịch nước hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để chống tham nhũng nhưng cũng mong mọi người hãy phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, nếu biết được chuyện gì hãy gửi đơn thư đến cơ quan chức năng. “Nếu chúng ta sợ hãi, cứ để những kẻ xấu len lỏi trong Đảng, trong Nhà nước, làm những điều sai trái, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, phương hại đến chế độ, đến nhân dân thì thử hỏi toàn dân tộc này, toàn Đảng này, toàn quân này chấp nhận được không? Chắc chắn không chấp nhận được”, ông khẳng định. 

Do đó, Chủ tịch nước mong muốn người dân hãy cùng với Đảng và Nhà nước phòng chống tham nhũng. “Chúng tôi có 14 đồng chí trong Bộ Chính trị là có 28 con mắt, nhưng toàn dân có gần 90 triệu người, tức là có gần 180 triệu con mắt thì người dân có thể nhìn thấy mọi điều, mọi nơi, mọi chỗ”, ông Sang nói. 

Chủ tịch nước cũng cho biết, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ sửa Luật phòng chống tham nhũng, tạo động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm. 



*

Kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình có tác dụng giáo dục, răn đe 

QĐND Online – Ngày 17-10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Khu vực bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm và quận Tây Hồ trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. 

Tại quận Hoàn Kiếm, các cử tri Lê Đình Luyến (phường Cửa Đông), Nguyễn San (phường Hàng Bông), Nguyễn Hữu Cự (phường Hàng Đào), Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã), Nguyễn Tiến Quảng (phường Phúc Tân), Đào Viết Thanh (phường Hàng Trống, Nguyễn Văn Hiểu (phường Phan Chu Trinh), Nguyễn Văn Năm (phường Phan Chu Trinh), Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) cùng nhiều cử tri khác đã phản ánh đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội những mối quan tâm của nhân dân quanh nội dung Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu. 

Vấn đề được nhân dân quan tâm trông đợi nhất vẫn là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sắp được Quốc hội thảo luận, quyết định trong kỳ họp lần này. Ông Nông Quang Lộc, cử tri phường Hàng Mã cho biết: Người dân Hà Nội đã hồi hộp theo dõi quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị. Khi thấy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị chân thành nhận khuyết điểm trước nhân dân, ai cũng xúc động. Nhân dân rất mong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng sửa chữa khuyết điểm, lãnh đạo đất nước tiến lên. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng: Thấy khuyết điểm rồi thì xử lý kỷ luật phải nghiêm minh. Vì vậy, đề nghị Bộ Chính trị cần tiếp tục nghiên cứu, nếu phát hiện đảng viên sai phạm, dù cấp cao vẫn phải xử lý kỷ luật để làm gương cho cấp dưới. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cử tri Quận Hoàn Kiếm. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của cử tri và sẽ báo cáo lại với Quốc hội theo đúng quy định. Đề cập đến những yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước thời gian gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng nguyên nhân nằm ở khâu thể chế hóa, cụ thể hóa của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó là vấn đề công tác cán bộ, nhiều cán bộ chưa đủ năng lực, trình độ cũng như uy tín, phẩm chất đạo đức chưa ngang tầm vị trí công tác của mình. Cùng một cơ chế hiện nay nhưng có tỉnh này, thành phố này làm tốt, nhưng tỉnh kia, thành phố kia lại không làm được. Vấn đề yếu kém của đội ngũ cán bộ, đã được Trung ương Đảng nhận ra nên chắc chắn việc khắc phục sẽ được tiến hành mạnh mẽ trong thời gian tới. Một nguyên nhân khác là yếu tố phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước còn chồng chéo, còn để lợi ích nhóm chi phối, chưa chú ý đến quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt là ở cơ sở, việc thực hiện chưa nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở là lý do dẫn đến việc cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa được lòng dân, để dân nghi nghờ về thái độ phục vụ, quản lý. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ tác động lớn đến việc khắc phục những tồn tại, yếu kém nói trên. Tác dụng giáo dục, răn đe sau khi cấp ủy các cấp tiến hành tự phê bình và phê bình là rất lớn; những nhân tố tích cực, những đảng viên tiêu biểu, gương mẫu sẽ được động viên, cổ vũ; những đảng viên có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa sẽ bị đấu tranh và buộc phải sửa chữa khuyết điểm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong mỏi cử tri tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, đoàn kết quanh Trung ương Đảng, tạo thành sức mạnh dân tộc để đưa đất nước vững bước trên sự nghiệp đổi mới. 

