Hữu Danh (Dân Việt) - Chiều 3.10, phóng viên Dân Việt có mặt tại khu dinh thự của ông Trầm Bê. Giữa những căn nhà lá rách nát, khu nhà hoành tráng của ông vươn lên sừng sững đối lập hoàn toàn với cảnh nghèo nơi đây.Vụ đại gia Trầm Bê mất trộm sừng tê giác bạc tỷ vừa xảy ra đã gây chấn động xã nghèo Hàm Tân (Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan chức năng, người bị mất sừng tê giác không có tên trong danh sách những người xuất và nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác.
Vụ trộm tại “xã an toàn”
Thượng úy Lê Trần Nghĩa – Trưởng Công an xã Hàm Tân cho biết, Hàm Tân được công nhận là “Xã an toàn” từ tháng 6.2009. Từ ngày thành lập đến nay, Hàm Tân chưa bao giờ xảy ra vụ việc gì liên quan đến an ninh trật tự. Người dân sống rất hiền hòa, đến chuyện cãi vã nhau cũng hiếm khi xảy ra. Thậm chí, nhiều năm nay chưa có người dân Hàm Tân nào có hành vi vi phạm pháp luật ở nơi khác bị thông báo về địa phương.
“Chiều 27.9, người thân của ông Trầm Bê đến trụ sở Công an xã báo mất sừng tê giác. Ngay sau đó, chúng tôi báo về Công an huyện để nơi này xử lý vì vụ này vượt thẩm quyền cấp xã” - thượng úy Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, khu dinh thự của ông Trầm Bê rất rộng. Khu này có khoảng 13 bảo vệ, an ninh khá nghiêm ngặt.
Khu dinh thự - nơi mất sừng tê giác của ông Trầm Bê nằm giữa vùng quê nghèo.
Ông Cao Thanh Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết, ông hoàn toàn bất ngờ trước thông tin sừng tê giác bạc tỷ bị mất trên địa bàn, bởi lâu nay xã này tuyệt đối an toàn. Tại quê nhà Hàm Tân, ông Trầm Bê không có đóng góp nào trực tiếp đối với địa phương, cũng không đầu tư làm ăn tại đây nhưng người dân vẫn quý mến vì ông Trầm Bê đã từng bỏ tiền ra tu sửa chùa Vàm Rây (còn gọi là chùa Phật Nằm với kinh phí hơn 1 triệu USD – PV).
“Hoàn thành năm 2008, khu dinh thự của ông Trầm Bê vẫn mở cửa cho các đoàn khách T.Ư và địa phương tham quan. Mỗi lần cấp trên yêu cầu, tôi sẽ liên hệ với người quản lý để họ mở cửa và hướng dẫn tham quan” - ông Hiền nói.
Chiều 3.10, phóng viên Báo NTNN có mặt tại khu dinh thự của ông Trầm Bê. Giữa những căn nhà lá rách nát, khu nhà hoành tráng của ông vươn lên sừng sững đối lập hoàn toàn với cảnh nghèo nơi đây. Biết tôi là nhà báo, một người dân chép miệng: “Chú vào không được đâu. Ở đây toàn đón khách đi xe hơi sang trọng không hà. Tụi tui ở đây cũng không biết ở trỏng có gì, chỉ nghe nói xa hoa dữ lắm”.
Nói chuyện mất trộm, một người dân chỉ vào cánh cổng bề thế, nói: “Con kiến cũng không lọt vào được, kẻ trộm chắc phải cao thủ lắm”. Khi tôi đến cổng khu dinh thự, vòng ngoài có 3 người bảo vệ đang đứng. Tôi trình thẻ nhà báo và xin được gặp người quản lý để hỏi thông tin. 2 người bảo vệ mặc đồng phục hỏi ý kiến người mặc thường phục, sau đó nói ngắn gọn: “Anh không được vào”.
Chúng tôi lại tìm đến trụ sở Công an huyện Trà Cú để tìm hiểu thông tin, nhưng lãnh đạo ở đây đều bận công tác. Trao đổi qua điện thoại, thượng tá Nguyễn Văn Thuyền – Trưởng Công an huyện Trà Cú cho biết: “Vụ này chúng tôi đang làm, chưa khởi tố vụ án nên vẫn chưa có thông tin gì để cung cấp cho nhà báo”.
Đề nghị làm rõ nguồn gốc
Điều dư luận quan tâm là, liệu ông Bê có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi sở hữu sừng tê giác hay không? Được biết, ngay trong sáng 3.10, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) đã có văn bản chính thức gửi tới Công an Trà Cú đề nghị làm rõ vấn đề này.