* Chiều ngày 17-10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Khu vực bầu cử số 1 tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Đông đảo cử tri quận Tây Hồ đã đến dự buổi tiếp xúc. 

Các cử tri: Lê Minh Tuấn (phường Thụy Khuê), Nguyễn Văn Truyền (phường Xuân La), Bùi Thị Hương (phường Thụy Khuê), Nguyễn Văn Tá (phường Yên Phụ), Nguyễn Thị Hòa (phường Yên Hòa), Lê Văn Lịch (phường Thụy Khuê), Nguyễn Hùng (phường Thụy Khuê), Vũ Thị Kim Thúy (phường Phú Thượng)… đã gửi gắm đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội những mối quan tâm của nhân dân về nội dung Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); những bất cập của Luật Đất đai; việc đền bù, giải phóng mặt bằng; tình trạng lạm thu và dạy thêm, học thêm trong giáo dục; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm; năng lực quản lý nhà nước của hệ thống chính quyền các cấp... là những nội dung được cử tri đề cập nhiều nhất. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội). 

Ông Lê Văn Lịch, cử tri phường Thụy Khuê (Tây Hồ) cho rằng: Liên tiếp 3 kỳ hội nghị gần đây của Trung ương Đảng đều đề cập đến những vấn đề vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp thiết, trước mắt của đất nước. Nhân dân hoan nghênh quyết tâm làm trong sạch hệ thống chính trị của Đảng; nhất là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này cần làm đến nơi, đến chốn; làm kiên quyết từ trên xuống dưới, không được e dè, nể nang. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của cử tri để báo cáo với Quốc hội theo trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. 

Đồng chí Tổng bí thư dành thời gian trao đổi, chia sẻ với các cử tri về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, sao cho xứng đáng là lực lượng công bộc của dân, gương mẫu đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. 

Liên quan đến những vấn đề về Luật Đất đai – một vấn đề được nhiều cử tri đề cập, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Quan điểm nhất quán của Đảng là đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Trải qua một thời kỳ đấu tranh cách mạng lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta mới giành lại quyền sở hữu đất đai, thực hiện “người cày có ruộng”, vì vậy quan điểm này là nguyên tắc cho quá trình sửa đổi Luật Đất đai. Thực hiện giá đất do Nhà nước quy định phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Không để các nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất về giá đền bù, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Phải đứng vững trên những luận điểm này, việc sửa đổi Luật Đất đai mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai như hiện nay. 

Về công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đang diễn ra hiện nay theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt và tự giác. Không đảng viên nào được tách mình ra khỏi kỷ luật Đảng. Tại Hội nghị lần thứ 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình và lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tập thể Bộ Chính trị và từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những ưu điểm và nhất là khuyết điểm của mình. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều hết sức thấm thía, day dứt trước những thiếu sót, khuyết điểm, tự nhận thấy phải nghiêm khắc với mình hơn. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Tác dụng giáo dục, răn đe sau khi cấp ủy các cấp tiến hành tự phê bình và phê bình là rất lớn; những nhân tố tích cực, những đảng viên tiêu biểu, gương mẫu sẽ được nhân dân động viên, cổ vũ; những đảng viên có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa sẽ bị đấu tranh và buộc phải sửa chữa khuyết điểm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, với niềm tin mới, khí thế mới có được sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), toàn Đảng, toàn dân ta sẽ đoàn kết, đồng lòng, đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu trong Đảng và toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2012. 

Tin, ảnh: Hồng Hải

No comments:

Post a Comment