Hiện Công an Trà Cú đã tiếp nhận văn bản và tiếp tục làm rõ. Theo đó, WCS đã có điều tra riêng, cụ thể đã trao đổi với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) là nơi quản lý việc buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo đó, ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người được nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi. Vì vậy, WCS cho rằng, chiếc sừng tê giác mà ông Trầm Bê bị mất có khả năng là đồ bất hợp pháp.
Trao đổi với PV NTNN qua điện thoại, ông Đỗ Quang Tùng – Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết, cơ quan này đã có buổi làm việc với WCS về tính hợp pháp đối với “sừng tê” của ông Trầm Bê:
“Chúng tôi quản lý chặt chẽ việc mua bán sừng tê giác, muốn mua bán phải có giấy phép. Trong danh sách do chúng tôi quản lý không có tên ông Trầm Bê” - ông Tùng khẳng định. Hiện phía WCS đang chờ trả lời từ phía cơ quan công an và sẽ có thông tin chính thức.
*
Đại gia mê sừng tê, dân đen xơi gà dành cho gia súc
(Trái hay Phải) – Dù vô cùng cọc cạch, người viết bài này xin được đặt chuyện một đại gia bỏ 4 tỷ đồng ra mua sừng tê giác cạnh chuyện giới bình dân nhiệt tình xơi loại thực phẩm mà xứ người dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thông tin đáng chú ý hàng đầu trên báo chí hôm nay có lẽ là câu chuyện về cái sừng tê giác bị mất cắp của Trầm Bê. Không tính đến những thông tin có liên quan về khối tài sản nghìn tỷ của đại gia này, xét riêng ở khía cạnh cái sừng này từ đâu và giá trị của nó ra sao cũng có ối chuyện thú vị kỳ cục.
Điều đầu tiên có thể khẳng định rằng chiếc sừng tê này là đồ xịn trăm phần trăm, trước hết là vì chuyện mất cắp do chính các bảo vệ của đại gia này thông báo với cơ quan công an. Thứ nữa, Trầm Bê là một đại gia có tiếng với khối tài sản cả nghìn tỷ, cái sừng 4 tỷ chẳng qua cũng chỉ tương đương một mẩu tài sản, không lẽ ông ta chơi sừng trâu sừng bò để thiên hạ cười vào mũi?
Ngay cả đích thân khổ chủ khi lên tiếng với một hãng tin nước ngoài cũng lờ tịt đi chuyện hàng xịn hay hàng rởm, thành ra băn khoăn của thiên hạ dồn vào việc cái sừng quý hơn vàng kia có xuất xứ như thế nào, hợp pháp hay không. Ờ nhỉ, hình như sừng tê giác là hàng cấm, hàng lậu đấy chứ mà sao đại gia này khai báo với công an và kêu toáng trên báo chí cứ như sừng trâu ấy nhỉ? Mà không biết các chú công an có rụt rè hỏi lại: sừng tê giác châu Phi hay sừng tê giác Việt Nam và làm sao anh có hẳn một cái? Cho đến giờ, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào trên báo chí trong nước trả lời câu hỏi này, dù Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã cho biết họ nghiêng về phía giả thiết bất hợp pháp, với một giọng điệu vô cùng thận trọng như thể của các nhà ngoại giao.
Riêng về tình yêu bất tận với loài tê giác thì người Việt từ lâu đã không còn giấu giếm và thế giới cũng từng nhiều lần bày tỏ sự thán phục. Nếu ở trong nước, con tê giác cuối cùng tại Cát Tiên đã lên đường thăm Diêm Vương thì hồi tháng 4 vừa qua, Nam Phi cũng ban lệnh cấm người có quốc tịch Việt Nam săn bắn tê giác ở nước này. Còn theo các hãng thông tấn quốc tế thì nhu cầu sừng tê giác đang tăng mạnh ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng tê giác bị hạ sát bất hợp pháp ở Nam Phi gia tăng đột biến.
Cách đây mấy hôm, tờ Global Post lại tiếp tục đăng tải một bài viết quy trách nhiệm về vấn nạn săn trộm tê giác trên thế giới cho các băng nhóm người Việt. Bài báo cũng không quên trích dẫn phân tích của một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cho biết, nhiều người Việt rất háo hức chi tiền mua sừng tê giác đơn giản chỉ để chứng minh cho thiên hạ biết họ giàu đến mức nào.
Từ phân tích trên đây, ta có thể gật gù mà tán đồng rằng ông chủ cái sừng tê đình đám này nhất định là người chịu chơi hàng đầu, nếu không muốn nói số 1, của Việt Nam. Lâu nay, người ta cứ bảo đại gia Việt mê đắm sừng tê, nhưng đây là lần đầu tiên một đại gia công khai niềm đam mê ấy. Ngay lập tức, những thứ như đám cưới triệu đô, vàng đeo gãy cổ, thậm chí cả anh Cường đô la hom hem vung tiền sưu tập siêu xe lập tức trở thành trò trẻ nít lăng nhăng. Quý vị thử nghĩ mà xem, mua vàng, làm đám cưới, tậu siêu xe dù xa hoa quá thể nhưng suy cho cùng đều có một giá trị gì đó, làm sao mà oách bằng việc bỏ tiền tỷ ra mua một mẩu sừng có giá trị đúng như móng trâu móng bò hay lông lợn?
Trăm phần trăm, chúng ta là những con... lừa!
Các nhà khoa học đã từng khuyên những người có ý định sử dụng sừng tê hãy gặm móng tay của mình nếu thấy cần, vì sừng tê được cấu tạo từ… chất sừng. Đương nhiên, lời khuyên này của các nhà khoa học chẳng có một tí ti giá trị nào với cánh nhà giàu, bởi đơn giản họ mua nó chỉ để chứng minh mình giàu có kia mà. Điều đó có nghĩa, cái sừng càng vô giá trị, họ càng thấy mình oách hơn trong mắt thiên hạ. Thật đúng là một thú vui làm rạng danh đất nước trên bản đồ thế giới, thậm chí còn đáng tự hào hơn cả danh hiệu uống bia khỏe nhất Đông Nam Á nữa kia.
Trong khi đó, cũng liên quan đến sự ăn và uống của người Việt, mà cũng liên quan đến các loài súc vật, mấy hôm nay, nhiều tờ báo cho biết chúng ta đang đua nhau tống vào mồm các sản phầm từ gà thải loại Hàn Quốc.
Không như sừng tê giác nằm giữa sự canh gác cẩn mật, kín đáo trong nhà đại gia, những con gà thải loại mang quốc tịch Hàn Quốc nằm rất duyên dáng, công khai trong các siêu thị, ngay tại đất Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chẳng biết có phải do điều kiện kinh tế ngày càng đi xuống hay không mà các cửa hàng bán gà lại đông khách mới quý hóa, bất chấp một thực tế là các nước dùng loại gà này để chế biến thức ăn gia súc.
Tinh thần lạc quan số 1 thế giới của người Việt Nam một lần nữa lại được chứng tỏ. Việc ngấu nghiến thứ thực phẩm dành cho động vật này một phần vì giá rẻ, phần khác vì theo nhiều người, nó ngon hơn cả gà công nghiệp. Niềm vui ăn uống cốt sao cho ngon miệng quả thật đã lên ngôi, còn hormon, kháng sinh, hóa chất… tồn dư là cái khỉ gì, đã chết ngay đâu mà sợ.
Nhưng sự lạc quan của người dân khiến thế giới khâm phục một, thì tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý hẳn phải khiến thế giới khâm phục gấp mười. Theo các nhà báo, những con gà Hàn Quốc này được cơ quan chức năng cho phép nhập đàng hoàng, hẳn hoi, chứ tuyệt đối không thèm chịu kiếp hàng nhập lậu lén lút. Dân ta vừa xuề xòa vừa nghèo khó, lại tham ăn tục uống nên thịt thà lèn chặt túi tiền và bộ não đã đành, vậy chứ cơ quan quản lý cũng học giới bình dân chăng?
Quý vị thử nghĩ mà xem, trong khi các đại gia không tiếc tiền mua một món hàng vô giá trị nhưng hiếm có, dù có thể bất hợp pháp, thì đám dân đen lại vì tiếc tiền mà đổ xô mua những thứ độc hại từ nước ngoài để tống vào mồm, với sự dễ dãi rộng rãi bất ngờ từ phía cơ quan chức năng. Thật là một sự kết hợp hoàn hảo giữa giới có tiền, giới bình dân và các cơ quan nhà nước, rồi thiên hạ hẳn phải thấy rõ rằng người Việt chúng ta quả nhiên vô cùng xứng đáng khi sống bên nhau trên cái dải đất hình chữ S này. Với chúng ta, chẳng có gì là không thể.
Dĩ nhiên, thiên hạ cũng sẽ âm thầm tự hỏi, có đất nào như đất ấy không, như cụ Tú Xương của chúng ta ngày xưa.
No comments:
Post a Comment